THƠM QUANG
Nằm gần đồi Long Thọ ở bờ Nam sông Hương, thuộc thành phố Huế thơ mộng, Hổ Quyền là một đấu trường được xây dựng kiên cố nhằm để tổ chức các trận chiến sinh tử giữa voi và cọp cho vua và triều đình Nguyễn đến xem giải trí. Đây là thú vui tiêu khiển, rất được ưa thích của những người đứng đầu triều đình.
Trường đấu Hổ Quyền được vua Minh Mạng cho xây dựng vào năm 1830, ở bờ Nam sông Hương, cách Kinh thành Huế 4 km. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 64, mặt khắc 9 có ghi ngắn gọn về việc này như sau: “Xây đắp Hổ quyền (chuồng hổ) ở gò Long Thọ”. Việc xây dựng Hổ Quyền cũng được Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 210, mặt khắc 28 ghi rằng: “Năm thứ 11, đắp chuồng hổ ở cồn Long Thọ, xây gạch, mặt ngoài cao 1 trượng 1 thước 5 tấc. Trên có lan can xây bằng gạch cao 1 thước 7 tấc, mặt trong cao 1 trượng 4 thước 7 tấc. Trong thành đắp 5 lô, ngoài thành mở một cửa cao 8 thước 7 tấc, rộng 4 thước, 5 tấc, hai cánh cửa dùng gỗ, đá khắc biển ngạch rằng: “Hổ quyền”, chung quanh rộng 32 trượng 9 thước”.
Bản gốc Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 64, mặt khắc 9 ghi về việc vua Minh Mạng cho xây đắp Hổ Quyền, năm Canh Dần (1830)- Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Hổ Quyền là một công trình kiến trúc độc đáo, không có mái che, đồ sộ, kiên cố như một thành trì. Trường đấu gồm hai vòng tường thành hình tròn đồng tâm xây bằng gạch vồ, trát vôi vữa. Tường dày 1,1m ở nền và 0,5m ở đỉnh. Đường kính của vòng tường ngoài là 45m, chu vi 140 m, cao 4,5m. Vòng tường trong có đường kính 35m, chu vi 110 m, cao 6m. Hai vòng tường cách nhau 4m ở nền và 3m ở đỉnh. Khoảng giữa hai vòng tường được đắp đất ngang chiều cao của vòng tường ngoài tạo thành con đường đất chạy vòng tròn phía trên đấu trường (chỉ gián đoạn ở khán đài vua ngồi). Từ dưới chân tường có hai cầu thang để đi lên mặt con đường đất. Cầu thang thứ nhất có 20 bậc dành cho vua và hoàng gia. Khán đài là một khu đất hình chữ nhật diện tích 96m2 cao 1,5m so với mặt đường đất. Từ trên khán đài nhìn xuống người ta thấy khu lòng chảo của trường đấu. Cầu thang thứ hai có 15 bậc dành cho lính và dân lên xem. Khoảng giữa hai cầu thang là một lối vào rộng 1,9m, cao 3,9m dành cho voi đi vào trường đấu. Con đường chạy vòng tròn bên trên cửa vòm này được thu hẹp lại bằng một chiếc cầu nhỏ bắc qua vòm cửa. Dưới là một bộ cửa gỗ lớn, có hai cánh, các bản lề bằng đá nay còn nguyên vẹn. Đối diện với khán đài dành cho vua ở phía bên kia của đấu trường là 5 cái chuồng cho hổ (cọp) và báo. Phía trên cái chuồng ở chính giữa có một tấm biển bằng đá chạm hai chữ Hán “Hổ Quyền”.
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 164, mặt khắc 21 ghi về kiến trúc, quy mô của Hổ quyền dưới triều Nguyễn - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Dưới thời các chúa Nguyễn, những trận đấu giữa voi và cọp được tổ chức trên cồn Dã Viên, trên sông Hương. Trong thời vua Gia Long và vua Minh Mạng, trò chơi hùng tráng và hào hứng này diễn ra ở dải đất trước mặt Kinh thành bên bờ Bắc sông Hương. Vào năm 1829, vua Minh Mạng ngồi trên thuyền rồng đậu gần bờ để xem. Ở trên bờ, nhiều binh sĩ cầm khí giới đứng thành một vòng tròn để làm hàng rào xung quanh đấu trường. Cọp đã được buộc chặt bằng dây rất bền vào cọc đóng chắc xuống đất. Nhưng trong khi đang giao chiến, con cọp mạnh quá, giật đứt sợi dây nhảy xuống sông và bơi về phía thuyền vua. Mọi người hoảng hốt. Chính vua Minh Mạng phải dùng một cái sào để đẩy lùi con mãnh thú. Sau đó mấy người lính theo hầu mới nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ tiến lại gần con cọp và giết chết nó giữa dòng sông. Mộc bản sách Đại Nam thực lục chính biên đệ nhị kỷ, quyển 59, mặt khắc 15 có ghi: “Diễn trận voi ở phía trước Kinh thành. Vua ra sông Hương để xem. Thị lang Vũ Khố là Hồ Hữu Thẩm sai tượng dịch buộc cọp để thử voi, buộc lỏng, hổ sổng ra, chạy gần đến thuyền vua. Quân ở thuyền đón đánh chết ngay. Vua nói: “Chính là câu: Để hổ hủy sổng cũi là lỗi ai?”. Xuống dụ nghiêm trách Thẩm phải tội cách lưu”.
Thấy việc tổ chức những trận đấu như vậy giữa bãi đất trống là quá nguy hiểm đối với tính mạng của người xem, cho nên năm Canh Dần (1830), vua Minh Mạng đã quyết định cho xây dựng đấu trường này.
Sau khi xây dựng xong, cũng vào năm 1830, vua Minh Mạng sai quân lính lần lượt đến trông coi. Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 210, mặt khắc 28 ghi Chỉ của vua rằng: “Xây đắp chuồng hổ đã xong, vậy cho phái ra các vệ tinh binh của quân Vũ lâm, Cấm binh lần lượt coi giữ, mỗi ban 1 vệ, mỗi tháng 1 lần thay đổi, đều nên lưu tâm phòng thủ, không được sơ suất (sau đổi là 5 quân Cấm binh coi giữ).
Mộc bản sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, quyển 210, mặt khắc 28 cho biết sau khi xây dựng xong, vua Minh Mạng đã phái biền binh đến coi giữ Hổ Quyền - Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV |
Đinh Dậu, Minh Mệnh năm thứ 18 (1837). Vua đến chơi chỗ chuồng hổ xem diễn tập voi, sai voi đánh với hổ. Buổi chiều hôm ấy thuyền vua về đóng ở bên sông phía đông nam Kinh thành xem diễn các trò vui (các địa phương lần lượt phái đưa phường hát phường nhạc và các kỹ nghệ đến Kinh, chuẩn cấp cho tiền gạo, diễn tập ở bộ Lễ).
Đến năm Tân Sửu (1841), nghị được chuẩn: trước phái 5 Cấm binh coi giữ chuồng hổ, nay đổi phái vệ Võng thành theo lệ phái binh đinh giữ thay.
Ngày xưa, các trận đấu tại Hổ Quyền được tổ chức hàng năm, nhưng cũng tùy sở thích của các ông vua nhà Nguyễn. Trận đấu cuối cùng tại đây diễn ra vào năm 1904 dưới thời vua Thành Thái.
Có thể nói, đấu trường Hổ Quyền là một công trình kiến trúc độc đáo hiếm thấy ở Đông Nam Á. Tuy nó không đồ sộ như những đấu trường thời đại đế quốc La Mã nhưng Hổ Quyền mang dáng dấp đặc sắc và tạo được một không khí thượng võ, uy nghiêm.
T.Q
(TCSH396/02-2022)