Ai ra xứ Huế
Làng ngư bên phá Tam Giang
14:30 | 03/02/2023

ĐĂNG VŨ
        Bút ký dự thi

Ngư Mỹ Thạnh là sự kết hợp giữa hai tên gọi: Ngư và Mỹ Thạnh. Mỹ Thạnh là làng gốc, sống định cư trên bờ do ngài Hồ Công Muốn khai lập vào khoảng đầu thế kỷ XIX.

Làng ngư bên phá Tam Giang
Ảnh: dulichngumythanh.vn

“Ngư” ý nói đến cư dân thủy diện sinh sống trên mặt nước, làm nghề ngư nghiệp. Chữ Ngư được thêm ở trước Mỹ Thạnh, gộp lại gọi là Ngư Mỹ Thạnh. Tên gọi này cũng là để phân biệt với làng Mỹ Thạnh đã có từ trước. Làng Ngư Mỹ Thạnh nay thuộc xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Với lịch sử hình thành và phát triển trong gần một thế kỷ qua, Ngư Mỹ Thạnh là một trong những ngôi làng ngư nghiệp truyền thống, tiêu biểu gắn bó với phá Tam Giang. Nơi đây chứa đựng những giá trị lịch sử, văn hóa một vùng đầm phá và tiềm năng du lịch. Từ một cộng đồng thủy diện sống bấp bênh, gian khó trên mặt nước, Ngư Mỹ Thạnh ngày nay đã có sự chuyển mình, định cư trên bờ, trở thành một điểm đến văn hóa - du lịch đặc trưng của huyện Quảng Điền. Từ trung tâm thành phố Huế, chúng tôi bon bon trên chiếc xe máy vượt 15 km về làng ngư một ngày hè.

Ông Phan Văn Ty, Trưởng thôn Ngư Mỹ Thạnh kể rằng làng bắt đầu hình thành khi những ngư dân thủy diện sống bằng nghề đánh bắt thủy hải sản, với con đò, chiếc thuyền nan lênh đênh trên đầm phá. Trước năm 1945, vùng nước Tam Giang thu hút dân làng các vùng Phú Lộc, Phú Vang đến làm ăn, đánh bắt tôm cá. Thời bấy giờ, phá Tam Giang có nguồn thủy sản rất phong phú, thuận lợi cho việc mưu sinh và đánh bắt của những người làm ngư nghiệp. Những hộ dân đầu tiên “theo đuôi con cá” đã đến bằng đò, sống trên đò qua những mùa cá. Sang mùa nước ngọt lại trở về quê hương bản quán. Một số hộ thấy việc đi đi về về bất tiện, lại thấy nghề cá ở phá Tam Giang có thể an cư được nên quyết chọn đây làm vùng cắm sào lập nghiệp. Lúc bấy giờ có tầm 5 - 6 hộ cư ngụ đầu tiên và họ nhập vào làng Mỹ Thạnh đã có từ trước đang sống trên bờ. Trong buổi đầu gồm có họ Trần và họ Nguyễn vốn có nguồn gốc ở Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang), dần về sau có các họ Nguyễn, Phan (2 họ), Đặng, Đào, Trương và nhiều họ khác đến sinh sống. Hằng ngày, người dân đánh bắt, buông chài, thả lưới, tối về neo đò nghỉ bên phá Tam Giang. Bà con lúc đầu làm ăn trên phá, ở trên đò, sinh con đẻ cháu. Dần dần nhiều người dân các vùng khác đến, nương tựa vào nhau, quần cư thành từng xóm đò. Cư dân đông dần lên và thành lập vạn đò gần chợ đầm để giao lưu mua bán cá, thuộc vùng đất khai canh của làng Mỹ Thạnh. Vào khoảng thập niên 1960, vạn Mỹ Thạnh tiếp tục quy tụ nhiều gia đình đến từ khắp mọi miền sông nước thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế di cư đến. Thời điểm này có 45 - 50 hộ thường trú, cộng đồng này được gọi là vạn Mỹ Thạnh hay dân nôốc Mỹ Thạnh.

Mặc dù trải qua những biến động đầy thăng trầm trong lịch sử, dân làng gốc và vạn đò rất hòa đồng. Từ xưa đến giờ, hai cộng đồng vẫn sống đoàn kết với nhau. Dân Mỹ Thạnh tỏ ý phân chia đất ruộng cho bà con mới đến. Nhưng dân làng Ngư Mỹ Thạnh xác định mình làm nghề ngư nên chưa cần mà chỉ đề xuất mua hoặc cho thuê lại đất ruộng. Đình làng Mỹ Thạnh xây vào năm 1971 - 1972 là sự đóng góp của dân làng Mỹ Thạnh và Ngư Mỹ Thạnh. Đình làng thờ vị khai canh từ làng Sơn Tùng (Quảng Vinh) ra xây dựng làng Mỹ Thạnh. Vào ngày tế như rằm tháng Bảy, nhân dân trong làng Ngư Mỹ Thạnh vào đình cúng tế, nhớ lại công ơn của tiền nhân.

