Ai ra xứ Huế
Ngày và nơi ra đời Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế
14:42 | 03/04/2020

DƯƠNG PHƯỚC THU  

Trong thời kỳ đen tối của những năm 1925 - 1927, tại thành phố Huế, bắt đầu có những biến động lớn về chính trị. Các phong trào yêu nước và đòi dân chủ dân sinh đang có sự thay đổi về chất.

Ngày và nơi ra đời Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế
Tượng đồng chí Lê Viết Lượng, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Ảnh: internet

Tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và Tân Việt Cách mạng Đảng được hình thành cơ sở ở Huế. Tháng 04/1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Thừa Thiên được thành lập1.

Cùng thời kỳ đó, một cuộc bãi khóa đầu tiên của Trường Kỹ nghệ Thực hành nổ ra ở Huế, kéo dài suốt 03 tháng chống sự hà khắc của nền giáo dục Pháp cai trị. Đến tháng 04/1927, cuộc tổng bãi khóa của học sinh Trường Quốc Học - Đồng Khánh và một số trường học khác diễn ra sôi động khắp Kinh đô Huế kéo dài đến cuối năm đó. Chính từ phong trào đã khơi dậy, thúc đẩy lòng yêu nước trong nhiều tầng lớp xã hội. Nhiều thanh niên ở Thừa Thiên bắt đầu ý thức tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản.

Năm 1928, từ Vinh, Kỳ bộ Thanh niên Trung Kỳ đã phái ba cán bộ vào Huế, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Hồng được phân công tổ chức cơ sở liên lạc, mở một cửa hiệu tạp hóa nhỏ, lấy tên là Kim Sinh (gần chợ Đông Ba, bên cầu Trường Tiền)2 để hoạt động, gây được ảnh hưởng đến nhiều nhân tố tích cực ở Phú Lộc, Phú Vang.

Trước những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, ngày 14/07/1928, một cuộc họp của Việt Nam Cách mạng Thanh niên diễn ra tại nhà ông Đào Duy Anh ở Huế, đã quyết định đổi tên thành Tân Việt Cách mạng Đảng, đồng thời dời cơ quan của Tổng bộ đóng ở Vinh vào Huế và Đào Duy Anh được bầu làm Bí thư trưởng. Tỉnh bộ lâm thời Tân Việt Thừa Thiên do đồng chí Trần Hữu Duẫn làm Bí thư. Các đảng viên Tân Việt với số lượng ban đầu là 30 đồng chí3 chủ trương phát triển đảng viên chủ yếu trong thành phần trí thức, giáo viên, công chức, nhất là học sinh các Trường Quốc Học, Chaigneau, Kỹ nghệ Thực hành… Hoạt động của đảng viên Tân Việt ở Huế nổi bật là: “Ủng hộ các cuộc bãi khóa ở Huế bằng cách lập ra các ban cứu trợ bằng vật chất”. Tích cực xây dựng và phát triển cơ sở của Đảng ở các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền và thành phố Huế.

Đầu tháng 07/1929, Tỉnh bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Nguyễn Đức Tịnh được cử làm Bí thư4. Tỉnh Đảng bộ chủ trương đưa đảng viên thâm nhập vào quần chúng công nông để xây dựng cơ sở và vận động quần chúng đấu tranh. Phần đông các hội viên thanh niên ở Thừa Thiên đã gia nhập Đông Dương Cộng sản Đảng. Từ đây, việc truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin càng được đẩy mạnh. Nhiều cuộc rải truyền đơn tuyên truyền chủ nghĩa Cộng sản diễn ra từ Phong Điền đến Phú Lộc.

Tuy tích cực nhưng các hoạt động của tổ chức Tân Việt Cách mạng Đảng bắt đầu có sự phân hóa theo hai xu hướng chính trị khác nhau. Tháng 09/1929, những người giác ngộ cộng sản trong Tân Việt ra bản Tuyên đạt “Trịnh trọng tuyên ngôn cùng toàn thể đảng viên Tân Việt Cách mạng Đảng, toàn thể thợ thuyền, dân cày và lao khổ biết rằng, chúng tôi đã chánh thức lập ra Đông Dương Cộng sản Liên đoàn”5. Cơ sở hoạt động của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn chủ yếu ở các tỉnh phía bắc Trung Kỳ. Đồng chí Lê Viết Lượng, quê Can Lộc, Hà Tĩnh6 là một trí thức, giáo viên trung học, phái viên của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được cử vào Huế hoạt động, đồng thời bắt liên lạc để cải tổ Tỉnh bộ Tân Việt Thừa Thiên, cùng với đồng chí Trần Hữu Duẫn, Bí thư Tân Việt tỉnh Thừa Thiên tập trung chấn chỉnh tổ chức Tân Việt để chuẩn bị chuyển thành Đảng Cộng sản.

Trước tình hình có những chiều hướng thuận lợi, tháng 12/1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đông Dương Cộng sản Đảng với tư cách là người phụ trách các tỉnh miền Trung đã đến Kinh đô Huế để vận động thành lập Đảng Cộng sản. Ở Huế lúc này có Tổng bộ Tân Việt, với Ban Thường vụ gồm Đào Duy Anh, Ngô Đức Diễn, Phan Đăng Lưu. Trong đợt khủng bố năm 1929, hầu hết chủ chốt của Tổng bộ và Kỳ bộ Tân Việt bị thực dân Pháp truy lùng bắt giam. Tuy vậy, cơ sở Tân Việt Thừa Thiên vẫn duy trì được một số nơi ở Huế như các Chi bộ: Nhà máy Đèn, Nhà in báo Tiếng Dân, Trường Quốc học, Trường Chaigneau, Trường tư thục Vỹ Dạ, phố Bao Vinh và các huyện Phú Lộc, Hương Thủy, Phú Vang, Phong Điền…

Sau cuộc đại hội nghị Đảng Tân Việt được tiến hành trong hai ngày 29 và 30/12/1929 tại Đức Thọ (Hà Tĩnh), chính thức bỏ tên gọi Tân Việt và đặt tên mới là Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, đồng chí Nguyễn Khoa Văn đại biểu Tân Việt Nam Kỳ tham dự hội nghị này trở về Huế, việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên trở nên khẩn trương hơn.

Đầu tháng 01/1930, Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn Thừa Thiên được thành lập, đồng chí Lê Viết Lượng được cử làm Bí thư7. Tỉnh ủy chủ trương nhanh chóng tổ chức lại các cơ sở ở Trường Kỹ nghệ Thực hành, Nhà máy Đèn, Nhà in báo Tiếng Dân, các huyện vùng nông thôn. Một số cơ sở chi bộ của Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được củng cố lại ở Truồi, Bao Vinh, Huế và Phong Điền, Phú Lộc.

Từ các tổ chức của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, Tân Việt Cách mạng Đảng đến Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn là một quá trình chuyển hóa mạnh mẽ của các tổ chức yêu nước và cách mạng ở Việt Nam nói chung và ở Thừa Thiên Huế nói riêng trong những năm 1927 - 1930. Sau sự ra đời của hai Đảng bộ Cộng sản trong tỉnh gây nhiều ảnh hưởng đến các huyện vùng nông thôn Thừa Thiên. Các đảng viên cộng sản phân công nhau bằng nhiều hướng thâm nhập về vùng nông thôn để vận động, tổ chức quần chúng hướng theo nghị quyết của đảng mình. Một số thanh niên yêu nước theo xu hướng mới đang từng bước hình thành, không ngừng bổ sung thêm lực lượng cho phong trào cách mạng.

Sự hình thành các nhóm yêu nước, các nhóm cảm tình tham gia vào tổ chức tiền thân của Đảng trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đánh dấu sự phát triển mới của phong trào yêu nước cách mạng theo xu hướng cộng sản ở Thừa Thiên Huế, trong đó có các chi bộ Bàn Môn (Phú Lộc), An Cựu (Huế)…

Ngày 03/02/1930, tại một địa điểm nhượng địa ở Hương Cảng, thuộc Vương quốc Anh8, một sự kiện lịch sử vĩ đại đánh dấu một bước chuyển biến to lớn trong quá trình đấu tranh giữ nước của dân tộc ta: Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra đời. Trong lời kêu gọi nhân dịp thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc, đại diện cho Ủy ban Quốc tế Cộng sản đã nêu rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam đã được thành lập, Đảng của giai cấp vô sản. Đảng sẽ dìu dắt giai cấp vô sản lãnh đạo cách mạng Việt Nam đấu tranh nhằm giải phóng cho toàn thể anh chị em bị áp bức, bóc lột của chúng ta”9.

Ngày 24/02/1930, tại một cơ sở liên lạc ở Kinh đô Huế, theo sự giới thiệu của đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Phân cục Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại Trung Kỳ, đại diện của hai Đảng bộ trong tỉnh Thừa Thiên là Đông Dương Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gặp nhau để thống nhất thành một tổ chức cộng sản. Sau cuộc gặp lịch sử này chỉ một thời gian ngắn, vào ngày 03/04/193010, tại nhà đồng chí Cháu cơ sở liên lạc của những người cộng sản ở Bến Ngự (phía sau lưng chợ Bến Ngự ngày nay), hội nghị bàn việc thống nhất hai tổ chức cộng sản được tiến hành. Hội nghị tuyên bố thống nhất hai tổ chức cộng sản (Đông Dương Cộng sản Đảng tỉnh Thừa Thiên và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tỉnh Thừa Thiên) thành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên. Hội nghị thảo luận chủ yếu ba vấn đề: Tên Đảng, điều lệ các tổ chức quần chúng, chương trình kỷ niệm ngày 01/05/1930 và bầu Tỉnh ủy mới.

Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên có 5 ủy viên, gồm: Lê Viết Lượng, Lê Bá Dị, Nguyễn Chí Huyến, Trần Hữu Duẫn và nữ đồng chí Nguyễn Thị Lụt.

Đồng chí Lê Viết Lượng, Xứ ủy viên dự khuyết Xứ ủy Trung Kỳ được bầu làm Bí thư kiêm công tác tuyên truyền và tổ chức.

Đồng chí Lê Bá Dị được phân công phụ trách dân vận.

Đồng chí Nguyễn Chí Huyến, phụ trách trực và giao thông.

Đồng chí Trần Hữu Duẫn, phụ trách học sinh và trí thức.

Đồng chí Nguyễn Thị Lụt, phụ trách phụ vận11.

Vì các địa phương chưa thành lập được huyện ủy lâm thời nên Tỉnh ủy Thừa Thiên đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành phụ trách các huyện. Đồng chí Lê Bá Dị, phụ trách huyện Phú Vang, Phú Lộc và Hương Thủy. Đồng chí Nguyễn Chí Huyến, phụ trách huyện Hương Trà.

Tiếp đó, từ ngày 7/04 đến ngày 10/04/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên họp hội nghị lần thứ nhất, thảo luận và thống nhất một số công tác chủ yếu trước mắt. Hội nghị bầu đồng chí Phạm Thị Xin và Hoàng Văn Diệm vào Ban Chấp hành, phân công đồng chí Phạm Thị Xin, phụ trách giao thông liên lạc; đồng chí Hoàng Văn Diệm làm Bí thư Thị ủy Thuận Hóa, phụ trách nội thành Huế. Đồng chí Địch phụ trách huyện Phong Điền12.

Hội nghị đã truyền đạt chỉ thị của Trung ương và của Xứ ủy Trung Kỳ về tăng cường vận động công nhân, nông dân và chuẩn bị tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 01/05/1930. Nghị quyết đầu tiên của Tỉnh ủy Thừa Thiên nêu rõ: “Mở rộng phong trào học sinh, công nhân, nông dân chuẩn bị tổ chức ngày 01 tháng 05 trong 15 ngày từ 22 tháng 04 đến 7 tháng 05 năm 1930 để phát động quần chúng, còn ngày 01 tháng 05 thì bảo toàn lực lượng”.

Hướng chính của Tỉnh ủy lúc này là tăng cường tổ chức nội bộ và chuẩn bị thật kỹ mọi mặt để kỷ niệm ngày 01/05.

Ngay sau Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ nhất, ngày 24/04/1930, truyền đơn, biểu ngữ xuất hiện nhiều nơi ở Huế và vùng lân cận với nội dung kêu gọi các tầng lớp công nhân, nông dân, lao động thủ công đến thanh niên, học sinh, tiểu thương, bính lính… tham gia đấu tranh đòi giảm thuế, tăng lương, mỗi ngày làm việc 8 giờ; đoàn kết tạo thành một khối chống đế quốc, chống chiến tranh.

Lần đầu tiên cờ Đảng xuất hiện công khai đúng vào dịp kỷ niệm Quốc tế Lao động ngày 01/05/1930 tại đình làng An Cựu, trước Tòa Khâm sứ Trung Kỳ, dọc đường Paul Bert, đường Gia Long, đồn Mang Cá, Nhà máy Đèn, núi Ngự Bình, Trường Quốc Học, cửa An Hòa… Tại Phong Điền, các tổ chức cảm tình Đảng ở phía bắc và nhóm “Thanh niên yêu nước sông Bồ” ở phía nam của huyện đã tích cực hoạt động kỷ niệm ngày 01/05, bí mật rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở Phước Tích, Ưu Điềm, Vân Trình, An Lỗ… Bắt đầu một hiện tượng mới trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Thừa Thiên Huế13.

Cùng với việc ra nghị quyết thành lập Ban Dân vận và các đoàn thể cách mạng như: Nông hội, Phụ nữ, Sinh Hội đỏ…, tháng 06/1930, Tỉnh ủy Thừa Thiên cho xuất bản báo Con Đường Đấu Tranh, là tờ báo đầu tiên do Đảng bộ tỉnh tổ chức, đồng chí Lê Viết Lượng trực tiếp chỉ đạo nội dung. Cùng lúc ấy, Sinh Hội đỏ Thuận Hóa xuất bản tờ Học trò. Cả hai tờ báo này cùng với cuốn sách Người Cộng sản chân chính do Xứ ủy Trung Kỳ dịch của Đảng Cộng sản Liên Xô đã được lấy làm tài liệu truyền bá tư tưởng cộng sản trong học sinh, công nhân, các cơ sở cách mạng, các chi bộ Đảng ở Thừa Thiên.

D.P.T  
(SHSDB36/03-2020)

--------------
1.Trước đây, thường gọi là Việt Nam Thanh niên Cách mạng  Đồng chí hội.

2. Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, Lịch sử công tác xây dựng Đảng về  tổ chức của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế (1930 - 2010), Nxb. Thuận Hóa, 2015, tr.11.

3. Trong đó có các đồng chí: Trần Hữu Duẫn, Nguyễn Chí Diểu,  Nguyễn Khoa Văn, Lê Bá Dị, Đồng Sĩ Bình…

4. Chưa đầy một tháng làm Bí thư, ngày 20/7/1929, Nguyễn  Đức Tịnh bị mật thám Pháp bắt, sau bị đày lên Lao Bảo. Xem Nhà đày Lao Bảo, Nxb. CTQG, 2002, tr.254.

5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 1  (1924 -1930), Nxb. CTQG, Hà Nội, 1998, tr.404.

6. Đồng chí Lê Viết Lượng, quê Cải Lương, Phù Lưu, Can Lộc,  nay là thôn Bắc Kinh, xã Ích Hậu, Lộc Hà, Hà Tĩnh, sinh năm 1900 trong một gia đình trung nông, thân phụ là một nhà nho yêu nước có chân trong Hội Văn thân, bị Pháp bắt giam tra tấn trong vụ chống sưu thuế ở Trung Kỳ, mất sớm. Cả gia đình đồng chí, từ ông nội, chú, anh chị em đều tham gia hoạt động chống Pháp, có 05 người hy sinh vì nước non.

7. Nguyễn Phong Sắc, Tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà  Nội, 2015, tr.147-148.

8. Nhượng địa Hồng Kông lúc này còn thuộc Anh quốc, đến  năm 1997 người Anh mới trả lại cho Trung Quốc.

9. Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 1, Nxb. Sự thật, Hà  Nội, 1979, tr.156.

10. Những ngày đầu thành lập và xây dựng Đảng bộ Thừa  Thiên (hồi ký viết tay) của đồng chí Lê Viết Lượng, Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng TW Đảng và Kho Lưu trữ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phông tài liệu trước 1945, viết: “Địa điểm họp ở Bến Ngự (ở phía ven làng An Cựu, bỏ 03 ngõ vào ngõ 4C tức là trong xóm nữ đồng chí Cháu”. Chúng tôi đi thực địa thì xóm ấy nằm sát chợ Bến Ngự, phía sau Tòa Tổng Giám mục Huế ngày nay. Xóm “nữ đồng chí Cháu” chính là cơ sở của Thị ủy Thuận Hóa từ lúc thành lập thị ủy đến Cách mạng tháng Tám 1945.

11. Ban Chấp hành Đảng bộ Thừa Thiên Huế, Lịch sử Đảng bộ  Thừa Thiên Huế, Tập I, Nxb. CTQG, 1995, tr.86.

12. Lê Viết Lượng Những ngày đầu thành lập và xây dựng  Đảng bộ Thừa Thiên (hồi ký viết tay), TL lưu tại Kho Lưu trữ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, phông tài liệu trước 1945.

13. Lịch sử công tác xây dựng Đảng về tổ chức của Đảng bộ  tỉnh TT.Huế, Sđd, tr.19.  




 

Các bài mới
Các bài đã đăng