Ai ra xứ Huế
Lễ cúng 23 tháng năm trong tâm thức của người Huế
11:00 | 22/05/2008
Tế lễ, giỗ chạp, cúng kỵ gắn với người Huế rất sâu. Hình như nhạc lễ cổ truyền xứ Huế cũng hình thành từ đó. Món ăn Huế được chăm chút, gọt tỉa để trở thành một thứ nghệ thuật ẩm thực cũng từ đó. Màu sắc, mẫu mã của nhiều loại trang phục Huế cũng từ đó mà được hoàn chỉnh, nâng cao. Cả những phong cách sinh hoạt nói năng, thưa gởi, đứng ngồi, mời trà, rót rượu... đầy ý tứ của vùng đất nầy cũng đi từ những buổi cúng giỗ đượm mùi hương trầm.
Lễ cúng 23 tháng năm trong tâm thức của người Huế

Ở Huế việc cúng kỵ được chuẩn bị tươm tất chu đáo. Không phải chỉ trong gia đình, họ tộc, làng xã mà cả chốn dinh phủ, triều đình trước đây cũng xem tế lễ, giỗ kỵ là một nghi thức trang trọng, với những chuẩn mực nghiêm ngặt.
Không phải chỉ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ và người thân. Người Huế cẩn trọng cả việc cúng đất tháng Hai, tháng Tám; cúng thần núi, thần sông, thần biển, cây đa bến nước. Cúng cả cô hồn, “Chăm Chi mọi rợ”.
Nhiều người đã từng khẳng định bài văn tế gây xúc động của Nguyễn Du -Văn tế Thập loại chúng sinh- cũng đã được thi hào hình thành từ Huế, ít nhất cũng thai nghén trong không khí khói hương của chốn kinh đô trong thời thi hào làm quan với triều Nguyễn. Có cả một tâm thức Huế trĩu nặng trong vần thơ của Tố Như
            “Tiết tháng Bảy mưa dầm sùi sụt
            Toát hơi may lạnh buốt xương khô
            Não người thay, buổi chiều thu
            Ngàn lau nhuốm bạc, lá ngô rụng vàng
            Đường bạch dương bóng chiều man mác
            Ngọn đường lê lác đác sương sa
            Lòng nào lòng chẳng thiết tha
            Cõi dương còn thế, nữa là cõi âm...”


Có một lễ cúng rất Huế - Cúng “Thất thủ Kinh đô 23 tháng Năm” (âm lịch) mà trước đây người Huế xem là ngày “kỵ chung”, ngày giỗ của cả kinh thành, kéo dài cả vài ba tuần lễ. Cúng trong nhà, trong vườn, trước ngõ, đầu xóm, trong chợ, ở bến đò, bến sông, ở các miếu âm hồn. Từng gia đình cúng, cả xóm cúng, cả chợ cúng... và cả triều đình cũng cúng. Cúng giỗ trải qua gần 120 năm, bất kể những biến thiên của lịch sử vẫn tồn tại trong lòng xứ Huế, bởi cúng 23 tháng Năm đã trở thành một phần của tâm thức Huế.
Lễ cúng bắt nguồn từ một sự kiện lịch sử đặc biệt của kinh thành Huế. Sự kiện thất thủ kinh đô vào đêm 22 rạng 23 tháng Năm năm Ất Dậu 1885.
Thời điểm 1883-1885 là thời điểm nhạy cảm nhất trong lịch sử Việt vào triều Nguyễn, thời kỳ “tứ nguyệt tam vương”, thời kỳ “nhất giang lưỡng quốc”.
Sau cái chết của vua Tự Đức tháng Bảy 1883, sự phân hóa giữa hai phe chủ chiến-chủ hòa trong nội bộ triều Nguyễn đã đến hồi kết cuộc. Phe chủ hòa chiếm số đông nhưng bạc nhược, thiếu ý thức đề kháng đã trở thành sa sút. Phe chủ chiến với vị thế mới của hai vị Phụ chính đại thần Tôn Thất Thuyết, Nguyễn văn Tường đã chi phối được xu thế chính trị của triều đình. Những vị vua có xu hướng thân Pháp lần lượt bị phế truất. Từ tháng Tám 1883, Tôn Thất Thuyết đã cho lập vùng căn cứ Tân Sở ở đồi núi Quảng Trị để chuẩn bị chống Pháp.
Sự kiện thất thủ Thuận An dẫn đến việc phải ký kết các Hiệp ước 1883 và 1884, thực chất nền độc lập của đất nước đã đứng trước nguy cơ sụp đổ. Thực dân Pháp với Toàn quyền Roussel de Courcy mới đến Huế lại ngang ngược muốn bắt Phụ chính đại thấn Tôn Thất Thuyết, buộc vua Hàm Nghi phải xuống ngai vàng đón sứ bộ Pháp, đòi vào Hoàng thành bằng cửa chính Ngọ Môn... đã thực sự là những giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước, đặt Tôn Thất Thuyết và triều đình trước một quyết định lịch sử: chấp nhận hay phản kháng.
Tôn Thất Thuyết đã lựa chọn con đường phản kháng. Bằng binh lực lỗi thời của triều đình, cuộc tấn công vào khu Mang Cá và tòa Khâm sứ Pháp lúc rạng sáng 5-7-1885 (23 tháng Năm âm lịch) của Tôn Thất Thuyết, tuy đầy hào khí nhưng đã mau chóng thất bại. Tôn Thất Thuyết phải đưa vua Hàm Nghi rời khỏi kinh thành ra vùng Tân Sở tổ chức chống Pháp.
Với các mũi phản công quyết liệt, quân Pháp đã đánh chiếm kinh thành Huế từ hướng cầu Thanh Long, cầu Kho, cửa Hậu, cửa An Hòa, cửa Chánh Tây, cửa Đông Ba, cửa Ngăn,. .. Đi đến đâu, những toán quân viễn chinh cũng bắn phá, đốt cháy các bộ viện, doanh trại, nhà cửa, giết bất cứ người nào chúng gặp, bất kể già trẻ, gái trai. Người chết vì súng đạn, chết vì lửa cháy, chết vì tai nạn khi leo thành, nhảy hào trong đêm khuya nhiều vô kể mà ký ức của dân chúng qua bài vè “Thất thủ Kinh đô” đã miêu tả:
            “Trách lòng quan Tướng không troàn
            Hai bên thiên hạ chết oan rất nhiều
            Súng mình nó bắn phiêu phiêu
            Súng Tây nó bắn chết nhiều người ta...”
           
Những tài liệu nghiên cứu đã đưa ra con số khoảng 9.300 binh lính và thường dân Việt Nam bị thương vong trong sự biến thất thủ kinh đô, trong đó khoảng 6000 người bị thương, 3.300 binh lính và dân thường bị tử nạn.
Dưới cái nắng gay gắt của tháng Năm âm lịch ở xứ Huế, với hàng ngàn xác chết không kịp chôn, bị sình thối trên mặt đất, trôi nổi dưới thành hào, giữa dòng sông, trong một kinh thành ngập tràn khói lửa là nguyên nhân làm dịch bệnh bộc phát, lan tràn. Số người chết vì dịch bệnh lại tăng hơn số thương vong vì chiến trận. Dịch bệnh hoành hành suốt hai tháng trời.
Những người Huế sống sót sau sự kiện thất thủ kinh đô đã bàng hoàng, thương tiếc cho người thân, lo sợ các oan hồn tử sĩ, lo lắng trước những tai ương dồn dập đã nghĩ đến việc lập đàn cúng bái. Hàng lọat các đàn âm hồn trong dân gian ra đời. Ngay cả triều đình được lập lại tại Huế dưới sự “bảo hộ” của Pháp cũng lập đàn âm hồn, giao bộ Lễ hằng năm vào dịp 23 tháng Năm tiến hành lễ tế theo nghi thức long trọng của triều đình.

Đi từ một sự kiện lịch sử, một tổn thất về nhân mạng rất lớn của chốn kinh thành, người Huế với phong tục tập quán cúng kỵ truyền thống của địa phương đã tổ chức lễ cúng 23 tháng Năm thành một ngày “quảy cơm chung”, “kỵ chung”, không phải riêng của một nhà nào.
Lễ cúng luôn được tổ chức theo một hình thức cộng đồng: cúng theo đơn vị xóm, phường, chợ, bến đò... do những người trong cộng đồng đóng góp công sức tiền của. Địa điểm hành lễ là giữa chợ, đầu đường, đầu xóm. Ngay trong từng gia đình,lễ cúng cũng được thiết lập ở cửa ngõ, hiên nhà..., những nơi người ta nghĩ rằng các đoàn quân binh và người chạy loạn đã đi qua. Cúng suốt cả hạ tuần tháng Năm, đôi lúc kéo dài sang cả thượng tuần tháng Sáu âm lịch.
Cúng “cô hồn”, cúng “chiến sĩ trận vong”, cúng “Thất thủ Kinh đô”, những khái niệm cúng lễ đó trộn lẫn với nhau thành một hình thức cúng kỵ mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt của chốn kinh thành. Chỉ cách đây trên 30, 40 năm, đi liền với lễ cúng 23 tháng Năm là dịp khắp các bến đò, góc chợ, trong công viên lại xuất hiện những người nói vè “Thất thủ Kinh đô”, đôi lúc gắn liền với vè “Thất thủ Thuận An”. Những biến cố lịch sử bi tráng, những công tội của tướng sĩ, những cảnh ngộ của binh lính... được bài vè trên dưới 1.900 câu kể lể thiết tha, ray rức, mãi mãi gieo vào lòng người dân Huế một ký ức lịch sử đặc biệt, ký ức thất thủ kinh đô.
Trải qua nhiều năm tháng, việc cúng kỵ cho oan hồn những người chết vì chiến trận, chết vì dịch bệnh không còn ghi đậm dấu ấn của những cá nhân hay cộng đồng, thay vào đó là cúng “kinh đô thất thủ”, cúng ngày mất nước, là hoài miệm về một thời kỳ chưa bị lệ thuộc, là nhắc nhở về thân phận của một đất nước bị ngoại bang đô hộ.
Từ lễ cúng 23 tháng Năm đã xuất hiện nhiều bài văn tế, thực chất là những bài văn khóc ngày mất nước, khóc cảnh “địa ngục” nô lệ, kín đáo động viên tinh thần yêu nước thương dân, cầu cho Tổ quốc trường tồn. Cụ Phan Bội Châu trong những năm ở Huế đã để lại bài Văn tế 23 tháng Năm với những lời thống thiết:
“Thống duy!
Âm hồn các vị bà con ta xưa!
Xứ Huế riêng nhà,
Trời chung bóng.
Tính danh ở giữa đế đô.
Mặt mày cũng trong hoàng chủng
...
Ôi thôi! gương cũ chửa lòa,
Vết xưa còn đọng.
Địa ngục biết bao giờ thoát, ghê chán chường tháng đợi năm chờ.
Thiên đường đã kẻ nào thăng, luống mệt mỏi rày trông mai ngóng.
...
Hồn ơi! nào hồn Đông, hồn Tây, hồn Nam, hồn Bắc, chẳng đâu không gọi, gọi thì về,
Hỡi cô phu, cô phụ, cô tử, cô thần, may hãy còn mình, mình hãy cúng.
...
Này hương hoa vàng giấy xôi rượu chuối chè, chút gọi rằng nếm lấy hơi xin nếm lấy lòng, nghĩa đồng chủng đồng bào thác xem như sống.
Hỡi anh linh các đấng, phù trì cho Tổ quốc trường tồn...”

Cả trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, ngay trong lòng đô thị bị chiếm đóng, lễ cúng 23 tháng Năm cũng là dịp vận động tinh thần yêu nước, hướng người dân vươn đến “giành quyền tự chủ”, “phụng thờ Tổ quốc”, “quyết hy sinh”, “nguyện cảm tử”, hướng theo “cờ độc lập”, “chữ tự do” như lời bài văn tế chiến sĩ trận vong cúng thất thủ kinh đô của cụ Lê Văn Hoàng:
“Trên bậc quan viên - Dưới hàng lý bộ,
Lắm kẻ giàu sang - Nhiều người cực khổ.
Bỏ gia đình mà gánh vác giang sơn,
Đem tánh mạng mà giành quyền tự chủ..
Cờ độc lập đã lan tràn trên tám cõi, nào xung phong, nào cảm tử, đuổi quân thù cho khỏi chốn biên cương.
Chữ tự do vang dậy cả năm châu, những bồng súng, những cầm gươm, gặp lũ giặc ra tay đánh đổ.
Đem dạ sắt mà phụng thờ Tổ quốc, chẳng quản chi đạn lạc tên bay
Quyết hy sinh mà thề với đồng bào, nguyện cảm tử không nề chi xương máu.
Lịch sử đã chuyển sang một trang mới. Đất nước độc lập. Thảm cảnh lệ thuộc đã lùi vào quá khứ. Lễ cúng 23 tháng Năm vẫn tồn tại như ngày cúng chiến sĩ trận vong theo phong cách Huế, ngày tưởng nhớ về công đức của một quá khứ đấu tranh, thể hiện qua những anh hùng không tên tuổi đã hiến mình cho nền độc lập của dân tộc.
Và sâu thẳm hơn, lễ cúng 23 tháng Năm tồn tại trong lòng Huế như một phần của tâm thức Huế, gắn bó mật thiết của một thời kinh đô, tưởng vọng tiền nhân, xót thương chúng sinh đầy tính nhân bản của văn hóa Huế.

TRƯƠNG THỊ CÚC
(nguồn: TCSH số 149 - 07 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng