Ai ra xứ Huế
Những đặc trưng của hò Huế
14:47 | 16/11/2009
TÔN THẤT BÌNHThừa Thiên Huế vốn là vùng đất miền Trung nổi tiếng về hò. Ngày trước, hò khá phổ biến trên mọi miền đất nước, nhưng đặc biệt ở miền Trung, hò là một đóng góp quan trọng về thể loại dân ca Việt Nam.
Những đặc trưng của hò Huế
Hò Huế trên sông Hương - Ảnh: huevatoi.com

Qua bao thế kỷ, nhân dân đã sáng tạo nên những điệu hò hát để phục vụ cho cách làm ăn đỡ nặng nề buồn tẻ. Từ lối chèo thuyền, đánh cá trên sông ngòi, biển cả, đến việc cấy cày làm ruộng, gặt lúa, trồng cây, chăn tằm... Huế lại còn có nhiều điệu hò để phục vụ sinh hoạt khác. Để có điều kiện để hiểu về Huế hơn, ta có thể tìm hiểu về địa lý, lịch sử con người Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế là một giải đất nằm ở phía Bắc miền Trung Việt Nam, vào khoảng vĩ tuyến 16* Bắc, là một nơi hội tụ các hình thái địa lý của Tổ quốc.

Căn cứ vào những di chỉ đã khai quật trong lòng đất, dựa vào những bộ sử thời xưa để lại, ta có thể thừa nhận Thừa Thiên Huế là một lãnh địa của bộ Việt Thường, một trong 15 bộ của nước Văn Lang vào thời đại Hùng Vương.

Đầu Công nguyên, quan quân nhà Hán chiếm phần đất này, sau bị ta quét sạch, nhưng những thế kỷ kế tiếp, giữa Việt và Chămpa luôn xảy ra những cuộc đụng độ để giành đất sống. Cho đến năm 1104 Lý Thường Kiệt đã giành lại được ba châu Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chămpa, đất đai ta lúc ấy mới tới phía Bắc Quảng Trị.

Năm 1306 Chế Mân dâng hai châu: châu Ô và châu Lý ( phía Bắc Quảng Trị và Thừa Thiên, bao gồm đèo Hải Vân làm sính lễ cưới Huyền Trân công chúa, Huế mới thực thụ trở lại với Việt Nam. Trong suốt các thời kỳ lịch sử của dân tộc, dải đất này nhiều lần bị chia cắt. Nơi đây làm sản sinh những anh hùng hào kiệt như Dương Văn An đã biểu dương trong “ Ô Châu Cận Lục”. Nhân dân Huế trọng tính cần cù, liêm khiết, chân thật và lao động, hiếu học. Huế xứng đáng là một vùng đất văn học, mảnh đất đẹp và thơ của Tổ quốc.

Dựa vào chức năng, ta có thể chia hò Huế thành 3 loại: hò nghi lễ, hò sinh hoạt vui chơi, hò lao động sản xuất và nghề nghiệp.

Về hò nghi lễ, Huế có đưa linh- chèo cạn.

Về sinh hoạt vui chơi có hò ru em, hò bài thai, hò bài chòi, hò bài tiệm và hò nàng vung.

Hò lao động sản xuất và nghề nghiệp có hò ô, hò lơ, hò xay lúa, hò nện ( hay hò hụi), hò quết vôi, hò kéo thác, hò đẩy noốc, hò gọi nghé ( hay nghé ngợ), hò mái nhì ( hay mái đẩy), hò khau đai, hò khau sòng, hò giã gạo ( hay hò khoan).

1. Đặc trưng loại hình văn hóa trong hò Huế.

Hò Huế có những mối tương quan ảnh hưởng với dân ca Nghệ Tĩnh như lề lối trong sinh hoạt hò hát. Tiến trình một cuộc hò giã gạo ở Huế giống như tiến trình hát ví phường Vải xứ Nghệ.

Về phương diện văn học, có một số lượng lớn câu hò giống nhau hoặc tương tự nhau giữa hò Huế với dân ca Nghệ Tĩnh.

Quảng Trị, Quảng Bình là nơi có nhiều mối tương quan đến hò Huế hơn cả. Hò cấy lúa (hò lơ), hò hụi của Quảng Bình và Huế giống nhau. Hò đẩy nước của hai nơi là một. Hò đưa linh có cả hai nơi, cũng như hò giã vôi ( đâm vôi).

Hò Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có rất nhiều điệu hò giống nhau như hò ô, hò giã gạo, hò lơ, hò xay lúa, hò nện, hò quét vôi, hò kéo thác, hò đẩy noốc, hò mái nhì, hò ru em. Những nét giống nhau như vậy cho ta suy đoán một sự tương quan ảnh hưởng về dân ca ở hai vùng đất. Có khi sự liên quan về âm nhạc trong dân ca lại có chiều sâu về thời gian, chiều rộng về không gian như trường hợp hò mái đẩy ( hay mái nhì). Công cuộc khảo cứu của nhạc sĩ Trần Văn Khê đưa đến ức thuyết là: Hò mái đẩy miền Trung nước Việt và dân ca thuộc hệ thống âm giai Pélog của xứ Anh- đô- nê- ziên cùng có một nguồn gốc chung.

Về vị trí của hò Huế trong dân ca Việt Nam, dựa theo tiêu chí làn điệu, khi lập bảng so sánh các làn điệu của hò Huế với các tỉnh Bắc Bộ, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Nam Trung Bộ và Nam Bộ theo hệ thống phân loại, chúng ta thấy nổi bật các điểm sau:

Về thể loại hò nghi lễ, Quảng Bình có nhiều làn điệu nhất, kế đến là Trị Thiên.

Hò sinh hoạt vui chơi ở Huế khá phong phú. hơn các vùng Bắc Bộ, Nghệ Tĩnh và Nam Bộ.

Hò lao động sản xuất và nghề nghiệp ở Huế phong phú hơn hò lao động ở Bắc Bộ và Nghệ Tĩnh.

Trong mối tương quan với dân ca Việt Nam, nếu trong làn điệu hò ở Bắc, yếu tố tình cảm chưa có cơ hội nhiều để phát triển thì trong các làn điệu hò ở Trị Thiên, yếu tố tình cảm giãn nở dần theo tiến trình thời gian trong một cuộc hò.

Ở các câu hò trên sông nước ở Nam Bộ, yếu tố xúc cảm hầu như lấn át. Người ta xem công việc chèo đò như là một động cơ để hò hát.

Hò sông Mã ở Thanh Hóa là giai đoạn muộn của hò lao động do tính chất trữ tình thâm nhập vào quá nhiều. Hò mái nhì, mái đẩy so với hò sông Mã tuy có những nét tương đồng trong tính chất công việc, nhưng âm điệu hò trầm lắng, u buồn. Người ta hò theo ngũ cung hơi Nam giọng ai. Hò Quảng Bình mang tính chất phô phác, khỏe khoắn. Người Quảng Bình hò hát theo ngũ cung đúng, gần như hát giặm Nghệ Tĩnh.

Qua những phần đã trình bày, lý giải ở trên, ta có cơ sở để khẳng định có một vùng hò Huế mang sắc thái khác với các vùng hò Bắc Bộ, Nghệ Tĩnh, Nam Trung Bộ và Nam Bộ mà ngũ cung hơi nam giọng ai là một nét nổi bật tạo nên sắc thái vùng.

2. Nét đặc trưng về nội dung của hò Huế.

Nội dung phản ánh các câu hò trữ tình ở Huế là tiếng nói thắm thiết, giàu tình nghĩa, kín đáo, thương cảm và hướng nội. Tình cảm dễ bộc lộ nhất là ấn tượng đẹp về phong cảnh, con người ở quê hương.

Đối với tình cảm gái trai, sự thắm thiết càng bộc lộ rõ trong những lời than thở, chứng thực qua nghĩa thủy chung.

Nếu tình cảm trai gái được hò Huế thể hiện thật thắm thiết thì những tình cảm đối với gia đình xã hội cũng đầy ân nghĩa tâm tình.

Người phụ nữ Huế có một đời sống nội tâm thật phong phú, một cách sống hướng nội sâu thẳm, âm thầm, kín đáo. Có lẽ do ảnh hưởng nặng tư tưởng Nho giáo của một xứ đã từng là kinh đô. Tính cách này thật khác với tính cách người Nam Trung bộ.

So sánh với ca dao Nghệ Tĩnh, ca dao Thừa Thiên Huế có những nét gần gũi hơn. Ca dao Nghệ Tĩnh thể hiện được sự rắn rỏi, mạnh mẽ của tính cách con người vùng ấy.

