Ai ra xứ Huế
Giấc mơ về những tao đàn, thi xã…
15:04 | 22/01/2021

THANH TÙNG   

Ý tưởng thành lập Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế được nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết là đã có từ rất lâu mà nay mới thành hiện thực.

Giấc mơ về những tao đàn, thi xã…
Ban chấp hành Hội ra mắt

Quá trình vận động thành lập vô cùng khó khăn, nhưng vì lòng yêu Huế nên ban vận động đã động viên nhau vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hội đủ các điều kiện, được chính quyền cho phép thành lập và tổ chức đại hội đúng quy trình, đúng thời điểm thích hợp nhất.

Mục tiêu của việc thành lập Hội là để góp phần cùng các cơ quan chức năng nghiên cứu, giữ gìn và phát huy tốt nhất những giá trị di sản. Cũng có thể hiểu là những nghiên cứu bảo tồn và phát triển di sản văn hóa Huế từ trước tới nay chưa tương xứng với tiềm năng vốn có vì nhiều lý do, trong đó có lý do về phương pháp và nguồn nhân lực. UBND tỉnh rất quan tâm và sớm ra quyết định cho phép thành lập Hội là minh chứng cho chủ trương xã hội hóa công tác nghiên cứu, bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế với mong muốn được cả xã hội đồng hành cùng Nhà nước trong lĩnh vực này.

Vì vậy Hội Nghiên cứu và Phát triển Di sản Văn hóa Huế đã và sẽ là nơi tập hợp những người yêu Huế, yêu di sản văn hóa Huế và các chuyên gia hoạt động sưu tầm, nghiên cứu, bảo vệ, phát triển di sản thành tài sản, tham gia phản biện khoa học các công trình nghiên cứu phát triển di sản văn hóa Huế, góp phần làm cho Huế ngày càng đẹp hơn và luôn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng vốn có trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.

Trong dự thảo điều lệ và phương hướng hoạt động mọi người có thể thấy được Hội có tham vọng tìm kiếm các giải pháp nhằm bảo tồn thích nghi và đưa ra các ý tưởng biến các giá trị văn hóa Huế thành sản phẩm có giá trị thực tiễn trong các hoạt động dịch vụ - du lịch nhằm nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho người dân. Đó là những định hướng rất tích cực và rất thực tế.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng đã nhấn mạnh trong phát biểu chúc mừng đại hội: Lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ ai cũng trăn trở tìm hướng để phát triển đô thị di sản. Huế chưa phát triển như mong đợi là dấu hỏi lớn cho quốc gia, quốc tế chứ không riêng gì người Huế. Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ, đánh giá lại những bất cập, hạn chế cũng như các rào cản trong quá khứ, khách quan nhìn nhận và tìm cách phát triển Huế xứng đáng với vai trò, vị thế. Huế không thể phát triển theo kiểu nhảy cóc mà phải dựa trên nền tảng di sản. Mô hình đô thị Thừa Thiên Huế trong tương lai là mô hình đô thị di sản văn hóa, thân thiện môi trường, lấy du lịch làm kinh tế mũi nhọn, y tế, giáo dục làm nền tảng và công nghệ làm mũi đột phá. Đây là chiến lược phát triển phù hợp trong giai đoạn tới nhằm quy tụ trí tuệ của người Huế và quốc gia, quốc tế để tham gia xây dựng phát triển Huế. Phải làm sao để nâng cao giá trị vùng đất và con người Huế? Làm sao để những người yêu Huế, yêu giá trị văn hóa di sản của Huế được cùng chung tay góp sức xây dựng phát triển Huế trong tương lai! Mong rằng các thành viên của Hội cùng chung một ý chí trong việc phát huy giá trị di sản hướng đến góp phần thăng hoa giá trị văn hóa Huế và người Huế được hưởng thụ tốt nhất các giá trị này.

Cá nhân người chấp bút bài viết ngắn này rất tâm đắc với những Hội xã hội tự nguyện, tự chủ và tự trang trong mọi hoạt động, tồn tại không dựa vào ngân sách Nhà nước mà dựa vào sự cống hiến của hội viên và đem lại những hiệu quả rất thiết thực. Chẳng phải là ở đất thần kinh này từ đầu thế kỉ XX đã từng có Hội những người bạn Cố đô, do Linh mục Cadière sáng lập và đã xuất bản tập san BAVH ra liên tục từ năm 1914 cho đến năm 1944. Linh mục Cadière đã cộng tác thường xuyên với nhiều nhà văn hóa ở Hà Nội và ở Huế, trong đó có nhiều linh mục, các quan chức người Pháp, quan chức Nam triều, các bậc thức giả người Việt đương thời như các cụ Thượng thư Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài, Ngô Đình Khả; các hoạ sĩ bậc thầy Lê Văn Miến, Tôn Thất Sa; các học giả Nguyễn Đình Hòe, Nguyễn Tiến Lãng, Đào Duy Anh…

Trước đó Huế cũng đã có Mạc Vân thi xã nổi tiếng do ông Hoàng thơ Tùng Thiện Vương Miên Thẩm thành lập vào năm 1850. Thi xã Mặc Vân được đặt ngay tại Kí Thưởng Viên (Phủ Tùng Thiện Vương). Ngoài các tài hoa thi tứ tại kinh đô còn có nhiều văn nhân thi sĩ đã nổi tiếng của cả nước tham gia như: Cao Bá Quát, Nguyễn Văn Siêu, Phan Thanh Giản… Thập niên 1930 có Hương Bình thi xã do cụ Ưng Bình Thúc Giạ Thị sáng lập và chủ súy. Hương Bình thi xã không chỉ là diễn đàn xướng họa văn thơ mà còn có cả một không gian sinh hoạt của Ca Huế và sân khấu Tuồng.

Tôi có một giấc mơ là Huế sẽ kế thừa những tinh hoa, truyền thống hoạt động nghệ thuật để có những “tao đàn”, những “thi xã”, có hội những người bạn cố đô với những dấu ấn mới bắt nhịp cùng sự phát triển của cả tỉnh, đưa tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương như tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, dựa trên nền tảng di sản văn hóa vốn có.

T.T  
(SHSDB39/12-2020)




 

Các bài mới
Các bài đã đăng