Ai ra xứ Huế
Mưa Huế rơi trên điệu Samba
08:39 | 13/12/2022

NGUYỄN THỊ THÙY CHI
                  Bút ký dự thi

Tôi trở lại Huế lần nữa, trong một đêm mùa hạ.

Mưa Huế rơi trên điệu Samba
Ảnh: internet

Huế trong lòng tôi xưa nay luôn là Huế mơ, là Huế thơ. Ngay cả cái tên của thành phố đối với tôi cũng giống như một tiếng gọi trìu mến từ quá khứ. Tôi vẫn nhớ như in một buổi sớm, khi tôi còn nhỏ lắm, mẹ treo lên tường một tấm lịch và bảo: Huế đấy con. Tấm lịch đó in một bức ảnh chụp chùa Thiên Mụ bên sông Hương êm đềm, giữa dòng xanh biếc là mấy lá thuyền trôi. Ngày ấy, tôi nào biết sông Hương, nào biết chùa Thiên Mụ, đến cả con sông Kỳ Cùng chảy qua thị xã miền núi nhỏ bé quê hương nơi tôi sống, tôi cũng chưa biết tên. Nhưng hình ảnh êm đềm đó cùng với lời mẹ, “Huế đấy con”, thì ở mãi trong tâm trí.

Tôi biết Huế trong tiếng nói, giọng cười. Tiếng rao khắc khoải của những cô đội nón lá, gánh đôi gánh chè trên vai áo bạc giữa trưa hè hoe nắng: “Ai ăn chè Huế không”. Tiếng nói cười ríu rít trong những buổi nhập nhoạng chiều, lẫn với tiếng bát đũa va vào nhau, nơi dãy trọ của những cô chú thợ may làm việc cho chú thím tôi.

Huế hiền như một bài thơ xa xăm diệu vợi, còn người Huế thương khó mưu sinh. Tôi biết đến Huế như thế trước khi bắt đầu học địa lý, lịch sử ở trường, trước khi biết thế nào là kinh đô, cổ thành. Và còn rất lâu trước khi tôi được đặt chân đến Huế lần đầu tiên.

Sau này, đôi lần, tôi đã đi qua Huế như cái cách người ta vẫn đọc lướt qua một bài thơ nổi tiếng mà họ nghe danh từ lâu. Những con đường yên ắng, nắng xiên qua tán cây. Những tường thành cổ kính. Chiếc xích lô đi qua những cửa thành. Vệ cỏ xanh mướt dọc triền Hương giang. Vịnh Lăng Cô sáng bừng lên trong ánh bình minh khi nhìn từ chân đèo Hải Vân.

Và, tôi trở lại Huế lần nữa, trong một đêm mùa hạ.

Tôi không đến để ngắm cảnh như những năm nào đó tôi đã đến. Người cùng tôi dừng chân ngắm nhìn vịnh Lăng Cô trong một bình minh xưa cũ nay cũng không còn đồng hành nữa. Bỗng dưng một sớm tôi tỉnh dậy, từ trong ký ức, tấm lịch chùa Thiên Mụ, lời mẹ tôi, tiếng rao trưa, tiếng cười nói của những người thợ may, tất cả những thứ ấy va vào nhau lanh canh như một tiếng gọi trìu mến. Và tôi đi theo tiếng gọi.

Mười một giờ đêm, người lái taxi chờ tôi trước cửa nhà một người bạn, còn tôi đứng trên vỉa hè với túi bánh đặc sản quê tôi, làm quà. Nhưng tôi không làm sao gọi được bạn. Đường Phan Đăng Lưu, bên ngoài cửa Đông Ba, con phố mà giới trẻ ưa du lịch gọi vui là “Hồng Kông thu nhỏ giữa lòng phố Huế”, với những tấm ảnh biển hiệu xanh đỏ sáng trưng san sát như Hồng Kông về đêm, hoàn toàn yên ắng, vắng lặng vào lúc mười một giờ. Ngôi nhà kiểu xưa, không có chuông, mà nếu có thì tôi cũng không dám bấm vì sợ đánh thức cả những người khác trong nhà. Tôi cũng chẳng dám gọi to, sợ làm giật mình cả dãy phố. Tình huống dở khóc dở cười nhắc cho tôi một cách rõ ràng nhất, rằng tôi đang ở Huế, không phải Hà Nội, càng không phải Sài Gòn.

Cứ ngỡ chuyến bay bị trễ ấy là một điều xui xẻo nho nhỏ, nhưng sau cả tá cuộc gọi và nỗ lực kết nối một cách tuyệt vọng trên đủ mọi ứng dụng, tôi đã đánh thức được người Huế ngủ sớm, giao được quà, và đến nơi tôi  sẽ nghỉ đêm trong sự bất ngờ: Có hai Huế khác nhau đến thế!

Một Huế bên kia cầu Trường Tiền, nơi bạn tôi êm giấc, những phố dài im lìm trong đêm sâu. Và một Huế bên này cầu Trường Tiền, khi cửa xe mở ra, không khí nóng một lần nữa ập vào mặt tôi cùng với tiếng nhạc, tiếng cười nói, đám đông ồn ã, những góc đường đông đúc, bar, pub và vỉa hè đầy những người. Anh lái xe khẽ giải thích với tôi, nơi nghỉ tôi đặt lần này nằm trong “phố Tây”, khu phố này sẽ đông đúc nhộn nhịp đến rạng sáng. Qua anh, tôi được biết ba phố Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, và Võ Thị Sáu là ba phố đi bộ cuối tuần, mở từ mấy năm nay. Xung quanh khu vực này cũng đông đúc và nhiều quán xá mở khuya.

Tôi kéo hành lý đi mà thấy bước chân mình như theo nhịp. Đêm đó trong cơn mơ, tôi vẫn nghe chập chờn tiếng nhạc dưới phố và cả tiếng những người bạn nước ngoài về muộn ngoài hành lang.

Dường như áy náy về giấc ngủ rất chính đáng lúc mười một giờ, những ngày sau, người bạn Huế của tôi thường không để tôi “phải” một mình giữa thành phố của bạn.

Những chuyến đi tự mình khám phá luôn có nét thú vị riêng. Những chuyến đi có người dẫn đường chuyên nghiệp cũng có nét thú vị riêng. Còn những chuyến đi có người địa phương dẫn đường thì rất đặc biệt. Nhất là nếu người ấy yêu quê hương, yêu thành phố của họ tha thiết.

Những ngày đó, một ngày của tôi chia làm hai nửa. Một nửa ban ngày êm đềm trong nắng hè gay gắt. Tờ mờ sáng, tôi chèo thuyền dọc sông Hương chờ bình minh lên, rồi dạo bước trong đại nội, trên những con phố cũ, ngồi mơ màng dưới bóng thông trong lăng vua Tự Đức, chạm tay vào những cánh cửa vàng son trong lăng Minh Mạng, rồi lại thơ thẩn trên đồi Vọng Cảnh, nhìn những nhành cỏ đuôi chuột nở hoa tím sẫm và tự hỏi đó có phải loại cỏ tím mà nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường từng ngắm nhìn bên bờ sông Hương trong một mùa xuân nên thơ xa xôi nào đó.

Bạn tôi nói về thành phố  của bạn với một tình yêu sôi nổi. Đó là kiểu tình yêu có thể lôi cuốn được người nghe, khiến người nghe  nếu có đôi chỗ không đồng tình thì vẫn cứ bị cuốn đi trong cảm xúc, bởi hiểu rằng người nói đã quá yêu. Bạn kể  về những con phố, món ăn, về chợ Đông Ba gần nhà, về những ông vua, bà hoàng, về kiến trúc của cung điện, lăng tẩm. Bạn kể về Festival hai năm một lần sôi động, rộn ràng. Những thứ mà tôi có thể đọc được trên báo, trong sách, hoặc tìm kiếm trên mạng. Bạn kể về lệ cúng cô hồn tháng Năm âm lịch, trùng dịp tôi đến, là một nét riêng của Huế mà không nơi nào trên dải đất hình chữ S này có. Một nét riêng gắn với bao xương máu dưới mỗi lớp đất, dưới mỗi nền nhà người Huế, gắn kết Huế trong một lịch sử đau thương.

Nhưng chúng tôi không chỉ có những câu chuyện về quá khứ, dù rằng ai đến Huế dường  như  cũng  để được thấy tận mắt dấu ấn còn lại của một quá vãng vàng son mà họ đã nghe, đã học, đã nhớ. Chúng tôi còn có những câu chuyện khác, chẳng hạn như, một ngày lũ nọ, khi tôi nhắn tin hỏi thăm thì cũng là lúc nước vừa mới rút và bạn vừa ở trên gác xuống sau mấy ngày cố thủ, điện cũng mới có trở lại. Hay chuyện nhãn hiệu túi xách của người Việt mà tôi yêu thích và thường tìm mua ở Hà Nội, Sài Gòn, cũng đã mở chi nhánh đầu tiên ở Huế. Chuyện một bát tào phớ của cô bán tào phớ bên bờ sông Hương, dưới chân chùa Thiên Mụ, nay đã tăng giá nhiều rồi. Tôi nói, vậy là bình thường, nếu ăn ở Hà Nội, tùy chỗ có thể sẽ  có giá gấp hai, gấp ba lần nữa kia. Bạn tôi lại kiên quyết rằng, Huế cần giữ được nét thật thà chất phác của Huế. Rằng Huế của bạn có những cộng đồng trên các nền tảng mạng xã hội, để chia sẻ các câu chuyện trong nhà ngoài ngõ, để chung tay giữ gìn, bảo vệ, vì chỉ cần một hành động thái quá nào đó cũng có thể khiến Huế đổi thay, không còn là Huế nữa.

Tôi mỉm cười, bưng bát tào phớ ngọt dịu điểm vài sợi gừng. Dưới kia, sông Hương bao đời nay  vẫn êm đềm thế giữa lòng thành phố, chứng kiến biết bao đổi thay. Trong vô số sự kiện lịch sử từng ghi dấu bên dòng sông, có những cảnh bãi  bể nương dâu, những đổi thay xoay chiều thời đại. Và cũng có cả những thay đổi bé nhỏ như bát tào phớ tôi đang thưởng thức khi hoàng hôn dần phai phía chân trời. Chỉ những người đã yêu đến tận tâm can, yêu đến mức tôn thờ, mới hiểu nỗi lo lắng về việc cái đập nhẹ của một cánh bướm có thể làm chao đảo thế giới mà họ tôn thờ như thế nào.

Bạn tôi không phải là người Huế duy nhất yêu Huế bằng thứ tình yêu gắn bó đến thế. Mỗi người Huế tôi gặp đều có thể biểu đạt tình yêu của họ với thành phố quê hương, bằng cách này hay cách khác, sâu nặng không kém những bài thơ tình sâu nặng nhất, dù có khi họ chẳng cần nói lời nào. Tôi tin chính nhờ những người Huế như thế mà Huế trở thành Huế như bây giờ.

Đó có thể là anh lái xe công nghệ, một trưa nắng kia, thao thao bất tuyệt với tôi về sông Hương. Dẫu lời của anh giản dị thôi, nhưng chuyện tuôn ra như suối, và sự say mê mà anh thể hiện qua những lời giản dị ấy khiến tôi cứ ngỡ đang nghe thơ Thu Bồn: “Con sông dùng dằng, con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu”.

Đó có thể là những cô bé sinh viên có mặt trên đường Lê Lợi từ sáu giờ sáng để trông giữ xe đạp trong một dự án xe  đạp  công  cộng  cho du khách của thành phố. Tôi đi qua những điểm thuê xe mỗi sáng, mỗi chiều, nhìn những giọt mồ hôi lấp lánh trên gương mặt tươi cười, trong những ngày hè nóng nực nhất, mà thấy lòng mình cũng như trong vắt.

Là chị bán hàng rong phe phẩy quạt cho tôi bên ngoài Đại Nội, vừa quạt vừa nói về cái nắng gay gắt của miền Trung. Là anh bán bánh canh Nam Phổ cười hiền khi hỏi đến ba lần mà tôi vẫn chưa nghe ra một câu bốn chữ: “Có ăn hành không?”, rồi dịu dàng lấy cho tôi một tô đầy, thơm phức. Là bác xe ôm lịch sự nhất mà tôi từng gặp, cả trong lời nói và trang phục: sơ mi trắng, quần tây, giày da và một đôi tất tiệp màu. Nếu không phải tự tôi đặt xe thì khi bác đến, có lẽ tôi đã nghĩ bác là một người đang chuẩn bị đi dự đám cưới. Vai áo của bác có một chỗ mạng nhỏ rất khéo, mà chỉ khi đã ngồi lên xe tôi mới nhìn ra. Tôi những tưởng ngày nay không mấy ai còn mạng lại áo để mặc. Và tôi những tưởng, cái dáng điệu, cái cốt cách để mặc một chiếc áo rách vai nhưng vẫn khiến người khác phải nể phục ấy, đã mất đi, theo sự nằm xuống của thế hệ ông bà tôi rồi. Vậy mà không.

Mỗi người Huế ấy, mỗi việc bé li ti mà họ làm, chẳng một câu chữ nào hé lên rằng họ yêu Huế của họ. Thế nhưng với một người từ xa đến như tôi, mỗi con người tự trọng, cần cù, nhiệt thành kia, là người Huế, là đại diện của Huế. Họ yêu quê hương bằng cách sống thật đẹp ngay trên chính quê hương của họ, hay bất cứ nơi nào họ đặt chân đến.

Một ngày của tôi chia làm hai nửa, nửa ban ngày êm đềm trong nắng hè gay gắt, còn nửa đêm rộn ràng trong nhịp điệu của Festival Huế.

Huế mà tôi từng biết đến lần đầu tiên trong đời qua tấm ảnh lịch của mẹ, Huế mơ, Huế thơ ấy trở mình trong nhịp điệu đầy thú vị của đêm. Không chỉ là ba con phố đi bộ giao nhau trong tiếng nhạc xập xình những đêm cuối tuần, Huế có Festival bốn mùa. Tôi không phải người thích ồn ào náo nhiệt, nhưng Festival Huế mùa hè lại là một cái gì đó nằm ngoài phạm trù ồn ào và náo nhiệt, dù vẫn giữ nguyên sự sôi động vốn dĩ phải có của một lễ hội.

Tôi đi bộ dọc bờ sông Hương, qua cầu Trường Tiền. Xe cộ ken chặt trên cầu, ngỡ như đang ở một thành phố lạ, không còn là Huế ban ngày, hay Huế bên kia sông, nơi những con phố cũ yên ắng lúc mười một giờ nữa. Đứng trên cầu, mặc đám đông sau lưng, phóng mắt ra xa nhìn sông Hương trong vẻ huyền bí của đêm. Bao nhiêu nước từng chảy qua chân cầu. Bao nhiêu thuyền bè từng lướt qua. Giờ đây, đền đài lăng tẩm đều đã say ngủ, chỉ còn ánh đèn lấp lánh hai bên bờ sông. Phố cũ và phố mới, một bên bắn pháo hoa, một bên rộn ràng với tiếng nhạc EDM và những sân khấu ngoài trời dựng khắp nơi. Huế bùng nổ trong hàng loạt hoạt động  cả trong nhà và ngoài trời. Du khách đổ ra đường buổi tối không còn để tìm kiếm vết dấu cũ xưa, mà để sống trong hiện tại, giữa lòng Huế bây giờ.

Đó là tuần lễ sôi nổi nhất ở Huế, khi mà hầu như tất cả cơ sở lưu trú trong trung tâm thành phố đều kín chỗ. Hơn một trăm tám mươi ngàn lượt khách cả trong và ngoài nước ghé thăm Huế trong tuần, theo một thống kê mà sau đó tôi đọc được. Con số ấy trở nên đáng nhớ sau hai năm dịch bệnh khiến gần như mọi đường biên phải đóng chặt. Con số ấy còn đáng nhớ hơn với tôi, vì trong hơn một trăm tám mươi ngàn lượt khách của ngày tháng ấy, có tôi, một mình đón sinh nhật ở Huế.

Tối hôm ấy, khi tôi vừa ngồi xuống hàng ghế khán giả ở một sân khấu ngoài trời tại Công viên 3 - 2, thì trời đổ mưa. Tôi dừng lại ngẫu nhiên ở sân khấu này, giữa hàng loạt sân khấu khắp các con đường. Trong cơn mưa đêm tháng Sáu, ban nhạc chơi một điệu samba. Khán giả dạt hết vào một mái che gần đó, để lại khoảng trống trước sân khấu, chỉ còn lác đác vài người ngồi lại.

Tôi cũng ngồi đó, trong cơn mưa, trong điệu samba sôi nổi. Ban nhạc ướt sũng. Mưa rơi xiên xiên, lấp lánh ánh bạc, phản chiếu  đèn  sân khấu rực rỡ. Tiết tấu vui nhộn của bài hát, tiếng trống, tiếng guitar, tiếng tambourine… và cơn mưa tháng Sáu bất chợt đã hòa quyện vào nhau một cách kỳ lạ giữa lòng thành phố cổ kính nên thơ. Tôi như nghe trong mình âm thanh của một hạt mầm nứt vỏ, vươn hai chiếc lá mũm mĩm hé cười. Đó là một cảm giác diệu kỳ mà đã lâu lắm tôi mới thấy lại.

Huế ơi, sao kỳ lạ đến thế!

Thành phố của vàng son lộng lẫy, cũng là thành phố của những người cần mẫn chăm chỉ như cái kiến con ong, của những người tha hương tìm kế sinh nhai. Thành phố của đền đài lăng tẩm tĩnh lặng thiêng liêng, cũng là thành phố mở lòng cho những phố đêm ồn ã. Thành phố ngày nắng gắt và đêm mưa giông. Giữa lòng phố một hôm, điệu samba ngoại quốc và sông Hương cùng rộn ràng sức sống.

Khuya hôm đó, tôi nằm co trên giường khách sạn, tải một ứng dụng thắp nến trên điện thoại, tự hát chúc mừng sinh nhật và tắt ngọn nến bằng cách tắt ứng dụng. Không hề cảm thấy kỳ cục hay cô đơn.

Ngày hôm sau, tôi trở về Hà Nội.

Có thể sau này khi tôi nhớ lại, tất cả sẽ chỉ còn là những ký ức mờ mờ không thể rõ nét nữa. Cũng có thể, tôi vẫn sẽ nhớ một vài chi tiết, như là bầu trời xanh ngắt không một gợn mây trên đoạn đường tôi đi bộ từ lăng vua Tự Đức qua lăng Đồng Khánh, như là khoảnh khắc tôi đứng trên cầu và gió mùa hè luồn trong tóc, như là cơn mưa rơi trên điệu samba rộn ràng. Cũng có thể, tôi sẽ mãi nhớ mình đã đến Huế lần ấy, theo tiếng gọi của những âm vọng thân thương từ quá khứ, để rồi người Huế, không khí Huế, cơn mưa Huế, gieo trong lòng tôi một thanh âm khẽ khàng như tiếng nứt vỏ, đáp lại tiếng gọi xa xưa.

Rồi một ngày mùa hạ nào đó, có lẽ tôi sẽ lại về Huế chăng?

N.T.T.C
(TCSH405/11-2022)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng