Ai ra xứ Huế
Về xuất xứ bài thơ Nam Khê của Miên Thẩm
14:29 | 19/07/2019

TRẦN VIẾT ĐIỀN   

Chính sử triều Nguyễn chép mộ vua Quang Trung được táng ở vùng Nam sông Hương và đã bị quật phá.

Về xuất xứ bài thơ Nam Khê của Miên Thẩm
Bìa sách Tùng Thiện Vương của NP Ưng Trình và NP Bửu Dưỡng và bài thơ Nam Khê

Việc tìm nơi nguyên táng vua Quang Trung quá khó vì không có tư liệu lịch sử trực tiếp, cho nên các nhà nghiên cứu phải dựa vào những tư liệu gián tiếp, trong đó có những bài thơ chữ Hán, do Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Ngô Thì Hoành sáng tác vào thế kỷ 18, 19; ít nhiều có miêu tả cảnh vật ở vùng Nam sông Hương. Đặc biệt, một số bài thơ của Tùng Thiện Vương có nhắc đến khe, suối, núi, đồi, chùa chiền… ở đồi núi Dương Xuân - An Cựu được trích, trong số đó có bài Nam Khê, gây nhiều chú ý với cụm từ “Loạn sơn”.

Bài thơ chữ Hán với phiên âm như sau:

南溪 (Nam khê)

(Loạn sơn thâm xứ nhất khê hoành,)
(Thập nhị niên tiền trú mã tình.)
(Lưu thủy tự tri nhân sự dị,)
(Sàn viên bất tác tích lai thanh.)

Ưng Trình - Bửu Dưỡng dịch nghĩa:

Trong núi rậm, ở một nơi sâu, có khe nước chảy ngang qua,
Mười hai năm trước đã biết nhau khi xuống ngựa.
Nước chảy dường như đã biết việc người đời ra khác,
Tiếng nước chảy không làm được tiếng năm xưa.

và dịch thơ:

Núi rậm, nơi sâu, có nước khe,
Mười hai năm trước ngựa dừng kề.
Ngày nay nước chảy, đời thay đổi,
Tiếng nọ bây giờ chẳng được nghe.
([1], tr. 285)

Bảo Quyến dịch nghĩa:

Nơi chốn sâu núi chập chùng, khe nước chảy ngang
Mười hai năm trước đã có tình dừng ngựa nghỉ tại đây
Dòng nước chảy như biết việc người đời đã đổi khác.
(Nên) tiếng róc rách không giống như năm xưa nữa.

và dịch thơ:

Núi rậm băng ngang khe nước đầy
Mười hai năm trước ngựa dừng đây.
Dòng khe dường biết đời thay đổi,
Nước chảy sao nghe khác lắm thay.
([3], tr. 212)

Do ý từ trong bài thơ được các nhà nghiên cứu vận dụng, kéo theo sự tranh luận về thời điểm, bối cảnh sáng tác, nghĩa là xuất xứ của bài thơ này. Sau đây chúng tôi thử trình bày một giả thiết về xuất xứ của bài thơ trên.

Nam khê ở vùng núi Định Môn - Kim Ngọc?

Câu mở đầu bài thơ đã được Ưng Trình - Bửu Dưỡng giải thích khá sâu: “Chỉ trong mấy tiếng đã rõ là nói đến một khe nước, núi rậm hai bên, giữa chốn thung-lũng hẹp mà sâu, có dòng nước chảy. Kể từ chốn Kinh-thành đi lên phía Nam, có lẽ vào những khu lăng-tẩm. Đương thời buổi Tùng-Thiện- Vương, mới có hai lăng Gia-Long và Minh-Mạng. Vùng lăng trước ít núi, nên có thể đoán được là trong khu lăng sau” ([1], tr.286). Thực ra, khu vực có lăng Gia Long và lăng Minh Mạng, lúc bấy giờ còn có một số lăng của chúa Nguyễn và các bà vợ của chúa như các lăng Trường Mậu, Trường Hưng, Trường Thanh, Vĩnh Mậu, Vĩnh Hưng, Vĩnh Thanh, lăng Thụy Thánh,… Đã có lăng tẩm thì khe núi chung quanh các lăng thuộc cảnh quan phong thủy, núi đồi có vai trò đối với cát địa, các vua chúa tiền triều từng đặt tên trang trọng. Vì lẽ đó, hoàng tử thứ mười của vua Minh Mạng, dùng từ “loạn sơn” để chỉ núi đồi vùng lăng tẩm là phạm lỗi “bất kính” ư! Lại thêm, trạng huống cảm tác bài thơ cho thấy tác giả đang dừng ngựa một mình bên suối, mà khe suối ở vùng Định Môn, Kim Ngọc lúc bấy giờ còn nhiều thú dữ, nhiều bất trắc… thế thì năm 12 tuổi, hoàng tử bé cũng từng xuống ngựa ở nơi rừng sâu với một người bạn nào đó thì quá nguy hiểm! Vậy khả năng khe suối được nói đến trong Nam Khê không ở vùng Định Môn, Kim Ngọc như Ưng Trình - Bửu Dưỡng đã bình.

Nam khê ở gò Bình An?

Vì không đồng thuận với phần bình giải trên, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, có sự biểu đồng tình của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, đã liên tưởng “loạn sơn” là núi có dấu tích của Tây Sơn, chẳng hạn cung điện, lăng tẩm,… Với cách hiểu ấy, hai nhà nghiên cứu giải thích “loạn sơn” là đồi núi ở gò Bình An và “Nam khê” là con suối Tiên chảy ngang qua cồn Bông Sứ, có chùa Thiền Lâm (dinh Thái sư Bùi Đắc Tuyên), chùa Huệ Lâm (Giác Vương nội viện) ở bờ bắc và chùa Kim Tiên (phủ Bắc cung hoàng hậu Ngọc Hân) ở bờ nam. Trong bài “Khảo sát Nam Giao tân lộ”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đưa vào phụ lục trong [5], tác giả Hồ Vĩnh từng viết: “Trong một đợt khảo sát Nam Giao tân lộ, chúng tôi cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đo được chiều dài con đê khoảng 230m, mặt đường rộng 6,1m, cao 4,7m, phía bên dưới đê có con khe gọi là suối Tiên. Nhà thơ Tùng Thiện Vương nhớ lại một chuyến du sơn, dừng ngựa bên khe suối, nhìn dòng nước chảy dưới khe mà cảm thương cho cuộc đời thay đổi, ông đã cảm tác bài thơ “Nam Khê” ([5], tr. 220). Cho rằng “loạn sơn” là chỉ núi có dấu tích Tây Sơn cùng với “mả loạn”, “giếng loạn” vô tình “giảm tội” cho “ngụy Tây” ư? Phải gọi là “núi ngụy”, “giếng ngụy”, “mả ngụy” mới đúng tội mà triều Nguyễn đã xử Tây Sơn. Ngụy nặng hơn loạn!

Nam khê ở đâu?

Theo chúng tôi, để xác định khu vực có “loạn sơn thâm xứ” và “Nam khê” cần dựa vào vài bài thơ Miên Thẩm sáng tác trong khoảng thời gian thi ông giao du với những nhà sư ở núi đồi Dương Xuân - An Cựu. Trong bài “Kê minh đại ca” (Bài ca gà gáy gở) có đoạn “Nam Khê minh thượng kê minh đại/ Vạn hộ vô thanh tinh phá toái… Chung sơn xuân thảo Trĩ mô kiều/ Thuộc xa bất hạ áp kê kiều/ Tang nữ trí không nông thích đáo/ Khả liên uổng sát Hàm Đan siêu…” ( Nam đất Thanh Khê, gà gáy gở/ Muôn nhà câm tiếng, sao tua vỡ… Cỏ xuân cầu Trĩ, đất Chung Sơn/ Xúm xít xe hầu áp kiệu loan/ Cô gái hái dâu đặt giỏ, đến/ Thương thay đầu nộp dao Hàm Đan…) ([3], tr.78-79). Phủ Tùng Thiện bên bờ sông Lợi Nông (sông An Cựu), đối ngạn có Nam thượng là gò đồi, xa hơn là xứ Thẩm Khê, vùng Lâm Lộc, có núi Hòn Thiên, núi Xuân Sơn, núi Tam Thai, núi Ngự Bình. Gò thấp phía bắc, trước các núi như Ngự Bình, Hòn Thiên, núi Đông gọi là gò Trĩ. Đến thế kỷ 19 thì vùng này vẫn còn chim trĩ trên núi cao của Trường Sơn, theo bóng khe Nam, qua gò hẻo lánh, bay về kiếm mồi. Cây rừng hai bờ khe Nam, cài răng lược với những vườn dâu tằm là nơi thu hút loài trĩ sao có tập tính ăn quả, côn trùng, nhộng, giun, cá nhỏ,… Rõ ràng vùng Nam thượng từng có làng nghề trồng dâu nuôi tằm mà hậu duệ là họ Võ (gốc Quảng Nam) ở vùng gần chùa Linh Quang, Ấn Tôn, Quốc Ân. Trên gò Trĩ có khe chảy qua gọi là khe Nam. Khe này đổ ra sông An Cựu ở nơi hiện nay có cầu Thầy Niệm, kiệt 254, đường Phan Chu Trinh. Nam khê chảy về nam, lượn qua trước mặt An lăng hiện nay. Có con đường cổ đi về phía đông gò Trĩ bắc qua khe Nam với chiếc cầu có tên cầu Trĩ. Con đường này hiện nay là đường Duy Tân. Khe suối thường chảy ngoằn ngoèo dưới chân núi, đồi, gò, thế nhưng Miên Thẩm lại viết “khê hoành” (khe ngang), lối tả này tương tự như “lộ hoành” (đường ngang) được đắp thời vua Minh Mạng, vuông góc với sông Hương (nay là đường Hùng Vương nối từ đầu cầu Tràng Tiền tới sông An Cựu). Thế thì khe Nam, xưa có cầu Trĩ, nay có cầu Thầy Niệm, cũng vuông góc với sông An Cựu vậy.

Vào tuổi tam thập nhi lập, Miên Thẩm đã giao du với những thiền sư có thảo am ở Dương Xuân và ông từng lập rừng trồng trọt ở Cư Sĩ, gần thảo am của thiền sư Tánh Hoạt - Huệ Cảnh. Vào tuổi 33, Miên Thẩm chịu tang mẹ, ông lên đồi Dương Xuân, xứ Cư Sĩ ở nhà tranh đã tạo trước đó vài năm, gần mộ mẹ để cư tang. Lúc bấy giờ có một số cao tăng, học vấn uyên thâm, từng dâng sớ xin từ chức Tăng cang của triều đình, lên núi lập thảo am để ẩn tu, sớm trở thành tâm giao tri kỷ của thi ông. Thiền sư Tánh Thiên - Nhất Định, xin từ chức Tăng cang chùa Thiên Mụ về gò Dương Xuân thượng lập thảo am An Dưỡng (tiền thân chùa Từ Hiếu), thiền sư Tánh Hoạt - Huệ Cảnh từ chức Tăng cang chùa Bảo Quốc lên núi Dẫn Khiêm, gần ấp Cư Sĩ lập am Tường Vân, gần nhà tranh của Miên Thẩm, để ẩn tu, thiền sư Tánh Thiện - Huệ Chơn lập am Từ Quang (nay là chùa Tường Vân mới). Các vị này trước là đệ tử của ngài Đạo Minh - Phổ Tịnh (dòng Thiệt Diệu - Liễu Quán) sau đó thọ giáo ngài Tế Chánh - Bổn Giác (dòng Thiệt Thành - Liễu Đạt), trú trì chùa Quốc Ân dưới chân núi Hòn Thiên. Lại có nhà sư Nguyễn Văn Quí, đệ tử của Tế Bổn - Viên Thường (sư huynh của ngài Tế Chánh - Bổn Giác), kế thế trụ trì hai chùa Thiên Phúc trên đồi Long Thọ và chùa Long Quang ở sườn đông núi Tam Thai (Đông Sơn) (Tây Bắc núi Ngự Bình), thuộc hàng sư bác của Tánh Thiên, Tánh Hoạt, Tánh Thiện… Những bài thơ “Quá Viên Giác tự” (Qua chùa Viên Giác), “Tặng Bổn Giác Hòa thượng” (Tặng Hòa thượng Bổn Giác), “Sơn trung hiểu bộ Tuệ Lâm tự” (Trong núi sáng sớm dạo bước qua chùa Tuệ Lâm) thường nói về đường cổ qua cầu ván Dương Xuân Hạ, bắc qua suối Tiên. Đường núi này là đường từ Lịch Đợi đến cồn Bông Sứ. Tuy nhiên qua bài “Viên lâm tuyệt cú” (Bài tuyệt cú nơi vườn trên rừng), Miên Thẩm viết năm 1851, khi ông ở vườn trên đồi Dương Xuân, xứ Cư Sĩ, giúp phỏng đoán một đường núi khác. Đọc hai câu: “Triêu lai hựu bị sơn tăng ước/ Trụy mã nhai đông thính thạch tuyền” (Sáng mai lỡ hẹn sư trong núi/ Dừng ngựa sườn đông… suối, đá ngâm). Có thể phỏng đoán Miên Thẩm từng đi ngựa qua cầu Trĩ để đến Tam Thai. Hẹn nhà sư ẩn tu ở núi, đi ngựa từ xứ Cư Sĩ về phía đông, qua cầu Trĩ, vắt qua khe Nam, xuống ngựa ở sườn đông núi Tam Thai, có chùa Long Quang để nghe tiếng suối chảy qua kẻ đá để làm vui. Nếu chỉ có thế thì chưa phải thâm ý của Tùng Thiện công. Thật vậy, qua sườn đông để ngồi bên suối đàm đạo thế sự. Suối trong, đá sạch phát ra âm thanh vừa trong vừa rõ, người du ngoạn lắng nghe mà mở lòng thiện, nghĩa là sáng mắt sáng lòng. Ở đây có ẩn dụ; rằng khi gặp vị thiền sư uyên bác, có những nhận thức sâu sắc về đạo về đời, lắng nghe lời biện giải, tố cáo chân thành của tri âm làm khách vơi đi nỗi buồn thế sự.

Xuất xứ bài thơ Nam Khê

Với cách tiếp cận bài thơ như đã nêu, năm 2007, chúng tôi từng đặt giả thiết bài thơ Nam Khê phải được sáng tác sau loạn Đoàn Trưng. Thế nhưng nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân dựa vào [1] để bác bỏ giả thiết của chúng tôi: “Về trường hợp Tùng Thiện Vương làm bài thơ Nam Khê lúc nào? Theo sách Tùng Thiện Vương (1819 - 1870) của hai học giả Hoàng tộc cháu nội và chắt nội của Tùng Thiện Vương là Nguyễn Phúc Ưng Trình và Nguyễn Phúc Bửu Dưỡng (Huế - Sài Gòn 1970) thì bài thơ Nam Khê (sđ d. tr. 285) được sáng tác vào tháng 9 năm 1843, trước cuộc biến động của Đoàn Trưng, Đoàn Trực (tháng 9 - 1866) tròn 23 năm. Đoàn (Hữu) Trưng sinh năm 1844, như vậy bài thơ Nam Khê ra đời lúc Đoàn Trưng còn nằm trong bụng mẹ…” ([6]).

Khi bình giải bài thơ Nam Khê, Ưng Trình - Bửu Dưỡng đã tỏ ra “hoài nghi” về xuất xứ bài thơ khi viết: “Giải thích “Nam- khê”: không rõ khe ở phía Nam một dãy núi nào, hay là ở phía Nam Kinh-thành.

“Thập nhị niên”: bài thơ này viết năm 1843, vậy 12 năm trước là năm 1831, thi-sĩ mới lên 12 tuổi, lúc ấy người đã cưỡi ngựa đi chơi rồi ư? Và bạn là ai? Hay là người kể chuyện của một người nào khác?”
([1], tr.286).

Nếu bài thơ này được viết năm 1843 thì chưa ổn, Ưng Bình - Bửu Dưỡng hoài nghi là có cơ sở. Một hoàng tử vào tuổi 24, mới được lập phủ riêng, vào thời đầu của vua anh Thiệu Trị, chưa gặp biến cố nào làm Miên Thẩm bị “sốc”, đi du ngoạn, dừng ngựa bên dòng khe, nhớ người tri kỷ 12 năm trước, lúc ấy tuổi ông mới 12, buồn nhớ tri âm mà thấy núi, trong đó có Ngự Bình sơn, núi Tam Thai và núi Hòn Thiên được vua Minh Mạng từng ban tên là núi Tả Phụ và Hữu Phụ, rồi gọi những núi ấy là “loạn sơn” thì e rằng quá bạo và phạm lỗi bất kính! Hơn nữa, hoàng tử tuổi 12 mà đi ngựa đường núi là điều khó tin. Theo kế hoạch giảng dạy và học tập của các hoàng tử thời vua Minh Mạng, phải đến 15 tuổi mới có thầy dạy cưỡi ngựa bắn cung. Khoản này người thiếu niên Miên Thẩm không mấy ưa. Thế thì mới 12 - 13 tuổi, Miên Thẩm dám cưỡi ngựa lên Nam thượng, có Nam khê thì chuyện lạ! Dẫu rằng vào lứa tuổi 25 (1843), giai đoạn Miên Thẩm sáng tác Ngộ ngôn 3, thi ông đã có những nhận thức, cảm xúc và suy tưởng về xã hội nhân sinh, đã chính chắn suy xét về triết lý chân giả, đã có những băn khoăn dằn vặt về những cảnh đời ngang trái… và tìm câu trả lời qua cổ nhân, nhưng qua khe Nam ở vùng Nam thượng, lúc bấy giờ cảnh vật chưa thay đổi lắm, thời Thiệu Trị kế thống trong những năm đầu, không khác mấy thời tiên đế Minh Mạng, tại sao nhà thơ thấy núi đồi là núi loạn, lòng người đã “đổi trắng thay đen”; đến nỗi dòng suối cũng đã vang lên âm vọng khác xưa?

Vậy thử đặt giả thiết; rằng bài Nam Khê không phải sáng tác vào năm 1843, nghĩa là bài thơ không từng ở tập Ngộ Ngôn 3, mà có thể ở tập Mãi Điền, sau năm 1860.

Một số bài thơ Miên Thẩm sáng tác trong khoảng 1850 - 1865, ít nhiều thấy ngài từng giao du với những nhân vật về sau tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp cuộc nổi dậy “Loạn chày vôi”. Qua những bài thơ như Long Thọ cương, Viên lâm tuyệt cú… có thể đoán nhà sư tri kỷ của Miên Thẩm chính là sư Nguyễn Văn Quý, học trò đắc pháp của sư Tế Bổn - Viên Thường (pháp huynh của sư Tế Chánh - Bổn Giác). Hai thiền sư Tế Chánh và Tế Bổn là hai đệ tử của ngài Thiệt Thành - Liễu Đạt, từng trụ trì chùa Quốc Ân. Miên Thẩm rất kính nể sư Tế Chánh - Bổn Giác và có khả năng sau khi sư Tế Bổn - Viên Thường viên tịch năm 1851, sư Nguyễn Văn Quý cầu pháp với sư Tế Chánh - Bổn Giác. Qua sự quen biết của ngài thì người rể Đoàn Hữu Trưng mới gần gũi sư Quý và vận động sư làm quân sư cho cuộc nổi dậy. Khi thành lập “Đông Sơn thi tửu hội” nhóm Đoàn Trưng lấy tên núi có chùa Long Quang, ấy là núi Tam Thai. Chùa này vừa thờ Phật nhưng cũng có thờ Quan Vân Trường, vì ở chùa có lò võ.

Có một khả năng cần kiểm chứng chùa Long Quang, có lò võ, được sự đỡ đầu của dinh phủ Dận Quốc công Nguyễn Phúc Điền, vừa là chú ruột vừa là nhạc gia của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát. Khi sư Huyền Khuê, võ nghệ cao cường, trụ trì chùa Thiên Phúc, có mở trường dạy võ nên phủ Dận Quốc công đã mời sư Huyền Khê mở lò võ ở Tam Thai, tiện cho các con trai cùng tá điền thuộc phủ luyện võ. Thời Duệ vương Nguyễn Phúc Thuần các con trai của Dận quốc công đều là Chưởng cơ, khi Nguyễn Vương Phúc Ánh tái chiếm Phú Xuân, con cháu phủ Dận Quốc công, thường là võ sinh của chùa Long Quang, sư huynh sư đệ của sư Nguyễn Văn Quý, thường đỗ cử nhân, tiến sĩ võ, lại thêm thuộc hoàng phái họ Nguyễn nên lĩnh chức với cấp bậc cao trong cấm quân. Giám thành Tôn Thất Cúc có khả năng thuộc phủ phòng Dận Quốc công, con cháu bà sư Phước Thành…

Lên đồi Long Thọ, thăm chùa Pháp Vân (chùa Khoai) đàm đạo, rồi thi ông hẹn với sư Quí qua Đông Sơn vãng cảnh. Ở Huế, Đông sơn chính là núi Tam Thai, phía đông bắc của núi Ngự Bình, dân gian còn gọi là núi Chung vì chân núi có nhiều chùa cổ, tiếng đại hồng chung vang vọng hằng ngày. Sau loạn, có khi người đời gọi núi Đông là núi Loạn:

(Loạn sơn thâm xứ nhất khê hoành,)
(Thập nhị niên tiền trú mã tình.)

Sau khi dẹp được loạn Đoàn Trưng, cơ quan hữu trách triều đình không có bằng cớ Tùng Thiện công Miên Thẩm tham gia cuộc nổi dậy nên ngài chỉ bị phạt bổng 8 năm; lý do thi ông chọn rể Đoàn Trưng không cẩn thận. Tuy nhiên, qua thi văn có thể biết tận đáy lòng của Tùng Thiện công hoàn toàn có “cảm tình” với những kẻ đã nổi dậy. Thật vậy, những kẻ có tội là tội với những ai theo phái chủ hòa trong triều đình, chứ chính kiến của họ đối với Miên Thẩm là rất rõ ràng. Tình cảnh của thi ông rất giống tình cảnh của Tương An công sau vụ án Hồng Bảo mưu phản năm 1864. Một người ưu thời mẫn thế như Tùng Thiện công, không thể không có vết thương lòng khó lành. Trong tâm khảm của Miên Thẩm, vua Tự Đức không phải là minh quân, vì thời vị vua này thì nhân dân ta thán do tham quan ô lại, đất nước mất một phần Nam bộ vào tay giặc, chưa kể trong dân gian truyền khẩu rằng, do vua không con nên đã bí mật chữa bằng cách giết thiếu nữ ở gò Trĩ để làm thuốc chữa vô sinh…

Mười hai năm trước, đối với khoảng 1860 - 1870, là giai đoạn 1848 - 1858, lúc Miên Thẩm hay đi chơi núi, hoặc cư tang ở núi Cư Sĩ, thường viếng các chùa để thăm các sư tri kỷ. Vào tuổi 40 - 50, đi ngựa đã rành, qua cầu Trĩ vắt qua Nam khê ở Nam thượng để thăm viếng chùa Long Quang ở núi Tam Thai (Đông Sơn), do sư Nguyễn Văn Quí trụ trì. Vì sư Nguyễn Văn Quí vừa trụ trì chùa Thiên Phúc (chùa Khoai) vừa trụ trì chùa Long Quang (ở Tam Thai - Đông Sơn) nên khi Miên Thẩm đi bộ lên đồi Long Thọ thăm chùa Thiên Phúc, gặp sư trụ trì rồi hẹn đi ngựa vượt gò Trĩ ở Nam thượng để thăm chùa Long Quang là có lý. Khả năng Miên Thẩm sáng tác bài thơ Nam Khê, sau cuộc loạn Đoàn Trưng (1866), thời gian thi ông bị triều đình phạt, không còn giao thiệp rộng… Những người thân như sư Nguyễn Văn Quí lớp bị giết, lớp bị tù đày, lớp đi trốn, làm lòng ông bị hẫng, cô đơn tột cùng. Cũng ở bờ khe Nam, trên vùng Nam thượng, ngày xưa có bạn tâm giao, tình cảm, giờ đây, sau 12 năm, dòng khe vẫn thế nhưng trong trạng huống buồn, cô đơn, vắng bóng tri kỷ thi ông thấy tiếng nước khe Nam đã đổi khác, thế thái nhân tình đó thôi, thi ông cảm thái:

(Lưu thủy tự tri nhân sự dị,)
(Sàn viên bất tác tích lai thanh.)

Lại có bài thơ “Long Thọ cương vãn vọng” (Nhìn đồi Long Thọ buổi chiều) viết năm 1869, trong tập Mãi Điền 6, tâm cảm tác giả đầy u uất với những câu “Long Thọ cương đầu duệ trượng qua/ Tửu trường mang giác khởi tha nga… Ngu tướng cùng sầu thu mạc trứ/ Trần vương bạc mệnh túy không ca/ Cổ kim bất thiểu đăng lâm hận/ Kiến thử mang mang nại nhĩ hà” (Long Thọ mình ta chống gậy leo/ Giày gai, rượu túi đọ đồi cao… Ngu tướng rũ sầu đành viết lách/ Trần vương bạc mệnh chỉ say nhiều/ Xưa nay không ít người vương hận/ Thấy mịt mờ lòng chẳng biết sao. ([3], tr. 210)). Tâm cảm Miên Thẩm khi lên đồi Long Thọ (có chùa Khoai) sau năm 1866 hoàn toàn khác tâm cảm thi ông trước năm 1866 khi lên đồi Long Thọ thăm tri kỷ và viết bài “Long Thọ cương” (Đồi Long Thọ). Ngày trước lòng thi sĩ tràn ngập gió trăng, hòa nhập tha nhân khi hạ bút: “Long Thọ cương đông tứ sở chi/ Tiều ca tiệm yết, dạ chung trì/ Vạn tùng phong lý, thiên sơn nguyệt/ Ký thủ u nhân độc lập thi” (Long thọ chòm đông, chiều thoáng lặng/ Ca tiều dứt đợi tiếng chuông rơi/ Gió muôn thông biết, trăng nghìn núi/ Ghi lúc riêng mình khách ẩn chơi) ([5], tr.21). Thử hỏi thi ông lên đồi Long Thọ có Thiên Phúc tự không viếng sư Nguyễn Văn Quý ư? Sau cuộc loạn lên đồi Long Thọ, qua chùa Khoai hoang phế, tri kỷ đã bị hành hình, Miên Thẩm không động lòng trắc ẩn ư?

Sự kiện lịch sử cho biết về sư Nguyễn Văn Quí

Có một sự kiện lịch sử đáng chú ý là năm 1945, triều Nguyễn cáo chung, trú trì chùa Tường Vân là ngài Thích Tịnh Khiết đã tổ chức cải táng mộ sư Nguyễn Văn Quý từ chùa Khoai (mộ bí mật) về tổ đình Quốc Ân. Sách “Chư tôn thiền đức và cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa”, các tác giả Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn chép:

Sau tổ chức thất bại, Hòa thượng bị xử tội chết cùng chung số phận với những người trong cuộc khởi nghĩa như: 1. Đoàn Trưng, 2. Đoàn Trực, 3. Đoàn Hữu Ái, 4. Đoàn Tư Trực, 5. Trương Trọng Hòa, 6. Phạm Lương, 7. Tôn Thất Cúc, 8. Bùi Văn Liệu, 9. Nguyễn Văn Đệ, 10. Hồ Văn Tự, 11. Lê Chí Trực, 12. Lê Văn Tể. Xác Hòa thượng được Phật tử bí mật đem về an táng tại khu vườn sau chùa. Đến khi nhà Nguyễn cáo chung (8/1945), Hòa thượng Tịnh Khiết - Trú trì chùa Tường Vân, cải táng hài cốt của Sư về chôn trong khu đất của chùa Quốc Ân ở xóm Hành (dưới chân núi Bân) xã Thủy An, xây một bảo châu có gắn bia tháp mộ của sư ghi là: 天福寺住持覺靈之墓 “Thiên Phúc tự trú trì giác linh chi mộ” ([4], tr.205). Hòa thượng Tịnh Khiết là pháp tử của Hòa thượng Thanh Thái - Phước Chỉ (từng lo việc trị sự chùa Tường Vân (1889)), lại là pháp điệt của ngài Hải Toàn - Linh Cơ trú trì chùa Tường Vân, kế thế sư phụ Tánh Hoạt - Huệ Cảnh từ năm 1866. Trong khi đó, Tùng Thiện Vương rất thân với thiền sư Tánh Hoạt - Huệ Cảnh, Hải Toàn - Linh Cơ. Như vậy sư Nguyễn Văn Quý là sư bá của các sư Tánh Hoạt, Tánh Thiên,… lại là tri kỷ của Tùng Thiện Vương. Sư Tịnh Khiết từng trú trì chùa Phước Huệ, thuộc phủ Tuy Lý Vương vào năm 1916, do đó được truyền ức về sư Nguyễn Văn Quý, khi có điều kiện thì cải táng hài cốt sư Nguyễn Văn Quý về tổ đình Quốc Ân. Năm 1867, sau loạn Đoàn Trưng, Tùng Thiện Vương một hôm lên chùa Tường Vân (lúc bấy giờ là thảo am Tường Vân) viết bài “ Dữ Tường Vân tăng thoại cứu” (Cùng sư Tường Vân nói chuyện) ([1], tr.233).

Miên Thẩm cô đơn qua vùng Nam thượng có Nam khê

Sau năm 1866, Miên Thẩm viết bài “Ngự Bình Sơn đăng cao” (Lên đỉnh núi Ngự Bình) ([5], tr.18) có nhắc tên “gò Trĩ”; trên gò đã dựng nhà, có nhớ sự sầm uất của “Long san” (núi Long), khi hạ bút: “Vạn lộ lâu đài minh trĩ điệp/ Nhất thời sàm tả ức Long san!” (Muôn nhà gò Trĩ lầu chen/ Núi rồng sầm uất chưa quên thuở nào!). Miên Thẩm khi đứng trên đỉnh Ngự Bình thấy gò Trĩ, nơi cư dân làng An Cựu trồng dâu nuôi tằm, thấy những cánh đồng làng An Cựu quanh núi Đông (núi Chung), từng có chùa Long Quang (lò võ). Miên Thẩm nhớ lại chuyện giết cô gái hái dâu ở gò Trĩ để làm thuốc cho vua Tự Đức chữa vô sinh, thi ông viết: “Hồng sưu môn kiện trảm nhi nữ/ Lục tửu phù suy sảng mấn nhan” (Cuộc săn gái nhỏ rụng đầu/ Rượu hồi dương uống đỏ au mặt mày!). Miên Thẩm liên tưởng đến sự căm phẫn của những người dân đến tột cùng nên tham gia cuộc nổi dậy Đoàn Trưng - Nguyễn Văn Quý, vì thế hạ bút viết hai câu kết của bài thơ đầy hoài niệm về những người đã nằm xuống trong cuộc loạn Chày Vôi: “Liệt sĩ toàn niên đa cảm khái/ Thùy a khao khuyết kiếm quang ân” (“Bao năm nghĩa sĩ hận đầy/ Tiếng gươm khua, ánh thép bay rợn rùng”).

Cũng trên vùng Nam thượng, bờ sông An Cựu, vẫn còn đó phủ Dận Quốc công, có chùa Bà Sư (chùa Phước Thành) sau cuộc loạn Đoàn Trưng đã trở thành hoang phế. Tại sao? Những tá điền canh tác ruộng của phủ, ruộng chùa Long Quang do phủ đỡ đầu, lại là những võ sinh nửa dân thường nửa tu sĩ và con em của phủ là những võ tướng đang phụ trách cấm binh, cấm thành thời Tự Đức, lớp bị giết, lớp bị tù, lớp bỏ trốn,… cho nên phủ đệ hoang tàn. Miên Thẩm thương cảm viết bài hành “Môn hữu xa mã hành” (Bài hành về ngôi nhà có nhiều người lui tới) ([5], tr.87) có những câu “Đa kim trọng nhiên nặc/ Thích lý hứa sở gia… Cao đàm biện kiên bạch/ Tòng bác linh hào sa/ Báo thù luy nha thử… Như hà Dương tử trạch/ Liêu liêu yếm phàn hoa” (Vàng nhiều vốn chuộng phong lưu/ Dòng vua, họ ngoại hay chiều sử gia… Ngôi cao bàn chuyện tấc son/ Thú chơi phong nhã há còn thiếu chi/ Kẻ thù gai mắt giết đi… Nhà họ Dương thấy đấy không/ Vắng hoang đã hết phô phang cảnh giàu). Rõ ràng hơn khi Miên Thẩm viết bài hành “Phế trạch hành” (Ngôi nhà bỏ hoang) ([5], tr.89) có những câu, có thể đoán thi ông muốn nhắc đến phủ Dận Quốc công: “Nhĩ trạo hà nam ngạn/ Phế trạch lâm hà tôn… Nhẫm nhiễm vị thập niên/ Thử địa vô xa trần/ Trùng môn sáp ngư dược/ Trung đình tràng kinh trăn… Vãn đạo thần vũ kinh/ Tàng thử kim bất tồn…” (Bờ nam, chèo quế nghỉ/ Bên bến nếp nhà hoang… Mười năm qua lần lữa/ Dấu ngựa xe vắng dần/ Cửa lầu khóa then chặt… Nghe có kinh thần vũ/ Giữ mãi, nay chẳng còn…). Những bài thơ này không lộ rõ ý từ sâu xa của thi ông nhưng bài Nam Khê thì nói rõ thời gian thi ông từng xuống ngựa gặp tri kỷ. Mà người tri kỹ là là sư Nguyễn Văn Quý, quân sư của thủ lĩnh Đoàn Trưng thì quá ư nhạy cảm.

Thay lời kết:

Chúng tôi nghĩ rằng, về mặt văn bản học, khi chưa tiếp cận văn bản gốc thì chưa thể khẳng định bài thơ Nam Khê được sáng tác vào năm 1843, dẫu trong [1] các tác giả thuộc hàng cháu chắt của Miên Thẩm như Ưng Trình - Bửu Dưỡng đã chú. Tại sao? Xưa nay, hiện tượng “tam sao thất bổn” là không hiếm, một là chép nhầm, hai là vì lý do chính trị khi nội dung văn bản gặp vấn đề “nhạy cảm” đương thời. Trong [3] tác giả Nguyễn Phúc Bảo Quyến cho biết việc sắp xếp và in ấn “Thương Sơn thi tập: “Sau khi Vương mất, tám tập của bộ Thương Sơn thi tập được các em gái là Vĩnh Trinh (Quy Đức công chúa, hiệu Nguyệt Đình), Trinh Thận (Lại Đức công chúa, hiệu Mai Am), Tĩnh Hòa (Thuận Lễ công chúa, hiệu Tĩnh Phổ) và các con trai Hồng Nhị - con trưởng (hiệu Sĩ Trường), Hồng Phì - con trai thứ ba (tự Sĩ Thắng) sắp xếp lại cùng được các em trai Miên Triện (Hoằng Hóa quận vương), Miên Thân (Phù Cát quận công) sửa chữa lại rồi cho khắc in bằng bản gỗ vào năm Tự Đức thứ 25 (năm Nhâm Thân - 1872)…” ([3], tr.90). Nếu Nam Khê được sáng tác năm 1866, 1867 thì mười hai năm trước là năm 1854, 1855, lúc Miên Thẩm cư tang ở Cư Sĩ, giao du với sư Nguyễn Văn Quý (lúc bấy giờ trú trì chùa Long Quang ở Tam Thai), hơn ai hết các con của thi ông như Hồng Nhị, Hồng Phì thừa biết trong bài Nam Khê thân phụ nhắc đến người tri kỷ là ai; vì lẽ đó họ phải xếp Nam Khê vào Ngộ Ngôn 3 (1843) thay vì xếp Nam Khê ở Mãi Điền tập 3, 4 (1866, 1867) để tránh sự theo dõi của triều đình Tự Đức.

Huế, 25/12/2018
T.V.Đ
(TCSH364/06-2019)


...............................................
Tài liệu tham khảo:

[1] Ưng Trình - Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương Tiểu sử và Thi văn (1819 - 1870), Huế - Sài Gòn, 1970.
[2] Nguyễn Đắc Xuân, Đi tìm dấu tích cung điện Đan Dương - Sơn lăng của Hoàng đế Quang Trung, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2007.
[3] Nguyễn Phúc Bảo Quyến, Tùng Thiện Vương Đời và Thơ, Nxb. Thuận Hóa, 2008.
[4] Thích Trung Hậu - Thích Hải Ấn, Chư tôn thiền đức & Cư sĩ hữu công Phật giáo Thuận Hóa, Nxb. Tổng Hợp,Tp. Hồ Chí Minh, 2011.
[5] Ngô Văn Phú, Thơ Tùng Thiện Vương, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1991.
[6] Nguyễn Đắc Xuân, Trần Viết Điền dùng “chiêu nhắm mắt” để phản biện công trình nghiên cứu khoa học của tôi, cungdiendanduong.net, phần phản biện.  




 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Chè hột sen (11/01/2019)