Ai ra xứ Huế
Phá Tam Giang nhìn từ đầm chim Quảng Thái
15:27 | 02/06/2008
Chúng tôi đi thăm đầm chim Quảng Thái, theo ông Trần Giải, Phó chủ tịch huyện Quảng Điền.
Phá Tam Giang nhìn từ đầm chim Quảng Thái

Thuyền rời bến Vĩnh Tu, ông Trần Giải nói: "Cả phá Tam Giang có bao nhiêu nhà chồ tôi không nắm hết, nhưng riêng xã Quảng Ngạn còn một cái đúng với nghĩa của nó: cổ kính, kiên cố; chúng ta nên đến thăm đó trước".
Thuyền máy chạy chậm dần chậm dần lách qua bao nò sáo - một trong những nghề đánh bắt tôm cá chủ yếu trên phá Tam Giang. Thuyền ngoặt rẽ phải và cái nhà chồ đã hiện ra. Đoàn chúng tôi đột ngột đổ bộ lên đó. Nói đột ngột là nói về phía khách tham quan còn phía chủ ngôi nhà chắc chẳng đột ngột chút nào bởi khách thường xuyên tới thăm. Hễ có thuyền khách lạ ngoặt vào là chủ nhà chuẩn bị ấm chén tiếp khách.
Ông bà Phan Trai quê làng Phong Lao - Quảng Thái qua nhiều đời làm nghề chài lưới trên phá. Đời ông ông cũng đi theo con nước, con cá mà quyết định đóng chốt Quảng Ngạn ở bên này phá. Buổi đầu là làm nhà chồ tạm cùng với thuyền lưới làm nghề sinh sống. Khi vợ chồng ông sản sinh một mạch mười đứa con (4 trai, 6 gái) thì ông bà dốc hết vốn liếng làm nhà chồ kiên cố: nhà rường ba gian, cột lim đóng trụ.
Chủ, khách tay bắt mặt mừng chuyện trò rôm rả. Ông bà Trai khoe: con gái đầu đã có cháu hiện làm việc ở Sài Gòn. Đứa con trai kế chị vừa tròn 30 tuổi cũng làm việc trong ấy, nó mới in tập thơ đầu tay ở nhà xuất bản Trẻ (tác giả Phan Trung Thành).
Tôi quan sát ngôi nhà chồ. Nói là cổ kính nhưng thấy chủ nhà đã thay đổi nó rất nhiều qua thời gian: nhiều cột gỗ lim đã mục và đã được thay bằng cột gỗ dầu (cột điện thời ngụy thải ra và ông mua lại). Nhiều cột khác, ông xử lý bằng bê tông cốt thép. Đó là ngôi nhà chồ chính. Con cái ngày một đông. Ông Trai nới thêm một ngôi nhà chồ phụ thì cơn đại hồng thủy cuối năm 1999 đã nuốt chửng. Ông bà Trai còn nhiều con ăn học nên không đủ sức làm lại. Ông bà nghĩ: nhà chồ chính đã trụ được qua cơn thử thách, giờ chỉ sắm thêm thuyền.
Nhìn cơ nghiệp của ông Trai, cuộc sống gia đình ông hơn xưa là cái chắc. Nhờ có chính sách khuyến ngư, ông đấu thêm đất chắn sáo nuôi tôm cá, nuôi vịt đàn. Ngay dưới ngôi nhà chồ của ông, ông đặt nhiều viên gạch lắp xắp nước. Đàn gà đứng trên các viên gạch ấy chờ đàn cá con bơi vào là chúng thi nhau mổ xuống tóp tóp. Nguồn lợi như là vô tận. Nuôi gà như thế thì gà mau lớn mau béo là phải.
Thuyền lại nổ máy vượt phá theo hướng tây bắc đưa chúng tôi tới thăm đầm chim Quảng Thái. Sau hai giờ đồng hồ, thuyền dừng lại trước đập Cửa Lác (còn gọi là Cửa Rào, Cửa Nịu). Cửa sông Nịu cạn, thuyền lớn chúng tôi không vào được và sẽ có thuyền nhỏ Quảng Thái ra đưa tiếp chúng tôi vào xã.
Và chúng tôi ngồi đợi.
Đầm chim đâu?
Giữa tháng sáu nắng chang chang. Ngồi trên thuyền mà vẫn nóng. Chúng tôi không thấy chim chóc đâu cả. Quanh đập Cửa Lác, những "nét đầm quê" ẩn hiện chấp chới tuyệt vời trên sóng nước.
Đó là những hình thuyền, hình tam giác, hình cánh vạc bay...
Chúng tôi vẫn ngồi đợi trên thuyền trước đập Cửa Lác.
Nhớ lúc ở nhà chồ ông Phan Trai, nhìn đàn gà mổ cá dưới nước thì tôi có thể nghĩ rằng: phá Tam Giang là cả một sân chim! Những đàn ngỗng trời, vịt trời sà xuống giữa phá thì thành sân chim rồi! Nhưng đại đa số các loài chim không kiếm ăn được vùng ngập nước sâu (phá Tam Giang nơi sâu nhất gần 10 mét). Loài diệc, loài cò chân dài cũng chỉ kiếm ăn quanh bờ. Bởi vậy, lòai chim cũng như loài người tìm nơi trù phú mà ở. Nhưng con sông đưa phù du về phá Tam Giang tạo nên những đầm chim là điều hiện hữu.
Phía bắc phá - nơi mà tôi đang muốn nói tới đây là vùng phù sa màu mỡ nhờ hai con sông Nịu, sông Ô Lâu đưa về Quảng Thái. Phá Tam Giang từ đây xoay một vòng cung ra hướng bắc rồi đông bắc, thì gặp các xã có đất đầm: Phong Chương, Phong Bình, Điền Hương (giáp huyện Hải Lăng - Quảng Trị), Điền Lộc, Điền Môn, Điền Hòa, Điền Hải (thuộc huyện Phong Điền) rồi vòng vô Quảng Ngạn, Quảng Công, Cửa biển Thuận An.. Từ Quảng Ngạn sang Quảng Thái là cách phá, có nghĩa là thuyền chúng tôi đã vượt phá Tam Giang! Tới đây, những tên đất tên làng đọc lên nghe rất thú vị: Thủy Nịu, Trằm Vịnh, Trằm Ngang, Trằm Nẩy, Trằm Dét (Trằm có nghĩa là vùng đất sâu xuống, lõm xuống như đầm lầy) với những khe nước dọc ngang như kênh rạch vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cửa Lác, rào Nam Giảng, hồ Bình Hồ, kênh Cộ, kênh Mới, kênh Lai Hà, kênh Đông Hồ... Men phá Tam Giang từ đây trở vào thì gặp các vùng trù phú như Lợi, Sịa, Sình... những cái tên như đã vang lên lời chao chát của những bầy chim trong lòng đầm, bên nội đồng đâu đó.
Chim là một hệ thống động vật rất đa dạng, có nhiều loại. Đáng chú ý nhất là sâm cầm (le le) mà dân ca miền Trung bao đời ngợi ca "thương chồng nấu cháo le le, nấu canh bông lý nấu chè hạt sen" rồi đến cò, vạc, vịt nước, ngỗng trời, đòm đòm, đấm đấm, đà lả, ó, mặt cắt, cá xám, cú mèo, bồ chao, cheo hót, cà cưỡng, diều hâu, bìm bịp, chim khách, chim chích, sẻ, chim sâu, chìa vôi, vàng nghệ, gõ mõ, lọ nghẹ, tời lơi, sột sột, đỏ mồng, đỏ mỏ, quạ đen, quạ khoang, héc, chuốc chuốc (quốc quốc, đỗ quyên)...
Tháng 7 năm 1998, một hội thảo khoa học về "quản lý và bảo vệ đất ngập nước ven biển Việt Nam" do IUCN - Văn phòng công ước RAMSAR tại Việt Nam, Cục Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với sự tham gia của nhiều tổ chức quốc tế cùng các địa phương có đất ngập nước ven biển Việt Nam. Trong báo cáo về vùng đất ngập nước phá Tam Giang - Cầu Hai (vùng được đề xuất chọn lựa làm khu bảo tồn đất ngập nước theo công ước RAMSAR) tại hội thảo này đã có nhận định rằng: những kết quả khảo sát mới đã cho phép bổ sung một danh mục chim khá phong phú. Trong đó có 34 loài di cư, 36 loài định cư, 28 loài có giá trị kinh tế cao, 25 loài được ghi trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu và một lòai ghi trong sách đỏ Việt Nam.
Chim nước tập trung mật độ cao thành sân chim ở ba khu vực cửa sông Ô Lâu, sông Truồi và đầm Sam. Vào mùa đông số lượng có thể lên đến 2 vạn con. Người ta đã từng bắt gặp những đàn ngỗng trời 500 con, vịt trời 1000 con, đặc biệt sâm cầm có đàn 2000 con tới 3000 con. Riêng sân chim Quảng Thái nó tập trung ở cánh đồng Lai Hà và khu cồn nổi, ruộng ô đầm trên phá Tam giang thuộc địa phận Phong Lai - Lai Hà.
Các loại chim ở vùng ngập nước đầm phá Tam Giang - Cầu Hai được ghi trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu:
- Diệc lửa, Cò trắng, Ó lá, Cắt lưng hung, Choi choi nhỏ, Choi choi khoang cổ, Chắt đốm đen, Chắt bụng xám, Chắt nhỏ, Nhạn đen, Bòng chanh, Nhạn bụng trắng, Chìa vôi vàng, Chìa vôi trắng, Chim manh lớn, Bách thanh, Bách thanh nhỏ, Chích đầu nhọn mày đen, Chích đầu nhọn phương Đông, Sẻ đồng ngực vàng...
Thức ăn các loại chim ưa thích là côn trùng trên khô và động vật thủy sinh.
Côn trùng vùng ruộng ô đầm ở đây sẵn có: ruồi, muỗi, bướm, chuồn chuồn kim, chuồn chuồn bà, đóm đóm, bọ hung, xén tóc, cùa cùa, mằng hăng, mòng trâu, kiến, rít, bọ cạp, gián, châu chấu, ve rừng, ve sầu, bò niệng, giun, vạc đất, dế, mối, rầy, nhện các loại, ong các loại v.v...
Động vật thủy sinh cũng được nghiên cứu "động vật nổi", "động vật chìm", có chín loài giun nhiều tơ, 9 loài giáp xác bơi nghiêng, 2 loài giáp xác chân chèo, 9 loài thân mềm và 3 loài ấu trùng... Ngoài ra còn có nguồn thực vật dưới nước như rong rêu và nhiều loài chim ưa thích v.v...
Chúng tôi chuyển qua thuyền nhỏ để vào Cửa Lác. Sông Nịu chỉ dài hơn 2 km, chiều ngang có đoạn 100mét, chỗ sâu nhất khoảng 3 mét là con sông tự nhiên nước ngọt nhận nước từ trong cát, trong các khe Trăm Ngang, Trằm Nẩy, rồi chảy giữa hai thôn Trung Kiều và Đông Hồ, nó hợp lưu ở khe Tròng Bướm. Khe này xuất phát từ Trằm Vịnh. Từ đây sông Nịu chảy tiếp qua bến Tròng Làng mà đổ vào phá Tam Giang - Cửa Lác (Cửa Rào, Cửa Nịu).
Thuyền chạy chậm quanh co giữa hai bờ tre trúc, bần chá và chủ yếu là cây lác um tùm vượt quá đầu người. Gọi Cửa Lác cũng phải bởi từ cửa vào đến đầu thôn Thủy Nịu đôi bờ toàn lác là lác.
Tôi tới sau thuyền hỏi anh cầm lái dưới sông Nịu có những con gì? Anh đáp có cá tràu (lóc), trê, chèn, lúi, thia, rô, diếc, cấn, mại, bầu, má, ba ba, ếch, nhái... đủ hết.
Thế còn chim? Tôi cứ băn khoăn là về giữa đầm chim mà chim bay đi đâu hết cả. Thỉnh thoảng có thấy chim bói cá, chim sẻ bay cắt qua sông. Hoặc đôi lần nghe tiếng "bịp bịp bịp" của con chim bìm bịp thỏm thắc đâu đó trong lùm bụi rậm. Người ta nói khoảng tháng 12 đến tháng 3 ta thì từng đàn chim bay rợp trời rồi sà đậu kín nội đồng. Đó là những loài chim di trú từ châu Âu tuyết dày bao phủ sang ta tiết trời dịu mát, và phá Tam Giang là một niềm vinh hạnh đón chúng hàng năm.
Nhưng còn 36 loài chim định cư? thì chúng bay tản mác khắp chốn trong các đầm các nội cỏ cho tới tận rừng xanh vừa kiếm ăn vừa để tránh nắng. Xê dịch, giang hồ là đặc tính của chúng mà đặc biệt là các loài chim có sải cánh bay xa. Có loài vừa ăn vừa hót. Có loài hót về sáng, có loài chỉ hót về chiều hoặc đêm khuya. Lại có loài chỉ biết lủi thủi kiếm ăn mà không hót bao giờ. Bởi thế về giữa đầm chim trưa nắng nên thấy ít chim là có thể chấp nhận.
"Ơi đò chờ với" là tiếng con chim "ca cút" gợi nhớ một mối tình thủy chung đã đi vào huyền thoại: người vợ tần tảo lo bới xách cho chồng về kinh thi hội. Nhưng bởi quá lo toan mà chậm trễ. Khi người vợ đến bến đò thì đò đã ra giữa phá. Vừa thương chồng vừa ân hận, người vợ kêu đò, kêu mãi kêu mãi hết ngày lại đến đêm rồi lặng tiếng chết rũ bên bến mà thành loài chim "ca cút"... Còn giờ đây thì có chuyện chim "côi cút"!
Đài phát thanh Thừa Thiên Huế mới báo tin: ông Hồ Nậc, đội 1 thôn Cồ Tháp, HTX Thắng Lợi xã Quảng Lợi huyện Quảng Điền vừa bắt được một con chim, cao 1,5 mét, có người đoán là chim bồ nông!
Tôi đang ngồi viết ở nhà anh chị Phú, Tân Mỹ A, thì phó chủ tịch Trần Giải đột ngột tới thăm và cấp một thông báo. Thông báo số 31/ BC MT của Sở KHCN và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đề ngày 18-6-2001 gửi UBND xã Quảng Lợi do giám đốc Đỗ Nam ký: Sở KHCN và MT tỉnh đã cho chuyên viên về tận nơi khảo sát, chim bắt được lúc 5h30 ngày 29-5-2001 tại khu vực có nhiều trảng cát, bàu ngọt thuộc thôn Cồ Tháp - Quảng Điền, chim có lông trên mình màu đen, dưới bụng màu trắng, chân màu xám đen không có màng, cổ không có lông, mỏ màu ngà, gốc mỏ màu đỏ. Đầu bóng không có lông, phần giữa đầu và cổ có các sợi lông màu nâu có lúc nở xòe giống như hoa. Theo nhân dân địa phương cho biết thì loài chim này rất hiếm gặp, khoảng 10 năm trở lại đây nó mới xuất hiện đôi lần trong khu vực này.
Chim có trọng lượng 8,5kg, cao 94cm, chân dài 54cm, mỏ dài 23cm, chiều dài của thân 71,2cm, chiều ngang của thân 22,5cm. Chim ăn cá, trìa, hến, thịt với lượng thức ăn khoảng 2,5kg - 3kg/ngày. Hiện chim sống tại vị trí có tọa độ:
N16035' 495'' E107035'496''. Những kết quả nghiên cứu bước đầu và theo tài liệu về chim Việt Nam của các tác giả Nguyễn Cử, Lê Trọng Trãi, Karen Philipps và sách đỏ Việt Nam (phần động vật) của Bộ KHCN và MT thì con chim thuộc loại Già Đẫy họ Hạc, bộ Hạc. Đây là loại chim quý hiếm thuộc sách Đỏ đang ở trong tình trạng bị đe dọa ở mức nguy cấp trên thế giới. Nó là nguồn gen quý hiếm, có giá trị khoa học và thẩm mỹ.
Thông báo còn chỉ rõ: "Để bảo vệ loài chim quý hiếm nằm trong sách Đỏ Việt Nam, Sở KHCN và MT tỉnh đề nghị chính quyền địa phương phải bảo vệ, tạm lưu giữ tại nhà ông Hồ Nậc và sử dụng nguồn kinh phí do Sở cấp đảm bảo thức ăn cho Già Đẫy Java để chờ phương án quốc gia. ..". Thì quả là việc động trời, nó đâu còn "Côi cút"? "Côi cút" là do người ta đổ xô đi coi nó mà đặt tên cho nó vậy. Loài chim gốc gác Inđônêxia - quê hương nghìn đảo ấy di trú sang đây mà lạc bầy chăng?
Có loài động vật nào mà chẳng khểnh ăn. Loài chim cũng vậy. Ăn lắm cá cũng chán. Chúng bay tìm mồi khác. Chim đa phần thích ăn sâu bọ, dinh dưỡng cao lại dễ nuốt. Chim mẹ tìm bắt sâu về bón cho con là lẽ ấy. Bởi vậy, nước ta trước đây có đến 95% nông nghiệp (hiện nay có thông báo là 82%) mà làm gì có thuốc trừ sâu? Xung quanh các cánh đồng đều có lùm, lòi, cây cổ thụ. Các loài chim tự chúng phân bố đều những nơi ẩn náu rồi đi bắt sâu trên các cánh đồng từ khi người nông dân vào mùa gieo cấy.
Chim bắt sâu là cân bằng sinh thái tuyệt vời nhất.
Ở miền Bắc ai mà chẳng thích món ăn "cá rô nấu canh cải". Vào hai vụ chiêm mùa trĩu bông là trĩu xuống cả loài sâu keo, bọ nâu. .. Cá rô nhảy đớp các loài sâu bọ mà béo. Người ta luộc cá rô gỡ lấy thịt và trứng rồi cho vào nồi canh cải đang sôi. Đơn giản vậy. Nhưng khi múc ra tô, thịt và trứng cá đã vàng lên sóng sánh nền cải xanh!
Chim định cư ở ta hình thành sân chim rõ nhất là cò trắng (mũi Cà Mau). Năm trước có tin ở vùng biển Vĩnh Linh bỗng nhiên có một đàn cò khoảng vạn con, từ đâu bay về xin "nhập hộ khẩu". Quanh phá Tam Giang đã hình thành nhiều đầm chim mà đầm chim Quảng Thái là có ưu thế hơn nhờ những con sông đẩy phù sa về vùng đất trũng...
Đang nghĩ ngợi lan man thì thuyền tắt máy. Anh lái thuyền nắm vội cây sào gạt nhẹ giữ cho mũi thuyền gối bãi bằng an.
Tôi sửng sốt bởi tiếng cu gù rất gần và nghe cả tiếng xa xa "cúc cù cu", "cúc cù cu"... Chim cu gáy giữa trưa cho ta cái cảm giác vợi bớt cơn nắng hè oi ả. Dưới lùm cây, người ta chuyền tay nhau bát nước chè xanh dốc từ trong bầu trước khi cất gánh lúa lên vai nhún nhảy trở về nhà. "Cúc cù cu"... ôi tiếng chim cu mộc mạc mà thắm đượm tình quê kiểng muôn đời!
Thuyền đi trên sông Nịu, giữa hai bờ lác giữa hai bờ cây um tùm. Chắc là chim cu gáy lên nhiều đợt nhiều tầm lắm rồi mà do tiếng máy nổ mới không nghe thôi. Giờ thì rõ mồn một "cúc cù cu" rất gần đâu đó trên các cành cây mít, cành rưới và xa xa đâu đó bên kia cồn bãi, nội đồng. Xã Quảng Thái được Nhà nước tuyên dương hai lần đơn vị anh hùng. Bí thư Đảng ủy Quảng Thái Văn Đức Thống cho chúng tôi biết: sự khốc liệt ở đây xảy ra từ thời chống Pháp rồi tiếp chống Mỹ. 5km đường địa đạo chạy giữa hai thôn Trung Kiều - Đông Hồ theo hướng bắc nam, nó đã nuốt bao tre nứa, gỗ lạt vào bụng nó. (Vùng đất cát, qua nhiều năm gió mưa nên công trình đã tự hủy. Nó không còn như địa đạo Vĩnh Mốc - Vĩnh Linh và Củ Chi - thành phố Hồ Chí Minh) Thật đáng tiếc!
Với chính sách giao đất giao rừng, vườn keo, vườn bạch đàn nhiều nơi thi nhau lên xanh. Nhưng nó chưa kịp nhử nhử cho những loài chim di cư định cư thì bị đốn hạ để bán. Một dạng phá rừng! Ba bốn năm sau, những chồi cây mọc chảng ba quanh các gốc cây bị đốn ấy, người ta lại "tận dụng" lần nữa! Triệt để hơn người ta đốt lá khô, bới gốc và cày xới! Thì thử hỏi làm gì còn có chuyện sân chim giữa vùng đất trắng?
Ta phải biết trồng bạch đàn, keo để cung cấp cho các nhà máy giấy nhưng cũng phải trồng đại trà các cây đa, cây đề, cây sanh, cây si; đây là những loài cây sẽ thành cổ thụ tỏa bóng mát cho xóm cho làng. Những cây lá to lại có quả cho những đàn chim thích ăn quả mà trụ lại. Lại có nhiều loài chim thích ăn sâu, ăn cá thì về đây trú nắng nghỉ ngơi trước khi cất cánh đi bắt sâu trên những cánh đồng xa...
Có thể nói rằng, biết trồng cây xanh là tạo dựng một lẽ sống đẹp, vậy.
Quanh phá Tam Giang tôi thấy nhiều cồn miếu, lăng mộ xây càng ngày càng to. Nó trắng toát lên hừng hực mà thiếu bóng cây xanh. Màu trắng toát chói chang khốc liệt này có thể làm cho nhiều loài chim hoảng loạn mà bay đi! Thiết nghĩ, nhiều nơi nếu khôi phục các ngôi miếu cổ hoặc xây mới thì nên bố trí trồng luôn vài cây xanh vào đó. Nó càng tôn nghiêm ở chốn thần linh!
Dọc bờ sông Nịu đã có nhiều bãi cồn trồng bạch đàn, nhưng cũng nên qui hoạch lại; có thể đổ thêm đất tạo dựng những cồn mới rồi trồng các cây cổ thụ để nhử cho chim về cư trú.
Một xã anh hùng như Quảng Thái, với 5100 người dân, gồm 8 thôn và hai HTX chuyên nông - ngư đã từng đào và xây 5km đường địa đạo, có 22 bà mẹ Việt Nam anh hùng, có liệt sĩ Hoàng Minh Hòa chiến đấu ngoan cường đã 5 lần danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ (nay xã nhà đang lập lại hồ sơ đệ trình nhà nước truy tặng danh hiệu anh hùng). Và em Lê Xuân mới 13 tuổi đã tham gia chiến đấu nhiều trận trên quê hương và đã anh dũng hy sinh:
"Em Xuân ơi!
Quê em đó đất Phong Lai cát trắng
Cái tuổi mười ba gan to hơn núi
Lũ giặc bắt em dỗ dành sao nổi
Đạn nổ rồi em vẫn không khai..."
Đó là một đoạn trong "Bài ca Lê Xuân" mà bà con người một câu chắp nối làm ra để người dân Quảng Thái mãi mãi có thêm một vị anh hùng tí hon trong lòng họ.

VĨNH NGUYÊN
(nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Về A Lưới (22/05/2008)