Ai ra xứ Huế
Vài chuyện về trị thủy ở Huế thời Nguyễn
08:06 | 08/02/2017

DƯƠNG VIỆT QUANG

Sử cũ cho thấy rằng, triều Nguyễn đã rất chú trọng việc đầu tư thủy lợi, giao thông đường thủy. Một thống kê từ “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ” cho biết, có đến gần 60 lần các vua Nguyễn ban hành chỉ dụ về việc đào sông, nạo vét kênh rạch… ở 15 tỉnh trong cả nước.

Vài chuyện về trị thủy ở Huế thời Nguyễn
Sông đào Lợi Nông khắc trên Chương đỉnh

Đào sông lớn ở Huế

Trong 3 triều vua đầu, các vua đã cho đào nhiều con sông lớn trong cả nước, trong đó có những con sông ở Huế: sông Như Ý, Lợi Nông, Phổ Lợi (Huế), sông Thoại Hà (Long Xuyên), sông Vĩnh Tế (Châu Đốc - Hà Tiên), Vĩnh Điện (Quảng Nam), Vĩnh Định (Quảng Trị), Cửu Yên (Hưng Yên), Phổ Lợi (Huế), Tân Châu (Tiền Giang).

Triều Gia Long đã đào 3 con sông lớn ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Sông Lợi Nông (An Cựu) được đào từ năm Gia Long thứ 13 (1814), bắt đầu từ sông Hương, sông chảy qua làng mạc rồi đổ vào đầm Hà Trung, tổng cộng dài gần 20km. Trong bài thơ “Đông Lâm dực điểu” (Bắn chim ở Đông Lâm), vua Thiệu Trị có đoạn thơ về sông, toàn bộ bài thơ được khắc vào bia đá dựng ven sông, đoạn chảy qua làng Thần Phù, Hương Thủy:

“Loại tháo lô phì tẩy lục sa
Giang thôn thu thụ tịch dương tà
Không lâm ẩn ước quy cầm tập
Tiểu giãn tì liên phiếm nghịch qua

(Nước rút đi, những chòm lau tươi trên cỏ xanh/ khắp vùng giang thôn đón rợp ánh dương tà/ từng đàn chim bay về hội tụ ẩn hiện trong khoảng rừng/ trong dòng nước lá sen, bầy chim nghịch lội qua)

Triều Minh Mạng cho đào sông Phổ Lợi (từ 1836). Con sông này thông từ sông La Ỷ đến hạ lưu sông Diên Trường với chiều dài khoảng 11km, phần đào thêm khoảng 2km có khả năng chia nước sông Hương vào mùa lũ, cấp tưới nước vào mùa hè. Năm sau, 1837, khi thấy việc đào sông Phổ Lợi không đạt yêu cầu, vua Minh Mạng chỉ dụ: “Năm trước khai đào sông Phổ Lợi để cho có lợi muôn đời không cùng. Lần ấy vì mưa lụt, chưa được thành công. Đã chuẩn ý cho sang xuân tiếp tục làm. Nay thời tiết tạnh nắng, chính là lúc có thể thi công được. Vậy giao cho kinh doãn liệu thuê dân hạt 3000 người, cứ chiếu chỗ nào năm ngoái hiện chưa làm xong và một đoạn hướng mới làm tiếp. Lấy ngày tháng giêng năm nay khởi công, theo đúng quy thức mà khai đào, sao cho trong tháng 2 phải nhất loạt hoàn thành”. Vua Thiệu Trị trong khi tuần du về Thuận An, qua sông này đã tức cảnh bài thơ “Quá Phổ Lợi hà cảm tác” cũng khắc bia đá dựng bên bờ. Mở đầu có đoạn:

“Ngưỡng duy phòng hải niệm
Cánh thả vị nông trù
Tùy thế kỳ giang quýnh
Hưng công phát nô tu”

(Ngưỡng vọng công người xưa trong phòng thủ biển/ vì sự trù phú của nhà nông mà giúp canh tác/ tùy thế đất thế sông mà lo toan/ kho công lại lo chi tiền bạc).

Bài thơ cũng nhắc lại sự kiện dân 6 xã như Dương Nỗ, La Ỷ… nguyện đem hết già trẻ, gái trai cùng đào sông, cho thấy tinh thần và trách nhiệm của người dân Huế trong việc trị thủy.

Hình ảnh sông Phố Lợi sau được khắc trên Nhân đỉnh, cùng 5 con sông đào khác. Năm 1826, vua cho vét sông Ngự Hà với 6000 dân binh cùng làm…

Thủy lợi và đắp đê trong các làng xã

Năm 1820, dân xã An Vân và Đốc Sơ (Hương Trà) dinh Quảng Đức tâu xin được miễn lao dịch để đào mương lấy nước tưới ruộng đồng. Năm 1821, dân xã An Lai (Quảng Đức) tâu xin miễn 6 tháng lao dịch để đào sông. Vua khen, cấp thêm cho 100 phương gạo để giúp phí tổn. Năm Minh Mạng thứ 18, vua chuẩn tấu cho xã Thế Lại Thượng (huyện Hương Trà) khai đào sông từ Kim Long về Bao Vinh. Năm 1881, miễn trừ việc thuế, sưu dịch cho Thanh Thủy Chánh, Thanh Thủy Thượng để khới vét sông…

Việc đào sông không tiến hành theo cá nhân mà là sự chung sức từng làng, liên thôn, có khi liên tỉnh như hai xã Lễ Môn (Quảng Trị), An Ninh (Quảng Đức) do “khe ngòi bị tắc, xin rút binh xã về để khơi đào” (Đại nam thực lục). Các làng cũng tự đứng ra làm thủy lợi dưới sự chỉ huy của cai đội làng như trường hợp ở làng Hiền Lương dưới thời Minh Mạng. Cai đội trực tiếp chỉ huy binh lính và nhân dân trong tổng cùng đào con mương qua trảng cát, lấy nước ngầm từ dãy Trường Sơn giải khát cách đồng Hiền Lương và toàn vùng lân cận.

Ở vùng Truồi, đầu thập niên 60 của thế kỷ XIX, Dinh điền sứ 2 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên là Trần Đình Túc đã cùng với cụ Vệ nông Lê Dõng chỉ huy dân làng đắp đập sông Truồi ngăn mặn, giữ ngọt; chủ động tưới tiêu hàng vạn mẫu ruộng, biến ruộng 1 vụ thành 2 vụ ở 2 tổng An Nông và Lương Điền. 100 năm qua, phù sa sông Truồi được chặn lại bồi đắp nên hàng ngàn mẫu ruộng nhất đẵng điền ở các xứ Ba Gò, Cồn Nổi, Bàu Mới, Đồng Rớ, Càng Cua… Cụ Lê Dõng được dân quý trọng đặc cách thờ ở đình Bàn Môn sau khi qua đời, dân xứ Truồi cũng lập miếu thờ ông.

Bên cạnh mương, hói tưới tiêu, nhiều làng xã cũng tiến hành đắp đê nhằm ngăn lũ lụt và giữ nước trong ruộng. Năm 1828, xã Phù Bài (Thừa Thiên) xin phép cho biền binh gia cố đê. Năm 1832, dân 2 xã Vĩnh Xương (Phong Điền) và Thủ Lễ (Quảng Điền) hiệp lực bồi đắp đê vệ nông. Năm 1839, dân xã Diên Trường (Phú Vang, phủ Thừa Thiên) đắp con đê nhỏ ngăn nước phía tây sông Phổ Lợi.

Những làng gần biển cũng đã đắp đê ngăn mặn, tránh triều cường. Ngoài những đê công do nhà nước đắp, từng làng cũng chủ động đắp các đoạn đê sung yếu. Năm 1824, xã Thanh Hương (Quảng Điền, Thừa Thiên) xin vua nghỉ phu dịch 3 tháng để bồi đắp đê ngăn mặn; năm 1825, lại xin mượn binh biền chung sức bồi đê trong làng. Năm 1827, đê ngăn mặn làng Dương Nổ (Phú Vang, Thừa Thiên) bị vỡ, dân xin miễn lao dịch để tu sửa, vua y cho…

Thời Pháp thuộc, việc thủy lợi không còn được quan tâm như trước. Năm 1930, chính quyền bắt dân khai hoang 2 mẫu ruộng ở đầm Cầu Hai trả công rất rẻ mạt, 1 ngày công chỉ trả 1 lon gạo, vì vậy dân chỉ đi làm gượng ép chứ không nhiệt thành như trước. Năm 1935, nhân dân Bàn Môn, Lộc An, Lộc Bổn, Thủy Tân (Phú Vang, Phú Lộc) đã kết hợp đấu tranh yêu cầu chính quyền thực dân phong kiến phải tiến hành đắp đập Hà Trung ngăn mặn cứu lúa…

Hương ước tham gia quản lý thủy nông

Hầu như trong tất cả các hương ước làng xã của Thừa Thiên những năm 1802 - 1945 đều có đề xuất các quy định về việc đắp đê phòng chống lụt, hộ đê, coi sóc, duy tu các tuyến đê, kênh mương dẫn thủy nhập điền. Thời Minh Mạng, năm 1836, lý trưởng xã Phù Bài đệ tờ trình xin cấm trâu bò, vịt, người làm nghề cá gây ảnh hưởng đến đê đập, làm tắc nghẽn kênh mương. Thời Thiệu Trị, năm 1847, điều lệ xã Đông Xuyên (Quảng Điền) nghiêm cấm thả trâu bò dẫm đạp làm hư hỏng bờ đạp, chặt phá tre ở hai bên bờ đê ở xứ Miếu Đồng. Người nào vi phạm phải chịu phạt 1 con heo trị giá 5 quan tiền, ngoài ra còn thu thêm 2 quan tiền để thưởng cho người có công phát hiện. Thời Tự Đức, điều lệ xã An Gia quy định: “Phàm những đường nhánh nước chảy trong xã, hễ người nào tự tiện đắp lại bắt cá, người phát hiện sẽ được thưởng tiền 1 quan, người bị bắt phải chịu phạt vạ 1 heo và một bàn trầu cau rượu”. Thời Thành Thái, hương ước làng Phong Lai nghiêm cấm đi tắt làm sụt lở dãy đê quai để bảo hộ nhà cửa và phòng ngừa nước lụt…

Nhiều làng quy định khi đồng ruộng đã gieo cấy xong, trâu bò phải thả đến nơi hoang nhàn để chăn đón, không được cho trâu bò ăn nơi bờ ruộng… Ví như hương ước làng Phù Bài năm 1831: răn những ai ăn lương điền và khẩu phần điền ở gần sông lớn, đường nhỏ thì trừ dư ra 5 thước, nếu gần khe nhỏ thì nên dư 3 thước. Răn từ nay hai bên bờ sông và các rạch lớn nhỏ đến kỳ hạn hán nên được đưa nước vào ruộng để cứu lúa nhưng đến tháng 7 thì tất cả phải đắp lại để khỏi nước lụt sạt lở… Làng Bàn Môn quy định nếu làng tổ chức nạo vét kênh mương định kỳ, tất cả các gia đình phải tham gia; nếu có 1 mẫu ruộng thì phải cử 2 người, 3 - 5 sào thì phải có 1 người. Trước khi gieo lúa, làng cắm cây nêu đầu làng, trên cột 3 cái roi để nhắc dân làng không được đưa trâu bò ra phá, phải đi cắt cỏ trữ sẵn trong nhà. Mõ làng lại đi rao: “Cấm trâu leo kè, cấm nghé leo đường, cấm đập cấm đường, bao nhiêu cấm hết”…

Lại có hương ước về việc coi sóc tu bổ thủy lợi trong làng, như điều lệ làng An Gia định lệ cứ tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng bảy thì lý dịch phải sức dân dự phòng tu bổ các nơi cầu cống đường sá, đê điều trong xã. Tờ cấm xã Thủ Lễ (Quảng Điền) quy định việc xây dựng nhà ở cạnh đe đập, bất kể quan viên, lính tráng, già lão hay nhân dân thì đều phải trình lên, hội đồng lý trưởng, hương chức xem xét, bàn thảo. Nếu thuận cho ai thì vuông đất bề dài 12 thước, bề rộng tùy theo bờ đê bên đường phải đắp đúng y như cũ, không được đào phá đường đê, vùi lấp bờ sông…

Bộ máy hành chính làng xã đều phải chịu trách nhiệm trong quản lý đê đập, đường sá, cầu cống. Các làng xã đều xây điếm canh, cử tuần đinh canh phòng, kiểm tra các công trình công cộng, đặc biệt là hệ thống thủy nông.

Với sự quan tâm từ triều đình đến địa phương, sự chung sức của toàn dân, việc trị thủy, thủy lợi tại Thừa Thiên Huế dưới triều Nguyễn đã có những thành tựu lớn, làm thay đổi bộ mặt kinh tế nông thôn, cảnh quan môi trường, người dân gắn bó với nhau hơn trong quá trình xây dựng thủy lợi và hộ đê… Âu đó cũng là bài học cho hậu thế khi nhìn lại những gì mà cha ông xưa đã thực hiện.

D.V.Q  
(SHSDB23/12-2016)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng