Ai ra xứ Huế
Góp thêm một số thông tin về Bùi Huy Tín và nhà in Đắc Lập
14:47 | 07/10/2021


ĐỖ MINH ĐIỀN

Góp thêm một số thông tin về Bùi Huy Tín và nhà in Đắc Lập
Bùi Huy Tín và phái đoàn đi thị sát tuyến đường sắt Vinh - Đông Hà năm 1922

1. Bùi Huy Tín, từ ông chủ thầu khoán, đến ông “hoàng” in ấn xuất bản

“Nhất Bưởi (tức Bạch Thái Bưởi), nhì Phu (Hoàng Trọng Phu), tam Thu (Nguyễn Hữu Thu), tứ Tín (Bùi Huy Tín)”, đó là câu nói mà nhiều người dân miền Trung vẫn thường truyền tụng để nói về “tứ đại phú hộ” nổi danh ở Bắc Kỳ Việt Nam. Trong số bốn vị “thương gia” kể trên, thì Bùi Huy Tín là nhân vật được người Huế nhắc nhớ nhiều nhất, một phần vì ông “quá giàu”, mặt khác bởi những cống hiến to lớn của ông đối với lịch sử, văn hóa Huế.

Bùi Huy Tín (裴輝信) sinh năm 1875, tại Hà Nội, tổ quán ở Thái Bình, nhưng có thể coi Huế là quê hương thứ 2 của ông, đây là nơi ông nằm lại, “an giấc ngàn thu” sau gần 88 năm dấn thân chốn thương trường, với biết bao vinh nhục tủi hờn của cuộc đời. Theo hồi ức của bà Bùi Bích Hà - ái nữ của cụ Bùi Huy Tín, tổ tiên họ Bùi vốn sống ở Thái Bình. Thân sinh cụ Tín có hai người con trai, ông là con thứ hai trong nhà. Năm ông lên 3 tuổi, thì bị thất lạc với gia đình. Sau đó ông được một viên Đại úy người Pháp nhận nuôi và chu cấp ăn học. Học xong Tiểu học, ông tiếp tục thi Thông ngôn. Năm lên 20 tuổi, với số vốn ít ỏi của mình, ông tách ra kinh doanh, tham gia đấu thầu nuôi cá ở Hồ Tây.

Từ năm 1913 đến năm 1919, ông là thành viên của phòng Thương mại Bắc Kỳ (Chambre de Commerce de Hanoi, Tonkin), rồi Ủy viên hội đồng thành phố Hà Nội (1919 - 1920); Hội đồng Tư vấn Bản xứ Bắc Kỳ (Chambre Consultative Indigène du Tonkin), từ 1920 đến 1924; Thư ký viện Dân biểu Bắc Kỳ (Chambre des Représentants du Peuple du Tonkin), từ năm 1925 đến 1932; Thành viên Đại hội đồng Kinh tế lý tài Đông Dương (Grand Conseil des Intérêts economiques et Financiers de L’Indochine), từ năm 1928 đến 1929; Nghị trưởng viện Dân biểu Trung Kỳ (Chambre des Représentants du Peuple de l’Annam), từ năm 1934 đến 1937(1).

Trong khoảng thời gian kể từ năm 1902 đến những năm đầu của thập niên 30, thế kỷ XX, với đầu óc nhạy bén của mình, lại biết tận dụng tất cả các mối quan hệ, Bùi Huy Tín tham gia lãnh thầu một số hạng mục thuộc tuyến đường sắt: từ Việt Trì đi Lào Cai (1902 - 1906); đoạn từ Sài Gòn đi Khánh Hòa, Lang Bian (1907 - 1910); tuyến đường từ Vinh đi Đông Hà (1914 - 1918). Đồng thời, xây dựng sở Đồn điền rộng 500 hecta ở Minh Hạc (Phú Thọ), ở Bỉm Sơn, Thanh Hóa (600 hecta), Yên Lập (500 hecta), Hương Khê (Hà Tĩnh), Ông Đông (Quảng Bình), nhà máy Vĩnh Hảo, hệ thống “dẫn thủy nhập điền” ở Quảng Nam và khai thác mỏ ở Yên Cư, Thiên Nhân (Vinh)(2).

Nhằm biểu dương những đóng góp của ông trong công cuộc phát triển mở mang kinh tế nước nhà, vào năm 1919, vua Khải Định “trao cho thương nhân Bùi Huy Tín hàm Hàn Lâm viện Trước tác (Huy Tín từng nhiều lần nhận việc lãnh thầu quan trọng ở Trung Kỳ, lại khẩn đất ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh được 500 mẫu Tây), đến năm thứ 5 (1920) thăng hàm Thị độc”(3). Đến năm Khải Định thứ 8 (1923), “chuẩn cho Thị giảng Bùi Huy Tín được thăng đổi hàm Hồng Lô tự khanh (Bùi Huy Tín đề xướng lập ra báo quán Thực nghiệp dân báo ở Hà Nội, việc có quan hệ tới ích lợi chung, đại khái tổ chức Cục máy Bơm nước ở Quảng Nam và khẩn hoang phần nhiều có thành hiệu)”(4). Năm 1928, ông được tặng Ngũ hạng Bắc đẩu Bội tinh (de la Légion d’Honneur).

Cùng với hoạt động kinh doanh, thương mãi, năm 1920, ông chính thức tham gia vào lĩnh vực báo chí. Tờ “Thực nghiệp dân báo” là đứa con đầu lòng của ông (đây là nhật báo về thông tin kinh tế, thương mãi, kỹ nghệ, nông nghiệp. Số đầu tiên ra mắt vào ngày 12/07/1920); rồi sau đó “Tràng An báo(5), tờ “La Gazette de Hué(6) nối gót nhau ra đời. Và dĩ nhiên nhà in Đắc Lập của ông là một “thương hiệu” nổi tiếng, góp phần đưa kỹ nghệ xuất bản ở đất Thừa Thiên bước sang một trang sử mới.

Cụ Bùi Huy Tín (đứng giữa) và các thành viên trong Bắc Kỳ châu phả hội


Bùi Huy Tín là một trong những nhân vật tham gia tích cực trong các hoạt động về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội: Hội viên hội Khai Trí Tiến Đức (Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites, viết tắt A.F.I.M.A)(7), Ân nghĩa hội viên hội Y học Trung Kỳ, Phả trưởng của Bắc Kỳ tập thiện phả, thành viên trong ban Tổ chức của Hội đồng tổ chức Hội chợ Huế (1936)... Đặc biệt, vào năm 1934, ông đứng ra vận động thành lập “Trung kỳ Công thương gia hội” (Association des Commerçants et Industriels de L’Annam), một tổ chức quy tụ phần lớn giới thương mại (chủ xưởng, hiệu buôn) hiện đang làm ăn sinh sống ở Trung Kỳ(8). Theo quyết định của Đại hội đồng, Bùi Huy Tín được bầu làm Chánh Hội trưởng (Président) của hội.

2. Nhà in Đắc Lập, nhà in đầu tiên ở Thừa Thiên Huế

Theo thống kê, tìm hiểu của chúng tôi, trong khoảng thời gian từ năm 1919 đến năm 1945, trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã có ít nhất 12 nhà in/nhà xuất bản lần lượt chào đời. Phải kể đến như, nhà in Đắc Lập của Bùi Huy Tín; nhà in Tiếng Dân, “anh em sinh đôi” tờ báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng; nhà in Mirador (sau cải danh thành Viễn Đệ), một trong những “bà đỡ”, đứng ra bảo trợ cho rất nhiều cuốn sách của “An Nam Phật học hội”. Nhà in Phúc Long, đơn vị xuất bản hỗ trợ cho các tác gia theo đuổi khuynh hướng đổi mới văn học. Nhà in Cảnh Tân, chuyên in sách giáo khoa, địa lý. Nhà in Trường An, cơ sở phụ trách in ấn tất cả các dòng sách của giáo hội Thiên Chúa giáo và nhà in Hàng Đường, nhà in của nhóm “Bình dân”.

Nhà in Đắc Lập xuất hiện tại Huế từ khi nào?. Một số bài báo, sách, tạp chí được ấn hành, công bố trong khoảng 10 năm trở lại đều cho biết nhà in Đắc Lập ra đời vào cuối năm 1925, 1926, hoặc vào năm 1927. Tuy nhiên, tất cả những ý kiến nói trên, theo chúng tôi hoàn toàn chưa chuẩn xác. Để có câu trả lời chính xác nhất cho vấn đề này, chúng tôi xin lần lượt giới thiệu hai tư liệu trực tiếp xác nhận về thời điểm ra đời nhà in Đắc Lập tại Huế.

Thông tin quảng cáo nhà in Đắc Lập trên măng xét báo Tràng An


Trên trang đầu báo Tràng An, số báo 478 (phát hành vào ngày 08 tháng 12 năm 1939) đăng tải bài viết “Tràng An báo đối với ngày kỷ niệm Nhị thập chu niên của nhà in Đắc Lập”. Mở đầu bài báo có đoạn “Ngày Chủ nhật 10 Décembre 1939 tới này đúng là ngày kỷ niệm Nhị thập chu niên của nhà in Đắc Lập. Nhà in Đắc Lập mở ra từ ngày 10 Décembre 1919 ở Kinh Thành Huế. Trong thời gian 20 năm, xét ra nhà in Đắc Lập thành lập ở Huế là nhà in đầu tiên của xứ Trung Kỳ, đã giúp vào công cuộc mở mang xứ Trung Kỳ của hai chánh phủ Bảo hộ và Nam triều không phải là không đáng kể”(9).

Tiếp đó, trên số báo 479 (ra ngày 12 tháng 12 năm 1939), đích thân ông chủ nhà in Đắc Lập tái khẳng định, “như nhà Đắc Lập này tới ngày 10 Décembre 1939 vừa chẵn 20 năm, từ lúc khai trương, báo Tràng An kỳ trước nhằm lúc tôi đi vắng xa, ông Quản lý Đắc Lập đã lấy phận sự nhân ngày kỷ niệm nhị thập chu niên mà lược kể qua cái tiểu sử của nhà Đắc Lập rồi”(10). Như vậy, với những thông tin tư liệu nói trên, có thể khẳng định rằng, ngày mồng 10 tháng 12 năm 1919 (tức năm Khải Định thứ 4), là ngày nhà in Đắc Lập chính thức thành lập.

Trước khi nhà in Đắc Lập có mặt tại Huế, hoạt động in ấn, xuất bản ở Kinh đô bấy giờ cơ bản được thực hiện dựa trên lối khắc in mộc bản truyền thống. Đến cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, cùng với quá trình xâm lược Đông Dương, kỹ thuật in hoạt bản được người Pháp nhập cảng vào Việt Nam, đánh dấu cho sự ra đời của kỹ nghệ ấn loát hiện đại.

Vào thời điểm đó, Sài Gòn và Hà Nội là hai địa phương thành lập nhà in sớm nhất trong cả nước. Tuy vậy, các nhà in lúc đó đa số do người Hoa sở hữu và quản lý, dần dần họ trở thành một thế lực thực sự trong lĩnh vực in ấn xuất bản. Đầu thế kỷ XX, nhận thức được sự lũng đoạn và độc quyền của Hoa thương trong hoạt động thương mại kinh tế, một bộ phận thương nhân người Việt bắt đầu có những động thái tích cực, như thành lập các hội, nhóm để hỗ trợ trong làm ăn buôn bán, tăng cường sự gắn kết giới tư sản ở cả ba kỳ, cổ động khuyến khích người Việt tham gia kinh doanh. Trong cuộc tranh thương đó, Bùi Huy Tín đã được giới thương nhân ở Huế lựa chọn gửi gắm và ủy thác xây dựng một nhà in để nhanh chóng khỏa lấp khoảng trống về kỹ nghệ in ấn ở Kinh đô.

Khởi đầu từ Nam Kỳ, ngọn lửa của phong trào tranh thương lan rộng ra miền Trung. Một số hiệu buôn ở Huế nhóm họp và đi đến quyết định thành lập “Thuận Thành thương quán”. Trong chương trình hành động của “Thuận Thành thương quán” có đặt ra mục tiêu sẽ thiết lập một nhà in tại Huế, song ngặt nỗi các thành viên ít vốn, lại không có nhiều kinh nghiệm trong in ấn. Đại diện “Thuận Thành thương quán” điện ra Hà Nội (lúc này Bùi Huy Tín đang là thành viên của phòng Thương mại Bắc Kỳ), yêu cầu ông thu xếp vào Huế. Ngay sau đó, Bùi Huy Tín vào Huế, lập tức trích ra số tiền hai vạn rưỡi bạc (25.000$00) để làm nhà in. Tiếp đó, ông ngược ra lại Hà Nội mua toàn bộ máy móc rồi gửi theo đường xe lửa chở vào Huế. Việc xây dựng nhà in ở Huế được vua Khải Định và đông đảo quan lại Nam triều hết sức tán dương hỗ trợ.

Mục giới thiệu sách của nhà in Đắc Lập


Cái tên Đắc Lập, theo như hồi ức của cụ Bùi Huy Tín thì do đức Hoàng đế Khải Định “ân tứ mạng danh”. Ông chủ nhiệm Đắc Lập kể rằng, “Đức Khải Định nhiệm tấu, ngài liền ban cho phép lập nhà in và cho phép các quan lục bộ ai muốn chiếm cổ phần nhà in cũng được. Buổi chầu ấy tôi tâu xin đức Hoàng đế ngự tứ mạng danh cho nhà in. Ngài liền lấy tên tôi mà ban, cho hai chữ Đắc Lập, tức là Đắc Lập ấn quán. Ngài lại ban nghĩa hai chữ ấy cho tôi biết rằng: sách có chữ nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập. Tôi lấy làm hân hạnh mà phụng lĩnh hai chữ Đắc Lập ngự ban, ấy là nhà in Đắc Lập khai trương tự đấy”(11).

Ban đầu Công ty Đắc Lập được hình thành dưới dạng cổ phần hóa, với số vốn huy động ban đầu là 50.000$, riêng cổ phần của Bùi Huy Tín đã chiếm đến 28.000$. Trong khoảng 3 năm đầu đi vào hoạt động, Đắc Lập liên tục báo lỗ, ban chủ nhiệm phải rất vất vả xoay xở đủ mọi phương án, “ba năm đầu lỗ vốn tới 25%, quản lý thay hết người này đến người khác cũng chẳng ai rành nghề. Các cổ đông thấy lỗ vốn đến thế nhiều người xin rút cổ phần ra”(12). Theo điều lệ của hội “công ty Đắc Lập hạn có 8 năm thời giải tán. Chương trình hội đã định trước hễ tới khi mãn hạn mà giải tán công ty”(13). Đến năm 1929, tức đúng 8 năm theo quy định, Bùi Huy Tín tự bỏ tiền mua lại toàn bộ cơ sở vật chất trang thiết bị. Kể từ đó, Đắc Lập ấn quán hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ông.

Sau 3 năm làm ăn không mấy suôn sẻ, đến đầu năm 1923, ban Quản lý nhà in tiến hành các bước cải tổ, đổi mới phương thức hoạt động. Để có một đội thợ lành nghề, Đắc Lập đã tuyển lựa hơn 16 người có tay nghề gửi ra các nhà in ở Hà Nội đào tạo, đồng thời xây dựng các hệ thống đại lý phân phối trong cả nước. Vào thời điểm đó, thợ chấm mo-rát và đóng bìa da, nhũ vàng của nhà in Đắc Lập là một trong những đội thợ có thu nhập hàng tháng rất cao. Đây cũng là nhà in có sự góp mặt của rất nhiều gương mặt nổi tiếng như: nhà văn Hoài Thanh (1909 - 1982), tác giả cuốn “Thi nhân Việt Nam”, hay Giáo sư Cao Xuân Huy (1900 - 1983), nhà nghiên cứu chuyên về lịch sử tư tưởng Triết học phương Đông.

Quảng cáo là hình thức truyền thông được nhà in Đắc Lập khai thác rất thành công, đây là phương tiện góp phần đưa thương hiệu Đắc Lập đến gần hơn với khách hàng. Chúng tôi xin giới thiệu một đoạn ngắn phụ trương quảng cáo được đăng liên tục trên các số báo của tờ Tràng An: “Imprimerie (nhà in) - Librairie (Hiệu sách) - Papeterie (cửa hàng văn phòng phẩm) ĐẮC - LẬP, BÙI - HUY - TÍN. 35, 43 - Rue Paul Bert, Hue (ANNAM). Là nhà in lớn nhất ở xứ Trung kỳ. Có rất nhiều kiểu máy móc rất mới và nhiều kiểu chữ rất đẹp. In mau và khéo. Giá tính phải chăng. Các nhà trứ thuật và xuất bản, muốn in báo chí hoặc sách vở bằng chữ PHÁP, chữ HÁN, hay chữ QUỐC - NGỮ, xin đến thương lượng, sẽ tính theo giá đặc biệt. Bạn hàng các nơi muốn mua lại những hàng hóa thuộc về sách, vở, giấy, bút, mực v.v, để bán buôn và bán lẻ, nên hỏi mua ở bản quán thì được giá rất hạ, vì bản quán giao thiệp với những chỗ sản xuất ở bên Pháp, mua tại gốc thì được giá nới, bản quán cũng tính ít lời thôi”(14).

Phụ trương quảng cáo của nhà in Đắc Lập và báo Tràng An


Về cơ cấu tổ chức, hãng Bùi Huy Tín phân thành 3 ban, gồm ban “Ấn quán” (section 1), ban “Thư quán” (section 2), ban “báo Tràng An và báo La Gazette de Hué” (section 3). Bên cạnh việc in ấn sách, báo, Đắc Lập ấn quán còn mở ra khá nhiều chi nhánh phân phối sách, báo. Tất cả đại lý của Đắc Lập ngoài chức năng “buôn bán sách vở giấy mực, bán báo lẻ, báo dài hạn, thu tiền các dịch vụ quảng cáo”, thì đảm nhận thêm nhiệm vụ làm cầu nối với tất cả tác giả ở các tỉnh thành gửi bài cộng tác và liên kết, hỗ trợ xuất bản sách. Tại Huế, ngoài cơ sở in ấn ở 43 đường Paul Bert (đường Trần Hưng Đạo), Đắc Lập thư quán có hai nhà sách, ở địa chỉ số 35 phố Paul Bert (phố Trường Tiền, nay là đường Trần Hưng Đạo) và đường Jules Ferry (nay là đường Lê Lợi).

Ngoài ra, Đắc Lập còn thiết lập một mạng lưới phân phối ở hầu khắp các tỉnh thành, và nước ngoài thì có chi nhánh ở Camphuchia và Lào. Ở Đà Nẵng có đại lý Trần Thị Thanh ở đường Verdun, Trương Văn Luân đường Đồng Khánh, Lê Thừa Ân. Quảng Nam: Nguyễn Tu (Vĩnh Điện), Nguyễn Văn Thể. Quảng Ngãi: Nguyễn Tấn Vang (Banque Agricole), Vũ Khắc Khoan (Bồng Sơn). Quy Nhơn (Bình Định): Hồ Văn Ba, Nhật Tân. Nha Trang (Khánh Hòa): Mộng Lương thư quán. Đà Lạt: Đại lý Nguyễn Cảnh Lâm. Phan Thiết: Huỳnh Ngân. Quảng Trị: Lê Chân. Hà Tĩnh: Nguyễn Văn Sưu. Vinh (Nghệ An): Lê Ngọc Lân, Tam Kỳ thư quán, Thiên Dân thư quán. Thanh Hóa: Lê Văn Nguyên, Chu Đình Quân (đường Bến Thủy). Hà Nội: Librairie Nouvelle Place Négrier, Thọ Tường, Nam Ký. Yên Bái: Ngô Bảo. Hải Dương: Văn Hàm thư quán. Nam Định: Hội Ký. Hải Phòng: Mai Lĩnh. Sài Gòn: Thanh Thanh, Cổ Kim thư xá. Mỹ Tho: Nguyễn Tấn Sĩ. Rạch Giá: Nguyễn Văn Khoa. Campuchia: Bazar Trường Xuân. Lào có đại lý Nguyễn Thị Kiêm, Đỗ Đình Bảo.

Theo bảng thống kê và niêm yết giá được công bố vào năm 1935, các Kiosque (Ki-ốt) thuộc hệ thống nhà sách Đắc Lập là đại lý cho hơn 10 tờ báo cả trong cũng như ngoài nước, như: báo Tràng An (giá 0$03), báo Tiếng Dân (0$04), Tiểu thuyết thứ Bẩy (0$03), Hanoi báo (0$03), báo Sao Mai ở Vinh (0$03), Thanh Nghệ Tĩnh (0$03), La Gazette de Hué (0$05), La Dépêche (0$10), L’Impartial (0$10), La Presse Indochinoise (0$10), L’Ecole Indochinoise (0$25), L’Avenir du Tonkin (0$10), France Indochine (0$10), La Volonté Indochinoise (0$10), La Patrie Annamite (0$06), L’Annam nouveau (0$05)(15).

Về báo, tạp chí, ngoài Tràng An báo, tờ La Gazette de Hué, nhà in Đắc Lập từng là cơ sở in ấn của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ, như tờ: France - Annam, Viên Âm báo (1933), Nam triều Công báo, Trung kỳ Bảo hộ Công báo, Ai Lao Công báo, Bulletin Administratif de l’Annam. Song song với in ấn sách, báo, nhà in Đắc Lập in tất cả các loại giấy tờ, nhãn mác, bao bì, biển hiệu, sổ sách, kỷ yếu, bản đồ. Rất nhiều tấm danh thiếp, giấy mời tham dự đám cưới mà chúng tôi may mắn sưu tầm được, cho thấy nhà in Đắc Lập khá tinh tế trong việc nắm bắt thị trường, cũng như xu thế, nhu cầu của thời đại.

Như chúng ta đã thấy, nhà in Đắc Lập không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc in ấn, xuất bản sách; nhưng xuất bản sách là mục tiêu cốt lõi, là chiến lược dài hơi của ông chủ sáng lập nhà in. Nói về dự định đó, Bùi Huy Tín đã có lần tâm sự “phải biết rằng tôi lập nhà in ở tại Kinh đô này chỉ vì sự mở mang và vì nghĩa vụ đoàn thể của đồng bào trong buổi tranh thương. Chứ nếu tôi bắt chước như nhiều người đã lành nghề về việc nhà in mà đặt bút trù tính kỹ coi công việc làm có đủ với sự chi phí thì có thể nhà in cũng không nhất khắc mà thành lập nên được”(16).

Tổng kết hơn 20 năm hình thành và phát triển, Đắc Lập đã xuất bản hơn 145 cuốn sách, góp công rất lớn trong việc phổ biến kiến thức, là cầu nối cho rất nhiều tác phẩm có giá trị học thuật đến tận tay đọc giả, gắn liền với tên tuổi của hàng loạt các tác giả trứ danh một thời: Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Bùi Thanh Vân, Đào Duy Anh, Nguyễn Bá Trác, Lê Thanh Cảnh, Lâm Mậu, Tống Viết Toại, Tôn Thất Hân, Hường Nhung, Hường Thiết, Ưng Bình, Ưng Trình, Ưng Ân, Lê Khắc Khuyến, Hồ Đắc Trung, Hồ Đắc Hàm, Lương Thúc Kỳ, Lưu Trọng Lư(17).

Đắc Lập có khoảng 15 năm (1922 - 1937) rực rỡ huy hoàng, rồi sau đó hoạt động cầm chừng. Đến đầu thập niên 40, cùng với những biến động về chính trị, xã hội, Đắc Lập lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Vào ngày 04 tháng 07 năm 1942, báo “Nước Nam” số 158, phát đi thông báo về việc Tràng An báo, La Gazette de Hué thay đổi chủ sở hữu: “một tin chẳng lành từ Huế lan ra: ông Bùi Huy Tín chủ nhiệm các báo Tràng An, Gazette de Hué đã phải bán lại cả hai tờ báo cho một người khác. Tờ Tràng An là tờ báo có danh tiếng ở chốn đế đô, vì đã có lúc ra hàng ngày, còn tờ Gazette de Hué là tờ tuần báo chữ Pháp ra đời đầu tiên ở Trung Kỳ. Nhà in Đắc Lập của ông Bùi Huy Tín vẫn đứng xuất bản hai tờ báo ấy, đều đặn trong ngót hai mươi năm trời nay. Ngày nay, đột nhiên hai tờ Tràng An, Gazette de Hué phải đổi chủ. Đó, một bằng chứng nữa tỏ rằng nghề làm báo ở nước Nam là một nghề chẳng nuôi sống kẻ phụng sự nó. Ai khéo làm thì hòa vốn, còn sự lỗ vốn là thường lắm”(18).

Theo dõi các số báo của Tràng An ấn hành kể từ đầu tháng 07 năm 1942, có thể dễ dàng nhận thấy, từ thời điểm này, việc in ấn, chế bản, biên tập báo Tràng An (bộ mới) do nhà in Pháp Việt đảm nhận và Tòa soạn, Trị sự cũng được chuyển về số 02 đường Bobillot (nay là đường Nguyễn Tri Phương). Có thể, đó là dấu mốc khép lại trang sử của nhà in Đắc Lập sau gần 24 năm tồn tại và từ đó cuộc đời của Bùi Huy Tín cũng xoay vần theo thế cuộc.

Phần mộ của cụ Bùi Huy Tín


4. Đoạn kết của cuộc đời

Sau năm 1945, tác động bởi tình hình chính trị trong nước, hoạt động kinh doanh của ông dần sa sút, tất cả những công trình: hầm mỏ, đồn điền… do ông đầu tư xây dựng lần lượt được sang tên đổi chủ. Tiếp đó một số tài sản về đất đai, nhà cửa ở đường Jules Ferry (Huế), Quảng Bình, Bạch Mã (ngôi nhà này được bán cho linh mục Cao Văn Luận) cũng được ông bán lại. Từ năm 1954 (lúc này ông đã ngoài 75 tuổi) ông lui về hoạt động Phật sự.

 Năm 1963, Bùi Huy Tín lặng lẽ rời cõi tạm, mộ phần của ông được ban Trị sự Bắc Kỳ đồng châu hội đưa về an táng trong khuôn viên Nghĩa trang chùa Tập Thiện. Dòng chữ trên bia khắc mấy chữ: “Hiển khảo Tiền triều cáo thụ Thái thường Tự khanh Bùi công đệ nhị lang chi mộ” (顯考前朝誥授太常寺卿裴公第二郎之墓) và dòng lạc khoản: “Quý Mão niên mạnh xuân cát nhật. Hiếu tử, Bùi Huy Đẩu phụng lập” (癸卯年孟春吉 日。孝子裴輝斗奉立), nghĩa là: ngày tốt, tháng 01 năm Quý Mão (1963). Con trai Bùi Huy Đẩu phụng lập.

Đối với báo chí ông là “cha đẻ” của hai tờ báo tiếng tăm ở Huế trước năm 1945. Với những người “đồng châu Bắc kỳ”, Bùi Huy Tín là vị Phả trưởng nặng lòng với quê hương xứ sở; với giới thương gia ở Trung Kỳ, ông là vị chủ soái nhiệt tình, toàn tâm kiến thiết nền kinh tế quốc gia. Nhưng hơn hết, ông chính là người khai sinh ra nhà in đầu tiên ở Huế, người mở đầu cho ngành xuất bản của Cố đô. Có lẽ, một con đường mang tên Bùi Huy Tín sẽ không có gì to tát, so với những đóng góp của ông đối với văn hóa Huế.

Đ.M.Đ
(SHSDB42/09-2021)

---------------------------
1. Souverains et Notabilités d’ Indochine. Editions du Gouvernement Général de l’Indochine. Nhà in Viễn Đông Bác Cổ (I.D.E.O). Hà Nội. 1943. p. 91.
2. Souverains et Notabilités d’ Indochine. Sđd. p. 91, 92.
3. Quốc Sử quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục. [Chính biên, Đệ thất kỷ]. Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb.Văn hóa -Văn nghệ. tr. 224.
4. Quốc Sử quán triều Nguyễn. (2012). Đại Nam thực lục. [Chính biên, Đệ thất kỷ]. Sđd. 406, 407.
5. Tràng An báo thuộc bán tuần san ra ngày thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Chủ nhiệm: Bùi Huy Tín, từ năm 1935 đến tháng 06 năm 1942 và bà Lucie Saillard từ tháng 7 năm 1942 đến 1945. Chủ bút: Phan Khôi (tháng 3 năm 1935 đến tháng 2 năm 1936), Lê Thanh Cảnh, Hoàng Thiếu Sơn. Thư ký tòa soạn Nguyễn Đức Phiên (tháng 9 năm 1942 đến 1945); tòa soạn tại nhà in Đắc Lập, số 43 đường Paul Bert, Huế, từ tháng 7 năm 1942 chuyển về số 2 đường Bobillot, Huế. Một số tác giả cộng tác: Phan Bội Châu, Bích Liên, Chế Lan Viên, Cù Huy Cận, Hàn Mạc Tử, Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), Mộng Huyền, Nam Trân (Nguyễn Học Sỹ), Phan Thị Nga, Phan Văn Dật (Thường Nga Phố, Tiêu Lang), Trần Thanh Địch. Số cuối ra ngày 2 tháng 12 năm 1945. Đây là tờ báo cập nhật rất chi tiết đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở Huế nói riêng.
6. La Gazette de Hué là nhật báo, bằng Pháp ngữ do Bùi Huy Tín và Phạm Văn Ký chủ trương tại Huế từ năm 1936 đến 1939, với sự cộng tác của Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Nam Trân và Trần Điền. Chủ nhiệm Bùi Huy Tín; chủ bút: Phạm Văn Ký (1936 - 1938), Nguyễn Tiến Lãng (1938 - 1939). Một số tác giả từng cộng tác: Bùi Huy Tín, Cung Giũ Nguyên, Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Nam Trân, Nguyễn Tiến Lãng, Phạm Văn Ký, Trần Điền…
7. Nam Phong tạp chí. (1919). “Hội Khai Trí Tiến Đức”, số 20. tr. 165.
8. Đỗ Minh Điền. (2021). “Hội công thương gia ở Trung Kỳ”. Tạp chí Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, số 138 (06.2021). tr. 64.
9. Báo Tràng An. (1939). “Tràng An báo đối với ngày kỷ niệm Nhị thập chu niên của nhà in Đắc Lập”, số 478 (ngày 08 tháng 12 năm 1939). tr. 1.
10. Bùi Huy Tín. (1939). “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán”. Báo Tràng An, số 479 (ngày 12 tháng 12 năm 1939). tr. 2.
11. Bùi Huy Tín. (1939). “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán”. Tlđd. tr. 2.
12. Bùi Huy Tín. (1939). “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán”. Tlđd. tr. 2.
13. Bùi Huy Tín. (1939). “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán”. Tlđd. tr. 4.
14. Tràng An báo. (1935). Phụ trương Tràng An, số 54 (ngày 03 tháng 09 năm 1935). tr. 6.
15. Tràng An báo. Báo ta và báo tây bán ở nhà sách và kiosque Đắc Lập. Số 100 (ngày 25 tháng 02 năm 1936). tr. 4.
16. Bùi Huy Tín. (1939). “Nhị thập chu niên Đắc Lập ấn quán”. Tlđd. tr. 2.
17. Xem thêm: Đỗ Minh Điền. (2020), “Bước đầu tìm hiểu hoạt động xuất bản sách ở Huế (1920 - 1935), (Nghiên cứu trường hợp nhà in Đắc Lập và Tiếng Dân)”. Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, số 7 (161). 2020, tr: 115 - 130.
18. Báo Nước Nam. (1942). “Lại một ông chủ nhiệm báo nữa bó buộc phải ra làng”. Báo Nước Nam, số 158 (04/07/1942). tr. 1.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ca Huế tri âm (11/05/2021)