Ai ra xứ Huế
Nhân vật lịch sử Đàng Trong: văn chức Quốc sư Hồ Quang Đại
14:56 | 30/11/2018

TRẦN ĐÌNH HẰNG - LÊ ĐÌNH HÙNG  

Trải qua nhiều vấn nạn của thiên tai, địch họa mà đến nay, tài liệu nghiên cứu về thời chúa Nguyễn Đàng Trong rất hiếm hoi. Vì vậy, tài liệu lưu trữ từ gia tộc sẽ góp phần thiết thực để soi rọi một số chi tiết bổ sung cho chính sử.

Nhân vật lịch sử Đàng Trong: văn chức Quốc sư Hồ Quang Đại
Miếu Ông làng Nguyệt Biều

Nhân vật lịch sử Hồ Quang Đại ở làng Nguyệt Biều (phường Thủy Biều, Thành phố Huế) và làng Hương Cần (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), mang đậm dấu ấn thời chúa Nguyễn Đàng Trong, là một trường hợp tiêu biểu như vậy. Từ đầu năm 2018, nhờ sự giúp đỡ của bác Hồ Xuân Thiên, Hồ Xuân Diên ở làng Nguyệt Biều mà chúng tôi đã được tiếp cận những tài liệu quý hiếm của dòng họ Hồ tại làng có đề cập đến nhân vật lịch sử quan trọng thời Đàng Trong này.

Phân tích các nguồn tài liệu của gia tộc thì nhân vật Hồ Quang Đại là hậu duệ đời thứ sáu của họ Hồ ở làng Nguyệt Biều, theo gia phả, bài vị, từ vị thủy tổ “Tiến sĩ tòng Tiên vương nhập Nam hà biệt ban nhậm thực Nguyệt Biều xã Hồ Minh Quý công”, khẳng định nguồn gốc theo chúa Nguyễn Hoàng vào Nam. Theo gia phả, ông là Cống nguyệt Hồ Quang Đại, tự Hán Châu, đỗ Giám sinh Thủ khoa kỳ thi năm Nhâm Thìn (1652), rồi Thị giảng Phụ chánh An biên, sắc tứ Phúc Đức Quốc sư Đức Xuyên tử. Nhờ công lao Thị giảng Phụ chánh An biên trong việc dạy đức Ngãi vương Nguyễn Phúc Thái và Minh vương Nguyễn Phúc Chu từ lúc chưa lên ngôi mà sau khi mất, được nhà chúa ân điển ban tặng Phúc Đức Quốc sư, tước Đức Xuyên tử. Hiện nay, làng Nguyệt Biều thờ ngài tại Miếu Ông, bài vị đề “Nhâm Thìn niên thí trúng Giám sinh Triều nghị Đại phu Thị giảng Phụ chánh An biên sắc tứ Phúc đức Quốc sư Hồ quý công thần vị”. Ông mất ngày 28/9, bà (Phan Thị Do) mất ngày 4/3 ÂL, mộ táng ở xứ Cồn Sủng.1

Kết hợp tài liệu gia phả cùng các nguồn sử liệu trong Liệt truyện, Thực lục, có thể phác họa nên hành trạng độc đáo của Hồ Quang Đại. Nhờ đỗ thủ khoa trong khoa thi năm Nhâm Thìn (1652) thời Hiền vương Nguyễn Phúc Tần năm thứ 4, ông được bổ Văn chức. Bốn năm sau (Bính Thân - 1656), ông được thăng bổ Tri huyện huyện Phú Vang, “Khi tại chức, hòa nhã cai trị dân, bớt sự phiền nhiễu hà khắc, cốt giữ trong sáng yên tĩnh, lại và dân đều khen”. Đến năm Kỷ Hợi (1659), ông được thăng Tri phủ Thăng Hoa, và sau đó, “Khi về triều, được thăng Thị giảng, Tri Kinh diên. Khi  mất, được tặng phong Phụ chính An biên Phúc Đức quốc sư”.2

Tài liệu được họ Hồ lưu giữ còn cung cấp nhiều thông tin chi tiết, nhất là từ tờ Thị bổ nhiệm ông làm Tri huyện Phú Vang năm Bính Thân (1656) của Thái Bảo Dõng Quận Công (Hiền vương Nguyễn Phúc Tần) cho vị Phước Xuyên nam: Chánh dinh Văn chức Phước Xuyên Nam Hồ Quang Đại, “tòng quân lâu ngày có công, thích hợp làm Tri huyện, huyện Phú Vang thay cho người tiền nhiệm để lo việc trị dân, nếu giữ chức không tròn đã có tại quốc pháp”.

Sắc phong Thành hoàng Hồ quý công (làng Hương Cần, Thành Thái II - 1890) (Thư viện tỉnh Thừa Thiên Huế)


Có thể có sự sai khác so với Liệt truyện về năm ông được bổ nhiệm Tri phủ Thăng Hoa từ năm Kỷ Hợi (1659), dòng họ Hồ còn lưu tờ Thị năm Thịnh Đức thứ 6 (?) (1658 - đúng ra là năm Vĩnh Thọ 1), thì ông đã được ban tước Đức Xuyên tử, từ Tri huyện Phú Vang thăng bổ Tri phủ Thăng Hoa: “lo việc trị dân đúng phép tắc, thích hợp thăng làm Tri phủ Thăng Hoa thay thế người tiền nhiệm Nguyễn Văn Nghi, nên thận cần khiêm thứ để lo việc trị dân, nếu giữ chức không tròn đã có tại quốc pháp”.

Một số tài liệu khác còn bổ sung, làm rõ bước đường hoạn lộ của ông trước khi về Phú Xuân đảm nhận chức trách Thị giảng chốn nội cung. Gần 10 năm làm Tri phủ Thăng Hoa, ông được cử vào nam Trung bộ đôn đốc việc thu thuế theo tờ Thị ngày 8/3/Cảnh Trị 6 (1668): “...đến phủ Quy Ninh ra lệnh cho các viên chức trong phủ, huyện và các xã, thôn phường ở tổng Phù Ly Thượng, Trung, hễ có ruộng công, tư thì đem nộp thuế ruộng và thuế lúa tại thuế trường cho đủ số. Đến hạ tuần tháng năm phải hoàn tất, chở thẳng đệ nạp tại Chính dinh, quá hạn mà chậm trễ hay bị mất mát hư hao đã có tại quốc pháp”.

Một năm sau, tờ Thị ngày 12/1/Cảnh Trị 7 (1669) của Hiền vương còn trao cho ông nhiệm vụ đến các phủ Diên Ninh Thái Khương (vùng Khánh Hòa ngày nay) để đôn đốc việc lập địa bạ: “...tra xét các tổng, xã, thôn, phường thu kiến canh bạ đầy đủ rõ ràng, xong việc đem nạp. Nếu che dấu hay vì tình hối lộ đã có tại quốc pháp”. Một văn bản khác, cùng ngày 12/1/ Cảnh Trị 7 (1669) lại nhấn mạnh việc giao cho ông “... đến các phủ Diên Ninh và Thái Khương, đến tuyển trường và ra lệnh cho các viên chức trong phủ, đốc thúc các huyện, tổng, xã, thôn, phường xếp các hạng nhân số chính hộ, khách hộ. Đến ngày 8/2 mang đến tuyển trường để công đồng duyệt định, bày tỏ ý thương dân”.

Tờ Thị ngày 26/4/Cảnh Trị 7 (1669) cử ông đến phủ Quy Ninh, lệnh cho các viên chức trong phủ, đốc thúc các xã, thôn, phường thuộc huyện Tuy Viễn và tổng Phù Ly Hạ nộp đủ thuế ruộng và thuế lúa các hạng công, tư, tại thuế trường cho đủ số, hạn chót đến hạ tuần tháng năm phải hoàn tất, chở thẳng đến Chính dinh đệ nạp. Sau đó, triều đình còn ban tờ Thị ngày 25/3/Cảnh Trị 8 (1670) điều ông đến phủ Quy Ninh để đốc thúc các xã, thôn, phường thuộc huyện Bồng Sơn và tổng Phù Ly Thượng, Trung, nộp đủ thuế ruộng và thuế lúa các hạng ruộng công tư tại thuế trường. Đến hạ tuần tháng năm phải hoàn tất, chở thẳng đến Chính dinh đệ nạp, nếu quá thời hạn mà chậm trễ hay bị mất mát hư hao phải chịu theo quốc pháp. Tinh thần đó cũng được lặp lại trong tờ Thị năm Cảnh Trị 9 (1671) khi Hiền vương giao cho ông nhiệm vụ đến phủ Quy Ninh để lo liệu việc thu thuế, nhất là tại các xã, thôn, phường thuộc huyện Tuy Viễn và tổng Phù Ly Hạ, Trung.

Qua đó có thể nhận thấy từ một Văn chức, Hồ Quang Đại đã lần lượt đảm đương thành công nhiều chức trách đốc thúc thu thuế, đo đạc điền địa, kiến canh địa bộ của chính quyền Hiền vương, trên một dải đất dài từ Phú Vang vào đến tận Phú Yên, Khánh Hòa. Đặc biệt là trong đợt chuẩn lập địa bạ qui mô lớn năm Kỷ Dậu - Cảnh Trị 7 (1669), “bắt đầu làm việc duyệt tuyển ở hai phủ Diên Ninh và Thái Khang, sai văn chức là Hồ Quang Đại đến làm”. Đây là đợt triển khai chính sách điền địa đặc biệt quan trọng để giúp chính quyền chúa Nguyễn kiểm soát toàn bộ ruộng đất thực canh để thu thuế, nhất là công điền và khuyến khích cư dân khai hoang chuyển thành Bản bức tư điền, đặt ra ty Nông lại để thu thuế, theo đề xuất của Ký lục Võ Phi Thừa và Văn thần Hồ Quang Đại đôn đốc thực hiện.3

Nhờ đó, ông được thăng bổ từ tước Nam lên tước Hầu và được chúa Nguyễn cho triệu hồi về cung, “thăng Thị giảng, Tri Kinh diên” và “Khi mất, được tặng phong Phụ chính An biên Phúc Đức Quốc sư”. Theo Lời tựa trong Hồ công gia phổ phái Tống Hồ (Hương Cần, 2005, tr. 2), dẫn lại Bài tựa phổ họ Hồ (Canh Tý, 1900) thì ngài Hồ Quang Đại là tổ phái nhất của ngài Mai Thanh hầu. Còn ngài Hồ Cá, húy Chư chính là ngài Thượng thủy tổ theo phổ Hồ công, được gia tặng Dực bảo Trung hưng linh phò Đoan túc tôn thần và phả phái bị khuyết từ đời thứ nhất đến đời thứ sáu. Cho nên, họ Hồ đã tôn ngài Hồ Cá làm thủy tổ và ngài Hồ Văn Duyên làm đời thứ nhất của phái Tống Hồ, dù bị khuyết trống mất 6 đời.4

Theo phả tộc Tống Hồ ở làng Hương Cần, vị Hiển tổ Hồ Cá, húy Chư được phong thần Khai khẩn. Đến đời thứ nhất của phái Tống Hồ là ngài Hiển tiên tổ Hồ Văn Duyên được phong thần Khai canh của làng. Ông Hồ Văn Duyên làm đến Cai hợp và con trai của ông là Hồ Văn Mai cũng có nhiều quân công, từ Tri bạ rồi Cai đội coi đội Tả Trung bộ, lên đến Chưởng doanh... Ông Hồ Văn Mai có người con gái là Hồ Thị Được (Đặng) được vào cung, được chúa yêu chiều, cho làm Hữu Cung tần thứ 4, sau được thăng Chiêu Nghi, tính tình thuần hậu và đặc biệt là sinh được hai người con: Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ/Chú và Luân Quốc công Nguyễn Phúc Tứ. Vào cung, bà được ban họ Tống Phúc nên người cha còn được sử sách ghi nhận là Tống Phúc Đào/Mai, sau khi mất được truy tôn là Hiếu Minh hoàng hậu.5 Gia tộc họ Hồ/Tống Hồ/Tống Phước về sau có nhiều nhân vật hiển hách, trở thành một dòng họ lớn trong vùng.

Chính nhờ vào công lao hiển hách, lại thuộc hàng Quốc cữu ngoại thích thời chúa Nguyễn nên cả gia tộc được trọng vọng, đặc biệt là Văn chức Phúc Đức Quốc sư Hồ Quang Đại còn được làng Hương Cần tôn vinh làm Thành hoàng của làng, người con trai là Hồ Văn Duyên trở thành vị thần Khai canh của làng Hương Cần... Từ đây, lại mở ra nhiều hướng khảo cứu mới trong đời sống văn hóa làng xã truyền thống vùng Huế gắn liền với những nhân vật lịch sử thời Đàng Trong nổi danh như nhân vật lịch sử Hồ Quang Đại, kịp thời bổ sung những khoảng trống tài liệu trong chính sử.

T.Đ.H - L.Đ.H  
(TCSH357/11-2018)
 

................................
1. Tài liệu điền dã tại làng Nguyệt Biều, tháng 2/2018, bản dịch tài liệu chữ Hán sang tiếng Việt  của Lê Đình Hùng, Phân Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế. Xem thêm Huỳnh Đình Kết (2017), “Văn thần Hồ Quang Đại mở đầu công cuộc đo đạc ruộng đất xứ Đàng Trong vào thế kỷ 17”, Tạp chí Sông Hương, số 338.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, Huế: Nxb. Thuận Hóa, tập I, tr.173.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, Nxb. Giáo dục, tập I, tr. 82-83. 
4. Hồ công gia phổ phái Tống Hồ, Hương Cần, 2005, tr. 2.  
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (1997), Đại Nam liệt truyện, Tlđd, tập I, tr. 29-30.   





 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng