Ai ra xứ Huế
Vị thầy hiếu đạo dạy các hoàng tử hiếu đạo
16:10 | 06/01/2023

LÃNG ĐIỀN

Quốc Tử Giám hay Nhà Quốc Học hay Đốc Học Đường đã có ở nước ta trên dưới ngàn năm. Những vị phụ trách cơ quan giáo dục bậc cao này, triều Lê,  triều Nguyễn gọi là Tế tửu (hiệu trưởng), Tư nghiệp (hiệu phó). 

Vị thầy hiếu đạo dạy các hoàng tử hiếu đạo
Ảnh: tư liệu

Vị Tế tửu phải xuất thân Nho học, đỗ đạt cao và tất nhiên phải có học hạnh. Lại có vị phụ trách dạy Thái tử, Đông cung, kế tử thuộc hàng con vua, con chúa, họ rất vinh hạnh nhưng cũng lắm đa đoan. Nho sĩ Trần Khắc Chung là thầy dạy thái tử của Trần Anh Tông, góp phần đưa thái tử Trần lên ngôi vua nên bị phe chống đối gièm pha phải gặp oán. Thầy Nguyễn Phục từng dạy Bình Nguyên vương Tư Thành, góp phần đưa vương lên ngôi là vua Lê Thánh Tôn nhưng rồi phải chết oan bởi học trò mình. Quốc sư Lê Cao Kỷ, rèn cặp kế tử Nguyễn Phúc Luân, hoàng tử của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát, phải bị bức tử bởi phe Trương Phúc Loan… Tuy nhiên cũng có vị Tế tửu, Giáo đạo khi làm việc gặp rất nhiều khó khăn, trong bối cảnh hoàng gia chia rẽ, quan triều mất đoàn kết, học trò dao động trước thời cuộc biến động nhưng ông vốn nổi tiếng là người hiếu đạo, đã giữ mình tối đa để được qui cố hương êm thắm ấy là Tế tửu Nguyễn Dục.

Quê quán, học hành thi cử và tròn chữ hiếu

Nguyễn Dục hay Nguyễn Văn Dục người làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn Trung, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.

Hồ Phú Ninh mênh mông nước, từ hồ sông Thu Bồn chảy về nam ào ạt nhưng lại rẽ một nhánh sông con chảy về bắc; cấp nước cho thung lũng Chiên Đàn, tưới cho cả ngàn mẫu ruộng của tổng Chiên Đàn, chưa kể cấp nước cho rẫy nương, vườn tược trồng quế. Dòng sông “chảy ngược”, lưu lượng không lớn nhưng thuận tiện cho việc khai thác vàng. Người dân Chiên Đàn đa phần dân “Kim Hộ”, đóng thuế hằng năm bằng vàng. Như thế Chiên Đàn là làng Việt-Chăm; hình thành trên làng Chăm cổ (có tháp Chiên Đàn), từ thời Hồ Quý Ly theo lệnh vua Trần đánh Chăm thắng lợi, lập Thăng Hoa Tư Nghĩa (1403), không lâu Chế Bồng Nga lấy lại; Đến năm 1471, Lê Thánh Tông đưa đại quân bình Chiêm thắng lợi, binh dân củng cố và phát triển thành thừa tuyên Quảng Nam trong đó có Chiên Đàn. Thời Lê-Trịnh vượt sông Gianh, sau đó phong trào Tây Sơn khởi nghĩa, rồi Nguyễn vương phục quốc; cùng cả nước Chiên Đàn trải qua thời chiến điêu linh, ly tán. Khi vua Gia Long đại định, khoảng năm 1807, thầy giáo hương thôn Nguyễn Văn Túy và vợ là bà Ung Thị Lãng, sinh hạ bé trai Nguyễn Dục (Nguyễn Văn Dục). Cậu bé Dục được cha mẹ giáo dưỡng đầy đủ, học hành đàng hoàng, văn cậu rất thuần nhã và có nhiều triển vọng. Tuy nhiên, mãi đến thời vua Minh Mạng, năm 1837 - 1838 thầy Nguyễn Dục vào tuổi “tam thập nhi lập” mới lều chõng ra Huế thi Hội khoa Đinh Dậu (1837), Tham tri Bộ Lại Hà Quyền làm Chủ khảo, Biện lý Bộ Lễ Phan Thanh Giản làm Phó Chủ khảo. Khoa này lấy đỗ 32 vị cử nhân, Nguyễn Văn Dục cùng đỗ với Trần Mẫn (Trần Tiễn Thành). Năm sau gặp khoa Mậu Tuất, Nguyễn Văn Dục vào thi đình chỉ đỗ Phó bảng.

Thi đỗ Phó bảng, đúng ra về Huế nằm ở nhà Hậu Bổ, chuẩn bị nhận nhiệm sở nhưng Nguyễn Dục dâng sớ lên nhà vua, xin ở nhà phụng dưỡng từ mẫu tuổi già sức yếu. Những năm tháng làm cậu tú, Nguyễn Dục đã mở lớp dạy dỗ học trò. Xuất thân là một nho sĩ, giảng dạy học trò về lễ nghĩa thì người thầy phải làm gương, vì thế khi đã đỗ đại khoa nhưng thầy Nguyễn Dục không vội ra làm quan, ở nhà chăm sóc mẹ già gần 6 năm cho đến khi mẹ qua đời.

Làm quan nghiêm cẩn và liêm khiết

Đúng năm Thiệu Trị thứ 3 [1843], sau khi việc an táng mẹ chu toàn, thầy Nguyễn Dục mới bắt đầu ra làm quan. Trong vòng 5 năm trải qua các chức Kiểm thảo, tri phủ Kiến Thụy (Hải Phòng), Trước tác sung Biên tu ở Quốc sử quán, Hành tẩu Nội các… Sau đó thầy bị bệnh, dâng sớ xin cáo quan về nhà dưỡng bệnh đến 14 năm. Trong thời gian về lại quê nhà, thầy lấy sách vở làm vui và không quên đào tạo học trò. Học trò thầy nhiều người đỗ đạt cao, như cử nhân Cao Văn Vận, cử nhân Trần Văn Hoán, tiến sĩ Nguyễn Thích (con trai của thầy), cử nhân Nguyễn Đình… Tiếng lành đồn xa, các quan nội triều gốc Quảng Nam, Quảng Ngãi với niềm mong con em quê nhà học hành tấn tới đã tâu vua Tự Đức gọi Nguyễn Dục ra làm Giáo Thụ ở Điện Bàn tỉnh Quảng Nam (1861), sau đó làm Đốc học tỉnh Quảng Ngãi. Do chính tích tốt, chỉ 4 năm thầy sớm được lệnh về triều giữ chức Lang trung Bộ Lại (1864).

Những năm tháng làm quan Nguyễn Dục giữ cốt cách của một nhà nho quân tử đúng nghĩa. Danh thần nhà Nguyễn là Nguyễn Thuật cũng đã viết về ông như sau:

“Thói đời khác xa, người làm quan đau đáu lợi danh, nhưng ông (Nguyễn Dục) thì lặng lẽ sống đời cao khiết thanh bạch, vượt khỏi hạng tầm thường, không màng vàng bạc, uống nước lã khác cách thế gian, mười lăm năm làm quan thẳng thắn, không lo toan của tiền. Cho nên, một mai ra đi không lưu luyến thứ gì. Sự tiến thoái của ông khớp với nghĩa, ấy là đạo dạy người”.

“Giám đốc Đại học quốc gia” trong giai đoạn nhiều biến động

Năm 1803, vua Gia Long xây dựng Đốc Học Đường, là trường “Đại học quốc gia” đầu tiên được xây dựng dưới triều Nguyễn. Trường thuộc địa phận An Ninh Thượng, huyện Hương Trà, cách kinh thành Huế chừng 5km về phía Tây, trường nằm cạnh Văn Miếu, mặt hướng ra sông Hương. Thời Gia Long, quy mô kiến trúc của trường còn nhỏ. Tháng 3 năm 1820, vua Minh Mạng cho đổi tên thành Trường Quốc Tử Giám. Lúc bấy giờ Quốc Tử Giám được phát triển to lớn hơn và tiếp tục hoàn thiện những năm tiếp theo. Đến thời vua Tự Đức, trường được tiếp tục củng cố và phát triển thêm. Đứng đầu Quốc Tử Giám là quan Tế tửu, có quan Tư nghiệp hiệp sức cùng một số giáo viên. Học sinh là tôn sinh (con cháu trong hoàng tộc), ấm sinh (con cháu các quan) và học sinh (thường dân trúng tuyển). Những người đỗ tú tài cũng được ghi danh vào học. Học sinh đều được cấp tiền lương trong khi đi học.

Thời vua Tự Đức có quá nhiều biến động, quân Tây Dương đã đánh Đà Nẵng (1858), đã chiếm ba tỉnh miền Đông (1862), tiếp tục chiếm ba tỉnh miền Tây (1867). Nội bộ hoàng tộc nhà Nguyễn đã chia rẽ sau vụ Hồng Bảo (1854), rồi vụ án Hồng Tập (1864) và nhất là cuộc nổi dậy của Đoàn Trưng, Đoàn Trực (1866). Trong triều ngoài nội hoang mang. Một số nho sĩ trẻ đã tiếp cận tân thư bắt đầu chán lối học cũ. Trong tình hình đó học sinh Trường Quốc Tử Giám bỏ học nhiều. Vua Tự Đức rất lo lắng. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện (Nhị tập, quyển 33) chép: “Bấy giờ sinh viên ở Quốc Tử Giám phần nhiều vắng thiếu, vua Tự Đức nhân hỏi Tham tri bộ Lại là Phạm Phú Thứ rằng: “Ở tỉnh Quảng Nam có người nào phẩm hạnh đoan chính không?” (Phạm) Phú Thứ thưa: “Có (Nguyễn) Dục”. Tức thì cất lên làm Tế tửu vì đặc cách lựa chọn.” Nguyễn Dục nhận chức Tế tửu Quốc Tử Giám vài năm, nhân bị ốm liền dâng sớ xin nghỉ nhưng vua Tự Đức không chấp thuận, dụ rằng: “Ta nghe sức học hành của ngươi có thể làm thầy người ta, nên chăm chỉ chức phận, tác thành nhân tài, để cho Nhà nước dùng. Trách nhiệm ở nhà Thành quân (Nhà Thái học) không phải là nhỏ, chớ cho là chức quan tẻ ngắt không có quyền thế náo nhiệt gì”… Vua Tự Đức rất trọng tài năng và đức độ của ông, ban dụ an ủi và động viên ông tiếp tục công việc. Nhà vua tăng hàm Thị độc học sĩ và có khi cử ông làm Đốc học Quảng Nam để ông bớt thấy “tẻ ngắt” ở Quốc Tử Giám.

Giáo Đạo ở Dục Đức đường

Lúc nhỏ bị bệnh đậu mùa, vua Tự Đức gặp chứng vô sinh. Vì thế vua chọn con thứ hai của hoàng đệ Nguyễn Phúc Hồng Y là Nguyễn Phúc Ưng Ái làm con nuôi; khi Ưng Ái được 17 tuổi, đổi tên Ưng Chân. Ưng Chân sinh ngày 23 tháng 2 năm 1852 tại Huế. Năm 1870, vua Tự Đức cho xây dựng Dục Đức đường để ban cho hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân đến ở và học hành. Đồng thời vua giao cho Hoàng quý phi Vũ Thị Duyên (sau này là Lệ Thiên Anh Hoàng hậu) trông coi, dạy bảo hoàng tử. Vua Tự Đức tuyển chọn những vị quan đại thần có trình độ học vấn uyên thâm để giảng dạy cho hoàng tử Ưng Chân.1

Ưng Chân còn tuổi thanh niên, không chịu vào khuôn phép nên các thầy phụ trách việc học ở Dục Đức đường không tròn phận sự. Đúng năm 1872, vua Tự Đức liền thăng thầy Nguyễn Dục hàm Thị lang bộ Lễ, sung chức Giáo đạo ở Dục Đức đường để dạy học cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Ưng Chân. Do tính nghiêm cẩn, và học vấn uyên thâm của thầy Nguyễn Dục nên Ưng Chân kính nể thầy, học hành có tiến bộ. Tuy nhiên lúc bấy giờ Dục Đức đường đang ủ những mưu mô quanh vị tự quân lắm ham muốn. Đại Nam chính biên liệt truyện (tập 4, Nxb. Thuận Hóa, 1997) chỉ chép một sự kiện cho thấy tự quân rất phóng túng nhưng vị Giáo Đạo lại rất nghiêm khắc: “Dục khăn áo nghiêm chính chỉnh tề nên hoàng tử vẫn kính sợ. Năm thứ 27 (1874) tháng 2 có tế Giao, vua chuẩn cho hoàng tử tế thay, khi mới tới đàn sở, Hữu quân là Lê Sỹ tặng cái quạt lông, Dục hặc là không đúng, vua khen, thưởng cho sa lụa.” (tr.191).

Năm Tự Đức thứ 29 (Bính Tý, 1876), lấy cớ tuổi cao và bệnh, ông lại xin về nghỉ, nhưng nhà vua chỉ cho nghỉ ba tháng.

Năm sau (Đinh Sửu, 1877), do bệnh không thuyên giảm, Nguyễn Dục dâng sớ xin nghỉ hẳn ở tại quê nhà. Lần này vua Tự Đức ban dụ rằng:

“(Nguyễn) Dục về đức hạnh thuần khiết và lão luyện, xử việc thận trọng, lại hay xem xét mọi lẽ nghiêm chỉnh nên Hoàng tử biết kính sợ, so với Đoàn Khắc Thượng có phần hơn. Trước đây, (Nguyễn Dục) cáo bệnh xin về, trẫm thương là bậc già yếu, nên cũng gượng theo lời xin mà cho nghỉ, tưởng sẽ còn có lúc trở lại nhận chức nên chỉ mới đặc cách ban tặng vàng mà chưa gia ơn tặng chức. Năm nay, (Nguyễn Dục) đã hơn bảy mươi, vậy cho được thăng làm Thự Lễ bộ Hữu tham tri, cho được nhận một nửa bổng lộc mà về làng nghỉ. Hễ thấy bệnh thuyên giảm thì mau vào cung nhận chức, để đáp ơn tri ngộ trước sau, lại cũng để thỏa ý tôn trọng người làm thầy và sự chú tâm đến người ngay của trẫm.”

Nguyễn Dục dâng sớ xin không nhận bổng lộc, vì tự cho mình chỉ là “kẻ tài hèn đức mọn, chẳng hề có công trạng gì”, nhưng nhà vua không chấp thuận.

Mùa đông năm ấy (1877), ông mất tại nhà, thọ 70 tuổi. Tỉnh thần tâu lên, vua sai chiếu theo lệ mà cấp tiền mai táng.

Thời Trần có thầy Chu Văn An, thời Mạc có thầy Nguyễn Bỉnh Khiêm, thế thì thời Nguyễn có thầy Nguyễn Dục, đạo cao đức trọng không kém. Các vị đều nho học xuất thân, hai đường xuất xử rõ ràng. Khi ra làm quan thì tận tụy, luôn giữ liêm khiết, về nhà không ngồi không mà mở trường dạy học trò, đào tạo cho nước nhà những nhân tài xuất chúng. Riêng Nguyễn Dục ra làm quan hay về nhà nghỉ dưỡng bệnh, ông luôn luôn là một nhà mô phạm chí thú đào tạo học trò có học hạnh. Nguyễn Dục khi bước vào quan trường, ông thừa biết nội trị và ngoại giao có vấn đề, ngay trong triều đình cũng chia bè kết cánh, nhất là những ngày ngồi dạy ở Dục Đức đường Nguyễn Dục thừa biết hậu vận của hoàng tử kế nghiệp. Ông bệnh thể xác không nặng nhưng tâm bệnh mới dày vò ông da diết và ông một mực dâng sớ lên nhà vua để nghỉ hưu, để rời chốn thần kinh đang có những đại thần đầy tham vọng. Cùng lứa tuổi, cùng đỗ đại khoa với ông có danh thần Trần Tiễn Thành, không khéo xuất xử hợp lý, đến nỗi gây thù chuốc oán, nên phải chết bất đắc kỳ tử, không được vua ban tặng trong việc hậu sự. Điểm sáng làm học trò kính nể là Nguyễn Dục hành xử của một người con hiếu thảo!

L.Đ
(TCSH406/12-2022)

-------------------------------------
1 Dục Đức đường tọa lạc tại phường Thuận Cát, phía Tây Bắc ngoài Hoàng thành, sát bờ hồ Tân Miếu. Khi vua Thành Thái lên ngôi, biến Dục Đức đường thành Tân Miếu thờ vua cha Dục Đức. Về sau Tân Miếu hoang tàn, năm 1966 đức Từ Cung giao sở đất Tân Miếu cho Ban Cổ nhạc Đại Nội để xây dựng nhà thờ Cổ Nhạc (nay tọa lạc tại số 05, kiệt 127 đường Nguyễn Trãi, phường Thuận Hòa, thành phố Huế).

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng