ĐỖ MINH ĐIỀN - HỒ XUÂN DIÊN
Lời dẫn
Vào năm 1558, Nguyễn Hoàng quyết định rời đất Bắc vượt qua Hoành Sơn. Kể từ đó, dải đất Thuận Hóa, nơi vốn được biết đến là vùng “Ô châu ác địa” chính thức bước sang một trang sử mới. Khởi đi từ ý định đứng chân nương thân buổi ban đầu, cho đến tham vọng cát cứ của các Chúa Nguyễn đã góp phần đưa biên giới lãnh thổ Đại Việt tiến xa hơn về phía Nam đất nước. “Đại dự án chính trị” được khởi thảo bởi bàn tay của vị chúa đầu tiên rồi lần lượt được các đời chúa kế tiếp hoàn thành một cách xuất sắc. Dĩ nhiên, để hoàn tất cho cơ nghiệp vĩ đại đó, không thể không nói đến công lao của những nhân vật, mà về sau chính là “tiên tổ” của các danh gia vọng tộc ở đất Huế. Ngoài những dòng tộc như Tống Phước, Nguyễn Cửu, Trương Phước…, thì “Hồ Quang Đại” - đại diện cho gia tộc họ Hồ ở Nguyệt Biều, là một trong những danh thần thời Chúa Nguyễn rất xứng đáng được vinh danh.
1. Đôi nét về tiểu sử của Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại(1)
Theo gia phả họ Hồ, thủy tổ họ Hồ là ngài Hồ Minh, thi đỗ Tiến sĩ, sau đó ông theo đoàn quân của Tiên chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Hóa, “nhập Nam Hà biệt ban nhậm thực Nguyệt Biều xã”. Vị tổ đời thứ 2 được tài liệu dòng tộc biên chép là ông Thuật Hồ Đình Thám (胡廷探), qua đời thứ 3 là ông Hồ Đình Tú (胡廷秀), rồi đời thứ 4 là Hồ Đình Ỷ (胡廷倚). Hồ Đình Câu (胡廷駒) con trai trưởng của Hồ Đình Ỷ chính là thân sinh của Hồ Quang Đại. Như vậy, theo kế thế các đời, Hồ Quang Đại được xác định là tổ thứ 6 dòng họ Hồ ở Nguyệt Biều.
Đức Xuyên tử Hồ Quang Đại (德川子胡光大), tên tự “Hán Châu” (漢株), húy là “Nghi” (儀), nguyên quán làng Nguyệt Biều (nay là phường Thủy Biều, thành phố Huế). Năm Nhâm Thìn (1652), thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1648 - 1687), ông thi đỗ Thủ khoa, sau đó được bổ làm “Văn chức”.
Sách Đại Nam liệt truyện (Tiền biên, quyển 5), có đoạn chép: “Hồ Quang Đại, còn có tên là Hán Châu, người huyện Hương Trà, Thừa Thiên. Khoa thi năm Nhâm Thìn, đời Thái tông hoàng đế [Nguyễn Phúc Tần] thứ 4 [1652] ông đỗ thủ khoa, được bổ vào Văn Chức viện. Năm thứ 8 [1656], giữ chức Tri huyện Phú Vang. [Hồ Quang Đại] làm quan châm chước lý lẽ, giảm phiền hà, cốt yên tĩnh, thuộc lại và nhân dân đều khen ngợi. Năm thứ 11 [1659] thăng làm Tri phủ Thăng Hoa, sau triệu về Kinh thăng làm Thị giảng Tri kinh diên”(2).
Tiểu sử Hồ Quang Đại trong sách Đại Nam liệt truyện, Tiền biên, quyển 5, tờ 32a-b |
Có không ít những vấn đề hay sự kiện diễn ra dưới thời các chúa Nguyễn mãi không thể soi tỏ tường tận, mà nguyên nhân có lẽ khởi nguồn từ việc khuyết vắng nguồn sử liệu. Tương tự như vậy, việc phục dựng chân dung, hành trạng của khá nhiều vị quan lại vào giai đoạn này cũng đành phải bỏ ngỏ, bởi tất cả hệ thống tư liệu liên quan ở nhiều gia tộc vùng Huế đều khó lòng vượt qua nghịch cảnh thời gian, cộng thêm bao phen chiến tranh khói lửa. Trường hợp Hồ Quang Đại phải nói rằng đó là số ít hiếm hoi.
Hiện nay, gia tộc đang lưu giữ khá tốt tất cả 9 bản “Thị” và 1 tờ “Sai”, có niên đại từ năm 1667 đến 1671. Đây là những văn bản “hành chính” cung cấp thêm cho chúng ta rất nhiều tư liệu bổ ích về việc bổ nhiệm chức vụ và sai phái Hồ Quang Đại tham gia công tác “duyệt tuyển” (kiểm kê dân số), lập địa bạ ở vùng đất Nam Trung bộ dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Theo nội dung bản “Thị”, vào năm 1667, Đức Xuyên tử nhận lệnh lên đường vào các xã, thôn, phường ở tổng Phù Ly và huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh(3) tiến hành khám đạc các loại ruộng công, ruộng tư, lập sổ thu thuế để nạp về Chính dinh. Kế đó, ông lần lượt đặc trách tiếp tục tham gia duyệt tuyển, thu nạp sổ “kiến canh bạ”, thu thuế ruộng (công tư điền) ở các địa bàn: Các xã, thôn, phường ở tổng Phù Ly Hạ và huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (26/3/1667); tổng Phù Ly Thượng, Phù Ly Trung, phủ Quy Ninh (8/3/1668); đốc thúc các xã, thôn, phường ở Diên Ninh, Thái Khang(4) kê khai nhân số (12/1/1669); thâu nạp “kiến canh bạ” ở hai phủ Diên Ninh, Thái Khang (12/1/1669); thu thuế tại các xã, thôn, phường tổng Phù Ly Hạ và huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (26/4/1669); tổng Phù Ly Thượng, Phù Ly Hạ và huyện Bồng Sơn, phủ Quy Ninh (25/3/1670); tổng Phù Ly Hạ và huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (21/3/1671); tổng Phù Ly Hạ và huyện Tuy Viễn, phủ Quy Ninh (21/5/1671); các xã, thôn, phường ở huyện Bình Sơn, phủ Quảng Nghĩa/Ngãi(5) (không rõ niên đại).
Văn bản Thị vào ngày 26 tháng 4 năm Cảnh Trị thứ 7 (1669) |
Trong Phủ biên tạp lục, khi nhắc đến “số ngạch công tư điền trang ở hai xứ Thuận, Quảng”, Lê Quý Đôn từng cho biết rằng “Năm Cảnh Trị thứ 7 [1669], Dũng quốc công Nguyễn Phúc Tần mới sai quan đi khám đạc ruộng công ruộng tư, nhà nước thu thóc tô định làm hạng nhất, hạng nhì, hạng ba cùng đất khô và bãi màu, biên vào sổ sách, cho ruộng công đều trả về xã, cho chia đều mà cày cấy và nộp thuế”(6). Theo như ghi chép của sử quan nhà Nguyễn, đợt khám đạc diễn ra vào tháng Giêng năm 1669, được thực hiện dựa trên ý tưởng đề xuất của Ký lục Võ Phi Thừa, và Hồ Quang Đại là một trong những người được chúa Nguyễn Phúc Tần tin tưởng giao phó thực hiện. Sách Đại Nam thực lục, Tiền biên xác nhận: “Kỷ Dậu, năm thứ 21 [1669], mùa xuân, tháng giêng, bắt đầu làm việc duyệt tuyển ở hai phủ Diên Ninh và Thái Khang, sai Văn chức Hồ Quang Đại đến làm”(7).
Như vậy, có thể thấy, đây là đợt lập địa bạ có ý nghĩa rất quan trọng. Việc thực hiện khám đạc đất đai, kiểm tra nhân số trải dài trên địa phận từ Quảng Ngãi, Bình Định đến Khánh Hòa, bên cạnh mục tiêu kiểm soát tình hình khai phá đất đai, số lượng dân cư, tổng số làng xã, bổ sung nguồn thu đáng kể cho ngân sách; thì nó là bước tiến vững chắc nhằm củng cố quyền lực của chính quyền Đàng Trong trên vùng đất vốn được xác định là biên viễn phía Nam Đại Việt. Trong sự thành công đó, phải nhắc đến vai trò của Hồ Quang Đại.
Suốt cuộc đời làm quan, Hồ Quang Đại từng đảm đương rất nhiều nhiệm vụ trọng yếu, kinh qua nhiều chức vụ khác nhau, đồng thời ông là thầy dạy của hai vị chúa (Nguyễn Phúc Thái, Nguyễn Phúc Chu) sau này; chính vì thế, sau khi ông mất, được truy tặng “Phụ chính An biên Phúc Đức quốc sư” (輔政安邊福德國師). Ban đầu, phần mộ của ông được an táng tại Cồn Sủng. Sau năm 1975, thực hiện chủ trương di dời của nhà nước, con cháu đã tiến hành cải táng lên khu vực nghĩa trang Bàu Hồ (phường Thủy Biều, thành phố Huế).
Hồ Quang Đại lấy bà chánh thất là Phan Thị Do sinh ra 4 người con trai: Hồ Quang Tài (胡光才), Hồ Quang Ân (胡光恩), Hồ Quang Đôn (胡光惇), Hồ Quang Tằng (胡光曾), sau chính là tổ của 4 chi phái ở Nguyệt Biều. Ở Hương Cần, ông với bà thứ thất hạ sanh 7 người con trai, lập thành 7 phái, gồm: phái Tống Hồ (tổ là Hồ Văn Duyên), phái Hồ Tống (tổ Hồ Tống Học), phái Hồ Đức (tổ Hồ Đức Lang), phái Hồ Đăng (tổ Hồ Đăng Văn), phái Hồ Công (tổ Hồ Văn Nê), phái Hồ Hữu (tổ Hồ Hữu Đường) và phái Hồ Văn (tổ Hồ Văn Đệ)(8).
Con cháu của Hồ Quang Đại về sau đều đỗ đạt, trở thành các trọng thần của triều đình, như: Hồ Văn Duyên làm đến chức Cai hợp. Cháu ông là Hồ Văn Mai (Tống Phước Đào) làm đến Cai cơ, khi mất được tặng Chưởng doanh. Đặc biệt, ái nữ của ông Hồ Văn Mai là bà Hồ Thị Đặng (Được) được nhập cung làm Hữu cung tần, rồi được tấn phong lên Chiêu Nghi. Bà sinh hạ hai người con là Ninh vương Nguyễn Phúc Thụ (1697 - 1738) và Luân quốc công Nguyễn Phúc Tứ (1700 - 1753). Đến thời Gia Long truy tôn bà là “Từ huệ Cung thục Ý đức Kính mục Hiếu Minh hoàng hậu”(9).
2. Về hai đạo sắc phong “Thành hoàng” ân ban cho Hồ Quang Đại
Với sự mẫn cán trong công việc, tận tụy với quốc gia xã tắc, sinh thời ông nhận được sự tin yêu của đồng liêu, cũng như lòng kính trọng của tất cả người dân. Để tưởng nhớ công lao to lớn đó, tại làng Nguyệt Biều - nơi sinh quán của Hồ Quang Đại, người dân đã thuận lòng thiết dựng một ngôi “Miếu Ông” làm trú sở thờ tự.
Miếu Ngài Hồ ở Giáp Kiền, làng Hương Cần |
Tại Giáp Kiền, làng Hương Cần (Hương Toàn, thị xã Hương Trà), có một ngôi miếu khác, tục gọi là “Miếu Ngài Hồ” cũng được xây dựng để hương khói thường niên, đồng thời dân làng Hương Cần nhất trí tôn vinh ông làm “Bổn thổ Thành Hoàng”. Về sau, dưới triều vua Thành Thái (1889 - 1907) rồi Duy Tân (1907 - 1916), triều đình lần lượt ban cấp cho làng Hương Cần hai đạo sắc phong nhằm chuẩn hóa hoạt động thờ tự trước đó, qua đó, xiển dương công đức Hồ Quang Đại, một danh thần lỗi lạc “sinh vi lương tướng, tử vi thần”. Dưới đây, chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn và dịch nghĩa hai văn bản đã đề cập ở trên:
- Sắc phong 1:
Nguyên văn:
敕 承 府, 香 茶縣, 香 芹 社 奉 事本 土 城 隍 胡 貴公 之 神,稔 著 靈應, 向 來 未 有 預封。 肆 今 丕 承 耿 命, 緬 念 神 庥, 著 封 為 翊 保 中 興 靈 扶 之 神,準 依 舊 奉事, 神 其 相 佑 保 我 黎 民。欽 哉
成 泰 貳 年 貳 月 貳 拾 日
[硃 印: 敕 命 之 寶]
Sắc phong Bổn thổ Thành hoàng ân ban cho Hồ Quang Đại, 1890 |
Dịch nghĩa:
Sắc ban cho xã [làng] Hương Cần, huyện Hương Trà, phủ Thừa [Thiên] phụng thờ Bổn thổ Thành hoàng Hồ quý công chi thần, linh ứng rõ rệt, từ trước đến nay chưa được phong tặng. Nay Trẫm vâng mệnh lớn, nghĩ đến công đức của thần, [nên] phong tặng Dực bảo Trung hưng linh phù chi thần, vẫn chuẩn cho [xã Hương Cần] phụng thờ như cũ. Thần hãy cùng phò trợ, bảo vệ dân ta. Khâm tai!
Ngày 20 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (Ngày 10 tháng 3 năm 1890).
(Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo).
- Sắc phong 2:
Nguyên văn:
敕 旨 承 天 府, 香 茶 縣, 香 芹 社 從 前 奉 事 翊 保 中 興 靈 扶 本 土 城 隍胡 貴 公 之 神。 節 經 頒 給 敕 封, 準 其 奉 事。 維 新 元 年, 晉 光 大 禮, 經頒 寶 詔 覃 恩, 禮 隆 登 秩, 特 準 依 舊 奉 事, 用 誌 國 慶, 而 申 祀 典。欽 哉
維 新 參 年 捌 月 拾 壹 日
[硃 印: 敕 命 之寶]
Sắc phong Bổn thổ Thành hoàng ân ban cho Hồ Quang Đại, 1909 |
Dịch nghĩa:
Sắc chỉ ban cho xã [làng] Hương Cần, huyện Hương Trà, phủ Thừa Thiên phụng thờ thần: Dực bảo Trung hưng Linh phù Bổn thổ Thành hoàng Hồ quý công chi thần. Đã từng ban cấp sắc phong, chuẩn cho thờ phụng. Năm Duy Tân thứ nhất [1907], nhân dịp đại lễ lên ngôi, đã ban chiếu chỉ quí báu với ân tình sâu đậm, lễ tiết lớn, đặc biệt chuẩn cho [xã Hương Cần] phụng thờ như cũ, ghi chép vào ngày khánh tiết quốc gia, đưa vào “tự điển” (điển chế thờ phụng của vương triều). Khâm tai!
Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (Ngày 24 tháng 9 năm 1909).
(Đóng ấn son: Sắc mệnh chi bảo).
Thành Hoàng làng là một dạng thần hiệu chung “chỉ vị thần quản lý lãnh thổ trên một khu vực nhỏ nhất từ một làng, cho đến lớn hơn là một tỉnh và lớn nhất là kinh đô”(10). Trong hệ thống thần điện dân gian vùng Huế, Bổn thổ Thành Hoàng (hay Bổn cảnh/Bổn xứ/Bổn xã/Đương cảnh Thành Hoàng) là đối tượng được thờ cúng rất phổ biến ở các làng xã. Trong khi thần hiệu Thành Hoàng ở nhiều làng xã trên đất Huế thường được biết đến như một dạng “phiếm xưng”, thần tích không rõ ràng; thì trường hợp ở Hương Cần tuy không phải là cá biệt, song, có thể nói rất đặc biệt khi một “nhân thần” được người dân tôn phong làm phúc thần.
Qua dẫn giải ở trên, có thể khẳng định rằng, Hồ Quang Đại là một trong những hình mẫu nhân sĩ trí thức tiêu biểu. Tên tuổi của Đức Xuyên tử không chỉ lưu danh trong chính sử, mà hơn thế, dấu ấn sự nghiệp của ông đối với các làng xã vẫn còn rất đậm nét. Thiết nghĩ, với vị thế và công đức của Hồ Quang Đại, nên chăng, các sở ban ngành ở Huế sớm có kế hoạch để lập hồ sơ công nhận di tích đối với từ đường, miếu thờ, nhằm lưu giữ dấu tích của một vị quan ưu tú, góp phần thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Đ.M.Đ - H.X.D
(TCSH398/04-2022)
---------------------------------
1. Để hoàn thành bài viết này, nhân đây xin gửi lời biết ơn sâu sắc đến đại gia tộc họ Hồ ở Nguyệt Biều, đã nhiệt tình giúp đỡ cho chúng tôi tiếp cận tư liệu. Đồng thời xin cảm ơn TS. Võ Vinh Quang với những chia sẻ vô cùng quý báu, cũng như hảo ý của ông đã cho phép người viết được sử dụng một số hình ảnh trích dẫn trong bài.
2. Nguyên văn: : 胡 光 大 又 名 漢 株, 承 天 香 茶 人。 太 宗 皇 帝 四 年 壬 辰 擢 科 首 科, 補 文 職, 八年 授 富 榮 知 縣, 在 職 和 理 省 繁 苛 務 清 靜 吏 民 稱 之, 十 一 年 陞 升 華 知 府, 還 陞 侍 講 知經 筵. Xem thêm:
- Quốc Sử quán triều Nguyễn (1929). Đại Nam liệt truyện Tiền biên. Lê Tấn, Lê Trọng Phan, Nguyễn Tư Châm, Lương Thúc Kỳ, Đỗ Hữu Dương, Trịnh Luyện, Hồ Đắc Liêu dịch. Nhà in Đắc Lập xuất bản. tr. 139.
- Quốc Sử quán triều Nguyễn (1995). Đại Nam liệt truyện Tiền biên. Bản dịch Cao Tự Thanh. Nxb. Khoa học Xã hội. tr. 228.
3. Quy Ninh phủ, là tên của một địa danh hành chính, nay thuộc về tỉnh Bình Định. Vào năm 1471, vua Lê Thánh Tông chinh phạt Chiêm Thành, sau đó lấy phần đất từ biên giới Cổ Lũy đến Cù Mông lập thành phủ Hoài Nhơn, thống quản 3 huyện: Bồng Sơn, Phù Ly, Tuy Viễn, cho lệ vào Quảng Nam thừa tuyên. Năm 1602, đổi phủ Hoài Nhơn thành Quy Nhơn/Nhân. Năm 1651 cải danh từ phủ Quy Nhơn thành phủ Quy Ninh và đến 1742 đổi lại là phủ Quy Nhơn.
Xem thêm: Quốc Sử quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam nhất thống chí. Tập I, Hoàng Văn Lâu dịch. Nxb. Lao Động. tr. 552.
4. Thái Khang và Diên Ninh nay thuộc tỉnh Khánh Hòa. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần cho lập dinh Thái Khang, bao gồm 2 phủ: Thái Khang, Diên Ninh. Năm 1690, đổi phủ Thái Khang thành phủ Bình Khang và tiếp đó cho đổi phủ Diên Ninh thành phủ Diên Khánh, cả 2 phủ lệ thuộc dinh Bình Khang (1742).
Xem thêm: Quốc Sử quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam nhất thống chí. Sđd. tr. 630.
5. Dưới thời Lê, đặt phủ Tư Nghĩa quản 3 huyện: Nghĩa Giang, Bình Sơn và Mộ Đức. Năm 1602, trấn Quảng Nam đổi thành dinh Quảng Nam, phủ Tư Nghĩa đổi thành phủ Quảng Nghĩa (thuộc dinh Quảng Nam). Đến năm 1776, đổi phủ Quảng Nghĩa thành phủ Hòa Nghĩa. Năm 1803, nhà Nguyễn phục hồi tên phủ Quảng Nghĩa nhưng đọc Quảng Ngãi. Năm 1832, tỉnh Quảng Ngãi được thành lập, là 1 trong 30 tỉnh của cả nước. Từ năm 1909 đến năm 1945, tỉnh có 4 phủ: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức và 2 huyện Nghĩa Hành, Đức Phổ.
Xem thêm: Quốc Sử quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam nhất thống chí. Sđd. tr. 394.
6. Lê Quý Đôn (1977). Phủ biên tạp lục. Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân, Nguyễn Ngọc Tỉnh dịch. Nxb. Khoa học Xã hội. tr. 125.
7. Quốc Sử quán triều Nguyễn (2002). Đại Nam thực lục [Tiền biên, quyển V, Thực lục về Thái tông Hiếu Triết hoàng đế]. Tập I. Bản dịch Viện Sử học. Nxb. Giáo dục. tr. 82.
8. Vo Vinh Quang, Ho Xuan Thien , Ho Xuan Dien (2018). “Ho Ho lan g Nguyet Bieu - Hương Can va dau an cuả Đưc Xuyen tư Ho Quang Đai vơi lịch sư xa hoi xư Than kinh”. Tap chí Son g Hương, so Đac biet (352 - 6/2018). tr. 111.
9. Hội đồng Trị sự Nguyễn Phúc tộc (1995). Nguyễn Phúc tộc thế phả. Nxb. Thuận Hóa. tr. 152.
10. Trần Đại Vinh (1995). Tín ngưỡng dân gian vùng Huế. Nxb Thuận Hóa. tr. 102.