Ai ra xứ Huế
Bàn về văn hóa Huế
15:41 | 20/04/2021


NGUYỄN KHOA ĐIỀM

Bàn về văn hóa Huế
Ảnh của Lê Đình Hoàng

Nhận rõ tầm quan trọng và vai trò tiếp biến văn hóa của Huế trong tiến trình lịch sử

Một mảnh đất hẹp, tài nguyên hạn chế, dân không đông, bị chà xát nặng nề qua nhiều cuộc chiến tranh giành lãnh thổ trong lịch sử, lại là vùng đất chứa đựng nhiều tài nguyên văn hóa có tầm quốc gia, ngày nay được coi là một trung tâm văn hóa, một đô thị di sản đó là một điều rất đặc biệt. Có được điều đó vì Huế đã đóng được vai trò là mảnh đất tiếp biến văn hóa cực kỳ quan trọng thúc đẩy văn hóa và lịch sử nước nhà chuyển mình qua những khúc quanh đáng ghi nhớ.

Trong ghi chép lâu đời, Huế từng nằm trong lãnh thổ Đại Việt nhưng rồi nhanh chóng rơi vào tay Lâm Ấp, Lâm Ấp lại bị Chiêm Thành thôn tính, Huế bị Nam thuộc nhiều năm cho đến thế kỷ 14 sau nhiều lần giành giật của các lực lượng Hán tộc thời Tùy Đường có mặt ở Bắc bộ Việt Nam và cuộc tiến quân của nhà Tiền Lê để vẽ lại bản đồ ở khu vực này. Nhưng mãi đến các cuộc hưng binh của nhà Lý, đặc biệt chính sách thâu nhiếp mềm mỏng của nhà Trần (Trần Nhân Tông), thì mãi đến năm 1306 Thừa Thiên Huế và Bắc Quảng Nam mới thực sự trở thành quốc thổ của Đại Việt. Người Việt lần đầu tiên có danh hiệu con dân xứ sở Đại Việt, dưới quyền cai trị của quan lại Đại Việt và lấy văn hóa nếp sống Việt làm chính thống.

Ít ra trên 1000 năm những cư dân ở đây nói tiếng Chăm, ăn mặc Chăm, thờ những vị thần Chăm và Ấn giáo và tổ chức canh tác và sinh hoạt hội hè theo cổ tục Chăm. Quá trình cộng sinh và chuyển hóa Việt - Chiêm trong vài trăm năm tiếp đó, là quá trình cực kỳ gian khổ mà lịch sử chưa từng biết đến, nhưng chắc chắn không ít máu xương, mồ hôi, nước mắt để hình thành đậm nét bản sắc văn hóa Việt. Người ta chỉ nói đến một cách mờ nhạt các trận đánh, một ít thành tựu kinh tế, nhưng không có mấy trang sử ghi chép sự tiếp biến chuyển hóa văn hóa cực kỳ khó khăn và rắc rối này. Điều có thể nói là với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ lạ thường của người Việt trên địa bàn, mưa lâu thấm đất, những vị khai canh khai khẩn và con cháu của họ ở đây đã đưa những cội rễ tinh thần của người Việt rải rác khắp đồng bằng sông Hồng và sông Mã, sông Lam vào khắp sông hói trằm bàu ngang dọc ở đây hình thành một thế trận văn hóa kiên cố và giàu sức sống bậc nhất trong các cộng đồng văn hóa. Tiếp biến văn hóa Việt - Chăm diễn ra trên xứ Huế là tiếp biến văn hóa Việt - Nam Á để lại nhiều dấu ấn văn hóa không phai mờ cần được nghiên cứu và phát huy hơn nữa.

Một quá trình tiếp biến văn hóa lớn thứ hai diễn ra vào thời điểm Huế được chọn là thủ phủ của Đàng Trong với sự có mặt của Nguyễn Hoàng và hậu duệ của ông kể từ 1558 đã bắt buộc phải hình thành một nếp tư duy và tín ngưỡng riêng, một phương thức làm ăn và sinh hoạt vùng miền để tồn tại và khi thống nhất hai xứ thì làm chỗ đứng cho một vương triều (Nguyễn) có cương vực rộng lớn nhất, làm nên diện mạo cơ bản của nước Việt ngày nay. Quá trình tiếp biến này làm nước Việt trở thành một quốc gia đa sắc thái văn hóa, người Việt trở nên năng động, khôn ngoan, lịch lãm hơn bao giờ hết. “Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”. Sự phong phú làm chính nhà bác học của Đàng Ngoài, Lê Quý Đôn, cũng cảm thấy “choáng” khi ông trong một thời gian ngắn, tiếp xúc không nhiều đã viết ngay quyển “Phủ biên tạp lục” với nhiều thán phục về sự dư dật vật chất và đa dạng văn hóa của Đàng Trong. Cuộc tiếp biến lần này không nghi ngờ gì nữa, đã đưa Huế lên tầm một trung tâm hành chính và văn hóa của đất nước mà không gượng ép.

Cuộc tiếp biến thứ ba mà Huế có mặt như thủ phủ một vương triều tiếp xúc trực diện với bộ máy quyền lực phương Tây đứng đầu là đế quốc Pháp để cuối cùng sụp đổ và đầu hàng thế lực người Pháp. Cuộc tiếp biến này cho thấy chế độ phong kiến Việt Nam hình thành theo khuôn khổ Nho giáo dựa trên nền nông nghiệp rời rạc tản mạn không đủ sức đương đầu với hình thái kinh tế xã hội mới đã ra đời ở phương Tây mà những cuộc ra đi học hỏi tìm đường cứu nước dưới nhiều sắc thái khác nhau đã bắt đầu từ Huế với bảng danh sách sẽ ngày càng dài mãi cho đến ngày nay. Những Bùi Viện, Đặng Huy Trứ, Nguyễn Trường Tộ, Tôn Thất Thuyết, Trương Vĩnh Ký, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hồ Chí Minh, Cường Để, Nguyễn An Ninh, Trần Phú v.v và v.v, đã gắn vận mệnh dân tộc với quá trình phát triển của thời đại, một sự tiếp biến có một không hai trong lịch sử đã đưa dân tộc từ nô lệ, đau thương tìm ra con đường cứu nước cứu nhà, vươn tới tiến bộ xã hội.

Vì vậy sẽ không lạ khi người ta chứng kiến Huế là nơi vị vua cuối cùng của triều Nguyễn trao lại ấn kiếm cho nhân dân, là nơi sinh viên và các nhà sư xuống đường, là một trong những thành phố lớn của phía Nam đất nước sớm thoát khỏi ách thực dân mới đầu năm 1975.

Ba cuộc tiếp biến văn hóa lịch sử quan trọng nói trên là những di sản văn hóa chính trị có ý nghĩa quốc gia cho thấy những gì Huế đã có mặt, đã làm nên và còn sẽ còn đóng góp cho tương lai.

Huế là thành phố di sản còn lưu giữ khá đậm các giá trị văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể và văn hóa tinh thần

Nhiều năm qua chúng ta đã có thành tích và kinh nghiệm về bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa vật thể (Kiến trúc cung đình Huế) và văn hóa phi vật thể (Nhã nhạc cung đình, Văn thơ chữ nho trên các công trình kiến trúc…), tuy nhiên phần di sản tinh thần được nuôi dưỡng và bảo lưu trong mỗi con người Huế lại là phần di sản quan trọng nhưng chưa được đánh giá, bảo vệ và phát huy đầy đủ. Con người là chủ thể sáng tạo văn hóa vật thể và phi vật thể nhưng đồng thời cũng sáng tạo ra chính mình nhờ quá trình bồi đắp và thanh lọc nội tâm để trở thành một hệ giá trị văn hóa đặc biệt của cộng đồng và lịch sử.

Nhờ quá trình tiếp biến và hội tụ đầy cam go và thử thách qua nhiều năm tháng mà những di sản tinh thần đó như những viên ngọc quý càng mài, càng va đập thì càng sáng, giúp cho bức tranh toàn cảnh của văn hóa Huế ngày càng phong phú, đậm đà và có chiều sâu thu hút. Thử liệt kê một số giá trị:

- Lòng yêu nước: Đột kích gan góc năm Ất Dậu (1885), Xuống đường suốt những năm 1960, 1970, Tấn công Nổi dậy trong Mậu Thân (1968), Chiếm lại thành phố năm (1975). Đó là những bằng chứng không thể tranh cãi.

- Hiếu hòa, nhân hậu, trọng lễ nghĩa theo truyền thống đạo Nho, đạo Phật và các tôn giáo, tín ngưỡng khác.

- Coi trọng tri thức, các giá trị tinh thần, luật pháp. Người ta dễ nhận ra điều này qua thái độ tôn trọng bảo vệ các di sản văn hóa lịch sử trong phạm vi quốc gia cũng như trong mỗi gia đình, họ tộc, làng xóm của người Huế. Mặc dù người Huế còn nghèo, hậu quả chiến tranh khá nặng nề, sự li tán diễn ra thường xuyên nhưng nhiều di sản vẫn được trân trọng giữ gìn, đó là một phẩm chất đáng quý của người Huế.

- Ý thức riêng về bản sắc ngôn ngữ, giọng nói, nếp sống, truyền thống văn hóa của mình, với ý thức giấy rách vẫn giữ lấy lề, không dễ thay đổi, vay mượn.

Các giá trị văn hóa tinh thần tạm liệt kê như trên cho thấy đó cũng không ngoài những phẩm chất của dân tộc, có điều ở Huế nó được hội tụ theo một cách riêng, tạo nên vẻ khác biệt trong con người Huế, đem lại diện mạo phong phú chung cho người Việt.

Điều đáng lo ngại hiện nay là những giá trị tinh thần đó cũng không dễ bảo vệ. Ở khắp nơi, cả Việt Nam và thế giới người ta thấy sự sa sút nhanh chóng của các giá trị tinh thần bộc lộ qua các sinh hoạt chính trị, hoạt động kinh tế, nếp sống xã hội, kể cả sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, học đường, chăm sóc sức khỏe… Sự vong thân mà Marx đề cập trong “Bản thảo kinh tế triết học năm 1844” không còn là hiện tượng riêng của chủ nghĩa tư bản giai đoạn cạnh tranh, mà đã trở thành phổ biến toàn thế giới, bế tắc đến mức không biết con người sẽ đi về đâu nếu tiếp tục như hiện tại. Con giết cha, vợ hãm hại chồng, nhà trường lừa dối học trò, thầy thuốc coi thường mạng sống người bệnh, không ngày nào là không có cảnh tranh chấp, đổ máu trên đường phố… Đó là gì? Đó là sự uy hiếp đến tính nhân bản của con người, xóa bỏ những thành tựu lịch sử về văn hóa tinh thần qua nghìn năm có được, gây ra những đổ vỡ, tha hóa xã hội ở tầng sâu của ý thức rất khó bề khắc phục.

Nói như thế để thấy, ngày nay, khi bàn về đời sống không nên chỉ thúc đẩy một chiều việc nâng cao thu nhập, tăng trưởng lợi nhuận, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà còn phải sớm có giải pháp vun đắp các giá trị nhân bản, phẩm chất con người, đề phòng các mặt trái về tâm lý đạo đức, hướng con người tới chân thiện mỹ.

Một bức hoành treo ở nhà Thượng thư Phạm Hữu Điển, sống dưới triều Đồng Khánh ở thôn Phú Mộng, Kim Long, có ghi 3 chữ 陌 上 叟 (Mạch thượng tẩu) nói nôm là Ông già trên đường, một nội dung khá lạ lẫm với nhiều người ngày nay. Cái gì là ông già trên đường? Đây là một trường hợp dụng điển. Sách Mạnh tử có kể một lần Mạnh tử đến yết kiến Lương Huệ Vương, vua nói: 叟不远千里而来… Tẩu bất viễn thiên lí nhi lai… Cụ không quản ngàn dặm đến đây ắt cụ phải có điều gì lợi cho nước ta? Mạnh tử trả lời dứt khoát: Nhà vua hà tất nói lợi chỉ nên cầu nhân nghĩa.

Như vậy ông Thượng thư Bộ Lễ Phạm Hữu Điển đã kín đáo nói lên quan niệm sống và cái chí của mình qua ba chữ Mạch thượng tẩu: Người quân tử chỉ nên cầu nhân nghĩa không nên cầu lợi. Đó là một triết lý quan trọng về xây dựng đất nước và làm quan ngày trước.

Trong một ngôi từ đường của nghệ nhân người trực tiếp làm ra những công trình kiến trúc và vật dụng nổi tiếng của triều đình Huế - cụ Nguyễn Văn Khả - ở đường Quốc Tử Giám, Thành Nội, bên cạnh bức hoành trang trọng có bốn chữ do vua Khải Định ban tặng “第一巧手” (Đệ nhất xảo thủ/ Khéo tay đệ nhất)lại có tấm bảng ghi hai chữ “清德” (Thanh đức/ Đức trong sạch ). Hai chữ đó nói lên phẩm cách đức độ của người nghệ nhân bàn tay vàng quá cố được tôn thờ.

Ngày nay có nên coi những phẩm cách đó là di sản của chúng ta không? Tôi nghĩ là có. Đấy không phải là toàn bộ di sản của chúng ta, nhưng nếu đánh mất những giá trị đó thì di sản Huế không còn cốt cách đáng giá của nó.

Một số đề nghị

Về chính trị hết sức coi trọng an dân, tránh những biện pháp chuyên chính không hợp lý, gây mất lòng dân, tổn thương khối đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thực sự xóa bỏ hận thù trong lịch sử bằng nhiều việc làm cụ thể. Sự đoàn kết, hòa hợp phải được bắt đầu từ mỗi gia đình, làng xóm, họ tộc cho đến cả thành phố và cả nước trên tinh thần bỏ qua quá khứ hướng về tương lai, tất cả vì triển vọng to lớn của quê hương, đất nước.

Xây dựng cái nhìn khách quan khoa học về triều Nguyễn, đánh giá đúng những đóng góp và sai lầm của triều Nguyễn làm cơ sở động viên việc giữ gìn và phát huy di sản của dân tộc.

Về kinh tế coi trọng tạo công ăn việc làm cho mọi tầng lớp nhân dân. Phát triển các ngành nghề truyền thống có thương hiệu của Huế, như thêu ren, đúc đồng, may áo dài, chế biến món ăn, sản phẩm thời trang…

Nên có hình thức trả công cho người trực tiếp trông coi các phủ đệ, đền thờ, mồ mả, các vườn cảnh… được Nhà nước ghi danh bảo vệ nhưng chưa có nhân viên chăm sóc. (Ở Hải Hậu, huyện văn hóa điển hình của Nam Định có xã tổ chức trồng hoa ven đường làng, người chăm sóc hoa được làng xã trả công 80.000 đồng/ ngày. Vì vậy đường làng của họ luôn sạch đẹp).

Về văn hóa thực sự coi trọng trí thức, văn nghệ sĩ, nhà báo; tôn trọng khuyến khích những tìm tòi sáng tạo nhằm giúp họ đảm nhiệm vai trò đi đầu xây dựng văn hóa, lối sống tốt đẹp, đẩy lùi sự tha hóa.

Cần có quan niệm hợp lý về vai trò của chính trị đối với văn hóa văn nghệ để có cách ứng xử tích cực, phù hợp. Nói chung chính trị luôn tác động đến văn hóa văn nghệ theo những cách khác nhau, nhưng dù gay gắt đến đâu, những màu sắc chính trị bất lợi nhất trong văn hóa văn nghệ cũng không phải là sức mạnh vật chất hay thực lực chính trị xã hội đủ sức lật đổ chính quyền, nó đơn thuần là nhận thức, cảm xúc và tưởng tượng, nói theo ngôn ngữ nhà Phật là những “vọng tưởng”, vì vậy đối xử với các tác phẩm văn hóa văn nghệ cần thái độ khoan dung, rộng rãi, sẵn sàng chờ đợi để không đánh mất lòng hăng say tìm tòi sáng tạo của trí thức, nghệ sĩ. Rất mong Huế có bầu không khí cởi mở, thân thiện cần thiết cho sinh hoạt văn hóa văn nghệ và học thuật.

Cần có một trung tâm Nho học do Nhà nước bảo trợ. Lập các hội nghề nghiệp về văn hóa. Khai thác sức mạnh của thông tin điện tử và thị trường văn hóa để quảng diễn, phát hành sản phẩm thông tin, văn hóa nghệ thuật.

Giữ gìn không gian môi trường thông thoáng sạch đẹp từ thành thị đến nông thôn và miền núi. Sửa sang phòng thành, vườn hoa, cây cảnh. Làm sạch sông Hương và sông ngòi phụ cận. Quy hoạch lại việc mai táng ở cả thành thị và nông thôn.

Tôn trọng không gian sinh hoạt tôn giáo tâm linh. Có chính sách hỗ trợ những hoạt động văn hóa của tôn giáo đem lại lợi ích cho xã hội thế tục.

Tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh Làng văn hóa, Khu phố văn hóa, coi đó là chủ trương cơ bản lâu dài về văn hóa song song với chương trình xây dựng Nông thôn mới.

Hết sức coi trọng diện mạo đạo đức tinh thần và tố chất văn hóa của hàng ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Kiên quyết chấn chỉnh tiêu cực trong cán bộ.

N.K.Đ  
(SHSDB40/03-2021)



 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng