HOÀI VŨ
* Vài nét về việc du nhập điện ảnh vào Huế
Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 3 (129) năm 2016 có đăng bài “Vài nét về lịch sử nhiếp ảnh và điện ảnh ở Thừa Thiên Huế” của nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cung cấp nhiều tư liệu rất quý.
Bài viết xin lược dẫn:
Ngày 28/12/1895, hai anh em Auguste Lumière và Louis Lumière đã tổ chức chiếu phim ở nhà hầm quán Grand Café, số 14 đại lộ Capucines, Paris, được chọn làm ngày khai sinh của điện ảnh thế giới. Điều thú vị là chưa đầy một năm sau đó, năm 1896, hai anh em người Pháp này đã đến Việt Nam và quay cuốn phim “Le Village de Namo - Panorama pris d’une chaise à porteurs”. Năm 1898, ông D’Arc đã tổ chức chiếu “hát hình máy” có bán vé thu tiền tại Chợ Lớn, đăng quảng cáo rộng rãi trên tuần báo Nam Kỳ số 50, ngày 6/10/1898. Năm 1899, Gabriel Veyre, một học viên của hai người này, đã đến Hà Nội tổ chức buổi chiếu phim miễn phí. Cũng năm 1899, một đoạn tin ngắn khác của tuần báo Nam Kỳ số 83, ra ngày 1/6/1899 cho biết: “Ông Léopold Bernard (người tổ chức “cuộc hát hình máy” đăng ở số báo 81 trước đó) còn ở lại Sài Gòn một ít bữa nữa mà thôi, rồi người sẽ ra Kinh đô Huế vì triều đình có đòi người ra đặng xem cuộc hát hình.”
Những năm 1917 - 1918, nhà nhiếp ảnh kiêm chiếu phim Tétart và nhà quay phim Brun đã thực hiện quay 20 phim, có 16 phim làm tại Việt Nam, trong đó có 4 phim làm về Huế và một phim liên quan đến Huế và Hà Nội, gồm: Nam Giao, quay lễ tế Nam Giao; Lăng tẩm ở Huế giới thiệu các lăng vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức; Huế, kinh đô của triều đình Annam giới thiệu Huế với hình ảnh của sông Phủ Cam (sông An Cựu), sông Hương, cung điện, Hoàng thành, khu người Âu và lăng tẩm các vua; Sinh hoạt trong cung đình Huế giới thiệu sinh hoạt của hoàng cung, những buổi thiết triều của vua Khải Định, các vị thượng thư và một số nghi lễ cung đình…
Lúc bấy giờ, chủ khách sạn Morin mở rạp chiếu bóng Cinéma Morin, là cơ sở chiếu bóng sang trọng đầu tiên ở Huế. Morin còn nổi tiếng trong giới điện ảnh thế giới với sự kiện là nơi danh hài Charlot (Charlie Chaplin) và vợ là Paulette Godard chọn đến hưởng tuần trăng mật năm 1936. Phim được phổ biến trong thập niên 1920 chủ yếu là phim Pháp. Từ năm 1923, lần đầu tiên có phim do người Việt Nam thực hiện thông qua Công ty Phim và Chiếu bóng Đông Dương (IFEC) với phim Kim Vân Kiều. Năm 1925, ông Nguyễn Lan Hương, chủ tiệm ảnh Hương Ký ở Hà Nội, đã mời một chuyên viên người Pháp đến Huế thực hiện hai bộ phim tài liệu: phim Ninh Lăng quay cảnh đám tang vua Khải Định, phim Tấn tôn đức Bảo Đại quay lễ lên ngôi của vua Bảo Đại.
Sau 1930, điện ảnh đã được phổ cập tương đối rộng rãi ở thành phố Huế. Phim Lễ tấn tôn Thái tử Bảo Long đã ra đời năm 1939. Một số gia đình thượng lưu đã sắm máy quay phim, máy chiếu phim, chiếu một số phim Huế Thơ, Huế Mộng, phim hề Charlot, phim Tarzan…
Sau tháng 7/1951, ông Nguyễn Văn Yến tiếp nhận khách sạn Morin, rạp chiếu bóng Morin chuyển thành rạp Nguyễn Văn Yến; rạp Richard sau đó cũng đổi chủ và chuyển thành rạp chiếu bóng Việt Nam Phim.
