Trong nghị quyết của tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có một câu cũng mang dáng dấp ấy: "TỪ ĐẤT ĐAI TÀI NGUYÊN, CƠ SỞ VẬT CHẤT HIỆN CÓ MÀ ĐI LÊN". Chữ mới bây giờ là "PHÁT HUY NỘI LỰC". Cách nói mới khái quát hơn cách nói cũ: "Tự lực cánh sinh là chính". Đều có nghĩa là: "Tự thân vận động".
Bằng quan điểm ấy, thu được không ít thắng lợi. Xưa Huế, Thừa Thiên là thị trường tiêu thụ. Nay cánh đồng hẹp, một khúc của miền Trung này đã có thể tự nuôi được chính mình. Ngư nghiệp không chỉ đánh bắt, mà đã nuôi trồng. Nuôi tôm, cua và trồng rau câu. Hơn thế nữa, đã bắt đầu sắm tàu lớn đánh cá xa bờ. Khai thác ngày càng nhiều tài nguyên của đầm phá, của biển. Nhà máy gạch Tuy-nen, nhà máy xi măng Hương Trà tận dụng đất, đá nội địa. Ngành du lịch tận hưởng các công trình văn hóa cha ông để lại, khai thác cảnh quan của Sông Hương, và mới khởi công nguồn nước khoáng nóng Mỹ An đưa vào dịch vụ. Nhà máy đường Phong Điền vừa liên doanh xây dựng đã huy động đất đồi, đất cát của cả 7 huyện trồng mía. Hàng vạn lao động được tận dụng sức dư thừa, để từ đất đai làm ra đường trắng, một mặt hàng công nghiệp đang là nhu cầu của đời sống. Ngay cả cảng Chân Mây, tận dụng mực nước sâu, đang là đề tài sôi sục hàng năm trời nay. Vùng đất đồi Bình Điền, Nam Đông, A Lưới đang được tính toán cho cây quế, thông nhựa, cà phê...
Tôi điểm sơ qua một số mũi nhọn kinh tế của Thừa Thiên Huế để một lần nữa khẳng định rằng nghị quyết của tỉnh đảng bộ: "Từ đất đai tài nguyên, cơ sở vật chất hiện có mà đi lên" là đúng đắn. Suy nghĩ mang tính triết học ấy có lý, không chỉ cho hôm nay mà cho cả ngày mai.
Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn đang làm hai cuộc vận động lớn: phong trào VAC tức vườn, ao, chuồng và trang trại, chẳng phải là phương thức từ đất đai, tận dụng sức lao động đang dư thừa nhàn rỗi, chỉ có cách đó mới mau chóng đưa đời sống nhân dân lên được.
Tôi hoàn toàn không phản bác, giơ hai tay đồng tình cách nghĩ, cách làm ấy. Song giả dụ bây giờ tôi đặt câu hỏi: "Liệu có phương thức kinh tế nào không từ đất đai, tài nguyên cơ sở vật chất hiện có mà vẫn đi lên được không?". Xin đừng nghĩ rằng tôi đang đi ngược lại luồng gió thời đại, cũng đừng nghĩ rằng tôi "chống nghị quyết" của Đảng. Đã đành Đảng đã nói thì cứ thế mà làm. Tuy nhiên điều tôi muốn đề cập ở đây là phải luôn luôn sáng tạo.
Xin đừng giật mình, ấy chỉ là điều tôi nói chơi thôi. Thực tế cuộc sống đã có mô hình không từ đất đai, tài nguyên, không từ cơ sở vật chất hiện có mà đi lên rồi.
Tôi xin trả lời ngay cái đáp số ấy, đó là nhà máy bia Huđa.
Nhà máy bia Huđa không dùng tới hàng vạn héc-ta trồng nguyên liệu, không tận dụng hàng chục vạn nhân công phục vụ trực tiếp cho công nghiệp như nhà máy đường. Không dùng hàng trăm cây số bờ biển như ngư nghiệp... Nhà máy bia chỉ sử dụng diện tích đất: 15.000 mét vuông, và số người trực tiếp trong nhà máy chỉ có 220 người.
Ừ, có thể nói đó cũng là đất đai, cũng là tài nguyên đi lên cũng đúng, không sai, song ít tới mức hầu như không đáng kể.
Hãy cứ thử đi một vòng nhà máy bia Huđa mà xem, chỉ có hai khu vực hoành tráng đáng kể: Một là những bình lớn, sừng sững, đồ sộ ủ bia trong nhiệt độ lạnh, một khâu trong quy trình làm bia. Hai là khu vực đóng bia vào chai, hầu như hoàn toàn tự động, từ việc nạp bia, đóng nút và dán nhãn hiệu, rồi xếp bia vào thùng. Công việc hầu như tự động hóa hoàn toàn.
