Ai ra xứ Huế
Hổ Quyền - đấu trường Hoàng cung: S.O.S
10:14 | 22/02/2022

PHÚC ĐƯỜNG

Hổ Quyền là đấu trường hoàng cung (les Arènes royales) được xây dựng cách đây 162 năm dưới thời Minh Mạng.

Hổ Quyền - đấu trường Hoàng cung: S.O.S
Đấu trường Hổ Quyền - Ảnh: internet

Đây là công trình duy nhất thuộc loại này ở Á Đông. Riêng đối với Việt Nam, Hổ Quyền lại càng là một di tích lịch sử - văn hoá độc đáo tọa lạc trong lòng cố đô Huế.

Từ ga Huế, du khách đi lên đường Bùi Thị Xuân, men theo hữu ngạn sông Hương, ngang qua phường Đúc, đến ngã ba chợ Long Thọ rồi rẽ trái chừng 200m sẽ gặp ngay Hổ Quyền. Di tích này hiện thuộc địa phận thôn Trường Đá, xã Thủy Xuân, ngoại thành Huế (bản đồ 1).

Vùng đất Nam - Nam sông Hương, giới hạn từ trục lộ Nam Giao (nay gọi là đường Điện Biên Phủ) lên đến làng Nguyệt Biều - tức là gồm cả Phường Đúc cộng với một phần xã Thủy Xuân và Thủy Biều hiện tại - thuở xa xưa, chí ít là thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ này được gọi là Khu vực Hổ Quyền (quartier Arènes). Địa bàn này có rất nhiều công trình quan trọng đối với các vua chúa Nguyễn như điện Trường Lạc, hiên Duyệt Võ, phủ công chúa Bảo Thuận (con thứ 5 của vua Gia Long), lăng Tuy Lý Vương (húy Miên Trinh, con thứ 3 của vua Minh Mạng)... Ngoài ra còn có miếu Lịch Đại Đế Vương, miếu Lê Thánh Tôn, miếu Vũ Sư, đàn Sơn Xuyên, điện Voi Ré, thành Lồi... Ngay chợ Long Thọ bây giờ, xưa được gọi là chợ Hổ Quyền. Và con đường Bùi Thị Xuân hiện thời (trước 1975 mang tên Huyền Trân Công Chúa) thì trước kia chính là đường Hổ Quyền (Route des Arènes). Qua cách gọi các địa danh như thế, chúng ta hẳn thấy được tầm cỡ của đấu trường Hổ Quyền đối với kinh đô Phú Xuân thuở trước(1).

Sơ đồ trường đấu Hổ Quyền

Theo một bản đồ đời Hồng Đức (trong tập "Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư" in năm 1960) ở khu vực này có chứa hai chữ "tượng cứu" (Nơi nuôi voi). Như vậy, từ thế kỷ XVII, quân đội triều đình có thể đã lập một số chuồng voi ở địa điểm này(2). Đến đời các chúa và vua Nguyễn, nơi đây tiếp tục được dùng làm chỗ thuần dưỡng và huấn luyện voi chiến. Chính nơi này, vào năm 1830, hoàng đế Minh Mạng đã quyết định xây dựng Hổ Quyền.

Hổ Quyền là một đấu trường lộ thiên được thiết kế khá đồ sộ theo hình vành khăn gồm hai vòng tường đồng tâm. Tường dày 1,1 m ở nền và 0,5m ở đỉnh, xây bằng gạch vồ, ngoài trát vôi vữa, thi công cùng một kỹ thuật với thành quách các vua nhà Nguyễn.

Vòng tường ngoài cao 4,5 m, đường kính 45 m, chu vi 140 m. Vòng tường trong cao 6 m, đường kính 35 m, chu vi 110 m.

Hai vòng tường cách nhau 4,5 m ở nền, và 3 m ở đỉnh. Giữa hai bờ tường là đất được đắp ngang chiều cao của vòng tường ngoài, tạo nên một luân lộ (đường chạy vòng tròn) ngay trên miệng lòng chảo đấu trường. Để lên luân lộ, có hai cầu thang:

- Cầu thang A: 20 bậc dẫn lên ngay khán đài, dành riêng cho vua, hoàng gia và các bậc quốc khách.

- Cầu thang B: 15 bậc, cách khán đài dài 15 m về phía phải, dành cho quan quân cùng dân chúng.

Khán đài hình chữ nhật; diện tích 96m2, đắp cao 1,5m so với luân lộ, có bao lơn bọc phía sau và hai bên. Mặt tiền khán đài quay về hướng nam, từ đó nhìn thẳng xuống khu lòng chảo đấu trường. Đứng ở đây, ta quan chiêm được một vùng cảnh sắc vừa hùng vĩ vừa thơ mộng - bốn chung quanh: núi Kim Phụng, đồi Vọng Cảnh, thành Lồi, giáo đường Trường An, điện Voi Ré, nhà máy vôi Long Thọ... và nếu có điều kiện nâng cao khán đài thêm tí nữa, ta có thể thấy cả tháp Thiên Mụ, chùa Từ An lẫn cả vùng Kim Long bên kia dòng Hương "trường giang như kiếm lập thanh thiên",v.v...

Giữa hai cầu thang nói trên, tường thành Hổ Quyền có trổ một cổng khá rộng lắp khung cửa đá 1,9m x 3,9m. Đây là lối quản tượng dẫn voi (được nuôi gần đấy) vào lòng chảo đấu trường để tử chiến với con cọp hung hãn đã được nuôi sẵn trong 5 cái chuồng xây ngay ở chân tường thành phía đối diện khán đài.

5 chuồng này hình chữ nhật kích thước không giống nhau. 3 chuồng ở giữa 2,6m x 2,1m có trổ cửa 0,75m x 0,8m. 2 chuồng hai đầu 3,2 x 2,65m, có trổ cửa 1,1 x 1,8m. Có người phỏng đoán rằng chuồng to dành cho cọp, chuồng nhỏ cho báo(3). Bên trong mỗi chuồng hiện còn cái máng nhỏ bằng gạch từng dùng đựng thức ăn đồ uống cho thú. Trước mỗi chuồng có 4 móc sắt, móc cánh cửa bằng song sắt; cửa có thể kéo lên hạ xuống. Để che 5 chuồng này, ngày trước có lẽ có một hình thức mái lợp nào đó nhưng nay đã trống toang trống toác.

Ngay trên cửa chuồng chính giữa, đối diện với khán đài, là tấm bảng bằng đá có hai chữ Hán "HỔ QUYỀN" được chạm nổi rất sắc sảo. Bên trái bảng đá, có dòng chữ nhỏ khắc lõm chạy dọc như sau: Minh Mạng thập nhất niên chính nguyệt cát nhật tạo.

Đối chiếu ra dương lịch, ta biết được rằng đấu trường này đã được xây vào đầu năm 1830. Song, các trận đấu voi - cọp từng được tổ chức ở đây từ thời các chúa Nguyễn. Có tài liệu cho biết, từ năm 1748, một người Pháp tên là P.Poivre đã được chứng kiến trận huyết chiến giữa hai loài thú này do chúa Võ Vương (húy Nguyễn Phúc Khoát, nối nghiệp năm 1738, mất năm 1765) tổ chức suốt một ngày ròng với kết quả: 18 con cọp bị voi tiêu diệt(4). Như vậy, trước 1830, Hổ Quyền đã có một cơ sở tiền thân thế nào đấy chăng? Sau này, đến đời vua Thành Thái (huý Bửu Lâm, lên ngôi năm 1889, thoái vị năm 1907), Hổ Quyền còn được tôn tạo thêm lần chót. Và trận đấu voi - cọp cuối cùng cũng đã diễn ra dưới triều Thành Thái. Ấy là vào năm 1904(5).

Các trận đấu giữa voi và chúa tể rừng xanh ở Hổ Quyền, ngoài mục đích giải trí cho vua chúa, hoàng thân, quốc thích cùng các đình thần, có lẽ còn mang ý nghĩa tích cực đối với thời đại bấy giờ, là cổ súy việc tiêu diệt hổ - loài mãnh thú sơn lâm thường gieo rắc tai họa cho lương dân.

Đấu trường Hổ Quyền là một di tích lịch sử - văn hoá có quy mô lớn với loại hình kiến trúc cổ vô cùng độc đáo, rất đáng được bảo tồn và phát huy tác dụng (có thể đầu tư thành một tụ điểm tham quan - giải trí thu hút khách du lịch chẳng hạn). Nhưng tiếc thay, cùng chịu chung số phận với hàng loạt danh thắng khác trên đất thần kinh văn vật, bao nhiêu năm rồi Hổ Quyền vẫn bị phó mặc cho một cách đáng buồn.

Dẫu đây đó đã có đôi người cất tiếng kêu gọi duy tu, di tích Hổ Quyền vẫn lâm vào tình trạng phế tích. Hiện nay, quanh khu vực này cây cối um tùm, một số hộ cất nhà che lấp cả mặt tiền đấu trường. Trên tường thành và trong 5 chuồng thú, lau lách tha hồ chen mọc làm nứt nẻ nhiều chỗ. Ở khu vực lòng chảo, một thời người ta bỏ hoang hoá, những năm gần đây có tư nhân sử dụng mặt bằng để chiếu vidéo kinh doanh vào ban đêm, và bây giờ, một số gia đình vào đánh luống trồng khoai sắn. Hổ Quyền! Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu?

Vì cảm thấy tiếc xót một di tích văn hoá - lịch sử có một không hai của quê hương đang đứng trước nguy cơ hư hại nặng nề và đã bị chìm lỉm quá lâu vào quên lãng, một lần nữa xin được gióng lên hồi chuông cấp báo:

- Hổ Quyền, S.O.S!

Vườn Ngọc, 1992
P.Đ
(TCSH52/11&12-1992)

-----------------------
(1) L. Cadière - Le Quartier des Arènes ; II. Souvenir des Nguyễn (B.A.V.H, No 3 Juillet - Septembre 1925, p.147-152).
Quốc sử quán triều Nguyễn - Đại Nam nhất thống chí. Bản dịch của Viện Sử học. Tập I. Nxb Khoa học xã hội, HN 1969.
(2) Hồng Đức bản đồ. SG 1962 tr. 92-93. Dẫn theo Lê Văn Hảo: Đấu trường Hổ Quyền ở ngoại thành Huế (Tạp chí Khảo cổ học, số 2, 1977).
(3) Lê Văn Hảo, TLđd, tr.90.
(4) Bửu Kế trong bài "Huế ngày xưa" (Tạp chí Đại học, 4, tháng 8-1962) cho rằng trận đấu voi-cọp mà Poivre mục kích là ở cồn Dã Viên. Điều này có lẽ thiếu chính xác về địa điểm.
(5) Thái Văn Kiểm - Cố đô Huế. SG 1960, tr91.

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Làng Mỹ Á (04/01/2022)