Ai ra xứ Huế
Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử
15:09 | 13/09/2023


TRẦN VĂN DŨNG

Đệ Ngọc Lâm công chúa và những câu chuyện lịch sử
Cổng và bình phong đệ Ngọc Lâm công chúa

1. Mở đầu

Hệ thống phủ đệ xưa ở Huế như dấu gạch nối giữa cung đình và dân gian, làm nên một cốt cách Huế rất khác biệt, vừa quyền quý vừa bình dị, vừa sang trọng nhưng lại rất khiêm nhường. Góp phần tô điểm cho nét đặc trưng riêng đó, không thể không nhắc đến đệ Ngọc Lâm công chúa tọa lạc bên dòng sông An Cựu1 hiền hòa. Thời gian có thể làm đổi thay mọi thứ, nhưng chừng nào dấu ấn về đệ trạch của Ngọc Lâm công chúa còn hiện diện, thì những con người, những câu chuyện liên quan vẫn mang dáng vẻ riêng, vẫn phảng phất đường nét từ bao năm xưa cũ của đất Thần kinh.

2. Nàng công chúa có tấm lòng nhân hậu

Kim bài của Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa do họa sỹ Nguyễn Thứ vẽ trên chất liệu màu nước. Nguồn: Tập san BAVH (số 4/1915)

Hoàng nữ Nguyễn Phúc Dĩ Ngu2 -阮福以娛sinh năm Ất Dậu (1885), là con gái trưởng của vua Đồng Khánh, mẹ là Quý phi Nguyễn thị3. Năm Thành Thái thứ 13 (1901), Hoàng Trưởng nữ Dĩ Ngu hạ giá lấy Toản tu Nguyễn Hữu Tý4. Triều đình chiếu theo lệ định cấp nữ trang và phủ đệ tất cả là 2500 đồng. Hoàng thân An Xuyên Quận vương Miên Bàng làm chủ hôn và Hiệp biện Đại học sĩ Cao Xuân Dục sung việc thu xếp tổ chức đám cưới5. Đến năm Duy Tân thứ 2 (1908), đức bà Dĩ Ngu được triều đình tấn phong mỹ hiệu Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa - 玉林太長公主. Về vai vế, vua Duy Tân là cháu gọi Hoàng Trưởng nữ Dĩ Ngu bằng cô, nên mới sách phong cho đức bà làm Thái Trưởng công chúa. Ngoài ra, nhà vua còn ân ban cho đức bà Ngọc Lâm một chiếc kim bài (bài bằng vàng) có mặt trước khắc 6 chữ Hán Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa -玉林太長 公主và mặt sau khắc 2 chữ Hán “Sắc tứ - 敕 賜” bằng vàng chạm nổi và nạm 2 viên hồng ngọc, xung quanh có viền hoa văn hình lưỡng phượng khắc chìm.

Đức bà Ngọc Lâm được báo chí đương thời đánh giá là một vị công chúa “rất thâm uyên Hán học và tính tình rất vui vẻ, nhân đạo, từ bi”6 . Đức bà thường cùng với các thành viên chủ chốt của Hội Lạc Thiện7 tổ chức các buổi múa hát có bán vé nhằm quyên góp tiền ủng hộ cho những địa phương và đồng bào chịu ảnh hưởng bão lũ vượt qua cơn hoạn nạn. Điển hình vào tháng 11 năm Quý Dậu (1933), tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đón nhận cơn bão mạnh, kèm theo những đợt mưa lớn dồn dập. Không có bất kỳ lời cảnh báo bão lũ nào từ chính quyền thông báo đến người dân. Vài ngày sau, nước từ các con sông nhanh chóng phủ kín khắp đồng bằng, làng mạc chìm trong biển nước, hàng vạn người dân vùng hạ du lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Để có thể san sẻ nỗi đau mất mát của đồng bào trong cơn bão lũ, đức bà Ngọc Lâm đã bàn bạc cùng với Mỹ Lương công chúa, Tân Phong công chúa mở cuộc hát múa tại Viện Dân biểu Trung Kỳ nhằm vận động lạc quyên để lấy tiền giúp đồng bào tỉnh Bình Phú. Tham dự buổi biểu diễn hát múa có sự hiện diện của vua Bảo Đại, cùng sự góp mặt đông đảo các quan đại thần của chính quyền Nam triều, viên chức trong bộ máy chính quyền Bảo hộ, các nhà tư sản, chủ hiệu buôn lớn,…