Từ ngày khai trương đến nay, nhà máy bia đã tồn tại 10 năm. Hai chữ "Tồn tại" cũng có thể hiểu được là nó "còn đó". Còn đó thôi thì chưa đủ, chưa mang tính chất hoạt động của một nhà máy. Điều khẳng định nhà máy là sự phát triển của nó, đóng góp thiết thực của nó đối với cuộc đời.
Tôi xin đưa ra đây những con số đã tổng kết để thấy công suất của nhà máy không ngừng tăng.
- Năm 1991 công suất 3 triệu lít. - Năm 1992 công suất 6 triệu lít. - Năm 1993 công suất 12 triệu lít. - Năm 1995 công suất 30 triệu lít. - Năm 1998 công suất 50 triệu lít.
Trong tương lai công ty bia Huế có khả năng phát triển thành một trong những nhà máy bia có công suất trên 100 triệu lít trong một năm vào năm 2001.
Điều rất đáng kể là với một tỉnh kinh tế còn nghèo như Thừa Thiên Huế, nhà máy bia đã nộp vào ngân sách của tỉnh rất đáng kể. Tôi xin hệ thống lại dãy số có ý nghĩa hết sức thiết thực ấy:
- Năm 1991 đóng thuế 10 tỷ đồng. - Năm 1992 đóng thuế 37 tỷ đồng. - Năm 1993 đóng thuế 60 tỷ đồng. - Năm 1994 đóng thuế 73 tỷ đồng. - Năm 1995 đóng thuế 70 tỷ đồng. - Năm 1996 đóng thuế 106 tỷ đồng. - Năm 1997 đóng thuế 127 tỷ đồng. - Năm 1998 đóng thuế 150 tỷ đồng. (Trong đó có 10 tỷ đồng thuế lợi tức)
Tính bình quân, một tháng mỗi công nhân của nhà máy lĩnh 800.000 đồng tiền lương, nhưng mỗi một ngày một người đã góp vào ngân sách nhà nước 2 triệu đồng. Như vậy có nghĩa là một công nhân nhà máy bia góp cho ngân sách nhà nước trong một tháng 60 triệu đồng. Hiệu quả như vậy không nhỏ một chút nào.
Ngoài 15.000 mét vuông đất tỉnh cấp cho nhà máy, nhà máy đã dùng một thứ tài nguyên hiện có là nước Sông Hương để làm bia. Còn hầu như tất cả các nguyên liệu dùng cho nhà máy đều mua của nước ngoài hết.
Cứ theo những luận cứ chính xác tôi trình bầy trên, rõ ràng nhà máy bia Huế xứng đáng là một mô hình kinh tế tiên tiến của Thừa Thiên Huế. Giá Thừa Thiên Huế có nhiều nhà máy kiểu này, vừa sử dụng rất ít đất đai, vừa chi phí tới mức ít nhất tài nguyên, chắc chắn chẳng mấy mà Thừa Thiên Huế đã giàu, đâu đến nỗi cứ ậm ạch mãi.
Để có được kết quả kinh tế nhà máy bia đâu chỉ có thể ỉ vào cơ sở vật chất hiện có, thứ tài nguyên cần phải được khai thác một cách hết sức trang trọng đó là trí tuệ của con người.
Trong cuộc lấy ý kiến của văn nghệ sĩ trí thức vừa rồi, tỉnh đưa ra câu hỏi thăm dò rằng: Có phải tỉnh ta bị chảy máu chất xám không? E câu này chả cần trả lời cũng đã thấy mười mươi ở Thừa Thiên Huế chảy máu chất xám ào ạt như thế nào? Theo tôi, điều đáng quan tâm là: Tại sao lại có hiện tượng chảy máu chất xám như thế? Lý giải, và mạnh dạn sửa chữa những sai sót, không sợ vết mổ não nghiêm khắc ấy mới là điều quan trọng.
Nhà máy bia chẳng là một minh chứng sự rạng rỡ của tri thức đó sao? Đúng như Lê Nin đã nói: "Có tri thức mới có cách mạng". Hiểu được luận điểm ấy thật khó khăn làm sao. Nhà bác học Ac-si-mét chẳng đã khát khao: "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng cả trái đất này". Vâng, nghĩa rộng của điểm tựa là tri thức vậy!.
