Ai ra xứ Huế
Đài Chiến sĩ trận vong - một kiến trúc nghệ thuật bên bờ sông Hương
07:53 | 14/04/2017

PHAN THUẬN HÓA

LGT: Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Trận vong nằm ở trước Trường Quốc Học (thường được gọi là Bia Quốc Học) là một tác phẩm nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Huế; trong thời gian qua Trung tâm Công viên Cây xanh Huế đã đứng ra đầu tư tu bổ tôn tạo.

Đài Chiến sĩ trận vong - một kiến trúc nghệ thuật bên bờ sông Hương
Tổng thể đài chiến sĩ trận vong (năm 1965). Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, công trình tu bổ này đã bộc lộ nhiều hạn chế trong kỹ thuật và quy trình trùng tu làm cho Đài đánh mất tính thẩm mỹ vốn có của nó, khiến dư luận không đồng tình. Hiện công trình đang được tiếp tục sửa chữa đúng nghĩa trùng tu tôn tạo.
Bài viết dưới đây cung cấp đến độc giả những giá trị nguyên xưa của đài tưởng niệm vốn in đậm tính nhân văn, cũng như dáng hình nền nã của nó trong tâm thức của người dân Huế.



Như tại Hà Nội, ở Huế cũng có một khu phố Tây (Quartier européen) nằm ven bờ nam sông Hương. Nó đã được quy hoạch và xây dựng một cách có hệ thống và có bài bản. Cùng với sự xuất hiện và tồn tại của chính sách thuộc địa bên cạnh Kinh đô triều Nguyễn, người Pháp đã hình thành khu phố ấy từ năm 1875 đến năm 1954. Hiện nay, chúng ta có thể nhìn thấy ở đây hàng chục công trình kiến trúc được xây dựng vào thời ấy. Trong số đó, có Đài Chiến sĩ Trận Vong nằm ở trước Trường Quốc Học. Vì nó nằm ngay trước cổng Trường Quốc Học, cho nên trong dân gian có người đã gọi nhầm là “Bia Quốc Học” hoặc “Bình phong Quốc Học”. Về bình phong của Trường Quốc Học thì đã có tấm “Bình phong Long Mã” được xây dựng vào năm 1896 từ khi Trường mới ra đời và hiện còn tại chỗ.

Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu vắn tắt về quá trình hình thành, diện mạo và giá trị nghệ thuật của Đài Chiến sĩ Trận vong được xây dựng gần 100 năm trước.

Như ý nghĩa trong cái tên của nó, đây là công trình kiến trúc dùng để tưởng niệm những người Pháp và Việt đã tử trận trong trận Đệ nhất Thế chiến (1914 - 1918) ở chiến trường Âu châu. Nhưng không phải tất cả họ, mà ở đây chỉ giới hạn trong những người Pháp đã từng sống và làm việc ở Huế nói riêng, và Trung Kỳ (Annam) nói chung, khi chiến tranh xảy ra, họ nhập ngũ về nước chiến đấu; và chỉ giới hạn trong những người Việt ở các tỉnh Trung Kỳ qua tham chiến tại Âu châu.

Ngay sau khi cuộc chiến tranh chấm dứt, người đầu tiên gợi ra ý kiến nên xây dựng một công trình kiến trúc mang ý nghĩa tưởng niệm như vậy là ông Richard Orband, một quan chức Pháp tại Huế, bấy giờ đang giữ chức Chủ tịch Hội Đô thành Hiếu cổ (Association des Amis du Vieux Hué).

Vào đầu năm 1919, Richard Orband đến tuổi hồi hưu và trở về sống ở Pháp. Tuy nhiên, gợi ý của ông vẫn được nhiều người nung nấu. Và nó đã chín muồi vào ngày 24/7/1919, khi Khâm sứ Trung Kỳ Tissot ký Nghị định thành lập một Hội đồng (Commission) có nhiệm vụ xem xét các điều kiện để xây dựng một đài tưởng niệm theo gợi ý nói trên.

Hội đồng gồm 12 người Pháp, phần lớn là các quan chức đầu ngành trong guồng máy cai trị của Chính quyền Bảo hộ tại đây; do Khâm sứ Trung Kỳ làm chủ tịch. Sau đó, Hội đồng được bổ sung thêm hai thành viên nữa là Nguyễn Đình Hòe (Tham Tri ở Viện Cơ Mật) và Nguyễn Duy Tích của Nam triều.

Hội đồng đã họp tại Tòa Khâm sứ hai lần vào các ngày 7/11/1919 và 26/2/1920. Các thành viên đã bàn bạc kỹ lưỡng về mọi vấn đề liên quan, đại lược như sau:

- Lúc đầu, có người đề nghị xây riêng hai đài tưởng niệm: một cho người Pháp, một cho người Việt. Cuối cùng, Hội đồng nhất trí xây dựng chung làm một.

- Về tên gọi, lúc đầu người ta đưa ra hai nhóm từ: một là “Monument aux Morts pour la France” (Đài tưởng niệm các Chiến sĩ hy sinh vì nước Pháp), hai là “Monument aux Morts au Champ d’Honneur” (Đài tưởng niệm các Chiến sĩ hy sinh trên Chiến trường).

Cuối cùng, Hội đồng đã đồng ý cho ghi các dòng chữ sau đây lên mặt trước tầng trên của Đài:

La France
Aux Français d’Annam et aux Annamites
Morts pour la Patrie

(1914 - 1918)

Tạm dịch:

Nước Pháp
Tưởng niệm những người Pháp ở Trung Kỳ và những người Trung Kỳ
đã hy sinh vì Tổ quốc
(1914 - 1918)


Dù vậy, từ bấy giờ, người Pháp cũng như người Việt sống tại đây đều quen gọi tắt là “Monument aux Morts”, hoặc Đài Chiến Sĩ Trận Vong.

- Về địa điểm xây Đài, người ta đã đưa ra khoảng 10 địa điểm khác nhau, phần lớn nằm ở hai bờ sông Hương, trước mặt Kinh thành. Cuối cùng, Chủ tịch Hội đồng đề nghị chọn vị trí trước mặt Trường Quốc Học. Ông cho rằng ngoài ý nghĩa tưởng niệm, còn cần phải gây sự chú ý cho các học sinh về sự đoàn kết chiến đấu của người Việt và người Pháp để viết nên những trang sử vẻ vang chung.

- Về hình thức của Đài, có người đề nghị làm một tấm bia đá lớn để khắc tên các tử sĩ và xây một nhà bia để che mưa nắng. Nhưng, Nguyễn Đình Hòe phản đối, cho rằng những bia cỡ lớn như vậy chỉ dành riêng cho các vị Hoàng đế Việt Nam. Ông đề nghị nên thay bia bằng một cái bình phong xây theo kiểu cách của địa phương. Ý kiến này được mọi người đồng tình.

- Về kinh phí xây Đài, nó sẽ hoàn toàn do ngân sách địa phương, tức ngân sách của Tòa Khâm sứ Trung Kỳ đài thọ.

Trong cuộc họp thứ hai, Hội đồng cũng đã thành lập một Ủy ban (Sous-commission) gồm 4 người, trong đó, có Nguyễn Đình Hòe, được Hội đồng giao nhiệm vụ đặc trách công việc xây dựng Đài. Tuy nhiên, mọi quyết định đều phải có sự đồng ý của toàn thể Hội đồng.

Trong cuộc họp ngày 7/4/1920, Ủy ban đã thảo luận về một số công việc cụ thể, mà quan trọng nhất là việc tổ chức một cuộc thi thiết kế đồ án kiến trúc Đài. Cuộc thi có treo giải thưởng bằng tiền, được loan báo từ ngày 10/4/1920, và chỉ phổ biến đến các họa viên (dessinateurs) người Việt ở Huế và Đà Nẵng, vì cần có đồ án sớm để thi công trước mùa mưa.

Đồ án dự thi gồm có: Một bản vẽ chính diện, một bản vẽ mặt bằng, một bản vẽ mặt cắt và một bản vẽ phối cảnh tổng thể. Các bản vẽ phải dựa trên địa điểm xây dựng là khu đất trước cổng chính của Trường Quốc Học. Khu đất ấy nằm giữa bờ nam Sông Hương và đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi), mỗi bề khoảng 40m. Đồ án cần được thiết kế theo phong cách truyền thống của địa phương Huế và phù hợp với cảnh quan tự nhiên chung quanh; và phải vẽ bằng màu với tỷ lệ 1/20. Riêng bình phong, chỉ xây dài khoảng 8m và cao khoảng 4m. Sẽ só 3 giải thưởng: Nhất 80 đồng; nhì 50 đồng, ba 20 đồng. Bấy giờ, giá một tạ gạo tương đương với 4 đồng. Đồ án dự thi phải gởi về Chủ tịch Ủy ban tại Tòa Khâm sứ Huế trước ngày 1/5/1920.

Vào ngày 3/5/1920, Ủy ban họp để duyệt xét 4 đồ án gởi đến. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Hội đồng đã quyết định sắp xếp các giải theo thứ tự sau đây:

- Giải nhất: Đồ án của Tôn Thất Sa (1882 - 1980), giáo viên dạy môn hội họa tại Trường Bá Công Huế (L’École Professionnelle de Hué). Đồ án này được chọn để thi công.

- Giải nhì: Đồ án của các họa viên Trường Bá Công.

- Giải ba: Đồ án của Nguyễn Hữu Dai.

- Đồ án thứ tư của Tôn Thất Cơ, không có giải thưởng như đã quy định.

Trong thời gian tiến hành cuộc thi, Ủy ban đã tổ chức gọi thầu đổ đất (remblayer) ở khu vực đã ấn định để chuẩn bị mặt bằng cho việc xây Đài. Đến ngày 12/5/1920, Ủy ban mở cuộc đấu thầu để thi công. Thế rồi, công cuộc xây cất được tiến hành một cách liên tục, mặc dù thời tiết nắng nóng của mùa hè năm ấy ở Huế rất gay gắt.

Và công trình kiến trúc đã được hoàn tất vào ngày 18/9/1920. Chính hôm ấy, Ủy ban soạn thảo một biên bản để tổng kết công việc xây dựng Đài và bàn giao công trình cho Tòa Khâm sứ. Biên bản ghi nhận tổng số kinh phí đã lên đến 9.991,63 đồng.

Trong khi đó thì ngay từ ngày 9/4/1920, Tòa Khâm sứ đã gởi văn thư đến nhiều đơn vị quân đội ở Đông Dương và nhất là các tỉnh Trung Kỳ để sưu tầm tên họ những người Pháp và Việt ở Trung Kỳ tử trận trong cuộc chiến tranh thế giới 1914 - 1918. Số người Việt gốc Trung Kỳ chết ở Âu Châu lên đến khoảng 1.500 người. Nhưng cuối cùng, chỉ có 78 người trong số đó được ghi tên lên mặt sau của bức bình phong. Còn mặt trước của nó thì dành để ghi tên của 31 người Pháp, được đóng khung trong hình thức một cái kim khánh.

Đến ngày 23/9/1920, cuộc lễ khánh thành Đài Chiến sĩ Trận vong đã được tổ chức tại chỗ một cách trọng thể, với sự hiện diện của vua Khải Định, Toàn Quyền Đông Dương Maurice Long, các quan chức cao cấp của chính phủ Bảo hộ và của Nam triều, các cựu chiến binh người Việt và tất cả người Pháp ở Huế. Trong buổi lễ, có đọc diễn văn và đặt vòng hoa tưởng niệm.

Như vậy, nếu tính từ khi thành lập Hội đồng để chuẩn bị mọi việc (24/7/1919) đến lúc khánh thành (23/9/1920), thì thời gian kéo dài đúng 14 tháng, nhưng nếu tính từ khi khởi công (giữa tháng 5/1920) đến khi tất công thì chỉ khoảng 4 tháng.

Chỉ 4 tháng thôi nhưng đã để lại cho Huế một công trình kiến trúc nghệ thuật có giá trị bền vững.

Đài Chiến sĩ trận vong năm 1937 - Ảnh chụp lại từ BAVH, 1937


Giá trị nổi bật nhất của công trình này là nghệ thuật kiến trúc và trang trí. Đài Chiến sĩ Trận vong tuy được xây dựng dưới thời Pháp thuộc và nằm ở địa phận khu phố Tây, nhưng nhờ các tác giả của công trình rất có ý thức về mặt văn hóa, cho nên nó có được dáng dấp và phong cách nghệ thuật truyền thống của Đông phương nói chung và Huế nói riêng.

Kiến trúc truyền thống của Huế là kiến trúc cảnh quan (architecture paysagée). Đài tưởng niệm này tọa lạc giữa một ngoại cảnh thiên nhiên thơ mộng, nhất là dòng sông Hương trong xanh êm ả, và giữa một không gian kiến trúc cổ kính. Trước mặt Đài là cổng Trường Quốc Học xinh xắn ở gần chiếc bình phong Long Mã khiêm nhường được xây dựng từ khi Trường mới thành lập (1896); phía xa xa sau lưng Đài, ở bờ bắc sông Hương là tòa Kinh thành rêu phong với Kỳ đài uy nghi, với Nghinh Lương Đình, Phu Văn Lâu, Thương Bạc Đình hòa mình vào cây cỏ ven bờ, và xa hơn nữa là dãy núi vòng cung xanh biếc như bao quanh toàn cảnh. Hai bên Đài là những hoa viên và thảm cỏ chạy dọc ven sông. Kiến trúc Đài hòa điệu với các di tích và phong cảnh miền núi Ngự sông Hương.

Công trình kiến trúc mang dáng một bức bình phong được lồng vào giữa một cửa tam quan lớn. Nó gồm có hai phần: phần nền ở dưới và phần đài ở trên.

Phần nền được chia ra làm hai tầng, chung quanh xây lan can cao gần 1,40m. Bốn mặt lan can trổ 4 lối đi có xây hệ thống bậc cấp, mà mỗi thành bậc là một con kỳ lân đắp nổi hướng ra phía trước. Ở những chỗ lan can được bổ trụ đều chắp hình hoa sen trên đầu trụ. Các dải lan can được chia ra thành ô hộc, trong đó trang trí bằng gạch hoa đúc rỗng tráng men màu. Ngoài ra, ở mặt sau của nền, còn có một dải lan can thứ hai nằm ở thế đất thấp hơn, vừa để giữ đất, vừa để ngăn sóng mỗi khi nước sông dâng cao vào mùa lũ lụt. Các móng của nền và của các dải lan can đều được xây bằng đá.

Đài là bộ phận kiến trúc chính, cao tổng cộng 10,95m, cũng chia làm hai tầng: tầng trên được thu hẹp lại như một cái gác nhỏ. Đây là phần mà các tác giả của công trình đã gia công nhiều nhất. Toàn bộ đều làm bằng bê-tông cốt sắt. Bên trên mỗi tầng, người ta xây mái để che mưa nắng. Hai tầng có tất cả 12 mái, được lợp theo kiểu mái giả (vì ở đây hoàn toàn không dùng gỗ) bằng ngói ống tráng men màu. Các hàng ngói cuối mái là ngói câu đầu trích thủy, thường thấy lợp ở các cung điện Huế. Con số 12 mái ở đây làm chúng ta liên tưởng đến con số 12 mái ở Hiển Lâm Các trong Hoàng thành.

Trên bờ nóc, phần mái cong ở giữa đắp nổi hai hình hồi long (rồng quay đầu lại) chầu vào giữa, nơi đề những dòng chữ quan trọng nói lên ý nghĩa của công trình kiến trúc. Ở bờ nóc của hai bộ mái hai bên, người ta trang trí từng cặp “giao” (con vật cấp thấp hơn rồng) chầu vào hình tròn mặt trời bốc lửa ở giữa. Trên bờ nóc cao nhất ở giữa cũng là hai con giao, nhưng chầu vào chữ “thọ” cách điệu thành hình tròn, đặt trên một đế lớn.

Ở tầng dưới, phần giữa mang dạng một tấm bình phong. Giữa bình phong là những dòng chữ đề tên 31 tử sĩ Pháp được đóng khung trong hình một cái kim khánh. Sát trên đó là cái huy chương (insigne) khá lớn kiểu nhà binh (croix de guerre). Hai bên tấm bình phong là 4 trụ thấp, trên đầu chắp hình hoa sen. Bình phong và các trụ nối liền nhau theo dạng cuốn thư.

Để tạo vẻ nhẹ nhàng và thông thoáng cho công trình kiến trúc, người ta xây hai mảng chạm lộng hình lục giác kiểu tổ ong ở hai phần tiếp giáp hai bên tấm bình phong. Và ngoài cùng là hai cấu trúc mang dạng hai ngôi nhà nhỏ có mặt bằng hình chữ nhật (2,7m x 3,2m), trông như hai nhà bia hoặc hai cổng phụ ở hai bên cái cổng chính thường thấy ở Huế. Dĩ nhiên ở đây không trổ lối đi, mà chỉ trang trí hình chữ “thọ” rất lớn. Ở hai mặt bên của công trình thì trang trí đề tài Ngũ phúc với chữ “thọ” hình tròn nằm giữa và bốn con dơi ở bốn góc (Ngũ phúc: thọ, phú, khang ninh, du hiếu đức, khảo chung mạng).

Người ta cũng trang trí hình ảnh tứ thời: mai và lan ở mặt trước bình phong, cúc và tùng ở mặt sau.

Mặt sau của tấm bình phong được dùng để ghi khắc tên họ và quê quán của 78 tử sĩ người các tỉnh Trung Kỳ. Một số tên của họ ngày nay còn đọc được tại chỗ.

Các mảng trang trí quanh phần đế của tầng dưới đều được thể hiện theo kiểu sập gụ trổ chân quỳ.

Để tạo không khí tưởng niệm cho công trình kiến trúc, người ta dựng hai cột trụ biểu cao 9,85m ở hai bên mặt tiền của Đài. Các mặt trụ được trang trí công phu bằng những chuỗi gạch hoa đúc rỗng tráng men màu. Trên hai đầu trụ là hai con kỳ lân quay đầu vào nhau, nhưng mặt nhìn ra phía trước. Những con kỳ lân thường được trang trí ở cổng hoặc bên lối vào đình chùa, cung điện, đền miếu để báo hiệu điềm lành. Hai trụ biểu ở đây gợi nhớ những cặp trụ biểu ở các lăng tẩm Hoàng gia ở Huế.

Ngoài ra, mảnh sành mảnh sứ cũng là vật liệu được sử dụng để trang trí ở một số mảng trên công trình.

Nhìn chung, từ tổng thể kiến trúc đến chi tiết trang trí, từ vật liệu xây dựng đến hình ảnh biểu trưng, chúng đều là những gì quen thuộc thường thấy ở các công trình kiến trúc cổ ở Cố đô. Tác giả của công trình đã vận dụng nghệ thuật truyền thống một cách thông minh và đầy tính sáng tạo. So với các “đài liệt sĩ” khác ở Việt Nam, nó có giá trị riêng về mặt lịch sử và rất độc đáo về mặt lịch sử và rất độc đáo về mặt văn hóa cũng như nghệ thuật kiến trúc Với giá trị cao về nhiều phương diện của Đài Chiến sĩ Trận vong như vừa được giới thiệu một cách vắn gọn trên đây, nó cần được bảo tồn một cách cẩn trọng và cần được thiết lập hồ sơ để xếp hạng là một di tích văn hóa nghệ thuật sáng giá của miền núi Ngự sông Hương.

P.T.H
(SHSDB24/03-2017)

------------
Tài liệu tham khảo chính:

1. E.Le Bris, “Le Monument aux Morts de Hué”, Bulletin des Amis du Vieux Hué, 1937, trang 319-352.
2. Nguyễn Cửu Sà, “Về một đài tưởng niệm bên bờ Sông Hương”, tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế, số 2, 1993, trang 26-29.





 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng