Ai ra xứ Huế
Với Huế hôm nay
09:43 | 07/07/2009
HÀ MINH ĐỨC                   Ký Sau chặng đường dài, vượt qua nhiều đồi núi của vùng Quảng Bình, Quảng Trị, khoảng 3 giờ chiều ngày 25/9/2003, đoàn chúng tôi về đến thành phố Huế. Xe chạy dọc bờ sông Hương và rẽ vào khu vực trường Đại học Sư phạm Huế. Anh Hồ Thế Hà, Phó Chủ nhiệm khoa Văn; chị Trần Huyền Sâm, giảng viên bộ môn Lý luận văn học cùng với các em sinh viên ra đón chúng tôi. Nữ sinh mặc áo dài trắng và tặng các thầy những bó hoa đẹp.
Với Huế hôm nay
Trường ĐHSP Huế (Ảnh: Internet)

Đoàn được đưa về ở tại khách sạn Century riverside một khách sạn sang trọng của thành phố. Trên hành lang rộng rãi có cây xanh, hoa lá trang điểm ở tầng 1, các em chia nhau quây quần quanh chúng tôi, thăm hỏi sức khoẻ, hành trình đi đường. Tuy lần đầu gặp nhưng tên tuổi các thầy, các em đã quen trên sách báo nên không có những khoảng cách xa lạ. Con gái xứ Huế có những nét đẹp dịu dàng, điều này báo chí nói nhiều nhưng khi gặp các em, người thực việc thực càng thấy nhận xét trên là đúng và có thể là chưa đủ.

Khách sạn Century riverside vừa mang tính chất hiện đại vừa giữ lại những nét truyền thống. Từ hành lang cho đến bàn ghế tiếp khách trang trí đều có mang dấu ấn của mỹ thuật cổ. Buổi sáng thức ăn tự chọn của khách phong phú. Bánh trái thơm tho, mềm mại do bàn tay khéo léo, chiều được sở thích và thị hiếu của mọi người.

Chiều xuống, chúng tôi được các anh chị mời dự buổi gặp gỡ với hai Ban chủ nhiệm Khoa Văn Đại học Sư phạm và Đại học Huế tại nhà hàng Quỳnh Hương bên dòng Hương Giang. Hai dãy bàn kê dưới những vòm cây xanh có mắc những ngọn đèn xanh đỏ tô điểm trong đêm. Trong những ngày này nước Hương Giang đục và dềnh lên cao hơn. Trong đục là lẽ thường của triền nước một dòng sông nhưng với sông Hương lại không thích hợp. Sông Hương chỉ chấp nhận dòng nước trong xanh như ngày xưa, hôm nay đã có, và mai sau sẽ có. Không khí buổi liên hoan vui vẻ. Các món ăn xứ Huế khá hấp dẫn. Cá ngon hấp trong quả bầu non, hương thơm và vị ngọt. Cua bấy rán cũng lạ miệng. Các anh vui chuyện say sưa, ngất ngư chạm chén. Đêm xuống, Huế mau trở về với vẻ tĩnh lặng của một thành phố cổ lâu đời. Sáng mai như chương trình đã hò hẹn. Đoàn gặp gỡ các cộng tác viên của Tạp chí Văn học với các anh chị Lâm Thị Mỹ Dạ, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch, Nguyễn Xuân Hoà, Bửu Nam, Trần Thái Học, Hồ Thế Hà... Không khí ấm cúng, trao đổi cởi mở chân thực. Các anh chị khen Tạp chí Văn học là tờ báo nghiêm túc có tính học thuật, khách quan, chọn người đọc. Nhược điểm là chưa thật gắn với đời sống văn học đương đại, thiếu phần phê bình văn học và cần tăng thêm nhiều chuyên mục cho phong phú hơn. Cần có những tổng kết, đánh giá văn học qua từng chặng đường phát triển. Ý kiến đóng góp của các anh chị rất chính xác. Văn nghệ sĩ Huế gồm những tên tuổi riêng đáng trân trọng, nhưng tổng thể cũng là một khối gắn bó của một miền đất có truyền thống nghệ thuật và phong cách riêng mang đậm bản sắc của xứ Huế. Chỉ riêng về thơ Tố Hữu, Nam Trân, Thanh Hải đến Lương An, Nguyễn Khoa Điềm, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Võ Quê... phong vị thơ sâu lắng mà ngọt ngào.

Tôi nhớ vào tháng 2/2003, Câu lạc bộ thơ Huế của Hà Nội đã mời tôi nói chuyện về phong cách Huế trong thơ Tố Hữu. Buổi nói chuyện có nhiều cái khó, người nghe là người xứ Huế có trình độ và đa phần nghỉ hưu sau nhiều tháng năm trải nghiệm nên có yêu cầu riêng mà người nói ở xứ khách không dễ đáp ứng được. Huế thơ mộng, Huế buồn, Huế với bao nhớ thương của những người con xa quê Mẹ. Tất cả đã thấm vào thơ của bao thế hệ. Nhưng có lẽ dấu ấn đậm đà nhất là văn hoá xứ Huế, một phẩm chất văn hoá kết tinh từ bao giá trị tinh thần từ một vùng đất thực học của chốn kinh kỳ. Những sinh hoạt văn hoá phong phú, thanh lịch, nhiều màu sắc thể hiện trong kiến trúc, hội họa, âm nhạc, thơ ca đã đưa Huế lên vị trí một vùng đất tiêu biểu, mang tầm văn hoá của toàn quốc. Nhiều tác giả như Tố Hữu, Hải Triều, Nam Trân, Trịnh Công Sơn, Điềm Phùng Thị đã thuộc về những danh nhân của đất nước. Viện trưởng Viện Văn học Hunggari, giáo sư tiến sĩ Laszlo Sz
Orenyi trong chuyến du lịch vào các tỉnh miền Trung đã nhận xét là các tỉnh miền Trung như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị đều có những nét giống nhau từ rừng biển, làng quê, ruộng đồng, đô thị... nhưng Huế khác biệt, gây ấn tượng ở dấu ấn văn hoá có bản sắc riêng. Dọc đường đi ông xúc động với nhiều cảnh đẹp nhất là khi chiều xuống bóng núi toả mát một vùng, những con trâu lặng lẽ gặm cỏ, cảnh vật gợi lên sự êm đềm của những câu chuyện cổ tích xưa. Đường vô xứ Huế là con đường đẹp, non nước gợi cảnh, gợi tình...

Đến với Huế trong một hai ngày sẽ được thăm Đại Nội, chùa Thiên Mụ, lăng Tự Đức, nghe ca Huế và thả hoa đăng trên dòng Hương. Đến với Huế trong một tuần có thể thăm nhiều lăng tẩm Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định. Thăm các nhà vườn cổ Phú Mộng, Kim Long và Bảo tàng nghệ thuật. Đến với Huế dài ngày, tâm lý khảo cứu dễ nẩy sinh; trước những giá trị tinh thần phong phú, du khách có thể bị đồng hoá và quên đường về. Văn hoá xứ Huế có tính chất tổng hoà và phát triển đồng đều của nhiều loại hình văn nghệ, như thơ ca, hội họa, kiến trúc, âm nhạc... và ở mỗi loại hình đều có giá trị kết tinh ở tầm cỡ quốc gia và cao hơn là di sản văn hoá của thế giới! Không dễ có thể đánh giá hết giá trị của kiến trúc Huế từ kiến trúc nội đô cho đến những nhà vườn rồi sự hiền hoà tuyệt diệu của nhã nhạc, chất buồn thương và thanh cao da diết của những điệu hò sông nước. Giọng nói xứ Huế ngọt ngào, thanh tao và cầm giữ lòng người. Những bàn tay khéo léo của người con gái xứ Huế thêu thùa, cắm hoa và chăm sóc những món ăn ngon lành tinh vi và mang nhiều nét nghi lễ mà ân cần chiều chuộng. Huế chưa phải là miền đất giàu có. Một thành phố của quan chức, viên chức và người học hành nên cũng không dễ giàu có. Nhưng nổi bật lên là sự giàu có của những giá trị tinh thần được kết tinh và toả sáng.

Một Festival Huế được tổ chức thành công là một chứng minh cho tính tiêu biểu và hấp dẫn của văn hóa Huế - một điểm sáng của văn hoá dân tộc. Đêm Festival lộng lẫy vẫn còn in đậm ấn tượng trong tôi với các sân khấu biểu diễn náo nhiệt, lôi cuốn. Nhã nhạc cung đình Huế thanh tao và rộn ràng trong bao âm thanh và đúng như giáo sư Trần Văn Khê nhận xét là các cung đàn như đua tranh mà không hề lấn át nhau. Lắng nghe thấy tiếng nói của thanh bình và niềm vui hạnh phúc và cảm nhận rõ cấu trúc nghệ thuật đa thanh rất công phu này. Nhã nhạc cung đình, di sản văn hoá phi vật thể được thế giới công nhận là niềm tự hào của Huế và vinh dự chung cho nhân dân ta. Cũng trong đêm Festival, khi nhìn ngắm dòng người mặc áo dài trên Cầu Trường Tiền - tôi cảm thấy như bắt gặp nguồn chảy vô tận của cái đẹp. Thì ra chiếc áo dài không chỉ đẹp với chốn cao sang và cũng rất đẹp trong vẻ bình dị dễ thương của các cô gái gồng gánh trên vai. Những chiếc áo tứ thân, áo dài cộc hoặc thướt tha đều có vẻ đẹp riêng. Huế quy tụ về đây cái đẹp gần gũi mà chắt lọc.

Trở về Huế lần thứ hai sau hơn hai mươi năm xa cách, tôi đã bắt gặp một Huế khác xưa, phồn hoa, hiện đại. Năm 1976, tôi vào Huế thỉnh giảng cho lớp học ở Tổng hợp Văn khoá I. Lớp có khoảng 40 sinh viên trẻ trung tươi sáng. Hôm nay còn gặp lại các anh Hồ Thế Hà, Phạm Phú Phong... Lớp học Tổng hợp Văn khoá I học ở Mô-ranh một toà nhà cũ của Pháp. Ngồi trên chiếc máy bay I-ắc cổ của Nga, tôi thật sự không yên tâm. Máy bay lượn nhiều vòng trên bầu trời thành phố để hạ cánh. Tôi có cảm xúc lạ khi thấy dưới đất mồ mả quá nhiều. Tuy được xây cất công phu nhưng vẫn gây ấn tượng nặng nề. Những ngày dạy học, đôi lúc dạo chơi thấy phố phường nghèo nàn, hàng hoá còn khan hiếm. Thành phố cổ trầm lặng với những nét u hoài. Huế hôm nay như một cô gái đã thức dậy, với sức sống và vẻ đẹp hấp dẫn, hiện đại.

Buổi tối, theo kế hoạch, chúng tôi được mời đi nghe ca Huế trên du thuyền. Gọi là du thuyền nhưng đúng hơn là cả đoàn khách và chủ cùng lên một chiếc phà máy chạy ra giữa dòng. Sông Hương về đêm đẹp lạ lùng. Dòng trôi lặng lẽ, ánh sáng của đèn của sao lấp lánh trên mặt nước. Nước sông Hương như vừa trôi, vừa dừng lắng, lấp lánh mảng tối, mảng sáng như chứa đựng bao câu chuyện của thời gian. Tiếng hát sông Hương đã có tự bao đời, đến với bao tâm hồn lặng lẽ, thẳm sâu. Trong một lần đến Trung Quốc và thăm tờ báo Văn nghệ, một nhà văn hỏi tôi: “Sông Hương đẹp, chuyến du thuyền trong đêm là một kỷ niệm khó quên. Tôi thích nghe ca xứ Huế nhất là lại do các cô gái đẹp hát. Những cô gái Huế này có thể xem là những cô gái đẹp nhất Việt Nam không?”. Tôi trả lời: “Ở Việt Nam có nhiều vùng có các cô gái đẹp và Huế là một nơi tiêu biểu. Có dịp mời đồng chí thăm nhiều vùng và đồng chí sẽ đánh giá và chấm điểm”. Nhà văn Trung Quốc cười: “Được như thế thì quá hạnh phúc”. Tiếng máy nổ tắt và tiếng hát đã cất lên. Trữ tình, điêu luyện và thánh thót trong đêm. Các cô Hiền Lương, Hải Yến... vừa hát vừa gõ nhịp chén, âm reo vang... đưa người nghe về xứ mơ mộng. Năm cô ngồi sát bên cạnh nhau theo chương trình lần lượt trình bày phần của mình. Mỗi người một vẻ duyên dáng, hấp dẫn. Có cô trầm ngâm, có cô sốt ruột nhìn đồng hồ và gọi điện thoại di động. Hình như có cuộc hò hẹn nào nữa ở nơi xa. Vẫn nền nếp duyên dáng như xưa, nhưng có thể nếp sinh hoạt thời hiện đại đã đến với mỗi người.

Khi vừa ngưng tiếng hát, là thú chơi thả đèn hoa đăng trên sông Hương, chiếc đèn giấy có thắp nến ở bên trong. Những chiếc đèn hồng, đèn xanh lần lượt được thả xuống nước và trôi ra xa. Các cô gái khéo léo lưng mềm cúi sát nước để thả đèn nên đèn không tắt. Tôi vụng về và thả đèn từ trên cao nên bị chìm và đèn tắt ngay khi chạm nước. Máy lại nổ, phà dần dần cập bến kết thúc một đêm vui đặc sắc đậm đà phong vị của xứ Huế. Không gian khoáng đạt của sông nước, âm thanh trữ tình gợi cảm và tình người đầm ấm của chủ khách còn đọng lại mãi trong chúng tôi. Về Huế, chúng tôi gặp lại nhiều người bạn thân quen, các anh Nguyễn Đình Thảng, Nguyễn Xuân Hoà vốn là cán bộ khoa Văn ở Hà Nội nay đã vào tuổi nghỉ hưu. Các anh chị nghiên cứu sinh các khoá, nhiều người đã là tiến sĩ hoặc đang cố gắng hoàn thành luận án trong năm tháng cuối cùng. Các anh chị mời đoàn đến Nam Châu hội quán một nơi gặp gỡ sang trọng của quan lại Huế ngày xưa hoặc với quan khách lai kinh. Nam Châu hội quán giới thiệu văn hoá ẩm thực Huế gồm nhiều loại hình ẩm thực cung đình, lễ hội, dân dã. Nhà hàng vừa có dáng dấp nơi nghênh tiếp quan khách xưa với cách bài trí sang trọng, cổ kính, vừa có nét tân kỳ, hiện đại. Chúng tôi ngồi quây quần ở hai bàn và thưởng thức những thức ăn đặc sản của xứ Huế. Có người nói người Huế không ăn mà thưởng thức, chuyện trò, nhấm nháp đôi chút. Thức ăn phải vừa đẹp, vừa xinh xắn, ngon lành, nhiều hương vị, màu sắc. Thực khách luôn bị kích thích và rung động giác quan khi cay cay, ngọt ngọt, deo dẻo, khi dai dai, ròn ròn. Biết chúng tôi là khách đường xa chú trọng chất lẫn lượng, nên các anh chị đã chọn một thực đơn thích hợp có nem cắm thơm, chả phượng, xúp cua trứng gà, bánh bèo tôm, cá chiên bột sốt cà chua, cơm hấp lá sen, chè bông cau... Bữa ăn ngon lành lại được chụp ảnh kiểu cách với các cô gái Huế của quán Nam Châu. Thật khó quên. Nam Châu hội quán gây ấn tượng đẹp về nghệ thuật ẩm thực xứ Huế.

Ấn tượng đẹp lại được tiếp nối. Ấy là buổi chiều được gặp gỡ giao lưu với các em học sinh khoa Văn. Hai anh Trương Đăng Dung và Phan Trọng Thưởng muốn được đi thăm những di tích lịch sử, lăng mộ đền đài của Huế. Tôi đã có dịp thăm các lăng Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng và một số chùa đẹp. Tôi nghĩ thầm Huế quy tụ khá nhiều di tích đẹp, nếu ở một nơi nào kể cả Hà Nội được san sẻ một phần thì thật là may mắn. Một dịp nào khác, tôi sẽ đi thăm các di tích và ghi chép kỹ càng. Chiều nay tôi tham dự buổi giao lưu với các em sinh viên. Hội trường rộng, sinh viên nhiều lớp lần lượt đến ngồi kín các dãy ghế. Tôi được mời nói chuyện, sau đó các em sinh viên đặt câu hỏi. Cũng như mọi cuộc giao lưu với lớp trẻ, không khí bao giờ cũng sôi nổi, vui vẻ. Chuyện học thuật pha lẫn chút ít với chuyện đời. Tôi tuy không trực tiếp dạy các em nhưng cũng dễ gần gũi trong quan hệ thầy trò. Nhiều câu hỏi của các em khá sâu sắc. Có em hỏi tôi “Thưa thầy em biết thầy đã giao lưu với sinh viên của nhiều trường đại học. Những buổi giao lưu đã để lại trong thầy những ấn tượng và kỷ niệm sâu sắc nào về thế hệ sinh viên chúng em”. Một em khác hỏi “Thầy viết sách Mấy vấn đề thơ Việt Nam hiện đại trong hoàn cảnh đất nước đang kháng chiến chống Mỹ. Vậy thầy đã có những thuận lợi và khó khăn như thế nào khi viết cuốn sách này”. Tôi nói về những khó khăn khi đi vào ngành văn học với người nhập môn cũng như đã lâu năm. Cuốn sách mà các em nhắc cũng thu hút nhiều sức lực của tôi nhất là trong chiến tranh thiếu tư liệu, thời gian và cả điều kiện vật chất.

Tôi rất thích những cuộc giao lưu với sinh viên. Trước các em tôi dễ quên đi mọi mệt nhọc, khoảng cách về tuổi tác và muốn hoà nhập với thế hệ trẻ rất hồn nhiên và yêu đời. Có em muốn thóc mách một chút vào hoàn cảnh riêng “Thưa thầy, em có được nghe các thầy trong khoa nói về đôi mắt rất có hồn của thầy, các thầy có nói đã rất nhiều cô gái chết đuối trong mắt thầy. Vậy đã có bao nhiêu cô làm thầy”điêu đứng”. Xin thầy hãy kể rõ một tình yêu đẹp mà thầy còn nhớ mãi”. Tôi không dám nhắc lại và trả lời câu hỏi vì xấu hổ. Nếu có chút ít thì đã là cổ tích rồi và hôm nay chỉ còn là cảnh “Nhập nhoè bốn mắt tranh mờ tỏ” như câu thơ xưa. Buổi nói chuyện kết thúc, tôi có những ấn tượng đẹp về lớp trẻ học đường ở miền Trung. Tôi chào các em và cùng các anh Phan Trọng Thưởng và Trương Đăng Dung đi thăm hoàng cung như đã hẹn cùng nhau. Trời đã về chiều nhưng nắng vẫn còn gắt. Chúng tôi muốn có bức ảnh kỷ niệm được đóng vua giả và mặc áo hoàng bào. Các chị làm việc ở khu vực này đã chuẩn bị ra về, nhưng nể chúng tôi nên cũng nhân nhượng phục vụ những người khách cuối cùng. Quả là một trò vui lý thú. Chúng tôi cả ba người đều thuộc dạng bệ vệ đậm người không ai cao vượt 1m65 nên những ông vua này không biết của thời nào. Anh Phan Trọng Thưởng mạnh mẽ dáng vua Hùng và không mấy ông vua có sức vóc đó. Anh Trương Đăng Dung đeo kính trắng lại giống vua Tây. Trong lịch sử vua ta, tôi chưa thấy vua nào thiết triều mà đeo kính cả, còn tôi, nhiều tuổi nên chậm chạp dáng ngọa triều. Tôi nghĩ dịch vụ này có thể làm tốt hơn. Quần áo, mũ miện, giầy dép nên thay đổi cho mới hơn, nghi thức cần sang trọng để cái “phút huy hoàng” ấy cỏ vẻ thật hơn. Một nhà báo Việt Nam trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ về có cho tôi xem những bức ảnh được làm vua Thổ trong giây phút. Quần áo, mũ miện đẹp, sang trọng, vua được trang điểm giống với vua bản xứ và một cung nữ đẹp rất gợi cảm cận kề. Cho dù là đóng giả nhưng những phút giây và hình ảnh tươi đẹp ấy không dễ diễn ra hai lần trong đời.

Buổi chiều theo kế hoạch đã hò hẹn, chúng tôi dự liên hoan ở quán nổi bên bờ sông Hương. Thú vị nhất là trước giờ hẹn đi lang thang trong vườn tượng bên dòng sông Hương. Vườn tượng ở xứ Huế là một sáng kiến rất hay của thành phố. Chúng ta chưa mạnh về điêu khắc, về tượng đài. Các nghệ sĩ ở nhiều xứ sở đến thăm Huế, và để lại một tác phẩm cho thành phố. Thật có ý nghĩa biết bao. Điều này không dễ làm được ở các thành phố khác. Không chuyên lắm, nhưng tôi thấy có nhiều pho tượng đẹp, chỉ tiếc là phần bệ có chỗ chưa tương xứng và nhất là việc bảo quản. Khí hậu nặng nề và mưa nắng thất thường của miền Trung rất dễ làm cho tượng đá cũng đổ mồ hôi và nứt vỡ và có nhiều pho tượng đã nứt vỡ. Nghệ thuật ngoài trời ở nước ta phải chịu nhiều thử thách hơn. Ngồi trên quán nổi ở sông Hương cùng với các anh Nguyễn Khắc Thạch, Hồ Thế Hà, Trần Thái Học..., chúng tôi nói lời chia tay để mai lên đường. Tôi hình dung lại những hình ảnh đẹp của Festival Huế mà thấy cảm phục và yêu quý hơn đất Huế, văn hoá Huế hôm qua và ngày nay. Kiến trúc nội đô Huế đã trở thành di sản văn hoá Huế thế giới. Văn hoá Huế hôm qua và ngày nay. Kiến trúc nội đô Huế đã trở thành di sản văn hoá thế giới. Văn hoá xứ Huế đã được công nhận nhưng vẫn đang được khám phá nhất là con người giàu tiềm năng của xứ sở này.

Trong buổi chia tay, một em nữ sinh tôi quen trên du thuyền đến tặng cho tôi một chiếc đèn có khung sắt nhỏ treo một bình thuỷ tinh đựng nến. Em nói với tôi: Đây là ngọn đèn không bao giờ tắt. Nến chảy xuống lại tiếp tục nuôi dưỡng ngọn đèn, thầy giữ gìn chút kỷ niệm của em. Về Hà Nội tôi để trên bàn làm việc, ai đến cũng ngắm nghía nâng niu, và một em sinh viên đã để rơi vỡ. Em chạy khắp Hà Nội mua một chiếc đèn khác để thay vào. Tôi gửi lại em và bảo: Em cầm về và nhớ nên cẩn thận hơn, không có gì thay thế được một vật kỷ niệm đã mất. Chuyện đã qua, nhưng tôi cứ ân hận mãi. Những kỷ niệm về Huế qua chuyến đi gợi cho nhiều cảm xúc và tôi đã biết bài thơ Nghe hát trên sông Hương để ghi lại chút kỷ niệm:

... Ôi câu ca xứ Huế
Nghe thương em nghe thấy thương mình
Trên dòng chảy lênh đênh
Mà sao thấy mong manh kiếp người
Trong câu ca có lời ru của mẹ
Có điệu hò khuya sông nước.
Chuông chùa vẳng xa đưa
Và tình em vẫn còn thổn thức
Huế thắt lòng ai trong tiếng hát xưa
Để hôm nay buồn vui cùng vào hội.

Huế đang lớn lên và góp phần làm giàu cho đất nước với những giá trị tinh thần phong phú, đậm đà bản sắc. Quá khứ của Huế đang làm giàu cho hiện tại và tương lai.

H.M.Đ
(179-180/01&02-04)

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Linh hồn Huế (06/07/2009)
Chiều Tam Giang (04/05/2009)
Phố cổ Bao Vinh (13/04/2009)