Ai ra xứ Huế
Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế với các văn bia quý tại lăng mộ dòng tộc
10:16 | 21/04/2023


VÕ VINH QUANG

Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế với các văn bia quý tại lăng mộ dòng tộc
Hình ảnh Hiệp tá Tôn Thất Tế trong sách Souverains et notabilités d'Indochine, tr.80

1. Dẫn đề

Huế là nơi hội tụ nhiều trầm tích văn hóa độc đáo, với sự giao thoa và quyện hòa giữa văn hóa cung đình (nhà Nguyễn) và văn hóa dân gian. Khám phá Huế, bên cạnh việc tìm hiểu về những dấu ấn đặc trưng của đền đài cung điện cổ kính rêu phong, những lăng tẩm trang nghiêm trăm năm trầm mặc, những núi rừng cao thấp nhấp nhô tạo nên bản sắc riêng cho toàn xứ sở, những dòng sông uốn khúc quanh co (như sông Hương, sông Bồ...) đổ về biển cả, những đầm phá Tam Giang - Cầu Hai rộng lớn mênh mông, những làng xã gia đình rất riêng chất Huế... thì một trong các “điểm nhấn” độc đáo mà chúng ta không thể không nhắc đến, đó là các gia tộc hoàng gia truyền thống nhà Nguyễn với các phủ đệ, nhà thờ và hệ thống lăng mộ mang đậm nét thăng trầm của thời cuộc từ xưa tới nay.

Nói đến các gia tộc xuất thân từ hoàng tộc triều Nguyễn, thông thường mọi người sẽ nhắc tới các phủ đệ của những danh nhân nổi tiếng như Phủ Tùng Thiện vương (Miên Thẩm), Tuy Lý vương (Miên Trinh), Phò Quang quận vương (Tôn Thất Hân), Lạc Viên (Tôn Thất Đàn), Lạc Tịnh viên (Hiệp tá Hồng Khẳng)... Tuy nhiên, trải đều trên khắp xứ Huế còn có rất nhiều gia tộc hoàng gia, tôn thất. Đồng thời, các nơi ấy cũng chứa đựng ít nhiều những giá trị độc đáo, đặc trưng về truyền thống văn hóa đặc sắc truyền đời mà nếu không hội đủ cơ duyên, chúng ta sẽ rất khó khăn khi muốn đi sâu khám phá.

Với chúng tôi, việc tiếp cận và tìm hiểu về Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế cũng như truyền thống gia tộc của ông cũng nhờ hội tụ duyên lành như vậy. Vào khoảng giữa tháng 6 năm 2022, nhân có bác sĩ Hoàng Minh Lợi (Bệnh viện Trung ương Huế) kết nối và nhờ cậy chúng tôi hỗ trợ tìm hiểu, dịch thuật các văn bia (đã mờ) của gia tộc Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế nằm trên khu vực đồi núi Ngũ Tây (phường An Tây, thành phố Huế) để phục vụ cho việc khắc bia đá vinh danh dòng tộc nhân đợt trùng tu các ngôi mộ của tộc họ tại Ngũ Tây sắp hoàn thành, chúng tôi bắt đầu tiếp cận và tìm hiểu về lăng mộ dòng tộc Tôn Thất thuộc Phòng 12, Hệ 7 Tiền biên (các con của Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu) này. Trải qua một thời gian tìm kiếm, xâu chuỗi thông tin, phục hồi tương đối trọn vẹn các nội dung của ba văn bia trên lăng mộ dòng họ (do Hiệp tá Tôn Thất Tế biên soạn và anh em, con cháu công đức dựng lập), đồng thời tiến hành nghiên cứu thêm bằng các nguồn thông tin từ chính sử, chúng tôi xin có vài nét khái quát về gia tộc này, cũng như các văn bia quý đang hiện hữu.

2. Khái quát về lịch sử gia tộc, sự nghiệp hành trạng của Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế

Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế (1872 - 1953) là một đại thần của triều Nguyễn. Ông xuất thân trong một gia tộc hoàng gia Tôn Thất có truyền thống học hành đỗ đạt, thuộc Phòng 12 - phòng của Dận quốc công Tôn Thất Điền thuộc Hệ 7 Tiền biên (con cháu của các chúa Nguyễn). Dận quốc công Điền là con trai thứ 12 của Minh vương Nguyễn Phúc Chu (người khai mở Hệ 7 Tiền biên), khai mở Phòng 12, Hệ 7. Ông sinh ra các con thuộc đời thứ hai là Tôn Thất Viễn, Tôn Thất Sầm, Tôn Thất Thuyên, Tôn Thất Nghiễm. Ông Tôn Thất Sầm (đời thứ 2) sinh ra ông Tôn Thất Đào/Điêu1 và Tôn Thất Thọ thuộc đời thứ 3. Ông Tôn Thất Đào/Điêu sinh ra ông Tôn Thất Khôi, Tôn Thất Lương, Tôn Thất Ân thuộc đời thứ 4.

Gia phả của dòng tộc cho biết ông Tôn Thất Lương (tổ đời thứ 4 Phòng 12 Hệ 7 Tiền biên) là con thứ 2 của ông Đào/Điêu, sinh giờ Tuất ngày 15 tháng 11 năm Quý Sửu (1793), làm quan đến chức Thiếu bảo, Vinh Lộc đại phu, Trụ quốc Hiệp biện Đại học sĩ, lãnh Binh bộ Thượng thư kiêm Đô Sát viện Hữu Đô Ngự sử, lãnh Hà Ninh tổng đốc, là đại thần ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức2. Theo Đại Nam chính biên liệt truyện Nhị tập, quyển 11: Tôn Thất Lương là “con thứ hai vợ thứ của Tư vụ Hưu trí Tôn Thất Đào [/Điêu]. Lúc còn nhỏ có học hạnh, buổi đầu năm Minh Mạng học ở nhà Giám, Năm [Minh Mạng] thứ 5, hạch bổ Hàn Lâm viện Kiểm thảo, sung chức Văn thư phòng Hành tẩu, rồi thăng Hộ bộ Lang trung Thự Thiêm sự3 . Ông trải nhiều chức vụ, thăng giáng liên tục, làm quan trong triều ngoài trấn, ở chức phận nào Tôn Thất Lương cũng đem hết tâm sức trí tuệ để phục vụ cho lợi ích của nhân quần, được triều đình và nhân dân các nơi khen ngợi. “m Thiệu Trị thứ 1 (1841), kỳ Đại kế [kỳ xét công quan để thưởng ban, tổ chức 3 năm 1 lần] vua Dụ rằng Lương là người giữ mình trong sạch, cẩn thận, siêng năng chức việc, giao bộ ghi công để thăng chức... Năm [Thiệu Trị] thứ 4 (1844) xét công, gia hàm Thái tử Thiếu bảo. Năm [Thiệu Trị] thứ 6 (1846), thăng Thự Hiệp biện Đại học sĩ, vẫn lĩnh Tổng đốc Thanh Hóa. Chưa được bao lâu, đổi đi Tổng đốc Hà Ninh, rồi chết. Tuổi 54, tặng là Hiệp biện, chiếu hàm tặng mà cấp tiền tuất, cho thêm các hạng gấm màu vải lụa, và 1000 quan tiền. Buổi đầu năm Tự Đức, đưa vào thờ ở đền Hiền Lương4. Ông lấy vợ sinh ra các ông thuộc đời thứ 5 là Tôn Thất Triệt, Tôn Thất Đức, Tôn Thất Phong và Tôn Thất Tư.

Đánh giá về Tôn Thất Lương, các Sử quan triều Nguyễn chép rằng: “Lương là người có chí khí giữ gìn, tính thanh liêm tiết nghĩa, khi ở Thanh Hóa, về việc bạn đồng liêu tham trang lấy của đút riêng, tuyệt không dính dáng đến chút nào. Thánh tổ Nhân hoàng đế đã từng khen ngợi cho nên bị cách bãi mà lại được khởi phục. Tới khi mấy lần nhận giữ nơi trọng khổn [biên ải trọng yếu] mà trong sạch, siêng năng giữ tiết tháo, vỗ yên, đánh bắt có phương pháp, có công lao rõ rệt thực không hổ là người ở Khánh phả5.

Đời thứ 5 - Tôn Thất Triệt là con trưởng của ông Lương với bà Nguyễn Thị Sách6, sinh giờ Thìn ngày 21 tháng Chạp năm Canh Dần (1830). Theo Đại Nam chính biên liệt truyện Nhị tập: Lúc đầu, ông “được ấm thụ chức Hàn Lâm viện Thị giảng, rồi nhiều lần thăng chức Tham tri bộ Lễ. Tự Đức năm thứ 23 [1870], nhiếp chức Tả Tôn khanh ở phủ Tôn Nhân, kiêm quản Văn thần Phò mã... rồi đổi làm Tuần phủ, Hộ lý tổng đốc An Tĩnh7. Cũng như cha mình, Tôn Thất Triệt đã trải nhiều chức vụ trong triều ngoài biên ải, nhiều lần thăng giáng chức vụ. Cho đến cuối đời, năm Kiến Phúc nguyên niên, ông được đổi lĩnh chức Tổng đốc Thanh Hóa; sau đó không lâu thì có bệnh xin hưu và mất, thọ 53 tuổi. Đại Nam liệt truyện chỉ ghi nhận Tôn Thất Triệt có các con là “Doanh và Tế, Doanh tập ấm bổ làm Nội các Điển bạ, có bệnh cáo về; Tế đỗ cử nhân, nay làm Tri huyện Phú Vinh [Vang]8. Tuy nhiên, theo Gia phả thì ông Tôn Thất Triệt cưới bà nguyên phối Nguyễn Thị Yến (người thôn Hội An, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, không có con); tiếp đó là bà kế phối Hoàng Thị Nhàn (con gái đầu của Tư thiện Đại phu Hoàng Thu, người làng Xuân Tùy, sinh giờ Dậu ngày 26 tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837); mất giờ Mùi ngày 20 tháng 07 năm Ất Mùi (1895), thọ 59 tuổi; an táng tại xã An Cựu. Năm Bảo Đại thứ hai (1927), được truy tặng Chánh Nhị phẩm Đoan nhân), bà thiếp Lê Thị Sương và Hoàng Thị Tuyên. Ông bà sinh hạ các con trai gồm: Tôn Thất Oánh, Tôn Thất Dinh [tức Doanh] và Tôn Thất Tế; và các con gái là: Thị Khuê, Thị Nhuận, Thị Hạp, Thị Sung, Thị Cung, Thị Đường, Thị Ngũ.

Văn bia Phủ doãn Thừa Thiên, hiện ở Trụ sở UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có ghi: “Khải Định nguyên niên thất nguyệt nhật chí Nhị niên thập nhất nguyệt nhật: Tôn Thất Tế đại nhân” (Tháng 7 năm Khải Định 1 [1916] đến tháng 11 năm Khải Định thứ 2 [1917]: Tôn Thất Tế đại nhân [giữ chức Phủ doãn phủ Thừa Thiên]. Ảnh: Đỗ Minh Điền



Đời thứ 6 - Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế (尊室濟)9: Ông là con trai út của ông Triệt và bà thiếp Đoan nhân Hoàng Thị Nhàn sinh ra. Tôn Thất Tế sinh giờ Dậu, ngày 27 tháng 03 năm Nhâm Thân (1872). Năm Canh Tý, niên hiệu Thành Thái thứ 12 (1900), ông đỗ Cử nhân, làm quan trải các chức Tri huyện, Tri phủ, Án sát, Bố chánh. Sau bổ làm Phủ doãn phủ Thừa Thiên (1916 - 1917)10, thăng Tham tri, rồi đổi bổ chức Tuần vũ hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận. Sau thăng chức Tổng đốc Nam Ngãi (tức Quảng Nam - Quảng Ngãi). Đến lệ về hưu, ông được thăng chức Hiệp tá Đại học sĩ, trí sự. Hiệp tá Tôn Thất Tế mất vào ngày 06 tháng 05 năm Quý Tỵ (1953), thọ 82 tuổi. Mộ chôn ở bên phải vườn trước nhà.

Ông cưới các bà gồm: nguyên phối Hoàng Thị Liễu, con gái đầu của Tri phủ Hoàng Liên, người xã Xuân Tùy (bà Liễu sinh các con là Thanh 清, Thị Hòe, Thị Tùng). Bà thứ phối Hồ Thị Diệm, con gái trưởng của ông Viên tử Hồ Văn Phương, người xã Thanh Hương. Bà sinh hạ các con gồm: Trừng 澂, Hoạt 活, Trạch澤, Hàm涵, Thị Khánh, Thị Yên. Bà thứ thiếp Trần Thị Điểu, sinh hạ các con là Uyên淵, Liêm濂.

Trong sách Souverains et notabilités d'Indochine (các vị Quốc vương và danh nhân Đông Dương) do Phủ toàn quyền Đông Dương (Gouvernement général de l'Indochine, IDEO- Hanoi) xuất bản năm 1943, tại trang 80, Hiệp tá Tôn Thất Tế được ghi chép khái quát về xuất thân và sự nghiệp quan trường của mình. Đặc biệt, tại đây, hình ảnh Tôn Thất Tế mặc áo dài ngũ thân truyền thống hiện lên khá rõ nét và sinh động. Đó là tư liệu quý, góp phần khẳng định vị thế, tên tuổi của danh nhân Tôn Thất Tế trong lịch sử.

3. Các văn bia quý tại lăng mộ gia tộc Hiệp tá Tôn Thất Tế

Khu lăng mộ gia tộc Hiệp tá Tôn Thất Tế ở thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế hiện có các bia đá tại mộ phần của bà Nguyễn Thị Sách (người họ Nguyễn Đức làng An Thơ) là bà nội của ông Tôn Thất Tế. Đây là tấm bia gốc đá Thanh, chữ khắc sâu, dạng bài vị với 3 hàng chữ, lòng văn ghi (từ phải qua trái): “啟定九年仲春. 皇朝誥授榮祿大夫 太子少保上住國協佐大學士領河寧總督尊室諡文懿公正配阮德氏一品夫 人之墓誌. 孝孫尊室濟拜立 (Khải Định cửu niên trọng xuân. Hoàng triều cáo thụ Vinh Lộc đại phu, Thái tử Thiếu bảo, Thượng trụ quốc, Hiệp tá Đại học sĩ lãnh Hà Ninh Tổng đốc Tôn Thất, thụy Văn Ý công chính phối Nguyễn Đức thị nhất phẩm phu nhân chi mộ chí. Hiếu tôn Tôn Thất Tế bái lập), nghĩa là: Tháng trọng xuân (tháng 2 âm lịch) năm Khải Định thứ 9 (1924). Bia mộ Nhất phẩm phu nhân người họ Nguyễn Đức [húy Sách策, tức Nguyễn Thị Sách 阮氏策], là chính phối của ngài Tôn Thất [húy: Lương 俍] tên thụy Văn Ý, [ngài Tôn Thất Lương] được hoàng triều sắc ban Vinh Lộc Đại phu, Thái tử Thiếu bảo Thượng trụ quốc, Hiệp tá Đại học sĩ, lĩnh chức Tổng đốc Hà-Ninh. Cháu nội Tôn Thất Tế bái lập.

Ảnh chụp thác bản bia mộ bà Nguyễn [Đức] Thị Sách



Bên cạnh đó, có hai văn bia mộ Tổng đốc Thanh Hóa Tôn Thất Triệt (thân phụ ông Tôn Thất Tế) và văn bia mộ bà Hoàng Thị Nhàn (thân mẫu ông Tôn Thất Tế). Chúng tôi xin cung cấp bản dịch hai văn bia này, do các con trai là Tôn Thất Doanh, Tôn Thất Tế cùng con cháu phụng lập.

3.1. Văn bia mộ ông Tôn Thất Triệt

Hán văn:

鶴城制府先嚴尊室墓道碑

先嚴公字澄甫,號春臺,以明命庚寅年六月十日[辰]牌生. 迺少保協辨大學士尊室文懿公之嫡長子也. 阮德氏夫人所生.原配于會安村人阮文氏,繼 娶于春隨社故户部尚書黃公嫡長女黃氏.子二女四, 繼出也.公性慈而毅,少廕補尋受安靜總督.第回歷坎起不十稔 領總督湯郡.建福甲申年五月日病回, 以是年八月二 [十九 ]11 日卒,壽五十 有五歲之日...母謂瀛及弟濟曰:爾等可 無言以謀... 之事乎.拜泣曰:我先公懿行 事業諒有青史徵考顯著兢此諸... 取以 述辰特移泣哀述略記其梗慨云.建福甲 申元年十一月吉日. 男: 伯瀛仲濟. 女: 閨閏闔䦜...

Phiên âm:

HẠC THÀNH12 CHẾ PHỦ13 TIÊN NGHIÊM14 TÔN THẤT MỘ ĐẠO BI

Tiên nghiêm công tự Trừng Phủ, hiệu Xuân Đài, dĩ Minh Mạng Canh Dần niên lục nguyệt thập nhật [Thìn]15 bài sinh. Nãi Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ Tôn Thất Văn Ý công chi đích trưởng tử dã. Nguyễn Đức thị phu nhân16 sở sinh. Nguyên phối vu Hội An thôn nhân Nguyễn Văn thị, kế thú vu Xuân Tùy xã cố Hộ bộ Thượng thư Hoàng công đích trưởng nữ Hoàng thị. Tử nhị, nữ tứ, kế xuất dã. Công tính từ nhi nghị, thiếu ấm bổ, tầm thụ An Tĩnh Tổng đốc. Đệ hồi lịch khảm khởi bất thập nhẫm, lĩnh Tổng đốc Thang quận17. Kiến Phúc Giáp Thân niên ngũ nguyệt nhật, bệnh hồi, dĩ thị niên bát nguyệt nhị [thập cửu] nhật tốt, thọ ngũ thập hữu ngũ tuế chi nhật... Mẫu vị Doanh18 cập đệ Tế viết: “nhĩ đẳng khả vô ngôn dĩ mưu... chi sự hồ”. Bái khấp viết: “ngã tiên công ý hạnh sự nghiệp lượng hữu thanh sử trưng khảo hiển trứ căng thử chư... thủ dĩ thuật thời đặc di khấp ai thuật lược ký kì ngạnh khái vân”.

Kiến Phúc Giáp Thân nguyên niên thập nhất nguyệt cát nhật.

Nam: bá Doanh, trọng Tế; - Nữ: Khuê, Nhuận, Hạp, Ngữ/Ngũ (?)...

Thác bản văn bia mộ Tổng đốc Tôn Thất Triệt



Dịch nghĩa:

BIATHẦN ĐẠO19 Ở MỘ TIÊN NGHIÊM LÀ TÔN THẤT [TRIỆT], GIỮ CHỨC TỔNG ĐỐC HẠC THÀNH [TRẤN THANH HÓA]

Tiên nghiêm (cha quá cố) tên tự Trừng Phủ, hiệu Xuân Đài, sinh vào giờ Thìn, ngày 10 tháng 06 năm Canh Dần niên hiệu Minh Mạng (1830). Ông là con trai trưởng của ngài Thiếu bảo Hiệp biện Đại học sĩ Tôn Thất [Lương], [tên thụy] Văn Ý, và do phu nhân người họ Nguyễn Đức [Thị Sách] sinh ra.

Nguyên phối của ông là bà Nguyễn Thị [Yến20], người thôn Hội An21. Tiếp đó, ông cưới bà Hoàng Thị [Nhàn], là con gái đầu của ngài Thượng thư bộ Hộ Hoàng [Hoàng Thu] người xã Xuân Tùy22, có 2 người con trai và 4 người con gái do bà Kế phối [Nhàn] sinh hạ.

Ông bản tính hiền từ nhưng nghiêm nghị, thuở nhỏ được Tập ấm, rồi dần được bổ nhiệm chức Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh), trải bao lần thăng - giáng chức trong vòng chưa đến 10 năm, rồi lĩnh chức Tổng đốc Thanh Hóa. Tháng 05 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc (1884), [ông] có bệnh, về hưu. Vào [ngày 29] tháng 08 năm này, ông qua đời, thọ 55 tuổi.

Bấy giờ... mẹ tôi [bà Nhàn] bảo với các con là Doanh, và em là Tế rằng: “Các con có thể không cần dùng lời mà mưu tính được việc [xiển dương công đức của cha] được chăng?”. Chúng tôi khóc lạy, thưa rằng: “Tiên nghiêm (cha quá cố) của chúng con có đức hạnh và sự nghiệp cao quý, thực đã có sử sách ghi danh rõ rệt vẹn tròn. Ấy nên, chúng con [xin được] chọn lấy những điểm tiêu biểu mà khóc thương, ghi chép ngắn gọn, lược điểm đại khái như trên”.

Ngày lành tháng 11 năm Giáp Thân niên hiệu Kiến Phúc (1884).

Nam: anh là Doanh, em là Tế. Nữ: Khuê, Nhuận, Hạp, Ngữ/Ngũ23.

3.2. Văn bia mộ bà Hoàng Thị Nhàn

Hán văn:

先母黃氏淑人神道碑

夫言無文則行不遠.惟有不朽之德行者不在於文與無文.此先母墓道碑所血泣而記撰之也. 母字雅嬡,春隨人.明命丁酉年正月二十六日酉刻生,迺

戶部尚書黃公之嫡女,范氏夫人所出.是為制府字澄甫之正嫡配也.子瀛濟,女閨閏闔24,庶子女瀅珫漟,與閧䦜 早殤各得九人.慈視之均一. 成泰乙未 七年七月二十日未牌薨壽五十九.母德誠有勤儉能惠下.自以失怙至今無慮十二稔,仰賴母氏撫而教之日,以式好為勳,又崇示眾等曰:吾為汝家婦得事吾 姑,因知姑性仁厚,不妒併鬪.先公居官清白名闡,汝等亦以成勤儉繼志,追此 前修,以有今日汝等其念之勉之,則門閭而咸芳固結等,平日所耳義也詎重.昊 天不弔,一且今古.嗚呼痛哉!昔父母在辰於父得祿養者十餘載.今廕補未碁 歲而慈母遠已.天終則風木之悲,人情之同而兄弟更有甚焉.自塟後,乃痛念前 事揮淚秉筆紀寔不覺哀毀無算鐫于石.是皇朝誥授中順大夫辨理清化總督 尊室正配黃氏淑人之墓. 成泰七年孟冬穀旦. 男: 尊室瀛, 尊室濟恭立

Phiên âm:

TIÊN MẪU HOÀNG THỊ THỤC NHÂN THẦN ĐẠO BI

Phù, ngôn vô văn tắc hành bất viễn25. Duy hữu bất hủ chi đức hạnh giả, bất tại ư văn dữ vô văn. Thử tiên mẫu mộ đạo bi sở huyết khấp26 nhi ký soạn chi dã.

Mẫu tự Nhã Ái, Xuân Tùy nhân. Minh Mạng Đinh Dậu niên chính nguyệt nhị thập lục nhật Dậu khắc sinh, nãi Hộ bộ Thượng thư Hoàng công chi đích nữ, Phạm thị phu nhân sở xuất. Thị vi Chế phủ tự Trừng Phủ chi chánh đích phối dã. Tử: Doanh - Tế, nữ: Khuê, Nhuận, Hạp, Ngũ/Ngữ, thứ tử nữ Oánh, Sung, Đường, dữ Cung, Ngữ tảo thương, các đắc cửu nhân. Từ thị chi quân nhất.

Thành thái Ất Mùi thất niên thất nguyệt nhị thập nhật Mùi bài, hoăng, thọ ngũ thập cửu. Mẫu đức thành hữu cần kiệm, năng huệ hạ. Tự dĩ thất hỗ27 chí kim vô lự thập nhị nhẫm, ngưỡng lại mẫu thị phủ nhi giáo chi nhật, dĩ thức hảo vi huân, hựu sùng thị chúng đẳng viết: “Ngô vi nhữ gia phụ đắc sự ngô cô28, nhân tri cô tính nhân hậu, bất đố tính đấu. Tiên công cư quan thanh bạch danh xiển, nhữ đẳng diệc dĩ thành cần kiệm kế chí, truy thử tiền tu. Dĩ hữu kim nhật, nhữ đẳng kì niệm chi miễn chi, tắc môn lư nhi hàm phương cố kết đẳng. Bình nhật sở nhĩ, nghĩa dã cự trọng.

Hạo thiên bất điếu, nhất thả kim cổ. Ô hô thống tai! Tích phụ mẫu tại thời, ư phụ đắc lộc dưỡng giả thập dư tải. Kim ấm bổ vị kì tuế nhi từ mẫu viễn dĩ. Thiên chung tắc phong mộc chi bi29, nhân tình chi đồng nhi huynh đệ cánh hữu thậm yên. Tự táng hậu, nãi thống niệm tiền sự, huy lệ bỉnh bút kỉ thực, bất giác ai hủy30 vô toán tuyên vu thạch.

Thị Hoàng triều cáo thụ Trung Thuận đại phu Biện lý Thanh Hóa tổng đốc Tôn Thất chính phối Hoàng thị Thục nhân chi mộ.

Thành Thái thất niên mạnh đông cốc đán. Nam: Tôn Thất Doanh, Tôn Thất Tế cung lập.

Dịch nghĩa:

BIATHẦN ĐẠO Ở MỘ TIÊN MẪU31- THỤC NHÂN32 HỌ HOÀNG

Ôi, “Lời nói mà không thành văn từ, tất việc thi hành (chí hướng) chẳng thể lưu truyền xa được”! Duy người có đức hạnh bất hủ33 thì chẳng phụ thuộc vào văn từ hay không văn từ. Ấy nên, bia thần đạo của tiên mẫu do chúng tôi khóc chảy máu mắt mà biên soạn bài văn này vậy.

Tiên mẫu của tôi tên tự là Nhã Ái, người đất Xuân Tùy, sinh vào giờ Dậu ngày 26 tháng Giêng năm Đinh Dậu triều vua Minh Mạng (1837). Bà là con gái đầu của ông Thượng thư bộ Hộ - Hoàng34 [Thu] và do phu nhân họ Phạm sinh ra.

Tiên mẫu là vợ đích của ngài Tổng đốc [Tôn Thất Triệt], tên tự Trừng Phủ. Các con là Doanh, Tế; con gái là Khuê, Nhuận, Hạp, Ngũ35, tiếp theo là các con Oánh, Sung, Đường với Cung36, Ngũ mất sớm; tổng là 9 người con, tất thảy đều được bà yêu mến dạy dỗ đồng đều như nhau. Vào giờ Mùi, ngày 20 tháng 07 năm Ất Mùi niên hiệu Thành Thái thứ 7 (1895), bà mất, thọ 59 tuổi. Đức hạnh và lòng thành tín của mẹ tôi nằm ở sự cần kiệm, luôn nhân ái với người dưới mà không chấp nhặt lỗi lầm của họ.

Từ khi Tiên nghiêm (cha quá cố) qua đời cho đến nay, đại khái đã 12 năm37. Ngưỡng nhờ công lao của tiên mẫu an ủi vỗ về mà dạy dỗ các con hằng ngày, lấy khuôn phép tốt lành mà phát dương rực rỡ, lại dạy bảo đầy đủ con cháu rằng:

Ta từ lúc về làm dâu nhà các con, đã được phụng dưỡng mẹ chồng, nhân đó biết được đức tính nhân hậu của mẹ chồng, chẳng đố kỵ và tranh đoạt với ai. Đức Tiên công của ta38 làm quan nức tiếng thanh bạch, các con cũng nên lấy đó mà [tu dưỡng] nên người, nối chí cần kiệm, noi theo gương tiền nhân mà sửa mình, lấy đó để được như hôm nay. Các con hãy luôn suy nghĩ [về đức hạnh ông cha] mà gắng sức, tất trong nhà ngoài xóm đều hàm chứa tiếng thơm39 mà liên kết với nhau bền chặt. Ngày ngày thường nghe ân nghĩa ấy há nên coi trọng chăng!”.

Trời xanh chẳng xót thương, xưa nay vẫn vậy. Ôi thôi đau đớn thay! Xưa, lúc cha mẹ còn sống, cha tôi nhận lộc quan để nuôi dưỡng được hơn 10 năm. Nay, chúng tôi được tập ấm bổ nhiệm chưa bao lâu thì mẹ đã đi xa rồi. Mẹ đã qua đời, tất thật đau thương như khi cây cối bị gió lay gốc rễ40. Tình cảm của con người [trước nỗi đau thương mất mát] ai cũng giống nhau, mà anh em chúng tôi càng xót xa đau đớn lắm! Từ sau khi an táng, xót đau nghĩ về chuyện cũ, [tôi] rơi lệ cầm bút ghi chép sự việc, thực chẳng biết thân thể mỏi mòn và không tính toán gì mà khắc lời văn vào bia đá.

Đây là mộ của Chánh phối là Thục nhân họ Hoàng của ông Tôn Thất [Triệt] được hoàng triều ban tặng Trung Thuận đại phu Biện lý Thanh Hóa Tổng đốc.

Ngày tốt tháng 10 năm Thành Thái thứ 7 (1895). Nam: Tôn Thất Doanh, Tôn Thất Tế kính lập.

4. Một số nhận định về giá trị các văn bia mộ của gia tộc Hiệp tá Tôn Thất Tế

Các văn bia trên những mộ phần của gia tộc Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế hiện tọa lạc tại vùng đồi núi thôn Ngũ Tây, phường An Tây và do con cháu là các ông Tôn Thất Doanh/Dinh và Tôn Thất Tế biên soạn, cùng các hậu duệ phụng lập.

Trong 3 tấm bia đá chữ Hán hiện còn, chỉ có bia mộ bà Nguyễn (Đức) Thị Sách được cháu nội là Hiệp tá Tôn Thất Tế kính soạn là hầu như còn nguyên vẹn, chữ khắc rõ rệt, hoa văn trang trí vẫn còn hiện hữu sinh động (mặc dù cũng có 1 số dấu đạn bắn, song không ảnh hưởng gì đến chất lượng tấm bia). Hai bản văn bia còn lại (bia ký Thần đạo mộ ngài Tôn Thất Triệt và bia ký bà Hoàng Thị Nhàn) thì đã mòn mờ khá nhiều, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nội dung. Nguyên do có lẽ vì những tấm bia trên làm bằng đá sa thạch, chữ khắc nhiều nhưng lại khá cạn, không có mái che, lại trải qua hơn trăm năm đứng giữa đất trời, “trơ gan cùng tuế nguyệt” dưới thời tiết Huế nắng gắt mưa bão nhiều, nên việc mòn mờ là không thể tránh khỏi. Song, cũng may mắn là số chữ nghĩa hiện còn tương đối đảm bảo về nội dung. Bên cạnh đó, chúng tôi đã kết hợp với các thông tin từ gia phả Phòng 12, Hệ 7 Tiền biên (của Hiệp tá Tôn Thất Tế) và nhất là từ Đại Nam chính biên liệt truyện để phục dựng được gần như trọn vẹn các nội dung chính yếu của các văn bia ấy.

Từ nội dung các văn bia, chúng ta thấy rằng văn bia mộ Tổng đốc Tôn Thất Triệt được biên soạn và phụng lập vào năm 1884, bấy giờ ông Tôn Thất Tế mới 13 tuổi ta (ông sinh năm 1872, tức chỉ mới 12 tuổi Dương lịch), thế nên có lẽ người biên soạn không hẳn là Tôn Thất Tế (mà có thể là người anh Tôn Thất Doanh; mặc dù văn bia không đề tên tác giả). Đến văn bia thân mẫu Hoàng Thị Nhàn, lập năm Thành Thái thứ 7 (1895), thì dù vẫn không ghi tên tác giả (mà chỉ ghi người phụng lập là Tôn Thất Doanh, Tôn Thất Tế), song ở thời điểm này, Tôn Thất Tế đã 24 tuổi ta, nên có khả năng ông là người biên soạn.

Trên thực tế, dẫu tác giả văn bia là ai thì giá trị để lại của các văn bia này cũng không hề nhỏ. Cụ thể, văn bia mộ Tổng đốc Tôn Thất Triệt dù ngắn gọn nhưng cũng đủ cung cấp thêm một số thông tin thú vị mà Đại Nam liệt truyện và gia phả của dòng tộc không ghi chép41. Thế nên, đấy là những thông tin giá trị để bổ khuyết cho tiểu sử sự nghiệp của Tổng đốc Tôn Thất Triệt.

Văn bia mộ bà Hoàng Thị Nhàn, vợ ông Tôn Thất Triệt cũng là nguồn tư liệu gốc đặc biệt quan trọng để biết được tiểu sử sự nghiệp người mẹ ruột của Hiệp tá Tôn Thất Tế, cũng như nắm rõ về truyền thống gia phong lễ giáo của gia tộc này. Đặc biệt, văn bia ghi lại lời giáo huấn của bà Hoàng Thị Nhàn đối với các con: “Ta từ lúc về làm dâu nhà các con, đã được phụng dưỡng mẹ chồng, nhân đó biết được đức tính nhân hậu của mẹ chồng, chẳng đố kỵ và tranh đoạt với ai. Đức Tiên công của ta làm quan nức tiếng thanh bạch, các con cũng nên lấy đó mà [tu dưỡng] nên người, nối chí cần kiệm, noi theo gương tiền nhân mà sửa mình, lấy đó để được như hôm nay. Các con hãy luôn suy nghĩ [về đức hạnh ông cha] mà gắng sức, tất trong nhà ngoài xóm đều hàm chứa tiếng thơm mà liên kết với nhau bền chặt. Ngày ngày thường nghe ân nghĩa ấy há nên coi trọng chăng!”.

Đó chính là tâm huyết, là đạo lý kết tinh của bậc phụ mẫu để truyền thụ lại cho con cháu. Lời dạy ấy vừa thể hiện rõ truyền thống nhân hậu truyền đời của các vị tiên tổ, truyền thống làm quan trong sạch, cần kiệm, luôn tự ý thức sửa mình của các bậc tiền nhân; cũng như là lời khuyến khích, động viên, giáo dưỡng các con phấn đấu noi gương theo ông cha, sống trọng tình quý nghĩa. Đấy thực sự là lời dạy dỗ về gia phong lễ giáo có giá trị cao, góp phần vun bồi, làm sáng tỏ thêm cho truyền thống huấn đạo trong các gia đình xứ Huế, cũng như cung cấp một nguồn tư liệu quý về gia giáo Huế cổ truyền.

Nói tóm lại, thông qua việc tìm hiểu nghiên cứu và dịch thuật các văn bia mộ dòng tộc của Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế, chúng tôi thấy rằng đây là một trong những gia tộc có truyền thống gia giáo đặc trưng, với nhiều đời làm quan vang tiếng thanh liêm, trong sạch, hết lòng vì quê hương đất nước chứ không tính toán vụ lợi riêng mình, đã được sử sách nêu gương (như trường hợp của cha con các ngài Tôn Thất Lương, Tôn Thất Triệt), góp phần không nhỏ trong việc làm giàu bản sắc văn hóa Huế truyền thống.

Xuất thân từ hoàng phái (với ông tổ Phòng 12 Hệ 7 Tiền biên là Dận quốc công Nguyễn Phúc Điền, con thứ 12 của quốc chúa Nguyễn Phúc Chu), nên các thế hệ hậu duệ của Phòng 12 luôn noi gương tiên tổ, giữ gìn và vun bồi truyền thống gia tộc, sống hết lòng cùng mọi người, không ham danh hám lợi. Một trong những tấm gương sáng của dòng tộc đó, được các thế hệ nối tiếp noi gương chính là Tổng đốc Tôn Thất Lương, Tôn Thất Triệt và nhất là Hiệp tá Đại học sĩ Tôn Thất Tế.

Các văn bia hiện tồn tại những ngôi mộ của dòng tộc tại Ngũ Tây (phường An Tây, thành phố Huế), do các anh chị em ông Tôn Thất Doanh, Tôn Thất Tế biên soạn và phụng lập ở trên hiện nay đã được các con cháu hậu duệ của dòng họ cho xây dựng nhà bia để bảo tồn, đồng thời làm thêm bản Việt dịch nhằm giúp các thế hệ về sau hiểu rõ về công đức và dấu ấn của ông cha. Chúng tôi rất mừng vì điều đó, và hy vọng rằng trong tương lai không xa, những danh nhân của dòng họ cũng như các văn bia quý tại đây sẽ được các cấp ban ngành, các cơ quan văn hóa quan tâm, phối hợp, tư vấn và giúp đỡ gia tộc các biện pháp, chính sách hữu hiệu để bảo tồn và phát huy giá trị nguồn di sản tư liệu quý, hiện đang có nguy cơ rất cao sẽ nhanh chóng bị phai mờ, mất mát này.

Huế, ngày 18 tháng 12 năm 2022
V.V.Q
(TCSH409/03-2023)

------------------------------
1 Tôn Thất Đào尊室錭: Cũng gọi là Tôn Thất Điêu. Thực tế, chữ錭này, thời cổ cùng âm với chữ Điêu 雕, và cùng nghĩa là “điêu khắc” 雕刻. Theo ghi nhận ở Khang Hy tự điển 康熙字典,Tut tp thượng【戌集上】, Kim tự bộ 【金字部】: “Quảng vận; Tập vận: tòng Đồ Lao thiết, âm ĐÀO... Hựu Tập vận: “Đô Lao thiết, âm Đao, nghĩa đồng. Hựu Chính vận: dữ ĐIÊU đồng. 【唐韻】【集韻】徒勞切,音陶。。。 又【集韻】都勞切,音刀。 義同。 又【正韻】與雕同.(Nghĩa là: Sách Quảng vận và Tập vận phiên thiết là “Đồ Lao thiết, âm ĐÀO”... Lại theo Tập vận: “Đô Lao thiết, âm ĐAO”, nghĩa đồng. Lại theo sách Chính vận: đồng âm nghĩa với ĐIÊU.

Theo đó, trong bản dịch của Gia phả thì ghi là TÔN THẤT ĐIÊU. Chúng tôi ghi TÔN THẤT ĐÀO, giống cách phiên âm của các tác giả bản dịch sách Đại Nam liệt truyện (và nếu Tôn Thất Điêu cũng không sai).

2 Đại thần Tôn Thất Lương và con là Tôn Thất Triệt đều được ghi chép vinh danh tiểu sử, sự nghiệp hành trạng tại sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Nhị tập, quyển 11.

3 Quốc sử quán triều Nguyễn (1993), Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Nxb. Thuận Hóa, tr.210-211.

4 Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Sđd, tr.212.

5 Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Sđd, tr.212.

6 Bà Nguyễn Thị Sách, Gia phả của dòng tộc ông Tôn Thất Tế cho biết bà là người tộc Nguyễn Đức làng An Thơ, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bà sinh năm Quý Sửu (1793), mất ngày 01 tháng 02 năm Quý Hợi (1863), mộ táng ở sơn phận xã An Cựu, huyện Hương Thủy, có mộ chí ghi rõ Nhất phẩm Phu nhân. Gia phả tộc Nguyễn Đức làng An Thơ cho biết, bà Nguyễn Thị Sách thuộc Chi 2, đời thứ 11 tộc Nguyễn Đức. Bà là con gái đầu của ông Quan Viên tử Nguyễn Đức Hạo (đời thứ 10, chi 2) với bà nguyên phối Đặng Thị Bích. Ông Nguyễn Đức Hạo là anh trai ruột của viên Phụng Nghị đại phu, Thần Sách quân Phấn Dũng doanh Tham luận Tuấn Triết hầu NGUYỄN ĐỨC TUẤN (chồng bà Nguyễn Cửu Thị Lê). Ông Nguyễn Đức Tuấn chính là người con rể của Thái trưởng Công chúa Ngọc Tuyên (tức Bà Sãi Vân Dương, cô ruột của vua Gia Long). Chính Nguyễn Đức Tuấn, theo mật lệnh của mẹ vợ là Thái trưởng công chúa Ngọc Tuyên, đã nắm bắt nhiều thông tin quan trọng tại vùng đất Phú Xuân, để cung cấp cho Nguyễn vương Phúc Ánh, góp phần to lớn cho công cuộc khôi phục trung hưng, lập nên triều Nguyễn (1802). Như thế, bà Nguyễn Thị Sách gọi Tuấn Triết hầu Nguyễn Đức Tuấn là chú ruột.

7 Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Sđd, tr.219-220.

8 Đại Nam liệt truyện, tập 3 (Bản dịch Viện Sử học), Sđd, tr.220.

9 Thông tin này, chúng tôi căn cứ vào Gia phả (bản Việt dịch) do bác sĩ Hoàng Minh Lợi cung cấp.

10 Hiện, văn bia Phủ doãn Phủ Thừa Thiên đang được lưu giữ tại Trụ sở Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (số 16 đường Lê Lợi, thành phố Huế) ghi chép về các vị Phủ doãn cho biết Tôn Thất Tế giữ chức Phủ doãn Phủ Thừa Thiên từ tháng 7 năm Khải Định nguyên niên (1916) cho đến tháng 11 năm Khải Định thứ 2 (1917).

11 Các chữ trong ngoặc vuông [...] là những chữ bị mờ ở văn bia, chúng tôi căn cứ vào gia phả để bổ khuyết.

12 Hạc thành 鶴城: Tên gọi Trấn lỵ (Hạc Thành) của Trấn Thanh Hoa, được vua Gia Long cho thành lập vào năm 1804 (Trấn lỵ này ngày nay là Thành phố Thanh Hóa). Năm 1804, vua Gia Long hạ chiếu chỉ di dời lị sở của trấn Thanh Hóa từ làng Dương Xá, xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa đến làng Thọ Hạc, huyện Đông Sơn, đồng thời tiến hành xây dựng thành Trấn lỵ đó là Hạc thành hay thành Thọ Hạc, còn gọi là Trấn thành Thanh Hóa, thành cổ Thanh Hóa. Ngày nay, dấu ấn của Hạc Thành là các địa điểm lâu đời ở thành phố Thanh Hóa như Bến Ngự, cửa Tả, cửa Hữu, Đông Phố, Nam Phố, Thọ Hạc, Hạc Thành, Cốc Hạ, Hàng Đồng, Hàng Than, Hàng Hương, kênh nhà Lê...

Như vậy, Hạc Thành 鶴城 ở đây dùng để phiếm chỉ trấn Thanh Hoa/Thanh Hóa.

13 Chế phủ 制府: chức quan cai quản việc quân ở ngoài trấn, là chức Tổng đốc. Tiền thân của Thuật ngữ “Chế phủ” 制府 này là các chức An Phủ sứ安撫使, Chế Trí sứ 制置使ở đời Tống (Trung Quốc), đến các đời Minh - Thanh thì chức Tổng đốc 總督  được xưng là “Chế phủ” 制府.

14 Tiên nghiêm công 先嚴公: cha quá cố (đây là cách kính xưng, bao hàm những tình cảm kỷ niệm hoài vọng của người con đối với người cha đã khuất). Chúng tôi xin phép dịch là: “Cha quá cố”.

15 Phần này, chúng tôi căn cứ vào bản gia phả của dòng tộc để bổ khuyết.

16 Nguyễn Đức thị phu nhân 阮德氏夫人: bà Phu nhân (vợ cả) của ông Tôn Thất Lương, người nhánh Nhì, đời thứ 10, họ Nguyễn Đức làng An Thơ (Hải Hòa, Hải Lăng, Quảng Trị). Bà tên húy là Sách 策 tức Nguyễn Thị Sách.

17 Thang quận 湯郡: vùng đất Thang Mộc (湯沐地 Thang Mộc địa), tức vùng đất Thanh Hóa - quê hương của các vua triều Nguyễn (tương tự như triều Tây Sơn có Thang quận/Thang Mộc ấp là đất Quy Nhơn 歸仁).

18 Trong gia phả (bản dịch) ghi DINH, nhưng chữ Hán là 瀛- chữ này mang âm “DOANH”. Chúng tôi tra cứu, đối chiếu các từ điển, tự điển Hán-Hán, Hán-Việt, Từ điển Khang Hy, phần phiên thiết... đều không thấy có phiên thiết âm “DINH”. Bởi thế, trong các bản dịch ở đây, chúng tôi chỉ phiên âm DOANH.

19 Bia Thần đạo (神道碑 Thần đạo bi): Cũng giống “Mộ đạo bi” 墓道碑  (tấm bia ở đường dẫn vào mộ).

20 Chúng tôi bổ sung thông tin này từ gia phả. Xin lưu ý là tất cả những chữ để trong ngoặc vuông [...] đều là những thông tin do người dịch bổ sung để rõ nghĩa, chứ nguyên bản Hán văn không có.

21 Theo gia phả, bà Nguyễn Thị Yến là người thôn Hội An, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, sinh giờ Hợi ngày 12 tháng 03 năm Tân Mão (1831), mất ngày 22 tháng 11 năm Quý Sửu (1853), không có con.

22 Bà kế phối Hoàng Thị Nhàn là con gái đầu của Tư Thiện Đại phu Hoàng Thu 黄收, người làng Xuân Tùy (trước là Thiên Tùy), nay thuộc xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Bà sinh giờ Dậu, ngày 26 tháng Giêng năm Đinh Dậu (1837), mất giờ Mùi ngày 20 tháng 07 năm Ất Mùi (1895), thọ 59 tuổi.

23 Theo gia phả, con gái ruột do bà Hoàng Thị Nhàn sinh ra có Thị Ngũ. Chúng tôi tra cứu chưa tìm ra chữ Ngũ nào có bộ ngôn, nhìn vào tự dạng, chúng tôi phỏng đoán đây là Ngữ/Ngũ/Ngô (䦜). Xin được bổ khuyết khi có thông tin mới.

24 Chữ này trên văn bia bị mờ, chúng tôi nhìn hình dạng của chữ (tự hình) để tạm đoán, xin được bổ sung chỉnh sửa sau, khi có thêm thông tin tư liệu.

25 Ngôn vô văn tắc hành bất viễn 言無文則行不遠: (thành ngữ) lời nói (ngôn từ) mà không thành văn, tất việc thi hành (chí hướng) chẳng thể lưu truyền xa được. Đây là thành ngữ xuất xứ từ thiên Chính luận 正論ở sách Khổng Tử gia ngữ 孔子家語với đoạn: “Khổng tử văn chi, vị Tử Cống viết: ‘Chí’hữu chi: ngôn dĩ túc chí, văn dĩ túc ngôn. Bất ngôn, thùy tri kỳ chí? Ngôn chi vô văn, hành chi bất viễn” 孔子 聞之,謂 子貢 曰:‘《志》有之:“言以 足志,文以足言。”不言,誰知其志?言之無文,行之不遠(Đức Khổng tử nghe nói, thì bảo với học trò Tử Cống rằng: ‘Chí (hướng)” thể hiện rằng: ‘dùng lời nói thì đã đủ đầy chí hướng, dùng văn từ để thể hiện trọn vẹn lời nói”. Nếu chẳng dùng lời, lấy gì để biết được chí hướng? Lời nói mà chẳng thành văn từ, thì việc thi hành (chí hướng) chẳng thể lưu truyền đi xa được.)

26 Huyết khấp 血泣: khóc đến chảy máu mắt, ý chỉ đau đớn xót xa đến tột cùng.

27 Thất hỗ 失怙: mất cha (tương tự như Thất thị 失恃 là mất mẹ. Cha mẹ, tục gọi là hỗ thị 怙恃).

28 Ngô vi nhữ gia phụ đắc sự ngô cô 吾為汝家婦得事吾姑: Ta từ lúc về làm dâu ở nhà này, đã phụng dưỡng mẹ chồng của ta. => Đây là câu văn phong theo câu “tự ngô vi nhữ gia phụ, bất cập sự ngô cô” 自吾為汝家婦,不 及事吾姑(ta từ lúc về làm dâu, thì chẳng thể được phụng dưỡng mẹ chồng) trong bài Lang cương thiên biểu 瀧 岡阡表 của Âu Dương Tu đời Tống, trích trong sách Cổ văn quán chỉ 古文觀止.

29 Phong mộc chi bi 風木之悲 (điển tích): Chỉ về niềm đau thương khi cây cối bị gió lay (nghĩa gốc), sau dùng để chỉ nỗi thương tâm của con cháu khi cha mẹ qua đời. Phong mộc 風木cũng tương tự như “phong thụ” 風樹.Điển tích này xuất xứ từ sách Hàn thi ngoại truyện《韓詩外傳》, quyển 9 (卷九quyển cửu) với câu: “Thụ dục tịnh nhi phong bất chỉ, Tử dục dưỡng nhi thân bất đãi.” 樹欲靜而風不止 ,子欲養而親不待也 (cây muốn yên lặng mà gió chẳng dừng, con muốn phụng dưỡng cha mẹ mà song thân [cha mẹ] chẳng còn để chờ đợi [con phụng dưỡng]. Cụm từ “phong mộc chi bi” 風木之悲 dùng để chỉ về ý nghĩa thương xót của con cái khi cha mẹ qua đời, được tác giả Cố Đại Điển 顧大典đời Minh thể hiện trong tác phẩm Thanh Sam ký 青衫記, bài Nguyên bạch sủy ma 元白揣 摩 rằng: “Tảo niên thất hỗ, thường hoài phong mộc chi bi; tráng tuế cổ bồn, cửu hư cầm sắt chi lạc” 早年失怙, 常懷風木之悲;壯歲鼓盆,久虛琴瑟之樂 (thuở nhỏ mất cha, thường nhớ về nỗi bi thương mất mát thân phụ; lúc thanh niên cường tráng thì gõ vào cái bồn mà hát, vui dài lâu với đàn cầm đàn sắt hư huyễn).

30 Ai hủy哀毀: nỗi buồn thương đến mòn mỏi thân cốt, ý chỉ về việc cư tang song thân mà bi thương đau xót quá mức, khiến cho thân thể hao tổn. Đây là cách viết tắt của thành ngữ “Ai hủy cốt lập” 哀毀骨立.

31 Tiên mẫu 先母: người mẹ đã khuất (quá cố).

32 Người vợ có chồng làm quan đến Tam phẩm thì được ban phong làm “Thục nhân” 淑人(vợ quan Nhất phẩm được phong Phu nhân (夫人), vợ quan Nhị phẩm được phong là Đoan nhân 端人, vợ quan Tam phẩm được phong Thục nhân (淑人); vợ quan Tứ phẩm được phong làm Cung nhân (恭人); vợ quan Ngũ phẩm được phong là Nghi nhân (宜人); vợ quan Lục phẩm được phong An nhân (安人); vợ quan Thất phẩm được phong An nhân (安人), sau đổi Nhu nhân (柔人); vợ quan Bát phẩm được phong Nhụ nhân (孺人), sau đổi Cẩn nhân (謹人); vợ quan Cửu phẩm được phong Nhụ nhân (孺人).

33 Bất hủ 不朽: không bao giờ mục nát, ý nói lưu truyền muôn đời, vững bền muôn năm.

34 Hoàng công: ông họ Hoàng, tức Đệ Tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân Hoàng Thu (trong văn bia Tiến sĩ thì ghi tên là Hoàng Văn Thu), người xã Thiên Tùy (sau đổi là Xuân Tùy), tổng Hạ Lang, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên (nay là làng Xuân Tùy, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông đỗ Cử nhân năm Mậu Tý (1828), đỗ Hội nguyên (đỗ đầu kỳ thi Hội), rồi đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân đệ ngũ danh (người đỗ thứ 5 trong hàng Tam giáp Tiến sĩ) tại kỳ thi năm Ất Mùi, niên hiệu Minh Mạng thứ 16 (1835). Ông giữ các chức quan như Hàn lâm viện Biên tu, Tri phủ Thường Tín, Giám sát Ngự sử, Án sát Hưng Hóa, Thị lang Bộ Binh và Bộ Hình, Bố chánh Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Thự tuần phủ Định Tường, Tham tri Bộ Hình, Cơ mật viện Đại thần, Tham tri Bộ Hộ, Tổng đốc Hà Ninh, thăng Thượng thư Bộ Hộ...

35 Những người con Doanh, Tế, Khuê, Nhuận, Hạp, Ngũ này do bà Hoàng Thị Nhàn sinh ra.

36 Các con trai gái gồm: Oánh, Sung, Đường, Cung do các thê thiếp của ông Triệt sinh ra.

37 Tính từ năm Tổng đốc Thanh Hóa là Tôn Thất Triệt qua đời là năm 1884, đến lúc bà chính phối Hoàng Thị Nhàn mất năm 1895 thì theo Âm lịch, đúng 12 năm.

38 Tiên công: Chồng quá cố, tức chỉ ông Tôn Thất Triệt.

39 Ý của câu này là: Được lưu truyền đức hạnh tới muôn phương, muôn người.

40 Hàm ý rằng: Con cháu bi thương vì mất cha, mất mẹ.

41 Chẳng hạn, văn bia cho biết ông Tôn Thất Triệt là con trai của ngài Tôn Thất Lương với Phu nhân Nguyễn Thị Sách, người họ Nguyễn Đức, An Thơ. Đấy là thông tin gợi mở được nhiều điều, như chúng tôi đã bàn ở các chú thích trên. Bên cạnh đó, văn bia ghi rõ ngày tháng sinh của ông Tôn Thất Triệt là ngày 10 tháng 06 (Âm lịch) năm Canh Dần niên hiệu Minh Mạng (明命庚寅年六月十日Minh Mạng Canh Dần niên lục nguyệt thập nhật), tức Dương lịch là ngày 29 tháng 07 năm 1830. Trong khi đó, tại Bản gia phả (Việt dịch) của gia tộc ông Tôn Thất Tế thì ghi rằng ông Tôn Thất Triệt (đời thứ năm) sinh ngày 21 tháng 12 năm Canh Dần (1830). Theo đó, chúng tôi cho rằng thông tin từ văn bia mộ do chính các con ruột của ông Tôn Thất Triệt biên soạn sẽ chính xác hơn.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng