Ai ra xứ Huế
Môi trường trong văn hóa Huế
14:28 | 26/08/2022

NGUYỄN KHẮC THẠCH

Ngày nay nói đến văn hóa không thể không nói đến môi trường, cụ thể hơn là sự ứng xử của con người đối với thiên nhiên. Tính thời sự cấp bách từ môi trường đã cảnh báo sự sống mong manh của hành tinh đang đứng trước nguy cơ "chung cuộc với ngày tận thế".

Môi trường trong văn hóa Huế
Ảnh: internet

Theo quan niệm (định nghĩa) chung nhất và có phần cổ điển thì văn hóa là sự "vượt tuyến bản năng", là những gì khác với tự nhiên. Nó cũng có nghĩa rằng, văn hóa là sự tương tác mang tính chất "cải tạo” giữa ý thức con người với thế giới tự nhiên. Như vậy, ở một mặt nào đó, quá trình con người "làm ra văn hóa" cũng là quá trình con người phá vỡ trật tự của tự nhiên, phá vỡ sự "trinh bạch" của môi trường.

Vùng văn hoá là những nét đặc trưng được sinh thành trong điều kiện tự nhiên và quá trình lịch sử của nó. Văn hóa Huế với tư cách là kinh đô một thời thì trước hết nó là sự kế thừa, sự kết tinh mọi tinh hoa của cả cộng đồng người Việt rồi bước tiếp theo là quá trình cá tính hóa đi đến bn sắc riêng. Bởi vậy, nếu nói về sự "giàu có" theo ý nghĩa của từ này thì văn hóa Huế có vô số đề tài, vô số vấn đề và trên mọi lĩnh vực. Tùy tiêu chí và mục đích mà người ta có thể nghiên cứu, tìm hiểu nó trên từng khía cạnh, từng đối tượng. Ở đây, chúng ta thử xem vấn đề môi trường trong văn hóa Huế và cũng chỉ xin được giới hạn nó trong "cặp phạm trù" Ăn Chơi.

Từ xa xưa, người Huế đã có thú chơi nhà vườn. Và cũng từ sự đề-pa (départ) "thú chơi" nên vườn Huế không "xanh màu kinh tế" mà nó "xanh màu văn hóa". Một mẫu đất vườn đâu đó có thể nuôi sống cả gia chủ nhưng ở đây, may ra thì cũng "chỉ đủ ăn" cho bản thân nó. Nghĩa là thuế đất, thuế vườn, nghĩa là tái sản xuất nguyên thủy. Mặc dù từ ngoài nhìn vào, nó có vẻ trù phú "Vườn ai mướt quá xanh như ngọc" nhưng cũng chỉ để "lá trúc che ngang mặt chữ điền" mà "Nhìn nắng hàng cau..." - (Hàn Mặc Tử). Bao giờ và ở đâu cũng vậy, đã mơ mộng thì không hề thực dụng. Vườn Huế luôn phô bày sự kín đáo của nó trong dáng nét đan thanh trầm mặc và rưng rưng sương khói. Những khu nhà xưa cổ kính, những mảnh vườn chùa tĩnh mạc như còn ấp ủ trong đó cả bí ẩn sự sống và triết lý nhân sinh. Có thể nói, vườn Huế là những tác phẩm nghệ thuật. Nó song song với nghệ thuật tạo hình cây kiểng. Cây kiểng ở Huế không chỉ là mốt chơi quý tộc mà nó trở thành nhu cầu bình dân của mọi nhà, mọi người. Dù ít, dù nhiều, từ nhà trệt lên gác thượng, từ mặt đất xuống vạn đò, đâu đâu cũng có. Ở những gia đình khả dĩ thì cây kiểng của họ cũng độc cấp thượng lưu. Trong những khu vườn quý phái, vừa trồng cây trái, vừa nuôi cây kiểng, hoa quả thơm dâng bốn mùa. Ở đây, đôi khi cũng thấp thoáng những quán cà phê trang ẩm cổ điển.

Chìm vào sự nổi là không gian ao hồ, hào mương đan xen, bao bọc quanh những công trình nhà cửa, thành quách, chùa chiền tạo ra sự hài hòa, đối xứng cho quần thể kiến trúc Cố Đô. Dù nuôi sen, thả cá hay trồng rau thì hệ thống ao hồ ấy cũng là những "ốc đảo" có khả năng điều giải nhiệt và thanh lọc hợp lí bụi bặm trong đô thị. Ở đấy cũng là cuộc sống hoang dã của muôn loài côn trùng rất có ích cho môi sinh. Trên vòm xanh, những đàn chim trời còn được cất tiếng hót ríu ran nhờ sự kỳ thị của dư luận đối với cây súng săn trong tay những gã bắn lén. Hội chim và người chơi chim ở Huế vẫn âm thầm, bền bỉ nuôi và giữ lại được nhiều loài chim quý hiếm cho thiên nhiên. Môi trường là thế đó. Trong một căn phòng chật chội, nếu có một chậu cá cảnh thì nó cũng đủ làm thư giãn giác quan và đem lại sự thanh thản cho tâm hồn. Chưa đủ, người ta còn làm ra những con diều giấy như những bức thông điệp thả về trời để nói rằng, nơi đây đang cần sự sống, đang tái tạo sự sống và đang muốn "gieo trồng" thêm một thiên nhiên khác nữa. Cùng với núi non, cỏ cây, sông biển, vườn Huế, cảnh Huế đã làm nên một tng phổ giao hưởng xanh mặt đất. Kiểu chơi này đã mở ra và giữ lại cho Huế một cảnh sắc thanh bình, tươi tắn. Nó đem lại trạng thái tĩnh tâm, mơ hồ, sâu lắng cho con người sống trong đó luôn có cảm giác như đang đứng giữa hai bờ mộng thực. Đấy cũng là yếu tố "kẻ cả" làm lên tính cách và bản lĩnh của con người Huế Đô. Đi đến cùng thì "nghề chơi cũng lắm công phu" và mỗi vùng văn hóa đều có nét độc đáo riêng của nó. Người Nhật thâm uyên đến cực đoan trong "trà đạo", "kiếm đạo" hoặc "ngồi thiền xem đá mọc". Còn người Việt mà đại diện ở đây là "văn hóa Huế" thì nó lại mang đậm nét mặc cm tự tôn đè lên mặc cm tự ti.

Nói đến sự ăn ở Huế, lâu nay người ta chỉ quan tâm, khai thác nó ở góc độ ẩm thực, ở bình diện thưởng thức mà quên đi rằng, nó còn có một cấp độ khác nữa - cấp độ triết học. Đó là tập quán và chủ trương ăn chay. Người Huế ăn chay không chỉ ăn vì sự lạ miệng mà "ăn" từ trong tâm thức của họ. Xét về mặt khoa học, mỗi tháng ăn chay hai ngày (mồng một và rằm) để bớt độ nhàm nhạt và tạo ra sự đổi chất trong huyết mạch thì nó có ý nghĩa như một cuộc tổng vệ sinh cơ thể. Lực lượng ăn trường chay ở Huế cũng đáng kể. Các bậc tu sĩ trong hàng trăm ngôi chùa, các vị cư sĩ, các phật tử và những gia đình có cơ duyên ăn chay khác khá là đông đảo. Các quán ăn chay, nhà hàng chay mở ra ngày một nhiều. Ăn chay sẽ làm cho con người trở nên điềm tĩnh và nhân bản hơn, nói chi đến con người, ngay ở loài vật cũng vậy. Những con vật ăn cỏ thường hiền lành (voi, thỏ, bồ câu). Những con vật ăn thịt thường hung dữ (hổ, sói, đại bàng). Thức ăn từ động vật gồm những chất tạp, nặng khó tiêu, dễ kích thích những dục vọng trần tục của bản ngã thấp hèn. Thức từ ngũ cốc gồm những hoạt chất nhẹ, tinh dễ tiêu, dễ cảm xúc lành mạnh hướng đến những ham muốn cao thượng. Từ 500 năm trước công nguyên, nhà hiền triết Hy Lạp Pythagore đã từng cho rằng "ăn thịt sẽ chặn đứng khả năng tiên tri”, ông chủ trương ăn chay theo dạng thô, tươi sống và nước lã cho lối sống được giản đơn, gần với tự nhiên. Tạo Hóa đã ban cho con người và loài vật nguồn thức ăn phong phú từ thảo mộc, ngũ cốc, cây trái. Ở đấy cũng là vườn giống khổng lồ để tái sinh, duy trì nguồn thức ăn vô tận. Thế nhưng từ cái "vườn địa đàng" mênh mang, hỗn độn này, vì sự vô minh và mê lầm mà con người và loài vật đã ăn thịt lẫn nhau. Vậy, một khi người ta giác ngộ được vấn đề này để trở lại ăn chay thì việc ăn chay ấy đã nâng lên tầm triết lí. Thuyết này cho rằng, ăn chay là cuộc cách mạng dịu êm nhất mà sâu sắc nhất, là một cuộc hành hương vĩ đại trở về nguồn. Rồi sự giết chóc sẽ được triệt tiêu và các loài vật vô tội kia cũng sẽ được thông dự vào quyền sống thiêng liêng về mặt sinh học như con người. Môi trường là không gian tồn tại sự sống và sự chết tự nhiên, bình đẳng của muôn loài. Việc trồng trọt cây lương thực, cây thực phẩm làm thức ăn cho người và loài vật sẽ được tăng cường. Những đồi trọc và vùng đất bị sa mạc hóa đều có thể trở thành thảm thực vật. Từ đó, thiên nhiên được thiết lập lại trong thế quân bình môi sinh và cân bằng sinh thái. Con người lại được tắm mình trong thế giới trong trẻo, tinh khiết đầy hương vị của thiên nhiên. Đấy cũng chính là hình ảnh một thiên đường xa xôi nào đó trong siêu tượng con người trôi lên mơ ước. Ngày nay, khoa học thực nghiệm cũng đã thừa nhận rằng "Ăn chay là chế độ ẩm thực cứu rỗi hành tinh, chặn đứng được hiệu ứng nhà kính và nuôi sống thế giới thứ ba" - (TCM số 60/1993).

Khi đã ăn chay thì các vật thải từ đó cũng ít bẩn hơn, ít độc hơn. Những đầu tôm vảy cá vừa bỏ vào giỏ rác đã bốc mùi tanh tưởi, trong khi đó những cọng rau, bã đậu cũng vứt như thế thì chưa hề chi. Ăn chay là tùy nghi, nó không cần nhiều những nhà máy chế biến đồ hộp, bao bì như thịt, cá làm gia tăng rác rưởi công nghiệp.

Ăn thịt, sẽ không dừng lại ở thịt mà sự "kéo theo" các nhu cầu khác cho "đồng bộ" với nó như uống rượu, hút thuốc và vân vân, đều là những tác nhân gây hại môi trường.

Bối cảnh môi trường Huế vẫn thấm đẫm tinh thần từ bi của Đạo Phật. Trong sự vô thường của trời đất, con người vẫn yêu thương loài vật, cỏ cây và thậm chí cả đồ vật nữa. Có cháu bé vì thương chiếc quạt máy chạy hoài mà thà chịu nóng bức còn hơn bắt nó chạy tiếp. Cây cối trong những nương vườn gia phong còn được chít tang khi chủ nhà qua đời. Những người có tấc lòng trắc ẩn thường bỏ tiền ra mua lại sự sống cho những con chim mắc bẫy, những đàn cá sa lưới. Chỉ có lòng thương yêu thực sự thì mới làm được điều đó và mới có hy vọng bù đắp được sự trống rỗng, mất mát cho thiên nhiên. Bởi vậy, mặc dù những năm gần đây, ủy ban môi trường và phát triển thế giới (World commission on Invironment and development) đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể nhằm bảo vệ môi trường nhưng không mấy hữu hiệu vì nó chỉ đơn tuyến lý trí. Lí trí là cái vừa khôn ngoan, sắc sảo vừa ích kỉ tàn nhẫn. Điều này, minh chứng có ý nghĩa thời sự nhất là khởi đầu công vụ của vị tân tổng thống Pháp Giắc Si-lắc, vừa nhậm chức đã nóng nảy tuyên bố thử hạt nhân một cách lạnh lùng! Nền văn minh phương tây cũng đem lại sự tinh tế, thức thời cho ngôn ngữ giao tiếp bằng những câu chào hỏi đầu miệng "How green are you?" hàm ý sức khỏe với môi trường. Thế nhưng đấy cũng chỉ là lý trí và lý trí mà thôi. Việc tuyên truyền giáo dục vì một "Tương lai chung của chúng ta" (our common Future) phải được tác động từ hiểu biết đến lòng thương yêu đối với thiên nhiên, với cỏ cây, muông thú. Nếu con người vượt qua được những tri kiến ngộ nhận để thấy mình mãi mãi là trẻ thơ mà thiên nhiên là bầu sữa mẹ thì thái độ ứng xử với nó, với môi trường không chỉ bằng toan tính khô khan. Kinh thánh đã chỉ ra rằng, vì TÌNH YÊU mà Thượng Đế đã sáng tạo ra loài người, và vũ trụ từ trong hư vô. Con người coi đó là một ân sủng và đeo đẳng mặc cảm "sự vay" mà không biết trao "sự trả" một cách sòng phẳng cũng chính bằng TÌNH YÊU... Tình yêu là cái ĐẸP, là cái có thể "cứu chuộc thế gian này".

Trở lại vấn đề văn hóa Huế và đi sâu vào ngõ ngách của nó, ta thấy rằng ở đây đã có cả những mô hình "văn hóa ăn" và "văn hóa chơi" lành mạnh theo tinh thần hướng thiện. Chính nhờ vậy mà trong quá trình "làm ra văn hóa" con người ở đây đã không bạc đãi với thiên nhiên mà còn góp phần bảo tồn và tôn tạo nó. Bởi vậy, dù đi qua bao thăng trầm, Huế vẫn giữ được chất thơ mộng ban đầu của nó. Chất thơ mộng ấy không chỉ ở những danh lam thắng cảnh, những đền đài lăng tẩm, những con đường góc phố sạch sẽ mà còn ở cả nếp sống, nếp sinh hoạt mang "dáng dấp thiền" của con người xứ Huế. Tất cả những cái đó, cũng có thể nói, đấy là văn hóa, "văn hóa môi trường".

Có lẽ môi trường Huế cho đến giờ, vẫn là mô hình lý tưởng nhất so với các đô thị khác.

N.K.T
(TCSH78/08-1995)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng