Ai ra xứ Huế
Du lịch Huế có gì mới?
10:36 | 13/03/2018

TRUNG SƠN

I - Lời nhắc nhở của nhà văn Nguyễn Tuân.
Nhà Văn Nguyễn Tuân là người cẩn thận và độc đáo trong việc dùng chữ nghĩa. Vậy nên nhắc đến "cụ", trước hết phải có đôi lời về cái đầu bài.

Du lịch Huế có gì mới?
Ảnh: internet

Đúng ra, nói đầy đủ phải là "du lịch Thừa Thiên-Huế...". Nhưng viết về du lịch thì nên theo cách nói của khách du lịch. Họ đã quen cách nói vắn tắt - Huế, nghĩa là bao gồm cả Thừa Thiên; có khi còn rộng hơn nữa.

Nói chuyện mới-cũ, phải có thời điểm để so sánh. Người ta thường lấy các năm chẵn như 1975, 1980, 1985 làm mốc so sánh. Tôi lại muốn chọn thời điểm giữa năm 1988. Với "Sông Hương” và ngành du lịch, đó là một thời điểm đáng gọi là có nhiều kỷ niệm. Tháng 7/1988, Sông Hương ra số đặc biệt về văn hóa - du lịch, nhân kỷ niệm 5 năm ngày tạp chí ra đời. Cũng vào dịp đó, Sông Hương và ngành du lịch đã chung sức tổ chức một đợt du lịch "thử nghiệm" cho khách nước ngoài đến tận bên kia phá Tam Giang, Khe Sanh, Bạch Mã... Hơn hai năm qua lại là thời kỳ đầy những biến cố phức tạp. Chia tỉnh rồi chia huyện. Lũ lụt liên miên. Cơ chế thị trường xâm nhập sâu vào mọi lĩnh vực. Nhiều xí nghiệp quốc doanh và tín dụng phá sản. Trên thế giới thì cả một quốc gia đã phải đọc lời cáo chung...

Viết tới đây, tôi không khỏi giật mình chợt nhớ đến trang di bút của nhà văn Nguyễn Tuân dành cho Sông Hương số chuyên đề du lịch. Nhà văn đặt một giả thiết: "nếu mất Huế vì một biến cố gì đó..." Rồi giả thiết ấy trở thành ác mộng của một nhân vật. Tất nhiên ác mộng vẫn chỉ là ác mộng, nhưng chúng ta như đọc thấy đằng sau dòng chữ của nhà văn lời nhắc nhở: "Của càng quý hiếm, càng phải lo gìn giữ, nếu không..."

Lời nhắc nhở không thừa. Cả một quốc gia hùng mạnh mất tiêu gần như là trong chớp mắt, huống chi... Và sự thực đã có bao nhiêu lời than rằng Huế đã để mất thứ này thứ kia, rằng Huế bị xuống cấp nhiều mặt trong những năm gần đây. Quả thật, hai cuộc chiến tranh cùng với thiên nhiên khắc nghiệt và nhiều biến động xã hội khác đã làm Huế mất đi nhiều thứ quý giá. Điều này ai cũng biết. Giá như có bản liệt kê đầy đủ và đem công bố, chắc nhiều người sẽ giật mình. Công việc này xin dành cho các nhà khảo cứu. Tôi lạm bàn đôi lời ở đây vì di sản Huế, phong vị Huế là môi trường, là cơ sở vật chất tạo nên sức hút đối với khách du lịch. Và có lẽ khác với nhiều nơi, người ta du lịch Huế không phải để ăn chơi tiêu xài, mà là tìm đến một giá trị văn hóa. Còn sự đánh giá "Huế xuống cấp" cả trong thời gian gần đây thì chỉ từ góc nhìn của ngành du lịch, tôi đã thấy phải có cách xem xét cụ thể và toàn diện hơn.

II- Du lịch Huế có gì mới?

Trả lời câu hỏi của tôi, giám đốc Công ty Du lịch Thừa Thiên-Huế Nguyễn Thanh Dần không vội kể những cơ sở vật chất, trang thiết bị được tăng thêm, mà nói:

- Điều đáng kể trước hết là nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch đã được xác định đúng, thực sự "thấm” đến mọi cấp, mọi ngành. Từ đó, các cấp các ngành đều cố gắng góp phần vào sự nghiệp phát triển du lịch...

Anh Dần lần lượt kể những đóng góp của các ngành hữu quan. Tôi nghe, ghi lại, nhưng điều làm tôi chú ý trước hết lại là cách nghĩ, cách nhìn thoáng rộng cởi mở của người giám đốc mới. Anh mới nhận chức được hơn tháng nay, mặc dù với Sông Hương, anh là người quen cũ, đã từng chung vai lo tổ chức cuộc du lịch "thử nghiệm" từ giữa năm 1988. Người giám đốc cũ đã về hưu.

Tiếng chuông điện thoại reng reng ở góc phòng ngắt quãng câu chuyện của người giám đốc. Tưởng là anh Dần sẽ phải bước lại nghe điện thoại, nhưng anh vẫn yên vị, nhẹ nhõm nói chuyện với khách ở xa qua chiếc hộp cầm gọn trong lòng bàn tay. Cũng qua chiếc hộp này, anh ấn nút trao đổi công việc với giám đốc khách sạn Hương Giang. Bộ phận vô tuyến có phạm vi hoạt động 300m của máy điện thoại kiểu Superfone này giúp cho người sử dụng tiết kiệm không ít thời gian và động tác thừa.

Cũng có thể nói chiếc máy điện thoại kiểu mới này là một bằng chứng về sự đóng góp của ngành bưu điện cho sự phát triển du lịch. Mấy năm trước, khách đến Huế đều phàn nàn về việc thông tin liên lạc khó khăn, nhất là ra nước ngoài. Nay, tại trung tâm bưu điện Huế đã có Fax. Và ngay trên tầng 2 Hương Giang, máy telex và điện thoại quốc tế phục vụ khách suốt từ 7 đến 21 giờ hàng ngày.

Ngành giao thông vận tải, với một tốc độ kỷ lục, đã "dâng"cho khách du lịch chiếc cầu Thuận An, đỡ cho người đi tắm biển biết bao phiền hà vì cảnh qua phà, đợi đò vượt phá Tam Giang. Từ Huế, khách muốn vào Nam ra Bắc cũng đã thoát cảnh xếp hàng đợi mua vé và đợi tàu xe. Các đường phố lớn đều có đại lý bán vé xe tốc hành; lên ga, muốn đi tàu ngày nào, loại nào cũng có. (Nói đến giao thông mà ngưng ở đây, hẳn sẽ có người chất vấn: "Sao anh không kể vụ sập cầu Kho Rèn và Kim Long? Đường Lý Thường Kiệt và Trần Phú thì đang bị hủy hoại từng ngày. Những điều đó là có thật, nhưng bên cạnh lại có một sự thật khác: cầu mới Kho Rèn vững chãi đã đưa vào sử dụng, cầu Kim Long và An Cựu sẽ hoàn thành nay mai. Sự đời ít khi "được" cả mà không "mất” gì. Tất nhiên, nếu bàn chuyện quản lý, tính toán lẽ hơn thiệt thì còn nhiều điều đáng nói.)

Một sự "lên cấp" nữa có ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động du lịch là sự kiện dòng điện Sông Đà vào tới Huế đã mấy tháng nay. Các khách sạn, biệt thự du lịch được ưu tiên đã đành, hầu hết các khu phố của Huế cũng có điện 24/24 giờ hàng ngày. Tôi lại nhớ đến cảnh vợ chồng anh B, một tiến sĩ ở Đức về thăm quê hồi giữa năm 1988, đã phải tiếp bạn bè trong một căn nhà nóng bức, bên ngọn đèn dầu vàng vọt. Hồi đó, trong cuộc hội thảo về văn hóa-du lịch, nhiều bản tham luận đã lưu ý việc phát triển "du lịch nhân dân", nhưng đường phố tối om, may ra chỉ đón được loại khách đi điều tra mức sống lạc hậu trên thế giới mà thôi!

Có ngành tưởng là ít quan hệ đến du lịch như ngành lâm nghiệp cũng được anh Dần nhắc đến. Chương trình bảo vệ và xây dựng khu rừng quốc gia Bạch Mã được đưa vào kế hoạch cũng là nhằm tạo môi trường để phát triển du lịch trong tương lai...

Tiếp tục câu chuyện, người giám đốc đưa cho tôi xem một tài liệu đầy những con số, phía dưới có 3 dấu son tươi rói làm chứng, và nói:

- Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm rất nặng chúng tôi vừa đón nhận. Đơn vị tôi là cơ sở đầu tiên được Tỉnh giao trách nhiệm bảo toàn, quản lý vốn. Với tổng số vốn là 3,8 tỷ đồng, mặc nhiên một năm, ngoài các khoản đã nộp trước đây, chúng tôi phải nộp thêm một khoản thuế cho ngân sách là 130 triệu đồng. Lấy ở đâu? Tiền phòng thì dễ gì tăng lên được...

Con tính chưa có lời giải cụ thể, nhưng đơn vị đã nhận trách nhiệm dựa trên những kinh nghiệm và khả năng phát triển các mặt hoạt động qua "năm du lịch 1990". Một năm đầy những thử thách. Thế giới biến động lớn, khách nước ngoài đến ít hơn dự kiến. Lại phải cạnh tranh, thi đua với bao nhiêu là nhà khách của các ngành "bung ra" làm du lịch, giá phòng chỉ bằng 1/3, 1/4 ở khách sạn. Nhưng đơn vị đã "đứng" được, nộp ngân sách đủ 400 triệu đồng, bảo đảm đời sống khá cho trên 400 cán bộ, nhân viên. Cơ sở vật chất phát triển đáng kể. Ngoài các biệt thự trên đường Lý Thường Kiệt của du lịch thành phố đã đưa vào sử dụng, Công ty đã đầu tư 60 triệu đồng cải tạo một cơ quan đã giải thể tại 9 Ngô Quyền thành khách sạn có 40 giường dành cho khách nội địa. Văn phòng Công Ty trước đóng tại "nhà đoan” trong khu vực khách sạn Hương Giang cũng được chuyển về 9 Ngô Quyền. Hương Giang "bỗng chốc" rộng thêm ra một khu B tại "nhà đoan" cũ, gồm 11 phòng, có 32 giường với giá phòng thích hợp với túi tiền khách nội địa. Chất lượng phục vụ được cải tiến về nhiều mặt. Khách sạn tổ chức cơm vua (ngự thiện) và ca Huế thường xuyên theo yêu cầu của khách. Nhiều chị em đã nêu gương về thái độ phục vụ khách tận tình, trả lại cho khách những tài sản có giá trị, hai chị Mai Thị Hảo và Nguyễn Thị Hiền Chi đã trả lại cho một bạn Lào 11.200 đô-la bị bỏ quên; chị Nguyễn Thị Lượng và Võ Thị Gái trả lại nhẫn vàng cho khách...

Biết anh Dần đang lúc bận rộn, tôi chỉ định hỏi chuyện anh trong một tiếng đồng hồ, vậy mà kéo dài gần hết buổi. Trước lúc chia tay, anh bấm máy, gọi đem "nước" mời khách - hai cốc bia Huđa (chữ Huế - Đan Mạch viết tắt) đầy vun bọt trắng, dù biết tôi là người không thích rượu chè. Hẳn là người giám đốc cũng muốn giới thiệu một sản phẩm mới toanh của Huế có chất lượng thỏa mãn được khách du lịch.

Cốc bia chưa cạn, một người còn trẻ, thân hình cao, bước vào phòng. Anh Dần giới thiệu:

- Anh Đông, giám đốc mới của khách sạn Hương Giang thay đồng chí Bích đã nghỉ hưu. Nhà văn ưa cụ thể, tôi gọi anh Đông đem anh xem mấy bức ảnh chụp các bữa "cơm vua".

Tôi lật xem tập ảnh mầu và phải thốt lên: "Chà! Đẹp quá!" (Tiếc là điều kiện in ấn không cho phép để in kèm bài viết này dăm bức). Khuôn mặt thanh thoát của người giám đốc tươi trẻ hẳn với nụ cười nở rộng, đôi mắt sau cặp kính trắng sáng lấp lánh:

- Bây giờ là thời buổi khách lên ngôi "hoàng đế". Nhưng chỉ đến Huế, các ngài mới được thời "ngự thiện"!

Anh vừa nói vừa đưa tôi xem một trang giấy có dòng chữ của ông Nobukatsu Imamura, tùy viên văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản tại Hà Nội. Vị khách Nhật trực tiếp viết bằng tiếng Việt: "Khách sạn Hương Giang đã tổ chức cho trẫm món ăn cung đình như kiểu ngày xưa. Trẫm rất hài lòng và cám ơn một nghìn lần các khanh đã phục vụ cho trẫm. Trẫm chắc chắn nhớ một bữa cơm ở đây mãi mãi."

Cũng để có thêm bằng chứng cụ thể, anh Đông đã dẫn tôi "tham quan"những đổi mới ở Hương Giang. Ở Huế mà lại đi "tham quan" Hương Giang kể cũng là chuyện lạ. Chuyện lạ có thật vì giới cầm bút mấy ai đủ tiền và cũng ít có bạn ở lớp người đủ tiền vào ăn ngủ ở Hương Giang. Gần một năm rồi, tôi mới có dịp trở lại đây. Quả là khách sạn đã có nhiều thứ đổi mới, lên cấp. Trên sân, bên cạnh xe của khách còn lắm bụi đường trường, hai chiếc Nissan và hai chiếc Toyota sạch bóng của khách sạn nối đuôi nhau sẵn sàng phục vụ khách. Ngoài các gian hàng trưng bày mỹ nghệ và phục vụ ăn uống, từ tháng 6/90 đã có thêm phòng thu đổi ngoại tệ. Phòng bưu điện đặt ngay đầu cầu thang trên gác 2. Sau vách ngăn bằng kính sáng trưng, cô nhân viên trực dáng người thanh mảnh, biết hai ngoại ngữ Anh, Pháp, chỉ cho tôi xem máy telex "mới cứng" và vui mừng báo tin là bưu điện đã có dự tính là đặt cả máy Fax ở đây. Máy điện thoại đã được lắp đặt khắp các phòng ngủ. Một nửa số phòng, trang bị nội thất được đổi mới, trong đó thiết bị vệ sinh mua của Nhật, giá mỗi bộ trên hai triệu đồng. Các phòng được cải tạo từ trụ sở công ty cũ không có trang bị nội thất hiện đại, nhưng để đón khách nội địa thì tươm tất chán. Khu B này chỉ mới đưa vào sử dụng từ tháng 7 đến nay đã thu được gần 15 triệu đồng. Anh Đông cho biết, trước tết, sẽ cải tạo khu nhà kho thành một số phòng ngủ với giá tiền thấp để khách sạn có thể kết hợp đón nhiều loại khách...



Người giám đốc đưa tôi lên tầng 4 khách sạn. Sau những ngày dài mưa rét, trời Huế vừa hửng nắng. Trong buổi sáng ấm áp hiếm hoi giữa mùa đông, dòng sông Hương, cầu Tràng Tiền, chợ Đông Ba, cồn Hến... hiện ra với một mầu sắc tươi mới hấp dẫn khác thường. Chiếc thuyền rồng của khách sạn vừa rời bến, đưa đoàn khách Canada - trong đó có ngài cựu thủ tướng - ngược Sông Hương lên thăm chùa Thiên Mụ và lăng Minh Mạng. Đứng trên tầng cao khách sạn, càng thấy rõ phong vị, cảnh sắc Huế đã tạo nên môi trường du lịch thật hấp dẫn. Và điều đáng nói thêm là mỗi cơ quan, mỗi người dân sống ở Huế đã có ý thức giữ gìn và "nâng cấp" môi trường ấy. Đoạn bờ sông gần chợ Đông Ba đầu cầu Tràng Tiền năm ngoái còn là bãi rác, nay đã thành một công viên đẹp mắt. Ủy ban nhân dân thành phố Huế vừa mở cuộc thi chọn phương án xây dựng công viên đoạn giữa hai cầu Tràng Tiền và Phú Xuân. Trên các đường phố, bóng áo dài tha thướt ngày một nhiều. Cũng cần nhắc đến các lớp học ngoại ngữ ban ngày và buổi tối thu hút ngày càng đông học viên. Riêng ở Hương Giang, đã có 18 nhân viên biết giao tiếp bằng ngoại ngữ, 14 người khác đang học thêm. Các lớp học "nữ công gia chánh" một thời bị quên lãng, nay cũng được mở liên tục...

Huế đón khách du lịch đâu chỉ với các lăng tẩm, đền chùa cổ kính. Du khách đến Huế gặp gỡ trước hết với con người Huế hôm nay - những con người có văn hóa.

III- Nhìn về tương lai.

Với chính sách mở cửa, với xu thế giao lưu đối thoại ngày càng phát triển trên thế giới, du khách đến Huế sẽ ngày càng đông. Đồng bào trong Nam ngoài Bắc cũng sẽ đến thăm Huế nhiều hơn.

Làm cách nào để đáp ứng được yêu cầu đó?

Trực tiếp và dễ thấy nhất là khách sạn Hương Giang 2 sau Tết sẽ có 70 phòng đưa vào sử dụng với trang thiết bị nội thất còn tốt hơn cả Hương Giang 1. Cũng đã có kế hoạch cải tạo khu vực Morin và phương án khai thác suối nước nóng Mỹ An. Những kế hoạch trong tầm tay ấy vẫn đang kẹt vốn, nên đường lên Bạch Mã mây vờn càng xa lắc xa lơ!

Rõ ràng là phải tìm cách kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước nhiều hơn nữa, phải có chính sách và những điều kiện cởi mở có sức hấp dẫn các chủ đầu tư. Trước mắt thì... "mèo nhỏ bắt chuột nhỏ", hẳn là nên nhằm vào việc tiếp tục cải tạo các biệt thự và công sở còn rộng chỗ để đón khách du lịch. Việc nâng cao trình độ và khả năng phục vụ vẫn là yêu cầu cấp bách. Đến nay, một khách sạn như Hương Giang mà vẫn chưa sắm được máy giặt, sấy chăn màn thì cũng là chuyện lạ. Và đã có ai nghĩ đến các lớp dạy nghề du lịch?... Đó là chưa kể đến các khó khăn lớn trong việc trùng tu các di tích và cải thiện các phương tiện giao thông đến Huế - trong đó có đường hàng không, mà dù Huế cố gắng đến mấy cũng không khắc phục nổi...

Năm 1990 - năm du lịch Việt Nam sắp qua. Nhưng với Thừa thiên - Huế thì năm nào hẳn cũng là năm du lịch. Hy vọng năm mới 1991, du lịch Huế cũng sẽ có nhiều chuyện mới để kể với bạn bè gần xa./.

Huế 20-12-1990
T.S.
(TCSH44/01-1991)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng