Ai ra xứ Huế
Đất đai này _ Con người này
08:59 | 03/03/2023

NGUYỄN QUANG HÀ

(Phỏng vấn đồng chí Nguyễn Ngọc Dương
Giám đốc Sở Nông nghiệp Thừa Thiên Huế)

Đất đai này _ Con người này
Ảnh: internet

Phóng viên (P.V): Trước đây nói tới nông nghiệp Thừa Thiên Huế, chúng tôi chỉ biết tiếng "gạo de An Cựu” một loại gạo ngon tiến cung, dành cho nhà vua ăn. Trong chiến tranh gặp đồng đất này tan hoang dưới bom đạn. Đồng Phong Sơn là cánh đồng toàn cây xấu hổ. Đồng Thủy Thanh ngập tràn cây bèo tây. Đồng Quảng Thái trắng phau màu cát... đồng chí nghĩ gì về cây lúa Thừa Thiên Huế bây giờ?

Giám đốc Nguyễn Ngọc Dương (NND): Nói gì thì nói, 74 phần trăm dân số Thừa Thiên Huế là nông dân vẫn phải sống bằng chính hạt gạo do họ làm ra. Cũng may, sau một thời lao đao, chỉ thị 100 rồi nghị quyết 10 của Trung ương ra đúng lúc, người nông dân thật sự được làm chủ trên đất đai của mình. Giá trị của việc làm chủ ở chỗ đất đai ấy được tính toán, được quy hoạch, có phương hướng và được đầu tư thích đáng, không còn bị trôi nổi nữa. Một nét trôi nổi rất nông dân là nếu khoán đất ba năm, đất chỉ được nuôi hai năm thôi, năm thứ ba có canh tác mà không bón phân. Bón thì lãng phí, độ phí ấy sang năm đâu còn phải của mình. Đất bị vắt kiệt. Khoán 20 năm dân còn ngần ngừ, nhưng khoán 50 năm thì dân thật sự yên tâm, phấn khởi một sương hai nắng làm ra của cải vật chất, từng bước ổn định đời sống gia đình. Chính nó là tiền đề của kinh tế hộ gia đình. Giàu lên hay nghèo đi là ở chỗ này.

P.V: Như vậy có thể nói: nông dân Thừa Thiên Huế đã yên tâm chăng?

NND: Riêng tôi, là Giám đốc sở Nông nghiệp, tôi còn đang băn khoăn. Chia đất đấy, nhưng quỹ đất cho mỗi đầu người tỉnh ta thấp lắm. Quy ra, mỗi đầu người được 0,5 héc ta đất tự nhiên. Trong đó đất canh tác chỉ được 467 mét vuông. Thực chất đất cho cây lúa chỉ có 250 mét vuông. Thâm canh thế nào đây để giàu lên được, trong lúc khoa học kỹ thuật của ta chưa mạnh như mong muốn.

P.V: Chắc không chỉ một đầu mới khoa học kỹ thuật làm đồng chí không yên lòng? Hẳn còn biết bao bộn bề làm rối trí đồng chí Giám đốc?

NND: Nông nghiệp là địa bàn bức thiết cần thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ta mới được một yếu tố nhân hòa. Đất miền Trung nghiêng theo độ dốc chân Trường Sơn. Trải qua nhiều thế kỷ, mưa bào mòn lớp đất màu mỡ. Chỉ còn trơ lại đất khô cằn, cằn cỗi đến nỗi năm 1975 năng suất trung bình một hecta chỉ thu 16 đến 19 tạ trong một vụ, năng suất ấy đủ biết đất nghèo biết chừng nào. Nếu không cải tạo đất, có mà ăn cám. Song điều lo ngại nhất, nghiệt ngã của thời tiết vùng chúng ta đang sống đây, có thể gọi là hết sức nghiệt ngã. Mưa nắng thất thường. Lụt hạn bất thường. Bão tố đe dọa thường xuyên. Bão lụt năm 1985, khủng khiếp chưa ai quên. Hạn 1993 hàng nghìn héc ta lúa nghẹn đòng khô cháy. Rét 1994 trận rét chỉ kéo dài sáu ngày. Lúa đang phơi màu thơm phức, trắng xóa, đẹp thế gặp rét teo hết cả. Lúa xanh tốt chỉ có vỏ lúa, không có hạt. Dân nhìn cây lúa thẫn thờ cả người. Hôm nay lúa đang rực vàng chưa đầy 24 giờ sau đã ngập dưới mấy thước nước. Mà cắt không kịp. Rừng đầu nguồn bị phá, không điều hòa nổi dòng nước hỗn. Rồi sâu bệnh... Không cứ gì mùa lúa chín, từ khi cắm cây lúa xuống, người nông dân nơm nớp lo từng ngày. Trăm thứ tiêu pha đều nhìn vào hạt lúa. Thời tiết giống như một cô gái đỏng đảnh, thật khó chiều. Ta có câu ca dao: "Sớm mưa, trưa nắng, chiều giông..." Thế mạnh thời tiết thật "nghiệt ngã" làm sao!

P.V: Đồng chí Giám đốc có nhắc tới yếu tố nhân hòa. Riêng về nông nghiệp nên nhìn yếu tố này ở góc độ thế nào cho đúng? Chúng tôi muốn nói "đúng" về lực lượng hay gọi là tiềm năng của nông nghiệp cũng được.

NND: Tôi xin cúi đầu trước nhân dân mình, đặc biệt là bà con nông dân Thừa Thiên Huế. Cứ nghĩ tới những người dân ấy, tôi cùng thấm thía triết lý: quần chúng làm nên sự nghiệp cách mạng. Riêng việc tất cả các huyện, thị của Thừa Thiên Huế đều được tuyên dương anh hùng lực lượng vũ trang đủ thấy nhân dân ta là thế nào. Trong nông nghiệp ngày nay, những người ấy đang làm đảo lộn tất cả, xây dựng một nông thôn mới. Đó là thuận lợi cơ bản nhất, là yếu tố nhân hòa trên đồng ruộng. Tuy nhiên, đã trao đất cho nông dân, như trao cây súng cho người lính, chưa thể coi là hoàn chỉnh. Nông dân tỉnh mình bước ra khỏi cuộc chiến tranh hầu như chỉ còn hai bàn tay trắng với tấm lòng trung trinh theo Đảng đến cùng. Có súng phải có đạn mới lập nên chiến công. Đạn ấy là: phải giúp dân có chút vốn ban đầu. Người nông dân mới phải được trang bị kỹ thuật trong canh tác. Đồng thời phải có chính sách khuyến nông đến từng hộ gia đình. Sau khi họ đã làm ra sản phẩm, phải giúp để họ tiêu thụ được sản phẩm ấy. Xin lấy một ví dụ: đã có lần ngoại thương cổ động bà con ở Nam Đông trồng gừng xuất khẩu. Bà con hăng hái trồng gừng. Khi thu hoạch, chất đống chẳng thấy ngoại thương đâu. Gừng thối hết! Như vậy không thể khuyến khích sản xuất được. Hoàn cảnh hiện tại, người nông dân tỉnh ta chỉ lối chưa xong đâu, còn phải đưa đường nữa. Đưa đến nơi đến chốn mới coi là hoàn thành nhiệm vụ.

P.V: Các nhà nông học Huế đã đóng góp gì trong việc chỉ lối đưa đường ấy? Xin nói rõ thêm cả sự "hoàn thành" nữa?

NND: Câu hỏi khá bốp chát đấy. Song cứ thẳng thắn như thế còn hơn úp úp mở mở, vuốt ve nhau. Ngành nông nghiệp cùng với thủy lợi đã làm được một số việc sau:

1. Đưa giống mới vào, thay thế hoàn toàn giống cũ. Vụ đông xuân có thời gian thì giống CR203 khỏe chống rầy tốt. Năng suất cao, chịu được hạn. Vụ hè thu phải nhanh chóng dứt điểm để cướp thời gian trước mùa mưa bão có MT61, 3 tháng được thu hoạch. Đặc biệt loại lúa thơm B10 chỉ 70 ngày đã cho gặt hái...

2. Thỏa mãn thuốc trừ sâu để nông dân kịp thời giải quyết được sâu bệnh.

3. Một loạt các giống lai đã được đưa về nông thôn: ngô lai, lợn lai, bò lai, gà lai. Riêng gà, gia đình nào nuôi được một trăm con, thu nhập ngang một héc ta lúa. Có đầy đủ thuốc chống bệnh cho các loại lai này.

4. Chuyển đổi giống cây trồng trên đất canh tác. Có những vùng đất trước đây trồng lúa, trồng sắn năng suất rất thấp. Nay đưa vào các chân ruộng ấy các giống mới: lạc, đậu, dưa... Lạc lại là thứ hàng xuất khẩu. Tính giá trị, gấp ba, bốn năng suất cây lúa xưa. Xu thế này đang thịnh hành, mở ra bước ngoặt đầu tiên trên đồng ruộng. Nhân dân rất mừng.

5. Ngành nông nghiệp đã đưa thẳng 35 kỹ sư xuống ký hợp đồng chăm sóc kỹ thuật, đào tạo kỹ thuật viên cho các hợp tác xã, các địa phương. Các kỹ sư chịu trách nhiệm hoàn toàn khâu kỹ thuật diện tích lúa hợp đồng. Bà con nông dân rất thích, Các kỹ sư như Trần Đại Phương, Trần Đức Thành, kỹ sư Ánh, Phong... hết mùa địa phương lên xin ký hợp đồng tiếp, xin được trả lương cho các kỹ sư ấy. Đó có thể coi là một mô hình mới của hiện đại hóa công nghiệp hóa trên đồng ruộng. Không chỉ trông trời trông đất trông mây, mà phải trông vào cả kỹ thuật nữa.

6. Ngành thủy lợi chăm sóc các máy tưới tiêu cho các địa phương. Hồ chứa nước Hòa Mỹ, cống ngăn mặn Lộc An, mương máng hiện đại Phong Chương, đê ngăn mặn Quảng Phước... là những cố gắng từng bước của ngành thủy lợi. Rồi đây hồ Truồi hoàn thành, nước cho cánh đồng phía Nam ổn định hơn. Nước cho toàn cánh đồng Thừa Thiên Huế đã và đang được quy hoạch khắc phục.

Cũng cần nói thêm ngành khuyến nông, các phong trào: cho vay vốn, xóa đói giảm nghèo, VAC, câu lạc bộ 10 tấn... và chương trình đưa điện về nông thôn đã góp một phần tích cực làm thay đổi bộ mặt nông thôn Thừa Thiên Huế. Dĩ nhiên còn nhiều việc phải bàn. Song rất mừng vì những tín hiệu vui. Như thế có nghĩa là cả xã hội đang lo toan cho cây lúa, cho nông dân chứ không riêng gì ngành nông nghiệp. Nói theo cách nói của lính thì ngành nông nghiệp phải rất cám ơn các chiến hữu của mình.

P.V: Ở cái dòng sông đang có sức chảy ấy, chúng tôi biết không thiếu các vật cản. Nếu chỉ kể tới một vật cản thôi, giám đốc cho rằng vật cản nào rất đáng đề cập tới?

NND: Đúng thế, lúc nào cũng có những vật cản xuất hiện. Nhưng vật cản mang tính chủ quan, phải khắc phục hết sức chật vật, đó là tính bảo thủ cố hữu. Ví như ta có thói quen bón lúa bằng phân vô cơ. Phân tích mãi mặt tích cực và mặt tiêu cực của phân vô cơ, vậy mà phải mất gần hai chục năm mới có ý thức bón phân hữu cơ. Bảo thủ đến thế là cùng.

P.V: Chỉ còn 5 năm nữa bước sang một thiên niên kỷ mới. Nông nghiệp ta đã chuẩn bị như thế nào, xin giám đốc cho chúng tôi nhìn thấy viễn cảnh từ nay tới năm 2000?

NND: Sắp tới đây đại hội đảng bộ lần thứ XI của tỉnh sẽ vạch kế hoạch chương trình năm năm, trong đó có kế hoạch nông nghiệp. Tôi không dám nói trước, xin chờ.

Tuy nhiên phải nhìn nhận thật khách quan rằng mỗi hộ nông dân là một đơn vị kinh tế. Đơn vị ấy phải được đầu tư kỹ thuật thiết thực, buộc phải tuân theo một quy trình hoàn chỉnh. Các cán bộ kỹ thuật phải giúp từng hộ đi hai chân: chân chăn nuôi và chân trồng trọt. Không ngừng nghiên cứu giống cây con mới, tiến tới thay thế toàn bộ cây con đã thoái hóa! Các đơn vị sự nghiệp ngành nông nghiệp phải lấy lợi ích người nông dân làm mục tiêu phấn đấu của mình, đưa các vật tư thiết yếu nhằm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Chương trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa mới thật, nhưng ta đã đặt chân vào rồi. Không có cách nào khác là phải tiến tới làm cho dân giàu nước mạnh. Tổ chức lại nông thôn đó là mục tiêu của chúng ta. Ngành nông nghiệp rõ ràng phải có trách nhiệm của mình. Chúng tôi nhất định sẽ tìm ra lối đi thích ứng nhất, hài hòa nhất.

P.V: Đất chúng ta ít, lại xấu, thời tiết khắc nghiệt, nông nghiệp Thừa Thiên Huế không có lợi thế. Giám đốc nghĩ gì về điều này?

NND: Có vinh quang nào không nhọc nhằn đâu. Phải biết ta để đừng ảo tưởng. Cái khó ló cái khôn, đó là một thành ngữ hiện đại. Như trên tôi đã nói: tôi rất tin ở nhân dân của mình. Nhất định nông dân Thừa Thiên Huế sẽ tìm ra một cách đi.

P.V: Chúng tôi cũng chờ một lối đi thông minh của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.

NGUYỄN QUANG HÀ thực hiện
(TCSH87/05-1996)

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Các bài đã đăng