Sau cơn bão 1985, vạn Mỹ Thạnh đã phát triển đến 120 - 140 hộ. Vào đầu những năm 1990, thực hiện chính sách của Nhà nước về việc định canh định cư cho cư dân thủy diện, Ủy ban nhân dân xã Quảng Lợi đã xây hơn 40 căn nhà tranh tre đưa bà con vạn Mỹ Thạnh vào ở ổn định để tránh mọi rủi ro thiên tai, bão lụt cho người dân đầm phá, thay đổi thói quen sống lênh đênh trên mặt nước. Hưởng ứng chính sách trên, làng Mỹ Thạnh đã hiến đất, tạo điều kiện để bà con thủy diện lên bờ, làm nhà, ổn định cuộc sống. Ngư dân Ngư Mỹ Thạnh lên bờ, được chính quyền hỗ trợ cấp nhà tạm gồm một căn, hai chái bằng tre nứa. Họ đã cảm thán để ghi lại sự kiện này: “Một căn hai chái/ Đưa nôốc lái lên bờ”.

Năm 1990, Ủy ban nhân dân xã Quảng Lợi xét thấy đủ tiêu chuẩn một làng ngư dân đầm phá và đã trình cấp trên cho thành lập làng, lấy tên là làng “Ngư Mỹ Thạnh”, với tổng dân số: 90 hộ, 543 khẩu. Nhận thấy tính cấp thiết của việc ổn định dân làng Ngư Mỹ Thạnh, Nhà nước tiến hành chính sách định canh định cư, từng bước đưa dân lên bờ. Một số hộ dân bắt đầu lên định cư nhưng lên rồi lại xuống đò. Năm 1996, một chiến dịch quy mô đã đưa được 50% các hộ lên bờ. Những năm 2000, gần như toàn bộ cư dân Ngư Mỹ Thạnh đã có nhà cửa, vừa định cư trên bờ, vừa tiếp tục làm nghề ngư nghiệp.

Dân làng đến từ nhiều vùng khác nhau nên Ngư Mỹ Thạnh có tới 19 họ, 14 tộc. Dù họ, tộc đông nhưng dân làng tụ cư rất đoàn kết, sớm tối có nhau. Họ Trần chiếm hết 50% dân số toàn làng. Hiện đã làm được hai nhà thờ họ Trần và họ Phan ở xóm Trên. Hiện nay, trong các thiết chế làng xã, đình Ngư Mỹ Thạnh vẫn chưa xây được và đang trong quá trình vận động bà con để xây dựng, thờ những tiền nhân đi trước. Đến nay, làng Ngư Mỹ Thạnh có 220 hộ với 998 khẩu. Ngư Mỹ Thạnh có 90% bà con làm nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, 10% còn lại buôn bán nhỏ lẻ, làm các ngành nghề sản xuất khác.

*
Dừng chân bên phá Tam Giang mới thấy được cảnh sắc hữu tình nơi đây. Phá Tam Giang là vùng nước lợ có diện tích lớn bậc nhất ở Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Nước ở đây có độ sâu trung bình từ 2 - 4m, có những nơi sâu tới 7m. Hệ sinh thái phong phú về chủng loài rong tảo, các loài thủy sản, chim trời. Vùng mặt nước phá Tam Giang thuộc địa phận làng Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi có tổng diện tích 776ha, là nơi có nguồn thủy sản phong phú và cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.

Buổi bình minh lưng cõng mặt trời đi qua đầm phá. Buổi hoàng hôn nụ cười níu bóng chim sa. Khi mặt nước lặng chơ vơ, con đò đan từng đường chỉ xương cá lên màu nước bạc, dệt chuyện tình vàng chân sóng. Mặt nước trời trong một dải xanh lơ, dìm nhọc nhằn xuống từng đám rong đuôi chèo. Buổi trưa, đầu trần nắng phơi, dạo loanh quanh ngõ xóm, ngửi mùi phá đậm đà trên bước chân đi. Mùi dòng nước cạn trơ bùn, mùi cá khô phơi trên đường, mùi củi mục và thoang thoảng cả hương sen bên con đập xóm Trên mới nhú nụ. Hàng trăm con đò neo bãi, nhìn xa như những vỏ trìa khổng lồ nổi trên mặt nước. Tam Giang đẹp nhất trong những đêm trăng dát những mảnh bạc lên mặt phá. Trăng  trên mặt nước tạo  sự mơ mộng trong sự tĩnh lặng và huyễn ảo. Ngắm trăng trên bến đò Cồn Tộc, trên chiếc nôốc thả nổi giữa sóng nước dềnh dang là thú vui không gì sánh bằng. Những mùa trăng trên phá Tam Giang là những mùa mộng mị khó thể nào quên.

Vùng phá Tam Giang nổi tiếng với khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, bình yên làm không ít du khách bị mê hoặc. Đứng trước Tam Giang lồng lộng trời nước, lữ khách thấy mình vừa cô đơn lẻ bóng vừa muốn sải bước phóng khoáng khắp miền đầm phá.

Bây giờ ở Ngư Mỹ Thạnh, rừng ngập mặn đã phủ xanh một bờ phá. Với diện tích hơn 50 ha rừng ngập mặn bao gồm hai loại cây chủ lực là bần và dừa nước, phá Tam Giang đã có sự thay đổi, chuyển biến tích cực về môi trường sinh thái. Rừng ngập mặn được trồng từ bến đò Cồn Tộc kéo dài đến vùng giáp ranh xã Quảng Thái trên chiều dài khoảng 10km, bao trùm một vành đai xanh cho Ngư Mỹ Thạnh. Nhiều đoạn rừng, cây bần được trồng phủ kín với bề dày từ 80 - 100m, phân thành từng luồng thủy đạo để ghe đò dễ dàng di chuyển. Màu xanh của cây bần tô thêm cảnh sắc tự nhiên, đồng hòa cùng màu nước Tam Giang. Rừng ngập mặn là nơi trú ngụ lý tưởng, sinh sôi cho các loài tôm, cua, cá các loại. Cây bần sinh trưởng tốt với bộ rễ lớn, mát mẻ là bãi đẻ lý tưởng, nơi trú ngụ, sinh sống an toàn cho các loài thủy sản trên vùng đầm phá. Thảm cây rừng và rễ cây bần dày đặc ngăn cản được hành vi đánh bắt thủy sản bằng xung điện, bảo vệ nguồn thủy sản. Rừng còn có vai trò ngăn gió, giảm sóng, bảo vệ các tuyến đường ven phá, hạn chế tình trạng xói lở, lún sụt trong mùa mưa bão. Đây cũng là nơi neo đậu, trú tránh cho thuyền bè của cư dân đầm phá. Cây ngập mặn trồng phân tán quanh các ao hồ nuôi thủy sản đã giúp bảo vệ an toàn cho các ao hồ, không còn bị xói lở vào mùa mưa lũ. Sản lượng thủy sản ở các vùng rừng ngập mặn nhờ vậy tăng nhanh, đem lại thu nhập cao, bền vững cho ngư dân. Cánh rừng ngập mặn rộng lớn trở thành “mái nhà xanh” cho những đàn cò, chim về tụ hợp. Vào buổi sáng sớm hay chiều tà, những đàn cò trắng bay lượn trên màu xanh của khu rừng, vẽ nên cảnh trí yên bình. Rừng ngập mặn làm nên những cảnh đẹp ở vùng đầm phá, thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái. Nhiều du khách thích thú trước màu xanh của rừng đã đến tham quan, khám phá, trải nghiệm các dịch vụ đi thuyền, câu cá, thư giãn, ngắm cảnh. Đặc biệt, ở Ngư Mỹ Thạnh có rừng dừa nước đang ngày càng xanh tốt. Trước đây, cây dừa chưa từng xuất hiện và được trồng ở khu vực này. Cây dừa nước trồng tại đây phải thông qua một giải pháp kỹ thuật là làm bãi bồi nhân tạo, đắp lên làm kè mềm để dừa mọc rễ phát triển. Có thể nói, rừng ngập mặn trên phá Tam Giang là giải pháp bảo vệ cho các loài thủy sản, môi trường sinh thái và sinh kế của ngư dân nơi đây.

Đặc biệt, trước những ảnh hưởng của sự cố môi trường biển, cùng với đó là việc khai thác quá mức, sử dụng phương tiện đánh bắt hủy diệt như: đánh bắt bằng xung điện, giã cào, lưới quét... đã làm suy giảm nghiêm trọng nguồn thủy sản. Bãi đẻ được tạo ra nhằm bảo vệ nguồn thủy sản đang ngày càng cạn kiệt trên phá Tam Giang. Bãi đẻ Vũng Mệ nằm ở phía Bắc Ngư Mỹ Thạnh, có diện tích 40ha mặt nước, bao gồm một phần rừng ngập mặn, mặt nước, là vùng đỏ bảo vệ các loài thủy sản phá Tam Giang. Bãi đẻ do Chi hội nghề cá thôn Ngư Mỹ Thạnh trực tiếp quản lý, được khoanh vùng và cắm biển cấm đánh bắt. Mọi hoạt động đánh bắt trong khu vực bãi đẻ đều trái phép và bị xử phạt. Nhờ có bãi đẻ, chủng loại thủy sản dần dần được khôi phục, số lượng thủy sản ngày càng phong phú. Bãi đẻ là một nỗ lực tái tạo thiên nhiên, góp phần hồi phục nguồn lợi thủy sản, giữ gìn tính đa dạng sinh học vùng phá Tam Giang, thay đổi nhận thức người dân trong việc quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

*
Cư dân Ngư Mỹ Thạnh bao đời sống ở đò, ăn ngủ trên đò, ngày làm, đêm chơi và quanh quẩn một vòng như thế. Trẻ con chỉ có thể rủ nhau lên bãi cát là nơi bà con tận dụng làm nơi phơi lưới chài để chơi những trò dân gian. Bọn trẻ cởi quần đội đầu lên bờ chơi. Những trò ù mọi, đánh cũi, năm mười khuấy động bãi cát. Ở dưới đò, những đứa trẻ vạn đò lớn lên chỉ biết làm nghề bắt cá, đa phần không biết chữ. Dần dần, gia đình, xã hội động viên, tạo điều kiện cho con em đi học. Đầu tiên, trẻ sẽ được học trường Mỹ Thạnh, sau đó vào trường Thạch Bình. Nay, con em Ngư Mỹ Thạnh đều có điều kiện học tập từ lớp mẫu giáo đến cấp 2 tại xã Quảng Lợi, lên cấp 3 học tại Trường THPT Nguyễn Chí Thanh. Từ 1979 - 1985, Ngư Mỹ Thạnh đói, cả nhà 5 - 6 người chỉ ăn 1 lon gạo trộn khoai trộn sắn.

Khi được cấp nhà cấp đất định cư trên bờ, gia đình ngư dân bắt đầu một đời sống mới. Ai cũng nói rằng ở đất có nhà thoải mái gấp mấy lần ở đò. Ngày xưa người dân dùng củi để nấu ngay trong khoang đò. Mùa mưa đò bịt bùng, khói um lên rất ngột ngạt. Cái bần phải che lại, trong khoang tối lùng bùng, khói cay xè, chảy cả nước mắt. Sự kiện trọng đại nhất là đám cưới ngày xưa ngay trên chính con đò nhỏ. Cụ Đào Tốn nhớ lại những ký ức xa xăm rằng đám cưới là một sự kiện trọng đại của mỗi gia đình ngư dân. Đám cưới là việc hỷ lớn với mỗi gia đình. Ngư dân chỉ cần nghĩ đến những hình tượng đèn sáng và pháo nổ tức là đã báo việc hỷ đến rồi: “Đăng đèn pháo lói”. Khác với người dân ở trên bờ, người dân Ngư Mỹ Thạnh xưa tổ chức đám cưới ngay trên đò của họ sinh sống. Mọi hoạt động đám cưới đều diễn ra trên mặt nước. Đầu tiên, họ nhà trai và họ nhà gái gặp nhau bàn chuyện cưới xin, thống nhất ngày tổ chức đám cưới. Trong thời gian trước ngày cưới, người làng Ngư Mỹ Thạnh có lệ cô dâu được mẹ chồng tương lai dẫn đi cắt vải, đo may áo cưới. Áo cưới gồm hai lớp, trong áo dài ngũ thân, ngoài khoác áo nhật bình. May xong áo cô dâu đem về nhà có tục kiêng không ai được mặc thử. Áo cô dâu chỉ có người con gái đi lấy chồng trong ngày cưới mới được khoác lên mình.

Trước  ngày tổ chức đám cưới, nhà trai và nhà gái phải tự lo việc trang hoàng, bố trí không gian tổ chức lễ, tiệc. Thông thường, họ mượn 4 - 5 chiếc đò hoặc nôốc của bà con thân thuộc kết lại với nhau hay còn gọi là rượng nôốc, rượng đò thành một chiếc lớn, trên có sạp để ngồi. Ngày rước dâu, nhà trai chèo đò tới, đầy đủ thành phần, dù lọng. Lễ vật nạp lễ gồm 5 mâm ngũ quả, của hồi môn nếu có. Trường hợp lấy vợ ở vạn khác, xã khác, gia đình nhà trai chuẩn bị từ sớm, sau đó chèo đò đi cho kịp giờ.

Việc dọn tiệc đám cưới, tổ chức cả ở nhà gái và nhà trai. Gia đình mời khách lên đò lớn, dọn tiệc khoảng 15 - 20 mâm, mỗi mâm 6 người. Tất cả đều ngồi xếp bằng trên chiếu. Món ăn phục vụ tiệc cưới là tôm cá đặc sản của phá Tam Giang. Vợ chồng mới cưới, gia đình có điều kiện sắm chiếc nôốc riêng, nếu không có điều kiện buộc phải ở chung với gia đình. Những chuyện cũ ấy qua rồi, bây giờ Ngư Mỹ Thạnh từng ngày thay đổi, trở thành một làng quê ngư nghiệp trù phú, là địa chỉ tham quan hấp dẫn cho du khách gần xa.

Ngày nay, hoạt động ngư nghiệp diễn ra khá sôi nổi, đem lại nguồn thu nhập lớn cho người dân. Vào khoảng ba đến năm giờ chiều, bà con lại ra đầm phá để thả những mảnh lưới, tấm lừ. Những chiếc đò, chiếc ghe cứ thế nối đuôi nhau chạy ra đến địa điểm khai thác cá tôm. Sau khi đã giăng lưới xong, có người sẽ quay vào bờ, nhưng cũng có người sẽ ở lại trên phá để tiếp tục công việc giăng lưới vào ban đêm. Những chiếc ghe nhỏ giăng lưới giữa màn đêm để thu hút tôm cá vây quanh vào. Mỗi buổi sáng sớm ngư dân sẽ lấy lừ, chiếc lưới được giăng vào ngày hôm trước để thu hoạch tôm, cá. Thu hoạch xong họ mang ra chợ nổi để bán ngay trong buổi bình minh. Sau đó, mặt trời lên, họ vệ sinh lưới, phơi lưới vào nhà nghỉ trưa để buổi chiều lại bắt đầu công việc đánh bắt mới.

Đêm đó, chúng tôi ngủ lại Ngư Mỹ Thạnh. Tầm 3 rưỡi sáng, thức dậy theo đò ra chơi chợ nổi. Chợ là một hoạt động kinh tế đã có từ lâu của người dân Ngư Mỹ Thạnh. Chợ họp ngay trên mặt phá Tam Giang, thường bắt đầu từ  4 đến 7 giờ hàng ngày. Mặt trời còn chưa lên, trong ánh sáng lờ mờ, hàng trăm thuyền chài của ngư dân thôn Ngư Mỹ Thạnh và một số vùng lân cận sau một đêm đánh bắt kéo nhau về tập trung ở đây. Thành quả sau một đêm quăng chài, thả lưới, đơm lừ, đặt nò sáo của người dân là các loại thủy sản phong phú. Đò ghe nào cũng ăm ắp tôm cá tươi rói. Cùng lúc đó, các tiểu thương mua bán thủy sản từ các nơi trong huyện, tỉnh cũng kéo nhau về và đi thuyền ghe ra xem hàng, trả giá. Trên tay ai cũng có một chiếc cân dùng để cân tôm cá. Mỗi tiểu thương dùng ghe của mình để chèo đi xem hàng, trả giá, cân đến khi nào đủ lượng thủy sản theo nhu cầu. Mặt nước yên ả bỗng dưng nhộn nhịp tiếng chèo thuyền, tiếng máy nổ, tiếng người nói. Cả vùng nước sáng lên những ánh đèn trong đêm tối. Thuyền ra chở không, thuyền cập bờ đầy tôm cá. Có chiếc theo dòng nước đi về phía các chợ dọc bờ phá để bán lại. Có người vào mở hàng ngay tại bờ để bán lại cho những tiểu thương đến muộn, những khách vãng lai. Mặt trời lên cao, thuyền ghe đã tản mát hết. Mặt nước lại trở về sự tĩnh lặng ban đầu và chờ đợi buổi họp chợ mới vào ngày mai.

*
Đò cập bến, ghé quán ăn sáng, thưởng thức những món dân dã từ phá Tam Giang. Khi ánh nắng dọi trên con đường làng, một con đường bích họa hiện ra trước mắt. Anh Hà Binh, cán bộ văn hóa xã cho biết, từ năm 2019, nhiều ngôi nhà của người dân ở Ngư Mỹ Thạnh đã được khoác lên hàng trăm bức bích họa đầy màu sắc. Những chủ đề chính như: cảnh sắc phá Tam Giang, những chiếc đò, hệ thống nò sáo, những loài cá đầm phá, phong cảnh làng quê... đã được vẽ lên với nhiều kích cỡ, chất liệu khác nhau. Từ những bức tường đơn sơ, về một không gian nghệ thuật đa chiều, hài hòa với thiên nhiên đã được hình thành. Các tác phẩm này do những họa sĩ, tình nguyện viên, trong đó có cả họa sĩ người nước ngoài, của Trường Đại học Nghệ thuật và Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế thực hiện trong nhiều tháng ròng. Đi giữa con đường làng, hai bên ngập tràn màu sắc lung linh của những bức tranh cho ta cảm giác nhẹ nhàng như đi trong một gallery mở. Hoạt động này thuộc Dự án cộng đồng làng bích họa Ngư Mỹ Thạnh do Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển cộng đồng, Trường Đại học Nông lâm - Đại học Huế, Hội Nghề cá tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện. Dự án nhằm phát triển du lịch và áp dụng nghệ thuật công cộng, đại chúng để hướng đến ý thức bảo tồn tài nguyên dựa vào cộng đồng. Bên cạnh đó, những bức tranh còn là phương tiện giáo dục và tuyên truyền về việc bảo vệ tài nguyên môi trường, hạn chế khai thác đánh bắt các loài thủy hải sản quý hiếm đối với ngư dân và khách du lịch khi đến tham quan.

Anh bạn đi cùng tôi, một tay chuyên nghiên cứu văn hóa dân gian đã theo chỉ đường của bà con tới thăm nhà bà Nguyễn Thị Chót, người có khả năng diễn xướng nhiều bài vè, ca dao, tục ngữ của làng ngư. Tới nhà, bà nhiệt tình đón tiếp dù bận trông cháu. Bà nói rằng năm 1985, một cơn bão lịch sử tàn phá Thừa Thiên Huế. Ngư Mỹ Thạnh là nơi bị thiệt hại nặng nề. Nhiều nôốc, đò bị đánh chìm, trôi dạt, ngư cụ hư hỏng, ngư dân có người mất mạng. Cảnh tang thương phủ trùm lên đầm phá. Để ghi nhớ lại trận thiên tai này, bà con đã làm nên bài vè bão 1985, hay gọi tắt là Vè bão Tám lăm. Nói xong bà hò vè cho chúng tôi nghe:

con lẳng lặng nghe tôi kể chuyện
Ất Sửu vừa qua, mồng Hai còn đó mồng Ba mất rồi
Bảy giờ phát ngọn gió côi
Đồng bào thủy điện đứng ngồi không yên
Kể thêm Hương Phú, Hương Điền
Cộng thêm Phú Lộc, ngả nghiêng một giờ
Thuyền bè ngoài phá trong bờ
Xuôi chèo đứng dậy phòng chờ gió to
Đêm nay trời tối không trăng
Trôi theo dòng nước nốt lăn ào ào
Bão ra tính lại làm sao
Chờ khi nước lớn dắt vào đò vô
Trăm năm chưa có một giờ
Suốt đêm gió mạnh càng to chẳng ngừng
Ngọn nước vừa dâng xuôi ra ngoài phá
Gia đình thủy diện ly tan

Mặc dù cuộc sống ngư dân dẫu có vất vả, bộn bề lo toan nhưng họ vẫn giữ nét đẹp lao động, tình người, nhịp sống sinh động và vẻ đẹp bình yên của vùng đầm phá. Họ thể hiện tình đoàn kết gắn bó với vùng đầm phá Tam Giang qua những lời sau: “Tam Giang sóng vỗ dập dồn/ Có ai về phá thì theo em về”. Bà kể rằng ngư dân Ngư Mỹ Thạnh xưa sợ nhất là gặp chuyện cá vược nhảy lên đò của họ. Loài cá vược hay còn gọi cá trặc, khi kích thước nhỏ gọi là cá chẽm, lớn gọi là cá vược. Cá vược to 20kg trở lên ngư dân quan niệm đó là cá ngài, do hà bá dưới phá nuôi. Tuyệt đối ngư dân không dám ăn, dám bán. Loại cá này rất lớn, thân dài từ 1,2m - 1,5m, to bằng cả mặt bàn. Họ truyền lại những câu chuyện ly kỳ về loại cá này. Trong quá trình làm nghề, nếu đò nào có cá nhảy lên đò, sau đó chuyện tai ương tất sẽ xảy ra, người thân hoặc chủ đò phải mất mạng. Người Ngư Mỹ Thạnh nhiều lần chứng kiến chuyện đó và họ tin rằng, cá vược là cá ngài, linh thiêng, nếu xuất hiện chỉ mang điềm xấu, rủi ro.

Người may mắn không gặp rủi ro nhưng đã lỡ gặp cá vược khổng lồ như thế cũng ám ảnh suốt đời. Một ngư dân đã 30 năm không dám ăn con cá vược dù to hay nhỏ. Thuở trai trẻ, ông đi làm nghề. Đò đang đậu bỗng có một con cá vược nhảy lên mui. Con cá rất to, phải hai người khỏe mạnh mới bưng nổi nó. Con cá bóng bẩy,  vây dài mượt và đặc biệt  là hai con mắt đỏ ngầu nhìn ông như đang trợn. Ngư dân sợ quá thắp hương vái lạy rồi gọi người bồng thả xuống nước. Từ đó về sau, không dám động đến loài cá vược nữa.

Ngư dân Ngư Mỹ Thạnh còn tin rằng cá vược là cá thần linh, có sự biến hóa. Ngày xưa, có ngư dân làm nghề chạy rụi. Chạy rụi gồm hai chiếc đò chạy song song với nhau, giữa rụi có chiếc cheo. Lần chạy rụi đó, ông bắt được con cá vược to hơn 20kg. Mừng quá, ông đem về nhà nuôi cho sống. Không hiểu sao dù cột chặt, lưới chặt mà con cá biến đâu mất. Hôm sau, ông tiếp tục chạy rụi lại thì con cá vược lại vào. Và như lần trước, đem về nhà cá lại biến mất. Đến lần thứ ba cũng như thế, ông tin rằng đó là cá thần vào quấy mình. Liền bày lễ vật, hương án để tạ. Năm 2005, vào ngày tết Đoan Ngọ, những người làm nghề cặm dạy nghỉ ngơi, vào phơi lưới một ngày. Tầm 8 giờ sáng, một con cá vược tầm 10kg nhảy lên bờ. Bà con ngư dân thấy vậy liền vây lại, lấy lưới dạy bọc cá lại thành nhiều lớp để chắc chắn cá không thoát ra được. Nhưng không biết bằng cách nào cá lại thoát ra. Một lúc sau, cá vược lại nhảy lên bờ, rồi bị bọc lưới và tiếp tục thoát được. Việc xảy ra nhiều lần như vậy khiến bà con kinh hãi, biết rằng đã gặp cá thần.

Trong cái nắng chang chang xõa xuống phá, chúng tôi theo chân những người đi dậm trìa. Đầm phá Tam Giang là môi trường sinh sản của trìa nên người dân thường tìm đến đây để bắt trìa. Trìa được xem là đặc sản, có thể làm được các món như là trìa hấp, trìa nấu cháo… Phương tiện mà mọi người dùng để bắt trìa chính là đôi chân. Vì thế, nghề bắt trìa người dân quen gọi là đạp trìa hay dậm trìa. Đôi chân cứ dậm lên những vùng có bùn hoặc có rêu để tìm ra những con trìa. Dậm được con nào thì bỏ vào thùng xốp hoặc những chiếc ghe nhỏ luôn kéo bên mình. Nghề dậm trìa thì người ta đi làm theo con nước. Người ở đây đi bắt trìa từ tháng 2 đến tháng 8. Nghề bắt trìa khá cực nhọc vì phải dầm mình trong nước bất kể trời mưa hay nắng. Không chỉ có những người dậm trìa mà còn có nhiều người lặn để bắt trìa ở chỗ nước sâu. Họ phải lặn xuống để mò được những con trìa. Cứ một hơi lặn xuống khi đưa lên là những con trìa to, bóng bẩy.

Cụ Trương Anh nói về nghề cặm dạy được bắt đầu từ những ngư dân có quê quán ở Vinh Hiền (huyện Phú Lộc). Khi tới đây làm ăn, họ mang theo nghề này đến và dần phổ biến cho nhiều ngư dân Ngư Mỹ Thạnh. Để có một trộ dạy hành nghề, ngư dân phải mua tre làm thành 6 cây sào nhỏ và 10 cây sào to. Đồng thời, họ mua thêm lái cất thành một trộ dạy hoàn chỉnh. Một hộ như vậy thường sắm từ 8 đến 10 trộ.

Quy trình cặm dạy như sau: Ngư dân đến gần các trộ sáo cặm sào xuống gần đó khoảng 6m ra. Sau đó, họ bọc lái xung quanh và để một vùng lái ở giữa cho cá nhảy vào. Chờ những đợt trở nước trong ngày, nước lên nước xuống cá sẽ nhảy lên vùng lái chờ sẵn... Ngư dân thu hoạch chỉ cần ra giở lái sẽ thu được nhiều loại cá. Lúc bắt đầu ngư dân ở đây làm nghề này rất thuận lợi vì thu được nhiều tôm cá. Sau này do môi trường ô nhiễm và nhiều nghề đánh bắt khác cạnh tranh nên không còn được như trước nữa. Còn nghề làm chuôm bắt đầu từ năm 1947. Hồi xưa nghề làm chuôm chỉ có vài hộ gia đình. Ngư dân bỏ chuôm phải đi ra ngoài Mỹ Chánh (tỉnh Quảng Trị) để mua hóp. Mua hóp về rồi người ta lại thuê người lặn. Họ dùng ví sáo để lặn xuống và dỡ nè bắt cá. Trước khi bắt cá, người ta cúng với một ít lễ vật đơn sơ để cầu cho tôm cá đầy xuồng. Ở thời gian đó tôm cá rất nhiều.

Những năm gần đây thì mọi người dân đều bỏ chuôm hóp. Bây giờ người ta thay hóp bằng chuôm tre. Tùy theo từng hộ gia đình, có gia đình thì bỏ chuôm cạn, có hộ bỏ chuôm sâu. Chuôm trong cạn thì cho ta những loại cá ít có giá trị như cá hom, cá rô phi, còn những tộ chuôm ở ngoài sâu thì cho ta những loại cá có giá trị cao hơn như cá ong, cá nâu, cá ông bù. Nghề chuôm mang lại hiệu quả và rất có ý nghĩa trong công tác bảo vệ nguồn cá tự nhiên, giúp cho người dân vừa khai thác tốt nguồn lợi thủy sản mà không gây ảnh hưởng gì đến môi trường sống của các loài thủy sinh.

Gian nan nhất là bà con ở xóm Trên chuyên làm nghề cắn lưới chì. Trước đây, Ngư Mỹ Thạnh được gọi là làng cắn chì hay “làng ngại cười”. Nguyên do, trước những năm 90, khi chưa có máy cắn chì, chưa làm lưới sẵn để bán, bà con 100% tự cắn chì. Họ mua gấc nhỏ, đan thành lưới, tùy theo mục đích sử dụng mà đan thành nhiều loại lưới khác nhau. Một số loại lưới như lưới thệ, lưới cua máy móc không thể cán chì như ý muốn. Chì buộc phải cắn bằng miệng. Chỉ có dùng miệng mới lăn tròn được miếng chì trên lưới mới khít cạnh, không bị mắc khi thả lưới. Người cắn chì cầm xếp chì lá trên tay, dùng kéo cắt thành từng miếng nhỏ chừng 1cm2 bỏ vào miệng rồi dùng răng cắn để gắn từng miếng chì vào lưới. Họ vừa dùng tay đưa lưới lên môi, vừa dùng lưỡi lừa từng miếng chì một ra răng cửa. Cả lưỡi lẫn răng cùng cuốn chì vào lưới và sau đó dùng răng đính chì lại thêm lần nữa để chắc hơn sự kết dính của chì và lưới. Vậy là đã xong một mảnh chì vào lưới. Thỉnh thoảng, họ nhổ một ngụm nước bọt nhễu màu xám đen ra nền đất. Bà con dân làng không những tự làm lưới để đánh bắt cho hộ mình mà còn làm thêm cho các hộ khác. Dần dà, nhiều hộ chuyên môn làm nghề cắn chì thay vì xuống phá đánh bắt, có những giai đoạn nghề cắn chì ở đây làm ăn rất phát đạt, nhiều đầu mối nổi tiếng trong tỉnh thường mang ngư lưới cụ về đây thuê cắn chì. Công việc độc hại nên những người làm nghề này đều có chung tình trạng là răng bị bào mòn, có màu đen, nhiều răng bị gãy hoặc rụng từ khi còn trẻ. Vì thế, hàm răng người làm nghề cắn lưới chì rất xấu, nên có nơi gọi họ là “làng ngại cười”. Nhiều trường hợp bị ngộ độc chì. Nhiều người khác thì bị loét dạ dày nặng do mạt chì bị lọt xuống dạ dày hoặc bị các bệnh viêm phế quản, thiếu máu… do tiếp xúc với chì trong thời gian dài.

Người dân Ngư Mỹ Thạnh sống một cuộc sống hài hòa với môi trường tự nhiên, đang từng ngày xây dựng quê hương, cải thiện đời sống kinh tế. Trải nghiệm du lịch cộng đồng sinh thái nơi đây do chính người dân làm chủ, là hỗ trợ sinh kế bền vững và bảo vệ các tài nguyên di sản văn hóa và thiên nhiên vùng phá Tam Giang.

Đ.V
(TCSH47SDB/12-2022)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng