NGUYỄN VĂN LÊ NHẬT
Kiến trúc lăng tẩm Huế có ngôn ngữ riêng biệt và ý nghĩa sâu xa. Chốn âm phần song lại có cả cung đình để nghỉ ngơi, hưởng thụ; có nhà hát để thưởng thức nghệ thuật sân khấu và sắc đẹp giai nhân; nội thất ở các lăng giống như một viện bảo tàng mỹ thuật... Tất cả các lăng mộ đều có điểm giống nhau, là đều có hàng tượng văn võ bá quan, binh lính, voi ngựa (sau đây gọi chung là tượng người và thú).
Trước đây, những giá trị mỹ thuật của tượng người và thú trên lăng tẩm các vua Huế gần như chưa được nhìn nhận. Thứ nhất, rất ít người bỏ công nghiên cứu chúng. Ngay cả L.Cardiére viết rất nhiều bài về mỹ thuật Huế, song ít nhắc đến tượng người và thú ở các lăng tẩm. Công trình “Mỹ thuật thời Nguyễn trên đất Huế” (nhiều tác giả, Nxb. Hội Nhà văn, 1992) cũng chỉ dành khoảng 400 chữ nói về tượng người và thú trên các lăng vua…
Tượng ở lăng vua Gia Long |
Tượng ở lăng vua Khải Định |
Tượng người và thú ở lăng vua Tự Đức |
Tượng voi lăng vua Minh Mạng |
Tượng voi ngựa ở lăng vua Thiệu Trị |
Tượng ở lăng vua Đồng Khánh |
Thứ hai, nhận định về các tượng cũng chưa được chính xác. Ví như trong công trình nghiên cứu “Những tượng đá trong các lăng tẩm người An Nam”, in trong tập Bulletins et Travanx pour 1939, tác giả Ed.Cartagnel viết: “Nói về các tượng tạc bằng đá trong các lăng tẩm, chúng tôi bắt buộc phải kết luận rằng ý sáng tạo thực quả là nghèo nàn, hơn nữa còn một sự vụng về là tạc những tượng đá to quá mà không nhận thấy rằng thế kỷ 19 nghệ thuật này đã bị thoái hóa… Vào thời gian xây những tôn lăng này thì nghệ thuật ấy đã ở bước thoái khá trầm trọng. Những dáng điệu cứng đờ bắt buộc phải tạc theo yêu cầu lễ nghi của triều đình càng làm cho nhà điêu khắc thêm lúng túng…, phong cách tạo hình của toàn bộ thật cứng nhắc và không còn chút gì là nghệ thuật”. Công trình nghiên cứu “Lăng Thiệu Trị” của G.Langrand in trên B.A.V.H (tập XXVI, 1939, Nxb. Thuận Hóa, 2012) chỉ có vài dòng về tượng các quan văn võ, mà lại cũng đầy thiển kiến: “Một sân chầu đầy tượng các quan văn, quan võ, lại có cả tượng ngựa, tượng voi… Dù sao đi nữa người ta có thể nói rằng những tượng đá này đều hơi cứng, còn tượng ngựa đều xấu, tượng voi thì khá hơn; các tượng quan cũng quá thấp trên đôi chân của họ, chẳng biểu lộ nét tình cảm gì, song ở một vài chi tiết trong các tượng ấy có một số đường nét đẹp thật sự, đó là những đường nét biểu thị sự rũ xuống của vài ống tay áo rất rộng mà họ giấu tay vào trong để cầm cái hốt ở hai bàn tay. Tuy nhiên, người ta có thể nói rằng nghệ thuật tạo tượng của An Nam không vươn lên cao quá, mặc dù những pho tượng ở lăng Thiệu Trị vẫn còn đẹp hơn tượng ở các lăng khác rất nhiều”.
Các nhà nghiên cứu Việt Nam tiếp sau đó, cũng không chút “thiện chí” khi nhận định về tượng các quan. Năm 1970, trong cuốn “Lược sử mỹ thuật Việt Nam” (Nxb. Khoa học xã hội, trang 127), Nguyễn Phi Hoanh cũng phát biểu: “Tượng ở các lăng từ Gia Long về sau có thể nói là thuộc vào loại ấu trĩ của nghệ thuật. Những tượng người và voi ngựa rập khuôn một cách vụng về theo kiểu đã có ở các lăng tẩm thuộc các đời vua nhà Minh (Trung Quốc) hay thời Hậu Lê ở Lam Sơn… Chúng là những hình không có một mảy may sinh động cũng như triều đại đẻ ra chúng. Chúng tôi xin nêu ra một ví dụ điển hình là tượng ngựa ở lăng vua Thiệu Trị cũng như ở nhiều lăng khác. Ta cứ tưởng tượng một thân hình ngựa rất to không theo một nguyên tắc nào về giải phẩu học, nằm trên bốn cái chân hình ống đứng thẳng như bốn khúc nứa dựng lên. Để diễn tả bốn chân ngựa, tác giả làm hình ống ngắn hơn như bốn hộp “bơ” để dưới… Đây là con ngựa đá! Trước một hình như vậy, ta phải tự hỏi tác giả không bao giờ nhìn thấy một con ngựa chăng? Và chẳng lẽ cũng không bao giờ nhìn thấy một con người? Tượng người trong các lăng không hơn gì tượng ngựa. Chúng không có một giá trị gì về nghệ thuật”…
Phải đến sau 1980, tượng các quan văn võ ở lăng tẩm Huế mới được nhìn nhận đúng mức hơn. Năm 1989, trong cuốn “Mỹ thuật của người Việt” (Nxb. Mỹ thuật, Hà Nội, trang 258), các tác giả Nguyễn Quân - Phan Cẩm Thượng đánh giá: “Tổng số lượng trong lăng mộ đã xét gồm: người - 68, voi - 12, ngựa - 12 là bộ sưu tập điêu khắc đáng kể của điêu khắc Huế(1). Kích thước thường bằng từ 2/3 đến 1/2 nguyên mẫu, chất liệu đá và bê tông. Các chi tiết trên tượng rất được chú trọng như nếp áo, nếp quần, mặt mũi, các bộ phận của con thú tạo hình chung lại càng đơn giản nên gây cảm giác đơn lẻ, lạnh lùng và thiếu sức sống, phẳng, kém sinh động. Sự bày đặt đăng đối hai dãy tượng kéo dài tăng tính tưởng niệm và trang trọng của điêu khắc lăng mộ Huế, rất hợp với kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên”.
