Ai ra xứ Huế
Quan hệ hợp tác Việt - Nhật nhìn từ công tác nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế
09:07 | 24/02/2017

Mối quan hệ hợp tác về trùng tu di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản tại cố đô Huế đã được đặt nền móng từ đầu thập niên 1990 bằng dự án trùng tu công trình Ngọ Môn, một biểu tượng của Huế.

Quan hệ hợp tác Việt - Nhật nhìn từ công tác nghiên cứu, đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế
TS.Phan Thanh Hải (mang kính, hàng đầu) cùng đoàn cán bộ của Viện Di sản Waseda khảo sát ở Đại nội-Huế

Từ đó đến nay, mối quan hệ hợp tác giữa hai bên càng ngày càng đi vào chiều sâu; tiêu biểu nhất là hợp tác nghiên cứu giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Thế giới của Đại học Waseda.
Nhân dịp Nhật hoàng Akihito và hoàng hậu thăm Việt Nam và đến Huế, TCSH xin giới thiệu bài của TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế viết về quá trình hợp tác và những kết quả chính của quá trình hợp tác trên.
Có thể xem đây là một ví dụ điển hình về quan hệ hợp tác về văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thời gian qua.



TS. PHAN THANH HẢI

Mối quan hệ hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (dưới đây gọi tắt là Trung tâm) và Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO - Đại học Waseda, Nhật Bản (Viện Di sản Waseda) được khởi đầu từ những năm 1991-1993 khi Giáo sư Tiến sĩ Nakagawa Takeshi tham gia Dự án Trùng tu Di tích Ngọ Môn với tư cách là giám sát kỹ thuật của UNESCO.

Nhìn nhận được những giá trị đặc biệt hàm chứa trong kiến trúc cung điện Huế, Giáo sư Tiến sĩ Nakagawa cùng với đồng nghiệp của mình ở Đại học Waseda – Nhật Bản đã thiết lập một chương trình nghiên cứu bảo tồn dài hạn dưới sự tài trợ của Bộ Giáo dục – Văn hóa – Khoa học – Thể thao Nhật Bản.

Từ năm 1994, Trung tâm chính thức là đối tác phối hợp chính với Phòng Nghiên cứu kiến trúc di sản châu Á-WARAL (được biết đến với tên gọi mới từ năm 2001 là Viện Nghiên cứu Di sản Thế giới UNESCO thuộc Đại học Waseda) thực hiện chương trình nghiên cứu bảo tồn chiến lược nhằm từng bước phục hồi hệ thống cung điện của quần thể di tích cố đô Huế. Đây là một chương trình dài hạn, được triển khai và thực hiện một cách khoa học trong suốt 18 năm qua với sự tham gia thường xuyên của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia cùng đội ngũ cán bộ kỹ thuật của cả hai phía Trung tâm và Viện Di sản Waseda nhằm nghiên cứu bảo tồn đã được thực hiện một cách khoa học và có hệ thống với những mục tiêu toàn diện và đa dạng: Nghiên cứu toàn diện về di sản, cung cấp cơ sở khoa học cho các dự án bảo tồn trùng tu di tích Huế; thiết lập phương pháp luận bảo tồn theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo tồn tính chân xác và nâng cao giá trị di sản; ứng dụng chọn lọc công nghệ bảo tồn của Nhật bản vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ nghiên cứu bảo tồn; nghiên cứu khả thi dự án phục nguyên điện Cần Chánh, một công trình kiến trúc cung điện tiêu biểu của triều Nguyễn đã bị thiêu hủy vào năm 1947 trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
 

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam thăm Di tích Huế


     Nội dung và tiến trình hợp tác

    
Giai đoạn 1 (1994 – 2004)

Trong giai đoạn này, các nhóm chuyên gia và sinh viên của Đại học Waseda đã đến Huế cùng với cán bộ Trung tâm khảo sát đo vẽ và phân tích các dữ liệu di tích, đồng thời cùng tổ chức đào tạo kỹ năng nghiên cứu bảo tồn tại chỗ ở di tích Huế và ở Nhật Bản. Chương trình hợp tác nghiên cứu trên thực sự đã có những đóng góp thiết thực cho công tác bảo tồn di sản văn hóa Huế với những số liệu, tư liệu và cán bộ chuyên môn cho các dự án bảo tồn trùng tu các công trình di tích quan trọng trong khu vực Hoàng Thành và các lăng tẩm ở Huế. Ngoài ra các chuyên gia nghiên cứu của hai bên cũng đã công bố hàng chục bài nghiên cứu, khảo luận về kiến trúc cung đình Huế và việc nghiên cứu tái thiết điện Cần Chánh đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.

Hoạt động nghiên cứu trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào việc lập cơ sở dữ liệu cho các công trình kiến trúc hiện còn và nghiên cứu nguyên lý thiết kế xây dựng Kinh đô Huế. Đồng thời với công việc khảo sát trên diện rộng ở các khu di tích, chương trình nghiên cứu cũng đã mở rộng diện khảo sát ra các làng mộc truyền thống, điều tra phỏng vấn thợ mộc về phương pháp thiết kế kiến trúc và kỹ thuật xây dựng truyền thống, nghiên cứu đối sánh về kỹ thuật với các nước chịu ảnh hưởng văn minh Trung hoa, bước đầu đúc kết các kết quả nghiên cứu và xây dựng mô hình hiện trạng khu vực Đại Cung Môn – điện Cần Chánh tỉ lệ 1/50, mô hình đồ họa 3 chiều trên vi tính (3D Computer Graphic) phục nguyên điện Cần Chánh làm cơ sở cho các bước nghiên cứu tiếp theo.

Bên cạnh đó, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho cán bộ của Trung tâm tại Việt Nam và Nhật Bản cũng đã được xúc tiến. Từ năm 1994 đến năm 2004, chương trình đã tổ chức 04 chuyến tham quan nghiên cứu đào tạo ngắn hạn tại các khu di sản của Nhật bản. Ngoài ra, hàng năm thông qua các đợt phối hợp khảo sát trên các khu di tích tại Huế, cũng đã trang bị các kỹ năng nghiên cứu khảo sát và trùng tu di tích cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật của Trung tâm.

Tháng 8 năm 1997, hội thảo quốc tế lần thứ nhất về nghiên cứu tái thiết điện Cần Chánh diễn ra tại Huế đã nhận được sự đóng góp đầy tâm huyết của các nhà khoa học Việt Nam, Nhật Bản, Ba Lan v.v… và tất cả các ý kiến trên đều khẳng định tính khả thi của dự án này. Ngoài ra, một hội thảo về thiết kế đô thị lịch sử phối hợp giữa hai bên nhằm tạo diễn đàn thảo luận về giá trị lịch sử, sinh thái đặc trưng của Thành phố Huế và các đề xuất dự kiến nhằm bảo lưu và phát huy các giá trị đó trong hoàn cảnh mới.

   Giai đoạn 2 (2005 – 2008)

Kết quả của quá trình hợp tác nghiên cứu giai đoạn 1 là cơ sở vững chắc để hai bên xây dựng một chương trình dự án mới có quy mô lớn hơn. Tháng 6 năm 2005, Dự án "Phối hợp nghiên cứu đào tạo và bảo tồn tại khu di tích Huế (giai đoạn 2005-2008)”giữa Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Viện Di sản Waseda với tổng kinh phí lên tới 4,1 triệu USD, đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, giao Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt tiếp nhận và cho triển khai thực hiện. Nguồn kinh phí đầu tư cho dự án chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí nghiên cứu ngoài biên giới của Bộ Giáo dục – Văn hóa – Khoa học – Thể thao Nhật Bản (3,7 triệu USD) thông qua Viện Di sản Waseda, phần còn lại là phần kinh phí đối ứng của Trung tâm (400.000 USD). Với thời gian thực hiện là 4 năm, dự án hợp tác quy mô này có 5 mục tiêu chủ yếu là:

   - Xây dựng chính sách hợp tác quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa giữa Việt Nam và Nhật Bản;

   - Nghiên cứu bảo tồn đô thị sinh thái lịch sử trong mối quan hệ hữu cơ với Quần thể di tích cố đô Huế;

   - Ứng dụng phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn và công nghệ trùng tu, tái thiết di sản của Nhật Bản vào hoàn cảnh thực tiễn Việt Nam;

   - Phát triển công nghệ thông tin qua việc thiết lập Trung tâm nghiên cứu đào tạo và bảo tồn cho khu di sản Huế;

   - Đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tất cả những hoạt động trên đều nhắm đến một mục tiêu chung là chương trình nghiên cứu phục nguyên điện Cần Chánh. Theo chương trình này, hàng năm Viện Di sản Waseda cử các nhóm chuyên gia nghiên cứu và sinh viên sang phối hợp cùng các cán bộ kỹ thuật và chuyên gia của Trung tâm trong 2 đợt (định kỳ vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm), mỗi đợt kéo dài khoảng 20-30 ngày.

Kết quả của chương trình nghiên cứu giai đoạn này được thể hiện ở những nội dung cụ thể như sau:

Phối hợp tổ chức một số cuộc hội thảo/tọa đàm chuyên đề nhằm tạo diễn đàn thảo luận và đề xuất giải pháp cho một số vấn đề liên quan đến khu di tích Huế như: Hội thảo về bảo tồn môi trường đô thị và nông thôn vùng Huế (8/2005), Hội thảo kỷ niệm 100 năm phong trào Đông Du và quan hệ hợp tác Việt – Nhật (10/2005); Tổ chức 02 cuộc họp giới thiệu với các bộ ngành liên quan kết quả nghiên cứu và đề xuất hướng phục nguyên điện Cần Chánh tại văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (8/2005 và 8/2006).

Phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư lập đăng ký nguồn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản cho dự án phục nguyên điện Cần Chánh trình Bộ Kế hoạch- Đầu tư và Đại sứ quán Nhật Bản.

Thu thập các số liệu cần thiết trong việc nghiên cứu về quy hoạch xây dựng Kinh thành, Hoàng cung và các khu Lăng tẩm, bao gồm cả phân tích các yếu tố sinh thái môi trường đô thị và các khu Lăng tẩm ở Huế, nguyên lý vận hành và đề xuất công tác bảo tồn nhằm phục hồi thích nghi hệ thống thủy đạo kinh thành Huế; lịch sử hình thành và phát triển các khu vực dân cư ở Kinh thành Huế.

Giải mã những vấn đề then chốt như phương pháp thiết kế kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian truyền thống Huế, tìm ra hệ thống thước đo của triều Nguyễn, phương pháp và kỹ thuật xây dựng cung điện, phương pháp sử dụng vật liệu truyền thống và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến công cuộc kiến thiết Kinh đô Huế.

Tập hợp các nguồn tư liệu về kiến trúc cung đình Huế và điện Cần Chánh, bao gồm các tư liệu viết, vẽ, ảnh chụp, các tư liệu ảnh, bản vẽ cổ và tài liệu phân tích phương pháp thiết kế tái thiết điện Cần Chánh.

   Thực hiện chương trình nghiên cứu thực nghiệm qua việc xây dựng mô hình Điện Long Đức tỷ lệ 1/10; mô hình tái thiết điện Cần Chánh tỷ lệ 1/10 (hiện đã hoàn thành và đang được trưng bày).

Bước đầu chỉnh trang và lắp đặt thiết bị cho Văn phòng nghiên cứu phối hợp đặt tại Tịnh Minh Lâu (Cung Diên Thọ – Hoàng Thành Huế), phòng Nghiên cứu Hóa nghiệm (ở số 3 Lê Trực) và phòng Thử nghiệm Phân tích Vật liệu (ở khuôn viên Cung An Định).

   Triển khai các hoạt động nghiên cứu bảo tồn mang tính thực tiễn như:

   Nghiên cứu phục hồi 2 ngôi nhà Rường Huế; Bảo tồn trùng tu điện Long Đức (Thái Miếu); Thám sát khảo cổ học nền móng Đại Cung Môn và điện Cần Chánh (Tử Cấm Thành);

Áp dụng công nghệ quản lý hệ thống thông tin địa lý GIS (Geographic Information System) và thiết bị định vị toàn cầu GPS (Global Possition System) đối với các khu di sản ở Huế nhằm hệ thống hóa thông tin về di sản, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, quản lý tư liệu và quảng bá hình ảnh di sản Huế trên thế giới.

Chuyển giao một số công nghệ và kỹ thuật bảo tồn tiên tiến của Nhật Bản cho đội ngũ khoa học kỹ thuật của Trung tâm; tổ chức hướng dẫn sử dụng vận hành các thiết bị nghiên cứu và hóa nghiệm hiện đại do phía Viện Di sản Waseda tài trợ.

   Đào tạo được 01 Tiến sĩ chuyên ngành Bảo tồn kiến trúc di sản tại Đại học Waseda (hoàn thành vào tháng 3/2009); đào tạo tại chỗ và tại Nhật Bản cho một số cán bộ kỹ thuật để nắm bắt công nghệ bảo tồn mới (nghiên cứu bảo tồn kiến trúc và cấu kiện gỗ, phương pháp luận về lập và triển khai dự án bảo tồn, kỹ thuật sử dụng thiết bị đo đạc và phần mềm chuyên dụng, sơn mài truyền thống).

   Kết hợp một số chuyến công tác và dự hội thảo tại Nhật Bản của lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và Trung tâm để có chương trình thăm và làm việc với lãnh đạo trường Đại học Waseda và khảo sát trao đổi kinh nghiệm tại một số công trường bảo tồn tái thiết tài sản văn hóa tiêu biểu ở Nhật Bản (tại Tokyo, Nara, Kyoto vào các năm 2003, 2006, 2007).

    Giai đoạn 3 (2009 - 2012)

    Sau 4 năm thực hiện dự án phối hợp với những hoạt động và kết quả đáng lưu ý như trên, trong giai đoạn tiếp theo chương trình hợp tác giữa Trung tâm và Viện Di sản Waseda được triển khai với các hoạt động chuyên sâu mang tính thực tiễn hơn:

- Tháng 8 năm 2009, hội thảo về dự án tái thiết điện Cần Chánh lần thứ 2 và các vấn đề liên quan đến bảo tồn cảnh quan di sản đã được tổ chức tại Huế với sự tham gia của các cấp lãnh đạo tỉnh, nhiều nhà chuyên môn trong nước và quốc tế. Hội thảo một lần nữa cũng khẳng định tầm quan trọng và hiệu quả của chương trình hợp tác, tính khả thi của dự án tái thiết điện Cần Chánh và quyết tâm thúc đẩy việc đăng ký nguồn vốn tài trợ ODA của chính phủ Nhật Bản cho di tích Huế.

- Dự án bảo tồn trùng tu điện Long Đức (Thái Miếu) hoàn thành vào năm 2010 là bước thực nghiệm trùng tu di tích đầu tiên được thực hiện. Dự án này được vận hành theo phương thức hợp tác toàn diện trên cơ sở chia xẻ tài chính, nhân lực cũng như phương pháp luận bảo tồn. Thông qua dự án này, các chuyên gia, thợ mộc, nghiên cứu sinh của phía Viện Di sản Waseda và các chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, công nhân của phía Trung tâm đã cùng nhau làm việc, thảo luận trên công trường, thực hiện thành công dự án điện Long Đức một cách khoa học.

- Dự án nghiên cứu phục hồi điện Chiêu Kính (Thái Miếu) bắt đầu triển khai khảo sát năm 2010 và hiện nay đã hoàn thành Báo cáo Kinh tế kỹ thuật, đang trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự án này là bước thực nghiệm nghiên cứu phục hồi/tái thiết đối với những công trình di tích kiến trúc đã bị mất trong khu vực Hoàng Thành Huế. Nếu dự án này được thực hiện thành công là sự chứng minh hiệu quả phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn đã được thiết lập cho di tích Huế thông qua chương trình hợp tác, đồng thời những trải nghiệm thực tiễn thông qua dự án tái thiết này sẽ là những kinh nghiệm quí giá và sẽ được ứng dụng cho dự án phục nguyên điện Cần Chánh sau này.

- Ngoài ra, một vài hoạt động khảo sát vẫn được tiếp tục như: Khảo sát toàn diện hệ khung gỗ điện Thái Hòa và Thế Tổ Miếu, khảo sát kỹ thuật sơn mài truyền thống và trang trí mỹ thuật trên kiến trúc cung điện Huế nhằm cung cấp tư liệu cho việc phục hồi trang trí nội thất điện Cần Chánh.

- Thực hiện nghiên cứu đo và thu ghi âm và hình ảnh biểu diễn Nhã nhạc chất lượng cao nhằm lưu trữ và phân tích âm nhạc phục vụ công tác nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể này. Phía Viện Di sản Waseda đã giới thiệu sử dụng một số thiết bị kỹ thuật số mới do Đại học Waseda nghiên cứu thử nghiệm và tặng lại cho Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế thuộc Trung tâm.

   Có thể nhận định tính chất và hiệu quả của chương trình hợp tác như sau:

   Giai đoạn 1 (1994 - 2004) là giai đoạn đặt nền tảng quan hệ hợp tác, xây dựng dữ liệu cơ sở, hình thành phương pháp luận nghiên cứu bảo tồn đặc thù cho di tích Huế và hình thành dự án tái thiết điện Cần Chánh. Nhiệm vụ chính của giai đoạn này đã hoàn thành tốt, đặt nền tảng cho sự phát triển chương trình hợp tác giai đoạn 2.

   Giai đoạn 2 (2005 - 2008) là giai đoạn xúc tiến chuyển giao thiết bị và công nghệ nghiên cứu bảo tồn, đúc rút các kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào các dự án bảo tồn trùng tu di tích, mở rộng diện nghiên cứu của chương trình hợp tác ở tầm vĩ mô với 5 mục tiêu lớn nêu trên. Đây là giai đoạn mang lại những thành tựu quan trọng và rất có ý nghĩa đối với công cuộc bảo tồn quần thể di tích Huế, tạo được tiếng vang trong nước cũng như quốc tế, tạo sự thuận lợi về quan hệ cho việc đăng ký nguồn vốn ODA của chính phủ Nhật bản cho di tích Huế.

   Giai đoạn 3 (2009 đến nay) là giai đoạn chuyển giao giữa nhiệm vụ của giai đoạn trước và giai đoạn mới, hình thành ý tưởng và định hướng cho chương trình hợp tác tiếp theo.

Như vậy, chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn di tích Huế giữa Viện Di sản Thế giới UNESCO-Đại học Waseda và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế trong giai đoạn vừa qua đã nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ phía các nhà chuyên môn và giới lãnh đạo cao cấp của Nhật Bản. Trong chuyến thăm Việt Nam nhân dịp Festival Văn hóa Việt-Nhật tổ chức tại Hà Nội ngày 20/8/2006, ông Takebe Tsutomu, cựu Tổng Thư ký Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản, cựu Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật Bản-Việt Nam, đã bày tỏ sự quan tâm của mình đối với hoạt động bảo tồn di tích ở Huế và ủng hộ việc đăng ký nguồn ODA của Nhật Bản cho Dự án Phục nguyên điện Cần Chánh.

Về phía chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách cụ thể trong giai đoạn vừa qua như: Quyết định 105/QĐ-TTg ngày 12/02/1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án “Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 1996 – 2010” là hành lang pháp lý quan trọng để triển khai thuận lợi chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn di tích cố đô Huế. Và, tiếp đó là Quyết định 818/QĐ-TTg ngày 07/06/2010 phê duyệt Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch Bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Cố đô Huế giai đoạn 2010 – 2020”, tiếp tục là cơ sở cho việc hiện thực hóa các kết quả nghiên cứu, trong đó việc chuẩn bị phục nguyên Cần Chánh Điện dự kiến sẽ được tiến hành từ năm 2011 đến 2020. Đặc biệt, ngày 12/12/2012, Thủ tướng Chính phủ lại ký Quyết định 1880 TTg “Về một số cơ chế hỗ trợ đầu tư, bảo tồn và phát huy giá trị di tích cố đô Huế”, trong đó có nội dung đồng ý cho Huế vận động các nguồn xã hội hóa, nguồn vay ODA để trùng tu tôn tạo các công trình di sản văn hóa.

Trong Quyết định số 86/2009/QĐ-Ttg về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17/6/2009, chương trình trùng tu tôn tạo di tích Cố đô Huế được xác định thuộc “danh mục các chương trình, dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư” và dự án phục nguyên điện Cần Chánh nằm trong "danh mục các dự án ưu tiên nghiên cứu đầu tư giai đoạn từ nay đến 2010, tầm nhìn đến năm 2020 của tỉnh Thừa Thiên Huế”, sử dụng nguồn vốn ODA. Đây là những sự đánh giá cụ thể hiệu quả của chương trình hợp tác thể hiện trên phương diện chính sách của chính phủ Việt Nam.

Với việc đóng góp to lớn cho sự nghiệp bảo tồn phát huy di sản Huế trong giai đoạn 2001-2006, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã được Nhà nước Việt nam tặng huân chương Lao động hạng Nhất (2007) cùng nhiều danh hiệu cao quý khác. Nhà nước CHXHCN Việt Nam cũng đánh giá cao chương trình hợp tác này và đã quyết định trao tặng huy chương Hữu nghị cho GS.TS. Nakagawa Takeshi, Giám đốc Viện Di sản Waseda vào tháng 11 năm 2007.

Bối cảnh quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay và trong thời gian tới rất thuận lợi, thông qua các chuyến viếng thăm làm việc và ký kết nhiều chương trình trao đổi hợp tác song phương cũng như cam kết duy trì các nguồn ODA. Trong đó, lĩnh vực văn hóa cũng được quan tâm đưa vào chương trình hợp tác của hai bên.

Vì vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng chương trình hợp tác nghiên cứu bảo tồn di tích Cố đô Huế giữa Trung tâm và Viện Di sản Waseda, và đặc biệt là Dự án phục nguyên điện Cần Chánh vốn nằm trong định hướng phát triển chung của tỉnh Thừa Thiên Huế và quốc gia, đã và đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và các bộ ngành trung ương cùng sự hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế, nhất là của Chính phủ Nhật Bản sẽ đạt được thành công như mong đợi.

P.T.H
(Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế)        



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng