Ai ra xứ Huế
Nghệ thuật tạo dáng và trang trí trên đồ sứ men lam Huế
10:27 | 04/09/2020

TRẦN ĐỨC ANH SƠN

Trong số nhứng di sản văn hóa mà triều Nguyễn để lại có một loại cổ vật có giá trị nghệ thuật rất cao nhưng ít được đời sau thừa nhận và trân trọng.

Nghệ thuật tạo dáng và trang trí trên đồ sứ men lam Huế
Đồ sứ men lam Huế - Ảnh: internet

Đó là đồ sứ men lam Huế - một sản phẩm được hình thành từ sự hợp tác lao động của nghệ nhân hai dân tộc Việt Hoa. Để có mặt ở  đất thần kinh, đồ sứ men lam Huế phải trải qua hai giai đoạn tạo tác : Vẽ kiểu ở Việt Nam và sản xuất tại Trung Hoa.

Căn cứ vào những dòng chữ đề trên đáy hiện vật như "Giáp tý niên chế", "Minh Mạng niên chế”, "Thiệu Trị niên tạo", "Tự Đức niên chế", "Khải Định niên tạo"... cùng với những sử liệu và các công trình nghiên cứu của các học giả Đoàn Thêm, Nguyễn Văn Thư, Vương Hồng Sến, L.Cadière...(1) Chúng tôi được biết vào thế kỷ XIX cho đến đầu thế kỷ XX, các vua nhà Nguyễn, từ Gia Long đến Khải Định, đã cử những sứ bộ sang Trung Hoa ký kiểu đồ sứ. Lần ký kiểu đầu tiên xảy ra vào năm 1804 khi sứ bộ của Trịnh Hoài Đức đã mang về bộ đồ trà "Giáp tý niên chế". Lần ký kiểu cuối cùng được thực hiện nhân dịp vua Khải Định tổ chức lễ "Tứ Tuần Đại Khánh" của mình. Ra đời bằng con đường trên nên đồ sứ men lam Huế còn được gọi là đồ mẫu hay đồ kiểu. Vì sự hình thành khá đặc biệt đó nên đồ sứ men lam Huế vừa có nét giống với đồ sứ Trung Hoa nhưng lại vừa mang những đặc trưng riêng, rất Huế và rất Nguyễn. Trong một chừng mực nhất định, nó còn có những nét tương đồng với đồ sành trắng hoa lam đời Lê, nhất là ở phong cách và nghệ thuật trang trí.

Song dù sao chăng nữa, bản thân đồ sứ men lam Huế vẫn có những nét riêng, tạo nên một giá trị nghệ thuật đặc biệt không thể lẫn lộn với những loại hình đồ sứ khác. Toàn bộ giá trị đó được thể hiện ở nghệ thuật trang trí, tạo dáng, ở nội dung các đồ án trang trí và ý nghĩa các điển tích có trên hiện vật.

Cái đẹp dễ nhận thấy nhất ở đồ sứ men lam Huế là sự trang nhã của màu men và sự tinh xảo của chất liệu. Trong vô số những màu men nổi tiếng ở Trung Hoa thời bấy giờ như men trong suốt (glazure), men đục (coverte) và men nhiều màu (émaux), vua quan nhà Nguyễn đã chọn một gam màu nhẹ và thoáng màu xanh Hồi (bleu matrométan) nổi lên trên nền trắng của sứ. Đây chính là một đặc trưng độc đáo của đồ sứ men lam Huế, vừa thể hiện tính cách và trình độ thẩm mỹ của người Huế xưa, đồng thời lại thể hiện sự khéo léo, trình độ sử dụng màu điêu luyện của các nghệ nhân Việt - Hoa . Khác với màu nâu trong đồ gốm hoa nâu đời Trần, được chiết từ oxyt sắt, màu xanh Hồi có nguồn gốc từ oxytcobalt có sức phát màu rất mạnh. Chỉ cần một lượng nhỏ oxytcobalt hòa tan trong nước, người họa sĩ có thể sử dụng ngòi bút để vẽ các họa tiết theo đúng nghĩa từ vẽ. Ngược lại, trong đồ gốm hoa nâu, do oxyt sắt phát màu kém, do đó, lượng màu pha chế phải nhiều và người họa sẽ không thể sử dụng bút vẽ một cách linh hoạt, mà đúng hơn, họ chỉ làm nhiệm vụ tô màu lên các họa tiết đã được tạo bởi những nét khắc chìm. Do chủ động ngòi bút, các nghệ nhân xưa đã tạo cho họa tiết những chỗ đậm nhạt, sáng tối khác nhau khiến họa tiết trở nên rất thực và sống động, đó là điều mà đồ gốm hoa nâu không có được.

Việc pha chế và sử dụng màu sắc trên đồ sứ men lam Huế, ngoài yếu tố mỹ thuật, còn có một ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Nó thể hiện sự phân tầng giai cấp, sự chế định địa vị trong xã hội. Đồ sứ ngự dụng là loại đồ do nhà vua đặt kiểu, thường có màu đậm, từ xanh lam ngã sang tím nhạt, cùng với nét bút sắc sảo làm cho món đồ toát lên vẽ quí phái, đài các. Ngược lại, đồ sứ quan dụng và dân dụng màu thường nhạt hơn, nét vẽ thoáng hơn, do đó, món đồ vừa có vẻ bình dị lại vừa phóng túng hơn. Sự phân biệt màu sắc còn tùy thuộc vào công dụng của hiện vật và đồ án trang trí : đồ nghi lễ có màu đậm hơn, men trong hơn đồ gia dụng, trang trí hoặc đồ án rồng mây, chim phượng bao giờ cũng được vẽ đậm hơn các đồ án phong cảnh như tranh sơn thủy, tứ bình... So với màu sắc của đồ sứ Trung Hoa chính hiệu, đồ sứ men lam Huế cũng có nét khác biệt về màu sắc. Màu Huế thường nhẹ và thoáng hơn trong khi các họa tiết trên đồ tàu thường được thể hiện bằng màu xanh đậm, có tính trang trọng. Chúng tôi cho rằng việc chọn màu nhẹ và trang nhã này có liên quan đến nghệ thuật tạo dáng. Với những dáng kiểu nhỏ gọn mà sử dụng màu quá đậm sẽ phá vỡ cảm giác nhẹ nhàng và hài hòa của sản phẩm, họa tiết, hoa văn sẽ tối hơn và món đồ sẽ bớt đi phần duyên dáng của nó.

I. Tạo dáng:

Liên quan với việc chọn màu men là việc tạo dáng trên đồ sứ men lam Huế. Đây là công đoạn mà sự tham gia của các nghệ nhân Huế xưa đóng vai trò quyết định nhất.

Đặc trưng dễ nhận thấy nhất trong đồ sứ men lam Huế là xu hướng gọn ghẽ, xinh xắn. Đồ sứ Huế không có những dáng kiểu cầu kỳ với những chi tiết phụ rườm rà cũng như những vật dụng có kích thước quá lớn như đồ sứ Trung Hoa. Nếu ở đồ sứ Trung Hoa, các chi tiết phụ như quai nắp chân đế luôn được cách điệu thành những con vật như rồng, lân hay các dãi triền chi, hoa lá, thì ở đồ sứ Huế, các chi tiết đó được chế tác đơn giản, khiêm tốn hơn nhưng không hề đơn điệu. Khác với dáng kiểu thô mập và chắc khỏe của đồ gốm hoa nâu và khác với xu hướng vươn lên dần theo chiều cao, giữa thể chính và thể phụ của hiện vật có một sự tương xứng hài hòa các phần trung tâm luôn được thu gọn và nối với các chi tiết phụ qua các vòng lượn có cung độ lớn và mở. Phong cách tạo dáng của đồ sứ Huế, thoạt nhìn, thấy gần gũi với đồ sành trắng hoa lam, nhưng nó không có xu hướng vươn lên theo chiều cao, dùng chiều cao để bù đắp những chỗ thiếu cân xứng như đồ sành trắng đời Lê.

Đặc trưng thứ hai trong tạo dáng đồ sứ men lam Huế là rất hiếm có những nét thẳng đứng hoặc gãy góc. Trừ một số dĩa trà "bo gãy" có nếp lượn đột ngột tạo ra những góc cạnh giữa thân dĩa và chân đế, phần lớn các loại dáng kiểu đồ sứ Huế đều được gắn với các chi tiết phụ không phải bằng những nếp gấp nhỏ như đồ sứ Trung Hoa mà chủ yếu bằng các khối trung chuyển. Đó là những "co" tròn có cung độ mở rộng. Vì thế dù nét lượn có hẹp, các "co" đó vẫn mở ra những cung lớn, tạo cho người tiếp xúc cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu. Đặc biệt dưới thời Thiệu Trị và Khải Định đã xuất hiện một số tô, bát có miệng bình bát giác cùng các loại đôn sứ thân lục giác đã chứng tỏ sự du nhập các yếu tố ngoại lai trong phong cách tạo dáng, song những yếu tố du nhập đó còn ít ỏi và tỏ ra quá nhỏ bé trước nghệ thuật tạo dáng tinh tế và mềm mại của phương Đông nói chung và của Việt Nam nói riêng. Trong một cái tô bát giác ở thời Thiệu Trị người họa sĩ tạo hình đã tạo ra những góc cạnh ở phần miệng, có thể là do ý muốn của nhà vua nhưng bản thân người thợ khó có thể chấp nhận dáng kiểu đó. Vì thế, sau khi kéo các góc cạnh đó xuống một đoạn, người nghệ sĩ tạo dáng đã biến nó thành những đường cong hòa vào nhau, tạo cho phần đáy của cái tô một cung tròn với biến độ lớn, vòng lượn khá rộng như muốn lấy sự hài hòa, thanh nhã của tạo dáng Huế để bù cho sự cứng cỏi, uy nghiêm trong tạo dáng ngoại lai. Đây chính là kết quả tất yếu của quá trình giao lưu văn hóa trong buổi giao thời tạo cho sản phẩm một vẻ đẹp dung hòa vừa có tính hiện đại nhưng vẫn mang phong cách dân tộc.

So với đồ sành trắng hoa lam đời Lê, phong cách tạo dáng của đồ sứ men lam Huế có đôi nét tương đồng. Ở dáng kiểu của hai loại sản phẩm này, các thể chính luôn được mở rộng ở vai nhưng chân được thu nhỏ lại nom bầu bầu, khỏe mà vẫn nhẹ. Các thể phụ được bố trí tương xứng, ăn nhịp với thể chính, tôn thêm vẻ đẹp của thể chính nhưng luôn gắn với chức năng sử dụng. Đặc biệt với loại chén trà kiểu "mắt trâu, lật đật" (2) tạo dáng đồ sứ men lam Huế đã có những kiểu thức độc đáo và lý thú lại rất tiện lợi cho người sử dụng.

Nhìn chung, tạo dáng của đồ sứ men lam Huế đã tiềm ẩn những nét riêng đồng thời đã kết hợp những tinh hoa của các nền văn hóa khác mà Trung Hoa là một điển hình tiêu biểu. Tất cả điều đó đã tạo cho đồ sứ men lam Huế một đặc trưng về dáng kiểu : đơn giản, hài hòa và tinh tế.

II. Nghệ thuật trang trí:

Có người cho rằng không nên quan tâm đến nghệ thuật trang trí trên đồ sứ men lam Huế, bởi lẽ nó là sản phẩm ngoại địa và do các nghệ nhân Trung Hoa thực hiện. Theo chúng tôi, quan điểm đó thiếu khách quan vì quá trình chế tác đó có sự đóng góp rất quan trọng của các nghệ nhân Việt Nam. Hơn nữa, khi so sánh một số đồ sứ Huế với đồ sứ Trung Hoa, chúng tôi thấy có nét khác biệt trong nghệ thuật trang trí điều đó được thể hiện ở họa tiết, bố cục và thủ pháp trang trí. Tuy nhiên, dù người thợ Trung Hoa có trung thành với bản vẽ đến mấy cũng không tránh khỏi việc lồng một số họa tiết của dân tộc mình vào hình vẽ. Chính vì thế, đồ sứ men lam Huế có sự hội tụ và hòa nhập cảm quan nghệ thuật từ hai phía : người vẽ kiểu và người thực hiện đồ án, thể hiện ở việc tiếp thu cái đẹp vốn có trên đồ sứ Trung Hoa của người ký kiểu và sự thiếu trung thành với bản vẽ của người chế tạo.

1/ Nội dung trang trí :

Nếu như những đồ án thường xuất hiện trên gốm hoa nâu là các loại "hoa cúc, hoa sen, chim cò, chim thước, con hổ, con voi nghĩa là những đề tài gần gũi, bình dị với cuộc sống của người nông dân nước ta"(1) và những đề tài phổ biến trên đồ sành trắng hoa lam "vẫn là hoa lá, chim, cá, ngựa hay một số rồng phụng được dân gian hóa"(2) thì trên đồ sứ men lam Huế đề tài trang trí có nhiều điều mới lạ.

Đồ án trang trí phổ biến nhất là các đồ án tứ linh, tứ bình, bát tiên, hoa lá và đặc biệt là các loại tranh sơn thủy mô tả phong cảnh non sông xứ Huế hay minh họa các điển tích, thơ văn Trung Hoa. Vì thế, thoạt nhìn, nội dung trang trí trên đồ sứ Huế giống với đồ sứ Tàu nhưng trong từng bộ phận, từng đồ án và nhất là ở các dải hồi văn viền quanh miệng và đáy hiện vật thì nét riêng biệt vẫn biểu hiện khá rõ.

Đặc biệt trên đồ sứ men lam Huế có một loại đồ án trang trí chưa hề xuất hiện trên đồ gốm, đồ sành đời Lý, Trần, Lê... hay đồ ký kiểu đời Trịnh. Đó là dạng trang trí bằng thơ văn chữ Hán và chữ Nôm, tiêu biểu là loại dĩa trà Mai Hạc với hai câu thơ của Nguyễn Du :

"Nghêu ngao vui thú yên hà
Mai là bạn cũ, hạc là người quen"

và các món đồ có các bài thơ minh họa phong cảnh ngã ba Bằng Lảng của Minh Mạng bài thơ của vua Tự Đức minh họa điển tích "Bá Nha Tử Kỳ". Cũng có lúc người ta viết cả một bài phú lên một món đồ, dùng chữ viết để làm đồ án trang trí và lấy nội dung bài văn để chứa đựng một triết lý, một ý nghĩa giáo dục như trường hợp hai bài phú "Tiền Xích Bích" và "Hậu Xích Bích" của Tô Thức (đời Tống) hay bài "Gián Thái Tôn thập tử sớ" của Ngụy Trưng (đời Đường).

Đồ án trang trí phổ biến và mang tính đặc trưng trong đồ sứ Huế thể hiện ở các đề tài tứ linh, nhất là ở hoa tiết rồng và phượng. Trước hết phải nói đến sự phong phú của đồ án rồng. Chúng thường xuất hiện với các mô típ : long viên, long vân, long phụng, long ngư, long lân, long chẩn, long bí thủy, long thăng, long giáng, long phi, lưỡng long, tứ long... Xuất hiện nhiều chúng mang nhiều dáng vẻ khác nhau và khác với con rồng trên đồ sứ Trung Hoa. Con rồng trên đồ sứ men lam Huế có thân mềm mại theo hình sin (xem ảnh), hình dáng, móng vuốt, râu tóc giống với con rồng trong trang trí Nguyễn nhất là cái đuôi xòe rộng là một bằng chứng hiển nhiên về mối quan hệ giữa nó với con rồng trong trang trí cung điện thời Nguyễn. Trong khi đó con rồng trên đồ sứ Tàu lại có dáng vóc oai vệ, đuôi thu nhỏ hàng gai ở sống lưng bố trí khác với con rồng sứ men lam Huế. Tuy nhiên xét về chi tiết con rồng sứ men lam Huế vẫn có những chi tiết của rồng Tàu, nhất là ở phần đầu, điều đó cũng dễ hiểu bởi trong tiềm thức người họa sĩ Trung Hoa, hình ảnh con rồng Mãn Thanh là quá lớn, đôi lúc có thể lấn át con rồng trên bản vẽ đưa từ Việt Nam sang. Phượng hoàng thường được vẽ trên các món đồ ngự dụng biểu tượng cho sự quí phái, kiều diễm của các bà hoàng. Đó là một con chim có mỏ dài, mắt hình giọt nước, tóc chim trĩ, đuôi công, cổ rắn và luôn được vẽ ở tư thế đang bay. Đây là điều khác với con phượng trên đồ gốm hoa nâu đời Trần, luôn được vẽ ở tư thế tĩnh.

Đồ án tranh phong cảnh có một vị trí quan trọng trong trang trí đồ sứ men lam Huế. Ở đây xuất hiện những phong cảnh của non sông xứ Huế như phong cảnh Sông Hương với bài thơ nôm của vua Minh Mạng, cảnh cửa bể Tư Dung với ngọn núi Túy Vân chơi vơi bên sóng nước, cảnh Ải Vân quan mịt mờ mây phủ và nhiều hơn cả là tranh vẽ minh họa nội dung các bài thơ Đường của Lý Bạch, Đỗ Phủ, Trương Kế, Giả Đảo... Nhìn chung, với loại tranh trang trí nầy, các họa sĩ Trung Hoa và Việt Nam muốn đưa vào đồ sứ những bóng dáng quen thuộc của thiên nhiên con người và cuộc sống một cách thơ mộng, thanh cao; nhiều khi gợi những mối liên tưởng xa hơn hay hàm chứa cả một triết lý, nhân cách và tình cảm của họ. Tranh sơn thủy là loại đồ án được trang trí rất nhiều. Việc chọn núi và nước làm đối tượng miêu tả chính trong bố cục bức tranh được coi là một đặc trưng của hội họa Đông Phương thời trung, cận đại, chịu ảnh hưởng sâu sắc của thuyết "Âm dương - ngũ hành" trong hệ tư tưởng Nho-Lão. Đó là sự thống nhất của hai mặt đối lập : Giữa cứng và mềm; giữa tĩnh và động, giữa cái bất biến và cái luôn thay đổi. Hai trạng thái đối lập ấy tác động lẫn nhau để thúc đẩy sự phát triển và duy trì thế cân bằng của vạn vật. Các bức họa trên đồ sứ men lam Huế được vẽ để minh họa cho một ý thơ. Ngược lại, những ý thơ đó lại làm nhiệm vụ diễn tả vẻ đẹp của bức họa, chuyển ngôn ngữ màu sắc thành ngôn ngữ thơ văn.

Sẽ thiếu sót lớn nếu không đề cập đến các dạng hồi văn có trên đồ sứ Huế. Hồi văn thường được trang trí thành những diềm quanh miệng, đáy và chân đế của hiện vật để giới hạn không gian họa tiết, đồng thời tôn mỗi họa tiết chủ đạo làm cho họa tiết chính trở nên nổi bật và trang trọng hơn. Các hồi văn này chủ yếu là hồi văn chữ T, chữ S, xoài văn trên, văn tổ ong (xem hình) có nguồn gốc từ Trung Hoa nhưng được thể hiện khác về chi tiết. Nhờ đó tạo nên sự phong phú loại hình và nét đặc thù của hồi văn Huế vẫn được thể hiện.

2/ Bút pháp tạo hình :

Họa tiết trên đồ sứ men lam Huế được tạo thành theo hai cách : công bút và phong bút. Mỗi đồ án được xây dựng đến độ hoàn chỉnh từ nét vẽ chi tiết đến việc dùng lối vẽ mảng họa đã tạo ra cả một không gian màu sắc tuyệt mỹ. Các họa tiết được cấu thành từ những nét và mảng mà chủ yếu là từ các nét. Cách thể hiện này tương tự với bút pháp trang trí trên sành trắng hoa lam. Song nó có một điểm khác là trên đồ sành trắng hoa lam, người họa sĩ dùng nét là yếu tố chính để tạo hoa văn, còn ở đây, nét chỉ là một đơn vị tạo hình. Phải có nhiều nét mới hợp thành một họa tiết, kể cả các họa tiết đơn giản như mây, lá. Trong đồ sành trắng hoa lam, hoa lá thường được vẽ theo lối cách điệu, có ý nghĩa biểu trưng hơn là mô tả cụ thể. Trong khi đó, hoa lá trên đồ sứ Huế thường được thể hiện tỉ mỉ, kết hợp cả lối vẽ cây bút lẫn phóng bút, tạo nên một bức tranh rất thực, rất sinh động. Bên cạnh lối vẽ bằng nét còn có lối vẽ mảng họa bằng cách tô màu lên các họa tiết nhất là trong các đồ án tranh sơn thủy. Việc tạo mảng được thực hiện bằng ngòi bút có bụng lớn; chứa nhiều màu nhưng đầu bút lại nhỏ. Do đó, khi nhấn mạnh tay thì có nét vẽ lớn, nhiều nét chồng lên nhau thì tạo thành mỏng và khi nhẹ tay lại tạo những nét nhỏ, bay bướm. Việc kết hợp giữa nét và mảng giữa lối công bút tỉ mỉ và lối vẽ phóng khoáng, chấm phá của nghệ thuật phóng bút đã biến các họa tiết trang trí thành những tác phẩm nghệ thuật thực sự.

3/ Thủ pháp trang trí :

Thủ pháp trang trí của đồ sứ men lam Huế là lối vẽ trực tiếp lên sản phẩm chưa nung. Lối vẽ này đòi hỏi nghệ nhân phải có một tài nghệ vô cùng điêu luyện. Một nét vẽ hạ xuống là vĩnh viễn không bao giờ lấy lại được bởi xương đất mộc thấm mực rất nhanh. Vì thế các họa tiết được thể hiện không cái nào giống cái nào. Mặt khác, người thợ làm việc trong những hoàn cảnh khác nhau, với những niềm cảm xúc, niềm hứng khởi khác nhau nên hình vẽ tạo ra không giống nhau. Lối vẽ dưới men này có tác dụng giữ màu vĩnh viễn, đồng thời tạo ra nhiều điều lý thú do quá trình nung chảy. Men chảy bù vào những chỗ dày mỏng không đều nhau làm cho hình vẽ lung linh, lúc đậm, lúc nhạt đến kỳ ảo. Thậm chí nó còn làm nhòe màu, tạo ra những đột biến mới về họa tiết trông rất hấp dẫn.

Trong đồ sứ men lam Huế hoàn toàn không có thủ pháp tạo hình bằng những nét khắc chìm hay bằng cách đắp nổi lên bề mặt sản phẩm. Đây là một điểm khác biệt so với đồ gốm hoa nâu và đồ sành trắng hoa lam. Trên đồ gốm hoa nâu, họa tiết được tạo ra bằng những nét khắc chìm và tô màu lên trên, còn đồ sành trắng hoa lam thì ngoài việc tạo hình bằng bút lông vẽ lên xương đất, còn có lối đắp nổi hoa văn mà "trong nhiều trường hợp", lối trang trí kết hợp đắp nổi với vẽ hoa này cũng phô rõ nhược điểm của nó, khi mà các đồ án đắp nổi thường quá cầu kỳ so với hoa vẽ bằng bút, có thể phá vỡ thế cân đối của hình dáng sản phẩm"(3). Qua đây chứng tỏ trình độ trang trí của các nghệ nhân tạo tác đồ sứ men lam Huế là cực kỳ điêu luyện. Họ chủ động với ngòi bút, với hoa văn, không cần phải sử dụng những thủ pháp trang trí công phu nhưng nhiều khi cho hiệu quả không cao như những đồ án đắp nổi. Đồng thời nó cũng chứng tỏ tính giản dị, trình độ thẩm mỹ tinh tế, có chọn lọc của các nghệ nhân tạo tác đồ sứ men lam Huế.

Qua gần 200 năm tồn tại, đồ sứ men lam Huế, một sản phẩm hợp tác của nghệ nhân hai dân tộc Việt - Hoa, đã chứa đựng một giá trị văn hóa nghệ thuật tuyệt vời. Nó hàm chứa cả cái đẹp lẫn cái hay, đó là một điều hiếm có đối với một sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Đồ sứ men lam Huế đã đạt đến sự hoàn hảo về chất liệu, về nghệ thuật tạo dáng và trang trí. Ở đó sự hài hòa giữa dáng kiểu, men màu và trang trí đã tạo ra một vẻ đẹp cân đối và trang nhã. Tất cả tạo nên một giá trị mỹ thuật để đời sau phải trân trọng và ngưỡng mộ.

T.Đ.A.S
(TCSH48/03&4-1992)

 

----------------

(1) Xem tạp chí Bách khoa thời đại (Bộ quốc gia giáo dục Sài Gòn xuất bản) các số 73, 89, 92, 128, 209, tạp chí B.S.E.I (Hội nghiên cứu Đông dương xuất bản tập XIX (1914) và tạp chí B.A.V.H (Hội đô thành hiếu cổ xuất bản) số I (1919)

(2) Loại chén trà đáy tròn, có tính năng giống con lật đật, dưới tác động của ngoại lực, nó có thể bị chao đảo nhưng luôn trở về vị trí thăng bằng.

(3) Trần Khánh Chương - Nghệ thuật gốm hoa lam Việt Nam. Sđd trang 44.

 

VÀI DẠNG HỒI VĂN TRANG TRÍ TRÊN ĐỒ SỨ HUẾ

H.77 Hồi văn trang trí quanh miệng thông. Vẽ tích "long viên" (rồng ổ mặt nạ) - được gọi là hồi văn "xoài vân tiên". Đời Thiệu Trị.

 

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng