HỒ VĨNH
Vừa qua Tạp chí Sông Hương Đặc biệt số 19 tháng 12/2015 đã đăng ba bài viết cung cấp một số tư liệu có liên quan đến Hội Quảng Tri ở Huế của các tác giả sau đây:
1) Hồ Vĩnh, “Hội Quảng Tri ở Huế”.
2) Dương Phước Thu, “Hội quán Quảng Tri - Nhà đại chúng ở Huế”.
3) Phước Vĩnh, “Hội Quảng Tri qua một số sách báo”.
Mới đây chúng tôi tìm thấy thêm tư liệu có tựa đề: “Một cơ quan nghiên cứu quốc học”, tác giả là ông Đào Đăng Vỹ, hội trưởng Hội Quảng Tri Huế; bài viết đã công bố trên Tạp chí Tri Tân năm 1942. Đây là tạp chí văn hóa, trụ sở tòa báo ở Hà Nội.
“Hội Quảng Tri Trung kỳ ở Huế, cũng như hội Trí Tri ở Bắc Kỳ và hội Khuyến học ở Nam kỳ, mấy lâu theo chương trình buổi đầu, chỉ chú trọng về việc nghiên cứu pháp văn và hoạt động về mặt văn hóa Tây Phương. Mới đây, sau một cuộc bàn bạc, có mời nhiều nhà nho học lão thành và hầu hết các thanh niên trí thức ở Huế tham dự, Hội Quảng Tri đã mở rộng phạm vi hoạt động, và ngoài những công việc hội thường làm đặt một ban nghiên cứu quốc học để sửa lại chỗ thiên lệch bấy lâu.
Công việc của ban nghiên cứu gồm có những việc sau này:
1- Lập một thư khố Hán - Việt sẽ thu trữ những tài liệu và sách vở bằng chữ Hán hoặc chữ Trung Quốc hoặc của nước ta.
2- Tổ chức những tiểu ban để nghiên cứu những vấn đề học thuật hoặc để phiên dịch những sách xưa có quan hệ về đến quốc học, hoặc sách ngoại quốc có thể có ảnh hưởng cho học thuật nước nhà.
3- Tổ chức những lớp giảng về văn học, sử học nước nhà và Hán học.
4- Xuất bản một tập san để in những bài nghiên cứu và những bài giảng và xuất bản những sách phiên dịch có giá trị.
5- Liên lạc với những cơ quan khác ở Nam, Bắc Kỳ cũng theo đuổi một mục đích về văn hóa.
Ban nghiên cứu gồm có một ủy ban giám đốc và nhiều tiểu ban nghiên cứu hoặc phiên dịch.
Ủy ban giám đốc hiện nay gồm có sáu người:
Các ông: Ưng Bình: Ban trưởng
Đặng Văn Hướng: cố vấn
Trần Đình Cáp: cố vấn
Nguyễn Lân: thư ký
Lê Xuân Phương: phó thư ký
Đào Duy Anh: thủ thư.
Về thư khố thì đã mua được 2 nghìn rưỡi sách chữ Hán, quan trọng nhất là bộ Tứ khố toàn thư sơ tập gồm những sách trọng yếu và hiếm có trong bốn Bộ Kinh, Sử, Tứ, Tập, là tất cả những tinh hoa của văn học Á đông.
Ủy ban sẽ xin in lại hết cả các sách về lịch sử Việt Nam hiện có bản in ở Quốc sử quán và sẽ mua, chép, mượn hoặc xin những sách chữ Hán của nước ta. Về việc thu thập sách hạng này, Ủy ban chúng tôi trông mong ở các thế gia Đại tộc đương còn giữ được nhiều sách xưa hoặc gửi biểu sách cho hội, hoặc gửi hội giữ sách hộ, hoặc cho phép biên chép lại để tiện việc nghiên cứu của các học giả.
Về việc nghiên cứu và phiên dịch thì đã tổ chức được 5 tiểu ban chuyên trách những việc:
1- Đính chính và phiên dịch sách “Phủ Biên tạp lục” của Lê Quý Đôn.
2- Phiên dịch sách Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân.
3- Đính chính và chú giải bài “Tự tình khúc” của Cao Bá Nhạ.
4- Viết sách phổ thông về kinh tế học và xã hội học.
5- Viết sách phổ thông về triết học phương Tây.
Về việc mở lớp giảng thì đã mời được nhiều giảng viên tân học và cựu học. Đoàn thể giảng viên sẽ thảo chương trình trọn một năm và đem công bố. Muốn theo học những lớp ấy phải trả tiền chút đỉnh.
Ban nghiên cứu quốc học có nhận những tham dự thông tín ở xa, vậy chúng tôi mong rằng các nhà thức giả, đồng chí ở xa sẽ vui lòng giao thiệp với chúng tôi về các vấn đề học vấn.
Lại mong các ngài ở Huế để xin vào hội rất đông để ủng hộ công việc của chúng tôi theo đuổi cho chóng thành công.
Ai hỏi điều gì về việc hội xin cứ gửi thư cho: ông Đào Đăng Vỹ, hội trưởng Hội Quảng Tri Huế”.(1)
Qua nghiên cứu của chúng tôi, ông Đào Đăng Vỹ làm hội trưởng Hội Quảng Tri Huế trong gần 15 năm (1935 - 1949).
H.V
(SHSDB22/09-2016)
..........................................
(1) Đào Đăng Vỹ, “Một cơ quan nghiên cứu quốc học”, Tạp chí Tri Tân, năm thứ hai - số 42, tuần lễ từ thứ tư 8 đến thứ ba 14 Avril 1942, trang 23. Xem thêm Hồ Đăng Thanh Ngọc “Thêm một tư liệu liên quan đến Hội Quảng Tri - Huế”, báo Thừa Thiên Huế, 25/2/2016.