Ai ra xứ Huế
Dấu ấn di sản cung đình nhà Nguyễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế
16:33 | 18/05/2023

NGUYỄN HỮU PHÚC

Trong quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Thừa Thiên Huế, triều Nguyễn là một trong những nhân tố góp phần tạo nên diện mạo của tục thờ này.

Dấu ấn di sản cung đình nhà Nguyễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế
Tượng Mẫu tại chùa Đông Thuyền (bên trái) và ở chùa Quy Thiện

Để làm rõ những dấu ấn của di sản cung đình nhà Nguyễn trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở vùng Huế, bài viết của chúng tôi tập trung vào nội dung như ngôi điện Huệ Nam với đức tin của các vua Nguyễn, danh xưng Tam tòa Lục phủ và một số đồ án trang trí mỹ thuật trong kiến trúc, trang phục, đạo cụ của nghi lễ.

1. Điện Huệ Nam với đức tin của các vua Nguyễn

Điện Huệ Nam hay còn gọi là điện Hòn Chén, tọa lạc tại núi Ngọc Trản (xưa có tên Hương Uyển Sơn), thuộc địa phận làng Hải Cát, xã Hương Thọ, thành phố Huế. Ngôi đền vốn thờ nữ thần Poh Inư Nagar (Nữ thần Mẹ xứ sở) của người Chăm, nhưng khi người Việt đến tự cư ở đây họ vẫn tiếp tục thờ phụng bà dưới danh xưng Thiên Y A Na. Xuất phát trên nền tảng của những kẻ có cùng loại hình kinh tế nông nghiệp trồng trọt và tâm thức lòng tín mộ bà, nghiễm nhiên được người nông dân Việt ngưỡng vọng tôn thờ. Từ đó, Thiên Y A Na trở thành bà mẹ lớn, đóng vai trò trung tâm trong hệ thống thờ tự, với một tập hợp của rất nhiều thần linh có nguồn gốc khác nhau1. Từ những niềm tin trong dân gian rồi dần lan truyền đến các vua Nguyễn, khi bà hiển linh để bảo vệ, che chở cho dân lành, diệt thú, trả lại chén ngọc cho các vua Nguyễn khi khẩn cầu bà2. Dưới thời vua Gia Long, sự linh hiển của vị nữ thần tại núi Ngọc Trản được chính sử nhà Nguyễn ghi chép như sau: Năm Gia Long thứ 5 (1806), “Ba xã Định Môn, Kim Ngọc, Cư Chính ở ven núi hay bị hổ nạn. Sai cầu đảo thần núi Ngọc Trản…, dân nhờ đấy được yên”3. Đến thời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng gắn liền với nhiều sự linh ứng mà dân gian còn lưu truyền câu chuyện hoàn trả chén ngọc, chiếc ổng nhổ bằng vàng, hay vua Tự Đức lên đeo chuỗi hạt bồ đề vào tay bà được thờ tại đây. Cũng vì thế, bà được các vị vua đầu triều Nguyễn ban tặng nhiều sắc phong thần với nhiều mỹ tự khác cao quý như “Hoằng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông Mặc tướng Trang huy Thiên Y A Na Diễn Ngọc phi Thượng đẳng thần”.

Tuy nhiên, người có niềm tin mãnh liệt vào vị nữ thần Thiên Y A Na so với các vị vua còn lại phải nhắc đến vua Đồng Khánh. Trước sự việc hai người em của ông là Kiến Phúc và Hàm Nghi được lên nối ngôi vua, còn ông mặc dù là người lớn tuổi nhưng lại không được chọn, điều này khiến nhà vua rất lo lắng ngôi báu sẽ vẫn không thuộc về mình. Vốn là người ham đọc, ham nghiên cứu Kinh Dịch, bói toán, thích tìm hiểu những điều huyền bí, nên khi còn là hoàng tử, nhà vua thường lên đền Ngọc Trản để lễ bái, cầu xin được lên ngôi hoàng đế. Cũng theo sự truyền tụng trong dân gian, nữ thần tại đền Ngọc Trản cho biết thời gian vua đăng quang và ông cũng trị vì được ba năm.

Bởi vậy, sau khi lên ngôi đế vương, vua Đồng Khánh liền xây dựng ngôi đền một cách khang trang, đưa nhiều đồ tự khí vào thờ và đổi tên đền thành Huệ Nam điện để tỏ lòng biết ơn Thánh Mẫu (Huệ Nam có nghĩa là ban ân huệ cho vua nước Nam). Về sự kiện này, trong Đại Nam thực lục có ghi: “Đổi đền Ngọc Trản làm điện Huệ Nam. Vua khi còn ẩn náu, thường chơi xem ở núi ấy, mỗi khi đến cầu khẩn, phần nhiều có ứng nghiệm. Đến nay, vua phê bảo rằng: “Đền Ngọc Trản thực là núi tiên nữ linh sơn sáng đẹp muôn đời, trông rõ là hình thế như con sư tử uống nước sông, quả là nơi chân cảnh thần tiên. Đền ấy nhờ được linh khí đắc nhất, cứu người, độ đời; giáng cho phúc lộc hàng muôn, giúp dân giữ nước; vậy cho đổi đền ấy làm điện Huệ Nam, để biểu hiện ơn nước một phần trong muôn phần. Rồi chuẩn cho bộ Công chế làm biển ngạch treo lên đền (4 bề chạm rồng, giữa khắc chữ to: Huệ Nam điện, bên trên khắc chữ ngự chế, bên dưới khắc niên hiệu)”4. Tuy nhiên, để có được diện mạo quy mô như ngày nay, điện Huệ Nam lại tiếp tục nhận được niềm tin cao độ của vua Đồng Khánh khi cầu mưa tại đây. “Từ trước đến nay ít mưa, đã sai quan phủ tỏ lòng thành cầu khấn, nhiều nơi không ứng, đến khi ngẫu nhiên tâu xin chuẩn cho lễ cầu đảo ở điện Huệ Nam, hết buổi sớm, may nhờ thần linh ứng, thực là rất cảm. Nhà nước đang vận hội khó khăn tất âm dương giúp đỡ mới có thể được việc nhanh chóng, nhưng điện ấy, từ trước chiểu lệ thăng trật tự, cũng giống như bách thần, cho nên giữ nước, giúp dân, chưa được hiển ứng, về 3 vị thờ ở trên và 6 vị ở dưới bên hữu, trẫm muốn tôn phong huy hiệu để mong sự linh hiệu sau này.

(Huy hiệu 1 vị ở trên là: Thiên Y La Na Diễn vương (Thiên Y A Na), thượng hậu, nhân minh, uy phúc, từ huệ, cát xương, quang diệu, thông linh, thanh tĩnh, thượng thiên thánh mẫu tôn vị; 2 vị ở bên tả là Hy hòa thủy phủ thánh mẫu (Thủy Cung Thánh Mẫu) tôn vị và Anh bình sơn trung thánh mẫu (Thánh Mẫu Thượng Ngàn) tôn vị.

Sáu vị ở dưới bên hữu: Thông linh quận chúa, Minh thượng tướng quân, Thượng thánh trưởng đệ tử nhất vị; Linh sơn giám công, Thông đại tướng quân, Thượng thánh thứ đệ tử nhị vị; Lực dung tướng quân, Thủy thánh trưởng đệ tử tam vị; Duy dung tướng quân thứ tử đệ tứ vị; Quả dung tướng quân, Sơn thánh trưởng đệ ngũ vị; Vũ dung tướng quân, Sơn thánh đệ tử đệ lục vị)5.

Ngay trước ban thờ sáu vị tôn thần này, vua Đồng Khánh đã vẽ một bức tranh gương và ngự bút đề: “Âm dương huynh đệ thất thánh nghĩa hội”, ý xem mình là đệ tử của Thánh Mẫu Thiên Y A Na, huynh đệ với các lục vị, xếp vào hàng thứ 76. Trong bức tranh thờ này, vua Đồng Khánh được thể hiện mặc áo màu vàng, tay cầm hoa sen.

Ban thờ Thất Thánh
và ban thờ vua Đồng Khánh tại Minh Kính Cao đài đệ nhất cung ở điện Huệ Nam


Có thể nói, từ khi các vua nhà Nguyễn, đặc biệt là vua Đồng Khánh được xếp vào hàng thánh thần, đệ tử của Thánh Mẫu đã góp phần đưa ngôi đền chiếm vị trí quan trọng tại vùng đất Huế. Từ đây, hình tượng các vị Thánh Mẫu cũng như nghi thức cúng tế tại điện Huệ Nam vốn chỉ “lưu hành” trong dân gian, từ nay được khoác lên chiếc áo của cung đình nhà Nguyễn. Và những nghi lễ cúng tế tại đây phải được tiến hành trước tiên, sau đó các phổ, đền, am, cảnh thờ Mẫu tại vùng Huế mới được thực hiện, nếu thực hiện trước được xem là “lỗi” phép nhà Thánh. Điển hình như lễ Khai bàn7 được tiến hành vào ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch, được xem là nghi thức “khai mạc”, bắt đầu của một chu kì mới thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Huế. Và hệ thống đền, am ở các làng xã hay tư gia tổ chức lễ Khai bàn bắt đầu từ sau thời điểm ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch. Cũng tại đây, khi tại điện Huệ Nam tổ chức cúng tế vào dịp tháng Ba và tháng Bảy âm lịch hằng năm, mà được gọi lễ hội điện Huệ Nam, thì các đền am mới tổ chức “hầu tạ vía”. Mặc dù, trong tín ngưỡng thờ Mẫu có rất nhiều ngày khánh đản, vía của các vị Thánh nhưng để tổ chức hầu cúng với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham gia thì phải được tổ chức tại điện Huệ Nam.

Cũng từ việc vua Đồng Khánh dùng danh xưng điện và cung để đặt tên để thờ Mẫu tại đền ở núi Ngọc Trản mà sau này nhiều cơ sở thờ Mẫu được xây dựng đều lấy để đặt tên, như cung Vân Phụng, cung Phổ Hóa, Sơn Chúa điện, Hoằng Hóa điện, Diệu Linh Phước điện, Linh Tiêu điện, Phước Linh điện,…

Cũng giống như nhà Nguyễn, ấn và kiếm là những vật biểu trưng uy quyền của triều đình, trong tín ngưỡng thờ Mẫu đây cũng được xem là linh vật biểu thị cho sức mạnh của các Thánh Mẫu. Tại điện Huệ Nam còn lưu giữ hai ấn quan trọng của tín ngưỡng thờ Mẫu là Vân Hương Thánh Mẫu và Thiên Y Thánh Mẫu. Tại đây, vào lễ Khai bàn cũng đã diễn ra nghi thức khai ấn và phát ấn cho các tín đồ. Cũng tại cung Vân Phụng và nhiều đền miếu khác, ấn có quyền lực nhất là ấn của Mẫu. Còn Phụng Kiếm được xem là pháp bảo của nhà Thánh, kiếm được ban ra khi các Mẫu có lệnh truyền xuống.

Ấn Mẫu Vân Hương tại Cung Vân Phụng
và Phụng Kiếm tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo



2. Từ “Tam cung Lục viện” chốn Nội cung đến “Tam tòa Lục phủ” trong thiết chế Tứ phủ

Tam cung Lục viện là nơi ở và điều hành quản lý của các hậu phi chốn hậu cung. Cũng vì sợ phi tần, cung nữ trong Hoàng cung quá đông nên nhà vua đã cho lệnh xây cất “Tam Cung” và “Lục Viện” cho mỗi bà ở một phòng riêng mới đủ chỗ. Dưới thời Nguyễn, Tam cung là: cung Diên Thọ là nơi dành cho các bà Hoàng Thái Hậu, Thái Hậu là những bà vợ của các vị vua đã băng hà, và có cả viên thái giám ở đó nữa; cung Trường Sanh là nơi dành cho các bà vợ vua đang tại ngôi; cung Khôn Thái được thiết lập gần điện Cần Chánh chỗ vua ở. Cung này dành riêng cho các bà Hoàng Quý phi. Có thể nói, Hoàng quý phi là chức đứng đầu trong Cửu giai8. Lệ này được duy trì tới 12 đời vua triều Nguyễn, và tới Bảo Đại là vị vua thứ 13 mới cho lập lại chức Hoàng hậu.

Lục viện cũng gọi là Lục uyển đều chỉ chung cung viện mà hậu phi ở, khái niệm này được dùng phổ biến ở Trung Quốc. Do kiến trúc của Hoàng cung Huế có nhiều nét tương đồng với Cố cung Trung Quốc, nên kiến trúc Lục viện trong Tử Cấm Thành cũng có phần giống với Lục viện của Cố cung Bắc Kinh. Lục Viện dưới thời Nguyễn không nhất thiết chỉ có 6 viện, mà ở mỗi triều đại đều có sự thay đổi nhất định. Dưới thời Gia Long, Lục viện chỉ có viện Thuận Huy và điện Trinh Minh (xây dựng năm 1810 dành cho các bà nhất, nhị giai phi), thời Minh Mạng có 6 viện, đến đầu thời Thiệu Trị sau khi xây thêm hai viện Đoan Thuận, Đoan Hòa (1843) thời điểm này Lục viện đã lên đến 11 viện và điện Trinh Minh. Bao gồm các viện: Thuận Huy, Tần Trang, Lý Thuận, Đoan Huy, Đoan Trang, Đoan Tường, Đoan Chính, Đoan Thuận, Đoan Hòa, Đông Tòng, Tây Tòng. Nếu tính cả điện Trinh Minh - chỗ ở dành cho các bà nhất, nhị giai phi thì Lục viện cũng có số lượng là 12 cung, viện tương tự như Lục viện của Cố cung Bắc Kinh. Điều này khá phù hợp với kiến trúc trong Hoàng cung thường lấy con số 9 làm quy chế xây dựng, ở Lục Viện lại dùng số 6 phù hợp với cách nói “hậu lập lục cung”9.

Liên quan đến việc tổ chức và quản lý hậu cung, dưới thời Nguyễn đã đặt ra Lục thượng để điều hành mọi việc liên quan đến việc dạy dỗ các cung phi và giữ gìn đồ vật trong Nội cung và cử các nữ quan giúp việc. Nữ quan được chọn vào vị trí này thường là do các bà trong Nội cung được vua tin tưởng do có quá trình làm việc cẩn trọng hay do triều đình tuyển vào để sắp xếp mọi việc liên quan đến tổ chức đời sống tinh thần và vật chất trong cung cấm. Công việc trong cung cấm chia làm 6 lĩnh vực, mỗi lĩnh vực do một ty đảm trách, tất cả có 6 ty nên được gọi là Lục thượng (thượng nghĩa là coi sóc, quản lý), bao gồm có: Thượng nghi, Thượng trân, Thượng khí, Thượng phục, Thượng thực, Thượng y, đứng đầu mỗi ty là một Quản sự10. Dưới thời vua Minh Mạng cũng đã chia đặt lại các nữ quan làm Lục đẳng (sáu hạng) để giúp việc. Đại Nam thực lục đã ghi chép Lục đẳng như sau: “Lục thượng quản sự cùng với tư nghi và tư trân đều là thủ đẳng (hạng đầu). Lục thượng thống sự cùng với tư hương và tư khí đều thứ đẳng (hạng thứ hai). Lục thượng thừa sự cùng với tư y và tư thảng đều là trung đẳng (hạng trung). Lục thượng túy sự cùng với các ban quản ban đều là á đẳng (hạng thứ). Lục thượng tòng sự cùng với các ban lãnh ban đều là hạ đẳng (hạng dưới). Chức mục các ban và đầu mục cung nô đều là mạt đẳng (hạng cuối). Ban có 8: ban Thiều Quang, ban Thụy Nhật, ban Kim Hoa, ban Hương Cẩm, ban Tường Loan, ban Nghi Phượng, ban Tiên Quế, ban Ngọc Mai”11.

Trong tín ngưỡng thờ Mẫu thì ta lại gặp khái niệm này được vận dụng trong tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế với khái niệm “Tam tòa, Lục phủ” để biểu thị sự đứng đầu trong hệ thần linh, quản lý, điều hành nhiều công việc quan trọng của tín ngưỡng này. Tam tòa hay còn được nói rõ là Tam tòa Thánh Mẫu hay Tam cung Vương Mẫu là Cung Mẫu Đệ Nhất Thượng Thiên, Cung Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn và Cung Mẫu Đệ Tam Thủy Cung. Vốn tín ngưỡng này là tôn sùng các bà Mẹ, nên đứng đầu nghiễm nhiên cũng phải là các vị Thánh Mẫu. Khái niệm Tam cung còn xuất hiện trong kiến trúc điện Huệ Nam với tòa Minh Kính Đài, vốn là nơi thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na và Hội đồng chư vị, bao gồm: Minh Kính Cao Đài Đệ Nhất Cung; Minh Kính Trung Đài Đệ Nhị Cung và Minh Kính Tiểu Đài Đệ Tam Cung. Và dưới Tam Tòa Thánh Mẫu là Lục phủ Tôn Ông mà như trên đã phân tích là cùng với vua Đồng Khánh tạo thành Thất Thánh. Lục Phủ Tôn Ông không phải là các vị nam thần cai quản ở sáu phủ (tín ngưỡng này chỉ có bốn phủ), mà Phủ ở đây là vị, nhưng được sự phân công của Thánh Mẫu mà được cai quản ở các cõi khác nhau.

Khác với Ngũ Vị Tôn Quan ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, ở Huế lại phổ biến với khái niệm Lục Phủ Tôn Ông dùng để chỉ sáu vị nam thần có quyền lực tối thượng, thường về chứng đàn trong các khóa lễ của người Huế. Lục Vị Tôn Ông bao gồm: Đệ Nhất và Đệ Nhị Thượng Thiên, Đệ Nhất và Đệ Nhị Thượng Ngàn và Đệ Nhất và Đệ Nhị Thủy Cung. Hai Quan Lớn cõi Thượng Thiên sẽ về chứng sớ Hội Đồng, hai vị quan ở cõi Thượng Ngàn về chứng sớ ở cõi Thượng Ngàn, hai vị Thủy Cung sẽ về chứng sớ Thủy Phủ (Phủ hạ), còn cõi Trung Thiên do các Thánh Bà Tam Động Hỏa Phong thần nữ đảm nhận.

Vốn xuất phát từ chốn cung đình nhà Nguyễn, Tam cung Lục viện khi được cung đình hóa trong tín ngưỡng thờ Mẫu đã chuyển đổi thành Tam tòa Lục phủ. Đi kèm với sự chuyển đổi này thì chức năng cũng thay đổi theo, và rõ ràng, các Mẫu không chỉ quản lý các nữ thần mà còn quản lý cả nam thần. Từ xuất hiện ở chốn hậu cung khi qua lăng kính tín ngưỡng thờ Mẫu, khái niệm này được nâng lên ở vị trí đứng đầu trong Hội đồng Thiên triều, vốn chỉ là vua và văn võ bá quan chức lớn mới được nghị bàn và quyết định. Chính bản thân vua Đồng Khánh cũng nhìn nhận mình là đệ tử của Mẫu, chịu sự quản lý của các Bà, thì hẳn nhiên đây chính là quyền lực mềm của các Thánh Mẫu. Mặc dù tồn tại và phát triển dưới thời nhà Nguyễn, một triều đại rất xem trọng tư tưởng Nho giáo, có sự phân biệt rạch ròi các quy tắc “nam tả nữ hữu”, trọng nam khinh nữ, lại tồn tại một nơi có vị trí quan trọng hơn Ông12. Ngoài ra, con số sáu được thể hiện qua ban thờ Lục đinh, Lục giáp tại Đệ Nhị Cung ở điện Huệ Nam, Lục Phủ Tôn Cậu,…

3. Cung đình hóa trong thần điện và nghi lễ lên đồng

Với niềm tin mạnh mẽ vào Thánh Mẫu Thiên Y A Na và ngôi đền trên núi Ngọc Trản, các vua nhà Nguyễn và sau này là vua Đồng Khánh đã từng bước can thiệp và cung đình hóa tín ngưỡng này lên một cách cao độ. Chính việc làm này đã tạo nên một hiệu ứng domino tâm linh từ chốn cung đình cho đến dân gian. Hưởng ứng dòng lan truyền này không chỉ có các bà hoàng, công chúa, mà còn quan lại, quý tộc. Trong chốn hoàng cung cũng đã xuất hiện ban thờ Mẫu tại Khương Ninh Các, hay lăng vua Đồng Khánh được vua Khải Định xây dựng ban thờ Mẫu, được đặt cạnh điện Ngưng Hy,…

Tượng Mẫu tại chùa Đông Thuyền
và ở chùa Quy Thiện


Qua khảo sát một số ngôi cổ tự của Huế, ngoài ban thờ Phật tại chánh điện, còn xuất hiện ban thờ Mẫu cũng nằm trong khuôn viên của nhà chùa, tiêu biểu như chùa Viên Thông, chùa Quy Điền, chùa Vạn Phước, chùa Đông Thuyền. Điểm đặc biệt ở những pho tượng Mẫu hay hầu cận được thờ ở đây là trên tượng được trang trí các mẫu áo theo phong cách nhà Nguyễn như Phụng Bào, Mã Tiên Mạng Phụ, Mã Tiên Nữ Nhạc,… Áo cổ đứng, được trang trí bằng các hình phượng, mây, hoa và dưới còn có tam sơn thủy ba.

Ngoài tượng thờ, dấu ấn trang phục cung đình còn được thể hiện qua các y phục, phụ kiện trong nghi lễ lên đồng. Các Quan Lớn thì mang áo mãng bào (rồng 4 móng), mang đai thắt lưng rồng, hia rồng; các Thánh Bà thì mang Phụng Bào, hoặc áo Nhật Bình, đi hia phụng. Hay trên y phục của các Ông Hoàng, các Cậu thì áo có trang trí cả tứ linh, rồng ổ, hổ phù,… tất cả đều có tam sơn thủy ba.

Áo của Quan Lớn
Áo của Thánh Bà
Hài phụng của Thánh Bà
Hài và hia của quan lớn


Ngoài ra, các phụ kiện hầu đồng như trâm, gương, hộp phấn, tráp đựng tiền, mạng chéo, thẻ bài, tằm đeo, gối vỗ… đều chịu ảnh hưởng trong cung đình Nguyễn.

Trâm cài của Thánh Bà và Thẻ Bài của Quan Lớn, Cậu
Gối tựa và đôn ngồi


Trong kiến trúc điện thờ Mẫu, các hoa văn trang trí trên khám thờ, bàn thờ, cột đều được trang trí chủ đề tứ linh, bát bửu, bát khánh, tứ thời,… theo dạng sơn son thếp vàng được thể hiện trên cả chất liệu gỗ và xi măng.

Rồng trên trần tại Sơn Linh cảnh
và rồng cuộn ở các cột tại Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo


Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Huế được quy định và hoạt động trong bốn phủ bao gồm: Thượng Thiên, Thượng Ngàn, Trung Thiên và Thủy Phủ, cấu thành nên thiết chế Tứ phủ. Nhưng điều hành, có quyền lực tối cao là cõi Thượng Thiên, nơi ngự trị của Ngọc Hoàng thượng đế và Tam Tòa Thánh Mẫu cùng các chư vị thuộc Hội đồng Thiên triều. Hệ thống thần linh cũng được phân tầng theo quy định quan chế nhà Nguyễn, gắn liền với vị trí của họ. Đứng đầu hàng Quan Lớn có Quan Đệ Nhất Thượng Thiên, Đệ Nhị Thượng Thiên, tương ứng thuộc các quan tòng Nhất phẩm, Nhị phẩm, còn đứng đầu các Thánh Bà là Bà Đệ Nhất Trung Thiên tương ứng với chức Nhất giai ở hậu cung. Xét về văn sớ cầu cúng của tín ngưỡng Tứ phủ cộng đồng ở Huế thì mỗi cõi đều có một Thánh Mẫu cai quản (Vương Mẫu), ở mỗi cõi lại được tổ chức như một triều đình phong kiến thu nhỏ có các chức vụ như giám sát, khâm sai, quan lớn, Thánh Bà, Công chúa13.

Ban thờ Hội đồng tại điện Hoằng Hóa
và cảnh Cậu ở Sơn Chúa điện


Đối với nhạc lễ trong tín ngưỡng thờ Mẫu mà cụ thể là âm nhạc chầu văn, các cung văn khi hát văn hoặc tấu nhạc đều sử dụng một số bài trong âm nhạc cung đình như Đăng Đàn Cung, Lưu Thủy Kim Tiền, Xuân Phong Long Hổ,… để các Thánh về tấu nhang, lễ bái trước khi thực hiện các động tác múa đồng.

Kết luận

Từ dân gian rồi xuất hiện trong chốn cung đình và sau đó lại được trở lại dân gian, đó là vòng đời hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu của vùng Huế. Bắt nguồn từ niềm tin về một vị nữ thần được thờ phụng tại đền ở núi Ngọc Trản, tín ngưỡng thờ Mẫu đã dần được “lột xác” khi được triều đình nhà Nguyễn cung đình hóa. Từ hệ thống thần linh, kiến trúc điện thờ, tượng thờ, trang phục hầu đồng, âm nhạc chầu văn đều mang đậm rõ nét di sản cung đình mà nhà Nguyễn đã để lại. Rõ ràng, di sản cung đình nhà Nguyễn đến nay vẫn được hiện diện trong đời sống tinh thần của người Huế và cũng chính những trang phục, phụ kiện hầu đồng, các đồ án sơn son thếp vàng trên kiến trúc điện thờ Mẫu đã góp phần lưu giữ và bảo tồn văn hóa cung đình nhà Nguyễn.

N.H.P
(TCSH48SDB/03-2023)

 

--------------------------------
1. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên) (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr. 27-28.
2. Nguyễn Thị Nguyệt (2012), “Hình tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu trong truyện kể dân gian”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10, tr. 70.
3. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 64.
4. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 234.
5. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 249-250.
6. Trần Đại Vinh (2017), “Tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135), tr. 5.
7. Lễ Khai bàn hay còn gọi là lễ Cầu an của những tín đồ thờ Mẫu ở Huế được tổ chức vào dịp đầu năm và diễn ra trong suốt cả tháng Giêng âm lịch đầu năm.
8. Dưới thời Minh Mạng, Cửu giai được phân chia như sau: Hoàng Quý phi, Nhất giai, Nhị giai, Tam giai, Tứ giai, Ngũ giai, Lục giai, Thất giai, Bát giai và Cửu giai.
9. Lê Thị Toán (2010), “Lục viện và cung phi mỹ nữ triều Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (78), tr. 47.
10. Lê Thị An Hòa (2020), “Tổ chức hoạt động và cuộc sống của các bà trong Nội cung nhà Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163), tr. 144-145.
11. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, tr. 864.
12. Huỳnh Thị Anh Vân (2003), “Điện Huệ Nam và sự giao lưu văn hóa Chăm - Việt”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3, tr. 56.
13. Trần Đại Vinh (2017), “Tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135), tr.3-14.

 

__________________

Tài liệu tham khảo:
1. Lê Thị An Hòa (2020), “Tổ chức hoạt động và cuộc sống của các bà trong Nội cung nhà Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 9 (163), trang 143-158.
2. Nguyễn Thị Nguyệt (2012), “Hình tượng Thiên Y A Na Thánh Mẫu trong truyện kể dân gian”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10, trang 67-76.
3. Nguyễn Hữu Phúc (2019) “Vai trò của vua Đồng Khánh đối với sự phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 8, tr. 88-105.
4. Nguyễn Hữu Phúc (2021), “Những nhân tố tác động đến sự hình thành và phát triển tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ ở Huế", Tạp chí Huế Xưa và Nay, số 163, trang 58-70.
5. Nguyễn Hữu Phúc (2022), "Đức tin của vua Đồng Khánh về Phúc thần Thiên Y A Na nhìn từ di sản Hán Nôm tại điện Huệ Nam", Tham luận trình bày tại Hội nghị Nghiên cứu Hán Nôm do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, Hà Nội và đang được xuất bản.
6. Quốc sử quán triều Nguyễn (2002), Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
7. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 4, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
8. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, tập 9, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
9. Nguyễn Hữu Thông (Chủ biên) (2001), Tín ngưỡng thờ Mẫu ở miền Trung Việt Nam, Nxb. Thuận Hóa, Huế.
10. Lê Thị Toán (2010), “Lục viện và cung phi mỹ nữ triều Nguyễn”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (78), trang 47-54.
11. Huỳnh Thị Anh Vân (2003), “Điện Huệ Nam và sự giao lưu văn hóa Chăm - Việt”, Tạp chí Di sản Văn hóa, số 3, trang 55-57.
12. Trần Đại Vinh (2017), “Tín ngưỡng thờ Mẫu và chư vị ở Thừa Thiên Huế”, Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 1 (135), trang 3-14.

 

 

Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng