ĐẶNG THỊ THANH HÀ
Năm 1558, khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, các đời chúa Nguyễn tiếp theo tích cực xây dựng lực lượng tránh sự phụ thuộc vào Đàng Ngoài. Kết thúc chiến tranh Trịnh - Nguyễn kéo gần nửa thế kỷ không phân thắng bại, sông Gianh được chọn làm ranh giới chia cắt Đàng Trong và Đàng Ngoài. Để củng cố quyền lực, chúa Nguyễn tập trung xây dựng kinh tế kết hợp giao thông vận tải với mục đích tiếp tục mở mang lãnh thổ xác lập chủ quyền vùng đất Đàng Trong vững mạnh. Thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII Đàng Trong thủ công nghiệp phát triển với nhiều hình thức phong phú khác nhau đã hình thành các phường, các làng nghề thủ công nổi tiếng, sản xuất ra các sản phẩm độc đáo, đa dạng, số lượng nhiều không chỉ cung cấp trong vùng mà còn cung cấp sản phẩm thủ công nghiệp ra các khu vực và trên thế giới.
Trước hết, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt vải đã trở thành làng dệt nổi tiếng như ở huyện Phong Lộc, Bình Xá và Vô Xá (Lệ Thủy), ở Phú Xuân có xã Sơn Điền, Dương Xuân và Vạn Xuân, Điện Bàn… Nghề dệt lúc bấy giờ các thợ thủ công, nghệ nhân dệt lụa Đàng Trong biết kết hợp truyền thống dệt lụa xứ Bắc kỳ với kỷ thuật dệt của người ChămPa và của người Trung Hoa để sản xuất ra những mặt hàng tơ lụa đẹp và mềm mại như Quang Đông. Theo Lê Quý Đôn thì “Tổ xa đời họ Nguyễn là người dinh Quảng Nam, phủ Thăng Hoa học dệt ở Bắc khách, đời truyền nghề cho nhau. Các hàng vóc, sa, lanh, gấm, trừu cải hoa rất khéo. Ở Quảng Nam thuế lụa chỉ lấy ở hai phủ Thăng Hoa, Điện Bàn… Phủ Thăng Hóa, thuộc Hóa Châu nộp lụa thuế 809 tấm, lụa lễ 11 tấm, thuế là để dâng lên vua (vua Lê), lễ là để biếu quan trấn”[1]. Mặt hàng tơ lụa Đàng Trong được sản xuất ra nhiều bởi có những cánh đồng trông dâu nuôi tằm rộng lớn của vùng đất Thuận Quảng. Vì vậy nguồn hàng “tơ lụa vùng này rất nhiều và dư thừa đến nỗi người dân lao động và người nghèo cũng dùng hàng ngày… Đàn ông, đàn bà vác đất, đá, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn thận giữ cho áo đẹp và quý họ mặc khỏi rách bẩn”[2] Vì thế tơ lụa dư thừa nên họ bán cho tàu các thương nhân đến cảng Hội An bằng đường thủy. Điều này, được tác giả Nara Shuichi khi nghiên cứu về việc buôn bán tơ lụa giữa Việt Nam và Nhật Bản trong thế kỷ XVII đã nêu: “Trong khoảng thời gian từ 1641 đến 1682 “hơn 40% số tơ nhập vào Nhật do các thương nhân Trung Quốc mang đến từ Việt Nam”[3]
Thứ hai, nghề thủ công làm gốm cũng được phát triển như: Nghề làm gốm ở làng Phước Tích, Biên Hòa sản xuất ra các sản phẩm như nồi đất, chum đất, lu vại, bát… Điều này được tác giả Tống Trung Tín thể hiện về trao đổi và buôn bán đồ gốm giữa Việt Nam và Nhật Bản thế kỷ XIV - XVIII ở khu vực Sakai “Sakai là một trong những thương cảng lớn, sầm uất của Nhật Bản trong thế kỷ XV và XVI, người ta đã tìm thấy ở đây những mảnh gốm men ngọc có in hoa của Việt Nam có niên kỷ XIV. Đồ gốm của Việt Nam có niên đại từ khoảng đầu thế kỷ XVI đến giữa thế kỷ XVII đã tìm thấy mảnh bát màu hoa lam, chính giữa lòng bát có chữ phúc, ngoài ra còn có bát gốm trăng, lòng nông, thành vát thẳng, trong lòng bát có in nổi băng hoa cúc dây hình sin rất đẹp, địa có vẽ hình rồng màu lam, chữ Hán, và các viên tròn đơn giản. Thế kỷ XVIII thì có các loại bát lòng nông, miệng rộng thành ngoài và lòng bát được vẽ hoa cúc nhiều cánh nhỏ màu sắc. Ngoài ra vẫn ở Sakai người ta còn tìm thấy “các lon sành, các lạo vò, lọ cổ thẳng, thân thon. Có một số vò có 4 núm ở vai, hình sông nước v.v, đều có niên đại khoảng thế kỷ XVII - XVIII”[4]. Để vận chuyển đồ gốm được sản xuất xứ Đàng Trong sang các nước khác buộc các thương nhân đi bằng thuyền lớn để chuyên chở hàng hóa đi từ Cảng biển Hội An. “Ở Đàng Trong không sản xuất gốm men, nhưng đồ sành có mặt ở Nhật Bản khá nhiều”[5].
Bên cạnh đó, nghề đúc đồng ở phường Đúc; nghề Rèn ở Phú Bài, Hiền Lương Võng Trì; nghề mộc ở Mỹ Xuyên, Kìm Bồng. Đặc biệt vùng đất Nam Bộ trước đây từng có nhiều lò đúc đồng được nhiều người biết đến. Trên vùng đất Mô Xoài xưa (ở miền Đông Nam Bộ) vẫn còn lại ít nhiều dấu tích của nghề đúc đồng dân gian. Riêng khu vực Sài Gòn cũng đã có đến ba nhóm lò đúc đồng, đó là ba làng cổ Tân Kiểng, Nhân Giang và Bình Yên thuộc Chợ Lớn. Nguồn gốc nghề đúc đồng ở Nam Bộ là từ Quy Nhơn theo chân các luồng di dân mà vào Nam Bộ hồi những thập kỷ đầu của thế kỷ XVIII thông qua bằng con đường biển. Nguồn đồng cũng được mua từ ngoài miền Trung chở bằng thuyền qua tuyến đường biển quen thuộc của cư dân Đàng Trong.
Đàng Trong thuận lợi phát triển giao thông đường biển trong vùng và quốc tế. Chính điều này đã được Người Bồ Đào Nha vẽ bản đồ trong thế kỷ XVI cho rằng: “Gaspar Viegas -1537, Bar -tholomeu Velho 1560, Livro Da Marinharia -1560, Bar-tolomeu Laasso -1590... cho thấy đường hàng hải Quốc tế đều nằm ngoài khơi bờ biển từ Thuận Quảng đến Hà Tiên và Côn Đảo (Pulo Condor), Hoàng Sa (Phulo Pracell), đã từng là trung tâm gặp gỡ của luồng thương mại hàng hải quốc tế đó”[6]. Các chúa Nguyễn đẩy mạnh sản xuất thủ công nghiệp trong đó ngành nuôi tằm dệt vải, nghề sản xuất gốm… không chỉ sản xuất đủ tiêu dùng mà còn sản xuất số lượng lớn trao đổi buôn bán với nước ngoài thông qua hệ thống giao thông vận tải đường biển.
Hệ thống giao thông vận tải đường biển thuận lợi nên một trong những nghề thủ công nghiệp chúa Nguyễn rất chú trọng là ngành đóng thuyền. Đàng Trong gần biển, nhiều sông ngòi, đi thuyền thuận tiện hơn đi bộ và cũng mục đích khác là chuyên chở hàng hóa, bảo vệ mở mang bờ cõi, vì thế chúa Nguyễn tập trung sản xuất và phát triển. Ngành đóng thuyền do nhà nước quản lý. Theo hồi ký của những người nước ngoài từng đến Đàng Trong các thế kỷ XVII và XVIII, ngành đóng thuyền Đàng Trong là một ngành độc quyền của Nhà nước, do các chúa Nguyễn đích thân kiểm soát, chỉ đạo. Một nhà buôn Anh có tên là John Barrow trong hồi ký của mình đã viết rằng: “Chúa là người quản đốc các cảng, nhiều kho binh khí, kỹ sư trưởng của ngành đóng thuyền… Trong công việc đóng thuyền thì không có một cái đinh nào được đóng xuống mà lại không xin ý kiến của chúa Nguyễn trước tiên.”[7]. Các chúa Nguyễn cũng cho thành lập những xưởng đóng thuyền do Nhà nước quản lý ở hai bờ sông Hương ở Phú Xuân “Ở thượng lưu và hạ lưu chính dinh (tức Phú Xuân), nhà quân bày như bàn cờ. Những nhà của thủy quân lại ở đồi ngạn. Xưởng thuyền và kho thóc ở các xã Hà Khê, Thọ Khang”8. Thời chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725) có “200 chiến hạm, mỗi chiếc có từ 16 đến 20 khẩu đại bác, 500 chiến thuyền nhỏ từ 40 đến 44 tay chèo, 100 chiếc thuyền lớn từ 50 đến 75 tay chèo. Các thuyền chiến trên đều do xưởng của phủ Chúa đóng”9. Chính điều này đã được Alexandre de Rhodes và Thomas Bowyear nhận định rằng vào thế kỷ XVII tuy số thuyền do người Đàng Trong đóng không nhiều bằng thuyền ở Đàng Ngoài, nhưng chất lượng kỹ thuật thì không hề thua kém. Họ cũng đánh giá cao về trình độ đóng thuyền và vũ khí trang bị trên các loại tàu thuyền ở Đàng Trong.
Như vậy chúng ta thấy rằng thủ công nghiệp không chỉ có vai trò đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội mà còn là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình xây dựng và phát triển giao thông vận tải Đàng Trong thời chúa Nguyễn.
Nhằm củng cố quyền lực xứ Đàng Trong, chúa Nguyễn đã tập trung xây dựng kinh tế kết hợp giao thông vận tải với mục đích tiếp tục mở mang lãnh thổ xác lập chủ quyền vùng đất Đàng Trong vững mạnh. Vì vậy, một trong những vấn đề kinh tế mà chúa Nguyễn chú trọng đó là phát triển đối với giao thông vận tải làm đòn bẩy đối với thủ công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung.
Đ.T.T.H
(TCSH368/10-2019)
[1] Đỗ Đức Hùng, Biên niên sử Việt Nam, Nxb. Thanh Niên, 2002, tr. 232-333.
[2] Cristophoro Borri, Xứ Đàng Trong 1621, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1998, tr.32.
[3] Trần Văn Giàu - Trần Bạch Đằng - Mạc Đường, Lịch sử Việt Nam, Tập 4, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 2008, tr.235
[4] Nguyễn Việt - Vũ Minh Giang- Nguyễn Mạnh Hùng, Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2012, tr.68.
[5] Nguyễn Việt - Vũ Minh Giang- Nguyễn Mạnh Hùng, Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb. QĐND, Hà Nội, 2012, tr.72.
[6] Đỗ Bang, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII - XVIII, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1996, tr.27.
[7] Lê Đình Cai (1971), 34 cầm quyền của Chúa Nguyễn Phúc Chu, Đặng Trình xuất bản, 1971, tr.80
8, 9 Trần Đức Anh Sơn (2011) Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn, Tạp chí Huế xưa và nay (104), tr. 80, 83.