MAI VĂN ĐƯỢC - NGUYỄN HUỲNH BẢO NGỌC
Thần núi Hải Vân là một nhiên thần, được thờ cúng tại miếu Trấn Sơn (đền thần Hải Vân), nằm dưới chân núi Hải Vân. Ở làng An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) hiện nay vẫn còn lưu giữ các di sản liên quan đến việc thờ cúng vị thần này.
1. Núi Hải Vân cao gần 500m, chạy ăn lan ra sát biển. Hải Vân vừa là một thắng cảnh vừa có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Ngọn núi này được Ô châu cận lục chép như sau: “Núi Hải Vân ở huyện Tư Vinh, có cửa ải Hải Vân, bên dưới sát bờ biển, bên trên dựng thấu tầng mây. Núi phân chia đường Nam Bắc, mây đưa đón khách vãng lai, vách đá cao ngất, là ranh giới giữa Thuận Hóa và Quảng Nam. Từ địa phận Thuận Hóa men đường mà đi ước hơn một ngày mới tới địa phận Quảng Nam. Đúng là nơi xung yếu của hai đạo, nên đã có quan ải để phòng bị”1. Chúa Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1724) khi đi tuần ở Quảng Nam, qua núi Hải Vân có ngự đề bài thơ rằng:
Việt Nam hiểm ải thử sơn điên,
Hình thế hồn như Thục đạo thiên,
Đãn kiếm vân hoành tam tuấn lãnh,
Bất tri nhân lại kỉ trùng niên.
Tạm dịch:
Việt Nam hiểm nhất đỉnh này thôi,
Hình thế như đường Thục cao vời,
Chỉ thấy mây giăng ba đỉnh núi,
Không hay mình ở chín tầng mây2.
Khi Triều Nguyễn được lập nên và Huế được chọn làm kinh đô của cả nước, Hải Vân trở thành cửa ngõ quan trọng bậc nhất ở phía Nam của kinh đô Huế. Chính vì vậy, nhiều công trình được xây dựng ở ngọn núi này, như đặt cửa ải, đặt lính canh giữ… Năm Minh Mạng thứ 7 (1826), cho xây dựng cửa quan Hải Vân. Ban đầu đặt một viên Phòng thủ úy và biền binh thường trú, mỗi tháng một lần thay đổi. Năm 1836, tăng lên hai viên Phòng thủ úy, mỗi tháng một lần thay đổi, còn biền binh thì 15 ngày một lần thay đổi. Lại cấp cho ống nhòm thiên lí để quan sát ngoài biển, hễ có thấy ghe thuyền ngoại quốc vào đậu ở vũng biển Đà Nẵng, thì trên cửa quan phải báo cáo trước. Vua Minh Mạng cho khắc hình cửa quan Hải Vân lên Dụ đỉnh3. Không những chú trọng về vấn đề quân sự, Triều Nguyễn còn chú trọng đến vấn đề tín ngưỡng. Bởi lẽ, núi Hải Vân được coi là nỗi khiếp sợ của người đi đường khi phải đi qua nơi này. Đường núi Hải Vân cheo leo, hiểm trở, có nhiều thú dữ, đường thủy lại có sóng thần, ghe thuyền đi qua hay bị chìm đắm, nên có câu ca dao: “Đi bộ thì khiếp Hải Vân/ Đi thuyền thì khiếp sóng thần hang Dơi4”.
Để an dân, dưới thời Minh Mạng (1820 - 1840), Triều Nguyễn cho xây dựng đền thờ thần núi Hải Vân. Việc này được chép trong Đại Nam nhất thống chí như sau: “Đền thần Hải Vân: Ở ấp An Cư, thờ thần núi Hải Vân, dựng năm Minh Mạng”5. Trong chuyến điền dã vào tháng 2/2020, được sự giúp đỡ của các bác trong Ban điều hành làng An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) chúng tôi đã tìm ra ngôi đền này. Đền thờ thần núi Hải Vân nằm dưới chân núi Hải Vân, ở bờ Nam sông An Cư (một khúc sông ngắn chảy từ đầm An Cư ra cửa biển Hải Vân). Đền được người dân ở làng An Cư Đông gọi là miếu Trấn Sơn, mặt quay về hướng Bắc, được xây bằng gạch vồ, đá, trát vôi, bên trong chia làm ba gian, phía trước có bình phong. Bên trái ngôi đền còn có một miếu nhỏ. Ngôi đền này trải qua quá trình lịch sử lâu năm, chiến tranh tàn phá nên bị xuống cấp. Do đó, đền được nhiều lần trùng tu. Đợt trùng tu gần đây nhất là vào năm 2012 - 2013.
Triều Nguyễn còn ban tặng sắc phong cho thần núi Hải Vân. Hiện nay, tại đình làng An Cư Đông đang lưu giữ ba sắc phong do Triều Nguyễn ban tặng cho thần núi Hải Vân, hai sắc phong thời Thiệu Trị và một sắc phong thời Tự Đức. Sắc phong được làm từ chất liệu giấy long đằng, chữ viết chân phương. Do trải qua chiến tranh và việc bảo quản chưa được tốt nên ba sắc phong này bị hư hỏng rất nhiều. Tuy nhiên, nội dung được viết trên sắc phong phần lớn đều còn đọc được, chỉ bị mất một số chữ; một số khác bị rách nhưng vẫn có thể ghép các mảnh lại với nhau. Dưới dây là nội dung của ba sắc phong này6.
- Sắc phong thần núi Hải Vân ban ngày mồng chỉ tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842)
Nguyên văn:
敕海雲山神護國庇民稔著靈應明命貳拾壹年値我聖祖仁皇帝五旬大慶節欽奉寶詔覃恩禮隆登秩肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈雄峙静鎮海雲山神神其相佑保我邦家
欽哉
紹治貳年捌月初柒日
Phiên âm:
Sắc: Hải Vân sơn thần hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên, trị ngã Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế Ngũ Tuần Đại Khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Hùng Trì Tĩnh Trấn Hải Vân sơn thần. Thần kì tương hựu, bảo ngã bang gia. Khâm tai!
Thiệu Trị nhị niên bát nguyệt sơ thất nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho: thần núi Hải Vân, giữ nước giúp dân, linh ứng rõ rệt đã lâu. Năm Minh Mạng thứ 21 (1840), gặp đúng vào dịp lễ Ngũ Tuần Đại Khánh của Thánh Tổ Nhân Hoàng Đế7 ta, kính vâng bảo chiếu ra ân rộng rãi, lễ lớn nên gia tăng cấp bậc. Đến nay, Trẫm nhận mệnh lớn, nghĩ đến công ơn của thần, nên tặng thêm: Hùng Trì Tĩnh Trấn Hải Vân sơn thần. Thần hãy che chở, bảo vệ cho đất nước ta. Kính đấy!
Ngày mồng 7 tháng 8 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).
- Sắc phong thần núi Hải Vân ban ngày mồng 9 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842)
Nguyên văn:
敕雄峙静鎭海雲山神護國庇民稔著靈應節經蒙給贈敕準許奉事肆今丕膺耿命緬念神庥可加贈雄峙静鎭敦厚海雲山神神其相佑保我邦家
欽哉
紹治貳年玖月初玖日
Phiên âm:
Sắc: Hùng Trì Tĩnh Trấn Hải Vân sơn thần hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng, tiết kinh mông cấp tặng sắc, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Hải Vân sơn thần. Thần kì tương hựu, bảo ngã bang gia. Khâm tai!
Thiệu Trị nhị niên cửu nguyệt sơ cửu nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho: Hùng Trì Tĩnh Trấn Hải Vân sơn thần, giữ nước giúp dân, linh ứng rõ rệt đã lâu, từng được ban tặng sắc, chuẩn cho thờ phụng. Đến nay, Trẫm nhận mệnh lớn, nghĩ đến công ơn của thần, nên tặng thêm: Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Hải Vân sơn thần. Thần hãy che chở, bảo vệ cho đất nước ta. Kính đấy!
Ngày mồng 9 tháng 9 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842).
- Sắc phong thần núi Hải Vân ban ngày mồng 3 tháng 7 năm Tự Đức thứ 3 (1850)
Nguyên văn:
敕海雲山神原贈雄峙静鎭敦厚中等神護國庇民稔著靈應從前建有耑祠節蒙頒給[…]敕準許奉事肆今丕膺耿命緬念神庥[…]加贈雄峙静鎭敦厚聳拔中等神神其相佑保我黎民
欽哉
嗣德叁年柒月初叁日
Phiên âm:
Sắc: Hải Vân sơn thần nguyên tặng Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Trung đẳng thần, hộ quốc tí dân, nẫm trứ linh ứng. Tòng tiền kiến hữu nhi từ, tiết mông ban cấp [tặng] sắc, chuẩn hứa phụng sự. Tứ kim phi ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, [khả] gia tặng Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Tủng Bạt Trung đẳng thần. Thần kì tương hựu, bảo ngã lê dân.
Khâm tai!
Tự Đức tam niên thất nguyệt sơ tam nhật.
Dịch nghĩa:
Sắc cho: thần núi Hải Vân, vốn được tặng là Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Trung đẳng thần, giữ nước giúp dân, linh ứng rõ rệt đã lâu. Trước đây có dựng miếu thờ ở trên núi, từng được ban tặng sắc, chuẩn cho thờ phụng. Đến nay, Trẫm nhận mệnh lớn, nghĩ đến công ơn của thần, nên tặng thêm: Hùng Trì Tĩnh Trấn Đôn Hậu Tủng Bạt Trung đẳng thần. Thần hãy che chở, bảo vệ cho dân của ta. Kính đấy!
Ngày mồng 3 tháng 7 năm Tự Đức thứ 3 (1850).
2. An Cư Đông là ngôi làng nằm dưới chân núi Hải Vân, một phần núi Hải Vân thuộc địa phận của làng này. Làng An Cư Đông và An Cư Tây vốn chung một làng, được hình thành khoảng thế kỷ XVII với tên gọi là Phước An Cây Mít tộc. Sau đó trải qua hai lần đổi tên, Phước An Kiều Cư rồi An Cư. Đến cuối thế kỷ XIX, An Cư Đông và An Cư Tây tách thành hai làng. Người dân An Cư Đông xưa lấy hai nghề chính làm kế mưu sinh là đánh bắt thủy hải sản (ngư phủ) và khai thác rừng (tiều phu). Ngoài việc giữ các sắc phong của triều Nguyễn ban cho thần núi Hải Vân, làng An Cư Đông hiện nay vẫn còn lưu giữ tục lệ thờ cúng thần núi Hải Vân gắn liền với nghề khai thác rừng.
Nghề khai thác rừng là một nghề quan trọng trong cuộc sống của người An Cư Đông xưa. Ngôi làng này không có đất đai để trồng trọt, cuộc sống của họ dựa hết vào việc khai thác nguồn lợi từ tự nhiên ở vùng biển, đầm An Cư và núi Hải Vân. Xuất phát từ đặc điểm như vậy nên tín ngưỡng thờ cúng các vị thần tự nhiên ở An Cư Đông khá đậm nét. Hằng năm, vào ngày mồng 6 Tết ở làng An Cư Đông diễn ra lễ Khai sơn và lễ hội Cầu mùa (còn gọi là lễ Hạ vụ). Lễ Khai sơn gắn với nghề khai thác rừng và tín ngưỡng thờ thần núi Hải Vân. Vào ngày này, từ sáng sớm tinh mơ, làng sẽ tiến hành tế thần núi Hải Vân ở miếu Trấn Sơn (đền thần Hải Vân). Trước đây, cầu bắc qua sông An Cư chưa được xây dựng, đoàn tế lễ đi thuyền qua miếu làm lễ cúng tế. Ngày nay, khi giao thông đường bộ đã thuận lợi, phương tiện đi lại được thay bằng xe máy. Lễ tế do ông hội chủ làng làm chủ tế. Các phẩm vật được dâng lên như gà, xôi, cau trầu, rượu, hương đèn, giấy tiền… Họ cầu cho một năm khai thác rừng được thuận lợi, ăn nên làm ra và khai thác được bình an, không xảy ra tai nạn hay bị thú rừng tấn công. Lễ Khai sơn chính là lễ mở cửa rừng. Sau lễ này, người dân trong làng mới được phép lên rừng làm công việc của mình. Tuy rằng ngày nay người dân An Cư Đông không còn làm nghề khai thác rừng như trước đây nữa, nhưng lễ Khai sơn tại miếu Trấn Sơn vẫn diễn ra theo thường lệ của làng. Tiếp sau lễ Khai sơn chính là lễ hội Cầu mùa gắn với nghề khai thác thủy hải sản. Sau phần lễ tế để cầu cho một năm đánh bắt nhiều tôm cá là lễ hội đua ghe diễn ra trên sông An Cư, khán đài ở trước đình làng. Lễ hội đua ghe cũng là dịp vui chơi, tiệc tùng trong cả làng trước khi bắt đầu vào vụ đánh bắt mới trong năm.
Vào ngày 25 tháng Chạp hằng năm, tại miếu Trấn Sơn, làng An Cư Đông tiến hành làm lễ đóng cửa rừng. Sau lễ này, người dân trong làng không được phép lên rừng làm việc.
Thần núi Hải Vân là một nhiên thần, được Triều Nguyễn ban tặng sắc phong xếp vào hàng trung đẳng thần và xây dựng đền thờ phụng cho thấy tầm quan trọng của vị thần này trong tín ngưỡng của người Việt. Không những vậy, nó còn góp phần khẳng định tầm quan trọng của “Hải Vân quan - Hải Vân sơn” đối với vùng đất kinh đô trong cách nhìn nhận, đánh giá của Triều Nguyễn. Các di sản đền thờ, sắc phong, lễ Khai sơn, lễ đóng cửa rừng vẫn còn tồn tại là minh chứng chân xác cho sức sống của tín ngưỡng thờ cúng thần núi Hải Vân ở một ngôi làng đang bị đô thị hóa nhanh chóng như An Cư Đông (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế).
M.V.Đ - N.H.N.B
(SHSDB38/09-2020)
---------------
1. Dương Văn An (2015), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh dịch, hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 24.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb. Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xb, Hà Nội, tr. 114.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Sđd, tr. 139.
4. Sđd, tr. 114.
5. Sđd, tr. 132.
6. Các bản phiên âm và dịch nghĩa này được sự góp ý, hiệu đính của hai anh Nguyễn Công Trí và Võ Khắc Vãng. Nhân đây, chúng tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ quý báu này.
7. Tức vua Minh Mạng.
_______________
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn An (2015), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh dịch, hiệu đính, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2012), Đại Nam nhất thống chí, tập 1, Nxb. Lao Động, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xb, Hà Nội.