Ai ra xứ Huế
Vai trò và vị thế của tộc Nguyễn Cửu đối với lịch sử, văn hóa xứ Thần Kinh
09:57 | 19/01/2018

VÕ VINH QUANG

Tộc Nguyễn Cửu và những dấu ấn quan trọng trong lịch sử văn hóa xứ Thần Kinh

Vai trò và vị thế của tộc Nguyễn Cửu đối với lịch sử, văn hóa xứ Thần Kinh

Theo gia phả tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương (gồm Gia Miêu Bắc phổ Vân Dương kinh phổ), tộc Nguyễn Cửu vốn họ Nguyễn gốc Gia Miêu, Hà Trung, Thanh Hóa và là họ hàng xa đời với Hoàng tộc Nguyễn Phước (của chúa Nguyễn và vua Nguyễn). Sau khi Nghĩa Lâm hầu Nguyễn Phước Kiều 義林侯阮福喬 (tức Nguyễn Cửu Kiều 阮久喬) nhận mật lệnh của Công nữ Ngọc Tú (con gái của chúa Tiên Nguyễn Hoàng, vợ của Thanh Đô vương Trịnh Tráng) vượt sông Gianh vào phó tá chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được bổ nhiệm chức Phó tướng Doanh trấn Quảng Bình năm 1623, dòng tộc này được chúa Nguyễn ân điển ban cho tên đệm “Phúc” 福. Đến năm 1820, vua Minh Mệnh ban sắc chỉ cho đổi thành họ Nguyễn Cửu 阮久 (ứng với đời thứ 6 của dòng tộc Nguyễn Cửu ở Nam Hà). Từ đấy, con cháu dòng tộc này chính thức mang họ Nguyễn Cửu cho đến ngày nay.
 

Sách Đại Nam liệt truyện1, phần ghi chép về các danh nhân họ Nguyễn Cửu đã cung cấp cho độc giả những hiểu biết bao quát về các danh nhân của dòng họ Nguyễn Cửu, như sơ tổ ở Nam Hà là Phò mã Đô úy Nghĩa Lâm hầu Nguyễn Cửu Kiều (và vợ là Công nữ Ngọc Đỉnh - con gái thứ của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên), và các công thần triều Nguyễn (chúa Nguyễn và vua Nguyễn) về sau như Trấn quận công Nguyễn Cửu Ứng (con thứ 3 của Nghĩa quận công Nguyễn Cửu Kiều), Trấn thủ Chưởng dinh Dực Đức hầu Nguyễn Cửu Kế (hay còn gọi Dực), Chưởng dinh Phò mã Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế (con trai trưởng của Nguyễn Cửu Ứng, thuộc đời thứ 3 họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương), Cai cơ Vân Tường hầu Nguyên Cửu Vân (con trưởng của Dực Đức hầu Nguyễn Cửu Kế, đời thứ 3 tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương), Chưởng binh Lễ bộ Hình bộ Cai Đồ gia Phò mã Hoán Quận công Nguyễn Cửu Pháp (con thứ 4 của Trung Quốc công Nguyễn Cửu Thế), Cai cơ Triêm Ân hầu Nguyễn Cửu Triêm (con trưởng của Nguyễn Cửu Vân, thuộc đời thứ 4 Nguyễn Cửu làng Vân Dương), Thăng Bình quận công Nguyễn Cửu Dật (con thứ 4 của Hoán quận công Nguyễn Cửu Pháp, thuộc đời thứ 5 tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương)…

Qua những ghi chép từ Đại Nam thực lục, Đại Nam liệt truyện, Vân Dương kinh phổ, Tiên nguyên toát yếu phổ… chúng ta có thể hình dung một số dấu ấn tiêu biểu của dòng tộc Nguyễn Cửu đối với lịch sử văn hóa của đất nước, cũng như của vùng đất Phú Xuân như sau:

(1) Đây là dòng tộc đại công thần của triều Nguyễn (chúa Nguyễn và vua Nguyễn), một đại danh gia vọng tộc nổi tiếng và có sự đóng góp to lớn cho công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ biên cương Tổ quốc, cũng như cho công cuộc khai phá mở mang vùng đất Nam Bộ. Suốt gần 2 thế kỷ XVII - XVIII, tộc Nguyễn Cửu vẫn vẹn toàn tấm lòng trung nghĩa, hết lòng đóng góp công sức của mình cho chính quyền Đàng Trong, cả trong thời kỳ thịnh vượng an bình lẫn giai đoạn gian nan biến loạn.

Trong sự biến Trịnh - Nguyễn - Tây Sơn từ cuối năm Giáp Ngọ (1774), Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải bỏ Kinh đô Phú Xuân, cùng gia đình và thân tín dong thuyền chạy vào Nam lánh nạn. Trong đoàn tùy tùng đi theo phò tá chúa Nguyễn thời điểm đó, có nhiều danh tướng họ Nguyễn Cửu như Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Sách… đều gắng gỏi hết lòng, trọng đạo bề tôi. Từ biến động đó, một số bề tôi trung tín như Cửu Đàm, Cửu Tuấn, Cửu Dật, Cửu Thống, đã anh dũng hy sinh cho nghiệp lớn.

Từ sau ngày Thế tổ Cao Hoàng đế (vua Gia Long) khôi phục trung hưng, con cháu dòng tộc Nguyễn Cửu tiếp tục nối đời dốc lòng phò tá, đem tài năng và tâm huyết của mình giúp rập vương triều Nguyễn. Có thể kể đến một số danh nhân của dòng tộc Nguyễn Cửu, tiêu biểu như:

+ Nguyễn Cửu Lợi 阮久利 (đời thứ 6), giữ chức Trấn thủ Bắc Ninh. Ông là con thứ 6 của Thạc quận công Nguyễn Cửu Sách và bà Phạm Thị Lan. Theo Vân Dương kinh phổ: Nguyễn Cửu Lợi (1770 - 1832) được thăng làm Thị nội Cai cơ vào năm Gia Long thứ 4 (1805). Năm Gia Long thứ 14 (1815) đổi chức Phó Vệ úy vệ Uy Vũ. Trải thăng đến chức Thành thủ úy ở Bắc Thành kiêm quản Pháo Thủ tuần thành (năm Minh Mệnh 12 - 1831). Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), ông mất, chôn ở vùng đất bằng thuộc địa phận ấp Tứ Tây, xã An Cựu, thọ 71 tuổi.

+ Binh bộ Thượng thư Tả Đô ngự sử Tổng đốc Ninh Thái địa phương Nguyễn Cửu Đức 兵部尚書左都 御史總督寧太地方阮久德: (đời thứ 7 tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương) là con thứ 4 của Thị lang Nguyễn Cửu Thăng, sinh năm Giáp Dần (1794). Minh Mệnh năm đầu (1820), ông được bổ nhiệm làm Cai đội ở Cẩm Y vệ, rồi trải thăng chức Lãnh binh hai xứ Quảng Nam - Nghệ An. Năm Thiệu Trị nguyên niên (1841), ông được cử đi Hà Nội dẹp loạn và biện biện việc bang giao. Rồi vào kinh thành làm Đề đốc. Tiếp đó, ông lại được chuyển làm Tổng đốc Ninh Thái. Năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), ông qua đời ở lỵ sở quan tại tỉnh Bắc Ninh, thọ 52 tuổi. Sau đưa về mai táng ở xứ Ngũ Khê, xã Trúc Lâm, phủ Thừa Thiên.


+ Hộ bộ Hữu Thị lang Sung biện Nội các sự vụ Nguyễn Cửu Trường 戶部右侍郎充辨內閣事務阮久長 (đời thứ 7 dòng họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương, ban đầu ông tên là Công 功, tự là Thường phủ 常 甫): là con trai đầu của Chủ sự Nguyễn Cửu Hoan2 伍長贈主事阮久歡. Ông sinh vào năm Gia Long thứ 4 (1805); sống ở xã Hoàng Công, tổng Thủy Liên, huyện Lệ Thủy, phủ Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình (nay là Vĩnh Nam, Vĩnh Linh, Quảng Trị). Năm Tân Mão, niên hiệu Minh Mệnh thứ 12 (1831), ông thi Hương đỗ Tú tài. Năm Minh Mệnh thứ 19 (1838), ông thi Hội đỗ đầu (đệ nhất danh) và Thi Đình đỗ Đệ Nhị giáp Tiến sĩ xuất thân Đệ nhất danh (đỗ đầu kỳ thi Đình), được xưng tụng là nhân vật Đình Hội lưỡng nguyên 廷會兩元 (đỗ đầu 2 kỳ thi Hội, thi Đình).

(2) Dòng họ Nguyễn Cửu làng Vân Dương bên cạnh mối quan hệ quân thần (vua tôi), còn có mối kết nối thông gia khá thân thiết, bền vững với tộc Hoàng tộc Nguyễn Phước (điển hình như Nguyễn Cửu Kiều lấy công nữ Ngọc Đỉnh, Nguyễn Cửu Thế cưới công nữ Ngọc Phượng; Công nữ Ngọc Doãn được gả cho Nguyễn Cửu Pháp, Công nữ Ngọc Tuyên là chính thất của Chưởng dinh Nguyễn Cửu Thống…). Có thể nói, mối quan hệ khăng khít ấy đã góp phần thiết đặt một dấu ấn độc đáo trong lịch sử nhà Nguyễn nói riêng, lịch sử Việt Nam nói chung. Điển hình như câu chuyện của công nữ Ngọc Tuyên (Ni cô Vân Dương). Chính người con gái trưởng của chúa Nguyễn Phúc Khoát, người cô ruột của vua Gia Long này là người có công lao đặc biệt đối với công cuộc trung hưng của vương triều Nguyễn, tạo nên một biểu tượng rõ nét cho cầu nối giữa hai dòng tộc Nguyễn Phước - Nguyễn Cửu.

(3) Dòng tộc Nguyễn Cửu nổi danh từ Võ nghiệp và phát huy mạnh mẽ từ Văn nghiệp: Từ thời chúa Nguyễn, dòng tộc này Võ nghiệp hiển danh. Đến triều vua Nguyễn, gia tộc lại phát về nghiệp văn, với danh nhân nổi bật là Hộ bộ Hữu Thị lang Nguyễn Cửu Trường (đời thứ 7).

*

Dòng tộc Nguyễn Cửu làng Vân Dương xứng đáng được xem là một trong những danh gia thế tộc nổi bật đất Nam Hà. Nhiều danh nhân của dòng họ này được liệt thờ vào đền thờ Trung tiết công thần (như Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn, Nguyễn Cửu Đàm…), đền Trung hưng công thần (như Nguyễn Cửu Hanh, Nguyễn Cửu Kỷ…); cùng đó là bức hoành phi “Nhất môn trung nghĩa” 壹門忠 義do vua Tự Đức sắc ban vào năm 1849 chính là sự ghi nhận cụ thể công trạng của tộc họ này.

V.V.Q  
(SHSDB27/12-2017)


--------------------
1. Gồm sách Đại Nam liệt truyện Tiền biên, quyển 2 (phụ lục Truyện các công chúa; quyển 4: Truyện các bề tôi II: Nguyễn Cửu Kiều, Nguyễn Cửu Thế, Nguyễn Cửu Vân, Nguyễn Cửu Chiêm, Nguyễn Cửu Đàm, Nguyễn Cửu Pháp, Nguyễn Cửu Dật, Nguyễn Cửu Tuấn…); Đại Nam liệt truyện chính biên, quyển 10 (Truyện các công chúa II), quyển 20 (Truyện các quan, mục XVII: Truyện Nguyễn Cửu Hanh), Quyển 30: Truyện chép về Ngụy Tây; Quyển 33: Truyện các quan, mục XXIII (truyện Nguyễn Cửu Trường)…

2. Nguyễn Cửu Hoan 阮久歡 (đời 6) là con trai của Tiệp Tài hầu Nguyễn Cửu Khương (Khang) 捷才侯阮久康, ông giữ chức Trấn thủ Phó tướng Cai cơ ở Doanh Bố Chính (布政營鎮守副將該奇 Bố Chính doanh Phó tướng Cai cơ). Ông Nguyễn Cửu Khương (đời 5) là con thứ 6 của Hoán Quận công Nguyễn Cửu Pháp 奐郡公阮久法 (ông Nguyễn Cửu Pháp (đời 4) là con thứ 4 của Trung quốc công Nguyễn Cửu Thế (đời 3)).  




 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng