Ai ra xứ Huế
Thanh miếu thờ vua Quang Trung và Chánh cung Hoàng hậu ở gần lăng Đan Dương
08:48 | 24/01/2022


TRẦN VIẾT ĐIỀN

Thanh miếu thờ vua Quang Trung và Chánh cung Hoàng hậu ở gần lăng Đan Dương
Mô hình giả thuyết về quần thể lăng Đan Dương (có mộ vua Quang Trung và Phạm hoàng hậu), có Thanh miếu

Tiến hành phiên âm, dịch nghĩa một số bài thơ tuyển chọn trong tập “Thu cận dương ngôn” của Ngô Thì Nhậm, sáng tác từ 1797, khi vào kinh đô Phú Xuân hầu cận Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, các nhà nghiên cứu như Mai Quốc Liên, Ngô Linh Ngọc,… vì “yêu kính” anh hùng dân tộc Quang Trung, vô tình biến những bài thơ Ngô Thì Nhậm ghi lại những cảm xúc của họ Ngô với vua con Cảnh Thịnh thành những cảm xúc đối với tiên đế Quang Trung. Thi thoảng các dịch giả lại thay đổi một số chữ trong văn bản gốc để phù hợp suy nghĩ chủ quan khi dịch thơ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ minh chứng điều nhận định này qua một bài thơ và cũng từ những thông tin rút ra từ bài thơ này, chúng tôi bổ sung vào giả thiết về Đan Dương lăng.

Bối cảnh và tâm cảm Ngô Thì Nhậm khi sáng tác bài thơ dâng vua

Sau cuộc đảo chính 1795 ở Phú Xuân do phe Trần Văn Kỷ - Vũ Văn Dũng tiến hành, loại bỏ phe Bùi Đắc Tuyên - Ngô Văn Sở, vua Cảnh Thịnh cũng vào tuổi trưởng thành, có học vấn đầy đủ, biết lo việc chính sự, liền ra chỉ dụ Ngô Thì Nhậm rời Thăng Long vào kinh đô Phú Xuân, hầu cận Cảnh Thịnh. Vài năm trước, Nguyễn vương Phúc Ánh đã vững chân ở Gia Định, tiến hành những chiến dịch tái chiếm các tỉnh ở Nam Trung bộ. Năm 1793 quân Nguyễn vương vây Quy Nhơn, khiến triều đình Tây Sơn vương ở Quy Nhơn phải cầu cứu Tây Sơn ở Phú Xuân, thừa cơ hội Tây Sơn Phú Xuân đưa đại quân vào Quy Nhơn, gồm thâu đất đai, binh dân, tài sản,… của Tây Sơn vương Nguyễn Nhạc, khiến Nguyễn Nhạc uất ức mà qua đời. Bề ngoài thì Tây Sơn Phú Xuân có vẻ mạnh lên nhưng bên trong đã rạn nứt, các đại thần không phục nhau, nghi ngờ nhau và có người đã rắp tâm về hàng Nguyễn vương Phúc Ánh. Ở Phú Xuân, Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản, dẫu sao đã gồm thâu đất đai, binh dân, tài sản,… của vua bác, thường cùng bầy tôi tổ chức những cuộc duyệt binh, săn bắn, đến những nơi hiểm yếu về mặt quân sự để lo việc bố phòng, hoặc vời các đại thần vào cung bàn bạc quốc sách, rỗi rảnh tổ chức cầu tiên, xướng họa, uống trà… Gặp ngày thích hợp Cảnh Thịnh cùng đại thần xuống thuyền để bái tảo Đan Dương lăng, hoặc những ngày sóc vọng tháng 7 thì tổ chức tấu nhạc ở Thanh miếu.

Năm 1797, nhân ngày rằm triều đình Cảnh Thịnh tổ chức tấu nhạc ở miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế, Ngô Thì Nhậm là quan từ hàn, theo hầu hoàng đế Cảnh Thịnh, làm thơ ghi lại cảm xúc dâng vua. Họ Ngô viết bài: “朔望侍奏樂太 祖廟恭記 (Sóc vọng thị tấu nhạc Thái tổ miếu cung ký) (Ngày lễ rằm, mồng một tấu nhạc miếu Thái Tổ kính ghi). Trong khoảng thời gian 5 năm, từ năm 1792, Quang Trung Nguyễn Huệ qua đời, miếu hiệu là Thái Tổ Vũ hoàng đế, Cảnh Thịnh lên ngôi đến năm 1796, Ngô Thì Nhậm thường ở Thăng Long, lo việc Bắc Hà và bang giao với nước Thanh, họ Ngô chưa từng dự những cuộc tấu nhạc ở Thanh miếu, miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế, nhân ngày sóc, vọng (rằm, mồng một). Nay vào hầu cận vua trẻ Cảnh Thịnh, lần đầu theo vua đến dự tấu nhạc ở miếu tiên đế, họ Ngô bồi hồi nhớ lại, thuở tiên đế mới băng hà, phải tránh ca nhạc vui chơi giải trí. Lúc bấy giờ phải giữ bí mật việc an táng vua Quang Trung, chí ít hơn nửa năm, lại càng không có trống kèn trong đám tang; có chăng là thắp sáp trắng ở nhà quàn bí mật. Dấu ấn trong hồi ức của họ Ngô là sáp trắng tang tóc như những giọt lệ “âm thầm” rơi xuống đài sen của đèn thờ, như hoa tuyết. Họ Ngô gieo hai câu đề:

“一 自 橋 山 密 八 音 (Nhất tự Kiều Sơn mật bát âm)
金 莲 御 燭 雪 花 沉  (Kim liên ngự chúc tuyết hoa trầm)”
(Từ thuở Kiều Sơn bát âm im bặt/ Đài sen, nến ngự chìm ngập tuyết hoa).

Bây chừ, vua con Cảnh Thịnh đã yên vị, việc tế lễ ở Đan lăng, miếu Thái Tổ thường xuyên tổ chức, tất nhiên đội nhã nhạc cung đình có những khúc ca, điệu múa ca ngợi công đức của tiên đế trong văn trị, vũ trị. Rất nhiều chuyện cũ về hành trạng của tiên đế anh hùng được diễn tấu và quần thần đang phủ phục nghe nhìn, thành kính nguyện cầu vong linh Thái Tổ Vũ hoàng đế hiển linh và giáng lâm trong buổi lễ tấu nhạc này. Họ Ngô đã gieo hai câu thực, vẽ nên quang cảnh buổi lễ long trọng và linh thiêng:

“九 功 七 徳 留 皇 舞 (Cửu công thất đức lưu hoàng vũ)
百 辟 羣 公 仰 顯 臨  (Bách tích quần công ngưỡng hiển lâm)”
(Chín công bảy đức còn lưu múa hoàng vũ/ Quần thần công hầu ngửa mong thần giáng lâm).

Lệ thường vua chúa dựng miếu thờ các vua tiền triều ở trước cung điện, nằm hai bên tả hữu đường thần đạo phòng thành. Ở đây, họ Ngô không dùng từ Thái miếu mà dùng từ Thanh miếu để chỉ miếu thờ vua Quang Trung. Trong chữ “清 (thanh) có bộ thủy và chữ “廟” (miếu) có tự hình “ ”, làm người đọc liên tưởng miếu dựng gần sông nước. Tại sao họ Ngô không viết Thái miếu lại viết Thanh miếu? Phải chăng dùng Thanh miếu thì ít nhiều tác giả bài thơ muốn nói miếu ở bờ sông hoặc bờ hồ. Thanh miếu chắc chắn ở trên núi, khi ngước nhìn miếu đang in trên nền trời thì tưởng chừng như gần dải ngân hà. Và Thanh miếu lại ở gần Đan lăng của vua Quang Trung, ngôi lăng cũng ở núi, trên một vùng đồi thông thoáng vào buổi chiều nên tác giả mới thấy mộ vua phủ bóng mây tím. Hiện tượng này có thể gặp khi ngồi ở đồi Vọng Cảnh ở Huế vào buổi chiều. Họ Ngô nói riêng và quần thần khi ngẩng đầu chiêm phụng miếu vua thấy cao chót vót, ngước nhìn lăng vua lại thấy mây tím phủ âm u. Trong tâm cảm ấy họ Ngô viết cặp luận:

“清 廟 檯 頭 鈞 漢 邇 (Thanh miếu đài đầu quân hán nhĩ)
丹 陵 拭 目 紫 雲 深  (Đan lăng thức mục tử vân thâm)
(Nơi Thanh miếu, ngẩng đầu miền quân hán gần gũi/ Chốn Đan lăng, ngước mắt, áng tử vân âm u).

Hai câu thơ này cung cấp những chỉ dấu để tìm miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế; cũng góp phần tìm kiếm Đan Dương lăng.

Ngô Thì Nhậm theo hầu vua Cảnh Thịnh, làm thơ dâng vua nên cảm xúc của tác giả phải đồng điệu cảm xúc nhà vua, đẹp lòng vua mới xứng quan từ hàn. Buổi tấu nhạc cũng đã kéo dài, trời chạng vạng và dần dần màn đêm buông xuống; những khúc nhạc réo rắt, buồn bã, làm trời tối lại càng tối thêm, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nhà vua và quần thần trong nỗi u hoài, thương nhớ tiên đế đã rơi lệ. Cuộc tấu nhạc rồi cũng chấm dứt, mỗi người đều “ngậm buồn” ra về ban đêm với “lòng đêm” u uất. Nâng chén rượu lễ, do “thừa thần chi huệ”, vừa nhắp vừa rơi lệ trong nỗi buồn đau quặn thắt. Họ Ngô đã kết bài thơ đầy cảm xúc:

“祇 今 法 曲 陳 弦 晦 (Chỉ kim pháp khúc trần huyền hối)
/ 淚 落 銜 盃 夜 夜 心” (Lệ lạc hàm bôi dạ dạ tâm)
(Gặp nay nhạc pháp khúc trình diễn ngày tuần tiết/ Nhỏ nước mắt, tấm lòng đêm đêm ngậm nỗi đau buồn).

Ở đây, chúng tôi mạn phép phân tích ý từ trong câu kết của bài thơ, khác với dịch giả Ngô Linh Ngọc. Thật vậy, cụm từ “陳 弦 晦”(trần huyền hối) trong đó từ “陳(trần) là động từ với nghĩa “nêu lên, vẽ ra”, “弦 晦”(huyền hối) là danh từ kép với nghĩa “tối trăng non”. Câu 7 có thể dịch xuôi như dịch giả Ngô Linh Ngọc. Còn câu 8, dịch giả Ngô Linh Ngọc dịch “夜 夜”(dạ dạ) thành “đêm đêm” theo nghĩa “hằng đêm”, người đọc sẽ hiểu rằng tác giả Ngô Thì Nhậm đêm nào cũng khóc, cũng “uống rượu”, đau buồn thương nhớ tiên đế Quang Trung! Ngay cả vua con Cảnh Thịnh cũng không thể hằng đêm đều khóc nhớ vua cha, kéo dài gần 7 năm thì e rằng vua, bầy tôi sẽ bị bệnh trầm uất. Một chữ “夜 (dạ) là động từ theo nghĩa “đi trong đêm”, đối với động từ “陳” (trần) ở câu 7. Một chữ “夜”(dạ) ghép với chữ “心” thành “ 夜 心” (dạ tâm), có nghĩa “lòng u buồn” để đối với “huyền hối” của câu 7. Như thế câu 8 muốn nói sau khi chấm dứt lễ thì trời đã tối, vua và quần thần ra về trong đêm, mắt rơi lệ, những ngụm rượu lễ được uống do “thừa thần chi huệ” trong cảm thái u buồn, trong lòng buồn thêm. Chúng tôi nghĩ rằng, kết bài thơ như vừa nêu thì hợp lý hơn, chân thành hơn vậy. Về văn bản, dịch giả Ngô Linh Ngọc trong sách Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm (Quyển 1, NXB KHXH, Hà Nội, 1978), có sửa từ “盃” (bôi) thành “憂” (ưu) với chú thích (8) ở trang 228: “Ở câu này, các bản đều chép “Lệ lạc hàm bôi”, “hàm bôi” có nghĩa là “uống rượu”, chúng tôi cho là dùng ở đây không thích hợp, câu thơ trở nên vô nghĩa. Vậy chúng tôi xin tạm chữa lại là “hàm ưu”, “hàm ưu”hay “hàm tuất” là những từ dùng khi cha mẹ hay vua chết”. Do tác giả hiểu và dịch “dạ dạ” là “đêm đêm”, họ Ngô thường buồn nhớ tiên đế, rơi lệ nên không thể đêm nào cũng uống rượu!

Bài thơ cung cấp những chi tiết rất cần trong nghiên cứu lịch sử

Bài thơ “Sóc vọng thị tấu nhạc…” cho một thông tin chắc chắn rằng, ở vùng nam sông Hương Phú

Xuân có mộ thật vua Quang Trung,  trên đỉnh núi gần mộ có Thanh miếu, Miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế, thờ vua Quang Trung.

Khi đã hình thành giả thuyết Đan Dương lăng là một “viên lăng” không những có mộ vua Quang Trung còn có mộ của bà chính cung họ Phạm, phải có nhà hộ lăng, có đường toại đạo liên thông giữa hai mộ. Lại có nhà hầm để quàn linh cữu vua Quang Trung bí mật, từ khi vua băng hà đến khi ninh lăng, ít nhất 7 tháng. Qua bài thơ trên, chứng tỏ triều Cảnh Thịnh đã dựng Thái Tổ miếu ở gần Đan Dương lăng, trên núi bên sông hoặc bên hồ. Ở Thanh miếu vào những ngày sóc vọng (tháng 3 hoặc tháng 7) có tấu nhạc, và gặp những ngày kỵ tiên đế và chánh cung hoàng hậu thì tập trung quần thần để chiêm bái. Chắc chắn những đồ tự khí, nhạc cụ cần thiết có thể lưu giữ ở nhà Hộ lăng.

Qua những di vật di chứng còn sót lại, trong điều kiện hạn hẹp, chúng tôi đã dùng nhiều phương pháp khảo cổ học dù chưa chính thống nhưng cũng đủ hình thành một giả thuyết công tác, đó là vùng đồi Thiên An có tiền thân là Đan Dương lăng. Đan Dương lăng gồm có mộ “Thủy Tiên”, tọa cấn hướng khôn, chủ nhân thật là bà Chánh cung hoàng hậu triều Tây Sơn, chủ nhân giả là bà chánh thất họ Trần, phu nhân Phú Bình công Miên Áo (có mộ thật ở gần nhà máy rượu Sakê) và “lăng Ba Vành”, trên bề mặt là tọa khôn hướng cấn nhưng bên dưới là tọa tốn hướng càn, chủ nhân là vua Quang Trung, chủ nhân giả là Hộ bộ kiêm Binh bộ Lê Quang Đại (có mộ thật trong khuôn viên đình làng Xuân Hòa). Hai mộ cùng chung nhà Hộ lăng (nay là nhà Quản vụ vườn cam Thiên An (thuộc Đan viện Thiên An, có lịch sử từ năm 1941). Dưới nền móng của nhà Hộ lăng của Đan Dương lăng có “ngã ba”, nút giao của ba “đường toại đạo” (đường hầm), một đường toại đạo từ ngã ba kéo đến huyệt mộ Thủy Tiên, một đường toại đạo từ ngã ba kéo lên mộ Ba Vành và một đường toại đạo kéo lên hầm quàn linh cữu vua Quang Trung ngày xưa (nay là ở tầng hầm của nhà nguyện Đan viện Thiên An). Dãy núi “Thuận Đạo sơn”, một phần của “Kim Sơn” (núi Châu Chữ) là tả long của mộ Ba Vành nhưng là án của mộ Thủy Tiên. Như vậy miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế có phối thờ Chánh cung hoàng hậu họ Phạm (mẹ của Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản) có khả năng ở trên giao điểm của hai đường thần đạo của hai mộ vua và chánh hoàng hậu, vuông góc nhau trên bình đồ Đan Dương lăng, còn độ cao là cao độ của “Thuận Đạo sơn” hay “Kim Sơn”. Do đó khi có tế lễ ở Thanh miếu thì chỉ một bộ phận đoàn ngự đạo mới leo núi lên miếu, còn quần thần, binh lính,… chỉ tập trung ở vườn nhà Hộ lăng, ngưỡng vọng lên miếu, lạy bên tả có mộ Quang Trung, lạy bên hữu có mộ Tả Cung họ Phạm. Tất nhiên miếu sẽ hướng về nhà Hộ lăng có sân chầu Thanh miếu vậy.

Tác giả và CTV Nguyễn Thanh Tuấn đứng trên nền móng Thanh miếu
Hồ gần Thanh miếu


Điền dã để tìm dấu tích miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế (Thanh miếu)

Ngày 24 tháng 4 năm 2017, nhóm chúng tôi gồm có Trần Viết Điền, Trần Viết Hòa và Nguyễn Văn Tuấn quyết tâm leo núi Thuận Đạo sơn để tìm kiếm Thanh miếu. Vì núi không cao lắm, chẳng có gỗ quý, chỉ có cây dương xỉ mọc dày nên cũng dễ leo. Rải rác có vài mộ cổ, nhỏ, dân sở tại đưa lên núi chôn, chẳng có bia, chẳng có uynh thành cao lớn và cũng là những ngôi mộ hoang, vô chủ. Đặc biệt còn dấu tích nền móng một công trình kiến trúc bằng đá granit. Dẫu trên núi cao nhưng vẫn có mặt bằng nằm ngang, người ta chất những tảng đá lớn để tạo nền chữ nhật, dài 5m, rộng 3m. Còn dấu vết mờ nhạt của vữa cổ do bị bào mòn và trôi. Lác đác còn có những thanh đá to, dài ngổn ngang, đó là những “lăng tô” của mái, cửa miếu. Có một vài viên gạch thẻ như ở mộ Ba Vành và mộ Thủy Tiên, hay những viên gạch “múi bưởi” để chèn vòm cửa của miếu. Chỉ cần những di vật còn trên thực địa cũng biết được đây là một công trình kiến trúc đồng đại với mộ Ba Vành và mộ Thủy Tiên. Đặt địa la thì đường thần đạo của miếu là tọa khôn hướng cấn. Như vậy miếu có hướng song song với hướng mộ Thủy Tiên, vuông góc với hướng nằm của chủ nhân mộ Ba Vành.

Thay lời kết

Trong nghiên cứu khoa học tự nhiên và xã hội có một phương pháp mô hình hóa đôi khi tỏ ra đắc dụng. Số lượng tư liệu chưa đủ sức thuyết phục để có thể tiếp cận chân lý nhưng bằng những suy luận logic, dựa trên những tư liệu còn nghèo, có thể hình thành một giả thuyết công tác dưới dạng mô hình. Dần dần phát hiện thêm tư liệu mới liên quan giả thuyết. Nếu những tư liệu mới không “lắp vào” mô hình được hay khi “lắp vào” mô hình khiến mô hình trở nên “kệch cỡm” thì mô hình giả thuyết công tác có khả năng sai. Nếu những tư liệu mới bổ sung mô hình giả thuyết một cách hợp lý, dù chưa đủ sức thuyết phục về mặt khoa học, thì mô hình giả thuyết công tác có khả năng đúng, người xây dựng mô hình tiếp tục tìm kiếm và giới hữu trách nên tạo điều kiện kiểm chứng giả thuyết công tác để sớm có kết luận. Trong công cuộc tìm nơi nguyên táng vua Quang Trung, có một mô hình giả thuyết công tác được giới nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm, được các cơ quan hữu trách tạo điều kiện tối đa, được các cơ quan truyền thông đại chúng phổ biến liên tục từ 2007 đến 2017, tạm gọi “mô hình cung điện Đan Dương”. Dần dần, về mặt tư liệu thư tịch, bằng chữ Hán, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng các dịch giả đã dịch sai! Một mô hình giả thuyết công tác bị lung lay. Rồi những tư liệu thư tịch mới phát hiện lại phủ định vị trí của Đan Dương lăng không khớp với vị trí mà mô hình chỉ ra. Nhà nước đã chỉ thị Viện Khảo cổ quốc gia vào cuộc nhưng rồi những kết quả khảo cổ học phát hiện lại dàn trải qua nhiều thời kỳ, của nhiều tầng văn hóa, thậm chí có những hiện vật với niên đại thuộc về thế kỷ 20. Lý thuyết cũng như thực tiễn, chứng tỏ “mô hình cung điện Đan Dương” không đủ sức thuyết phục! Những thông tin về Thanh miếu, miếu Thái Tổ Vũ hoàng đế, do bài thơ được Ngô Thì Nhậm sáng tác năm 1797 được phân tích như trên, đã giúp mô hình giả thuyết công tác về nơi nguyên táng vua Quang Trung và bà Chánh cung họ Phạm ở vùng đồi núi Thiên An tăng thêm sức thuyết phục. Vậy các nhà nghiên cứu, quan tâm vấn đề lăng mộ Quang Trung và các cơ quan hữu trách không thể bỏ qua một mô hình giả thuyết công tác được xây dựng từ những buổi nói chuyện của L.Cadiere ở Hội đô thành hiếu cổ (1941), bài viết có tính cách bút ký của Nguyễn Thiệu Lâu (1961), công trình dày công của Nguyễn Hữu Đính, công trình khắc phục những hạn chế của người đi trước và phát hiện thêm nhiều tư liệu bổ sung, mở rộng mô hình về nơi nguyên táng hai vợ chồng vua Quang Trung của chúng tôi.

T.V.Đ  
(TCSH394/12-2021)



 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)