Ai ra xứ Huế
Chuyện đại dịch thời Minh Mạng và ứng phó của triều đình
16:26 | 06/08/2021

PHƯỚC HẢI  

Dịch bệnh thời nào cũng xảy ra, không chỉ ở một vùng, một nước một khu vực mà có lúc là toàn cầu, nhất là trong điều kiện giao thương thuận lợi như hiện nay.

Chuyện đại dịch thời Minh Mạng và ứng phó của triều đình

Vào thời Nguyễn, dịch bệnh cũng xảy ra liên tục và đã cướp đi không ít sinh mạng người dân. Chỉ điểm qua một giai đoạn ngắn và chỉ qua 2 đại dịch vào năm 1820 và năm 1840 dưới thời Minh Mạng cũng có thể thấy rõ thực tế này.

Vào tháng năm Canh thìn (1820), ở Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường dịch bệnh bùng phát, lại thêm từ Bình Thuận trở ra đến Quảng Bình có tin báo bệnh dịch. Sách Đại Nam thực lục có chép, bấy giờ vua Minh Mạng nói với quần thần: “Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay. Trẫm làm chủ của dân, duy có ngày đêm kính sợ, xét mình sửa đức để hồi lại ý trời. Đến như vì dân mà cầu đảo thì không cái gì là không làm, ngõ hầu khí độc có giảm ít đi chăng ?”1. Khi vận nước gặp thiên tai, dịch bệnh, điều đầu tiên là nhà vua thường nghĩ đến trách nhiệm bản thân, chưa vẹn tròn đức độ, và tự trách mình: “Trẫm không có đức, trên can phạm hòa khí của trời, bốn phương có dịch đều là lỗi trẫm” rồi sai Phạm Đăng Hưng theo ý này để soạn một bài dụ. Đăng Hưng nhân chỉ và tâu lại rằng: “Gặp tai vạ biết lo sợ, vốn là thịnh đức của đấng nhân quân. Nhưng thần nghe bệnh dịch từ Tây dương sang, bệ hạ hà tất lấy làm tội của mình”. Vua Minh Mạng tiếp tục tranh luận, cho rằng một viên quan nhỏ còn biết tự mình có lỗi, rồi phân tích: “Nếu trẫm không thiếu đức thì tai vạ ở nước ngoài vào làm sao được. Nguyễn Văn Quế chỉ là một mục thú còn tự nhận là lỗi mình, huống trẫm là vua thiên hạ, có thể chối lỗi được sao?”2. Sau đó, nhà vua chỉ dụ lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch và sai quan địa phương đích thân đi cấp phát thuốc men ở các nơi có dịch song song với việc chỉ đạo mỗi địa phương có dịch mỗi nơi đặt một đàn tế lễ. Trong cung, bản thân nhà vua cũng ngầm lập đàn tế, cầu khấn trời đất để mong qua dịch bệnh. Người đang ốm thì được cấp phát thuốc, người đã chết thì được cấp phí để an khâm liệm, an táng. Quan địa phương phải thường xuyên thị sát điều tra dịch khí nhẹ hay dữ, và số binh lính và người dân bị ốm chết, cứ mỗi ngày đều phải tâu trình một lần để triều đình nắm thông tin. Dịch bệnh từ tháng năm kéo đến nhiều tháng sau đó.

Tháng bảy năm Canh thìn, vua có dụ cho các thị thần rằng: “Gần đây lệ khí lan tràn từ Gia Định trở ra đến Quảng Bình nhiều người ốm chết, trẫm nghe thấy rất lấy làm thương”. Phàm lính là để giữ nước, vẫn không thể thiếu được, mà đạo nuôi dân cũng nên rộng rãi. Vậy thông dụ cho ở Kinh và các thành dinh trấn phàm việc   sung điền binh đinh trốn và  chết đều hoãn lại, đợi sau  khi lệ khí yên rồi sẽ bắt cũng  chưa muộn”3. Bấy giờ, Hữu  Tham tri Lễ bộ là Nguyễn Du (tức tác giả Truyện Kiều) được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh, chưa kịp đi thì nhiễm bệnh và qua đời. Vua Minh Mạng rất thương tiếc, ban cấp 20 lạng bạc, 1 cây gấm Tống. Khi thi hài được đưa về cải táng ở Tiên Điền, Hà Tĩnh lại cấp thêm cho gia quyến 300 quan tiền.

Đến tháng 12 năm này, đại dịch mới bắt đầu lui, ngày 24 tháng 12 năm Canh Thìn (1820), Khâm sai Bắc Thành Lê Văn Phong làm bản tấu về số người chết vì bệnh dịch tả chỉ riêng ở Bắc Thành là gần 150 ngàn người. Đây chính là đại dịch tả có sự lây nhiễm rộng, từ Indonesia bắt đầu lây lan sang Việt Nam từ Hà Tiên lên đến Bắc Thành với số liệu người chết được tổng kết qua thống kê trong sách Đại Nam thực lục rất lớn: “Số hộ khẩu chết tất cả là 206.835 người, không kể số nam phụ lão ấu ở ngoài hộ tịch. Trước sau chẩn cấp tổng kê hơn 73 vạn quan tiền4. Tổng số người chết (206.835 người) vì đại dịch này chiếm lỷ lệ khoảng 2,9 % so với dân số Việt Nam lúc này là khoảng 7 triệu dân5.

Một đại dịch khác cũng xảy ra dưới thời Minh Mạng sau đó 20 năm. Năm Canh Tý (1840), từ tháng năm đến tháng mười, một căn bệnh truyền nhiễm cũng đã lây lan nhanh chóng qua các tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên, rồi quay ngược ra Thanh Hóa, Hưng Yên, Sơn Tây khiến hàng nghìn người thiệt mạng:

- Tháng năm, sau chuyến công cán từ Nam Định, Đặng Quốc Lang dâng sớ tấu trình: “Các huyện Giao Thủy, Nam Chân, Thượng Nguyên, Thiên Bản, nhân dân chết dịch đến có hàng nghìn người. Và đi đường qua huyện Kỳ Hoa tỉnh Hà Tĩnh, huyện Phong Lộc tỉnh Quảng Bình cũng nghe nói có bệnh dịch. Xin xuống sắc hỏi rõ để cứu chữa. Vua dụ bộ Hộ rằng: “Từ sang xuân đến nay, nhân dân các hạt đều được bình yên, mà sao 3 tỉnh ấy riêng có dịch lệ. Bệnh tật của dân là việc quan hệ, ta rất băn khoăn. Vậy truyền cho đều phải lập tức xét hỏi tình hình thực tại, làm sớ tâu ngay6. Sau khi chỉ dụ thực hiện các biện pháp ứng phó, tình hình dịch bệnh đã lui, triều đình cấp tiền tuất cho các tỉnh có người chết vì dịch gồm Nam Định hơn 200 người, Hà Tĩnh hơn 400 người, Quảng Bình hơn 800 người, Nghệ An 200 người, v.v. Quan địa phương chậm tiến độ báo cáo đều bị quở trách.

- Tháng sáu, Thanh Hoa (Thanh Hóa sau này) báo cáo tình hình địch bệnh khiến 2000 người thiệt mạng, do vậy việc tuyển mộ xin được hoãn. Vua Minh Mạng sau khi đã quở trách: “Xét trong tờ tâu, thì bệnh dịch lệ phát ra từ mồng một tháng giêng, nếu dân gian có sự ngặt nghèo, sao không tâu trước7 sau đó, cấp tiền tuất cho người dân bị chết vì dịch và chỉ dụ cho hoãn tuyển mộ. Quan phủ Thừa Thiên là tâu bấy giờ dân chúng ở 5 huyện Hương Trà, Hương Thủy, Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vĩnh bị bệnh truyền nhiễm chết đến hơn 200 người. Lập tức, vua chỉ dụ “phái nhiều y sinh đem thuốc chia nhau đi chữa, bệnh dịch liền bớt đi”...

- Tháng bảy, tỉnh Hưng Yên tâu về dịch truyền nhiễm từ tháng 5 đến tháng 7, nay đã ngưng, nhưng đã khiến cho hơn 3000 dân ở tỉnh này thiệt mạng; tháng mười, các huyện thuộc hạt Sơn Tây báo cáo từ mùa xuân đến mùa thu, bệnh dịch truyền nhiễm xảy ra khiến hơn 4900 người chết. Vua truyền chỉ quở mắng vì sự báo cáo chậm trễ của các tỉnh hạt, triều đình ban cấp tiền tuất cho người chết.

Qua các đợt dịch, vua Minh Mạng đã nhiều lần ban chỉ dụ, chỉ đạo các địa phương chống dịch và cũng nói rõ quan điểm của cá nhân và triều đình. Có thể dẫn ra đây một vài đoạn:

Ta dẫu chưa dám mong sánh với bậc hiền triết đời xưa, một lời cảm động, đổi tai làm lành, nhưng muốn mở rộng lòng thương xót để gấp cứu tai thương. Rồi giáng chỉ mở rộng kho tàng, chẩn cấp cho người chết dịch, không cứ đàn ông, đàn bà, già hay trẻ (…) Lại sai thành, trấn đều sắm thuốc men chữa trị, sống thoát khỏi rất nhiều, rồi yên lành ngay8;

Dạo trước các hạt Bắc Kỳ bệnh dịch lệ lưu hành, trẫm thương xót dân bị tai nạn, đã từng xuống dụ: những người chết, được chiếu hạng cấp tiền tuất là cho rằng những dân mọn chốn hương thôn, không ai không là con đỏ của triều đình. Nay bất hạnh gặp phải tai biến riêng một phương thì dù có phí tổn đến bao nhiêu cũng không tiếc9.

Nhìn chung, trong lịch sử thời Nguyễn, dịch bệnh là câu chuyện thường xuyên và liên tục. Bấy giờ phổ biến các loại dịch truyền nhiễm (thường gọi là dịch lệ, lệ khí), thương hàn (thử dịch), dịch tả (hắc loạn), đậu mùa (thiên hoa đậu), sốt rét (hàn nhiệt), trong đó bệnh truyền nhiễm và dịch tả là đáng lo ngại nhất vì khả năng lây lan nhanh, khó kiểm soát, điển hình như hai trận dịch năm Canh Thìn - 1820 và Canh Tý - 1840 thời Minh Mạng.

Vào thời kỳ khoa học chưa mấy tiến bộ, y tế cộng đồng chưa mấy phát triển, những biện pháp ứng phó như lập đàn cầu khấn, kịp thời nắm bắt thông tin và chỉ đạo chế độ báo cáo, đưa thầy thuốc đến tận nơi điều trị, chế thuốc cấp phát cho người dân, hỗ trợ tiền mai táng cho người chết dưới triều Minh Mạng… đều là những việc làm cần thiết góp phần kịp thời kiểm soát, hạn chế và khắc phục dịch bệnh. Từ “biện pháp tâm linh” đến những biện pháp cụ thể như vậy cho thấy sự cố gắng của triều đình với nhiều nỗ lực nhằm tìm cách thích ứng để bảo tồn sự sống…

P.H
(TCSH388/06-2021)

-----------------------
1. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, Viện sử học dịch, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tái bản, 2002, tr.59.
2. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, như đã dẫn, tr.59.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, như đã dẫn, tr.64.  
4. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, như đã dẫn, tr.84.  
5. Triều Minh Mạng đã hoàn thành công cuộc lập địa bạ trên toàn quốc vào năm 1836 (hiện nay còn lưu giữ 10.044 tập  gồm 15.000 quyển địa bạ), theo đó, dân số Việt Nam được nhà Nguyễn thống kê đến thời điểm này là 7.764.128 người.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, như đã dẫn, tr.550.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, như đã dẫn, tr.564.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 2, như đã dẫn, tr.621.
9. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 5, như đã dẫn, tr.414.
 



 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng
Ca Huế tri âm (11/05/2021)