Nhưng phải đợi đến năm 1996, qua bài viết “Nhận thức về mỹ thuật Huế qua tượng lăng mộ Huế” của nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ in trên “Huế Xưa & Nay” (số 16), giá trị mỹ thuật của các tượng người và thú trên các lăng tẩm mới được nhìn nhận xác đáng: “Các tượng tạc bằng đá, nghệ sĩ ngoài vận dụng ngôn ngữ điêu khắc còn tận dụng các mảng trên tượng để trang trí, tạo cho áo mũ được thêu, gợi chất liệu vải, giảm đi vẻ cứng trơ… Về kích thước, các tượng người đều cao xấp xỉ người thực đã trưởng thành, từ đó tính sang tượng thú tạo sự tương quan trong quần thể… Chất liệu đá hợp với môi trường ngoài trời, theo quan niệm của nhân dân lại là vật chất thiêng để linh hồn trú ngụ, có màu xanh xám hợp cảnh lăng trầm mặc…”. Theo Chu Quang Trứ, tượng người và thú trên các lăng tẩm có thể đại diện cho giá trị tự thân của điêu khắc Huế xưa. Về mặt tạo hình, những bức tượng đó được các nghệ sĩ(2) xử lý một cách có ý thức, có tay nghề. Từng đối tượng được nghiên cứu khá kỹ ở ngoại hình và nội tâm, được thể hiện với một quan niệm hiện thực theo mẫu vốn có trong trạng thái thành kính đang đảm đương công việc nghiêm túc. Điêu khắc Huế là giai đoạn mới của điêu khắc Việt: “Tượng trong các lăng mộ ở Huế là giai đoạn cuối của xu hướng giản lược ở Việt Nam, so với lăng vua các thời trước, nó giữ quan hầu hàng văn, so với làng quý tộc thời Lê, nó giữ quan hầu hàng võ, còn về tượng thú chỉ giữ lại những con vật gần gũi và thiết thực là voi và ngựa, bỏ đi những con vật hoặc “tầm thường” như chó, trâu hoặc dữ tợn và lạ như hổ, lân (nghê), tê giác… Với số tượng ấy, lăng mộ Huế muốn chuẩn hóa tượng lăng mộ VN”…
Đó thật sự là những gợi ý lý thú cho các nghiên cứu tiếp tục trong thời gian đến. Đề tài tượng người và thú trên lăng tẩm các vua Huế xem ra vẫn là mảnh đất cần được vun xới nhiều hơn.
N.V.L.N
(SHSDB24/03-2017)
------------------------
(1) Về số lượng các tượng, bài “Các tượng đá trong lăng tẩm” của website Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên Huế (Thuathienhue.gov.vn) cho biết:
Lăng |
Tượng |
||||
Voi |
Ngựa |
Quan võ |
Quan văn |
Lính |
|
Gia Long |
2 |
2 |
6 |
4 |
|
Minh Mạng |
2 |
2 |
6 |
4 |
|
Thiệu Trị |
2 |
2 |
6 |
4 |
|
Tự Đức |
Làm lại |
Làm lại |
4 |
4 |
|
Đồng Khánh |
2 |
2 |
4 |
4 |
|
Khải Định |
2 |
2 |
4 |
4 |
12 |
(2) Bài “Các tượng đá trong lăng tẩm”: Các tượng ở lăng Gia Long không phải do một hiệp thợ tạc mà từ mẫu tượng của bộ Công, hai hiệp thợ ở Quảng Nam và Thanh Hóa chia nhau thực hiện. Một số người ở Huế cho biết thợ Quảng Nam tạc tưởng voi và ngựa, còn thợ Thanh Hóa tạc tượng người. So sánh tượng đá ở lăng vua Gia Long với tượng đá trong lăng mộ thời Lê - Nguyễn ở ngoài Bắc, chúng tôi thấy ý kiến trên có phần tin được. Nhưng kể cả hai hiệp thợ khi tiếp nhận cái quy lệ tạc tượng truyền thống, họ đã cải biến theo phẩm mỹ chung của thời đại mình, chú ý hơn đến chi tiết, sử dụng đường cong nhiều, khiến cho các pho tượng gần với hình mẫu thực, vừa trang nghiêm vừa sống động. Đây là một bước tiến hướng nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XIX của nước ta tiếp cận dần với xu hướng chung của thế giới.