Ai ra xứ Huế
Đại học Huế hôm qua, hôm nay, ngày mai
10:03 | 04/08/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ

                    Phóng sự

Đại học Huế hôm qua, hôm nay, ngày mai
Ảnh: internet

“Đại học Huế” - danh hiệu này chính thức ra đời từ ngày 4 tháng 4 năm 1994, khi Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký Nghị định số 30/CP thành lập Đại học Huế trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở sắp xếp và tổ chức lại các trường Đại học Sư phạm Huế, Đại học Tổng hợp Huế, Đại học Nông nghiệp II Huế, Đại học Y Huế và trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Như vậy tính đến đầu năm 1995, "Đại học Huế" chưa tròn một tuổi và nếu kể từ ngày bộ máy của "Đại học Huế" thực sự hoạt động thì chỉ mới một hai tháng mà thôi.

Nhưng gần hai chục năm qua, hơn thế, gần bốn chục năm qua và còn lâu lắm nữa - nếu kể từ khi Trường Quốc Tử giám được thiết lập ở Huế - lớp lớp thanh niên ưu tú ở Huế, từ khắp các tỉnh miền Trung và không chỉ của miền Trung đã hội tụ về dưới những mái trường Đại học Huế. Và từ đây, biết bao nhiêu thế hệ đã trưởng thành. Đi trên những con đường rợp bóng cây xanh của Huế hôm nay, bên những chàng trai, cô gái nô nức tới các giảng đường Đại học, ta có thể dễ dàng bắt gặp những con người từng chứng kiến một thời oanh liệt chưa xa của sinh viên Huế. Đó là thời sinh viên hát vang những bài ca "Tự nguyện", "Nối vòng tay lớn", xuống đường nổi lửa đốt xe Mỹ, là thời hội "Hồng Sơn" rồi nhóm "Việt” ra đời đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ văn hóa dân tộc... Đó cũng là thời Huế từng có một Viện Đại học được xây dựng khá qui củ, nề nếp.

Để có thể hình dung phần nào diện mạo Đại học Huế một thời đã qua, tôi tìm đến nhà một vị giáo sư từng đảm trách chức vụ Trưởng khoa thuộc Viện Đại học Huế trước năm 1975. Sau giải phóng ông ở lại Huế làm người giảng dạy - bình thường dù không được sử dụng hết khả năng cùng kiến thức học vị Tiến sĩ, ông đã tận tụy với phần hành chuyên môn được giao. Ông đã hưu được mấy năm, ngày ngày vui thú chăm sóc vườn cây kiểng quanh căn nhà trong một hẻm phố vắng. Nói cho thật chính xác dù ông chỉ được hưởng tiêu chuẩn "nghỉ mất sức" dù tuổi đời đã gần 70 và đã giảng dạy trên 30 năm trời: vì có một "chế độ" qui định những người như ông chỉ được tính "thời gian công tác liên tục" từ sau năm 1975. Hóa ra gần 20 năm làm giáo sư trước đó của ông là "vứt đi"? Mà nào phải học trò của ông thời đó đều thành giặc (và cho dù họ có thành giặc, cũng không phải lỗi của ông). Đằng này, nhiều học trò của ông từng xuống đường hát bài ca "Tự nguyện" và không ít người nay là cán bộ giỏi của đất nước... Ông không nhắc đến, không hề than phiền một lời về việc này; ngược lại, nhìn khuôn mặt hồng hào dưới mái tóc bạc đầy vẻ ung dung tự tại, cảm thấy ông như không hề bận tâm tới những trớ trêu của số phận và bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Chính thái độ tự trọng của ông khiến tôi không thể im lặng trước một vấn đề đã gây phiền muộn cho ngàn vạn con người trên nửa đất nước trong 20 năm qua. Hy vọng nhà nước ta từng thay đổi ban hành nhiều chế độ chính sách xã hội rồi sẽ có "chế độ" mới hợp tình, hợp lý hơn đối với những người thầy, những cán bộ chuyên môn từng làm việc ở miền Nam trước 1975.

