Ai ra xứ Huế
Làng nghề nón lá Thanh Tân
09:08 | 07/11/2019

NGUYỄN THẾ  

Làng Thanh Tân thuộc xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là một xứ đạo hình thành từ thế XIX.

Làng nghề nón lá Thanh Tân
Ảnh: Phạm Bá Thịnh

Giữa làng là trục đường thiên lý, tức đường “thượng đạo” xưa đi ven vùng đồi núi phía Tây Thừa Thiên Huế. Đoạn đi qua làng Thanh Tân nay là tỉnh lộ 11b, nối liền với QL I A tại ngã tư cầu An Lỗ (cách khoảng 10 km). Năm 1861, với chính sách cấm triệt để đạo Gia Tô, vua Tự Đức đã ban chỉ dụ “phân sáp” nhằm phân tán giáo dân vào vùng dân cư không theo đạo. Chỉ dụ bắt buộc tất cả các giáo dân, đàn ông và đàn bà, giàu cũng như nghèo, người già cũng như trẻ con đều phải phân tán vào các làng bên lương (các làng không theo đạo Thiên Chúa). Các làng bên lương phải chịu trách nhiệm quản lý giáo dân theo tỷ lệ cứ 5 người lương một người theo đạo. Giáo dân đàn ông phải tách ra khỏi giáo dân đàn bà, đàn ông đưa đi một tỉnh, đàn bà đưa đến một tỉnh khác để họ không được sum họp, trẻ con sẽ giao cho các gia đình bên lương nào muốn nuôi chúng… Từ chỉ dụ này, một số lớn giáo dân từ các nơi đã được đưa đến vùng đồi núi Thanh Tân - Ồ Ô cư trú xen với các làng không theo đạo ở đây. Năm sau, do ký hòa ước Nhâm Tuất 1862, vua lại ban dụ tha đạo. Do đó, năm 1864, giám mục Sohier cai quản giáo phận Huế đã thành lập sở Dục Anh Thanh Tân để nuôi dạy con cái mồ côi của những gia đình bị “phân sáp”. Số trẻ em của sở Dục Anh sau khi trưởng thành được nhà chung tổ chức dựng vợ gã chồng, chia ruộng đất để tiếp tục sinh sống ở nơi đây. Đó là điều kiện để hình thành nên giáo xứ Thanh Tân và các họ đạo gần đó như Sơn Quả (xã Phong Sơn), Bến Củi (xã Phong Xuân)…

Sách Đồng Khánh địa dư chí triều Nguyễn đã từng ghi nhận: phường Thanh Tân thuộc tổng Phò Ninh, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ngày xưa, sở Dục Anh ở xứ đạo Thanh Tân nằm ở khu vực Ba Trục bên suối Ồ Ồ, nay là xã Phong Xuân (giáp ranh với Phong Sơn). Thời đó nơi đây là vùng thâm sơn nước độc, dịch bệnh đã từng gây chết nhiều người, đặc biệt là trẻ em của sở Dục Anh. Sự kiện này nhiều người dân lớn tuổi ở thôn Điền Lộc xã Phong Xuân vẫn còn nhớ, họ kể lại rằng: Ngày trước sở Dục Anh của xứ đạo Thanh Tân ở đây nuôi rất nhiều trẻ em, nhưng do về sau do lẫm thóc của nhà chung (tên gọi đối với nhà thờ Thiên chúa giáo) có một con rắn hổ mang rất lớn vào làm ổ, nọc độc rắn vương vào thóc lúa, gây chết nhiều người, nên các cha cố đã cho di dời về địa điểm nhà thờ Thanh Tân ngày nay. Thanh Tân cũng từng là nơi gắn liền với tuổi thơ của chàng thi sĩ tài hoa bạc mệnh Hàn Mặc Tử. Sinh quán của Hàn Mặc Tử ở Lệ Mỹ, Đồng Hới, từ nhỏ đã vào sống với người thân ở Thanh Tân cho đến năm 14 tuổi. Khi người cha qua đời (1926), Hàn Mặc Tử lại theo gia đình vào Qui Nhơn. Thời kỳ đầu sáng tác, nhà thơ lấy bút hiệu là Lệ Thanh (tên ghép hai chữ đầu của quê hương Lệ Mỹ và Thanh Tân).

Làng Thanh Tân nằm sát với dãy trường sơn phía Tây huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Thanh Tân xưa là nơi “rừng thiêng nước độc”, nhưng những người đến cư trú nơi đây vẫn phải an phận với cuộc sống. Cho đến nay, người dân vẫn còn truyền tụng câu:

Núi lâm sơn nuôi dân đào thải,
Biển tây hồ cứu kẻ lâm nguy.


Người Thanh Tân đã sống nhờ vào nguồn lợi lâm thổ sản tự nhiên của vùng núi rừng tiếp giáp với làng. Ven các khe suối và thung lũng của vùng rừng núi ở đây là nơi sinh trưởng thích hợp của loài cây cọ nhỏ gọi là cây lá nón, tên khoa học là: Licuala Fatoua Becc. Nguyên liệu làm nón là đọt lá non đã nhú khỏi cây nhưng chưa nở thành lá; người ta khai thác bằng cách rút đọt lá nón từ rừng về, buộc thành từng túm nhỏ đạp sơ cho tơi tép lá rồi phơi, sấy và là cho phẳng, láng. Thực hiện các công đoạn làm lá nón đòi hỏi phải là người có kinh nghiệm mới cho ra được loại lá xanh trắng mềm mại, dễ là phẳng. Lá nón ở vùng rừng Thanh Tân mỏng có màu trắng xanh là nguyên liệu để tạo nên những chiếc nón lá Huế nổi tiếng, nhất là đối với nón bài thơ, phải cần dùng lá mỏng màu xanh trắng mới nổi rõ được họa tiết bên trong chiếc nón. Vì vậy, trước đây Thanh Tân là nơi cung cấp nguồn nguyên liệu lá nón cho những người làm nón trong vùng. Họ cung cấp cả nguồn lá tươi (chưa phơi sấy) cho đến lá thành phẩm. Đồng thời đây là nơi tổ tiên họ đã phát triển nghề làm áo tơi, nón lá để cung cấp khắp vùng Thừa Thiên, Quảng Trị…

Các cụ cao niên tuổi 70, 80 trong làng cho biết, khi các cụ lớn lên, đã thấy làng có nghề khai thác lá nón, có lò sấy lá và có đến vài chục hộ làm nghề chằm nón. Trước Cách mạng tháng Tám 1945 nghề làm nón của làng Thanh Tân chủ yếu là chằm nón thô và chằm áo tơi để phục vụ nhu cầu tiêu dùng chủ yếu cho các làng xã lân cận trong vùng. Sau năm 1945 đến năm 1964, nghề chằm nón đã phát triển số hộ tham gia làm nghề chằm nón tăng lên khoảng 40 - 50 hộ. Chiếc nón, cái tơi của người dân Thanh Tân đã mở rộng tiêu thụ ở các chợ trong và ngoài tỉnh. Đến năm 1964 do chiến tranh ác liệt, nhân dân thôn Thanh Tân đã di tản đến nhiều địa phương khác để lánh nạn. Đa số bà con vào sinh sống tại Phủ Cam và phường Kim Long thuộc thành phố Huế. Tại đây, những chị em phụ nữ tiếp tục phát huy nghề làm nón lá truyền thống của Thanh Tân. Chính người dân Thanh Tân đã góp phần làm nên thương hiệu làng nón Phủ Cam và Kim Long.

Sau năm 1975 quê hương được giải phóng, người dân thôn Thanh Tân lại trở về quê hương để khai hoang phục hóa, tăng gia sản xuất, nam giới thì lên rừng khai thác mây, gỗ củi, lá nón..., phụ nữ lại tiếp tục mở rộng nghề chằm nón lá. Thời kỳ này, ở Thanh Tân có trên 120 hộ với hơn 200 lao động (chưa kể các em học sinh nhỏ tuổi) tham gia sản xuất nón lá. Trong làng có đến 5 - 6 lò sấy lá cung cấp cho các hộ chằm nón. Vành nón được vót từ cây lồ ô trồng trong làng và mua thêm ở vùng Hòa Mỹ cách đó khoảng 7 - 8 km. Do nhu cầu thị trường lúc đó cần nhiều nên họ chỉ kịp chằm nón thô rồi chuyển vào chợ Đông Ba ở Huế để họ thuê nhân công tiếp tục gia công hoàn thiện việc nức vành, kết soài chóp nón, gắn dây màu tạo phong cảnh Huế trên chiếc nón để bán cho khách du lịch...

Ngày 19/7/2010, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ ký Quyết định số 1347/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00020 cho sản phẩm nón lá “Huế” và trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý Nón lá Thanh Tân. Tháng 6/2016, làng nghề nón Thanh Tân đã được trao bằng công nhận làng nghề truyền thống. Nhiều năm liền, nón lá Thanh tân được UBND huyện Phong Điền bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, tham gia triển lãm tại Festival Huế. Số hộ làm nghề nón hiện nay ở Thanh Tân có xu hướng giảm so với trước đây, lý do là giá trị thu được từ nghề làm nón lá chưa đảm bảo được nhu cầu cuộc sống cho người dân. Một phần do việc khai thác lá nón ngày càng khó khăn vì phải đi xa vào tận rừng sâu mới thu hái được loại lá đạt chất lượng. Địa phương đã có qui hoạch vùng trồng cây lá nón dưới tán rừng cộng đồng của Thanh Tân, Sơn Quả để đảm bảo nguyên liệu cho làng nghề nhưng đến nay vẫn chưa triển khai. Việc phục hồi và phát triển làng nghề đi đôi với việc bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa tinh thần ở địa phương; gìn giữ vốn quý tri thức dân gian của những người thợ thủ công.

Cách làng nghề nón lá Thanh Tân khoảng 2 km là Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Alba Thanh Tân. Làng nghề nón lá truyền thống và khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng nằm gần nhau và cùng mang tên Thanh Tân. Ngày xưa, khi người Pháp phát hiện giá trị của nguồn suối khoáng nóng, họ đã lấy tên làng Thanh Tân để đặt tên cho nguồn suối khoáng. Mong rằng có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và làng nghề trong việc giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nón lá Thanh Tân; xây dựng tour tuyến, đưa làng nghề truyền thống nón lá Thanh Tân trở thành “sản phẩm du lịch” để giới thiệu cho du khách. Ngoài ra, làng Thanh Tân còn có tiềm năng về du lịch tâm linh ở địa điểm đồi Đức Mẹ; ngôi mộ của ông nội nhà thơ Hàn Măc Tử, nơi ở thời niên thiếu của chàng thi sĩ tài danh mang bút hiệu Lệ Thanh; tất cả đều là những dấu ấn văn hóa tinh thần cho những du khách đến với Thanh Tân trong tương lai.

N.T  
(SHSDB34/09-2019)




 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng