Ai ra xứ Huế
Mỹ Hòa hội - Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao đầu tiên tại Huế
09:46 | 29/04/2021

ĐỖ MINH ĐIỀN

Lần đầu tiên ở vùng đất Cố đô, có một tổ chức thuần túy về văn chương, mỹ thuật và thể thao ra đời - đó là Hội Mỹ Hòa, chính thức được công nhận tư cách pháp lý vào ngày 17 tháng 6 năm 1935, đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa Huế. Ra đời cách nay 85 năm nhưng Hội Mỹ Hòa đã có quan điểm và phương châm hành động tiến bộ, quy tụ được nhiều tri thức tiêu biểu góp phần gìn giữ di sản văn hóa.

Mỹ Hòa hội - Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao đầu tiên tại Huế
Thông tin về việc thành lập hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế đăng trên báo Tràng An (số 19, ngày 03 tháng 05 năm 1935)

Bài viết dưới đây nhận diện tiến trình ra đời của Hội và chức năng phát huy những giá trị riêng có của miền sông Hương núi Ngự và của dân tộc. Từ sự kết nối nhiều thể loại nghệ thuật như văn chương, mỹ thuật, thể thao, cho đến góp phần gây dựng nền giáo dục căn bản qua việc gây dựng tủ sách, ấn hành tạp chí, tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật và diễn thuyết, tham gia vào các hoạt động lớn, Hội Mỹ Hòa đã cho thấy giá trị của mình ở vùng đất Đế đô.


 

1. Lời dẫn

Vào khoảng thập niên 20 của thế kỷ XX, ngọn gió “chấn hưng dân tộc” được khởi xướng bởi những trí thức yêu nước nhanh chóng lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Từ trong Nam ra ngoài Bắc, trào lưu canh tân văn hóa phát triển rầm rộ, góp phần biến đổi sâu sắc đời sống xã hội. Ưu tư về tiền đồ văn hóa nước nhà, các tổ chức hay hội, nhóm ra đời vào giai đoạn này đều mang trong mình “giấc mộng hiện đại hóa đất nước”, đó cũng là tâm trạng chung của đại bộ phận người dân Việt, sau hơn 70 năm phân chia cương vực lãnh thổ, độc lập tự do dân tộc bị cưỡng đoạt.

Huế, là trung tâm chính trị của Pháp ở Trung Kỳ và chính quyền Nam triều, vùng đất tập hợp đông đảo các thành phần trí thức tân - cựu, nơi đánh dấu sự gặp gỡ và tiếp xúc văn hóa phương Tây từ rất sớm. Trong bối cảnh khuynh hướng “Âu hóa” ở hai đầu đất nước len lỏi trên nhiều lĩnh vực, thì tại Huế, các cuộc vận động đổi mới dẫu không “ồn ào”, nhưng ít nhiều thay đổi đáng kể bầu không khí sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Nếu như ở địa hạt thông tin truyền thông, hoạt động báo chí, xuất bản ở Huế vào giai đoạn này cơ bản đặt dưới sự quản lý của Khâm sứ Trung Kỳ, không ít xuất bản phẩm bấy giờ bị khai tử bởi “lưỡi dao kiểm duyệt”, thì người Pháp cũng rất dè dặt và cương quyết cự tuyệt đối với tất cả tổ chức, đoàn thể mang màu sắc tôn giáo, chính trị.

Tuy vậy, từ đầu thế kỷ XX, tận dụng khoảng hẹp hành lang pháp lý của chính quyền thuộc địa, một số hội, nhóm lần lượt được khai sinh tại Huế. Có thể kể đến các hội, như: “hội Quảng Tri” (Société d’ Enseignement mutuel, 1905); “Phật học hội” (Société d’Etude et d’ Exercice de la Religion Boudhique, 17/09/1932); “Trung Kỳ Công thương gia hội” (Association des Commercants et Industriels de L' Annam, 31/03/1934); “hội Mỹ Hòa” (Cercle Artistique, Littéraire et Sportif Annamite, 17/06/1935);) “hội Truyền bá chữ Quốc Ngữ” (05/01/1939).

Trong số những hội ra đời ở Huế trước năm 1945, cái tên “Mỹ Hòa hội” hẳn vẫn còn quá xa lạ với không ít người, nhưng công bằng mà nói, sự kiện thành lập hội Mỹ Hòa là dấu mốc vô cùng quan trọng trong tiến trình phát triển văn hóa Huế; bởi, lần đầu tiên trong lịch sử, có một tổ chức thuần túy về văn chương, mỹ thuật và thể thao ra đời, nhằm lưu giữ và phát huy những giá trị riêng có của miền sông Hương núi Ngự.