Có thể là tôi đã đi xa đề. Nhưng cũng không hẳn thế. Đây cũng là chuyện "20 năm", là số phận những người thầy. Trở lại câu chuyện với vị giáo sư, khi nghe tôi hỏi về Viện Đại học Huế "ngày xưa", ông nói, với giọng điệu nhẹ nhõm và từ tốn:

- Viện Đại học Huế thành lập từ năm 1957, tôi chỉ phụ trách một khoa và cũng chỉ trong mấy năm về sau nên nếu nhà báo muốn có cái nhìn toàn cục với đầy đủ số liệu của cả một thời kỳ thì chắc phải tìm đến nhiều vị giáo sư khác và thư viện...

- Điều đó chắc là các nhà viết sử và người lo sưu tầm truyền thống Đại học Huế sẽ làm. Tôi chỉ muốn anh cho vài nhận xét, ví như Viện Đại học Huế ngày xưa có gì khác hôm nay?

- Có cái khác chứ anh. Cũng là lẽ đương nhiên. Mỗi thời có quy chế của nó. Viện Đại học ngày ấy có 5 trường - cũng gọi là "Khoa": Sư phạm, Khoa học, Văn khoa, Luật và Y. Hiệu trưởng do chính phủ bổ nhiệm. Còn bây giờ, tôi không thật rõ...

Vị giáo sư thoáng chút ngần ngừ. Tôi hiểu ông đã biết, nhưng có lẽ đã quen với tác phong thận trọng và khoa học, ông không muốn nói tới những điều ông không nắm chắc cứ liệu trong tay. Tôi lật sổ, mở bản Nghị định 30/CP và đọc: "Điều 5. Lãnh đạo Đại học Huế gồm: Giám đốc, các phó Giám đốc do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ nhiệm... "

Vị giáo sư ngồi lặng giây lát như để suy ngẫm điều gì nên nói với nhà báo. Ông không bình luận gì về điều tôi vừa đọc mà nói tiếp những "cái khác" của ngày xưa. Đó là bộ máy quản lý các trường rất gọn nhẹ, chưa đến 20 người, kể từ trưởng khoa cho đến các giáo sư phụ trách các Ban và Tài vụ, Văn thư. Mặt khác, các trường mở rộng chế độ mời giáo sư thỉnh giảng (dạy giờ) nên có điều kiện lựa chọn được những thầy giỏi. Việc bổ nhiệm sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng khác. Như ở trường Sư phạm, hàng năm, nhà trường nắm yêu cầu giáo viên trong vùng, nắm chắc đến từng trường. Khi công bố điểm tốt nghiệp, nhà trường đồng thời công bố danh sách các trường cần giáo viên và ưu tiên những sinh viên điểm cao được chọn trường theo ý thích của mình. Phương pháp này đã kích thích sinh viên thi đua học tập, đồng thời hạn chế tệ vòi vĩnh của những kẻ có quyền thu nhận sinh viên khi đến xin việc. Các cô cậu con ông cháu cha cũng hết quyền ưu tiên chọn những chỗ "ngon lành". Cũng có mặt các trường Đại học bây giờ tốt hơn ngày xưa như được trang bị nhiều máy vi tính và các phương tiện học ngoại ngữ...

Tôi lắng nghe ông nói, lòng thầm nhủ: "Quả là mỗi thời một khác", nhưng không hẳn mọi điều đều cũ kỹ, đều là thứ vứt đi như cách bổ dụng sinh viên tốt nghiệp. Nếu tìm hiểu kỹ, hẳn sẽ còn biết thêm những điều bổ ích. Nhưng thôi, đó là việc của các nhà tổ chức... ". Tôi trở lại phận sự nhà báo tiếp tục cuộc phỏng vấn:

- Trước việc Đại học Huế mới thành lập, ông có ý kiến gì? Ông mong ước điều gì?

Tôi những tưởng vị giáo sư vốn tính cẩn trọng và đã lui về vui thú điền viên này sẽ ngần ngại thậm chí thoái thác việc bày tỏ ý kiến mình, nhưng tôi vừa dứt lời ông đã nói ngay với vẻ nhiệt thành:

- Trước hết, tôi mong ước các trường Đại học ở Huế phối hợp chặt chẽ với nhau, để sử dụng hợp lý hơn nhân lực, tài lực và người có thực tài được trọng dụng. Điều thứ hai là việc tuyển chọn cán bộ phải có yêu cầu cao. Thầy phải biết khuyến khích sinh viên đặt câu hỏi, lớp học phải là nơi trao đổi trí tuệ, kiến thức, chứ không chỉ bó hẹp trong giáo trình. Thầy có giỏi mới làm được thế. Và điều cuối cùng cũng là chuyện "chính danh". "Danh chính ngôn thuận" mà. Tôi không hiểu tại sao lại ngại dùng từ Viện Đại học? Và vì sao người đứng đầu Đại học Huế lại gọi là "Giám đốc"?

Tôi cảm thấy vị giáo sư bỗng nhiên nhỏ giọng rồi khẽ lắc đầu. Tôi hiểu ông không muốn bàn luận nhiều đến một vấn đề có thể gọi là nhạy cảm và tế nhị.

Trước lúc chia tay, vị giáo sư nhắc tôi:

- Anh viết báo không cần nêu tên tôi làm gì...

- Danh chính nhiều khi cũng làm cho ý kiến thêm sức nặng chứ anh? Những ý kiến chân thành của anh nào có gì đáng ngại...

- Vâng... Tôi còn đòi hỏi quyền chức gì nữa mà ngại đụng chạm. Nhưng có "sức nặng" hay không là do bản thân ý kiến đúng hay sai, có giá trị đến mức nào, chứ đâu phải tuỳ thuộc danh tính và chức quyền người đề xuất, phải không nhà báo? Có lẽ chúng ta cũng cần làm quen với cách nghĩ này. Mấy năm qua, trở lại là một công dân bình thường- nói theo dân gian là "phó thường dân"- tôi cũng từng được nghe những lời rất sâu sắc từ cửa miệng những người dân thường.

Tôi vui vẻ bắt tay vị giáo sư, bày tỏ sự đồng cảm với cách suy nghĩ của ông. Tôi cũng đã nghe không ít người dân thường ở Huế - từ bà bán hàng ở chợ Bến Ngự đến bác đạp xe thồ - chất vấn về chuyện "chính danh" của Đại học Huế... Dù vậy, hỏi chuyện Đại học Huế "ngày xưa", tôi phải tìm đến một vị giáo sư khác nữa. Ông cũng từng giữ chức trưởng khoa, cũng đã "nghỉ mất sức" dù đã dạy học trên 35 năm. Chỉ khác vị giáo sư trước là ông vẫn hăng hái tham gia một số hoạt động xã hội và ông không chút dè dặt khi nói đến vấn đề "chính danh” của Đại học Huế hôm nay. Chỉ nghe ông "bắt lý" rằng: "Nếu coi Đại học Huế thuộc hệ thống sản xuất kinh doanh thì người đứng đầu cần phải là "Tổng giám đốc" mới đúng," tôi đã thấy chuyện "chính danh" Đại học Huế (và không chỉ của Đại học Huế) hẳn rồi sẽ có lúc được "đặt lên bàn" các cơ quan có tránh nhiệm. Ở một đất nước không ngừng đổi thay, đang dần đi vào quy củ, nề nếp, đó cũng là chuyện "thường ngày". Như ngày nào chúng ta đã gọi "Thủ tướng", thế rồi bỗng đổi thành "Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng" và nay lại là "Thủ tướng"; như con đường Huyền Trân Công chúa ven bờ sông Hương lên Phường Đúc - Long Thọ - nơi có di tích thành Chăm pa xưa bỗng đổi thành đường Bùi Thị Xuân và nay đã có nhiều người đề nghị lấy lại tên cũ...

Cái tên gọi, không chỉ đơn thuần là chuyện từ ngữ, mà còn bao hàm ý nghĩa tiếp nối một truyền thống. Nói đến truyền thống Đại học Huế thì nhắc lại thời kỳ Viện Đại học (1957 - 1974) vẫn chưa đủ. Từ gần 200 năm trước, Huế đã là một trung tâm Đại học của cả nước, với Trường Quốc Tử giám được lập tại phía trên Văn Thánh (tháng 9.1805) với Chánh đốc học Hồ Công Diệu thì đến nay vừa tròn 190 năm. Nếu chỉ kể từ lúc Trường Quốc Tử giám được xây dựng hoàn chỉnh, có quy củ nề nếp (vào tháng 8.1821) với người đứng đầu là quan Tế tửu thì cũng đã 174 năm qua. Cho đến năm 1908, Trường mới được di chuyển về Thành Nội, bên trái đường Đinh Tiên Hoàng, nơi hiện nay đang tạm dùng làm nhà Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên Huế.

Trải qua hơn 100 năm (1805 - 193...), Trường Quốc Tử giám Huế là lò đúc nhân tài của cả nước, trong đó có nhiều tên tuổi đã được khắc ghi trên 32 tấm bia tiến sĩ ở Văn Thánh. Trong số những người đảm trách chức Tế tửu, có cụ Lê Văn Miến (1874 - 1943), người thanh niên Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp trường Mỹ thuật Pa-ri, người họa sĩ vẽ những bức tranh sơn dầu đầu tiên của Việt Nam (trong đó có bức "Bình văn" khắc họa hình ảnh thầy trò xưa, hiện đang treo ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Cũng cần nói thêm, Lê Văn Miến là một trong ba thanh niên Việt Nam được đặc cách chọn sang Pháp học trường Thuộc địa (École Coloniale) để đào tạo thành quan cai trị cao cấp; hai người cùng đi về sau làm đến chức Tổng đốc, Thượng thư; riêng Lê Văn Miến xin ở lại học thêm ở Trường Mỹ thuật để tránh phải làm quan thuộc địa. Trước khi đi làm Tế tửu trường Quốc Tử giám (từ 1921 - 1929) cụ Lê Văn Miến từng dạy ở Trường Quốc Học Huế. Có thể nói, cụ là một trong những người thầy đầu tiên đã gieo vào lòng lớp thanh niên thời ấy - trong đó có chàng trai lỗi lạc Nguyễn Tất Thành - tinh thần yêu nước và nghĩa khí của kẻ sĩ...

Chỉ nhắc qua từng ấy, đủ thấy Đại học Huế quả là có một truyền thống đáng tự hào. Nhưng truyền thống có thể được phát huy mà cũng có thể bị mai một. Câu trả lời đặt trên vai những người đang làm chủ Đại học Huế hôm nay.

* * *
 

Tôi đến trụ sở Đại học Huế khi tấm băng đỏ kỷ niệm ngày truyền thống Sinh viên 9 -1 còn chăng ngang tòa nhà số 3 đường Lê Lợi. Có thể xem những chữ vàng trên nền vải đỏ thắm này cùng việc Đại học Huế chọn tòa nhà nguyên là nơi làm việc của Viện trưởng Viện Đại học trước đây làm trụ sở như là những dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ những người chủ của Đại học Huế hôm nay không quên truyền thống tốt đẹp trước đây.

Giáo sư Nguyễn Thế Hữu, Giám đốc Đại học Huế và anh Nguyễn Phong Nam, Chánh Văn phòng, hẹn tiếp tôi vào cuối giờ làm việc buổi chiều. Công việc xây dựng một tổ chức mới trong những ngày đầu bận rộn đã đành, hơn nữa, như Nguyễn Phong Nam nói vui: "Gặp nhà văn thì cũng phải chọn lúc thong thả để nhâm nhi chút cho vui!".

Dù đã hẹn trước và đã muộn, lúc tôi đến, anh Hữu vẫn đang làm việc với một đoàn khách, trong đó, tôi nhận ra Phó Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Mễ và phó Chủ tịch thành phố Huế Nguyễn Cương. Hai bên trao đổi việc thành phố Huế bàn giao cho Đại học Huế công trình Thư viện do tổ chức ADM (Hội Phát triển Y học Pháp) sẽ giúp xây dựng.

Chưa vào chuyện, tôi cũng hình dung được phần nào cả "núi" công việc bề bộn đang đè nặng trên vai giáo sư Viện trưởng (à quên, trên vai đồng chí Giám đốc) cùng Ban Lãnh đạo Đại học Huế. Bao nhiêu việc phải lo toan, từ chỗ làm việc cho các phòng ban mới thành lập đến việc sắp xếp lại các trường, rồi kinh phí đầu năm và kế hoạch phát triển những năm tới... Tôi đã được nghe một số cán bộ đại học tâm sự: "Khó lắm anh ạ. Anh cứ hình dung cả mấy cỗ máy đang chạy theo cách riêng của mình, dù chưa hoàn hảo, cũng mỗi anh làm chủ một góc trời, có danh vọng quyền lợi riêng, nay bỗng kết hợp lại thì dễ gì ai chịu ai!..." Tôi cũng được biết, có tổ chức Đại học thành lập bước Đại học Huế, nhưng vì "không ai chịu ai", nên bộ máy chung vận hành rất khó khăn.

Còn Đại học Huế đã làm được những gì từ khi thành lập? Trả lời câu hỏi này, anh Hữu nói:

- Chúng tôi có được thuận lợi là Ban Giám đốc tuy hình thành bằng cách tập hợp các Hiệu trưởng Đại học hiện có, nhưng đã sớm thống nhất cần phải tập trung xây dựng Đại học Huế vững mạnh. Nhờ đó đến nay, 6 Trường Đại học tổ chức theo nghị định 30/CP gồm Đại học Đại cương, Đại học Khoa học, Đại học Y khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Nông lâm và Đại học Nghệ thuật đã bắt đầu vận hành theo quy trình mới. Văn phòng Đại học Huế cùng 2 Ban tổ chức và Kế hoạch - Tài chính cũng đã được hình thành. Một việc quan trọng, chúng tôi đặc biệt quan tâm và đã thực hiện được là tổ chức biên soạn chương trình tài liệu và tiến hành đào tạo giai đoạn I theo quy trình mới từ niên khóa này. Chúng tôi cũng đã hoạch định một số phương hướng chính cho những năm sắp tới: nâng quy mô từ 8.000 sinh viên hiện nay lên 30.000 sinh viên; các ngành đã có tăng tính công nghệ, tính thích ứng với các yêu cầu đa dạng phù hợp với sự phát triển của xã hội; sẽ mở thêm những ngành nghề đào tạo mới như Luật, Kinh tế, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Tin học (Công nghệ thông tin); các Trung tâm Nghiên cứu khoa học gắn với mục tiêu đào tạo và sẽ được xúc tiến thành lập như Trung tâm Đào tạo từ xa, Trung tâm Xã hội nhân văn (hoặc là Trung tâm Nghiên cứu Huế), Trung tâm Phân tích, Trung tâm Tài nguyên Môi trường, Trung tâm Công nghiệp sinh học...

- Như vậy, rồi Đại học Huế sẽ có nét gì riêng khác với các Đại học các khu vực khác để có sức hấp dẫn sinh viên và để người đời dễ nhớ tới? - Lựa lúc đồng chí Giám dốc ngừng lời, tôi xen vào hỏi vậy.

- Nói đến sắc thái của Đại học Huế từ bây giờ có lẽ quá sớm. Nhưng chúng tôi cũng đã tính đến, đã chuẩn bị, như trong ngành kinh tế, chú trọng hơn về kinh doanh du lịch, khoa nhân văn xã hội - trong đó có cổ văn và nghiên cứu về Huế, sẽ đậm nét hơn. Đại học Huế cũng có nhiều khả năng đối ngoại, mở rộng hợp tác với các tổ chức Đại học và khoa học của các nước...

Tôi góp lời bổ sung một nét riêng của Đại học Huế là nơi có bề dày lịch sử, có truyền thống vẻ vang "ít nơi nào có được", nhân thể tỏ ý muốn biết ý kiến của Giám đốc Đại học Huế hôm nay về việc tiếp nối truyền thống Viện Đại học ngày trước. Anh Hữu nói ngay, không chút ngần ngại:

- Theo ý riêng tôi, nói đến truyền thống Đại học Huế thì phải tính từ niên khóa 1957 - 1958 và có thể xa hơn nữa, từ khi Huế có Trường Quốc Tử giám, như anh vừa nhắc. Chúng tôi cũng đã dự tính sẽ xuất bản một tạp chí. Viện Đại học trước đây đã có tạp chí xuất bản được 36 số. Nhưng so với Viện Đại học trước, Đại học Huế hôm nay quy mô lớn hơn, đa dạng hơn nhiều. Chỉ tính riêng Trường Đại học Sư phạm, trước giải phóng chỉ có trên 10 giáo sư, nay có trên 200 cán bộ giảng dạy. Nếu tính cả 6 trường thì có trên l000 cán bộ giảng dạy, trong đó hơn 70 người có học vị từ phó tiến sĩ trở lên. Quan hệ đại học với xã hội cũng khác trước nhiều. Do đó, nên mặc dù tiếp nối ngày hôm qua, Đại học Huế hôm nay phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới, phải tìm ra những giải pháp mới thích hợp với thời đại.

Đề cập đến mối quan hệ và sự giúp đỡ của các tỉnh miền Trung trong đó chủ yếu là tỉnh Thừa Thiên Huế, đồng chí Giám đốc cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế ngày càng quan tâm đến việc xây dựng Đại học Huế và đã xem xét việc cấp cho Đại học Huế khoảng 100 héc-ta đất bao gồm toàn bộ núi Tam Thai đến chân Ngự Bình để xây dựng trường sở mới. Việc xây dựng cơ sở vật chất của Đại học Huế đang là vấn đề rất cấp thiết. Nói riêng Trường Đại học Sư phạm, trông bề thế thế, vậy mà sinh viên vẫn phải học hai ca, các tổ bộ môn không có chỗ làm việc, Trưởng khoa không có phòng riêng. Trường Đại học Đại cương và các Khoa, các Trung tâm nghiên cứu sắp thành lập thì tất cả trông chờ ở cơ sở mới. Đó là chưa nói đến 200 hộ gia đình đang ở trong khuôn viên các trường cần có đất để giải tỏa... Chính phủ đang xem xét đề nghị Ngân hàng Thế giới cho vay 70 triệu đô-la để xây dựng cơ sở mới cho Đại học cả nước - trong đó có Đại học Huế.

Dù chỉ lược qua những công việc chính, dù nhiều việc vẫn thuộc về "thì tương lai" và mái tóc người giám đốc thì đã chớm bạc, giọng nói sau một ngày làm việc căng thẳng nghe như hơi khàn đi, tôi vẫn tin Đại học Huế ngày mai sẽ xứng đáng là một điểm sáng của Huế, có sức thu hút tuổi trẻ khắp nơi. Tôi tin, vì từng biết giáo sư Nguyễn Thế Hữu trong những năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế đã có những thành tựu đáng kể, vì những cộng sự của ông cùng lớp trí thức trẻ trưởng thành trong 20 năm qua có đủ khả năng và sẵn sàng cùng ông thực hiện những dự định tốt đẹp cho tương lai. Tôi tin, vì không lẽ một trung tâm văn hóa như Huế lại để mai một phai mờ truyền thống đại học có lịch sử gần 200 năm, vì không thể hình dung Huế nếu không có một tổ chức đại học xứng đáng với thành phố đã được ghi vào danh mục các di sản văn hóa thế giới.

Từ trụ sở Đại học Huế, tôi đi dọc đường Lê Lợi ven sông Hương khi thành phố đã lên đèn. Bên tôi, từng tốp thanh niên nam nữ hối hả, ríu rít tới các lớp ngoại ngữ. Trong đêm, những khung cửa đại học vẫn tỏa sáng, huống gì ngày mai.

Tháng 2.1995
N.K.P
(TCSH73/03-1995)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng