Ai ra xứ Huế
Tố Hữu với xứ Huế
15:44 | 30/10/2020

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà thơ Tố Hữu (04/10/1920 - 04/10/2020)

ĐOÀN TRỌNG HUY

Tố Hữu với xứ Huế
Nhà thơ Tố Hữu trong cuộc trò chuyện 25 năm trước. (Nguồn ảnh: Lê Xuân Sơn/Tiền Phong)

1.

Tố Hữu sinh ra ở Hội An - Quảng Nam. Quê nội của ông làng Phù Lai, Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quê ngoại cách chừng mười cây số ở làng Thanh Lương, huyện Hương Trà tiếp giáp với Quảng Điền.

Như vậy, xứ Huế là Quê mẹ, cũng là Quê cha của ông.

Năm lên chín, Tố Hữu mới theo cha ra Huế (1929). Trừ một hai năm có biến cố gia đình phải chuyển vào Phan Thiết, cậu học sinh Nguyễn Kim Thành hầu như sống trọn thời thơ ấu và bước vào tuổi thanh niên tại nơi kinh thành Cố đô. Vì vậy, Huế chính là cái nôi sinh thành cả về cuộc sống và tri thức cơ bản như vốn liếng vào đời của tuổi trẻ Tố Hữu.

Trong đời người, tuổi vị thành niên và bước đầu thanh niên là hết sức quan trọng. Trái cây ươm để đến độ chín. Cậu bé sắp trở nên con người trưởng thành. Theo tâm lý học hiện đại, nhân cách đã được hình thành những nét cơ bản. Dân gian có câu: Cha mẹ sinh con, trời sinh tính. “Trời” ở đây hiểu một cách khoa học là những nhân tố tự nhiên tạo nên tính cách thiên về sinh lý. Mặt khác, hiểu rộng ra, đó chính là môi trường, hoàn cảnh riêng và chung.

Tố Hữu được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn hóa. Bố ông nhà nghèo nhưng đã: Học chữ Hán, sau học thêm chữ Quốc ngữ và cả tiếng Pháp. Thi cử lận đận, ông bỏ bút lông, thay bằng bút sắt và kiếm chân ký lục để mưu sinh. Tố Hữu kể về gia đình: “Ông có một cái thú đặc biệt trong suốt cuộc đời, đó là sưu tầm ca dao, tục ngữ. Đó là di sản quan trọng nhất để lại cho con cháu”. Chính vì vậy, cậu bé Nguyễn Kim Thành cũng “thấm thía ca dao tục ngữ”(1). Và cả nhà ông đều có được hứng thú ấy: “Mẹ tôi vốn ở nông thôn, thuộc rất nhiều ca dao của “Xứ Huế”, cha tôi là người sưu tập, còn tôi là người ghi chép”(2).

Tố Hữu lên bốn đã biết chữ, lên sáu đi học và lớn hơn một chút đã võ vẽ làm thơ; năm lên mười, hầu nước khách văn thơ của cha và đã làm thơ vịnh bức tranh đôi chim đậu cành mai và được khen thưởng, khuyến khích “thần đồng” thơ. Khi lên lớp Nhất bậc tiểu học, giỏi tiếng Pháp, cậu học sinh nhỏ đã thích và đọc một số tiểu thuyết tiếng Pháp.

Khi học ở trường Quốc Học Khải Định, anh thanh niên học sinh lại tiếp tục tiếp thu được văn hóa Pháp và rộng ra, cả Âu Tây.

Tuy nhiên, những tri thức sơ bộ ấy chỉ góp phần hỗ trợ hình thành những hiểu biết cơ bản của người thanh niên đang tràn đầy nhiệt huyết “đi kiếm lẽ yêu đời” và hướng tới lý tưởng cách mạng. Sau đó, anh được tiếp nhận sách báo tiến bộ thời Mặt trận Bình dân - về văn học, như Người mẹ của Gorki, Thép đã tôi thế đấy của Ostrovsky, Khói lửa của Barbusse, Gót sắt của Jack London; về chính trị, như Tuyên ngôn Đảng cộng sản, bộ Tư bản của Karl Marx và sách của Lenin.

Ở người trí thức trẻ đã hình thành những yếu tố cơ bản của một nhân cách văn hóa cùng với nhân cách chính trị.

Nói một cách khác, Huế là cái nôi sinh thành về tri thức và văn hóa cho nhà thơ tương lai.

Tri thức ấy là tổng hợp cả tri thức văn hóa tức từ tri thức học vấn, tri thức chính trị tức những hiểu biết bước đầu về chủ nghĩa Mác và đặc biệt quan trong hơn cả là hiểu biết về xã hội qua giao tiếp, quan hệ chủ yếu với tầng lớp dân nghèo thành thị.

Văn hóa cũng là một kho tàng nhỏ ban đầu về văn hóa dân gian và cổ điển, tức văn hóa dân tộc và một vốn chưa nhiều về văn hóa nước ngoài trong phần mới mẻ, tiến bộ và cách mạng.

Tuy nhiên, Huế còn là nơi sinh thành về chính trị của Tố Hữu. Từ tiếp xúc với sách báo cách mạng và giác ngộ lý tưởng mới, anh lại may mắn gặp gỡ và được sự trực tiếp hướng dẫn của những người cộng sản ưu tú như: Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Hải Triều,... Nhà thơ chập chững những bước đi đầu tiên vào đường thơ cách mạng.

Do thành tích hoạt động tuyên truyền trong thanh niên và một phần do làm thơ đăng báo Dân, báo Thế giới của Đoàn Thanh niên Dân chủ ở Hà Nội, nhà thơ trẻ được kết nạp Đảng vào tháng 4 năm 1937. Đó là ngày sinh thứ hai trong đời Tố Hữu:

Mẹ không còn nữa, con còn Đảng
Dìu dắt khi con chửa biết gì

Đây là mấy dòng nói lên sự kiện lịch sử trong đời Tố Hữu. Bởi Quê mẹ, với đề từ Gửi Huế yêu nói về những kỷ niệm in dấu son trong đời đứa con của mẹ. Tố Hữu được sinh ra lần thứ hai, đó là cuộc sinh thành chính trị. Từ đây, nhà thơ có thêm bà mẹ Đảng chăm sóc, nuôi dưỡng một đời (nhận Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng năm 1997).

Như vậy, Huế còn là cái nôi chính trị, đồng thời là mảnh đất ươm mầm cho nhà thơ tương lai Tố Hữu.

2. Huế là nguồn thi hứng đầu đời của Tố Hữu

Dửng dưng, trong phần đầu, nhà thơ trẻ Tố Hữu đã cầm lòng không đậu với Huế thơ mộng: “Du khách bảo đây vườn kín đáo/ Với hương dìu dịu, ý ngàn xưa/ Trời mây xanh nhạt màu hư ảo/ Đây xứ mơ màng, đây xứ thơ”. Huế gợi cảnh đẹp, người đẹp trong tình thắm thiết của bao nhà thơ, trong đó có Hàn Mặc Tử (Đây thôn Vỹ Dạ).

Xứ Huế, “xứ mơ màng”, “xứ thơ”, đã là cái nôi sinh thành thơ ca Tố Hữu.

Đặc biệt Hương giang như một dòng thơ xanh êm ái chảy suốt tâm hồn, chẳng khác nào hoài niệm khắc khoải một đời:

Hương giang ơi, dòng sông êm
Qua tim ta, vẫn ngày đêm tự tình
                       
(Bài ca quê hương)

Chính sông Hương đã gợi những cảm xúc đầu tiên để từ đó Tố Hữu biết nhìn nhận dòng trong dòng đục của cuộc đời, cái đẹp, cái xấu, nỗi buồn và hy vọng... Nói cách khác, Hương giang chính là một thể hiện con mắt thơ Tố Hữu. Hương giang chảy “qua tim” nhà thơ, nhưng đó là trái tim có mắt biết yêu thương và căm ghét. Dửng dưng Tiếng hát sông Hương cùng được viết vào tháng 8 năm 1938, là thơ của nhà thơ đảng viên nên đã mang tính chiến đấu rõ rệt. Đó là tiếng hát của niềm tin vào tương lai, vào sự giải phóng những phận người với cảm hứng lãng mạn cách mạng. Hải Triều khen bài thơ có tính luận chiến kể trên và cấp “giấy chứng nhận” cho Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng đích thực. Trong khi đó, chính Phan Đăng Lưu là người thầy đầu tiên hướng nhà thơ trẻ vào dòng thơ cách mạng khi mới cầm bút.

Theo gợi ý, hướng trước hết là viết về những người lao động nghèo khổ. Mồ côi là bài đầu tiên được viết cho báo Đảng. Bài thơ có hàm ẩn tính cách của bản thân: “Con chim non rũ cánh/ Đi tìm tổ bơ vơ/ Quanh nẻo đường hiu quạnh/ Lướt mướt dưới dòng mưa”. Cảnh trong Hai đứa bé cũng là cảnh hàng ngày nhìn thấy, cũng như Vú em là cảnh bắt gặp trong đêm khuya. Rồi Lão đầy tớ cũng là con người đã thấy ở xóm nghèo. “Tất cả đều là phiên bản chân thực của cuộc sống hàng ngày” như hồi ức của nhà thơ(3). Từ những cảnh gần gũi là sự mở rộng tầm mắt để nhìn ra xã hội với quần chúng lao khổ và chiến sĩ cách mạng.

Đó cũng là do ảnh hưởng trào lưu tiến bộ của văn học đương thời những năm 1936 - 1939. Phong trào Thơ mới và văn xuôi Tự lực văn đoàn có những tác phẩm giàu tính nhân văn, tinh thần khao khát tự do, lên án mặt trái của xã hội. Trong hồi ký Nhớ lại một thời của ông có đoạn chân thành: “Tôi học được cách diễn đạt mới với ngôn ngữ hiện đại, nhạc điệu phóng khoáng, chất trữ tình say đắm trong trào lưu thơ, học được cái nhìn hiện thực qua tác phẩm văn học. Những cái đó cùng với lòng yêu nước và lý tưởng cộng sản đã đưa tôi vào con đường thơ cách mạng”.

Quả đúng như vậy, ngay từ đầu, tại Huế, Tố Hữu đã chọn và đi đúng vào một đại lộ của văn học cách mạng. Cũng ngay tại đây, Tố Hữu đã mang tố chất của một nhà thơ cách mạng. Đó là lý do để nhà thơ lọt vào mắt xanh của những nhà bình luận tinh tế qua mấy số báo Mới liên tục - K & T với Tố Hữu - nhà thơ của tương lai - Mới số 1, ngày 1/5/1939; Trần Minh Tước viết Mấy cụm hoa tươi của tuổi trẻ - Mới số 3, 1/6/1939. Lúc này, Tố Hữu đã bị bắt giam và đến ngày 27/8/1939, ông bị đưa ra xét xử tại tòa án Nam Triều. Tại tòa, Tố Hữu đã dũng cảm tự bào chữa. Nhưng thơ của ông và những lời ca tụng công khai trên báo về nhà thơ trẻ là những lời bào chữa bổ sung hùng hồn, sinh động nhất chống trả bạo lực, bất công của hệ thống pháp lý bất nhân, phi nghĩa.

Bài thơ Từ ấy là tuyên ngôn lý tưởng (7/1938). Tập thơ Từ ấy là tiếng hát tâm hồn, là bài ca chiến đấu đầu đời của Tố Hữu, được khởi nguồn từ một vùng quê tâm tưởng và thơ ca. Có thể nói không ngoa rằng Huế đã làm nên nhà thơ cách mạng trẻ tuổi Tố Hữu và giúp ông không chỉ ẩn chứa tiềm năng văn hóa mà đã là sức lực thực sự ngay từ những ngày đầu để “Lấy cán bút làm đòn xoay chế độ” (Sóng Hồng). Ta chỉ cần đối chiếu Tiếng hát sông Hương, Dửng dưng với Lời kỹ nữ (Xuân Diệu), Huế đẹp và thơ (Nam Trân) hay như Tiếng sáo thiên thai (Mấy vần thơ - Thế Lữ - 1935), cũng đã thấy sức tấn công dũng cảm ban đầu với mọi khuynh hướng mà Tố Hữu cho là lạc đường và không cách mạng.

3. Huế còn là vùng quê cách mạng của Tố Hữu

Nhà thơ xuất thân từ những hoạt đông yêu nước trong phong trào học sinh Huế.

Năm 1936, học Thành chung năm thứ hai, Nguyễn Kim Thành được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cộng sản (sau đổi thành Đoàn Thanh niên Dân chủ).

Người đoàn viên tích cực ấy đã tham gia vận động trường Trung học Khải Định bỏ học phí, cải cách chế độ thi cử. Chính ông đã lãnh đạo nhân dân tham gia đón phái viên Chính phủ Pháp là Godart của Mặt trận Bình dân (Front Populaire) để đòi quyền dân sinh, dân chủ. Vì vậy, ông đã bị đuổi khỏi nội trú, bị cắt học bổng, phải đi làm gia sư ở xóm lao động Chợ Cống, Đập Đá.

Chỉ một năm sau lễ kết nạp Đảng, Tố Hữu trở thành Thành ủy viên Huế, phụ trách công tác tuyên truyền và thanh niên. Lúc này, sáng tác của nhà thơ tập trung vào hai mảng lớn: Một là loạt bài chống chiến tranh, ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật, khơi gợi tinh thần dân tộc (Ly rượu thọ, Đông Kinh nhuộm máu, Tình thương với chiến tranh). Mảng khác là những bài có tính luận chiến và quan điểm học thuật như đã nêu trên. Riêng Những người không chết tặng anh lính Nguyễn Chí Diểu trong đám tang như cuộc biểu tình lớn của hàng vạn người với băng rôn mang dòng chữ tôn vinh “Người chiến sĩ cách mạng vì nước, vì dân”.

Tố Hữu bị bắt và bị đem xét xử ở tòa án Nam Triều, chịu án tù giam hai năm và quản thúc hai năm. Từ đây mở ra trang mới cho sáng tác về thơ nhà tù. Trong tù, do đấu tranh chống khủng bố, Tố Hữu lại bị xét xử theo bản án mới. Nhà thơ lĩnh thêm sáu tháng tù và bị đày đi Lao Bảo. Mãn hạn tù hai năm (4/1941),Tố Hữu lại bị tăng án đi đày an trí tại trại tập trung Đaklei, Bắc Kontum.

Ngày 12/3/1942, Tố Hữu cùng bạn tù vượt ngục, về kết nối hoạt động bí mật tại Thanh Hóa. Nhà thơ thành lập Tỉnh ủy lâm thời, làm Bí thư. Cơ quan Tỉnh ủy - đồng thời là tòa soạn báo Đuổi giặc nước. Trách nhiệm ngày càngcao, Tố Hữu tham gia Hội nghị Xứ ủy Bắc kỳ (1943, 1944) và lãnh đạo chiến khu Quang Trung (ba tỉnh: Hòa Bình - Ninh Bình - Thanh Hóa). Nhà thơ lại tiếp tục tuyên truyền, vận động quần chúng đấu tranh chống lệnh nhổ lúa trồng đay, phá kho thóc của Nhật để cứu đói, đồng thời gấp rút tổ chức các đội tự vệ và phát triển tổ chức của Đảng, phát động cao trào Việt Minh ở các địa phương.

Năm 1945 đánh dấu những hoạt động tích cực, khẩn trương tiến tới Tổng khởi nghĩa của Tố Hữu. Với tư cách Phó Bí thư Xứ ủy, ông lên kế hoạch khởi nghĩa ở Thanh Hóa, Vinh, Quảng Bình, Quảng Trị và Huế.

Ngày 23 tháng 8 lịch sử, Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên Huế Tố Hữu đã lãnh đạo thành công cuộc nổi dậy của đông đảo quần chúng nhân dân. Sự kiện này đã được thuật lại đầy đủ và sinh động qua các trang hồi ức(4): “Khoảng 10 giờ sáng ngày 23/8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, tôi viết một tối hậu thư cho Bảo Đại với ba nội dung chính... 2/ Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và vua Bảo Đại phải tuyên bố thoái vị ngay... Đợi đến 2 giờ chiều, 10 vạn người toàn thành phố và các huyện xung quanh đã tập trung về sân vận động Huế. Khắp các đường lớn nhỏ và cả sông Hương đều đỏ rực cờ. Có lẽ trong lịch sử ở Thừa Thiên - Huế chưa có một ngày hội nào lớn và đẹp đến thế...”. Khi tuyên bố xóa bỏ chính quyền Bảo Đại và vua Bảo Đại sẵn sàng thoái vị để chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân: “Hàng vạn người hô vang như sấm “Việt Nam độc lập muôn năm! Chính quyền nhân dân muôn năm!”.

Sau đó, Tố Hữu chứng kiến lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Phái đoàn Chính phủ nhận ấn, kiếm. Chính trong những ngày này, Tố Hữu viết Huế tháng tám để nói lên niềm vui say thần thánh của toàn dân:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gãy
Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!
…Ngực lép bốn ngàn năm, trưa nay cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời.
…Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!

Nhà thơ cách mạng trẻ tuổi như mê đi trong “dòng người cuộn thác” để đắm mình vào hạnh phúc: “Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc”.

Đúng là chỉ riêng với sự kiện lịch sử tại Huế, Tố Hữu đã dựng được kỳ tích bất hủ một đời. Tuy nhiên, với nhà cách mạng trẻ tuổi, đây mới chỉ là chiến công bước đầu. Tố Hữu là người lĩnh xướng cho khúc ca vĩ đại Huế tháng Tám.

*

Huế với Tố Hữu là nơi đan lồng ba vùng quê: cội nguồn nội ngoại, xứ sở thơ ca và vùng miền khởi nguồn cho hoạt động cách mạng. Cũng tại nơi đây, Tố Hữu có ba bà mẹ. Bà mẹ sinh thành, bà mẹ Đảng và mẹ-quê hương cũng là tượng trưng cho Đất nước “Sông núi của ta ơi”.

Tố Hữu tự hào về Huế.

Huế là tất cả tình yêu, là tất cả nỗi niềm một đời Tố Hữu.

Hòa bình lập lại, ăn cái tết thanh bình đầu tiên ở Hà Nội, dạo giao thừa trên phố Huế(5) “Bỗng nhiên, nghe đau nhói trong tim một nỗi buồn không chịu nổi “Tôi liền trở về nhà, và cả đêm ấy tôi viết bài Quê mẹ trong nước mắt thương nhớ về quê hương đang rên xiết dưới ách bọn ngụy quyền bán nước:

Lửa chiến tranh nay đã tắt rồi
Mà lòng ta vẫn cháy không nguôi
Mẹ ơi, dưới đất còn chua xót
Những tiếng giày đinh đạp núi đồi

Hai mươi năm nhà thơ sống trong cảnh “Ngày Bắc, đêm Nam”. Bởi vì Huế là Phía mẹ, phía quê nhà (Chế Lan Viên). Huế - đồng nghĩa với miền Nam ruột thịt. Năm 1963, khi viết bài thơ như rút ruột Miền Nam, Tố Hữu cũng gửi nỗi đau và niềm tin với quê Nam.

Trong chuyến đi thị sát chiến trường miền Nam, Tố Hữu có một nỗi lòng đằm thắm với Huế:

Nỗi niềm chi rứa Huế ơi!
Mà mưa xối xả trắng trời Thừa Thiên
... ...
Huế mình đẹp nhất lòng dân
Mùa Thu khởi nghĩa, mùa Xuân dậy thành
                                   
(Nước non ngàn dặm)

Bài ca quê hương là bài ca chiến thắng riêng - chung: “Huế ơi đẹp lắm quê nhà/ Câu Nam ai hóa bài ca anh hùng/ Ai đi qua đó miền Trung/ Xin mời ghé lại, vui cùng Huế tôi!”. Bài thơ được ghi chú Kỷ niệm tháng 5/1975.

Vào buổi hoàng hôn của cuộc đời vẫn là mối tình thủy chung ân nghĩa - Vui, buồn, thương nhớ, ngậm ngùi xen trộn trong hoài niệm ngay cả khi đặt chân lên mảnh đất thân thuộc từ tấm bé.

Giữa ngày xuân năm 1980, ông làm thơ Tặng Đảng thân yêu tròn 50 tuổi vẫn là tâm tình chuyện riêng chung. Mưa như một điệp khúc buồn về Huế: “Ôi những ngày xưa. Mưa xứ Huế/ Mưa sao buồn vậy, quê hương ơi!”. Kỷ niệm ùa dậy từ ngày nảo ngày nào: “Mẹ của con! Hơi ấm những ngày”. Khi Nhớ về Anh, nhà thơ lại gợi nhắc những dòng chữ như ánh sáng mặt trời: “Từ trang sách Hàng Bè/ Đến trường đời Cách mạng” - cũng là nhắc tới “Cánh tay của người Anh” Lê Duẩn.

Kết hợp làm nhiệm vụ và khảo sát thực tế, Tố Hữu làm nhiều chuyến đi về Nam và nhiều dịp đi thăm Huế. Anh cùng em trở lại rất kỹ lưỡng những kỷ niệm từ “Tuổi thơ ngây, trong trẻo yêu đời”. Anh chẳng quên một thời hoạt động sôi nổi hào hùng và “lao tù lạnh lẽo cùm gông”. Nỗi đau của quê hương ba mươi năm “Tan nát Thanh Lương, xơ xác Phù Lai” như được vơi đi phần nào trong cảnh tượng ngày nay: “Nhà ngói mới đỏ au màu chiến thắng”. Trong bao nhiên năm, Tố Hữu có một nỗi ân hận là phần mộ của người mẹ còn để ở làng, trên một cái gò nhỏ. Lần nào về quê, nhà thơ cũng thắp hương cho mẹ ở đó. Sau này, ông mới đưa được mộ cụ lên núi cạnh nghĩa trang liệt sĩ thành phố, xây cất đàng hoàng:

Trăm lạy mẹ, nấm mồ lạnh vắng
Xin rước Người lên nghỉ chốn Thiên Thai

Người bạn đời của ông ghi trong tập Hồi ký: “Từ đó, lần nào về Huế, Anh cũng ra mộ ngồi hàng giờ và nói chuyện với Mạ như khi cụ còn sống: “Mạ ơi, thằng út vô thăm Mạ đây”. Anh cứ ngồi bần thần ôn lại những kỷ niệm xưa và lắng nghe chim cu cườm gáy”(6). Ta nhớ Tố Hữu có Nghe cu cườm gáy viết ngày 24/3/2000 và Về quê ngày 25/3/2000. Tố Hữu là một tâm hồn hết sức nhạy cảm. Chỉ ngó dòng nước xanh là nhà thơ đã nhớ tới nhân tình thế thái xứ Huế, nghe “Ngọt ngào tiếng “dạ” cứ như cho” là lòng lại dấy lên “Chao ôi, xa Huế càng thương Huế”. Khi thấy mưa tuôn, gió giật miền xa là ông lại đau xót “Ngày đêm xé ruột, tiếng người yêu thân!”, và lại ước ao “Huế ơi! Khổ cực muôn vàn/ Ước gì góp được một bàn tay con” (Cùng miền Trung và quê hương). Ngày nay niềm vui, tự hào vẫn là âm điệu chính trong bản nhạc, khúc ca quê hương. Chuyện em là chuyện quê hương:

Ầm ầm biển lửa nhân dân
Đẹp như Huế dậy đầu xuân đỏ cờ

Một đời Tố Hữu vẫn thấm đượm “Tháng tám xanh” với “Hương Giang dìu dịu áo thiên thanh”. Huế lại huy hoàng là ấn tượng nổi bật tâm hồn thơ. Như đã nêu, thơ về Huế của Tố Hữu thường gắn quê với mẹ thành Quê mẹ. Con sông Hương là hình ảnh nổi bật như một hình tượng xuyên suốt thi đề quê hương.

Bình sinh, Tố Hữu đã có dịp để đền ơn, đáp nghĩa quê hương phần nào. Nhân dịp Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức tặng thưởng cao quý cho các tác giả có đóng góp văn hóa - nghệ thuật cho địa phương, Tố Hữu đã gửi lại toàn bộ tiền thưởng cho tỉnh để tặng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó. Khi ông mất, thực hiện nghĩa cử cao đẹp và tâm nguyện một đời vì thế hệ trẻ của ông, từ nhiều năm nay, gia đình đã lập Quỹ học bổng Tố Hữu thường niên với số tiền lớn trao cho sinh viên Khoa Ngữ Văn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, và đặc biệt hơn là trao cho học sinh nghèo học giỏi cho hai trường mang tên Tố Hữu ở quê hương Quảng Điền và thành phố Huế(7).

Huế và nhiều thành phố lớn đã có đường phố mang tên Tố Hữu. Thủ đô Hà Nội đã lựa chọn quyết định một con đường tầm vóc bề thế xứng đáng để đặt biển tên nhà thơ lớn Tố Hữu. Tuy nhiên, Con đường thơ Tố Hữu trong lòng người đã được mở từ lâu. Đó là một con đường “tự do cuồn cuộn” luôn hướng cho ta đi tới chân trời xán lạn trong Đời và trong Thơ.

Đ.T.H
(TCSH380/10-2020)

 

-----------------------------
 (1), (2), (3), (4), (5) Tố Hữu - Nhớ lại một thời - Nxb. Văn hóa Thông tin, 2002 - Hà Nội, 2007.
(6) Vũ Thị Thanh - Ký ức người ở lại - Nxb. Văn học, Hà Nội, 2012.
(7) Xem Đoàn Trọng Huy - Tố Hữu Nhà cách mạng, Nhà thơ, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2012.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng