Ai ra xứ Huế
A Lưới những ngày không quên
10:38 | 24/05/2008
LTS: Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong hiện đang dạy tại trường đại học Kent State thuộc tiểu bang Ohio, . Đây là một trong những bài trích ra từ cuốn Hồi ký âm nhạc, gồm những bài viết về kinh nghiệm bản thân cùng cảm tưởng trong suốt quá trình đi đó đây, lên núi xuống biển, từ Bắc chí Nam của ông để sưu tầm về nhạc dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, TCSH xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
A Lưới những ngày không quên

Trường Sơn là một dải núi trùng điệp, sừng sững giữa trời, đối diện với Biển Đông như một thách thức, đùa giỡn tự ngàn năm. Có khi vững vàng chống đỡ ở phía tây, nơi biên giới Lào, Campuchia. Có lúc nghiêng mình thoai thoải trải dài về phía đông ra tiếp giáp với biển, tạo thành một vùng cao nguyên rộng lớn. Nơi đây ẩn chứa một huyền thoại to lớn không những đối với dân Việt mà còn ngay cả đối với nhiều sắc dân cư ngụ nơi đó từ bốn ngàn năm qua.
Bên này hay bên kia những dãy núi xếp hàng uốn khúc, chen lấn nhau, có những dân tộc nói nhiều ngôn ngữ khác nhau; dù cùng một ngữ hệ hay không, vẫn không thể hiểu nhau hết. Dân tộc Kinh (tức người Việt) sống hòa lẫn nơi đó cùng họ từ thế kỷ 14 trở đi trong quá trình nam tiến. Phần lớn Trường Sơn cao nguyên được gọi là Trấn kể từ đó. Triều đình Đại Việt tiến hành chính sách "dân tộc hòa đồng" hoặc "tri hành hiệp nhất" đối với người dân tộc thiểu số, dưới sự quản trị của các quan viên triều đình nổi tiếng như Võ Tá Hân (Th.k. 16), Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Cư Trinh (Th.k. 18) v.v... Hiện nay, số người Kinh hầu hết sống ở những thị trấn, tỉnh lỵ, hoặc dọc theo các quốc lộ hơn là nông thôn.
Qua nhiều năm tháng, nhiều chuyến viếng thăm và nghiên cứu, tôi vẫn còn hoài nghi. Hoài nghi kiến thức của tôi về Trường Sơn cao nguyên, về những vấn đề then chôt của văn hóa và âm nhạc các dân tộc hết sức da dạng mà các nhà nghiên cứu hiện nay vẫn chưa hoàn tất với cái nhìn toàn diện về vùng đất này. Riêng đối với thế giới bên ngoài, phần lãnh thổ này của nước Việt Nam rất còn xa lạ, thường chỉ được hiểu qua các sách vở thư mục của thời thực dân Pháp, của các cố đạo truyền giáo phương Tây, hay của những báo cáo chính trị và quân sự sau các trận chiến đẫm máu, ác liệt.
Tôi đi giữa thanh bình sau những ngày ấy. Trong làn gió nhẹ đưa qua nắng ấm, tôi thấy một niềm vui khó tả đang đi trên con đường hết rồi những ngày chiến tranh đau khổ. Cũng con đường này, ngày xưa báo chí quốc tế thường gọi tên "đường mòn Hồ Chí Minh" đầy huyền thoại và khủng khiếp.
Tuy nhiên, hậu quả của chiến tranh không sớm tan biến: Những vết đạn bom vẫn còn hằn trên vách núi, trên những đồi hoang. Từ sông Hương hiền hòa thơ mộng, tiến lên A Sao, A Lưới, tôi ngậm ngùi, xúc động không ít khi đi ngang qua nơi gọi là Suối Máu. Nhìn quanh tôi còn thấy những lỗ bom đục sâu vào sườn đồi, cỏ cây không thể mọc sau nhiều thập kỷ.
Những vấn đề di dân, định cư, tập tục, đời sống hằng ngày đòi hỏi nhiều thích nghi khác thường ở một nhà dân tộc nhạc học. Có lúc hướng dẫn cả đoàn nghiên cứu Earthwatch gồm đến 10-15 người, nhưng có lúc tôi phải đi riêng. Buôn làng hẻo lánh không cho phép một đoàn người cồng kềnh từ nước ngoài đến, hoặc vì chưa hiểu phong tục tập quán của nhau trước, hoặc vì những lý do tế nhị khác thuộc về hệ quả của chiến tranh. Tuy nhiên, điều gì nên làm, cần cấp phải làm trước khi những di sản hiếm quí trên đất nước có thể sẽ biến mất: đi đến tận nơi, tìm tận chỗ, ghi chép, thu băng, lấy hình ảnh từ nhiều góc độ cuộc sống âm nhạc các dân tộc này. Quyết tâm trong công tác thời bình ấy có thể nhỏ đối với nhiều người, nhưng là một kế hoạch lớn đối với việc nghiên cứu trong đời tôi. Tôi chưa từng đặt chân đến đây bao giờ. Trước kia sống gần nó mà không hiểu gì về nó. Thế hệ chúng tôi (những năm 60, 70) ở đại học mà không được hướng dẫn gì về các dân tộc thiểu số, không biết gì về âm nhạc thiểu số và cũng không có điều kiện để nghiên cứu. Ra đến nước ngoài, khi học âm nhạc thế giới mới có dịp quay lại nhìn quê hương mình, muốn tìm như tìm kho tàng vàng ngọc hiếm quí sắp sửa mất. Vì thế, nay phải làm một cuộc hành trình thật xa (từ bên kia trái đất), với kinh phí rất tốn kém, và phải trải qua nhiều thủ tục để đi vào vùng đất ấy. Phát biểu trong buổi tuyên dương chúng tôi (72 nhà khoa học điền dã) ở đại học Harvard (1992), tôi nhấn mạnh về tầm quan trọng và sự nguy cấp của nghiên cứu về Việt Nam, một quốc gia sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá không những về mặt vật chất và sinh mạng mà còn cả một trời sáng tạo trí tuệ trong đó nghệ thuật âm nhạc phải được xem là một tổng hợp thi, văn, thính và thị giác.
Trong chuyến đi này, có lúc chúng tôi chỉ ở cách có vài ba cây số biên giới Lào, Campuchia. Ví như mình có thể gọi to, bên kia người ta có thể nghe. Sườn núi hùng vĩ, sừng sững với màu xanh của lá như thành vách lâu đời, cũng là điểm an nghỉ của nhiều người. Tôi nghe như trong đá, trong cây, trong gió có tiếng ru, tiếng hát, tiếng reo mừng, và tiếng kêu than của nhiều thế hệ. Đó là những chuỗi đời người tiếp nối nhau trong thăng trầm của văn hóa và lịch sử. Đứng trên bình diện nhân loại, địa danh Trường Sơn Cao Nguyên rất đậm nét, rất giàu dữ kiện, nhưng sự khai thác các tiềm năng văn hóa ở đây vẫn còn hạn chế.
Vùng cao nguyên phía Tây (hay còn gọi là Tây Nguyên) của đất nước này giàu bản sắc với những nhà sàn, nhà trệt, nhà rông, những nghi lễ bỏ mả, những lễ hội cồng chiêng ăn trâu, những lễ cúng bến nước, lễ mừng cơm mới, những tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng hát, những điệu múa v.v... Các dân tộc tồn tại là nhờ những thứ đó, ngoài thực tế những bữa ăn hằng ngày. Từ Quảng Trị đến Sông Bé, những sinh hoạt âm nhạc dồi dào, phong phú ấy làm sao ai có thể ghi nhận được hết.
Đến thượng nguồn sông Hương, nước bắt đầu cạn dần. Xe bắt đầu lên dốc vất vả, chạy chậm. Nghiêng mình qua cửa sổ, tôi có thể có đủ giây phút nhìn thấy từng đóa hoa sim xinh đẹp vươn mình trong nắng sáng. Có lúc đường đèo cheo leo, chật hẹp. Chỉ cần lơ đễnh một giây cũng có thể đưa chúng tôi xuống thung lũng mù khơi, đi về bên kia thế giới! Lòng tôi bắt đầu lo. Từ mối lo tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào đến lòng phập phồng không biết mình có tìm được âm nhạc hay không. Không ai bảo ai, mọi người trên xe đều lặng im như dồn tất cả tâm trí hỗ trợ cho anh tài xế. Cùng đi trên xe có hai người bạn Huế làm hướng dẫn viên tình nguyện. Các anh ấy rành con đường này từ lúc còn nhỏ, và cũng muốn đi cùng, phần để hướng dẫn đường sá, phần để có dịp cùng tìm hiểu văn hóa các dân tộc miền núi A Lưới.
Hơn nửa ngày đường mới đến nơi, dù khoảng cách chỉ có 65 cây số. A Lưới ở độ cao 1.250 mét. Đến đây bạn sẽ thấy một không gian trải rộng, một cảm giác mông mênh khi nhìn vào sườn núi một bên; bên này là vùng cao nguyên khoáng đạt. Không khí cũng bắt đầu thay đổi với nhiệt độ mát mẻ hơn miền kinh kỳ Huế.
Cuộc lùng kiếm diễn ra một cách sôi động. Chúng tôi hỏi han nhiều người mới định vị trí thôn, xã trên bản đồ. Đâu là những gia đình, những người biết chơi nhạc. Họ có sẵn sàng cho chúng tôi gặp hay không? Nhưng họ là ai? Thuộc dân tộc gì? Những nhạc cụ ra sao? Có còn được gìn giữ hoặc tiếp tục chế tạo hay không? Thanh nhạc hay khí nhạc được xem trọng yếu trong đời sống của họ? Có còn được bao nhiên người biết chơi nhạc theo truyền thống? Nhạc mới (tân nhạc) có ảnh hưởng gì đến họ hay không? Phong cách trình tấu nhạc ra sao? Âm nhạc của các dân tộc trong vùng có tính đồng nhất hay không? Những điểm giống và khác nhau ra sao? Ngôn ngữ có ảnh hưởng gì đến âm nhạc hay không? v.v. Đấy là một số những vấn đề đặt ra trong lúc nghiên cứu điền dã. Quan điểm nghiên cứu Dân tộc Nhạc học của tôi có phần khác với đa số các đồng nghiệp. Tôi chủ trương hoà quyện vào đời sống địa phương, ngoài mặt kỹ thuật và khoa học ra người nghiên cứu còn cần phải có tấm lòng gắn bó với địa phương đó. Bằng vào trái tim, bằng vào sự rung động tình cảm trong âm nhạc và "chất người" của nó sẽ giúp tránh được những định kiến về giá trị âm nhạc của mỗi dân tộc.
Có ba ngữ hệ lưu truyền ở Trường Sơn Tây Nguyên: Mã Lai – Đa Đảo (Malayo – Polynesian), Môn-Miên (Mon - Khmer), và Nam Á (Austrro - asiatic) trong ấy Mã Lai - Đa Đảo và Môn - Miên là chính. Không biết các nhà ngữ học đã xác định hay chưa, nhưng tôi nghĩ rằng khu vực phía bắc Trường Sơn là địa bàn các dân tộc pha cả hai ngữ hệ Môn-Miên và Nam-Á. Tiếng nói hằng ngày của họ có phần nào giống với tiếng Kinh (Việt) và Lào, một loại ngôn ngữ có dấu giọng (tonal language), nghe rất uyển chuyển. Trong lúc hát có nhiều luyến láy như người Việt. Nghe giọng hát của các nghệ nhân tôi có cảm tưởng có sự giao lưu, liên hệ nào đó với đồng bào Lào bên kia Trường Sơn. Tôi nghe như bên này hay bên kia, dù núi có cao, không thể ngăn những mạch âm điệu ngầm chảy ngang qua khe núi, khe suối.
Các đân tộc nơi đây gồm có người Tà-ôi, K'tu, Pa-kô, Pa-hi, và Vân-Kiều. Được biết, người Pa-hi là một dân tộc với dân số nhỏ nhất: chỉ có khoảng 300 người kể cả già trẻ lớn bé, thường sống quanh vùng Bình Điền, Hương Trà. Nhưng họ cũng có âm nhạc và say mê âm nhạc. Các dân tộc ở đây sống qui tụ trong từng thôn riêng biệt. Tuy nhiên, trong những xã mới lập, họ có thể sống chung theo yêu cầu của cuộc sống mới. Dù sao, họ có rất nhiều những chia sẻ trong âm nhạc.
Lắng nghe điệu tình ca ba bói hay tiếng khèn của dân tộc Pa-kô ta có thấy có một cái gì gần gũi với điệu hát lăm (hay mõ lăm) bên Lào. Về thanh nhạc, họ có hát đơn, hát đôi, hoặc hát đối đáp giữa các nhóm. Làn điệu trữ tình ba bói của người Pa-kô được phổ biến rộng rãi ngay cả các dân tộc khác. Lời hát thường bày tỏ sự thủy chung chờ đợi của người con gái đến khi gia đình hai bên đồng ý cho lấy nhau. Ngoài ra, còn những điệu cha-chấp để tỏ tình chung chung, điệu k'lơi dành cho những bài hát đối đáp nam nữ và điệu ra-roi, hát trong tang lễ. Trong khi ba-bói là thể đơn ca không nhạc đệm (a cappella) hoặc chỉ có tiếng cồng dùng để mở đầu hoặc chấm câu trong lúc hát, điệu k'lơi và cha-chấp thường có khèn và cặp chập chỏa nhỏ phụ họa. Tương tự như hát quan họ, nơi đây ta thấy tính đối ngẫu, sự hấp dẫn của việc trai và gái chọc ghẹo nhau. Tiếng khèn hỗ trợ cho làn điệu và tiếng chập chỏa tăng cường, khơi dậy nhịp điệu. Hãy nghe tiếng hát ba-bói trong trẻo, nồng nàn tình cảm của Tazư Tươlr, người con gái Pa-kô duyên dáng, để thấy xúc động theo từng câu hát. Nghĩ rằng, nếu người ta đã yêu mà nghe như thế này thì làm sao bỏ cho đành! Dù năm tháng có dài, thì sự đợi chờ vẫn mãi là niềm chờ đợi, thủy chung, và ước mơ sẽ thành sự thật.
Tiếng đàn ta-lư của đồng bào K’tu ôi nghe sao mà trữ tình không kém tiếng hát. Tương tự như đàn nầy, người Tà-ôi gọi nó là ăm-prê. Chỉ có 2 dây, phím cạn, mà chị Avek Blem trưng bày tình cảm nồng ấm làm sao. Trông giản dị mà âm nhạc có khúc nhặt, khúc khoan và dùng chuyển hệ (metabole) nghe không chán.
Trong lúc hát ru (người Pa-kô hay Tà-ôi cũng gọi là "ru" như người Việt), người ta còn đệm một thứ nhạc cụ có âm lượng nhẹ nhàng, khe khẽ, với tiếng kéo cung (tôi gọi là loại âm thanh chảy). Nhạc cụ nầy người ta gọi là abel mà các dân tộc Trung và Nam Tây Nguyên gọi là k'ni (không phải là kơ-ni như nhiều người thường gọi sai. Âm "k" trong tiếng nói Tây Nguyên nghe khá nhẹ). Người Tà-ôi cũng "dụ" con ngủ bằng những hứa hẹn với mức độ khôn ngoan không kém người Kinh: "Ngủ, ngủ, hãy ngủ đi em. Mẹ đang đi làm rẫy và sẽ mang về nhiều bí, khoai; cha đang đi ra sông bắt cá, sẽ mang về nhiều cá cho em ăn...". Buổi trưa hè trong gió thoảng đưa, tiếng hát nhè nhẹ, dịu dàng hòa lẫn tiếng đàn abel nghe sao mà thanh thoát. Tôi có dịp nghe nhiều bài hát ru trên thế giới trong lúc đi điền dã, nhưng sao cảm giác hôm nay cho thấy tiếng ru thế này trên đất nước Việt Nam nghe nó thoát tục, nó "thiền", nó mầu nhiệm làm sao. Quả tình cảm âm nhạc tự nó có tác dụng vào đời sống con người. Chắc nó không cần nhà nghiên cứu như tôi phân tích rườm rà. Giữa cõi tĩnh và cõi mê, câu hát ru có tác dụng thôi miên. Nó là cầu nối vừa để dụ (cho bí, cho khoai, cho cá, cho tôm v.v...), vừa để tiễn đưa sang bên kia (ngủ đi em), ở cõi hôn mê. Một phương pháp tâm lý hay vô cùng trong dân gian, không cần đòi hỏi ở một nhà tâm lý học, một cố vấn (counselor) để làm việc ấy.
Có hôm rừng núi vang dậy tiếng kèn sừng dê (kalr- giọt agial), kèn sừng trâu (palr ngo), chập chỏa (sal), lục lạc tre (t'ngát), cồng chiêng, v.v... với đoàn nhạc tổng hợp nhiều sắc dân. Tưng bừng những âm thanh hùng vĩ ấy không còn là biểu tượng của cao nguyên bằng phẳng nữa, mà là của Trường Sơn sừng sững, của vách đá chênh vênh, của một khuôn mặt khác con người mang tính tiến thủ. Nơi đây, Bắc Trường Sơn, những thế hệ cha ông truyền lại một nếp sống cho họ có cả hai mặt nhu và cương.
Những ngày ấy in đậm nét trong tôi, vì tôi là lữ khách, là người ngoại cuộc đang học hỏi nơi họ nhiều điều rất mới, rất lạ, rất hay và cảm thấy mình hòa vào nhịp đập trái tim của quê hương Pa-kô, Pa-hi, Tà-ôi, K'tu, và Vân – Kiều...

NGUYỄN THUYẾT PHONG
(nguồn: TCSH số 150 - 08 - 2001)

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Về A Lưới (22/05/2008)