Sau một thời gian lâm bệnh, đức bà Ngọc Lâm công chúa đã mệnh chung vào ngày 16/9/1942, hưởng thọ 58 tuổi. Sự ra đi đột ngột của đức bà Ngọc Lâm đã “để lại một mối thương tiếc cho những người được hân hạnh biết ngài hoặc thọ ân ngài”8. Nhận được tin buồn, vua Bảo Đại đã bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc, hạ dụ định ngày 24/9/1942 sẽ cử hành tang lễ đức bà Ngọc Lâm công chúa và ban thụy hiệu là Mỹ Thục 美淑.

Từ Đà Lạt trở về Huế, vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương liền cùng Đoan Huy hoàng thái hậu ngự giá đến đệ của Ngọc Lâm công chúa, gần cung An Định vào lúc 4 giờ chiều ngày 16/9/1942. Đi theo hầu có quan Đổng lý Ngự tiền Văn phòng Trần Văn Lý, hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn và các quan chức ở Ngự tiền Văn phòng. Tại đệ trạch có Phò mã Nguyễn Hữu Tý, Thượng thư Bộ Lễ nghi Ưng Úy, Kiêm nhiếp Tôn Nhơn Phủ Tôn Thất Cổn và Phủ thừa Nguyễn Tiến Lãng túc trực nghênh giá. Khi đến đệ Ngọc Lâm công chúa, vua Bảo Đại, Đoan Huy hoàng thái hậu và hoàng hậu Nam Phương đã đến tưởng niệm trước linh cữu đức bà Ngọc Lâm đặt ở gian giữa chính đường và thắp nén hương tưởng nhớ.

Đám tang đức bà Ngọc Lâm công chúa đã thu hút sự quan tâm theo dõi sát sao của báo giới và dư luận xã hội lúc bấy giờ. Báo Tràng An đặt tòa soạn tại Huế đã có nhiều bài viết tường thuật chi tiết về lễ tang đức bà Ngọc Lâm. Do dung lượng của bài viết, chúng tôi không dẫn ra đây. Đó là một nguồn tư liệu rất đáng tin cậy, giúp cho người đời sau hình dung rõ nét hơn về các nghi thức trong tang lễ truyền thống của một vị công chúa triều Nguyễn mà sử liệu chính thống quan phương được biên soạn theo dạng biên niên dưới thời Nguyễn ít đề cập đến.

3. Không gian sống và chốn thờ tự

Niên hiệu Thành Thái năm thứ 13 (1901), Hoàng Trưởng nữ Dĩ Ngu kết hôn với Toản tu Nguyễn Hữu Tý, và theo lệ định được triều đình cấp tiền bạc để dựng đệ trạch làm nơi sinh sống. Sau đó, bà chúa bỏ tiền riêng ra mua một mảnh vườn rộng 2.834,65m2 nằm bên dòng sông An Cựu thuộc làng Dương Phẩm để xây dựng đệ trạch. Vị trí đệ hoàng nữ Dĩ Ngu có phía Bắc giáp tư thất của Nguyễn Văn Kiêm, phía Đông giáp tư thất của công tôn Bửu Phong9, phía Tây giáp tư thất của Cu Ho, phía Nam giáp sông An Cựu (tức sông Phủ Cam); và cũng nằm gần phủ Kiên Thái Vương, cung An Định10.

Bản vẽ mốc giới thửa đất tọa lạc đệ Ngọc Lâm công chúa vào năm 1930


Xét về phong thủy đây là cuộc đất đầy vượng khí. Tổng thể kiến trúc đệ Ngọc Lâm công chúa gồm các hạng mục: bến nước, cổng, bình phong, nhà chính, nhà phụ và sân vườn. Đến năm Duy Tân thứ 2 (1908), đức bà Dĩ Ngu được triều đình sách phong làm Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa. Tháng 6 năm đó, đức bà được vua Duy Tân chuẩn cấp 750 đồng để tu bổ đệ trạch11 .

Sau khi Ngọc Lâm công chúa qua đời, Phò mã Nguyễn Hữu Tý đã cho xây dựng thêm một nhà rường kiểu 1 gian 2 chái nằm trong khuôn viên đệ trạch để làm nơi thờ tự vong linh công chúa; còn ngôi nhà rường 3 gian 2 chái (nơi cư trú của bà chúa khi còn sống) vẫn được sử dụng làm nơi ăn ở của Phò mã Nguyễn Hữu Tý cùng con cháu.

Trải qua hơn 120 năm, kiến trúc đệ trạch Ngọc Lâm công chúa đã bị biến đổi rất nhiều trong quá trình đô thị hóa. Trong thâm tâm chúng tôi không khỏi lấy làm xót xa, thời gian đã làm mờ đi nhiều giá trị xưa cũ. Bởi nơi đây từng hiện diện một cơ ngơi tòa ngang dãy dọc, khu vườn rộng rãi bốn mùa cây trái xum xuê. Mà giờ đây diện tích sân vườn đệ trạch rộng hàng ngàn mét vuông bị chia năm xẻ bảy, nhiều nhà cao tầng mọc lên san sát khắp nơi làm phá vỡ cảnh quan kiến trúc truyền thống. Hiện nay, khuôn viên đệ trạch của đức bà Ngọc Lâm đã bị chia tách thành hai thửa đất khác nhau. Thửa đất tại địa chỉ số 171 Phan Đình Phùng (thuộc phường Phú Nhuận, thành phố Huế) là nơi lưu giữ dấu tích đệ trạch của công chúa Ngọc Lâm khi còn sống, còn thửa đất tại địa chỉ số 167 Phan Đình Phùng là nơi thờ phụng đức bà Ngọc Lâm nhưng lại lùi vào sâu và nhường mặt tiền cho các cửa hàng, nhà cửa hiện đại. Vì vậy, chúng ta quan sát hai vị trí này đều có kiến trúc cổng ngõ và bình phong xưa nằm ở phía trước.

Kiến trúc đệ trạch của đức bà Ngọc Lâm công chúa (tại số 171 Phan Đình Phùng) nay chỉ gìn giữ được bến nước, cổng ngõ và bình phong cổ, còn ngôi nhà chính kiểu nhà rường 3 gian 2 chái chạm trổ tinh xảo đã bị hạ giải vào năm 1990. Cổng và bình phong được thể hiện trên chất liệu tạo hình nề vữa mang vẻ đẹp đầy tinh tế, sang trọng. Cổng vòm       xây bằng gạch, vôi vữa, có trang trí hình tượng quả đào, lựu, hoa sen. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài là bức hoành cuốn thư đắp nổi biển ngạch đề năm chữ Hán “Ngọc Lâm công chúa đệ - 玉林公主第” (Đệ của Ngọc Lâm công chúa), và mặt trong của cổng cũng được tạo tác bức hoành đề ba chữ Hán “Xích ngũ thiên - 尺五天”12

Biển ngạch đề năm chữ Hán “Ngọc Lâm công chúa đệ - 玉林公主第” (Đệ Ngọc Lâm công chúa)


Sau cổng vòm là bức bình phong có kiểu dáng đặc biệt ít thấy tại các công trình kiến trúc truyền thống khác tại cố đô Huế. Bình phong xây bằng gạch, quét vôi màu trắng và cấu trúc dạng cuốn thư cách điệu. Chính giữa bình phong có trổ chữ Thọ theo lối chữ triện và 5 con dơi (ngũ phúc) chiếm vị trí chủ đạo. Phía trên bình phong có hình tượng quả đào, lựu, Phật thủ và hoa sen được thể hiện rất trau chuốt. Phía dưới chân bình phong còn có các họa tiết trang trí hoa văn mây, sóng nước và hoa dây đan vào nhau. Đã qua bao mùa mưa nắng, thời gian làm cho chiếc cổng và bình phong thêm rêu phong cổ kính.

Bức bình phong trang trí họa tiết tinh xảo tại đệ Ngọc Lâm công chúa


Từ đường đức bà Ngọc Lâm công chúa (tại số 167 Phan Đình Phùng) còn giữ gìn khá nguyên vẹn. Nhà thờ quay mặt nhìn về hướng Nam, phía trước có sông An Cựu chảy ngang làm yếu tố minh đường. Từ ngoài vào trong, nhà thờ gồm có các công trình được xây dựng theo thứ tự sau: cổng, bình phong, nhà thờ chính và sân nhà. Ra vào nhà thờ Ngọc Lâm công chúa có một cổng ngõ hình vòm xây bằng gạch, vôi vữa, tường quét vôi màu vàng, nóc mái trang trí họa tiết hoa lá “hóa” và các hoa văn cách điệu. Chính giữa cổng, ở mặt ngoài, bên dưới mái là kiểu bố cục ô hộc theo chiều dọc tạo nên biển ngạch đề năm chữ Hán: “Ngọc Lâm công chúa từ - 玉林公主祠” (Nhà thờ Ngọc Lâm công chúa). Tả hữu cổng có hai cột trụ thẳng đỡ mái, mũ trụ và chân cột có trang trí hoa văn. Nằm giữa hai trụ có trang trí câu đối bằng chữ Hán nhưng đã mờ nét theo thời gian. Sau cổng vòm là bức bình phong theo kiểu cuốn thư, quét vôi màu vàng và tại vị trí chính giữa có trổ chữ Thọ theo lối chữ triện. Bình phong dùng để che chắn cho nhà thờ khỏi mọi tai ách đến từ bên ngoài.

Toàn cảnh từ đường Ngọc Lâm công chúa


Bước qua tấm bình phong là nhà thờ chính với kiểu dáng nhà rường 1 gian 2 chái13. Toàn bộ tòa nhà này có các cột gỗ khỏe chắc để mộc, bào nhẵn và đứng song hàng từng cặp tựa trên chân đá tảng hình vuông. Hệ thống cột này có khả năng chịu lực lớn, chống đỡ bộ khung nhà bằng gỗ lim. Các cấu kiện trong hệ khung gỗ liên kết bằng kỹ thuật lắp ráp mộng và kèo chồng chắc chắn, tháo lắp dễ dàng. Loại hình liên kết vì nóc ở đây thuộc kiểu vì kèo dân dụng biến thể đặc trưng xứ Huế. Bộ vì kèo nằm bên dưới mái có hai kẽ dài đan chéo nhau ăn mộng (giao nguyên) ở đỉnh vì, đỡ thượng lương (đòn dông) rồi chạy dài theo chiều dốc của mái xuống đầu cột cái ở hàng nhất. Ở mỗi đầu trếnh và đầu kèo có chạm khắc hình ảnh hoa văn hoa lá, bát bửu khéo léo. Chính giữa chính đường là gian thờ chính, được bài trí theo nguyên tắc “tiền Phật hậu linh”, phía trước thờ Phật, phía sau thờ phụng di ảnh và thần chủ Ngọc Lâm công chúa và Phò mã Nguyễn Hữu Tý. Gian tả hữu thiết trí hai bàn thờ để thờ phụng các con cháu hậu duệ đã khuất của gia tộc.

Di ảnh và thần chủ Ngọc Lâm công chúa và Phò mã Nguyễn Hữu Tý


4. Nơi an giấc ngàn thu

Sau khi an táng linh cữu đức bà Ngọc Lâm công chúa tại cuộc đất cát tường về mặt phong thủy ở dưới chân núi Ngự Bình14, thì Phò mã Nguyễn Hữu Tý đã giao cho con trai trưởng là Hiệu úy Nguyễn Hữu Lai coi sóc việc xây dựng viên tẩm. Cấu trúc tẩm mộ của đức bà Ngọc Lâm với các đơn nguyên kiến trúc chính sau: cổng, la thành, bình phong tiền - hậu, bi đình, bia mộ và nấm mộ. Viên tẩm đức bà được xây bằng gạch và làm hoàn toàn bằng chất liệu nề đắp nổi tạo nên chất màu trang nhã, trầm lắng, là một trong những viên tẩm công chúa đẹp nhất còn lưu lại đến ngày nay.

Toàn cảnh viên tẩm Ngọc Lâm công chúa


Nhìn từ xa, cổng kiểu cổ lâu cho chúng ta cảm giác về một công trình kiến trúc vững chãi và đồ sộ. Cổng nằm chính giữa tường thành, được trổ một lối đi, theo dạng cửa vòm và được dẫn lên bằng hệ thống bậc cấp. Đỉnh và các góc mái trang trí họa tiết hoa lá “hóa”. Trên cổng có trang trí các ô hộc hình vuông, hình chữ nhật với hoa văn kỷ hà dạng hồi văn, bát bửu, tứ thời mềm mại và uyển chuyển. Hai bên trụ cổng có trang trí câu đối bằng chữ Hán. La thành được xây bằng gạch, có 1 vòng thành.

Ngay sau vòm cổng là bức bình phong tiền được xây bằng gạch, nằm chính giữa trục thần đạo, có kích thước tương xứng với quy mô tẩm mộ, và mang chức năng chính che chắn tất cả yếu tố bất lợi xâm nhập vào mộ phần. Bình phong có dạng kiểu cuốn thư, trang trí họa tiết chữ Thọ, hoa lá và đặc biệt là hình tượng con dơi chiếm một vị trí đáng kể trên bình phong chính với những tiết điệu bố cục cân xứng, nét khối đắp nề sinh động, lạ mắt. Bi đình nằm ở trước tẩm mộ, đây là nơi đặt bia mộ, bát nhang và thiết soạn quả phẩm phục vụ việc cúng bái. Phía mặt sau bi đình có trang trí họa tiết cây mai, với hình ảnh tượng trưng cho người phụ nữ.

Bi đình, nấm mộ và bình phong hậu tại viên tẩm Ngọc Lâm công chúa


Bia mộ có hình “tam sơn”, với phần trán bia, tai bia, diềm bia được chạm khắc nhiều hình nét hoa văn tinh tế. Trán bia trang trí hình tượng “lưỡng phượng chầu mặt nhật” (hai con chim phượng quay đầu chầu mặt trời). Sự kết hợp những đám mây, tia lửa, hình tượng mặt trời, đôi phượng đã tạo nên tính tượng trưng, tôn vinh về địa vị và danh phận cao quý của chủ nhân tẩm mộ. Diềm và đế bia trang trí hình tượng hoa sen nhằm biểu thị sự thanh bạch và nét thuần khiết tâm linh. Dòng đại tự bố trí chính giữa lòng bia ghi “Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa, thụy Mỹ Thục chi tẩm - 玉林太長公主謚美淑之寢” (Viên tẩm của Ngọc Lâm Thái Trưởng công chúa, thụy Mỹ Thục), có nét chữ khắc sâu, bố cục đăng đối; với dòng lạc khoản: “Bảo Đại Nhâm Ngọ mạnh đông cát đán, Trưởng tử Nguyễn Hữu Lai phụng giám - 保大壬午孟冬吉旦, 長子阮有庲奉 (Buổi sáng tốt lành vào đầu mùa đông năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Bảo Đại [1942]; Con trai trưởng là Nguyễn Hữu Lai kính coi sóc).

Phía sau bi đình là nấm mộ theo kiểu thức “noãn hình” (hình trứng) được xây trên liếp mộ hình chữ nhật. Đây là dạng thức phản ánh quan điểm triết lý Âm - Dương (trên trời/ tròn dưới đất/ vuông), biểu tượng của khát vọng trường tồn, sinh sôi nảy nở. Nấm mộ được đặt tại vị trí quan trọng nhất trong tổng thể khuôn viên tẩm mộ. Tiếp đến là bình phong hậu được giật cao hơn so với la thành. Bình phong xây theo kiểu cuốn thư trang trí hình chim phượng vờn mây bồng bềnh ở vị trí chính giữa tạo nên ấn tượng sinh động, kết hợp phía dưới bệ bình phong hoa lá “hóa” gắn liền với la thành. Bên cạnh hình tượng chim phượng là những motif quả lựu, quả đào, hoa lá được trang trí với bố cục cân xứng, vì vậy chim phượng như hòa mình vào hoa trái, chúng trở nên gần gũi, tao nhã mà vẫn linh thiêng, quý phái. Điều này cho thấy, trong quan niệm phương Đông, viên tẩm của các bà chúa là trang trí hình phượng chiếm vị trí chủ đạo, và cũng là sự tượng trưng cho đức hạnh và sắc đẹp của người phụ nữ Á đông.

5. Lời kết

Tuy xuất thân quyền quý, cao sang nhưng công chúa Ngọc Lâm và Phò mã Nguyễn Hữu Tý luôn giữ lối sống bình dị và tấm lòng nhân hậu. Chính vì vậy, hai ông bà không chỉ được triều thần, quan lại trọng vọng mà còn được người dân quý mến. Dù cho vật đổi sao dời nhưng các giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật còn lưu giữ, đệ Ngọc Lâm công chúa cùng với các phủ đệ, tư thất của các hoàng thân quốc thích, danh gia vọng tộc nằm dọc hai bên dòng sông An Cựu đã góp thêm một nét rất Huế trong sự tổng hòa vẻ đẹp đi cùng năm tháng của mảnh đất Đế đô. Vì lẽ đó, du khách có thể làm một chuyến du ngoạn đến đệ công chúa Ngọc Lâm như tìm về những hoài niệm của Huế xưa, ẩn chứa biết bao câu chuyện lịch sử một thời vang bóng.

T.V.D
(TCSH414/08-2023)

-----------------------------
1 Sông An Cựu còn có tên gọi khác như Lợi Nông, Phủ Cam... Trong văn bản hành chính của người Pháp thường sử dụng tên sông đào Phủ Cam (Canal de Phu Cam).
2 Hoàng nữ Dĩ Ngu là chị em cùng cha khác mẹ với vua Khải Định.
3 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2010). Đồng Khánh Khải Định chính yếu. Nxb. Thời đại - Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, tr. 307.
4 Phò mã Nguyễn Hữu Tý (1885-1943) là con trai thứ 4 của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ, mẹ là bà thứ thất Trần Thị Thảo. Ông có hai người chị gái là Hoàng thái hậu Nguyễn Hữu Thị Nhàn (chính thất của vua Đồng Khánh) và Huyền phi Nguyễn Hữu Thị Nga (thứ thất của vua Thành Thái).
5 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ phụ biên. Cao Tự Thanh dịch. Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, Tp. Hồ Chí Minh, tr. 392.
6 Tràng An báo (1942). “Một cái tang trong hoàng tộc: Ngài công chúa Ngọc Lâm tạ thế”. Số 62 (ra ngày 17/9/1942), Huế, tr. 2.
7 Hội Lạc Thiện thành lập vào năm 1930 tại Kinh đô Huế, với mục đích tập hợp những người có tấm lòng nhân ái, và tổ chức quyên góp giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, dịch họa.
8 Tràng An báo (1942). “Một cái tang trong hoàng tộc: Ngài công chúa Ngọc Lâm tạ thế”. Số 62 (ra ngày 17/9/1942), Huế, tr. 2.
9 Công tôn Bửu Phong là con trai của Kiên Quận công Ưng Quyến (em trai vua Đồng Khánh), cháu nội của Kiên Thái vương Hồng Cai.
10 Mô tả này căn cứ theo nguồn tư liệu còn lưu lại tại từ đường Ngọc Lâm công chúa do ông Nguyễn Hữu Phát (sinh năm 1958), con của cụ Nguyễn Hữu Kiều (1930-1969), cháu nội của Hiệu úy Nguyễn Hữu Lai (1907-1968) cung cấp. Ông Nguyễn Hữu Phát còn cho biết thêm thông tin đệ trạch Ngọc Lâm công chúa xưa có chiều rộng mặt tiền (hướng ra sông An Cựu) gần 70m, tương ứng với địa chỉ số nhà từ 159 đến 173 Phan Đình Phùng hiện nay.
11 Quốc Sử Quán triều Nguyễn (2012). Đại Nam thực lục chính biên Đệ lục kỷ phụ biên. Tlđd, tr. 544.
12 Theo quy định cách đọc chữ Hán là phải đọc từ phải sang trái: “Xích ngũ thiên - 尺五天”, nhưng trong ngữ cảnh đặc biệt này chúng ta phải đọc chữ giữa trước mới hiểu được thông điệp người xưa muốn nói, tức là “Ngũ xích thiên 五尺天”, nghĩa là cách trời chỉ 5 thước, với hàm ý sâu xa rất gần với trời - chủ nhân ngôi nhà này có thân phận là anh chị em ruột với nhà vua đương triều.
13 Nguyên xưa, mái nhà rường lợp bằng ngói liệt, đến năm 2010 con cháu hậu duệ của đức bà Ngọc Lâm đã cho lợp lại thành mái tôn.
14 Viên tẩm Ngọc Lâm công chúa tọa lạc tại địa chỉ số 139 Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế. Tọa độ: 16,444986; 107,595484 [hệ Decimal Degrees - DD].

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Chùa Phổ Quang (29/08/2023)
Tiếng Huế chay (05/07/2023)