Trong ca dao trữ tình Huế, lời nói bớt đanh thép cứng rắn mà dịu dàng hơn. Cái thầm lặng cũng không đến mức lạnh lùng. Đó là những nét dung hòa, gọt bớt cái sắc cạnh, cứng cáp nên nó hiền hơn.

Dân ca Huế còn đậm đà tính chất khôi hài trào phúng. Lối trào phúng ở Thừa Thiên Huế ngoài sự nhẹ nhàng, kín đáo còn có chiều sâu của tư tưởng, ẩn chứa một triết lý nhân sinh thâm trầm sâu sắc.

Bằng óc trào phúng của mình, dân gian châm biếm những kẻ bị quáng mắt bởi đồng tiền, bị đồng tiền vạn năng chi phối mà quên mất nhân nghĩa, đạo lý. Phải có một cuộc đời từng trải, một cái nhìn sắc bén về thế thái nhân tình mới sáng tạo nên được những câu ca dao trào phúng sâu sắc đến thế, nó vẽ nên những nét đậm đà trên diện mạo và làm nổi bật tính cách con người Thừa Thiên Huế.

Đó là hệ quả kết hợp của con người gốc Thanh Nghệ, sống lâu đời trên mảnh đất tích tụ và có điều kiện nâng cao văn hóa khi Thừa Thiên Huế được chọn làm thủ phủ của Chúa Nguyễn và Huế là kinh đô của cả nước kéo dài gần hai thế kỷ.

Sự đóng góp của nho sĩ ở Thừa Thiên Huế vào kho tàng văn học dân gian là nâng cao nội dung và nghệ thuật câu hò lên một mức thanh tao, sâu sắc và văn vẻ. Đó cũng là một nét đặc trưng trong lối nói “ chơi” của dân Thừa Thiên Huế.

3. Đặc trưng về nghệ thuật của hò Huế.

Về hình thức nghệ thuật, ở Huế thể thơ lục bát vẫn được dùng nhưng phổ biến hơn là thể thơ lục bát biến thể và song thất lục bát biến thể.

Qua thống kê các thể thơ trong dân ca Huế, theo các tác phẩm đã in, ta rút được những nhận xét sau:

Về số lượng, thể thơ lục bát biến thể chiếm tỷ lệ xuất hiện cao nhất, thể thơ lục bát và hỗn hợp tương đương, tiếp theo là thể thơ song thất lục bát biến thể.

Các sáng tác hò Huế thường biến thể chứng tỏ sự phóng khoáng hơn trong ngôn ngữ so với sáng tác dân ca ở Bắc Bộ. Đó cũng là dấu hiệu phản ánh tâm hồn đầy tính chất sống động của cư dân ở vùng đất mới.

Thể loại hỗn hợp trong các câu hò Huế có một vị trí đáng kể so với câu hò ở miền Bắc. Nó chiếm một vị trí tương đương với thể lục bát. Kết quả này phản ánh sự dung hòa giữa các mẫu mực cổ điển với cái phóng khoáng mới trong sáng tác dân ca.

Xét kết cấu thi ca, về mặt cấu ý, mỗi câu hò Huế bất kỳ dài ngắn đều gởi gắm ít ra cũng một ý tình trọn vẹn. Để diễn đạt một cách sâu sắc ý tình trọn vẹn đó, câu hò khi dùng thể phú, khi dùng thể hứng, khi dùng thể tỷ, có khi kết hợp hai thể hứng và phú, hứng và tỷ, tỷ và phú.

Về cách sử dụng từ ngữ, ở nơi đây, từ ngữ địa phương được dùng khá phổ biến và nhuần nhuyễn. Nhiều câu Hán tự xen vào các câu hò mộc mạc, dân dã mà vẫn tự nhiên. Trong lối hò đối đáp nam nữ, những tri thức ngôn ngữ được thể hiện thật phong phú.

Để miêu tả, biểu hiện, hò Huế dùng hai phương thức cơ bản: trực tiếp và gián tiếp. Ngoài ra còn có những thủ pháp mỹ từ khác làm cho lối diễn đạt thêm sinh động nhiều màu sắc như nhân cách hóa, cường điệu hóa, sử dụng nhiều môtíp có tính cách tượng trưng, ước lệ, phép ẩn dụ, hình tượng lứa đôi được mỹ hóa.

Một số biểu tượng trong hò Huế có các cặp “ lan- huệ” “ loan- phụng” có tần số xuất hiện cao hơn so với các cặp “ lựu- đào”, “ sen- đào”, “ trúc- mai”, “ chim- cá”.

Qua kết quả thống kê, ta thấy sự sáng tạo trong sáng tác ở dân ca Huế về các cặp biểu tượng ( lan- huệ, lựu- đào, loan- phượng, sen- bèo).

Để xây dựng hình tượng nhân vật trữ tình, hò Huế thường dùng những phương pháp miêu tả, tường thuật, ví von, so sánh và liên tưởng.

Về thời gian nghệ thuật, trong hò Huế, sự quan hệ giữa nhịp độ thời gian tường thuật và trình tự thời gian tường thuật mang một ý nghĩa sâu xa, trọng đại.

Đối với người đang yêu, thời gian luôn mang tính tâm lý, chủ quan. Khi thể hiện, nó còn mang tính công thức ước lệ... Các công thức thường lặp đi lặp lại là: xa nhau một ngày, xa nhau hai ngày, đêm năm canh, ngày sáu khắc...

Thời gian quá khứ trở thành một vùng kín đáo riêng biệt sâu thẳm để lưu giữ những kỷ niệm đẹp trong ký ức những người đang yêu... Thời gian tâm lý chủ quan gắn chặt thời gian quá khứ và hiện tại làm thành một khối không tách lìa dù trên hiện thực khách quan, nó đứt đoạn, chắp nối. Trên bình diện thời gian nghệ thuật, thời gian tâm lý chủ quan chiếm một vị trí quan trọng trong việc thể hiện tình cảm con người Huế, Nó cho ta thấy lòng khát khao, nỗi hoài vọng mong chờ thiết tha của người Huế.

Về không gian nghệ thuật, ta nhận thấy không gian vật lý gần gũi với từng cá nhân trong cuộc đời thường: Bến nước, cây đa, cánh đồng, mái đình, ngôi chùa, đường xóm... Nhịp cầu nối liền hai bờ sông cách biệt trở thành một khoảng không gian vật lý đầy ý nghĩa của sự tương giao, hội tụ thường được các câu hò Huế nhắc đến.

Đặc biệt là những dạng mưa mang sắc thái Huế: mưa dầm, mưa lâm thâm, mưa xối xả, mưa bay bay, mưa sa...

Sắc thái địa phương này còn được thể hiện một cách đậm nét qua những câu hò đầy tính trữ tình mà một trong những yếu tố để tăng tính chất trữ tình đó là sự liên tưởng không gian vật lý với tình cảm của nhân vật chủ thể.

Từ những phân tích và kết quả đã trình bày ở các phần trên, ta có thể nêu lên một số nét đặc trưng trong văn học của hò Huế, đó là:

- Sự năng động của dân ở một vùng đất mới, muốn thay đổi những nề nếp cũ trong sáng tác văn học. Nếu ở miền Bắc, thể thơ lục bát và song thất lục bát chỉnh thể được dùng nhiều thì ở Huế lại phổ biến thể thơ lục bát biến thể và song thất lục bát biến thể.

- Sự sáng tạo trong lối sử dụng từ ngữ trong cách hợp vần.

- Nghệ thuật xây dựng hình tượng, biểu hiện tính cách con người bằng các phương pháp miêu tả, so sánh, liên tưởng và tường thuật sắc sảo. Có khi lại kết hợp các phương pháp ấy lại với nhau.

- Nghệ thuật sử dụng thời gian và không gian nghệ thuật để làm nổi bật sắc thái tình cảm, tâm tư con người địa phương

4. Đặc trưng về nghệ thuật diễn xướng.

Ta có thể nêu ra một số đặc điểm về ngôn ngữ âm nhạc và diễn xướng:

Theo nhận xét của Hoàng Thị Châu về việc phân vùng ngôn ngữ, thì về cơ bản, Huế nói “ giọng miền Trung”. Tuy nhiên "giọng miền Trung" của Huế có những đặc điểm riêng, do nguồn gốc xuất phát của những lưu dân đi đến những vùng đất mới. Vùng Bình Trị Thiên về cơ bản là dân Nghệ Tĩnh vào theo con đường thẩm thấu dần từ đời Trần. Chính thế mà phương ngữ Nghệ Tĩnh và phương ngữ Bình Trị Thiên có những đặc điểm giống nhau. Riêng tiếng Huế mang nhiều sắc thái mới của phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Về âm vực, có nhà nghiên cứu nhận xét rằng, hai vùng Quảng Trị và Thừa Thiên có âm vực thuộc loại cạn và hẹp nhất nước.

Do ảnh hưởng của các giọng nói địa phương nên khi hò người ta cũng phát âm theo giai điệu riêng của từng vùng. Một nhà nghiên cứu âm nhạc cho rằng: Người Việt ở miền Bắc vốn quen dùng các ngũ cung đúng ( đo, ré, fa, sol, la), người miền Nam quen dùng giai điệu nằm trong ngũ cung hơi Nam giọng oán ( do, mi, fa ( già), sol, la) người Thừa Thiên Huế dùng ngũ cung “ hơi Nam giong ai” ( do, re ( non), fa ( già), sol, la ( non). Ngũ cung hơi Nam giong ai là nét đặc trưng của nghệ thuật diễn xướng hò Thừa Thiên Huế. Nó bao trùm hò nghi lễ, hò sinh hoạt vui chơi hay lao động sản xuất và nghề nghiệp. Nó toát ra một âm hưởng xa xôi, huyền bí và đầy tính trữ tình trong các làn điệu hò đưa linh, hò bài thai, hò mái nhì, hò giã gạo, hò ô...

Hò Thừa Thiên Huế khá phong phú. Mỗi thể loại lại có lề lối diễn xướng riêng biệt.

- Hò đưa  linh là một hệ thống diễn xướng gồm các điệu múa, hát, hò có thể trình diễn trong một đêm.

- Hò sinh hoạt vui chơi có hò ru em khoan thai, dịu dàng.

- Hò bài thai với làn điệu du dương, trầm bổng, hò bài chòi vui nhộn hơn... Đây là loại hò đơn có kèm theo trình diễn sân khấu.

- Hò giã gạo là một điệu hò vui tươi, linh hoạt. Hò ô là điệu hò đơn để phô diễn tâm tình, Hò xay lúa khoan thai, đều đều với tiếng xô “ là hô”. Hò quét vôi có âm điệu tương tự như hò nện, nhịp độ chắc khỏe và khẩn trương. Hò kéo thác là điệu hò khi kéo bè qua thác, tiếng hò mênh mông, khỏe khoắn.

- Hò mái nhì là điệu hò trên sông nước, tiêu biểu cho hò Huế.

Tiếng hò ngân dài, dàn trải, lưu luyến trên sông khiến người nghe phải mê mẩn, điệu hò này cần phải xô hai lần lớp mái. Hò mái đẩy có tiết điệu nhanh, khỏe hơn hò mái nhì, và không ngân dài, bay bổng.

Về nghệ nhân dân gian ta cũng cần chú ý đến hai loại nghệ nhân phát sinh từ đồng ruộng và nghệ nhân hấp thụ nền Hán học.

Qua các giai thoại còn lưu truyền ở Thừa Thiên Huế về các điệu hò đối đáp giữa các nghệ nhân này, ta thấy được tài năng đối đáp cùng sự giàu có về tri thức ngôn ngữ, văn học của họ.

Một loại nghệ nhân khác được hấp thụ một nền Hán học khá kỹ, lại có tâm hồn dân gian, yêu mến câu hò tiếng hát. Trong các câu hò đối đáp, họ thường thủ vai “ thầy gà”. Ở Thừa Thiên Huế có hai thi nhân nổi tiếng: Ưng Bình Thúc Giạ Thị và Thảo Am Nguyễn Khoa Vy đã để lại nhiều giai thoại thú vị về hò đối đáp nam nữ.

Cũng như các thể loại khác, hò Thừa Thiên Huế sẽ có những bước thăng trầm, phát triển, chuyển đổi chức năng sinh hoạt như nó đã từng trải qua những năm tháng trước đây. Khi Huế được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại, khi lòng người Thừa Thiên Huế vẫn yêu thích văn nghệ truyền thống thì chúng ta có cơ sở và điều kiện để hy vọng dù thời gian có thay đổi, các làn điệu hò đầy dân tộc tính còn có cơ hội để phục sinh. Phát triển và chuyển đổi chức năng cho phù hợp với thẩm mỹ quan hiện đại, phục vụ đời sống con người, đem lại niềm tin yêu cuộc sống.

T.T.B
(127/09-99)




Các bài mới
Chùa Tiên (24/11/2023)
Các bài đã đăng