NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG
Dưới thời Nguyễn, vào mùa xuân, có khá nhiều đại lễ được tổ chức như lễ Ban Sóc (phát lịch), lễ Tiến Xuân, lễ Thướng Tiêu, lễ Nguyên Đán, lễ Thiên Xuân, v.v tổ chức từ ngày 25 tháng Chạp đến ngày 7 tháng Giêng.
Người xưa nhận thức rằng việc chuẩn bị Tết quan trọng không kém việc vui Tết. Do vậy, cuối năm và trước Tết nhiều nghi lễ được diễn ra với những hình thức trọng thể. Ngay từ ngày mồng 1 tháng Chạp, triều đình đã tổ chức lễ Ban sóc. Trước đây, lễ Ban sóc này chỉ được tổ chức tại điện Thái Hòa, nhưng vào năm Tân Sửu (1841), vua Minh Mạng cho tổ chức ở Ngọ Môn với các nghi tiết mang tính đại lễ. Các loại lịch được tiến vào cung để Hoàng gia dùng như long lịch, phượng lịch, loan lịch; loại lịch được phát cho các thân công, hoàng tử là lịch Vạn niên thọ; loại lịch được phát cho quan ở Kinh thành, quan địa phương là lịch Hiệp kỷ, Vạn toàn. Sau khi các quan đầu tỉnh được nhận lịch, các viên này có nhiệm vụ tổ chức họp các huyện quan lại để lĩnh quan lịch để phát cho thần dân.
Khâm Thiên Giám sẽ trực tiếp in và cấp phát lịch ở Kinh đô cùng các tỉnh phía nam đến Khánh Hòa, phía bắc đến Thanh Hóa. Còn các tỉnh từ Ninh Bình trở ra, từ Bình Thuận trở vào sẽ do hai tỉnh Nam Định và Hà Nội phụ trách cấp phát lịch. Tất nhiên mẫu lịch đều do Khâm Thiên Giám cung cấp. Năm 1807, vua Gia Long ban chiếu chỉ rằng: “Gia Định, Bắc Thành hàng năm ban lịch, lính trạm dân phu đài đệ khó nhọc, đường xá xa xôi, nên việc ban phát chưa rộng. Từ nay, hằng năm, thượng tuần tháng 5, chọn hai viên đến Kinh lĩnh bản thảo đem về theo mẫu khắc in ra, Gia Định 13.001 quyển, Bắc Thành 20.000 quyển”1.
Hoạt động của cơ quan Khâm Thiên Giám nói chung cũng như việc biên soạn, in ấn lịch cho toàn quốc thời Nguyễn, đặc biệt là lễ Ban Sóc được tổ chức trước Tết có ý nghĩa rất thiết thực đối với nước ta, nhất là phục vụ cho hoạt động nông nghiệp thời bấy giờ. Người Việt xưa lấy kinh tế nông nghiệp làm trọng, nên quyển lịch đối với đời sống con người lại có ý nghĩa đặc biệt. Xem lịch để theo dõi thời gian, thời tiết mà làm nông vụ. Xem lịch để biết được sự thay đổi tiết trời mà ứng phó, phòng tránh thiên tai. Sau lễ Ban sóc, vào tiết lập xuân, có một cuộc lễ khác không kém phần quan trọng đó là lễ Tiến xuân (Nhân gặp năm Sửu, chúng tôi sẽ nói kỹ ở phần sau).
Tuy nhiên, hai cuộc lễ trên chỉ là sự báo hiệu của việc kết thúc một năm cũ, đón chào một năm mới, phải một thời gian sau khi ngày Tết cổ truyền lại gần, không khí trong Hoàng Cung bấy giờ mới thật sự thấm đẫm hương vị, màu sắc của chốn lầu son gác tía.
1. Tết trong Hoàng cung thời Nguyễn
Tiếp đó, một nghi lễ rất quan trọng khác là lễ Thướng tiêu (dựng nêu). Chữ Tiêu (標) trong Thướng tiêu (上標) có nghĩa là “ngọn cây” nơi cao nhất dễ nhìn thấy2. Trước ngày Tết, triều đình làm lễ Thướng tiêu tức lễ “lên nêu” để đánh dấu cho biết ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu để mừng ngày Tết, rồi sau đó cúng những Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu, ngoài ra còn để trừ tà ma gây hại. Triều đình dựng nêu cũng để cầu cho mưa thuận gió hòa, cho dân chúng làm ăn thuận lợi.
Lễ Dựng nêu ở Thế Miếu (2020) |
Trong bài thơ “Nhân nhật” ở Ngự chế thi, hoàng đế Minh Mạng có đề cập đến cây nêu trong mùa xuân lạnh rét ở Kinh đô vào thời điểm bấy giờ:
春天何未煖
連日只添寒
冷雨淋金勝
凄風下竹竿
京霑祈霽朗
北涸願濛漫
少益而多止
霖晴兩共歡
Xuân thiên hà vị noãn,
Liên nhật chỉ thiêm hàn.
Lãnh vũ lâm kim thắng,
Thê phong hạ trúc can.
Kinh triêm kỳ tễ lãng,
Bắc hạc nguyện mông man.
Thiểu ích nhi đa chỉ,
Lâm tình lưỡng cộng đa.
Dịch thơ:
Trời xuân sao chưa ấm,
Ngày nối thêm tái tê.
Đồng lạnh thua mưa rét,
Gió buốt xuống nêu tre.
Kinh kỳ ước mau tạnh
Bắc khô cầu dầm dề.
Ít nhiều sao ngưng lại,
Mưa nắng cũng thích về.
(Hải Trung dịch)
Trong bài thơ này, vua Minh Mạng cũng đã giải thích khá chi tiết về lễ dựng nêu. Theo cổ tục đến ngày 25 tháng Chạp là ngày trừ nhật (除日) không tiếp nhận văn thư, ngày này khóa ấn (quan bửu 關 寶), nghĩa là cất ấn triện, không còn đóng dấu nữa, rồi dựng nêu (Thướng tiêu 上 標) . Đó là nghi thức dùng một cây tre trên đó lấy tranh kết bốn dọc năm ngang (tức cái lung tung), rồi treo một cái sọt bên trong đựng giấy tiền, cau trầu… để cúng Thần. Đến ngày mồng bảy tháng Giêng mới mở ấn (khai bửu 開 寶) và hạ nêu (hạ tiêu 下 標) rồi tiễn Thần (tống Thần), gọi là mở đầu năm mới.
Song bên cạnh đó, chính vua Minh Mạng cũng quan niệm rằng, đã là bậc đế vương phải theo mạnh mẽ của quẻ Càn tượng Trời không lúc nào ngưng nghỉ. Vả lại sớ chương không lúc nào không có, nếu cất ấn (hạp bửu 闔寶) lỡ có việc quân cơ quan trọng, không thể ban hành văn bản để thực hiện, nếu như dùng khống chỉ thì không phải là bửu tỉ, cáo mệnh (sắc phong, giấy khen) hoặc văn thư ở các Nha, cần thận trọng để tránh giả mạo không có gì đối chiếu, nên đã dụ rằng, các bửu tỉ căn cứ vào lệ dùng thường ngày mà chọn ngày đóng ấn, mở ấn, không câu nệ theo lệ ngày 25 và mồng 7. Lên nêu, hạ nêu tuy là tục lệ dân gian nhưng không cần đổi thay rắc rối, cứ theo như cũ. Theo ý chỉ của vua Minh Mạng, những lần lên nêu, triều đình nhà Nguyễn chỉ chọn một số ấn triện không quan trọng để bỏ vào sọt treo lên nêu cho có tính cách tượng trưng. Đến năm Tự Đức thứ 29 (1876) có sớ tâu xin dựng nêu vào giờ Thân (15g - 17g) ngày 30 tháng Chạp và hạ nêu vào giờ Thìn (7g - 9g) và mồng 7 tháng Giêng. Sau đó được Sắc chỉ của vua chọn giờ Thìn vào ngày 30 tháng Chạp và mồng 7 tháng Giêng để dựng nêu cùng hạ nêu, rồi lấy đó làm lệ không thay đổi nữa.
Như vậy trước năm Tự Đức thứ 29, lên nêu và hạ nêu vào 25 tháng Chạp và mồng 7 tháng Giêng, về sau thì lên nêu vào ngày 30 tháng Chạp, tức thời gian nghỉ Tết ngắn lại. Ở các Thượng thư đường, Thị lang đường, Tham tri đường, cũng như các cơ quan khác đều dựng nêu trước sân, theo lệ cũ có sọt tre đựng cau trầu, vàng bạc, rượu cùng ấn triện vừa để cúng Thần, mà ngưng nghỉ công việc trong những ngày Tết. Nhìn thấy cây nêu lấp ló trong Hoàng cung, nhà dân mới theo đó mà dựng nêu ăn Tết. Tú Xương đã từng nhận định thực tế này qua câu thơ với “xuân từ trong ấy ban ra” chính là hình ảnh của cây nêu:
Xuân từ trong ấy mới ban ra
Xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà
Sau ngày 25 tháng Chạp đến mồng 7 tháng Giêng (âm lịch) là thời gian vui Tết trong Hoàng cung, triều đình cho trang hoàng các cung điện để đón Tết. Đặc biệt, khu vực từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa, điện Cần Chánh cùng một số nơi ở của Hoàng gia (trong Tử Cấm Thành) là được trang trí lộng lẫy hơn cả, với các loại lồng đèn, cờ, hoa, câu đối Tết, v.v. Riêng ở điện Thái Hòa, hai bên tả hữu trong nội thất được đặt hai hương án để hạ biểu mừng của các quan đại thần và quan các địa phương. Gian giữa điện được trải chiếu hoa, làm nơi bái mạng của các hoàng thân; hai bên là vị trí của các tôn tước và quan lại từ tam phẩm trở lên; các quan từ tứ phẩm trở xuống thì đứng ở sân Đại triều; và hai bên sân được bố trí các bộ nhạc khí cùng các đội vũ sinh.
Theo định lệ từ đời Gia Long, vào ngày mồng một Tết, vua ngự ở điện Thái Hòa, đặt đại triều, bá quan làm lễ khánh hạ.
Lúc mờ sáng mồng 1, chiếc đại kỳ thêu rồng và các loại cờ khánh hỉ nhiều màu sắc đã được kéo lên và treo trang trí ở Kỳ Đài. Sau khi viên quan ở Khâm Thiên Giám báo giờ tốt, vua mặc triều phục ra điện Cần Chánh chuẩn bị. Sau đó, trong tiếng nhạc lễ (do ban Tiểu nhạc cử) cùng đội Nghi trượng, vua ngự ra điện Thái Hòa để làm lễ. Từ Ngọ Môn, chuông trống gióng lên để đón chào, vua xuống kiệu và tiến vào điện trong tiếng nhạc lễ do ban Đại nhạc cử. Chín phát đại bác báo hiệu, vua ngự ở ngai vàng và buổi lễ Khánh hạ diễn ra với nhiều nghi tiết như các quan làm lễ bái, dâng biểu mừng. Mở đầu một bài biểu mừng Tết thường có chủ đề sau: “Gặp Tết Nguyên đán, Tam dương tươi sáng; muôn vật sinh sôi. Non sông một cảnh tượng êm đềm, tiên bàn dâng Thụy; Cung khuyết ba sắc mây đầm ấm, giáp lịch mở đầu. Chúng thần thực lòng hoan hỉ, kính cẩn dâng biểu chúc mừng”3. Ngoài ra, trong những nghi tiết này còn có những tiết mục múa hát cung đình. Buổi lễ kết thúc bằng khúc Hòa bình chi chương và âm thanh rộn rã của ban Đại nhạc. Trong những buổi đại lễ như vậy, ban múa hát cung đình đều phải tấu 5 bài dùng chữ Bình như Lý Bình, Túc Bình, Khánh Bình, Di Bình và Hòa Bình.
Kế đến, vua lên kiệu về điện Cần Chánh để thực hiện phần tiếp của lễ Nguyên đán. Lúc này, hoàng thân và quan văn võ từ tứ phẩm trở lên được ban đứng hầu hai bên tả hữu sân điện. Các quan thái giám, quan bộ Lễ đưa các hoàng đệ, hoàng tử, công tử nhỏ tuổi đến mừng vua 5 lạy. Sau đó, vua truyền chỉ ban yến tiệc và tiền thưởng xuân.
Yến tiệc Tết thường được tổ chức ở điện Cần Chánh và Tả Vu, Hữu Vu vào hai ngày (mồng 1 và 2 âm lịch). Hoàng thân cùng các quan từ tứ phẩm trở lên dự vào ngày mồng 1; các quan từ ngũ phẩm trở xuống dự vào ngày mồng 2. Các quan phủ doãn, quan tỉnh thì dự tiệc yến ở Tả, Hữu Đãi Lậu Viện (ở hai bên, trước điện Thái Hòa). Tùy theo đời vua mà thành phần tham dự yến tiệc có sự thay đổi. Như năm 1846, nhân là năm có lễ Tứ tuần đại khánh tiết (sinh nhật lần thứ 40), vua Thiệu Trị ra chỉ gia ơn cho nhiều quan nhỏ như giám thành, võng thành, thủ hộ... cũng được đến dự yến tiệc. Cũng trong năm này, vua cũng ra chỉ dụ cho “con cháu các thân phiên trong Tôn Thất ở chi gần, chuẩn cho ngày mồng 3 Tết đều cho dự tiệc yến một lần ở nhà Duyệt Thị”4.
Trong các cuộc Đại yến ở Hoàng cung luôn có tấu 5 bài nhạc lễ dùng chữ Thành như Bảo Thành, Doãn Thành, Mỹ Thành, Bình Thành và Khánh Thành cùng các tiết mục múa góp vui của đội vũ sinh. Mỗi cuộc yến tiệc có không dưới 30 món ăn khác nhau với nhiều sơn hào hải vị. Sau yến tiệc, nhà vua lại thưởng bạc mừng xuân. Hoàng thân, hoàng tử mỗi người được ban trên dưới 20 lạng bạc; các quan tùy theo phẩm trật, chức tước mà được ban từ 1 đến 12 lạng bạc.
Tuy vậy, trong lịch sử đã có năm triều đình không tổ chức yến tiệc và ban thưởng trong ngày Tết Nguyên đán. Vào năm 1849, nhận được sớ tấu của Khâm Thiên Giám, vua Tự Đức có dụ rằng: “Ngày mồng 1 tháng Giêng sang năm sẽ có nhật thực. Trẫm cho rằng, nhật thực tuy là độ thường số, thường kỳ (của mặt trời), nhưng gặp buổi đầu năm, vua tôi ta phải nên cảnh tỉnh trước sự việc này để được lòng trời (...). Vậy tiết lễ chánh đán sang năm, các khoản triều hạ ban yến, ban phẩm vật đều cho đình chỉ để tỏ ý kính trời”5.
Sau các cuộc lễ này, nhà vua cùng các đại thần đưa các hoàng tử đến cung Diên Thọ (trước đây có tên là Từ Thọ) dâng biểu chúc mừng Hoàng Thái Hậu (mẹ của vua) và làm lễ Khánh hạ.
Bên cạnh những ngày vui chơi tiệc tùng, thăm hỏi, chúc tụng... diễn ra trong Hoàng cung là các cuộc tế lăng miếu, du xuân... của Hoàng gia được tổ chức với sự tham dự của nhiều thành phần trong hoàng gia, hoàng tộc, phi tần, cung giai, v.v. Đến ngày mồng 7 tháng Giêng (âm lịch), triều đình tổ chức lễ Hạ tiêu khai ấn. Các cây nêu từ trong cung đến các phủ đường được hạ xuống, các chiếc ấn được tháo ra và đóng vào các văn bản chưa đóng (hoặc đóng tượng trưng) để chính thức công bố thời gian làm việc bắt đầu. Và thời gian này cũng gần như đã khép lại một cái Tết của hoàng gia.
Tuy nhiên, trong nhưng ngày đầu xuân, sáng 11 tháng Giêng (âm lịch), triều đình còn tổ chức lễ Tế Kỳ đạo (tế cờ). Bộ Lễ dựng ngoài Kinh Thành (ở phía đông - nam) một cái đàn tế và thiết trí các án thờ với những bài vị ghi chữ Hán như Kỳ độc thần; Kỳ đầu đại tướng; Lục độc đại tướng; Ngũ phương kỳ... Giữa đàn tế cắm một lá Kỳ đạo bằng nỉ vàng, trong lòng thêu hình long vân... Bộ Binh phái 300 lính cầm súng ống, giáo mác, bày 3 cỗ đại bác xung quanh đàn tế. Sau khi chuẩn bị xong, một viên quan võ nhất phẩm vào điện Cần Chánh bái mạng vua, lĩnh mao lệnh và được nhà vua sung chức Chánh tế. Đến nửa đêm, buổi lễ bắt đầu. Quan Chánh tế được rước ra đàn tế để chờ sẵn, chuẩn bị cho cuộc lễ. Sáng hôm sau, các viên khâm mạng mặc triều phục vào tế, dâng 3 tuần rượu. Tế xong, bắn ba phát đại bác. Sau đó quan võ ban khâm mệnh đại thần ra lệnh xuất quân và tổ chức thao diễn các loại hình như bắn súng, diễn tập thuyền chiến, cỡi voi, phi ngựa trong các đội quân bộ binh, thủy binh... Nhà vua thân chinh đến xem và duyệt trận.
Sau cuộc lễ này, Tết trong Hoàng Cung tính lại cũng đã già nửa tháng (từ 23 tháng Chạp đến 11 tháng Giêng). Triều đình lại tiếp tục bắt tay vào công việc với những bộn bề trước mắt, những bộn bề chồng chất sau hơn nửa tháng vui Tết.
2. Lễ Tiến xuân, một nghi lễ thể hiện tinh thần trọng nông của triều Nguyễn
Lễ Tiến xuân đã có từ thời xưa ở Việt Nam. Vào thời Lê - Trịnh, ở Thăng Long theo ghi nhận của một người nước ngoài từng chứng kiến, cứ đến ngày tiến xuân, dân chúng nô nức đi hội, còn lưu dấu qua câu ca dao: Bao giờ Mang6 hiện đến nay/ Cày bừa cho chín mạ này đem gieo.
Năm 1829, bộ Lễ tâu rằng: “Kính xét thiên Nguyệt lệnh Lễ ký tháng quý đông, sai Hữu ty cho trâu bằng đất ra để tống khí rét. Tiên nho bàn rằng tháng bắt đầu ở sửu (tháng 12), sửu là trâu, thuộc về hành thổ, đất có thể ngăn được nước, cho nên làm trâu đất, để tống hết khí rét đi. Lại nói: Đất thắng được nước, trâu thì giỏi cày. Thắng được nước nên chống được rét, giỏi cày nên có thể chỉ bảo việc làm ruộng sớm hay muộn”7. Xuất phát từ ý nghĩa đó mà lễ Tiến xuân được chú trọng tổ chức nhằm mục đích khuyến nông, cầu nguyện cho thời tiết hanh thông, mùa màng thuận lợi.
Vào thời Nguyễn, cứ vào ngày Thìn, tiết đông chí hàng năm, các vị chức trách ở Nha Khâm Thiên Giám kết hợp với Vũ Khố lấy nước và đất ở phương thần Tuế đức - là hướng xuất hiện sao Tuế đức - để làm ra 3 con trâu đất và 3 vị Mang thần để tế lễ. Sao Tuế Đức được xem là đệ nhất cát thần trong năm, nơi nào có sao Tuế Đức là nơi đó có vạn phúc tụ đến, hung thần phải tránh đi.
Lễ tế phải được tổ chức vào giờ Thìn, bởi giờ Thìn được quan niệm là giờ tốt, ứng với mạng Thiên tử. Nha Khâm Thiên Giám được phân công chọn giờ, nếu giờ Thìn “rơi vào” ban đêm thì phải chọn giờ Thìn của ngày hôm sau.
Tranh vẽ Mang Thần, trâu đất trong lễ Tiến xuân (tiến xuân ngưu), in trong tạp chí B.A.V.H năm 1916 |
Trâu đất và Mang thần đều phải được đắp bằng đất (dùng cành hom dâu làm cốt) theo các tỷ lệ kích thước, màu sắc ứng với các ý nghĩa nhất định. Mình Trâu được quy định cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa; từ đầu đến đuôi dài 8 thước tượng trưng cho 8 tiết là lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, hạ chí, lập đông và đông chí. Các màu sắc được tô lên trâu đất cũng được quy định theo các quan niệm truyền thống. Nếu thiên can của năm ấy là Giáp, Ất thì tô màu xanh; Bính, Đinh thì tô màu đỏ; Mậu, Kỷ thì tô màu vàng; Canh, Tân thì tô màu trắng; Nhâm, Quý thì tô màu đen. Tương tự, các màu sắc ở thân, ở bụng, ở sừng, ở chân, ở móng đều được tô ứng với Địa Chi, Ngũ Hành... Đuôi trâu đất được quy định 1 thước 2 tấc tượng trưng cho 12 tháng v.v.
Cũng như các ý nghĩa đó Mang thần (thần chăn trâu) được đắp cao 3 thước 6 tấc 5 phân tượng trưng 365 ngày. Tất cả những yếu tố như nét mặt, áo quần, mũ mão, giày... trên mình Mang thần cũng được quy định chặt chẽ về tính chất, màu sắc để ứng với âm dương; địa chi, ngày giờ... của năm đó.
Đàn tế được triều Nguyễn chọn đặt ở ngoài quách cửa Chính Đông của Kinh Thành, luôn hướng về phía đông. Đồng thời, các án để thiết trí Mang thần và Trâu đất cũng được chuẩn bị. Ban đầu, các án này được khiêng về và đặt tạm ở các phủ thự. Sau đó, trước ngày làm lễ một ngày, vào sáng sớm, để chuẩn bị cho cuộc lễ, các án đặt trâu, hương đèn nến thắp, lễ phẩm được một người bày biện trước.
Lễ rước xuân được tổ chức một cách long trọng. Các quan viên đề đốc, phủ doãn, phủ thừa... đều phải mặc áo đỏ, hoặc tía đi sau đội lễ nhạc, nghi trượng, tán, lọng và khiêng các án Mang thần và trâu đất được rước tới nhà bộ Lễ và được để yên tại nơi này.
Sáng sớm ngày lập xuân, bộ Lễ cùng với phủ Thừa Thiên và các quan ở Khâm Thiên Giám đều mặc triều phục khiêng 2 án Trâu đất và Mang thần với đầy đủ tàn, lọng, nhã nhạc, nghi trượng dẫn đầu. Sau đó, chia ra đến ngoài cửa Tiên Thọ và cửa Hưng Khánh đứng đợi. Đến giờ tốt, các quan trong nội giám tiếp nhận, đưa tiễn. Lúc này, viên phủ Thừa Thiên trở về phủ thự, đưa trâu ra đánh 3 roi để tượng trưng cho sự khuyên cày. Buổi lễ được cử hành xong thì Trâu đất và Mang thần được đưa vào cất giữ ở Vũ Khố. Năm sau, làm lễ tiến xuân lại đưa Trâu đất và Mang thần từ Vũ Khố để sử dụng lại. Nhưng đến năm Minh Mạng thứ 11 (1831) thì sự việc này có sửa đổi: “Từ nay về sau, hàng năm, làm lễ Tiến xuân xong, bưng Trâu đất và Mang thần lần trước ra, bộ Lễ hội đồng và Vũ Khố chọn đất sạch chôn cất, không nên để trữ”.
Tuy nhiên, những năm tổ chức lễ Tiến xuân mà có đại tang, quốc tang thì nghi lễ có một số điều chỉnh. Tùy theo tính chất, triều Nguyễn quy định lại về nghi thức cử hành lễ Tiến xuân cũng như trang phục trong buổi lễ. Sử sách cho biết, trong lịch sử, vào năm 1841, triều thần đã có sớ dâng lên vua như sau: “Năm nay, gặp nghi lễ đại tang Thánh tổ Nhân hoàng đế, về lễ đón xuân, tiến xuân, xin do bộ Lễ và viên Kinh doãn mặc lễ phục, kính đem Mang thần và trâu đất vào nhà Duyệt Thị, tiến lên (...) nhưng Nhã nhạc có đặt mà không tấu”. Bấy giờ là vua Thiệu Trị mới có lệnh như sau: “Mang thần và trâu đất, là lễ đời cổ để khuyên cày, lại là việc quan trọng đầu xuân, xét nguồn gốc có quan hệ đến sinh dân, thực không thể thiếu được. Chuẩn cho khi đón xuân, tiến xuân, cứ đình bớt 1 tiết xuân sơn không có hại gì, để cho hợp tình, hợp lễ; còn các khoản khác y lời nghị”.
Lễ Tiến xuân ngưu có một ý nghĩa đặc biệt đối với đời sống tinh thần của con người dưới thời các vua Nguyễn.
Nền kinh tế nước ta lúc bấy giờ chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp lúa nước nên cuộc lễ này lại có quan hệ mật thiết đối với đời sống của nhân dân nhiều hơn. Nhận thức rõ về điều ấy, các vua Nguyễn có những quan tâm hợp lý. Vào năm 1833, vua Minh Mạng xuống dụ rằng: “Về khoản trâu đất và Mang thần, nguyên là ý chăn việc cày ruộng, khuyên bảo giúp đỡ, ở Kinh đã cử hành trước, các địa phương cũng nên tuân làm tất cả, để cho phù hợp lễ đời cổ”.
Suy cho cùng, cùng với lễ Tịch Điền, lễ Tiến Xuân đều được tổ chức trên tinh thần nhân văn, điều ấy thể hiện những ước mơ chính đáng về một cuộc sống vật chất đầy đủ của năm mới, hơn nữa còn phản ánh được một dạng nghi lễ có màu sắc tín ngưỡng trong đời sống tâm linh của người Việt ngày xưa, khi mà nền kinh tế quốc gia chủ yếu dự vào nông nghiệp lúa nước.
3. Chùm thơ của vua Minh Mạng vịnh lễ vật Tiến xuân
Tiến xuân là một nghi lễ được các vua triều Nguyễn đặc biệt quan tâm. Vua Minh Mạng đã làm một chùm thơ về lễ Tiến Xuân với nhan đề là Vịnh lễ thần Tiến Xuân tam sự (Đề vịnh ba lễ vật Tiến xuân). Chùm thơ này gồm 03 bài nằm ở các tờ 5, 6, 7 trong quyển 3 Ngự chế thi sơ tập.
Nguyên văn:
禮臣進春三事
身高三尺六餘長
黑帶紅衣俊俏郞
罨耳左提勤穡卷
柳鞭右立逐牛揚
路途泥濘行纒去
畎畝逡巡鞋袴藏
首重民天勞苦勉õ
首重民天勞苦勉
(右芒神)
Phiên âm:
Vịnh Lễ thần Tiến xuân tam sự
Thân cao tam xích lục dư trường,
Hắc đới hồng y tuấn tiêu lương.
Yểm nhĩ tả đề cần sắc quyển,
Liễu tiên hữu lập trục ngưu dương.
Lộ đồ nê nính hành triền khứ,
Quyến mẫu thuân tuần hài khố tàng.
Thủ trọng dân thiên lao khổ miễn,
Tâm ân nông sự thả tu mang.
(Hữu Mang thần8)
Dịch thơ:
Đề vịnh ba lễ vật Tiến xuân
Thân cao ba sáu thước hơn9 đây,
Áo đỏ đai đen10 tráng kiện thay.
Tai giỏng một bên11 chăm gặt hái,
Liễu12 vung lập tức khiến trâu cày.
Bùn sình lầy lội vây quanh lối,
Đồng ruộng bết bê hết khố giày13.
Sinh kế14 hàng đầu cần gắng sức,
Ghi lòng cần kíp việc nông này15.
(Trên đây là bài Mang Thần, Hải Trung dịch)
長象八節高象時
頭身角脛視干支
腹紅因為火年値
蹄赤實緣燋日司
口合避禾安敢食
尾揮終畝已忘疲
麻繩須且毋拘束
凝立正思豐稔期
(右土牛)
Trưởng tượng bát tiết cao tượng thì,
Đầu thân giác hĩnh thị can chi.
Phúc hồng nhân vị hỏa niên trị,
Đề xích thực duyên tiêu nhật ti.
Khẩu hợp tị hòa an cảm thực,
Vĩ huy chung mẫu dĩ vong bì.
Ma thằng tu thả vô câu thúc,
Ngưng lập chính tư phong nẫm kì.
(Hữu Thổ Ngưu16)
Dịch thơ:
Tám tiết theo mình, cao bốn thì17,
Đầu thân sừng cẳng ứng can chi18.
Bụng hồng do bởi năm nung hỏa,
Móng đỏ đúng là ngày nóng ghi19.
Ngậm miệng20, lúa này thèm nào dám,
Vẫy đuôi21, ruộng ấy nhọc quên đi.
Dây gai22 há phải chi ràng buộc,
Đứng lại23 tâm tư vụ trúng kỳ.
(Trên đây là bài Trâu Đất, Hải Trung dịch)
Nội dung bài thơ vịnh Thổ Ngưu (Trâu đất) nằm trong các khung, phần chữ nhỏ là toàn bộ chú thích về các số đo, màu sắc của Trâu đất (in trong Ngự chế thi sơ tập, quyển 3, từ tờ 5c -6ab của vua Minh Mạng). |
不但千紅萬紫呈
滿山草木並敷榮
靈禽樹上凝神立
僊獸巖傍舉首瞠
並木陽和增秀麗
都含春色益鮮明
更嘉九老九如頌
一老一如舊韻賡
(右春山)
Bất đãn thiên hồng vạn tử trình,
Mãn sơn thảo mộc tịnh phu vinh.
Linh cầm thụ thượng ngưng thần lập,
Tiên thú nham bàng cử thủ sanh.
Tịnh mộc dương hòa tăng tú lệ,
Đô hàm xuân sắc ích tiên minh.
Cánh gia cửu lão 24 cửu như tụng,
Nhất lão nhất như cựu vận canh.
(Hữu Xuân sơn25)
Dịch thơ:
Không chỉ ngàn hoa sắc thắm xinh,
Núi đầy cây cỏ tốt tươi hình.
Chim thiêng tụ tập, trên cành đứng,
Thú lạ ngước lên, cạnh động nhìn.
Cây cối nắng hòa, lộng lẫy sắc.
Muôn màu xuân nhuốm, tốt tươi xanh.
Nhiều lần chín lão cửu như26 tụng,
Mỗi lão một câu27 mãi nối quanh.
(Trên đây là bài Núi Xuân, Hải Trung dịch)
Nhìn chung, từ những việc như chuẩn bị đón Tết qua việc phát lịch (Ban sóc), dựng nêu, đến việc tổ chức một cái Tết với nhiều nghi tiết mang tính điển lệ trong Hoàng cung, có thể thấy được những sinh hoạt văn hóa cung đình của người xưa ở Huế. Trên hết, những sự kiện đó luôn thấm đẫm một tinh thần nhân văn và luôn gắn với văn chương của các vị vua, lễ tiết nào cũng có ngự chế thi ca với một bút lực dâng tràn, đầy xúc cảm. Có dịp, tôi sẽ trở lại Tết xưa Hoàng cung Huế qua thơ của các vua Nguyễn, những bài thơ gắn với những “việc Tết” rất cụ thể. Ở đây, nhân đúng dịp mùa xuân Tân Sửu nên chỉ nhắc đến 03 bài về lễ Tiến xuân ngưu mà thôi.
N.P.H.T
(TCSH384/02-2021)
---------------------
1. Nội các Triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Tập VIII, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2005, trang 534.
2. Vì ở cao nên biến nghĩa “nêu lên” cho mọi người nhìn thấy rõ nên về sau có nghĩa là “nhãn hiệu”. Từ ngữ tiếng Việt như Tiêu đề, Chỉ tiêu đều mang ý nghĩa “nêu lên, đưa lên cao”.
3. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, Nxb. Thuận Hóa, Huế 1993, tập 8, trang 57.
4. Nội các triều Nguyễn, Sách đã dẫn, tập 7, trang 38.
5. Nội các triều Nguyễn, Sách đã dẫn, tập 6, trang 27.
6. Mang: tức là Mang thần, vị thần chăn trâu, một trong lễ vật của lễ Tiến xuân.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Viện Sử học dịch, tập 2, tái bản, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.636.
8. Mang Thần: Thần Chăn Trâu là một “mô hình” người được đắp bằng đất, có kích thước, màu sắc tương ứng với các con số về thời gian… theo cách lý giải của người xưa. Mang Thần dùng để làm nghi thức trong lễ Tiến Xuân.
9. Vua Minh Mạng có chú thích ở câu này một đoạn dài (nguyên chú) với nghĩa như sau: Mang Thần cao 3 thước, 6 tấc, 5 phân tượng trưng cho 365 ngày.
10. Nguyên chú với nghĩa như sau: Năm thuộc chi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi thì nét mặt Thần giống đứa trẻ. Nếu ngày Lập xuân thuộc chi Thân, Dậu thì áo màu đỏ, dây đai màu đen. Khi bối tóc Thần nếu ngày Lập xuân thuộc chi Hỏa thì giắt lược nằm ngang, chòm tóc bên phải ở trước tai, chòm tóc bên trái ở sau tai. Năm nay là năm Kỷ Sửu, ngày Lập xuân gặp Bính Thân nạp âm, thuộc Hỏa, vậy nên làm tượng Thần dáng vẻ thiếu niên, dây đai đen, áo đỏ, chòm tóc bên phải ở trước, chòm tóc bên trái ở sau.
11. Nguyên chú với nghĩa như sau: Nếu Lập xuân vào giờ Thìn, Ngọ, Thân, Tuất thì (làm) tay trái của Thần đưa lên che tai. Năm nay, Lập xuân vào giờ Thìn, cho nên làm tượng cuốn xuôi tai, tai bên trái vểnh lên.
12. Nguyên chú với nghĩa như sau: Roi dùng cành liễu dài 2 thước 4 tấc tượng trưng cho 24 tiết thời. Gặp ngày Lập xuân chi Dần, Thân, Tị, Hợi thì roi buộc dây gai nhuộm đậm 5 màu. Năm âm thì [Mang thần] đứng bên phải trâu. Năm nay Lập xuân nhằm ngày Bính Thân, nên làm tượng [Mang thần] đứng bên phải, tay cầm roi liễu, vấn quanh dây gai 5 màu.
13. Nguyên chú với nghĩa như sau: Nếu ngày Lập xuân nạp âm thuộc Hỏa thì giày và khố đều không có [tức là đắp và tô trên tượng Mang thần]. Năm nay Lập xuân gặp ngày Hỏa, nên đắp tượng thần không mặc khố và không mang giày.
14. Nguyên chú với nghĩa như sau: Thần nhàn hạ hay bận rộn thì xem ngày Lập xuân và tiết Nguyên đán cách nhau xa hay gần. Năm nay, tiết Nguyên đán đúng vào ngày Lập xuân, nên làm tượng Mang thần đứng nghỉ ngơi cùng Trâu đất.
15. Thổ Ngưu: Trâu Đất, là một “mô hình” con trâu được đắp bằng đất, có kích thước, màu sắc tương ứng với các con số về thời gian, tiết khí, can chi… theo cách lý giải của người xưa. Trâu đất dùng để làm nghi thức trong lễ Tiến Xuân.
16. Nguyên chú với nghĩa như sau: Trâu đất từ đầu đến đuôi dài 8 thước, tượng trưng cho 8 tiết; cao 4 thước tượng trưng cho 4 mùa trong năm.
17. Nguyên chú: Màu của đầu [Trâu đất] nếu gặp năm ứng can Mậu, Kỷ; màu thân nếu ứng năm chi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi đều tô màu vàng. Màu sừng, tai, đuôi, nếu ngày Lập xuân có can Bính, Đinh thì tô màu đỏ. Màu chân nếu ngày Lập xuân có chi Thân, Dậu thì tô màu trắng. Năm nay là năm Kỷ Sửu, ngày Lập xuân là Bính Thân nên tô tượng đầu và thân Trâu cùng màu vàng; sừng, tai đuôi cùng màu đỏ; chân màu trắng.
18. Nguyên chú: Bụng trâu nếu gặp năm nạp âm; móng trâu nếu gặp tiết Lập xuân ngày nạp âm, gặp ngày hỏa thì tô màu đỏ. Năm nay là Thái Tuế tại Kỷ Sửu, Lập xuân là Bính Thân, đầu nạp âm thuộc hành Hỏa, nên bụng và móng Trâu đất đều tô màu đỏ.
19. Nguyên chú: Miệng của trâu đất gặp năm âm thì ngậm lại. Năm nay Kỷ Sửu thuộc âm, nên làm miệng Trâu ngậm lại.
20. Nguyên chú: Đuôi trâu dài 1 thước 2 tấc, tượng trưng cho 12 tháng; tai trâu vẩy về trái, về phải tượng trưng cho âm dương của năm. Năm nay thuộc dương, nên tai trâu vẩy về phải.
21. Nguyên chú: Gặp ngày Lập xuân có can Bính, Đinh; chi Dần, Thân, Tị, Hợi thì dây gai màu đen. Năm nay Lập xuân gặp ngày Bính Thân nên dùng dây gai đen quấn quanh sừng.
22. Nguyên chú: Tấm ván trâu đứng lên biểu thị âm dương của năm. Năm nay thuộc âm, nên trâu đất đứng trên tấm ván âm.
23. Nguyên chú: Trên núi [tức là trên “non bộ” ấy] có trang trí thêm 9 ông lão dâng đào chúc thọ, ngụ ý thành chúc thọ, nên khen ngợi mà đề cập đến.
24. Xuân Sơn: Núi xuân, thực chất đây là một “mô hình” non bộ được đắp bằng các loại vật liệu, có giá để gánh đi được. Trên “non bộ” này, có trang trí cây cối, hoa lá, chim thú và 9 nhân vật là các bô lão. Cùng với Mang Thần, Trâu Đất, Xuân Sơn tạo thành bộ ba “tam sự” trong lễ Tiến Xuân.
25. Nhất lão nhất như: Một ông lão tụng một câu có chữ “Như” trong Cửu như.
26. Cửu như: Thiên Tiểu nhã trong Kinh Thi có câu: 天 保 定 爾 / 以 莫 不 興 / 如 山 如 阜/ 如 崗 如 陵 / 如 川 之 方 至 / 以 莫 不 增 / 如 月 之 恆 / 如 日 之 升 / 如 南 山 之 壽 / 不 騫 不 崩 / 如 松 柏 之 茂 / 無 不 爾 或 承(Thiên bảo định nhĩ, dĩ mạc bất hưng, như sơn như phụ, như cương như lăng, như xuyên chi phương chí, dĩ mạc bất tăng, như nguyệt chi hằng, như nhật chi thăng, như nam sơn chi thọ, bất khiên bất băng, như tùng bách chi mậu, vô bất nhĩ hoặc thừa). Nghĩa là: Trời giúp người (vua), chẳng gì không hưng thịnh: [1] Như núi [2] Như gò, [3] Như sườn đồi [4] Như gò đống lớn, [5] Như sông vừa khắp, để cho chẳng đâu không tăng thêm, [6] Như trăng vĩnh hằng, [7] Như mặt trời lên, [8] Như núi Nam trường cửu, không sạt không lở, [9] Như tùng bách tươi tốt, chẳng lúc nào không nối tiếp. Đó là lời bầy tôi thường xướng lên để chúc tụng nhà vua với ước mong những điều tốt lành.
27. Nhất lão nhất như: Một ông lão tụng một câu có chữ “Như” trong Cửu như.