Ai ra xứ Huế
Dê và biểu tượng của dê
15:19 | 16/10/2018

LÊ QUANG THÁI

Ngày xuân còn dài, xin kể vài mẫu chuyện dê tiêu biểu trên đất kinh kỳ văn vật cốt chỉ mua vui chốc lát trong hương vị của ngày Tết cổ truyền.

Dê và biểu tượng của dê
Minh họa: Bửu Chỉ

Mùi còn gọi và đọc là Vị , là ngôi thứ 8 trong 12 con giáp, đều có biểu tượng rất dân dã là . Theo cách viết dương , là , dẫu là dê nhà hay dê rừng cũng vậy. Từ lại còn nghĩa riêng để chỉ người đa dâm dù là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ, nghèo hay giàu, dinh hay quê.

Dâm là một điều cấm thuộc luật cấm của đời lẫn đạo. Thế mà các cụ túc nho đời xưa lại bảo:

"Ai dám bảo chữ dâm là bậy
Không dâm sao lại đẻ ra hiền”.

Lẽ nào các cụ nói không có lý vì thiếu cơ sở nhận thức!

Đứng trên cầu Phú Xuân ngắm nhìn mây trời hương nước, ngâm nga hai câu thơ của một tác giả, đã một thời cảm tác về Huế buổi xa xưa được phân ranh trong trí tưởng tượng làm hai: bên này là tòa sứ, bên kia là Nam Triều:

"Đục trong tâm sự chìm mưa nắng
Ai nói ai nghe chuyện hý trường"
                        (Nguyễn Văn Thư)

Nhớ lại 108 năm về trước, năm Quý Mùi (1883), lịch sử nước ta diễn ra một giai đoạn bi thương. Trước họa giặc Pháp gây sức ép đến tận kinh đô, vua Tự Đức đau nặng rồi mất (16 tháng 6 Quý Mùi). Từ thời điểm này trở đi, chỉ trong vòng hơn 4 tháng, sự phế lập vua xảy ra liên tiếp ở triều đình Huế.

Vua Dục Đức lên ngôi được 3 ngày thì hai ông Phụ chính chuyên quyền Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết bắt tội, đem vua bỏ ngục cho chết đói. Lạng quốc công húy Hồng Dật, em út vua Tự Đức, được tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Hiệp Hòa. Sử sách ghi lại rõ vài chi tiết ngày lễ đăng quang:

"Ngày Ất Hợi làm lễ tấn tôn tại điện Thái Hòa. Khi Các quan đương sắp hàng lạy, có một con chim đậu trên ngọn cây trước điện kêu tiếng lớn. Đến khi đọc di chiếu, lại có một đoàn dê qua cầu Kim Thủy. Người ta cho là điều không tốt"(1).

Tháng Chạp năm Quý Mùi, năm cùng tháng tận, công sứ Pháp ở Tàu là Tricou nhân đi qua Sài Gòn, được chính phủ Pháp ủy nhiệm ra Huế hỗ giao Hòa ước Quý Mùi (còn gọi là Hòa ước Harmand) vào tháng Chạp năm ấy tức nhằm ngày Tết Dương lịch (1.1.1884).

Với Hòa ước Quý Mùi ký ngày 25-8-1883 tại Huế, gồm 27 khoản, nước Nam mất hết chủ quyền. Nam triều đã “gửi thân" cho chính phủ bảo hộ các quyền về ngoại giao, quân sự, tài chánh... Vua quan ta rảnh việc!

Chỉ trong vòng hơn 4 tháng mà phế lập 3 vua. Cả một tấn tuồng bi lệ, một bức tranh vân cẩu không hơn không kém. Người dân Việt không ai là không đau lòng trước vận nước đen tối rơi đúng vào năm con dê hiếm có này.

Chép về loài dê, sử sách đã ghi lại rõ nét về tên gọi và đặc điểm nổi bật của loài dê như sau:

"Bản thảo gọi là Cổ 羖,Đê , là Yết .Sách Lễ ký gọi là Nhu mao 毛, Thiếu lao 牢. Dịch kinh chú: Dê không có con ngươi mà ngó thấy. Lại có một loại Đại Vĩ Dương đuôi rất lớn".(2)

đồng bằng có đuôi ngắn khác với loại dê rừng đại vĩ dương. Dê là loài thú được chọn đưa vào phục vụ chốn cung vua, gần gũi với hoạn quan và cung tần mỹ nữ. Hình tượng dê được khắc chạm vào DỤ ĐỈNH trong hệ thống Cửu đỉnh bằng đồng đặt trước Thế miếu vào năm Minh Mạng thứ 17(1836).

Dê trên Cửu Đỉnh - Ảnh: internet


Bản Đại Nam nhất thống chí thời Tự Đức đã phân rõ hai loại dê rừng bằng cách dựa vào màu sắc của cặp sừng dê:

" - Dê rừng trắng sừng - Linh dương. Bản thảo gọi là Lộc linh dương. Hoàn vũ ký chép rằng ở núi cao thuộc An Nam sản sinh giống Linh dương, có một sừng, rất rắn, có thể húc nát được đá kim cương"...

- Dê rừng đen sừng- Sơn dương. Bản thảo gọi là dã dương nguyên dương(3)

Sách lại ghi thêm rằng năm Nhâm Dần, vào dịp đầu Xuân năm 1842, ở ngoài Hiếu lăng (lăng vua Minh Mạng) có con linh dương từ nguồn Tả trạch (của Sông Hương) lạc về, người giữ lăng lập mưu bắt được dê đem dâng. Dê rừng được nuôi lâu thành quen với môi trường mới vì nhờ được tiêu chuẩn cao do nhà vua ban cấp và lại được người giữ khéo chăm sóc, o bế để lập công.

Người chăn sóc dê cho biết dê sống thành bầy đàn Dê cụ đực làm chúa đàn có cách làm việc nghiêm túc, từ sáng sớm đã kiểm tra sĩ số, rồi dẫn đàn đi ăn cho dến chiều hôm tìm cách đưa về sao cho đủ mặt. Đàn dê sống liên kết với nhau, tạo thành sức mạnh tổng hợp có thể đương đầu với chúa sơn lâm. Sư tử, cọp phải sợ bầy đàn dê. Đó là một nét đặc trưng nổi bật của loài dê dầu là dê nhà hay dê rừng.

Cùng loại thú có nét tương cận ít nhiều với khuyển dịch nôm là chó. Bản thảo là địa dương. Giữa và chó có nét tương đồng trong cách gọi tên. Có lẽ đó là một trong những cơ sở phụ vào yếu tố sinh lý cấu tạo thành hai loại thịt dê thịt chó. Cho nên trong dân gian đã có câu tục ngữ: "Treo đầu dê bán thịt chó.” Nghĩa rộng và thoát của câu tục ngữ này thật phong phú và đa dạng. Chỉ riêng về lãnh vực kinh tế sản xuất, việc làm hàng kém chất lượng, hàng dổm cũng là một cách biểu hiện tinh thần câu nói bất hủ của dân gian:

"Xin đừng dở dói văn chương nữa,
Bán chó sao ngoài lại thủ dê"
                        (Nguyễn Công Trứ)

Dưới khía cạnh Dịch lý, nhà bác học Lê Quí Đôn đã giải thích chung quanh các đặc trưng của các loại cầm thú cùng nhóm, cùng mẫu mà sách Dương Cốc mạn lục đã dẫn lại thành dưới dạng tập hợp:

"Sửu, Mão, Tỵ, Mùi, Dậu, Hợi là ÂM, cho nên lấy số chẵn tương thuộc và đặt tên như trâu 4 móng, thỏ 2 móng, rắn 2 lưỡi, dê 4 móng, heo 4 móng"(4).

Rồi dựa vào sách Thiên sinh tiểu luận, tác giả sách Vân đài loại ngữ lại ghép thiên can địa chi để giải thích bản chất mắt dê không có con ngươi:

"ẤT MÙI ở trên là gió, ở ngũ tạng là gan, Giáp mộc sinh ở Hợi, tử ở Ngọ, mộ ở Mùi, cho nên loài dê trông ngược, không có con ngươi và 4 móng"(5).

Năm Tân Mùi, (1871), Nguyễn Trường Tộ dâng lên vua Tự Đức bản điều trần. Ông dùng thuyết âm dương, ngũ hành để lập luận, chứng minh việc thực dân Pháp xâm chiếm nước ta là điều trước sau không tránh khỏi. Đó là một cách biểu hiện tốt đạo làm tôi biết băn khoăn trước vận nước đỏ đen.

Về mặt cương thường đạo lý, dương tức là có ý nghĩa biểu tượng đẹp nét, ấy là đức hy sinh, kể cả mạng sống để cứu giúp người, cứu nguy tổ quốc. Với ý nghĩa cao thượng ấy trong ngũ thường có điều nghĩa. Nghĩa là hy sinh cái ta (cái ngã) theo nghĩa lý rút ra từ chiết tự của từ NGHĨA. Từ này gồm chữ dương đặt trên từ NGÃ hội ý mà thành từ NGHĨA .... Vì việc nghĩa đòi hỏi tự nguyện hy sinh cái ta để giúp người, giúp đời. Sống vị ngã (vì mình) thì còn vướng nặng nghiệp chướng dễ dẫn tới chỗ hẹp hòi, ích kỷ làm mất nhân cách. Dương Chu, triết gia thời Chiến quốc, chủ trương thuyết vị kỷ: "Nhổ một sợi tóc mà lợi cho thiệp hạ cũng chẳng làm". Sống có nghĩa là sống đẹp, chết vì nghĩa là chết đẹp. Ngán nhất trên đời là kẻ phi nghĩa, kẻ bất nghĩa.

Vì vậy mà được chọn là một trong những con vật tế thần. Phan Kế Bính trong tác phẩm Việt Nam phong tục nhắc đến lễ tam sinh mà đúng tên gọi là lễ Thái lao:

"Sau khi đức Khổng phu tử chết rồi, đến đời vua Cao tổ nhà Hán, mới lên ngôi vua, trước hết dùng lễ THÁI LAO (một con trâu, một con bò và một con dê) thân hành đến tế Ngài nơi nhà thờ".(6)

Trong các lễ tế trời, tế tôn miếu, tế thần hoàng người ta dâng lễ tam sinh. Thông thường vì khó kiếm được , ban chủ tế đã thay dê bằng heo. Việc chọn giống vật để tế thần đã có từ đời Phục Hy, thời Tam Hoàng ngũ Đế của Trung Hoa. Vua Phục Hy dạy dân cách chăn nuôi loài vật.

Năm Quí Mùi (1823) nhân tiếp sứ thần nước Diến Điện đến giao hảo, vua Minh Mạng đã sớm nghĩ đường lối ngoại giao với các nước. "Không nên bỏ tình giao hiếu mà gây nên sự cưu thù"(7)

Giữ lấy lòng thù địch thì chỉ tạo thêm mâu thuẫn. Tư tưởng ấy thể hiện trong tác phẩm "Lục súc tranh công" ra đời vào đầu thế kỷ 19. Chưa rõ ai là tác giả, tác phẩm này viết theo thể loại tuồng gồm 453 câu. Nội dung đưa ra việc tranh luận giữa 6 con vật: trâu, chó, ngựa, dê, gà, lợn... Ngựa kiện dê, dê kể công rồi lại xoay ra kiện gà. Tranh luận gay gắt hóa ra tranh chấp quyền lợi vì chưa điều hòa được những mâu thuẫn. Của ít mà phân phối không công bằng, thưởng phạt thiếu công minh, cơ cấu nhân sự theo phe cánh chứ không vì thực lực thì trước sau cũng xảy ra chuyện lục đục, chia rẽ trong nội bộ cho dù khéo cách tém nhặt, che giấu vì sợ sự thật bay ra ngoài.

Vua quan có tài, có tướng là điều diễm phúc cho dân, cho nước, loài vật cũng có tướng và cũng có dụng của chúng. Platon, triết gia Hy Lạp thời cổ đại, đã mạnh dạn gọi đó là cái đức của loài vật. Sừng dê rừng là vị thuốc quý, Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết nó được dùng để trị bệnh nhiệt phong và kinh giản (co giật). Lấy linh dương giác và nhị hồng sâm đem chưng với sữa dê trở thành phương thuốc bổ thận và trị thận suy...

còn cung cấp cho người ta bộ da quý và đắt giá. Sách Sử Ký của Tư Mã Thiên chép chuyện Bá Lý Hề làm quan đại phu nước Ngu. Nước Tấn diệt nước Ngu. Bá Lý Hề bị bắt làm nô bộc để theo hầu con gái của mình đã gả cho Tần Mục Công. Bá Lý Hề thấy nhục, bèn trốn sang nước Uyển thì bị người ở biên ấp nước Sở bắt. Trong những năm tháng lao đao, ông phải đi giữ bò. Mục Công nghe tiếng ông là người hiền bị đày đọa bèn sai người đem năm bộ da dê cái màu đen chuộc về phong cho làm tướng quốc. Do đó người ta gọi ông Hề là "ngũ cổ đại phu" : quan đại phu năm bộ da dê cái(8)

Bên cạnh các sở dụng, loài dê có những dị tướng. Đó là tướng trời sinh gọi đúng chữ nghĩa là bản chất tiên thiên. Nếu ruột ngựa thẳng thì ruột dê hẹp và uẩn khúc. Theo tướng số, người nào được râm độn trúng ruột dê là người có lòng dạ đáng sợ như người có ruột chó vậy.

Giới sành điệu ăn uống đã biết cách làm và chế biến các món ăn từ dê như dê tái, tiết canh dê, gỏi dê, bó sỗ dê, rượu dầm, cao dê... Nữ sĩ Trương Đăng Thị Bích đã diễn thành thơ về cách làm và nấu các món ăn từ thượng vàng đến hạ cám ở chốn cung đình và trong dân dã. Đặc biệt, các món ăn thuộc loài thú có món gỏi dê bó sỗ dê là đòi hỏi nhiều công phu:

GỎI DÊ

"Thịt dê xắt nhỏ cũng in rau
Chả rối, heo ria, luộc bún tàu.
Bánh tráng mè rang, xương nấu nước
Tương đường mỡ tỏi ruốc năm màu".(9a)

BÓ SỖ DÊ

"Này dê phải cạo sạch lòng con,
Lá sả bao ngoài khéo cuộn tròn,
Lạt mỏng ràng quanh cho thịt chặt.
Luộc lâu da dẻo ấy là ngon". (9b)

Lại thêm loại nếp có tên rất biểu tượng là nếp mỡ dê, tên gọi theo chính sử là dương chi nỏa. Loại nếp ngon này có màu trắng, chất dẻo và thơm. Nông dân trồng vào tháng 5 và thu gặt ở tháng 10 âm lịch. Gói bánh chưng, bánh tét dùng trong dịp Tết Nguyên Đán bằng loại nếp mỡ dê thì cực kỳ tuyệt: mỡ dê, bọc lấy mỡ heo, mỡ heo quyện lấy mỡ dê, cuộn tròn và lăn đều...

Đầu năm Tân Mùi, nhắm chén trà sen, hít thở hương vị ngày Tết, xin nghe kể lai rai chuyện năm Mùi cho bùi tai và đem loài dê ra khảo lý lịch ba bảy đời vương. Kể làm sao cho hết, nếu có thì giờ mà kiên trì phỏng vấn thì cũng chỉ thấy kêu ba tiếng be, be, be rồi ngúc ngắc cái đầu, bỏ đi vào đường cấm.

Ở đất kinh kỳ còn lắm chuyện dê, nào là trò dê chốn cung cấm, dê cụ, dê xồm, dê tứ chiếng, dê cỏn húc gàn, ông tiến sĩ mọc lông dê, cà dê, quán dê, bịt mắt bắt dê, chịu đấm được dê, dê đời mới... Có những chuyện vốn không dê mà lại hóa mới tài, mới tức cười... Đau lòng biết mấy: khóc dở khóc, cười dở cười vì tình đời vốn dĩ éo le.

Năm Tân Mùi, 1991 phải là một năm tiến bộ nhờ biết phát huy biểu tượng và phẩm chất tốt đẹp của .

2.12.1990
L.Q.T
(TCSH44/01-1991)


-------------------
(1) Quốc triều chánh biên, Nghiên cứu sử địa Việt Nam, Sài Gòn, 1972, tr.404.
(2) Đại Nam nhất thống chí, Thừa Thiên phủ, tập hạ, Nguyễn Tạo dịch, Sài Gòn, 1962, tr. 91.
(3) Đại Nam nhất thống chí, tập I, Khoa học xã hội, Viện sử học, Hà Nội, 1969, tr. 349.
(4) Lê Quí Đôn, Vân đài loại ngữ, Phạm Vũ và Lê Hiền dịch, miền Nam, Sài Gòn 1973 tr.99.
(5) Lê Quí Đôn, Sđd, tr.99.
(6) Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, tp Hồ Chí Minh, 1990 tr.210.
(7) Quốc triều chánh biên, sđd, quyển thứ III, Thánh tổ Nhơn Hoàng Đế, tr. 125.
(8) Sử ký của Tư Mã Thiên. Lá Bối, Sài Gòn, Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê dịch, 1970. tr. 757.
(9ab) Trương Đăng Thị Bích, Phụ đạo ca và Thực phổ bách thiên, Huế, 1989, tr.31.






 

Các bài mới
Các bài đã đăng