2. Quá trình hình thành hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế

Thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Huế cảnh sắc trữ tình, khiến cho bao lữ khách vấn vương không rời; lịch sử khéo sắp bày để Huế từ vùng đất vốn là phên dậu của Đại Việt, rồi Thủ phủ xứ Đàng Trong và Kinh đô nước Việt Nam thống nhất. Trong hơn ba thế kỷ là trung tâm chính trị, Huế kết tập tinh hoa từ khắp mọi miền của Tổ quốc; cũng chính vì thế, đây là nơi lưu giữ hệ thống di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) vô cùng to lớn.

Nhận diện về giá trị di sản văn hóa Huế với khởi đầu của nhóm “Đô thành Hiếu cổ” (Association des Amis du Vieux Huế - AAVH); tiếp đó, rải rác trên các trang báo: Tràng An, Tân Văn tuần báo, Tiếng Dân…, chúng ta dễ dàng bắt gặp những bài viết khá ngắn gọn, giới thiệu cổ tích triều Nguyễn và quảng bá hình ảnh, con người xứ Huế(1). Trên lĩnh vực thể thao, dưới sự bảo trợ của chính quyền, một số bộ môn: bóng đá, quần vợt, đua thuyền…, được tổ chức đều đặn thường niên, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể dục, thể thao phát triển sâu rộng trong quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, với những điều kiện “cần” đó, là chưa “đủ”, khi Huế thiếu hẳn một tổ chức, để có thể liên kết và sẻ chia trong cùng một mục tiêu chung, trên cơ sở cam kết pháp lý giữa các thành viên.

Dự định về việc thành lập hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao (từ đây xin viết tắt: VCMTTT) tại Huế đã được đưa ra thảo luận từ rất sớm. Tác giả “Tiêu Diêu Tử” trong bài viết “Nên có một bình dân thư viện”, đăng trên báo Tràng An số 15 [ngày 19 tháng 04 năm 1935] cho biết: “Chúng tôi đã từng bàn đến việc lập một hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao ở Huế. Cái ý kiến hay đó chẳng phải riêng của chúng tôi vì đã có người nghĩ tới nó trước chúng tôi”(2).

Quả thực, kể từ số báo 12 [ra ngày 09 tháng 04 năm 1935] và số 13 [ngày 12 tháng 04 năm 1935], Tràng An báo đã dành phần lớn dung lượng chuyển tải tất cả ý kiến đến từ văn nghệ sĩ, trí thức Huế, với mong mỏi có một hội văn chương, mỹ thuật theo đúng nghĩa, nhằm phát huy những lợi thế vốn có của vùng đất Đế đô. Theo lập luận của “Tiêu Diêu Tử”, với bề dày văn hóa và lịch sử, trong khoảng thời gian khá dài, Huế “có tiếng là một đô thành văn vật”(3), là vùng đất quy tụ các tầng lớp trí thức từ mọi miền đất nước. Thế nhưng, “giòng nước sông Hương chẳng còn muốn khoan thai chậm chạp trong khi hai bạn Hồng Hà và Cửu Long rầm rộ xuôi chảy”.(4)

Trải qua quá trình vận động không biết mệt mỏi của ông Hoàng Yến (Thương tá Văn phòng), đến tối ngày 07 tháng 04 năm 1935, kỳ họp Hội đồng thứ nhất đã được nhóm họp tại nhà cụ Lê Quang Thiết, với sự tham dự của ông Vĩnh Cẩn, Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Khoa Phong, Lê Quang Phước, Phan Đình Thuyên, Hồ Đắc Giai (Kỹ sư điện), công chúa Lương Linh. Tại buổi họp này, tất cả thành viên thống nhất đưa ra bản dự thảo, xác định rõ tôn chỉ và chủ trương:

- Về văn chương, “Huế là nơi văn vật, chúng ta bao giờ quên được cái tiếng tăm của hai ngài Tuy Lý vương, Tùng Thiện vương”, cho nên lập hội Văn chương “sẽ là nơi tụ họp các nhà văn để trao đổi các ý kiến mới cũ”(5), đây sẽ là nơi khuyến khích truyền bá văn chương bằng những buổi bình văn, diễn thuyết, nói chuyện. Đồng thời, bên cạnh Thư viện Bảo Đại, sẽ xây dựng một thư viện có đầy đủ sách báo để cho mọi người dễ dàng tham khảo, học tập.

- Về mỹ thuật, “Huế là một đô thị mỹ thuật, ngoài cái đẹp lặng lẽ của phong cảnh thiên nhiên như sông Hương núi Ngự, ngoài cái đẹp của lăng tẩm các đế vương còn nhiều cái đẹp nữa nó chứng cho Huế là một nơi mỹ thuật”(6), do đó, hội sẽ đứng ra bảo trợ cho hoạt động nghiên cứu mỹ thuật, giúp đỡ việc triển lãm và trưng bày.

- Về thể thao, so với “trình độ thể thao ở Trung Kỳ, Huế còn kém lắm. Bóng tròn, tennis, xe đạp đều thua Bắc Kỳ và Nam Kỳ. Vậy nên, phải cổ động cho tinh thần thể thao, nó không chỉ hợp thời, […] không tốn kém gì, mà lại còn ích lợi cho thân thể. Nhất là nó thích hợp với Kinh đô Huế lắm”(7).

Nối tiếp loạt bài kêu gọi và cổ vũ cho những dự định tốt đẹp đó, số 17 [ra ngày 26 tháng 04 năm 1935], báo Tràng An cho đăng bài xã luận: “Một tiếng vang”, tiếp tục khẳng định “việc đó được một số lớn các anh em thiếu niên ở Huế hoan nghênh, chúng tôi rất lấy làm mừng lắm”(8). Cùng thời gian đó, ngày 20 Avril [tháng 04] năm 1935, đông đảo các thợ thầy của các nhà in: Phúc Long, Tiếng Dân, Đắc Lập nhóm họp tại nhà in Phúc Long (đường Paul Bert, nay là đường Trần Hưng Đạo) để thảo luận về việc thiết lập một hội Thể thao cho tất cả những người đang làm tại các nhà in. Sau gần một giờ bàn bạc, hội quyết định lấy tên: Association Sportive des Employés dImprimeries Huế. Ban Trị sự Tạm thời gồm, Président (Chủ tịch): ông Nguyễn Văn Bá (nhà in Phúc Long), ông Nam (Đắc Lập), ông Nhiên (Tiếng Dân); Secrétaire (Thư ký): ông Hà (Phúc Long) và Trésorier (Thủ quỹ): Duyên (Phúc Long), Phùng (Đắc Lập), Mai (Tiếng Dân)(9). Tất cả sự kiện nói trên, cho thấy sự cần thiết thành lập hội VCMTTT để quy tụ những thành viên có cùng chí hướng, nhằm kêu gọi sự đoàn kết của tất cả giai tầng ở Kinh đô.

Cuối cùng, vào một buổi tối đầu tháng 05 năm 1935, sau khi tất cả thành viên bàn bạc về vấn đề mục đích, điều lệ đã quyết định thành lập hội(10). Ban đầu hội chọn tên tiếng Pháp là “Cercle Artistique et Sportif de Hué”. Tuy nhiên, cụ Nguyễn Khoa Toàn lại cho rằng cái mỹ danh ấy quá dài nên muốn đề nghị lấy tên “Philharmonique de Hué”. Đến tối thứ tư, ngày mồng 08 tháng 05 năm 1935, hội VCMTTT tổ chức họp Hội đồng tại Di Luân đường (Quốc Tử Giám). Cuộc họp lần này thu hút sự tham dự của đông đảo quan viên, khách mời. Sau một hồi thảo luận, xem xét lại bản Điều lệ lần cuối, thống nhất đặt tên hội là “hội Mỹ Hòa”, và “tên tây vẫn giữ tên cũ đã định”: “Cercle Artistique, Littéraire et Sportif Annamite”, viết tắt “CALSA”.

Hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế (hội Mỹ Hòa) là “hội không thuộc về tôn giáo ở Đông Dương”, chính thức được công nhận vào ngày 17 tháng 06 (Juin) năm 1935 (tức năm Bảo Đại thứ 10), theo Nghị định số 1281, do Khâm sứ Trung Kỳ “Graffeuil” phê chuẩn. Hội Mỹ Hòa là tổ chức “chính trị, xã hội, nghề nghiệp” có đầy đủ tư cách pháp nhân, được thừa nhận bởi chính quyền hiện hành, cơ cấu tổ chức chặt chẽ và có ngân sách riêng. Có thể nói, đây là một tổ chức về văn học, mỹ thuật, thể thao ra đời sớm nhất trên đất Huế, mà chúng ta biết đến hiện nay.

Nghị định số 1281 do Khâm sứ Trung Kỳ Graffeuil phê chuẩn thành lập hội Văn chương, Mỹ thuật và Thể thao tại Huế vào ngày 17/06/1935


Sau khi Khâm sứ Trung Kỳ xem xét, thông qua bản “Điều lệ”, toàn bộ nội dung của nó được Ban Trị sự bổ chính và xuất bản, nhằm phổ biến hệ thống nguyên tắc cơ bản về mục đích, tôn chỉ, phương thức hoạt động, cũng như quyền và nghĩa vụ của hội viên. Cuốn sách mang tựa đề “Statuts du Cercle Artistique Littéraire et Sportif Annamite, My - Hoa Hoi en Annam”, do nhà in Đắc Lập ấn hành vào năm 1936, chuyển tải toàn bộ 32 điều Khoản, bao gồm các phần chính yếu sau: Danh hiệu của hội (khoản thứ 1), Mục đích của hội (khoản 2), Hội viên (khoản thứ 3 đến khoản 12), Cách thức vào hội (khoản 13), Tiền nhập lệ và tiền nguyệt liễm (khoản 14), Trị sự (khoản 15 đến khoản 16), Đại hội đồng (khoản thứ 17), Tài chánh (khoản thứ 18), Quy tắc trong hội (khoản thứ 19 đến khoản 25), Sửa đổi chương trình và giải tán (khoản thứ 26 đến khoản thứ 27) và Tạp khoản (từ khoản 28 đến 32).

Hội Mỹ Hòa thành lập với một mục đích “lấy tấm lòng hâm mộ mỹ thuật và thể thao của các hội viên mà duy trì và khoách trương cho rộng hơn và liên lạc cái tình thân ái trong nghĩa bằng hữu cho có lòng hiệp tác với nhau”(11). Trên cơ sở đó, hội đã đồng thuận:

- Xây dựng hội quán có bày tủ sách, có chỗ đọc sách, có báo chí, có âm nhạc, có địa điểm giải khát (café), có các trò chơi thể thao trong nhà;

- Tổ chức các buổi diễn thuyết, hoạt động âm nhạc, trưng bày mỹ thuật, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu lịch sử, văn hóa;

- Thiết lập cơ quan ngôn luận của hội bằng việc ấn hành tạp chí (có kỳ hạn)(12).

Về cơ cấu tổ chức, hội phân thành Ban Văn chương, Ban Mỹ thuật, Ban Thể Thao. Ban Văn chương thì hội cử cụ Ưng Bình và ông Nguyễn Học Sỹ (Nam Trân). Ban Mỹ thuật do ông Hoàng Yến, Vĩnh Trân, Mai Trung Thứ và ông Hồ Đắc Cáo quản lãnh vụ việc. Ban Thể thao sẽ do hai ông Tạ Quang Bửu và Phạm Giao đảm nhận.

Theo quyết định của Đại hội đồng ngày 08 tháng 05 năm 1935, Ban Trị sự tạm thời, gồm có: ông Hoàng Yến được suy cử làm Hội trưởng (Président), ông Nguyễn Khoa Toàn (Vice - Président/Phó Hội trưởng), ông Nguyễn Khoa Phong (Secrétaire genéral/Tổng Thư ký), ông Tạ Quang Bửu (Phó Thư ký), Trần Đình Tùng (Trésorier/Thủ quỹ), ông Nguyễn Đình Ngân (Bibliothécaire/Tu thư), Nguyễn Đình Quy (Phó Tu thư) và các ông Trần Văn Tiết, Phạm Giao, Mai Trung Thứ, Hồ Đắc Cáo, Bửu Hoằng, Nguyễn Văn Hiếu, Phan Đình Thuyên làm Kiểm sát (Commissaires). Ông Ưng Bình, Trần Trinh Soạn và cụ Lê Nhữ Lâm làm Cố vấn (Conseillers).

Hội Mỹ Hòa gồm có các dạng hội viên: Hội viên Vinh dự (dành cho những người hỗ trợ tài chính), Hội viên Ân nghĩa (tất cả những ai giúp hội từ 50 đồng bạc trở lên), Hội viên Thiệt hành (là những người Việt sinh sống tại Huế), Hội viên Ngoại cư (không cư trú tại Huế), Hội viên Tạm thời, Hội viên Bất thời. Tất cả mọi công dân đạt từ 21 tuổi trở lên đều được gia nhập hội và không phân biệt sang hèn, chức vụ, nghề nghiệp.

Theo thể thức được ấn định, để xin vào hội phải viết đơn gởi Hội trưởng xem xét, trong đơn có hai người hội viên chính thức ký tên giới thiệu. Để duy trì hoạt động của hội, Ban Trị sự quyết định toàn thể hội viên đóng 5$ tiền nhập hội, mỗi tháng đóng 0$50. Đối với những người tặng hội số tiền 50$ gọi là Ân nghĩa hội viên, dưới 50$ đến 20$ gọi là Tư trợ hội viên. Về hội quán, thì ông Hoàng Yến sẽ thương thuyết với ông Tôn Thất Quảng mượn tạm nhà Thương Bạc để làm trụ sở của hội.

Một năm sau ngày thành lập, Tủ sách của hội VCMTTT chính thức đi vào hoạt động, với “vốn liếng” ban đầu khoảng hơn 439 đầu sách (không tính tạp chí), do hội trích quỹ để mua về hoặc một số nhà in, nhà xuất bản: Đắc Lập, Tiếng Dân, Trường An, Phúc Long, Ngô Tử Hạ, Mirador, Trung Kỳ thư xã…, hiến tặng. Theo quy định, hội không giới hạn đối tượng bạn đọc, tuy vậy, đối với các loại báo, tạp chí chưa đóng thành xấp, sách Tự vị, sách Bách khoa toàn thư, sách Biên niên chỉ phục vụ tham khảo tại chỗ, không được đem ra khỏi thư viện. Ngoài các dạng sách nói trên, thì tất cả hội viên có thể mượn về, nhưng phải ký tên vào sổ, số sách mượn không quá 2 cuốn trong một lần và thời gian mượn tối đa là 15 ngày (sau đó đem trả và gia hạn thêm). Trong trường hợp, sách bị rách hay mất thì viên Kiểm khán và viên Tu thư phải xét trình Ban Trị sự để có phương án yêu cầu người mượn bồi thường thiệt hại.

Suốt thời gian hoạt động của mình, Hội Mỹ Hòa đứng ra đăng cai và đồng chủ trì rất nhiều buổi bình văn, diễn thuyết, với nhiều chủ đề khác nhau, như: xóa nạn mù chữ, vận động thành lập hội Truyền bá Quốc Ngữ; tổ chức đêm Thơ Nguyên Đán, cổ phục Việt Nam. Không dừng lại ở đó, hội tích cực trong các phong trào thiện nguyện, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ đồng bào bị lụt bão, khuyến khích các cuộc triển lãm.

Trong khuôn khổ chương trình thể thao diễn ra trên đất Huế trước 1945, Mỹ Hòa hội thường xuyên phối hợp, tham gia các sự kiện lớn tại Kinh đô như: Hội chợ Thương mại, Tuần lễ Thể thao, lễ Hưng quốc Khánh niệm…, hoặc một số giải đấu: Hội bóng tròn Trung Kỳ, tranh giải hàng năm của chính phủ Nam triều; cuộc thi đua xe đạp Tourance - Huế; thi Pingpong tranh giải “Nam Phương hoàng hậu”, giải “Lạc Tịnh viên”; Tennis tranh giải “Pasquier”, giải “Bảo Đại Trung Kỳ” và thi thuyền buồm tranh giải “Nam Phương Interclub”, giải “sông Hương”.

3. Thay lời kết

Hội Mỹ Hòa được hình thành và phát triển gắn liền với công lao to lớn của vị “chủ soái” Hoàng Yến - người được xem là linh hồn của hội. Đồng thời có sự góp mặt và đồng hành hỗ trợ của tất cả quan lại, đại thần đương triều, danh sĩ trí thức (cựu học lẫn Tây học) lỗi lạc đất Kinh kỳ lúc đó, như: Ưng Bình, Nguyễn Học Sỹ (Nam Trân), Vĩnh Trân, Mai Trung Thứ, Hồ Đắc Cáo, Tạ Quang Bửu, Phạm Giao, Nguyễn Khoa Toàn, Nguyễn Khoa Phong, Trần Đình Tùng, Trần Văn Tiết, Phạm Giao, Bửu Hoằng, Nguyễn Văn Hiếu, Phan Đình Thuyên, Trần Trinh Soạn, Lê Nhữ Lâm. Bên cạnh sự nghiệp chính trị, họ là lớp thế hệ tiên phong nhiệt thành tham gia và cổ vũ các phong trào canh tân đổi mới, cổ súy việc gìn giữ, phát huy di sản văn hóa dân tộc.

Ra đời cách đây 85 năm, nhưng có thể thấy, tôn chỉ và mục đích của hội VCMTTT có rất nhiều điểm hiện đại và tiến bộ. Việc thành lập tủ sách và xuất bản ấn phẩm đã góp phần lưu giữ nguồn tư liệu quý giá, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của đông đảo tầng lớp nhân dân, tạo nên một diễn đàn bổ ích và thiết thực. Cho đến thời điểm hiện tại, phương thức hoạt động đó vẫn vẹn nguyên giá trị thực tiễn của nó.

Hội Mỹ Hòa tồn tại vừa đúng một thập kỷ, đó là khoảng thời gian không phải dài để hội có thể định hình đường hướng riêng, nhưng chừng đó cũng vừa đủ để xác lập một dấu ấn rõ nét trong đời sống văn hóa và thể thao ở Huế. Hơn 80 năm đã đi qua, thế sự can qua đắp đổi không ngừng. Thiết nghĩ, với những đóng góp to lớn đó, nên chăng, chúng ta cần có những động thái để tôn vinh, trả lại vị trí xứng đáng của Hội Mỹ Hòa trong dòng chảy lịch sử, văn hóa Huế.

Đ.M.Đ
(SHSDB40/03-2021)

----------------------------
1. Đơn cử như loạt bài của tác giả “Tôn Thất Cảnh” trên “Tân Văn tuần báo”: “Huế, nơi của thi sĩ” (số 04, thứ 07, 04 Aout 1934); “Huế, nơi của những người thi sĩ” (số 06, thứ 07, 08 Sept 1934); “Huế, nơi của thi sĩ: Đi cung chiêm các tôn lăng”, 2 kỳ (số 13, thứ 07, 27 Octo 1934 và số 14, thứ 07, 03 Nov 1934).
2. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Nên có một bình dân thư viện ở  Huế”. Báo Tràng An, số 15 (Thứ sáu, ngày 19 tháng 04 năm 1935). tr. 1.
3. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Nên có một bình dân thư viện ở  Huế”. Tlđd. tr. 1.
4. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Nên có một bình dân thư viện ở  Huế”. Tlđd. tr. 1.
5. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Cần phải có một hội Văn chương,  Mỹ thuật và Thể thao ở Kinh đô”. Báo Tràng An, số 12 (Thứ ba, ngày 09 tháng 04 năm 1935). tr. 1.
6. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Cần phải có một hội Văn chương,  Mỹ thuật và Thể thao ở Kinh đô”. Tlđd. tr. 1.
7. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Cần phải có một hội Văn chương,  Mỹ thuật và Thể thao ở Kinh đô”. Báo Tràng An, số 13 (Thứ sáu, ngày 12 tháng 04 năm 1935). tr. 2.
8. Tràng An báo. (1935). “Một tiếng vang”. Báo Tràng An, số  17 (Thứ sáu, ngày 26 tháng 04 năm 1935). tr. 1.
9. Tràng An báo. (1935). “Chúng ta sẽ có một hội thể thao  nữa”. Báo Tràng An, số 18 (ra ngày 30 tháng 04 năm 1935). tr. 2.
10. Tiêu Diêu Tử. (1935). “Việc lập hội Văn chương, Mỹ thuật  và Thể thao ở Kinh đô. Tại nhà quan Thương tá Hoàng Yến đã nhóm kỳ Hội đồng thứ nhất”. Báo Tràng An, số 19 (Thứ 6, ngày 03 tháng 05 năm 1935). tr. 1.
11. Hội Mỹ Hòa. (1936). Statuts du Cercle Artistique Littéraire  et Sportif Annamite, My - Hoa Hoi en Annam. Nhà in Đắc Lập xuất bản. tr. 3.
12. Hội Mỹ Hòa. (1936). Statuts du Cercle Artistique Littéraire  et Sportif Annamite, My - Hoa Hoi en Annam. Sđd. tr. 21.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng