TRƯỜNG AN
Giấc mơ đó, cũng chính là sự thể hiện quyết tâm với thái độ quyết liệt để phát triển du lịch Thừa Thiên Huế; nhiều chủ trương và giải pháp được coi là có tính đột phá mạnh mẽ và quyết liệt nhất từ trước đến nay vừa được đề xuất. Toàn tỉnh đang phấn đấu trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của cả nước và khu vực; một điểm đến ngang hàng với các thành phố di sản văn hóa nổi tiếng thế giới.
Thiên nhiên, di sản, con người và cả mưa Huế
Thừa Thiên Huế không chỉ là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên đa dạng và phong phú, mà trên cơ sở đó, người dân xứ sở từ xưa đã xây dựng ở đây một nền văn hóa, lịch sử đặc sắc của Việt Nam. Cho đến nay, vùng đất đã sở hữu đồng thời năm di sản vật thể và phi vật thể thế giới được UNESCO công nhận; bên cạnh đó, trong bối cảnh môi trường nhiều nơi bị tàn phá thì ở đây vẫn giữ được môi trường cảnh quan mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng: bờ biển dài với nhiều bãi biển nguyên sơ, hệ đầm phá Tam Giang lớn nhất Đông Nam Á, các dòng sông thơ mộng và những thác ghềnh, núi non hùng vĩ… Tất cả đã làm cho không gian du lịch di sản và sinh thái của vùng đất hội đủ các điều kiện cần để trở thành một trung tâm văn hóa, du lịch hàng đầu của cả nước và ngang tầm quốc tế.
Ngoài ra, Thừa Thiên Huế có địa chính trị - kinh tế quan trọng, phía đông giáp biển, phía tây giáp Lào, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ của tuyến hành lang kinh tế đông - tây nối Myanmar, Thái Lan, Lào với biển Đông qua trục giao thông quốc lộ 1A chạy dọc chiều dài, là trung điểm trong hành trình ‘‘con đường Di sản văn hóa thế giới miền Trung’’ và ‘‘con đường xanh Tây Nguyên’’; có hệ thống giao thông thuận lợi với cảng biển nước sâu Chân Mây, cảng Thuận An; sân bay quốc tế Phú Bài.
Và khí hậu của vùng đất cũng mang những nét riêng hiếm gặp, ví như mùa mưa Huế, mưa đã không chỉ là một hiện tượng thiên nhiên đơn thuần như bao vùng đất khác, mưa ở đây còn là thứ mưa đầy văn hóa tâm thức, đầy hoài niệm trong mắt bao du khách…
Và cả người Huế nữa, chủ nhân của cung cách ứng xử văn hóa, của những khu vườn xanh đặc trưng rất mực gần gũi thiên nhiên, của hàng ngàn món ẩm thực Huế đã được xem như một nghệ thuật thượng thừa. Đây thật sự là căn nền tuyệt vời cho phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế.
Vì một điểm đến đẳng cấp
Thừa Thiên Huế đang nhắm đến việc đưa du lịch, dịch vụ thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn. Thời gian tới, toàn tỉnh sẽ tập trung phát triển đa dạng các loại hình du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí; du lịch lễ hội, ẩm thực; du lịch trải nghiệm… có tính đột phá với tốc độ cao hơn giai đoạn 2010 - 2015.
Tuy sẽ quyết liệt để tạo dựng hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với nhiều mới lạ, hấp dẫn và đa dạng, song không vì thế mà đánh đổi mọi giá, nhất là việc gìn giữ môi trường. Chính vì vậy, tỉnh đã xác định rõ, phát triển du lịch phải đảm bảo tính bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, tôn tạo các tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn.
Nhằm khắc phục những bất cập trong nhiều năm qua, đồng thời khôi phục lại vị thế vốn có của mình, Thừa Thiên Huế sẽ chú trọng xây dựng trở thành một điểm đến với hệ thống dịch vụ có sức cạnh tranh cao có tính đẳng cấp quốc tế; ưu tiên thu hút các dự án lớn đầu tư các khu du lịch cao cấp, gắn với phát triển dịch vụ đồng bộ, hấp dẫn; trọng tâm là đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, dịch vụ mang bản sắc văn hóa Huế; nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch di sản…
Toàn tỉnh sẽ tổ chức cho các làng nghề truyền thống hội nhập phục vụ du lịch gắn với đầu tư kết nối các điểm đến. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các loại hình như: du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh; du lịch cộng đồng; du lịch sinh thái; du lịch biển, đầm phá; du lịch hội nghị, hội thảo (MICE); du lịch ẩm thực, du lịch vui chơi giải trí, du lịch mua sắm… Đặc biệt khuyến khích nhà đầu tư vào các khu du lịch, các sản phẩm du lịch cao cấp ở vùng ven biển, đầm phá, ở Chân Mây - Lăng Cô và Bạch Mã để bổ sung cho thành phố di sản Huế. Chú trọng khai thác thị trường khách du lịch quốc tế đến từ các nước Tây Âu; Bắc Mỹ; thu hút, phát triển mạnh thị trường Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực hành lang kinh tế Đông - Tây và Đông Bắc Á. Bên cạnh đó, phát triển mạnh thị trường du lịch nội địa. Phấn đấu đến năm 2020, du lịch - dịch vụ đóng góp trên 55% GRDP của tỉnh; thu hút trên 5 triệu lượt khách, trong đó, 3 - 3,5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế phấn đấu đạt 2,5 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt khoảng 6.000 tỷ đồng. Đến năm 2030, thu hút hơn 7 triệu lượt khách, trong đó, có 5 triệu lượt khách lưu trú; khách quốc tế đạt 3,5 triệu lượt; doanh thu du lịch đạt 18.000 - 20.000 tỷ; thời gian lưu trú bình quân trên 2,5 ngày.
Giải pháp quyết liệt từ hạ tầng đến sản phẩm
Tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp quyết liệt, trong lúc vẫn tập trung giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển du lịch với phát triển công nghiệp, nông nghiệp; gắn phát triển du lịch với văn hóa và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường. Tỉnh tiến hành thực hiện tốt quy hoạch không gian, hạ tầng du lịch trên cơ sở gắn kết với các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung, Bắc Trung Bộ và tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Trong đầu tư, ban hành các chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch, chú trọng những nhà đầu tư có thương hiệu đẳng cấp. Huy động các nguồn lực để thực hiện các dự án: nâng cấp Cảng hàng không quốc tế Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây; cảng biển du lịch quốc tế tại khu Chân Mây. Chú trọng tháo gỡ, liên kết với các doanh nghiệp duy trì, nâng cao tần suất và mở thêm các đường bay trong nước; liên kết mở các đường bay kết nối với các cố đô trong khu vực và đường bay quốc tế. Tập trung đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch, trong đó, ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông và phát triển phương tiện giao thông công cộng kết nối đồng bộ thành phố Huế đến các điểm tham quan, các vùng trọng điểm du lịch quốc gia (Cảnh Dương - Lăng Cô), điểm du lịch quốc gia (Bạch Mã); vùng biển, đầm phá (biển Thuận An, Vinh Thanh, Vinh Xuân) và vùng phía Tây Thừa Thiên Huế. Đẩy mạnh xã hội hoá trong công tác đầu tư phát triển du lịch, khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân tham gia hoạt động kinh doanh du lịch dưới các hình thức khác nhau; đặc biệt, có cơ chế thích hợp thu hút nguồn vốn trong dân đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh cũng sẽ nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; gắn phát triển du lịch với văn hóa, y tế, giáo dục - đào tạo…
Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định các nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành năm 2020. Đó là phát triển nhiều sản phẩm du lịch, dịch vụ có thương hiệu và đẳng cấp như tái hiện “Hoàng Thành xưa” trong Đại Nội về đêm với việc tổ chức: đêm Hoàng Cung, thưởng thức yến tiệc Cung đình, khám, chữa bệnh Đông y, các trò chơi Cung đình... kết hợp các lễ hội: Áo dài Huế; ẩm thực Cung đình Huế... Xây dựng tour, tuyến du lịch đường thủy dọc sông Hương kết hợp thưởng thức ẩm thực; đồng thời, phát triển dịch vụ 2 bên bờ sông Hương. Đầu tư xây dựng hình thành trung tâm mua sắm cao cấp, dịch vụ vui chơi, giải trí; ẩm thực Huế và biểu diễn văn hoá, nghệ thuật ở khu vực cảng Chân Mây nhằm phục vụ khách du lịch tàu biển. Hoàn thành khu phố đêm đi bộ gắn với tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn văn hoá, nghệ thuật và trải nghiệm ẩm thực. Hình thành bộ quà tặng lưu niệm mang thương hiệu Huế. Tập trung cải thiện môi trường du lịch; phủ sóng Internet toàn bộ thành phố Huế; gắn camera ở một số điểm du lịch có nhiều du khách tham quan, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho du khách; tăng cường kiểm tra việc các cơ sở kinh doanh dịch vụ niêm yết giá dịch vụ; thực hiện các giải pháp chống phá giá buồng, phòng và tranh giành đưa đón, chèo kéo du khách ảnh hưởng đến tính thân thiện môi trường du lịch Huế. Đặc biệt, thành lập trung tâm thông tin, đường dây nóng và bộ phận thường trực 24/24 giờ để hỗ trợ du khách. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền người dân Huế thân thiện và niềm nở khi giao tiếp với du khách…
Những điểm nhấn cần xúc tiến mạnh mẽ hơn
Du lịch đầm phá Tam Giang đã được nhiều doanh nghiệp chú ý, song đến nay nó vẫn chưa thật sự được khai thác đúng tiềm năng. Năm 2012, có 46 đoàn với 500 du khách tham gia tour phá Tam Giang; năm 2016 mới tăng được gấp đôi số đoàn. Năm 2016, tỉnh hỗ trợ cho Quảng Điền 5 tỷ đồng để đầu tư bến tàu du lịch, huyện vận động doanh nghiệp đầu tư 9 tỷ đồng xây chuỗi nhà hàng bến đò Cồn Tộc, xây nhà trưng bày đầm phá… Tuy nhiên, các sản phẩm du lịch đầm phá được xem là chưa nhiều để đáp ứng nhu cầu của du khách, bởi lui tới cũng chỉ kể ra được không nhiều: tham quan đầm phá, khám phá lễ hội địa phương dịp xuân về như vật Thủ Lễ, chợ phiên Quảng Ngạn, đu tiên Phước Yên…
Ở Huế, hệ thống sông Ngự Hà đã được đầu tư rất nhiều kinh phí để phục hồi, cảnh quan được tôn tạo rất đẹp song chưa khai thác nhiều. Nhiều người cho rằng có thể tổ chức các tour du lịch lý tưởng tuyến Đông Ba - Ngự Hà; Ngự Hà - Kẻ Vạn - sông Hương… Giới chuyên môn đã có đề xuất khai thác bằng việc dựng những chòi nổi, nhà nổi phục vụ ẩm thực Huế ở hai bờ dọc sông kinh thành… Riêng với sông Hương, cần đẩy mạnh khai thác tour du lịch đường thủy dọc sông Hương ra phá Tam Giang, thăm phố cổ Bao Vinh, ngả ba Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên…
Hiện thành phố Huế đã quy hoạch đến 2020 với nhiều dịch vụ mới gắn theo sông Hương như diễu hành thuyền rồng truyền thống kèm biểu diễn âm nhạc và ánh sáng từ cồn Dã Viên đến cồn Hến nhằm thu hút du khách lưu trú lại Huế lâu hơn…
Cũng thường khi Huế vào đông, du khách giảm hẳn. Vậy thì tại sao Huế không tính đến một khu ẩm thực mùa đông cho du khách?
T.A
(SHSDB23/12-2016)