NGUYỄN ĐẮC XUÂN
Hoàng tử Cảnh (1780 -1801) là con trưởng của vua Gia Long. Trong thời gian chống nhà Tây Sơn, hoàng tử Cảnh đã theo Bá-đa-lộc sang Pháp cầu viện cho họ Nguyễn. Hoàng tử Cảnh theo Thiên chúa giáo và được giám mục Bá-đa-lộc rất thương yêu.
Sau thời gian đi cầu viện về, hoàng tử Cảnh đã theo gót vua cha tham gia trận mạc và được phong làm Đông Cung nguyên súy quận công. Ông có hai người con trai là Mỹ Thùy và Mỹ Đường. Một người được dạy dỗ, rèn luyện và có công như thế, theo truyền thống "phụ truyền tử kế" (cha truyền con nối), hoàng tử Cảnh sẽ nối nghiệp Gia Long. Nhưng không may hoàng tử đã mất vì bệnh đậu mùa trước khi thân phụ lên ngôi. Hoàng tử Cảnh mất, con cháu của ông là dòng trưởng sẽ được chọn lựa.
Nhưng vì cuối đời Gia Long tình hình chính trị của triều Nguyễn lóe ra những biểu hiện đáng lo ngại. J.B.Chaigneau là công bộc của Gia Long muốn được đại diện cho nước Pháp giao thiệp với Việt Nam. Mục đích quan trọng nhất trong việc giao thiệp này là Việt Nam phải cho phép tự do truyền đạo Thiên chúa ở xứ sở Phật giáo và Nho giáo này. Sự kiện đó làm cho nhiều người sợ, chính vua Gia Long cũng không yên tâm. Để bảo vệ sự nghiệp to lớn của vương quốc, Gia Long quyết định truyền ngôi cho hoàng tử thứ tư là Đảm - một người đã trưởng thành, có học vấn và cương nghị.
Đầu tháng 3.1820, vua Gia Long qua đời, hoàng tử Đảm lên ngôi lấy niên hiệu là Minh Mạng.
Vua Minh mạng sắp đặt lại công việc trị vì từ trong ra ngoài. Có hai việc quan trọng đã ảnh hưởng lớn đến lịch sử và gia đình ông. Đó là việc cấm đạo Thiên Chúa và việc làm lại gia phả dòng họ Nguyễn để phân biệt thân sơ, phiên hệ và đế hệ. Việc làm lại gia phả họ Nguyễn dành cho con cháu Minh Mạng được nối nhau làm vua, gián tiếp loại bỏ tất cả con cháu của Gia Long. Điều đó có nghĩa Mỹ Thùy và Mỹ Đường là dòng đích của Gia Long cũng không được mơ tưởng gì đến ngai vàng.
Thế rồi đến cuối năm Minh Mạng thứ 5 (1824), Đại Nam Thực Lục Chính Biên tập VII tr.104, chép một chuyện như thế này:
"Mỹ Đường là con trai của Anh Duệ hoàng thái tử (hoàng tử Cảnh). Trước có người cáo Mỹ Đường là người dâm dật, thông gian với mẹ đẻ là Tống Thị Quyên. Lê Văn Duyệt đem việc tâu kín. Vua sai bắt thị Quyên giao cho Văn Duyệt dìm chết và cấm Mỹ Đường không được chầu hầu. Đến nay Mỹ Đường dâng sớ nói có bệnh xin nộp trả sách ấn và xin miễn làm thứ nhân, về ở nhà riêng. Vua vời các thân công đại thần vào bàn, bèn y cho. (Hệ Mỹ Đường ghi phụ vào sau Tôn thất phả) (1)
Đến tháng 2 năm Minh Mệnh thứ 6 (1825) cuốn sử biên niên của triều Nguyễn nêu trên, tr.120 (bản dịch) lại chép:
"Mỹ Đường đã có tội ở nhà riêng, thường đến thăm con ở xã An Hòa, có người cho là trốn tâu lên. Vua bảo rằng: "Hành vi của nó (Mỹ Đường) hơn là chó lợn, trẫm nghĩ cái tình Anh Duệ hoàng thái tử nên không nỡ làm tội nay lại nghe kẻ bậy bạ xui khiến, muốn làm gì chăng?" Liền sai thị vệ bắt về, phái binh canh giữ, rồi tha".
Chuyện vua Minh Mạng giết chị dâu và giam các cháu là một nỗi đau trong Hoàng tộc. Tuy thế, chỉ những người có điều kiện đọc chính sử của nhà Nguyễn mới biết, chứ trong họ tộc cũng như ngoài dân gian chỉ hư hư thực thực chứ không lấy gì làm chắc chắn.
Khi viết Việt nam Sử lược, Trần Trọng Kim cũng phải thú nhận rằng: "Việc Ngài (Minh Mạng) giết chị dâu là vợ hoàng tử Cảnh và các cháu thì không thấy sách nào chép cả, chỉ thấy một đôi người truyền ngôn như thế mà thôi. Vậy việc ấy thực hư như thế nào không rõ. (tr.187, q.II)
Ý kiến của người biên soạn: Đọc hai đoạn ĐNTL trích ở trên tôi thấy có những điều hơi khó hiểu:
1) Một người như Mỹ Đường chung quanh có biết bao thê thiếp trẻ trung, đẹp đẽ, sao Mỹ Đường không thỏa mãn tính dâm dật với những người ấy mà lại đi thông gian với mẹ?
2) Nếu việc loạn luân ấy không may đã diễn ra thì diễn ra trong phòng the nơi công phủ kín đáo làm sao có người biết được để đến báo với Lê Văn Duyệt?
Phải chăng đây là một thủ đoạn chính trị, Thánh Tổ đã dựng ra việc tội lỗi ấy để triệt hạ uy tín của Mỹ Đường và con cháu của dòng đích hoàng tử Cảnh? Việc triệt hạ này có liên quan gì đến sự kiện vua Minh Mạng làm lại gia phả nhà Nguyễn không? Hay hai việc đó có liên quan với nhau và bổ sung cho nhau?
Dù sao cho đến nay chưa có nhà sử học nào gỡ cái án loạn luân này cho vợ con hoàng tử Cảnh cả.
(ĐNTL, tập VII, Việt Nam Sử Lược của TTK và nhiều tài liệu khác).
N.Đ.X.
(Chuyện Các Ông Hoàng Triều Nguyễn)
(TCSH45/03-1991)
-----------------
(1) Hệ Mỹ Đường:
Mỹ, Lệ, Anh, Cường, Tráng
Liên, Huy, Phát, Bội, Hương,
Lệnh, Nghi, Hàm (trước là Sùng), Tốn, Thuận,
Vi, Vọng, Biểu, Khiêm, Quang.