LÊ QUANG MINH
Huế là trung tâm chính trị - văn hóa trong thời trung đại với vai trò thủ phủ Đàng Trong, kinh đô Triều Nguyễn, là nơi đánh dấu sự cáo chung của chế độ phong kiến vào năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huế là trung tâm chính trị thứ hai ở miền Nam, đồng thời là một trung tâm giáo dục với vai trò của Viện Đại học Huế, Trung tâm Phật giáo miền Nam... Với tinh thần cách mạng quật khởi, quân và dân Thừa Thiên đã từng bước lập nên những chiến công trong đánh Mỹ như phong trào Đồng Khởi năm 1960, phong trào đấu tranh chính trị, tranh đấu Phật giáo năm 1963 và 1966, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 và đặc biệt là đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Để có được chiến thắng quyết định này, quân và dân Trị Thiên đã chuẩn bị một thời gian khá dài dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính Trị, Quân ủy Trung ương. Mùa thu năm 1974, Thiếu tướng Lê Tự Đồng đã được lệnh ra Hà Nội báo cáo tình hình thực tế chiến trường để có căn cứ triển khai các kế hoạch tác chiến, giải phóng miền Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương đã căn dặn tận tình trong đó nhấn mạnh: “Nhiệm vụ rất nặng nề, vừa giành dân vừa mở rộng thêm địa bàn. Giành dân là vấn đề rất quan trọng trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh; nhưng giữ cho được phong trào, giữ vững địa bàn để phát triển cách mạng lại càng khó khăn, cần phải có nhiều phương án cụ thể”1.
Cuối năm 1974, Khu ủy và Quân khu ủy Trị Thiên đã mở cuộc họp để nghiên cứu, quán triệt. Kế hoạch tác chiến đã nêu rõ quyết tâm phải đạt được trong từng giai đoạn với tinh thần quyết chiến cao độ làm nức lòng bộ chỉ huy “Riêng chiến dịch đầu đã mở một vùng rộng lớn với khoảng 35 vạn dân! Nghe sao mà sung sướng, phấn khởi quá”2. Tiếp đó, ngày 8/2/1975, Bộ Chính trị ra quyết định số 2328-NQ/TW về việc thành lập Đảng ủy Mặt trận Trị - Thiên, thành phần gồm có các cán bộ trong Khu ủy, Quân Khu ủy Trị - Thiên và Đảng ủy Quân đoàn 2, chỉ định Thiếu tướng Lê Tự Đồng, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu ủy làm Bí thư Đảng ủy Mặt trận. Sự thống nhất về mặt chỉ đạo này đã tạo được đoàn kết trong Ban lãnh đạo Khu ủy, Quân khu ủy cũng như trong toàn quân. Kế hoạch chiến dịch tiến công giải phóng hoàn toàn Quảng Trị, Thừa Thiên Huế được quyết định và thực hiện. Tất cả chỉ chờ ngày nổ súng.
Ngày 10/2/1975, Quân ủy Trung ương phê chuẩn kế hoạch năm 1975 của Quân khu Trị Thiên với nội dung cơ bản là: “Tập trung toàn bộ lực lượng Quân khu và Quân đoàn II, tranh thủ thời cơ thuận lợi của năm 1975, đẩy mạnh tiến công tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, đánh bại về cơ bản kế hoạch bình định của địch ở Trị Thiên, giành 35 vạn dân ở nông thôn đồng bằng, phát động cao trào đấu tranh chính trị ở thành phố, đánh mạnh vào kho tàng hậu cứ, triệt phá giao thông; tích cực sáng tạo thời cơ và sẵn sàng chớp thời cơ tiến lên giành thắng lợi lớn, kể cả giải phóng Huế”3. Như vậy, lực lượng chủ lực được xác định tham gia trong chiến dịch là Quân khu Trị Thiên và lực lượng bộ đội chủ lực của Quân đoàn II do Thiếu tướng Nguyễn Hữu An làm tư lệnh, đồng chí Lê Linh làm chính ủy Quân đoàn.
Ngày 8/3/1975, chiến dịch Xuân - Hè ở Trị Thiên bắt đầu trên cả 8 huyện và vùng ven đô. Năm giờ 45 phút sáng ngày 8/3/1975, pháo của Sư đoàn 324 bắt đầu dội xuống các cứ điểm địch, mở màn chiến dịch. Đến ngày 15/3/1975, quân giải phóng đã phá vỡ một mảng lớn hệ thống phòng ngự của địch ở đường 14, thu hút một phần lớn chủ lực của địch vào khu vực này, tạo điều kiện thuận lợi cho quân và dân ta tấn công địch trên khắp địa bàn tỉnh. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, từ 21 giờ đêm 8/3/1975, quân và dân các huyện đồng loạt nổi dậy, tấn công vào hơn 30 phân chi khu quân sự của địch, hỗ trợ cho hàng nghìn quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Trong lúc chiến trường Trị Thiên đang sôi động, ở Tây Nguyên thắng lớn, giải phóng Buôn Mê Thuột, quân đội Sài Gòn rút khỏi Tây Nguyên. Ngày 18/3/1975, Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trong năm 1975, thay cho kế hoạch trước đó là năm 1976. Quân ủy Trung ương đã điện cho Quân khu ủy: “Ta thắng to, tình hình phát triển nhanh và thời cơ lớn đang đến sớm hơn ta dự kiến... Trị Thiên có những thuận lợi mới để đẩy mạnh hoạt động mọi mặt... Đẩy mạnh tấn công của chủ lực từ phía tây, thực hành chia cắt chiến lược giữa Huế -Đà Nẵng”4. Lúc này, tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Quân đoàn I và Quân khu I của chế độ Sài Gòn được lệnh phải giữ bằng được Huế hô hào “Tử thủ cho Huế” tuy nhiên tinh thần phía địch đã xuống thấp, tuyến phòng thủ Quảng Trị gần như bỏ ngỏ.
Ngày 17/3/1975, Thường vụ Khu ủy và Quân khu ủy trên cơ sở thực tế chiến trường, căn cứ vào tình hình lực lượng hai bên đã nhận định: “Địch ở Trị Thiên đang hoang mang, dao động mạnh, thời cơ mới xuất hiện, nhân dân Trị Thiên cần khẩn trương và mạnh bạo tiến công, dùng lực lượng tại chỗ đánh mạnh vào tuyến phòng thủ của đối phương, kết hợp với thọc sâu chia cắt, phá thế co cụm của kẻ thù, giành thắng lợi lớn ở vùng đồng bằng, tiến tới bao vây và cô lập Huế, thời gian chậm nhất là ngày 19/3/1975, tất cả các lực lượng phải tiến công”5. Các lực lượng chiến đấu chủ lực, quân và dân Trị Thiên ngay lập tức sôi sục chuẩn bị chiến đấu, quyết tâm giành thắng lợi cuối cùng đã gần kề. Tuy vậy, trong kế hoạch tiến công, Khu ủy lo nhất là địch co cụm ở Huế. Vì như vậy sẽ dễ làm tổn hại thành phố và các công trình kiến trúc lâu đời. Do đó, phương án bao vây chia cắt địch để tiêu diệt bên ngoài thành được chọn lựa qua hai đường huyết mạch 78 và đường 1. Đây được xem là một quyết định đúng đắn, nhân văn của những chỉ huy tiền phương.
5 giờ sáng ngày 21/3/1975, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công đợt hai, giải phóng Thừa Thiên Huế. Với tinh thần “một ngày bằng 20 năm” quân ta dốc toàn bộ lực lượng mở cuộc tấn công, quần chúng nhân dân nổi dậy khắp nơi. Từ nhiều hướng, quân ta đánh vỡ tuyến phòng ngự của địch, tạo vòng vây kẹp chặt địch ở thành phố Huế và cửa Thuận An. Lúc này, quân, dân các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà nổi dậy chiếm các quận lỵ, nắm chính quyền. Sau 22 ngày đêm cùng Quân đoàn 2 chiến đấu liên tục, khẩn trương, anh dũng, quân và dân Trị Thiên đã giành thắng lợi hoàn toàn, Trị Thiên được giải phóng. 6 giờ 30 phút ngày 26/3/1975, Trung đoàn 6 kéo lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh Kỳ Đài, đánh dấu mốc lịch sử Thừa Thiên Huế hoàn toàn giải phóng.
Ngày 28/3/1975, Quân ủy Trung ương gửi điện biểu dương các lực lượng tham gia chiến dịch giải phóng Trị Thiên: “Việc đánh chiếm, giải phóng thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên Huế là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược lớn. Chiến công đó làm cho nhân dân cả nước phấn khởi, làm cho địch suy yếu thêm một bước mới nghiêm trọng, góp phần làm rạng rỡ truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường của quân và dân cả nước”6. Ngay sau đó là quá trình tổ chức chính quyền, củng cố thắng lợi trên địa bàn và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng khác.
Trung tướng Lê Tự Đồng viết trong hồi ký ngày 26/3 khi chiến dịch giải phóng Huế đã thành công: “Tôi mở cửa sổ nhìn ra sông Hương êm đềm một màu sương bạc như tấm dù trắng thênh thang tỏa lên một màu sáng mát mẻ dịu dàng”. Vị tướng bao năm sương gió chiến trường cuối cùng cũng thốt nên một lời yên bình, thở phào thay cho những năm tháng vào sinh ra tử. Và người đồng chí phụ tá cũng thốt lên: “Anh ơi! Tôi có cảm giác như một giấc mơ! Mới hôm nào chiến đấu ác liệt là thế, mà bây giờ chúng ta đã về giữa lòng Huế thơ mộng này”7.
Chiến dịch giải phóng Huế đã đập tan tấm lá chắn mạnh nhất của địch ở phía Bắc, góp phần quyết định vào thắng lợi chiến dịch Huế - Đà Nẵng, tạo đà chiến thắng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 48 năm đã trôi qua, ngày 26/3 vẫn luôn là ngày thiêng liêng của những người dân xứ Huế. Đó là một ngày đầy tự hào và mở ra một thời kỳ mới của vùng đất cố đô. Bao thế hệ người dân xứ sở này đã tiếp nối, xây dựng Huế ngày càng phát triển. Cho đến hôm nay, Huế đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, phấn đấu xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước và khu vực.
L.Q.M
(TCSH48SDB/03-2023)
-------------------------------
1 Lê Tự Đồng, Tình dân biển cả, Nxb. Thuận Hóa, 1993, tr.170.
2 Lê Tự Đồng, Sđd, tr.170.
3 Kiều Tam Nguyên (Chủ biên), Chiến trường Trị-Thiên-Huế trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước toàn thắng, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 1985, tr.242.
4 Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại thắng mùa Xuân 1975 - Văn kiện Đảng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.148.
5 Võ Văn Minh (Chủ biên), Quân Khu 4: Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954 - 1975), 1994, Nxb. Quân đội nhân dân, tr.456.
6 Võ Văn Minh (Chủ biên). Sđd, tr. 467.
7 Lê Tự Đồng, Tình dân biển cả, Nxb. Thuận Hóa, 1993, trang 192.