Ai ra xứ Huế
Phát triển không gian lưu niệm danh nhân, văn nghệ sỹ ở Thừa Thiên Huế
09:43 | 15/07/2020


TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Phát triển không gian lưu niệm danh nhân, văn nghệ sỹ ở Thừa Thiên Huế
Nhà lưu niệm cụ Phan Bội Châu ở Huế

1. Đặt vấn đề

Thừa Thiên Huế là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi đây đã quy tụ nhiều nhân tài trên nhiều lĩnh vực, họ đến từ mọi miền đất nước và sau này có nhiều văn nghệ sĩ từ nước ngoài cũng đóng góp tài năng nghệ thuật của mình cho Huế. Một trong những thiết chế góp phần quan trọng hình thành nên truyền thống văn hóa Huế là hệ thống các nhà bảo tàng, nhà lưu niệm, nhà trưng bày, thư viện công lập và thư viện tư nhân.

Chỉ nói riêng về lĩnh vực văn học nghệ thuật thì Thừa Thiên Huế được cả nước biết đến là nơi có rất nhiều thiết chế văn hóa liên quan đến giới văn nghệ từ xưa đến nay.

Nghị quyết về việc quy hoạch thiết chế văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế là “Phấn đấu giai đoạn 2013 - 2020, đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Thiên nhiên khu vực duyên hải miền Trung; Bảo tàng Văn hóa Huế; Nhà lưu niệm đồng chí Tố Hữu; Khu trưng bày ngoài trời di tích Cồn Ràng (thị xã Hương Trà); Khuyến khích hình thành hệ thống các bảo tàng tư nhân”(1). Như vậy năm 2020, những thiết chế văn hóa liên quan đến văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế sẽ có những bước phát triển mới nhằm phục vụ tốt nhất cho những chuyến tham quan và học tập của học sinh, sinh viên và thầy cô giáo trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng và cả nước nói chung, nhất là trong bối cảnh Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế cùng với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đang phối hợp tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho học sinh giai đoạn 2019 - 2020(2).

2. Phát triển Nhà lưu niệm tiêu biểu gắn với đời sống văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế

Khi nói đến Huế, nhiều du khách cứ nghĩ chỉ có đền đài, lăng tẩm, chùa chiền là nơi để tham quan và trải nghiệm. Thế nhưng có nhiều nhà lưu niệm/Khu lưu niệm quanh Huế, ngay tại trung tâm thành phố Huế lại ít ai biết, bởi có nhiều lí do trong đó lí do khách quan là du khách không có nhiều thời gian lưu lại Huế, du khách không thuộc những người am hiểu về văn học nghệ thuật Huế. Vì thế cho nên chúng tôi chọn giới thiệu ra đây một số Nhà lưu niệm/Khu lưu niệm/Thiết chế văn hóa tiêu biểu nhằm phục vụ đối tượng tham quan du lịch là học sinh và giáo viên trong cả nước nếu sau này họ có dịp đến Huế sẽ trải nghiệm thêm tour du lịch mới này.

2.1. Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ

Nhà lưu niệm Bác Hồ tại làng Dương Nỗ là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống từ năm 1898 đến năm 1900.

Năm 1898, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã được ông Nguyễn Sĩ Độ mời về nhà dạy học (tại làng Dương Nỗ). Hai anh em Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung theo cha về đây, một phần để đỡ gánh nặng kinh tế gia đình cho bà Hoàng Thị Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) một phần để ông Nguyễn Sinh Sắc có điều kiện dạy học cho hai con. Tại lớp học chữ Hán của cha trong ngôi nhà này, người cha đã chính thức khai tâm bằng chữ “Nhân”, chữ “Nghĩa” như một lời răn dạy về đạo đức làm người. Hai năm cùng cha tại đây, Nguyễn Sinh Cung tiếp thu rất nhanh, trở thành người học trò thông minh xuất sắc. Và những tri thức mà Người tiếp thu được là nền móng vững chãi cho sự phát triển về học vấn sau này.

Ngôi nhà đã được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 296VH/QĐ, ngày 26/3/1990(3).

Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở làng Dương Nỗ là một ngôi nhà tranh 3 gian, 2 chái, vách ghép ván. Đồ đạc trong nhà đơn sơ giản dị, ở gian giữa kê bộ phản gỗ gõ để ông Nguyễn Sinh Sắc ngồi dạy học, ở góc trong, gian bên trái có kê giường gỗ dát tre là nơi Nguyễn Sinh Khiêm, Nguyễn Sinh Cung thường ngủ, góc trong gian bên phải kê một chiếc rương đựng đồ đạc. Nối với nhà chính là ngôi nhà 3 gian mái lợp tranh, vách trát đất được sử dụng làm bếp sinh hoạt của gia đình(4).

Không chỉ là điểm đến trong các hành trình du lịch khám phá Huế, nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ là nơi diễn ra các hoạt động dâng hương vào nhiều dịp lễ quan trọng cùng các hoạt động tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ.

2.2. Nhà lưu niệm Tố Hữu

Nếu như ở Hà Nội đã có nhà tưởng niệm Tố Hữu được gia đình cố nhà thơ Tố Hữu chính thức mở cửa ngày 4/10/2009 sau một thời gian dài chuẩn bị. Nhà tưởng niệm do gia đình xây trên khuôn viên ngôi biệt thự riêng tại số nhà D9, làng quốc tế Thăng Long (Hà Nội).

Trong khi đó, ở Thừa Thiên Huế, hiện đang khẩn trương xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu ngay tại thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, có mặt bằng phần diện tích khoảng 4.220m2, Khu lưu niệm sẽ xây dựng mới nhà lưu niệm diện tích khoảng 262m2; 1 nhà thờ diện tích khoảng 54m2; 3 chòi thơ diện tích khoảng 66m2. Xây dựng các hạng mục phụ trợ: Đường vào và bãi đỗ xe khoảng 300m2; Sân đường nội bộ khoảng 1.363m2; Kè bờ sông Bồ và bến nước khoảng 90m; Cổng, hàng rào khoảng 240m; Không gian cây xanh, sân vườn; Hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy đảm bảo yêu cầu.

Về tổng thể, dự án được đổi tên thành “Công viên văn hóa và nhà lưu niệm Tố Hữu” và quy hoạch, triển khai xây dựng thành một không gian văn hóa mở, trong đó có hạng mục nhà thờ, nhà trưng bày, chòi thơ kết hợp với các hạng mục hạ tầng có chức năng của một khu công viên văn hóa. Việc điều chỉnh dự án với các nội dung trên ngoài việc đảm bảo mục tiêu ban đầu là tôn tạo Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, còn góp phần hình thành thêm thiết chế văn hóa mới phục vụ cộng đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Sau khi hoàn thành, Khu lưu niệm này không chỉ riêng ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền mà cả tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ có thêm một địa chỉ văn hóa - du lịch mới. Học sinh và giáo viên khắp nơi trong tỉnh sẽ có địa chỉ về nguồn để nghe đọc thơ, ngâm thơ, bình thơ Tố Hữu cũng như khám phá du lịch vùng Tam Giang - Quảng Điền và rồi, tiếp theo một hành trình khám phá Thừa Thiên Huế bằng sự kết nối các nhà lưu niệm nơi đây.

2.3. Lăng mộ và nhà thờ Đặng Huy Trứ

Phần mộ danh nhân Đặng Huy Trứ tọa lạc tại làng Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền. Đến năm 1927 mới dựng bia. Năm 1930, bà Đặng Thị Sâm, cháu nội cụ Đặng Huy Trứ đã xây lăng mộ cho ông. Lăng xây theo hình trứng ngỗng, dài 9,5m, rộng 8,6m, cao 0,7m. Năm 1990, ông Đặng Hưng Doanh bỏ tiền xây thêm tấm bia nằm phía ngoài lăng có nội dung: “Mộ Đặng Huy Trứ 1825 - 1874 nhà yêu nước, nhà thơ”. Năm 1995, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã trùng tu lại ngôi mộ của ông.

Nhà thờ Đặng Huy Trứ được xây dựng năm 1930, tại làng Thanh Lương, phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Nhà thờ kết cấu theo lối nhà rường truyền thống, hình vuông gồm một gian hai chái, mái lợp ngói liệt, cửa bản khoa. Toàn bộ khung nhà làm bằng gỗ mít, các xuyên, trến, đầu kèo chạm trổ hoa lá, gờ nổi chạy dài.

Nhờ sự quyết tâm của họ tộc, của chính quyền địa phương và của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Thừa Thiên Huế cũng như của Trung ương Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam mà Nhà lưu niệm Đặng Huy Trứ đã được xây dựng. Hằng năm họ tộc cùng với địa phương và anh chị em nghệ sĩ Nhiếp ảnh ở Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vẫn hội tụ về đây vào dịp giỗ ông.

Di tích Lăng mộ và Nhà thờ Đặng Huy Trứ đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thế thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia tại Quyết định số 2307QÐ/VH ngày 30/12/1991.

2.4. Châu Hương Viên

Ưng Bình Thúc Giạ Thị - Nguyễn Phúc Ưng Bình sinh ngày 9/3/1877, tại làng Vỹ Dạ, Huế, là cháu nội của Tuy Lý Vương Miên Trinh. Thân sinh nhà thơ là cụ Hiệp tá Tiểu Thảo Hường Thiết. Thân mẫu nhà thơ là bà Nguyễn Thị Huệ, thông thạo chữ Hán, có nhiều bài thơ Nôm được truyền tụng như “Nhớ quê”, “Thượng cầm hạ thú”, “Xuất gia”.

Năm 1904, ông tốt nghiệp Trường Quốc Học Huế đỗ đầu kỳ thi ký lục. Năm 1909, ông đỗ cử nhân Hán học, được bổ làm Tri huyện rồi Tri phủ đến năm 1922 làm Bố chánh Hà Tĩnh. Năm 1933, ông về hưu, được thăng làm Thượng thư, Hiệp tá đại học sĩ. Sau khi về hưu, ông là Hội trưởng Hội truyền bá Quốc ngữ Trung kỳ (1939 - 1940), Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ (1940 - 1945).

Ông trải qua con đường khoa hoạn khá dài nhưng mục đích cuộc đời ông chính là con đường nghệ thuật. Điều này để lại dấu ấn sâu đậm trong toàn bộ sự nghiệp thơ ca phong phú của ông. Châu Hương Viên gồm ngôi nhà cổ và khu vườn rộng tọa lạc ở Tây Thượng, xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, là đình hưu duy nhất, nơi cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống trọn cuộc đời với thi ca sau khi rời quan trường. Ông mất ngày 4/4/1961, hưởng thọ 85 tuổi.

Ông đã để lại cho đời các phẩm của ông gồm: Tình Thúc Giạ (Thơ, 1942), Đời Thúc Giạ (Thơ, 1961), Tuồng Lộ Địch (Hát bội, 1936, tái bản 1959), Bán buồn mua vui (gồm nhiều điệu ca Huế, 1954), Tiếng hát sông Hương (gồm những câu hò Huế, 1972, tái bản 2005), Thơ ca tuyển Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1992), Lộc Minh Đình thi thảo (Thơ chữ Hán), Tuồng Tào Lao (gồm 21 điệu ca, ngâm, hò, hát Huế); và tác phẩm viết về ông: Hồi ức về cha tôi Ưng Bình Thúc Giạ Thị (1996, 2011) của Tôn Nữ Hỷ Khương ái nữ của cụ. Bản in đầu có 37 hồi ức, bản in sau có 44 hồi ức.

Sinh thời, nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị vẫn tổ chức những đêm đàn ca hát xướng với sự tham gia của các bậc tao nhân tại Châu Hương Viên. Ông là người đã có công lao lớn trong việc hình thành và phát triển ca Huế thính phòng. Để tưởng nhớ người xưa, trong ngày húy nhật cụ Ưng Bình tại Châu Hương Viên, các nghệ nhân, nghệ sĩ trình diễn những làn điệu ca Huế quen thuộc, như: Phú lục, Cổ bản, Tương tư khúc; trong đó có một số bài ca Huế do nhà thơ Ưng Bình soạn lời. Các nghệ nhân, nghệ sĩ cùng nhau ôn lại những đóng góp của nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị đối với thơ ca nói chung và nghệ thuật ca Huế nói riêng.

Năm 1961, cụ Ưng Bình qua đời, Châu Hương Viên được giao lại cho con trai trưởng của cụ quản lý. Đến năm 1968, người này chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nên ngôi nhà không còn ai trông coi. Từ đó, ngôi nhà cổ dần trở nên hoang phế.

Mong sao Hương Bình thi xã được sống lại với những bà con quyến thuộc, bạn bè thi hữu đông đủ, để được chứng kiến, được nghe những câu hò, điệu hát của người. Và Châu Hương Viên được trùng tu tôn tạo là nơi để những người yêu ca Huế, du khách có dịp ghé thăm và thưởng thức những cung đàn, nhịp phách, giọng ca trữ tình sâu lắng của nghệ thuật ca Huế.

Nếu di tích này sớm được trùng tu, phục hồi hoàn thiện thì nơi đây sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa và là địa chỉ sinh hoạt của các Câu lạc bộ thơ, các chương trình biểu diễn ca Huế, kết hợp đưa vào các tour tuyến phục vụ khách du lịch. Đây cũng chính là điều mong mỏi của các văn nghệ sĩ Huế và những ai yêu mến danh nhân Ưng Bình Thúc Giạ Thị.

Một tin mừng cho giới văn nghệ sĩ Huế, ngày 26/10/2019, Hội đồng xét duyệt hồ sơ di tích tỉnh Thừa Thiên Huế thì Châu Hương Viên là hồ sơ được đề nghị là di tích cấp tỉnh cùng với Di tích lịch sử Lăng mộ và nhà thờ Trần Đình Bá (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền và xã Phong Hiền, huyện Phong Điền); Di tích lịch sử (Lưu niệm sự kiện) địa điểm Lùm Chánh Đông (phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy).

2.5. Từ đường nhà thơ Nguyễn Khoa Vy

Nhà thơ Nguyễn Khoa Vy (1881 - 1968): Biệt hiệu Thảo Am, quê quán ở làng An Cựu, xã Thủy An, thành phố Huế. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học, thuở nhỏ học chữ Hán tại Quốc Tử Giám đến năm 1898 vào Trường Quốc Học.

Năm 1902, ông làm việc tại Phủ toàn quyền Đông Dương, một thời gian sau chuyển sang nhà Hỏa Xa, năm 1906 chuyển sang làm việc ở sở Bưu Điện cho đến năm 1936 nghỉ hưu(5).

Trong cuộc vận động Cách mạng tháng Tám 1945, ông tham gia khởi nghĩa ở Huế và đã sáng tác nhiều thơ ca động viên, cổ động đồng bào tích cực hưởng ứng phong trào Việt Minh chống Pháp đuổi Nhật. Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, ông là cộng tác viên tích cực của phòng văn nghệ Nha Tuyên truyền Trung bộ. Đầu năm 1947 quân Pháp chiếm lại Huế thì ngôi nhà của ông bị quân Pháp chiếm làm đồn. Chính quyền bù nhìn Thừa Thiên cho người đến mời ông ra làm việc ở Đài Phát thanh nhưng ông một mực từ chối.

Ông cùng với nhà thơ Ưng Bình Thúc Giạ Thị và bạn bè lập ra Hương Bình thi xã. Ưng Bình Thúc Giạ Thị là chủ soái, còn ông là phó soái. Sống trong vùng tạm chiếm, các sáng tác của ông có một quan điểm rõ ràng về cuộc chiến tranh, đó là khinh bỉ bọn tay sai, căm thù quân xâm lược và hướng về những người yêu nước.

Các tác phẩm của ông gồm: Hồng nhan mộng (1942), Hò mái đẩy (1960), Tục ngữ và ca dao; Ngạn văn tứ tự đối; Thảo Am thi tập, Thơ Thảo Am (1991).

Hiện tại ngôi từ đường của Thảo Am Nguyễn Khoa Vy được con cháu trong gia đình bảo quản, chăm sóc chu đáo.

2.6. Khu lưu niệm và nghĩa trang Phan Bội Châu

Tọa lạc tại một khu vườn rộng trên dốc Bến Ngự, Khu lưu niệm Phan Bội Châu gồm nhiều thiết chế văn hóa khác nhau, là nơi về nguồn cho nhiều thế hệ từ trước đến nay.

- Ngôi nhà tranh: Do nhóm trí thức tiến bộ như Trần Đình Nam, Nguyễn Đình Huân, Lê Ấm, Võ Liêm Sơn và thân hữu trong cả nước quyên góp tiền. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Võ Liêm Sơn đã mua mảnh vườn trên dốc Bến Ngự. Sau đó dựng lên một ngôi nhà tranh để ổn định nơi ăn chốn ở cho cụ Phan. Ngôi nhà được chuẩn bị từ năm 1926 đến năm 1927 cơ bản hoàn tất. Ngôi nhà do cụ tự thiết kế, cụ Võ Liêm Sơn đứng ra chủ trì xây dựng.

Ngay cả cách bài trí và kiến trúc xây dựng cũng đã nói lên tư tưởng yêu nước của cụ Phan Bội Châu và các đồng chí cách mạng ở Huế. Đó là:

+ Nhà 3 gian lợp tranh tượng trưng cho 3 kỳ Bắc - Trung - Nam.

+ Chính giữa nhà hình vuông dùng làm nơi diễn thuyết.

+ Gian giữa có ảnh Lê Nin và Tôn Trung Sơn(6).

- Lăng mộ: Nằm phía trước ngôi nhà tranh và chính giữa ngôi vườn. Vị trí đặt huyệt do cụ định sẵn năm 1934. Sau khi cụ qua đời (29/10/1940) với số tiền phúng điếu của đồng bào trong nước thông qua tòa soạn báo Tiếng Dân, cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây dựng ngôi mộ và nhà thờ. Mộ có chiều dài 7m, ngang 5m, có 5 bậc tam cấp, cao 0,8m. Cách bình phong phía đầu mộ là tấm bia cao 1,8m, rộng 0,8m.

- Tượng Phan Bội Châu: Do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn và sự tham gia của Ban cán sự giáo dục và trí thức giải phóng thuộc Thành ủy Huế, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, gia đình cụ Phan và các ban đại diện, cán sự sinh viên và học sinh Huế thực hiện năm 1973. Tượng cao 3m, nặng 4 tấn đồng.

Thời gian đầu, tượng được đắp bằng đất sét ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Sau được làm khuôn chuyển lên phường Đúc và nằm tại đó đến mãi ngày 30/8/1988 tượng được chuyển về khu vườn nhà cụ Phan để bảo quản và phát huy tác dụng.

Ngày 25/3/2012, Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên Huế đã tiến hành di chuyển tượng cụ Phan Bội Châu từ nhà lưu niệm về vị trí mới tại công viên Phan Bội Châu số 19 đường Lê Lợi, thành phố Huế.

Như vậy, dọc sông Hương có 3 tác phẩm của họa sĩ, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn là Tượng Phan Bội Châu (công viên Phan Bội Châu), tượng Quán Thế Âm (Trung tâm Liễu Quán - Huế) và tượng Cô gái Việt Nam (công viên Lý Tự Trọng) đã làm tôn thêm vẻ đẹp của Huế.

- Nhà thờ cụ Phan Bội Châu: Do cụ Huỳnh Thúc Kháng xây dựng năm 1941, nằm về phía bên phải của ngôi nhà ở. Nguyên trước đây là ngôi nhà rường 3 gian tường gạch. Mái lợp ngói liệt, nhà dài 7.5m, rộng 6m. Trong nhà, ở gian giữa đặt bàn thờ chính gồm có ảnh của cụ Phan, ông bà Phan Nghi Đệ và hai người con trai là Phan Thiệu Tường và Phan Thiệu Cẩn.

- Từ đường: Được xây dựng khoảng tháng 4/1955 và đến năm 1956 thì hoàn thành do bác sĩ Thân Trọng Phước làm trưởng ban. Thiết kế do họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ theo kiểu Á Đông. Mái lợp ngói âm dương, cao khoảng 8m, mặt quay về phía lăng mộ cụ Phan theo hướng Bắc của khu vườn. Đây là một ngôi nhà ngói to lớn, đồ sộ, mặt tiền có biển đề hàng chữ “Từ Đường các liệt sĩ tiền bối và Phan Bội Châu tiên sinh”. Bên trong gian giữa là án thờ bằng xi măng đặt bài vị bằng gỗ ghi “Việt Nam tiền bối cách mạng liệt sĩ chi linh” và phía sau hương án có một bức chân dung cụ Phan.

Hiện nay, ngôi từ đường đã được sử dụng cho phần trưng bày một số hình ảnh thân thế và sự nghiệp nhà chí sĩ Phan Bội Châu(7).

Ngoài ra còn có các di tích liên quan như Lăng mộ Tăng Bạt Hổ, lăng mộ Võ Bá Hạp, Nhà bia thờ Ấu Triệu Lê Thị Đàn, giếng nước, Lăng mộ ông bà Phan Nghi Đệ.

- Nghĩa trang Phan Bội Châu: Rộng chừng 4000m2. Lúc đầu cụ Phan định mở cô nhi viện nhưng bị thực dân Pháp cấm nên cụ chuyển sang mục đích sử dụng khác là làm nghĩa trang. Năm 1934, cụ dựng bia quy ước nghĩa địa định rõ tiêu chuẩn những hạng người nào được chôn cất ở đây. Tại đây có một số nhân sĩ trí thức, danh nhân, anh hùng liệt nữ được chôn cất như vợ chồng Cửu cai Trần Hoành, Nữ sử Đạm Phương, Nguyễn Chí Diểu, nhà văn Hải Triều, liệt sĩ Lê Tự Nhiên, nhà thơ Thanh Hải.

2.7. Tỳ Bà Trang

Được lập năm 1949, sau đổi là Tỳ Bà Viện được xây cất trên một khu đất rộng rãi thơ mộng cạnh Hoàng thành. Cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị là người có mối tâm giao nghệ sĩ với Nguyễn Hữu Ba cho nên khi nghe tin Nguyễn Hữu Ba lập Tỳ Bà Viện thì ông đã có thơ tặng rằng:

Con chim hoàng anh đậu cành dương liễu
Con chim hoàng điểu đậu cánh mai hoa
Giữa xuân kinh có Viện Tỳ Bà
Nhạc sư có Nguyễn Hữu Ba nước mình
(8).

Biểu tượng của Tỳ Bà Trang do họa sĩ Phạm Đăng Trí vẽ theo ý của Nguyễn Hữu Ba. Bên ngoài biểu tượng là cái Lyre nhạc đựng bên trong chiếc đàn Tỳ Bà được cách điệu 5 dây và trên cần đàn có tứ thiên vương tượng trưng cho năm châu bốn biển. Chiếc đàn như một con thuyền trôi trên dòng nước có ba làn sóng nhấp nhô xao động tượng trưng cho âm nhạc ba miền Bắc, Trung, Nam. Cánh buồm được cách điệu thành hình búa liềm, chung quanh có nhiều vì sao thể hiện tấm lòng và ước vọng sâu xa của ông luôn gắn bó và hướng về cách mạng. Xa xa là vầng trăng khuyết nói lên tâm trạng ưu tư lo lắng của ông không biết con thuyền âm nhạc Việt Nam sẽ đi về đâu dưới ách thống trị của ngoại bang(9).

Với tôn chỉ bảo tồn và phát huy nền âm nhạc truyền thống dân tộc, góp phần vào công cuộc phục hưng nền văn hóa độc lập Việt Nam (ca, vũ, nhạc, kịch truyền thống). Đường lối của Tỳ Bà Viện là bảo tồn quốc hồn, quốc túy và phát huy bản sắc của non sông, dân tộc Việt Nam.

Chương trình của Tỳ Bà Viện gồm có 8 ngành hoạt động chung cho 7 bộ môn. 8 ngành hoạt động là: Sưu tập, bảo tồn, nghiên cứu, giáo dục, biên soạn, sáng tạo, phổ biến và tổ chức. 7 bộ môn gồm:

- Ca kịch: Hát bội (Nam, Trung, Bắc), cải lương, hát chèo.

- Ca vũ: Dân vũ, lễ vũ, quan vũ, hoan vũ.

- Ca nhạc thính phòng: Ca Huế (Trung), ca trù (Bắc), ca tài tử (Nam).

- Dân ca: Dân ca ba miền và các sắc tộc (Trung, Nam, Bắc).

- Quân nhạc (nhạc quân đội): Tập quân, hành quân, tiến quân, thu quân, hiệu quân.

- Lễ nhạc: Phật nhạc, Lão nhạc, Khổng nhạc, Tiên nhạc, Thần nhạc, Ma nhạc, Thiền nhạc.

- Thi ngâm: Các điệu ngâm qua các thể thơ xuất phát tùy theo giọng nói của ba miền và các sắc tộc.

Ngoài ra, Tỳ Bà Viện còn tổ chức tìm hiểu, khảo cứu các loại hình âm nhạc, vận động sáng tác, mở lớp dạy đàn, bổ túc ca nhạc Huế cho các ca sĩ, tổ chức trình diễn nhạc cổ truyền và các buổi tọa đàm thân mật giữa các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, nhạc hữu.

Năm 1960, thêm một Tỳ Bà Viện được xây dựng ở Sài Gòn. Hiện nay, phần lớn các hiện vật, tài liệu vô giá bao gồm nhạc cụ, băng từ đĩa nhạc, phim ảnh, thư tịch đã được gia đình dự định cho chuyển từ thành phố Hồ Chí Minh ra Huế.

Điểm qua 7 nhà lưu niệm có liên quan đến văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế để thấy được rằng Thừa Thiên Huế có hệ thống thiết chế văn hóa là các nhà lưu niệm đặc trưng nhà văn, nhà thơ, danh sĩ, nghệ sĩ, nghệ nhân, nhạc sư, nhạc sĩ… đều có cả. Các nhà lưu niệm đều mang phong cách kiến trúc Huế là nhà rường 3 gian 2 chái, cây cối hoa cỏ mang đặc trưng của Huế. Khoảng cách di chuyển qua lại giữa các nhà lưu niệm này không quá xa, nên rất thuận lợi cho việc tham quan và học tập của học sinh, sinh viên, giáo viên và du khách.

Hệ thống nhà lưu niệm văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế được bố trí hầu như trải đều trên địa bàn toàn tỉnh (chỉ trừ 2 huyện Nam Đông và A Lưới do có đặc thù riêng).

Và dựa trên đặc điểm địa lý cũng như khoảng cách giữa các nhà lưu niệm chúng tôi tạo ra tuyến đi tham quan và học tập như sau: Điểm đầu là Nhà lưu niệm Bác Hồ ở Dương Nỗ → Từ đường Thảo Am Nguyễn Khoa Vy → Châu Hương Viên → Khu lưu niệm Phan Bội Châu → Tỳ Bà Trang → Nhà thờ Đặng Huy Trứ → Nhà lưu niệm Tố Hữu, tại đây có thể kết thúc một hành trình và học sinh sẽ ghi lại những cảm nhận của mình qua chuyến đi bằng một bài thu hoạch ngắn vừa để lưu giữ kỷ niệm vừa để ghi nhớ những kiến thức học được qua các di tích, nhà lưu niệm văn nghệ sĩ.

Và đối với hệ thống nhà lưu niệm/Thiết chế văn hóa khác chúng ta có thể tạo thành những tuyến tham quan và học tập phù hợp tùy theo đặc điểm của từng huyện, thị xã, thành phố cho các em học sinh có điều kiện tham quan học tập hơn.

3. Kết luận

Ước mong xây dựng Huế trở thành điểm đến của những vị khách thực sự yêu nghệ thuật để có những chuyến du lịch trải nghiệm và học tập được nhiều điều thú vị. Huế nhẹ nhàng thanh thản là thế thì sự chậm rãi của từng bước chân du khách khi đến đây sẽ tạo cho họ những cảm giác khó quên đến nhường nào.

Mong muốn một thiết chế văn hóa thông qua các nhà lưu niệm văn nghệ sĩ Huế thì cần có sự chung tay của chính quyền, Hội nghề nghiệp, gia đình, bạn bè đầu tư nâng cấp, bổ sung tư liệu ở đây có thể là thư tay, lưu bút, ảnh tư liệu, bản thảo, kỷ vật.

Trước đây việc lựa chọn địa điểm xây nhà lưu niệm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua nhiều lần: 1996 tỉnh dự định cấp đất gần chùa Thiên Mụ nhưng quá xa thành phố, 2006 tại Đồi Thiên An với 1000m2. Cũng có ý kiến đề xuất vị trí cũ của Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh (TRT) nhưng hiện tại vị trí này đã đặt tượng cụ Phan Bội Châu và công viên Phan Bội Châu. Có ý kiến đề xuất tại nhà trưng bày nghệ thuật Điềm Phùng Thị (số 1 Phan Bội Châu) hiện giờ cũng đã vật đổi sao dời(10). Trong thời gian tới, Huế sẽ đón nhiều văn nghệ sĩ, những bạn bè yêu Huế, yêu nhạc Trịnh Công Sơn sẽ đến với Huế nhiều lần hơn vì mộ Trịnh Công Sơn đưa về Huế với ước nguyện có không gian để người yêu nhạc khắp nơi có thể đến viếng ông cũng như sinh hoạt âm nhạc mỗi dịp sinh nhật, ngày giỗ… vừa mang ý nghĩa về tâm linh tình nghĩa.

Điểm qua hệ thống những nhà lưu niệm, thiết chế văn hóa liên quan đến văn nghệ sĩ ở Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ, chúng tôi thấy rằng đa phần đều được bảo quản, giữ gìn tốt bởi những chủ nhân của họ còn sinh sống ở đó, mặt khác các nhà lưu niệm, thiết chế văn hóa này đã và đang công nhận là di tích cấp Quốc gia và cấp Tỉnh. Việc còn lại là chúng ta cần giới thiệu và quảng bá như thế nào cho nó hấp dẫn, ý nghĩa, thiết thực để thuyết phục học sinh, giáo viên đến tham quan, học tập việc làm này chỉ mới có hiệu quả từ dự án đưa Ca Huế vào trường học còn việc tham quan và học tập ngay tại các điểm di tích liên quan đến lĩnh vực Ca Huế thì còn phải chờ thời gian, việc làm này cần sự chung tay hơn nữa giữa 2 Sở là Sở Văn hóa và Thể thao - Sở Giáo dục và Đào tạo cùng liên kết với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế thì mới trọn vẹn.

T.N.K.P
(SHSDB37/06-2020)

 

-------------------
1. Nghị quyết 05/2013/NQ-HĐND, ngày 17/4/2013, trang 2.

2. Chương trình số 577/CTr-SVHTT-SGDĐT ngày 12/4/2019 của Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, trang 1.

Và Nghị quyết số 23-NQ/TU ngày 14/4/2015 của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế về xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thừa Thiên Huế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững.

3. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế: Di tích - Địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2009, trang 33.

4. Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế: Di tích - Địa điểm di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2009, trang 35.

5. Đỗ Bang (Chủ biên): Từ điển Lịch sử Thừa Thiên Huế. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, trang 1005.

6. Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Di tích lịch sử văn hóa Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 95.

7. Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế, Di tích lịch sử văn hóa Thừa Thiên Huế, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2002, trang 93 – 99.

8. Ưng Bình Thúc Giạ Thị, Tiếng hát sông Hương, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005, trang 90.

9. Trần Huy Thanh, Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Hữu Ba với sự nghiệp bảo tồn và phát huy nền âm nhạc dân tộc, Tạp chí Sông Hương, số 9(103).1997, trang 72.

10 Thanh Tùng: Từ Huế chuyện trò lai rai. Tập 3. NXB Đà Nẵng, 2009, trang 121, 122.

 

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng