Ai ra xứ Huế
Cư dân vạn đò - câu chuyện dài kỳ
10:36 | 22/05/2008
Những cái tên người kỳ lạ: CHỨA - ĐẾ - SAY - BIA - NEM - CHẢ - NHẬU - CHƠI - nghe vừa buồn cười nhưng cũng vừa xót xa. Tôi hỏi tiếp:- Nếu như sinh đứa con thứ 9 anh sẽ đặt tên gì?- Tên “CHỊU” - anh Dữ trả lời không chút đắn đo suy nghĩ.Như vậy sau 5 năm, người đàn ông này vẫn mẫn cảm với chức năng thiên phú mà trời cho đó là... bản năng tính dục của chàng Adam đương đại.Việc hình thành các khu định cư cho cư dân vạn đò là một giải pháp hữu hiệu, nó trở thành vấn đề bức xúc, là nhu cầu đòi hỏi của nhiều người dân.

ĐẶT TÊN CON... VÔ TỘI VẠ.
Nói đến Huế không thể không đề cập đến những con thuyền lênh đênh trên sông nước. Đặc biệt, khi đề cập đến chương trình dân số và phát triển không thể không nhắc đến một nhóm đối tượng mang tính đặc thù của chương trình, đó là cư dân vạn đò, những người đang sống trên sông nước.
Theo ước tính hiện nay có khoảng gần 1 vạn người đang sinh sống trên những con thuyền chật hẹp, dọc theo sông Hương và kéo dài trên phá Tam Giang, từ các xã Ngũ Điền của huyện Phong Điền trải dài cho đến đầm Cầu Hai của huyện Phú Lộc.
Khảo sát ở phường Phú Bình TP.Huế cho thấy, cư dân vạn đò là 1226 người, số trẻ em dưới 15 tuổi là 419 em, bằng 1/3 số dân đang sống trên mặt nước. Bình quân 1 hộ có 12 người, một cặp vợ chồng có 5 đến 6 con. Tỷ lệ này đối với cư dân vạn đò sống xa bờ ở trên phá Tam Giang sẽ còn cao hơn.
Trên những khoang thuyền chật hẹp này có diện tích từ 10-20 m2 vẫn còn những gia đình có đến 24 người cùng sinh sống với đầy đủ 4 thế hệ “Tứ đại đồng. .. đò”.
Việc sinh sản theo bản năng tự nhiên cũng còn khá phổ biến, văn hoá thấp, thu nhập chỉ vừa đủ ăn hăng ngày đã tạo ra cho những cặp vợ chồng suy nghĩ hết sức đơn giản trong việc chăm lo và giáo dục con cái, ngay cả việc đặt tên cho từng đứa con cũng đã phản ánh phần nào những tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại từ bao đời nay đối với cư dân sống trên sông nước ở Thừa Thiên Huế.
Chung chiêng trên con thuyền của một cư dân vạn đò Phú Bình, tôi đã nghe anh Phan Văn Dữ, 36 tuổi, vừa chỉ vào từng đứa con của mình vừa đọc tên như sau: CHỨA - ĐẾ - SAY - BIA - NEM - CHẢ - NHẬU - CHƠI”.
Nghe vừa buồn cười nhưng cũng vừa xót xa, tôi hỏi tiếp:
- Nếu như sinh đứa con thứ 9 anh sẽ đăt tên gì?
Tên “CHỊU”. Anh Dữ trả lời không chút đắn đo suy nghĩ.
NHÀ VÔ ĐỊCH... SINH SẢN.
Khi đối diện với chương trình dân số có nghĩa là đối diện với một thức tế mà ở đó tâm lý của cộng đồng về số con, về giá trị con trai, con gái đang là một khoảng cách bỏ ngỏ khá xa so với mong muốn của chương trình. Theo điều tra mẫu năm 1996 của Thừa Thiên Huế có đến 50,1% ý kiến cho rằng nhất thiết phải có con trai để nối dõi tông đường. Và cũng chỉ có 38,4% ý kiến chấp nhận mô hình gia đình nhỏ có từ 1-2 con. Đối với cư dân sống trên sông nước thì sao?
Đó cũng là lý do để chúng tôi xuôi thuyền về phá Tam Giang, đến vạn đò ở xã Phú An, nơi mà cách đây 5 năm, phóng sự “Quên cả tên con” của tác giả Nhất Lâm đã đề cập đến ông Trần Thống 43 tuổi và bà Trần Thị Ký 39 tuổi có cả thảy 15 đứa con đang còn sống. Vậy thì hiện nay, cặp vợ chồng này đang có bao nhiêu con?
- Xin chào anh Thống, cách đây 5 năm tôi đã gặp anh, anh còn nhớ không?
- Dạ nhớ.
- Hiện nay anh có bao nhiêu cháu?
- Dạ, kể ra thì 17 đứa nhưng mà có sa sút 1 đứa, vị chi là 16 đứa.
Như vậy, sau 5 năm, người đàn ông này vẫn mẫn cảm với chức năng thiên phú mà trời cho đó là... bản năng tính dục của chàng Ađam đương đại. Nhìn cháu bé khoảng 2-3 tuổi đang nép sau lưng mẹ với nước da đen trùi trũi, mái tóc vàng hoe vì nắng gió khiến tôi không khỏi chạnh lòng.
Mặc dầu trong 5 năm qua, những nỗ lực về công tác dân số kế hoạch hoá gia đình của xã là không ít nhưng cá biệt vẫn còn có những hộ gia đình sống trên sông nước như gia đình ông Thống vẫn tiếp tục sinh con.
Không chỉ ở Phú An, ở Quảng Công, Quảng Ngạn (Quảng Điền); ở Vinh Giang, Vinh Hiền (Phú Lộc) tình trạng đông con là một điều không thể phủ nhận được, và khả năng sinh sản của những phụ nữ là cư dân vạn đò ở ven phá Tam Giang đang là vấn đề quan ngại hiện nay.
Ơ một bộ phận cư dân vạn đò sống càng cách xa bờ thì mức độ hiểu biết về các biện pháp tránh thai đơn giản như bao cao su, thuốc ngừa thai càng ít. Lý do dễ hiểu là họ sống rày đây mai đó, theo đuôi con cá, con tôm. Và bản thân mạng lưới cộng tác viên dân số hiện nay vẫn chưa với tới được do điều kiện đi lại quá khó khăn, do thù lao cho cộng tác viên quá ít.
Ơ mục 2 điều 5 quyết định 3424/2000/QĐ-UB ngày 19/12/2000 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi rõ “Tăng mức thù lao cho cộng tác viên dân số là 20.000đ/người/tháng”. Như vậy nếu tính cả nguồn của Trung ương thì bình quân mỗi tháng, mỗi cộng tác viên được nhận thù lao là 40.000đ. Tuy nhiên kết quả so với thực tế vẫn chưa đáng là bao do mạng lưới cộng tác viên dân số ở cơ sở vẫn biến động nhiều hằng năm. Số cộng tác viên thật sự tâm huyết với chương trình dân số, đặc biệt là tâm huyết với cư dân vạn đò vẫn còn quá ít.
Tiếp cận chương trình dân số từ góc độ giáo dục, qua những phỏng vấn sâu của chúng tôi cho thấy, vẫn còn khá nhiều trẻ em trong độ tuổi đến trường nhưng không đi học được vì những lý do sau đây:
- Cháu năm nay 16 tuổi, học đến lớp 6 thì phải bỏ học vì trường xa quá, gia đình cháu nghèo, ba cháu không đủ tiền để đóng cho trường” (cháu NTH - vạn đò Vinh Hà - Phú Vang)
- “Cháu không đi học, ở đò vui hơn”
(cháu HVQ - 6 tuổi, vạn đò Phú Hiệp - Huế)
- “Cháu không đi học vì không có sách vở” (cháu TNL - vạn đò Đông Hải - Lộc Trì - Phú Lộc)...
Một trong những yếu tố tác động mạnh mẽ đến mức sinh đó là đời sống kinh tế hiện nay của cư dân vạn đò, trên bình diện chung thu nhập của những người dân khu vực này là rất thấp. Nếu như ở trên phá Tam Giang thì nghề nghiệp chính của họ là đánh bắt tôm cá tự nhiên trên sông đầm bằng phương pháp thủ công, thu nhập từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng một ngày.
Nếu như ở trên các vạn đò dọc sông Hương thì nghề nghiệp của họ là khai thác cát sạn, buôn bán ở chợ Đông Ba, đạp xích lô, và trẻ em có thể kiếm tiền bằng các nghề phụ như bán vé số, đánh giày...
Tuy nhiên, nếu biết tính toán và thực hiện tốt kế hoạch hoá gia đình thì đời sống vật chất và tinh thần của người dân vạn đò sẽ ngày càng được nâng lên như tâm sự của chị Hồ Thị Diều 38 tuổi ở vạn đò Phú Bình TP Huế:
- Một ngày vợ chồng em chở cát sạn một chuyến 70.000 đồng chia ra ăn uống 50.000 đồng, góp hụi 10.000 đồng để cho con ăn học, còn 10.000 đồng gia đình tiêu vặt...
NHỮNG TÍN HIỆU ĐÁNG MỪNG.
Bằng phương tiện xe gắn máy chúng tôi tìm đến nhà ông Chủ tịch xã Phú An (huyện Phú Vang) để minh chứng rõ nét hơn về những đổi thay lớn lao hiện nay của khu định cư dân vạn đò với 233 hộ, 1403 khẩu đã có nơi ăn ở khá ổn định.
Diện mạo của các khu định cư dân vạn đò không chỉ khởi sắc ở Phú Vang, Phú Lộc, Quảng Điền hay những địa bàn khác nằm rải rác trên đàm Cầu Hai, trên phá Tam Giang mà đặc biệt thành phố Huế; ở phường Trường An, Kim Long, Phú Hiệp... chủ trương này đã được cụ thể hoá bằng những chính sách kinh tế và xã hội, bằng hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng cho những khu định cư mới mà người dân vạn đò đã hằng mơ ước tự bao đời nay.
Ở một số vạn đò như Phú Bình, Phú Hậu sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở đã là chiếc cầu nối quan trọng nhằm rút ngắn khoảng cách giữa sự thiếu hụt về vật chất và tinh thần của những người dân sống trên sông nước với đời sống vật chất và tinh thần của đa số cộng đồng đang sinh sống ở trên đất liền, khoảng cách đó chỉ cách nhau đôi bờ của con sông Hương đang chảy giữa lòng thành phố.
Tuy nhiên, khi đến khu định cư của phưòng Phú Hậu, nhiều người dân ở đây đều bày tỏ mong muốn của mình được chính quyền thành phố Huế sớm quan tâm về điều kiện cơ sở vật chất như điện, nước và công trình vệ sinh. Đáng quan tâm hơn cả là 11 hộ nhà chồ từ Phú Bình di chuyển sang Phú Hậu hơn 1 năm nay đang sinh sống trong điều kiện đáng lo ngại về vệ sinh - môi trường và sự đe dọa về tính mạng trong mùa mưa bão năm nay.
Đã có lần một cư dân sống trên sông nước ở xã Điền Lộc (Phong Điền) hằn học nói với tôi rằng: - Nhà nước nói vận động bà con lên định cư ở đất liền nhưng vợ chồng tôi xin mãi mà xã vẫn không cho dựng mỗi cái chòi vì lý do không đăng ký hộ khẩu ở xã.
Thiết nghĩ, vấn đề trên không phải là quá lớn, việc tạo điều kiện thuận lợi, ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân trước hết là trách nhiệm của cấp uỷ chính quyền mỗi địa phương.
Bản chất của chương trình dân số luôn chứa đựng đầy tính nhân bản. Vì vậy, việc hình thành các khu định cư cho dân vạn đò là một giải pháp hữu hiệu, nó trở thành vấn đề bức xúc, là nhu cầu đòi hỏi của nhiều người dân. Bên cạnh đó, việc thay đổi nội dung và phương thức truyền thông cũng như tăng cường hơn nữa cho công tác tư vấn và vận động tại từng hộ gia đình phù hợp với đặc điểm tâm lý, phong tục tập quán của cư dân vạn đò. Điều đó cho thấy muốn chuyển đổi được hành vi các cư dân vạn đò cần phải có sự tác động từ nhiều phía, trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hoá, giáo dục và các chính sách xã hội khác.
Với những nỗ lực đã và đang có hiện nay, chúng tôi tin rằng, bức tranh toàn cảnh về chương trình dân số và sức khoẻ sinh sản của cư dân vạn đò ở Thừa Thiên Huế sẽ ngày càng có những chuyển biến mạnh mẽ hơn.

ĐỨC HÙNG
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng