PHAN THUẬN AN
Nghệ thuật cung đình là những loại hình nghệ thuật gắn bó thiết thân với sinh hoạt tinh thần và vật chất của giới cầm quyền tại kinh đô dưới các triều đại quân chủ ngày xưa.
So với nghệ thuật dân gian của giai cấp bị trị thì nghệ thuật cung đình chiếm phần ưu thế, ít nhất là về phẩm chất, vì đó là sản phẩm hưởng thụ của tầng lớp cai trị ở trong thế thượng phong.
Nếu toàn bộ các sản phẩm thuộc mọi loại hình nghệ thuật cung đình Việt Nam ngày xưa đều được bảo tồn trọn vẹn cho đến ngày nay thì chúng ta còn được một khối lượng di sản văn hóa nghệ thuật đồ sộ và giá trị biết bao! Thật đáng tiếc là tuy đã có nhiều, nhưng vì các lý do khác nhau, nay chẳng còn được bao nhiêu.
Chỉ cần điểm lại con số các kinh đô đã xây dựng và con số cố đô hiếm hoi còn lại tại Việt Nam thì đủ thấy, vì nơi mà nghệ thuật cung đình để lại dấu ấn rõ nhất là tại các cố đô.
Chưa kể đến các triều đại xa xưa trong lịch sử, chỉ tính thời gian trong 1.000 năm nay từ thời Đinh đến các thời Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Tây Sơn, kinh đô của các triều đại ấy đều đã điêu tàn, mai một. Thành kinh đô xưa nhất là Cổ Loa đắp bằng đất, nay đã tan hoang. Thành Mê Linh và thành Đại La không được rõ nét. Cố đô Hoa Lư chỉ có dấu vết mấy vòng thành. Thăng Long, rồi Đông Đô chẳng có gì đáng kể. Thành Hoàng Đế của Tây Sơn tại Qui Nhơn cũng đã bị làm cho biến tướng. Chẳng những các tư liệu vật chất để lại đã hiếm, mà những tư liệu thành văn về nghệ thuật cung đình cũng chẳng còn lại được gì đáng kể. Nay nhìn lại, chúng ta thấy chỉ còn kinh đô nhà Nguyễn ở Huế là tương đối nguyên vẹn. May mà còn có nó để thấy được một phần nào diện mạo chung của thời đại quân chủ kéo dài mấy ngàn năm, và nhất là thấy được một cách cụ thể nghệ thuật cung đình của giai đoạn cuối cùng thuộc thời đại ấy.
Lý do tồn tại của nghệ thuật cung đình Huế rất đơn giản: triều Nguyễn chỉ mới chấm dứt cách đây chưa đầy nửa thế kỷ (1945).
Dù đã bị thiên nhiên và nhất là chiến tranh tàn phá đi một phần, nhưng nhìn chung, Huế còn bảo lưu được khá nhiều loại hình nghệ thuật cung đình quí báu của dân tộc một thời.
Riêng hệ thống các công trình kiến trúc tạo ra bộ mặt kinh đô triều Nguyễn đã là một chỉnh thể các tác phẩm nghệ thuật cung đình có giá trị cao, bao gồm thành quách, cung điện, lăng tẩm, đền miếu, phủ đệ các ông hoàng bà chúa...
Sông Hương và núi Ngự Bình là hai yếu tố địa lý tự nhiên mang tính quyết định trong việc qui hoạch và thiết lập hệ thống kiến trúc cung đình ấy.
Ở bờ bắc sông Hương, Kinh Thành với diện tích rộng hơn 500 ha và chu vi gần 10 km được xây dựng theo kiểu Vauban (Pháp), là một pháo đài vĩ đại và kiên cố dùng để bảo vệ cho các cơ quan hành chính trung ương của triều đình, như Lục Bộ, Viện Cơ mật, trường Quốc Tử Giám, Quốc Sử Quán, Khâm Thiên Giám, Viện Đô Sát, lầu Tàng Thơ...
Bên trong Kinh Thành còn có Đại Nội, gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành, với hơn 100 công trình kiến trúc lớn nhỏ, trong đó có hàng chục tòa cung điện lộng lẫy vàng son, dành cho vua cùng đình thần làm việc và hoàng gia ăn ở.
Phủ đệ các ông hoàng bà chúa và dinh thự của các quan lại cũng như nhà cửa của các thế gia vọng tộc thì ở tại các xóm phường nằm gần ngoài Thành Nội, như Gia Hội, Vĩ Dạ, Kim Long...
Xa xa về phía nam sông Hương là 7 khu lăng tẩm của các vua nhà Nguyễn. Lăng tẩm các vua là những đóa hoa nghệ thuật đầy hương sắc nở ra giữa chốn núi đồi tĩnh mịch. Mỗi lăng tẩm là một cõi thiên đường mà chủ nhân của nó đã tạo ra khi còn tại vị, để khi chết trở thành nơi sống vĩnh hằng ở bên kia thế giới. Dù là chôn mộ địa, nhưng nhờ mang nghệ thuật kiến trúc đặc biệt, cho nên lăng tẩm Huế vẫn âm vang cuộc sống, ríu rít tính đời. Đây quả thật là chỗ "ngậm cười nơi chín suối" của các đấng quân vương. Chính nhờ vẻ đẹp mỹ miều đầy chất triết lý ấy mà lăng tẩm Huế đã được đánh giá là một thành tựu rực rỡ nhất trong nền kiến trúc cổ của nước ta và được xếp vào hàng kỳ quan của thế giới. Chủ đề tư tưởng thì giống nhau, nhưng biểu hiện nghệ thuật ở mỗi lăng tẩm lại mang cá tính, phong cách riêng của từng ông vua lúc sinh thời.
Nằm xen kẽ giữa các khu vực kiến trúc nghệ thuật ấy, và rải rác đó đây là đàn Nam Giao (nơi vua tế trời đất), đàn Xã Tắc (nơi vua tế thần lúa), Văn Miếu, Võ Miếu (nơi thờ các vị thánh hiền và các nhà quân sự tài ba, tại đây hiện còn hơn 30 tấm bia tiến sĩ), Hổ Quyền (chỗ voi và cọp đấu nhau cho vua xem), thành Trấn Hải (giữ cửa biển Thuận An).v.v...
Mãi đến ngày nay, Huế vẫn là thành phố của nhà vườn với biết bao ngôi nhà cổ kính và hàng chục mái chùa xưa - một cái gạch nối giữa kiến trúc cung đình và kiến trúc dân gian - tọa lạc giữa những xóm phường yên ả hay khiêm tốn ẩn mình giữa vùng gò đồi hoặc các thôn làng ven thành phố. Tính triết lý của đạo Phật và nhân sinh quan của phương Đông đã thể hiện rõ trên từng tác phẩm kiến trúc tạo cảnh đầy trí tuệ của các nhà sư và các gia chủ.
Song song với hệ thống kiến trúc ấy, Huế còn bảo lưu được nhiều loại hình nghệ thuật cung đình khác: hàng ngàn tác phẩm điêu khắc, hội họa, trang trí, đồ thủ công mỹ nghệ.
Ở nội ngoại thất các tòa cung điện huy hoàng tráng lệ trong phạm vi Kinh Thành, Đại Nội hay tại các lăng tẩm, người xưa đã trang trí, trang hoàng rất nhiều tác phẩm nghệ thuật được chạm trổ tỷ mỷ công phu, sơn son thếp vàng lộng lẫy...
Các tác phẩm cung đình ấy được chế tác bằng đủ loại chất liệu: gỗ, đá, đồng, vàng, bạc, pháp lam, đất nung, vải, mây tre, sành sứ v.v...
Ngoài ra, Huế cũng còn bảo lưu được một nền nghệ thuật múa hát và ca nhạc cung đình rất phong phú. Các nghệ nhân trong Đoàn Múa Hát Cung Đình Huế hiện nay có thể biểu diễn hàng chục điệu múa, bài ca, bản nhạc, vở tuồng đã từng diễn ra trong các đền miếu ngày xưa. Ngay trong lăng Tự Đức hiện nay cũng còn duy trì được một nhà hát độc đáo (Minh Khiêm Đường) mang đầy tính nghệ thuật.
Người ta cũng có thể tìm thấy và thưởng thức một số các di sản khác thuộc nghệ thuật cung đình, như các món ăn "thượng thiện" dành cho vua chúa, lối sống của hoàng tộc, của con cháu các đại thần, kiểu cách phục sức, nói năng, giao tiếp thời xưa.
Nhìn chung, nghệ thuật cung đình thời Nguyễn đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của nghệ thuật Trung Hoa và nghệ thuật phương Tây, thậm chí của nghệ thuật Cham-pa nữa, nhưng sự tiếp thu tương đối có chừng mực, biết gạn đục khơi trong cho thích hợp với phong thổ và con người miền sông Hương núi Ngự. Và tất nhiên, nghệ thuật cung đình Nguyễn, đại diện cho nghệ thuật cả nước trong gần một thế kỷ rưỡi (1802 -1945), cũng đã chịu ảnh hưởng không ít của nền nghệ thuật cổ truyền từ các triều đại trước nó. Có thể nói Huế là nơi đọng lại những giá trị thẩm mỹ của nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Cách đây 60 năm, trong bài viết nhan đề "Richesses touristiques !" (sự phong phú về du lịch) đăng trên một tập sách giới thiệu về các tỉnh Trung Kỳ, ở đoạn đề cập đến Huế, một tác giả phương Tây là A.Sallet đã nói :
"Đi du lịch ở Trung Kỳ, Huế là nơi đáng dừng lại lâu nhất. Là kinh đô, Huế tập trung rất nhiều thứ của vua chúa để lại, các gia đình xưa, những truyền thống đều được bảo tồn"(L’Annam, I.D.E.O, Hà Nội, 1931, trang 53). Bấy giờ, tập sách "Hué, Ville Impériale" cũng đã viết rằng : "Huế không giống bất cứ một kinh đô nào khác ở Đông Dương : Hà Nội, Sài Gòn, Phnom Penh và ngay cả Vientiane nữa, đều là những thành phố phần lớn đã hiện đại hóa, xây dựng theo những quan niệm của người Âu. May mắn thay, Huế còn bảo lưu được tính địa phương của nó ... Thành phố còn giữ lại được rất tốt cái kinh đô tinh thần và chính trị mà vị trí của nó đã được lựa chọn theo những lý do thần bí, và phương hướng của nó đã dóng theo những chỉ dẫn của các nhà phong thủy, hai hòn đảo Thanh Long và Bạch Hổ chầu về giữa dòng sông thiêng liêng" (I.D.E.O., Hà Nội, 1931, trang 2).
Năm 1978, sau khi đi khảo sát những công trình kiến trúc nghệ thuật cổ xưa ở các cố đô trong vùng Đông Nam châu Á, như Pagan(Miến Điện), Soukhothai, Bangkok (Thái Lan), Angkor (Cambodge)..., một chuyên gia của UNESCO là kiến trúc sư Pierre Pichard đã viết rằng Huế là cố đô duy nhất trong vùng còn bảo lưu được hầu như nguyên vẹn kiến trúc và thiên nhiên của nó; còn các cố đô kia thì hoặc bị bỏ phế trong rừng sâu cho thiên nhiên tàn phá, hoặc bị biến thái do sự phát triển bừa bãi của các công trình kiến trúc hiện đại (International co-operation to preserve Hué, World Cultural Heritage Bulletin, số 12, tháng 10-1978, Paris, trang 19).
Nhìn chung, trong kiến trúc, trong điêu khắc, hội họa, trang trí, trong đồ cổ cũng như trong sinh hoạt của con người đang sống tại chỗ hiện nay, Huế là cả một kho báu rất lớn về nghệ thuật cung đình. Nó là "tập đại thành" của cả ngàn năm lịch sử dân tộc trải qua các thời Đinh, Lý, Trần, Lê...
Vào năm 1981, ông Tổng Giám Đốc UNESCO, ông A.M.M’BOW đã cho rằng "Huế không phải chỉ là một mẫu mực về kiến trúc mà còn là một cao điểm về tinh thần và một trung tâm văn hóa sôi động (Trích lời kêu gọi cứu vãn Huế). Cho nên, Huế được xem chẳng những là một di sản văn hóa quốc gia, mà còn là một bộ phận hợp thành của di sản văn hóa quốc tế.
Giá trị của nghệ thuật cung đình Huế là như thế. Giá trị đó trở nên cao hơn khi Huế là cố đô duy nhất còn lại trên đất nước ta. Nếu không còn Huế thì biết tìm đâu để thấy được một cách cụ thể nghệ thuật cung đình của người Việt Nam ?
Một vấn đề cần đặt ra là chúng ta phải bảo tồn tổng thể di sản nghệ thuật cung đình còn một không hai này như thế nào để nó khỏi bị mai một như số phận hẩm hiu của những cố đô trước thế kỷ XIX. ,
P.T.A
(TCSH46/04-1991)