Không có tri thức công nghiệp thì làm sao có nhà máy bia. Khi Thừa Thiên Huế tính làm bia, thì Đông Hà đã có bia Đông Hà. Đà Nẵng có bia Đà Nẵng và con cọp. Xa nữa, bia 333 của Sài Gòn, bia Hà Nội ở phía Bắc đã tràn ngập thị trường. Tiger, Heineken cũng đang quảng cáo rầm rộ. Trước tình hình ấy Huế vẫn quyết tâm làm bia, rõ ràng Huế có tầm nhìn. Không gan không thể dám cạnh tranh được. Mặc dù lúc ấy đi vay vốn rất khó. Ngân hàng Công thương của Trung ương có 3 tỷ đã cho Công ty Du lịch tỉnh vay để làm Khách sạn Hương Giang II rồi. Đành phải quay qua liên doanh 6 bên: Ngân hàng Đầu tư, Ngân hàng Nông nghiệp, Ngân hàng Công thương, Ủy ban thành phố, huyện Hương Điền và nhà máy bia. Có tiền rồi, chính Chủ tịch tỉnh, ông Phạm Bá Diễn phải vác tiền vào Sài Gòn đổi ngoại tệ mới đi mua máy móc được.
Hai năm sau do liên doanh phức tạp quá, tỉnh quyết định trả lại vốn cho các cổ đông, cho phép nhà máy bia Huda độc lập hoạt động như một doanh nghiệp nhà nước. Mãi đến năm 1994, phong trào liên doanh rầm rộ, và cũng là lúc nhà máy bia Huda cần mở rộng, cần tăng công suất, tỉnh quyết định liên doanh với Đan Mạch.
Không dễ gì Đan Mạch chấp nhận tỷ lệ 50-50. Trong lúc đó Tiger đòi tỷ lệ 40-60.
Tôi hỏi anh Nguyễn Minh, Tổng giám đốc công ty bia:
- Điều gì đã thuyết phục được Đan Mạch "liều" thế?
Anh Minh đáp:
- Cánh tư bản lõi đời, có sạn trong đầu trong nghề kinh doanh, chỉ có lợi nhuận mới thuyết phục được họ. Chứ đâu họ có liều. Họ nhìn thấy ý thức và trí tuệ Việt Nam trong kinh doanh bia. Từ việc xây dựng, công trình thường phải làm trong một năm rưỡi, ta chỉ làm trong 10 tháng. Ở đối tác mua máy, ta không màng máy rẻ, dám bỏ tiền, dẫu đắt hơn để mua máy móc hiện đại. Và chỉ trong 5 năm công suất sản xuất bia tăng gấp 10 lần so với năm đầu tiên. Chính tầm nhìn của chúng ta, sự dấn thân của chúng ta đã làm cho các nhà kinh doanh phương tây hài lòng. Vì vậy bất cứ yêu cầu gì của chúng ta họ cũng chấp nhận ngay.
Nhà máy bia Huda đã bước đi từng bước quyết đoán, miễn là có lợi cho đất nước, và thắng lợi trong kinh doanh. Chính trí tuệ của ta đã đủ sức thuyết phục, đủ tín nhiệm với phía Đan Mạch. Vì vậy họ mới đồng ý để Nguyễn Minh, người Huế làm Tổng giám đốc. Trong ban điều hành có 5 người thì 3 giám đốc (Kinh tế, Tổ chức và Thông tin tiếp thị) là người Đan Mạch. Nhưng chỉ hai năm sau họ rút về nước hết, giao toàn quyền cho ta quản lý. Họ không dại gì bỏ tiền ra, mà lại không để người giám sát như vậy. Lòng tin! Tin ở tài quản lý, tài kinh doanh, và tin ở cả tư cách của người bắt tay với mình. Những lẽ đó đã tạo được không khí làm ăn bền chặt. Sau này, năm 1996 Hội đồng quản trị quyết định đưa công suất lên 50 triệu lít, mỗi bên tiếp tục đầu tư thêm, phía Đan Mạch cũng nhất trí ngay. Có thể gọi đó là bài học cho những ai bước chân vào ngưỡng cửa kinh doanh thời hiện đại, đặc biệt là liên doanh với nước ngoài.
Tôi đi lang thang trong nhà máy bia, kiến trúc thật gọn gàng. Công nghệ tiên tiến, đòi hỏi tính toán đâu ra đấy. Chỉ tính riêng việc dán nhãn và dùng mẫu chai cũng phải hạch toán.
Người dán không đẹp, không chính xác như máy móc. Có khi dán lệch, khi cao, khi thấp, mất ngay mỹ thuật. Một chi tiết ấy thôi cũng dễ gây hoài nghi cho khách hàng. Nếu tính công suất, máy dán nhãn có thể thay thế cho vài trăm công nhân ở khâu đơn giản này. Nhà máy đã chọn phương thức mua máy dán nhãn. Đó là một quyết định đúng.
Việc dùng mẫu chai cũng vậy. Đang lúc nhà máy chưa tự sản xuất được chai riêng cho mình. Và nếu đầu tư vào chai cũng tốn kém lắm. Nhất là trong lúc mình đang tập hợp đại lý, họ đang có chai trong tay. Huy động được sự tận dụng ấy, mình vừa có thêm khách hàng, vừa đỡ một khâu sản xuất bao bì. Suy tính ấy hợp lý, hợp thời, nhà máy bia trở thành bạn của mọi nhà.
Đứng ở góc nhìn kinh doanh, rõ ràng nhà máy bia đã bước những bước dài. Riêng nộp ngân sách năm 1998 là 150 tỷ, con số ấy không đơn giản đâu. Nó gần bằng nửa ngân sách năm 1998 của Thừa Thiên Huế rồi.
Nhớ lại thời gian đầu tiên. Nói đến lãi suất của nhà máy 4 tỷ trong năm, ai cũng lắc đầu. Rồi những mẻ bia đầu tiên, Huđa gọi Sở thương mại tới tiêu thụ, Sở thương mại không chấp nhận. Một năm sau thì lại đến xin được làm đại lý bia. Và buồn cười hơn nữa là khi nhà máy xây dựng xong, tỉnh tìm Giám đốc nhà máy, đụng tới ai cũng từ chối: "Trong xây dựng có gì ông Minh ăn hết rồi, còn chi nữa mà làm". Ngẫm lại, sự truân chuyên ấy thú vị biết bao. Nó cũng phải trả giá đấy chứ. Những nồi nấu bia Tubo xếp hàng dọc cạnh tường, ngay bên cổng ra vào như dáng đứng ngẩng cao đầu.
Tôi hỏi anh Nguyễn Minh:
- Cái xương sống của nhà máy bia Huđa này là gì?
Anh đáp:
- Chất lượng cao và giá cả hợp lý với người tiêu dùng là xương sống của nhà máy chúng tôi. Và đó cũng chính là chiến lược lâu dài của công ty bia Huế này.
Cứ nhìn hiện tượng công suất bia Huda tăng vùn vụt, trong lúc đó một số nhà máy bia trong nước đã chết trong cơ chế thị trường. Từ chỗ đoàn bia Huế vào xin tham quan nhà máy bia họ, họ không cho, sợ lộ bí mật. Đến lúc đoàn bia ấy xin vào tham quan bia Huế, Huế nhiệt liệt xin mời. Tình thế đã khác rồi. Công nghệ mạnh sẽ cho sản phẩm tốt. Công nghệ kém dù muốn chất lượng tốt cũng không được.
Bia Huda là một trong những hãng bia chiếm thị trường trong nước. Và nó đã được xuất sang bán tại Mỹ, Ca-na-đa, Pháp và Tây-Ban-Nha. Dễ gì được thế. Đến như Pete Peterson, đại sứ Mỹ sang nhận chức ở Việt Nam, Tổng giám đốc Nguyễn Minh gửi biếu ông 2 két bia, ông đã viết thư trả lời: "Kính gửi ông Nguyễn Minh, công ty bia Huế, đường Thuận An, Huế, Việt Nam. Xin cám ơn rất nhiều về quà tặng bia Huế. Tôi đã uống hai chai rồi, và thật là loại bia tuyệt vời. Tôi đã trở nên rất thích uống bia so với nhiều năm qua và nhận thấy bia Huế chất lượng rất cao và rất thú vị. Tôi hy vọng sớm đến thăm Huế và có thời gian gặp ông..."
Có được lời khen của người sành bia uống bia có truyền thống như Pete Peterson, thêm một lần khẳng định chiếc chìa khóa của bia Huế là chất lượng. Sự tồn tại của nó chính là ở chỗ đó.
Cũng chính nhờ chất lượng, bia Huế ngày càng đông khách hàng. Và chính sự thú vị ấy, khách hàng đã phiên âm 4 chữ cái trong HuDa thành lời kêu gọi nhiệt thành, như một lời hô, như một lời cổ vũ: HÃY UỐNG ĐI ANH!
Tôi cũng là một khách hàng của Huda đây. Và tôi cũng đã nói với bạn bè của mình rằng: Hãy uống đi anh!
Có lẽ đó cũng là một món quà xứng đáng của khách hàng tặng cho bia Huế vậy.
N.Q.H (123/05-99)
|