Rạp xi nê Đông Ba (rạp Tân Tân cũ) |
Về sau, trên đường Trần Hưng Đạo có thêm rạp chiếu bóng Tân Tân; bên kia cầu Gia Hội, trên đường Gia Hội (nay là Chi Lăng) có hai rạp chiếu bóng Châu Tinh, Gia Hội (về sau đổi thành Khải Hoàn, rồi Hoàn Mỹ); trong khu vực Thành Nội, tại đường Lục Bộ (nay là Nguyễn Chí Diểu), Hội Hướng đạo có rạp Lửa Hồng, chủ yếu dành cho học sinh và thanh thiếu nhi. Khi rạp Việt Nam Phim và rạp Nguyễn Văn Yến đóng cửa khoảng năm 1957, thì Tân Tân trở thành rạp chiếu bóng thu hút khách nhất. Đầu thập niên 1960, trên đường Trần Hưng Đạo có thêm rạp Hưng Đạo với quy mô 999 ghế. Mỗi phim thường chiếu trong một tuần, khách mua vé được phát kèm theo tờ “progamme” (chương trình) được in ấn và trình bày đẹp, có tóm tắt nội dung phim, ảnh các tài tử, ngày giờ chiếu của rạp. Trước mỗi rạp đều có pa-nô lớn vẽ cảnh phim; có phim còn dựng thêm pa-nô lớn cắt hình những diễn viên nổi tiếng, đặt trước tiền sảnh để tạo sức hấp dẫn. Vì vậy, thời kỳ này ở Huế xuất hiện nhiều họa sĩ chuyên vẽ tranh quảng cáo ciné mà nổi tiếng nhất là họa sĩ Lê Vinh.
Hoạt động chiếu bóng phát triển, nhưng các hãng làm phim đều đặt tại Sài Gòn, Huế chỉ đôi lúc được chọn để quay một số phim; tiêu biểu là loạt phim có tính phóng sự, thực hiện trong giai đoạn 1958 - 1960 như Non nước Hương Bình, Múa Tứ linh, Điệu hò miền Trung… Phim Hồi chuông Thiên Mụ do hãng phim Tân Việt thực hiện năm 1957, phát hành năm 1959, dựa theo tiểu thuyết lịch sử Hồi chuông Thiên Mụ của Phan Trần Chúc.
* Thêm vài tư liệu về chiếu bóng ở Huế xưa
Mới đây, đọc lại một số báo Tràng An Báo (xuất bản ở Huế 1935 - 1945), chúng tôi bắt gặp một số thông tin thú vị, xin được giới thiệu:
Tin buổi chiếu bóng ở Hội Hồng Thập tự hôm 12/6/1937 |
Trên Tràng An Báo số ra ngày 18/6/1937, có đưa tin: “Một buổi chiều bóng do Hội Hồng Thập tự Huế tổ chức”, nội dung như sau: “Hội Hồng Thập tự Trung kỳ (Croix Rouge de l’Annam) hồi năm giờ chiều thứ bảy 12 Juin, vừa rồi có tổ chức một buổi chiếu bóng hai phim ảnh truyền bá vệ sinh tại rạp một Hoàng Thượng, quan Khâm sứ Trung kỳ, các quan Thượng thư và nhiều quý quan bên Bảo hộ có tới dự.
Đầu tiên Bác sĩ Lemoine đứng lên “giới thiệu” hai phim ảnh ấy; đại khái ông nói hai phim ảnh ấy là do bà Khâm sứ Graffeuil mang ở Pháp sang. Một phim dẫn cách tổ chức chữa và đề phòng bệnh sốt rét (paludisme), một phim về bệnh lao (tuberculose).
Đèn vừa tắt, trên màn ảnh chiếu một buổi hội họp trên trường vận động, hàng nghìn người tới dự, rồi đến mấy hàng chữ dẫn rằng: Thưa các ngài, mỗi năm về vùng thung lũng lắm đầm ao (bên Mỹ) số người thiệt mạng về bệnh sốt rét gấp ba, gấp bốn lần số khán giả tới dự ở trường vận động như các ngài vừa thấy trên màn ảnh. Vậy ta phải đề phòng bệnh sốt rét. Rồi trên màn ảnh dẫn cho ta biết rằng: con muỗi gây ra bệnh sốt rét (anophèle) khi đốt người ta thời ngược đầu xuống…
Phim thứ hai dẫn về cách đề phòng bệnh lao. Một người cha ho lao, con thường dễ lây lắm.
Theo như phim ảnh ấy, thời một người đã bị bệnh lao, trông không đến nỗi gầy còm cho lắm, mà lúc chiếu điện (radiographie) một bên phổi đã bị vi trùng lao làm hư…”.
Trên Tràng An Báo ra ngày 11/7/1939, có bài viết “Người Huế hoan nghênh ông Daladier”, do tác giả Thiếu Lăng tường thuật, nội dung mô tả cảnh chen lấn khi đi xem phim hồi đó: “Hoan nghênh như thế kể cũng có hơi chậm, nhưng có dịp nào khác nữa đâu, nếu hôm thứ năm vừa rồi nhà chớp bóng Morin không cho chớp hai phim thời sự “Cuộc hành trình của thủ tướng Daladier ở Bắc Phi Châu” và “Chúng ta được tự vệ ra làm sao?” “Le voyage de M. le Président Daladier en Afrique du Nord” et - “Comment sommes-nous défendus”. Chớp bởi có lời yêu cầu của nhà chức trách ở Huế.
Một tờ thông tư thường chạy quanh trong các công sở vào một ngày hôm trước. Tờ giấy mỏng mảnh ấy được chuyền tay nhau, người này sang người khác... lặng lẽ.
Thế rồi, 8 giờ tối hôm qua, người ở mọi nơi, ở Bến Ngự, ở Ga kéo xuống; ở Lò Rèn, ở An Cựu kéo ra; ở Đập Đá, ở Chợ Cống kéo lên, ở phố và trong thành kéo qua, đổ dồn về một nơi: nhà chớp bóng Morin. Tấp nập như ở một thành phố bên Pháp khi phát mặt nạ chống hơi ngạt. Mà chỉ mới 8 giờ thôi.
Trước rạp chớp bóng ấy, người đứng dày đặc ở hai bờ hè, tràn ra cả giữa đường. Ở các nẻo, vẫn còn người dồn đến, đi bộ, đi xe kéo, xe đạp và xe hơi…
Ở sát cửa nhà chớp bóng, một viên Sen đầm, mấy viên đội và lính cảnh sát đứng mà cửa vẫn đóng bít. Sức chen lấn của người ngoài đẩy vào, đẩy vào, như muốn xiêu vỡ các cánh cửa.
Người ta cũng đã nghĩ đến sự mở cửa cho công chúng vào nhưng mà với số người đông đảo ấy mà tràn vào thì quá hơn đê vỡ, cản ngăn sao nổi. Họ chỉ mở hai cánh cửa hẹp hai bên để vào từng người một.
Chen lấn, chen lấn. Người nào yếu thì chỉ biết lép mình tùy lượn sóng người ở sau xô tới, và nhận được những cùi tay của kẻ khác vào hông.
Vào cửa nhà chớp bóng mà phải vất vả hơn đi ba ngày đường để kiếm cơm, người ta cũng lao mình vào đám đông để được chen lấn, trước khi được vào xem.
Nhưng mà, đến một lúc người ta không thể chen được nữa vì ở trong đã chật như nêm. Những người vào sau, hét lớn: “Tôi có vé rồi! tôi có vé rồi!” Mặc, đã chật quá, không một chỗ rỗng để chen chân vào đâu được!
Tuy đã vào chật một rạp chớp bóng mà người đứng ngoài vẫn như không mất đi bao nhiêu đối với lúc cửa chưa mở”.
Ảnh chụp bản tin trên Tràng An Báo số 469 |
Một thông tin đặc biệt quý, trên Tràng An Báo số 469, ra ngày 7/11/1939, có bản tin “Huế, đẹp…”, đưa thông tin liên quan đến bộ phim màu về Huế: “Đó là cái tên một cuốn film bằng màu do ông bạn Henri Richard quay ra để diễn tả những cái đẹp ở Kinh đô chúng ta.
Film ấy sẽ chiếu lần đầu tiên ở Huế, tại Viện Dân biểu, ngày 12 Novembre, lấy tiền giúp Hội La Fraternelle Franco Indochinoise.
Buổi chiếu ấy sẽ có Hoàng đế và Hoàng hậu và quan Khâm sứ Graffeuil chủ tọa.
Chúng tôi sẽ nói đến cái đẹp cái hay của cuốn film ấy, và tài đặc biệt của ông Nguyễn Henri Richard.
Từ hôm 12 Novembre, đến 16 Novembre, tại Viện Dân biểu, sẽ luôn luôn chiếu film: Huế đẹp và thơ…
Các bạn nên đến xem cho biết những tài nghệ của một người yêu nghệ thuật đối với giang sơn và cảnh vật Kinh đô”…
H.V
(SHSDB26/09-2017)