Trong vòng ba năm nay đàn chim di cư tăng thêm cho bầy chim Phong Lai có đến hàng vạn con với tổng số tới 51 loài, trong đó 22 loài gặp ở vùng đồng ngập nước Tam Giang được ghi trong danh mục bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng Châu Âu như: diệc lửa, ó cá, nhạn đen, bông chanh... giá nhà nước có một quy chế bảo vệ nghiêm ngặt, hẳn đây sẽ là một vườn chim quý.
Tôi phóng tầm mắt nhìn Tam Giang mênh mông đang phẳng lặng bình yên kia, trong tâm tưởng cứ nhớ ngày nào quan Nội Tán Nguyễn Khoa Đăng cho bắn súng thần công vào những cột sóng thần. Để rồi có câu ca dao thật thanh bình:
"Phá Tam Giang ngày rầy đã cạn Truông Nhà Hồ Nội Tán cấm nghiêm".
Mặt phá mênh mông và cánh chim trời bát ngát như gợi ý những khát vọng tự do. Có phải vì thế những người con của Quảng Điền luôn bất khuất trước kẻ thù. Một Đặng Dung đến thương thuyết với giặc, chúng thử lòng dũng cảm của vị tướng này, đã dọn cho ông một bữa tiệc đầu người. Với kẻ yếu bóng vía, chắc phải bàng hoàng, nhưng Đặng Dung đã thản nhiên khoét mắt của chiếc đầu lâu kia ăn và khen ngon. Một Trần Thúc Nhẫn cầm quân giữ Trấn Hải Thành, dẫu không cân bằng sức lực, ông vẫn không lùi bước. Và ông đã ngã xuống giữa trận tiền, xứng đáng là người dũng tướng, sẵn sàng da ngựa bọc thây. Một Đặng Hữu Phổ, người nghĩa binh kiên cường của phong trào Cần Vương. Phong trào bị dập tắt. Ông rơi vào tay kẻ thù. Đứng hiên ngang nhận thanh gươm chém đầu chứ không chịu nói một lời đầu hàng.
Mỗi lần về thăm lại Trấn Hải Thành nơi cửa biển Thuận An, đi trên đường Đặng Dung ở Huế, thắp hương trên mộ Đặng Hữu Phổ nơi quê nhà, tôi lại nhớ tới thành Hóa Châu xưa, cuộc khai quật gần đây vẫn tìm thấy những viên gạch vồ xây thành, và những mũi tên sắt đã han rỉ một thời làm cho Hóa Châu là niềm tự hào của một vùng đất bất khuất. Và chưa xa là cảng Thanh Hà, đã tạc vào lịch sử một câu nói cửa miệng mọi người giống như thành ngữ: "Nhất Huế, nhì Sịa".
Quảng Điền đã ghi dấu ấn không phai vào lòng người niềm tự hào về đất đai quê hương, dẫu Hóa Châu và Thanh Hà đã lùi vào dĩ vãng. Song cái khí thiêng của địa linh cứ hun đúc trong lòng người, để rồi khi ngọn cờ búa liềm tung bay từ Xô viết Nghệ Tĩnh, Quảng Điền đã đón nhận nó bằng tất cả khát vọng của trái tim mình. Nhà thơ Tố Hữu, người con của Phù Lai Cà đã thay mặt quê hương cất lên lời thơ hừng hực ý chí:
"Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ Mặt trời chân lý chói qua tim Hồn tôi là một vườn hoa lá Rất đậm hương và rộn tiếng chim
Tôi buộc lòng tôi với mọi người Để hồn trang trải khắp trăm nơi Để hồn tôi với bao hồn khổ Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời".
Văn tài nhà thơ cách mạng Tố Hữu nẩy ra ở Phù Lai Cà bên này sông Bồ, thì làng Niêm Phò bên kia sông Bồ lại sinh ra một vị tướng tài ba Nguyễn Chí Thanh. Tôi có cảm giác ông đi đến đâu, tạo ra một cơn lốc cách mạng đến đó. Và mỗi câu nói của ông lại tạo ra một bước ngoặt phong trào. Thời Huế vỡ mặt trận năm 1946, Pháp chiếm lại Huế; lực lượng cách mạng chạy hết lên rừng. Phải nói rằng, lúc ấy quần chúng hoang mang lắm. Nguyễn Chí Thanh với cương vị Bí thư Tỉnh ủy, ông tổ chức cuộc họp ở Nam Dương (Quảng Điền). Toàn bộ cuộc họp ấy chỉ đọng lại một câu ông khẳng định: "Mất đất chưa phải mất nước. Mất dân mới là mất tất cả". Cuộc chạy tán loạn dừng lại, nhìn về đồng bằng. Khi ngồi với lực lượng vũ trang, anh em đang bàn tính ta sẽ đánh địch như thế nào đây? Nguyễn Chí Thanh chỉ nói rất đơn giản:"Muốn bắt cọp thì vào hang mà bắt". Lập tức một lực lượng nhỏ quân đội len lỏi trở về Huế, vào nội thành, đánh tập kích vào đồn Hộ thành. Thế là tiếng súng kháng chiến đã chính thức nổ ra giữa thành Huế. Lời địch tuyên bố: "Đã đẩy lùi cách mạng lên rừng", và máu của chúng chảy trong Hộ thành đã chứng minh những tuyên bố kia là hoang đường. Cho tới thời kháng chiến chống Mỹ, cả thế giới đang lo cho chúng ta sẽ đánh Mỹ như thế nào. Vì lúc ấy, đế quốc Mỹ hung hăng, cậy tiền của và tham vọng làm bá chủ thế giới. Nguyễn Chí Thanh vào chiến trường, và câu nói của ông đã trở thành chiến thuật đánh Mỹ cả chục năm trời, đến thắng lợi hoàn toàn: "Bám thắt lưng địch mà đánh!". Đó là một ý tưởng thiên tài.
Trong thư viện Nguyễn Chí Thanh vừa được xây dựng ở thị trấn Sịa Quảng Điền khang trang, đẹp đẽ đúng với tên gọi của nó, ở ngay phòng đầu, dưới hình chân dung Đại tướng là dòng chữ vàng câu nói bất hủ ấy.
Mỗi lời nói của ông chẳng xứng đáng là một tia sáng đó sao?
Trong tình bạn của hai con người thiên tài hai bên bờ sông Bồ ấy, tôi nhớ có một chuyện vừa khôi hài, vừa cảm động. Ây là lúc Tố Hữu đi học ở Huế, tinh thần yêu nước đã sôi động trong ông, Tố Hữu nghe nói ở làng Niêm Phò bên bia sông có chàng trai Nguyễn Vịnh hăng hái vận động nhân dân chống thuế thành công. Tố Hữu bèn sang Niêm Phò. Đến đình, gặp chàng thanh niên nông dân da cháy đen, đang ngồi đan rổ. Hỏi thăm, hóa ra chính chàng thanh niên ấy là Nguyễn Vịnh. Hai người làm bạn với nhau. Tố Hữu chàng thư sinh có ý chê Nguyễn Vịnh quê mùa, cục mịch. Tố Hữu bảo có ít sách hay, muốn cho Vịnh mượn đọc. Vịnh có vẻ ơ hờ: "ừ cho mượn thì đọc".
Đến khi Tố Hữu bị bắt, tù trong lao Thừa Phủ, lại gặp Vịnh cũng tù trong lao. Tố Hữu lúc này đã là đảng viên rồi, bèn có ý vận động Nguyễn Vịnh vào Đảng. Tố Hữu nhớ lại và tâm sự: "Không ngờ Nguyễn Vịnh là Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy. Thế mà mình không biết".
Quảng Điền đã sinh ra những con người như thế. Nghe nói lúc Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội, lúc ông lên xe đi làm việc, con ông đi cùng đường, xin đi nhờ, ông không cho, bảo rằng: "Đây là xe của nhà nước cấp cho đại tướng đi công tác". Các con ông hiểu ý cha. Con người liêm khiết mẫu mực đến thế là cùng. Với Tố Hữu, tôi chỉ tiếc rằng: đi tìm một bài thơ hay của ông viết về chính làng Phù Lai Cà, nơi ông chôn rau cắt rốn mà không có.
Tôi may mắn được về Quảng Điền những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Quảng Điền ở ngay phía Bắc thành phố. Cũng có thể gọi là cửa ngõ phí bắc thành phố. Để giữ Huế an toàn, chúng đánh Quảng Điền tan hoang. Lực lượng vũ trang bị đánh bật khỏi địa bàn. Quảng Điền phải mượn vùng núi có cao điểm 673 làm chiến khu. Và Phong Điền cho Quảng Điền mượn làng Đồng Lâm làm Trạm-Trung-Chuyển. Đồng Lâm không chỉ là chỗ dừng chân, mà Đồng Lâm lo từ hầm hố, lương thực cho tới tin tức từ vùng sâu đưa lên cho lực lượng vũ trang Quảng Điền. Đêm đêm Đồng Lâm thắp đèn từ tối tới sáng, tíu tít đón những đứa con từ trên rừng về, từ dưới sâu lên thân thiết, nghĩa tình. Đường xa cách trở, nhưng không bao giờ mất liên lạc giữa chiến khu với đồng bằng.
Về Quảng Thái, tôi nghe kể về Tôn Thất Cảnh, chiến sĩ an ninh bị địch bắt, chúng lôi anh ra sân, đánh chết vẫn không móc nổi ở anh một mẩu tin.
Về Quảng Phước, dân kể về Phan Vân. Vân tập kết ra Bắc, trở lại chiến trường, về ngay nhà mình. Sáng ra cha mẹ anh thấy anh trong buồng, đành đào hầm bí mật cho anh ở để vận động phong trào cách mạng.
Năm 1968 ta về chiếm Huế 24 ngày đêm. Cánh Bắc, quân ta chọc thẳng từ An Hòa vào Huế. Nhưng đường rút lại từ Bao Vinh, băng qua Quảng Điền, lên rừng. Hầu như thương bình đều từ đường này đi ra. Khu lô cốt cũ của Tây ở Phú Lương được dùng làm nơi trú thương binh. Chị Muồng, chị Chớ đêm đêm chờ thương binh trong Huế chuyển ra. Các chị rửa ráy, băng bó lại vết thương, nấu cháo cho các anh ăn. Người nhẹ, chuyển tiếp lên rừng. Người nặng dừng lại, chăm sóc hồi sức mới dám đưa đi. Sức lực ở đâu mà các chị thức thâu đêm suốt sáng, ngày này qua ngày kia, không biết mệt như thế. Những con người bình thường ấy, mà vĩ đại biết bao nhiêu.
Sau 1968 địch trả thù Quảng Điền bằng cách cho xe cày về, ủi nhà, cày tung các làng xóm, đánh gục tất cả những cây có một chút màu xanh. Cuộc khai hoang ấy là chiến dịch "tát ao bắt cá", đánh bật "Việt cộng" từ hầm bí mật lên, đẵn trụi hết vật che chắn, để từ làng này ống nhòm quan sát của chung thông làng nọ sang làng kia. Ta chỉ còn 8 người bám trụ lại được trong lòng dân.
Phan Trai đánh một đòn phủ đầu. Anh từ hầm bí mật nhà ông Thao, cải trang làm cảnh sát dã chiến, đến thẳng tụ điểm xã Quảng Phước có một trung đội lính ngụy đang canh gác hòm phiếu bầu cử tổng thống ở đó. Bất ngờ Phan Trai ném lựu đạn, và rút lui bằng một đường bí mật. Cuộc bầu cử ở trụ sở tan hoang, phải dọn đi nơi khác. Tiếng nổ giữa trụ sở xã, làm bọn địch bàng hoàng, rụng rời tay chân.
Vĩnh, Gái từ chiến khu, mò về tận Quảng Đại đào hầm bí mật, bám trụ. Gặp mùa lụt. Hầm đầy nước, phải lên cạn, nằm trong bụi dứa dại giữa đồng cùng lũ chuột chạy nước. Lính ngụy đi thuyền, xả súng bắn vào các bụi rậm. May hai người không dính đạn.
Từ 8 người bám đất bám dân như thuở manh nha, phong trào lại lên. Hôm đội vũ trang tuyên truyền của chúng tôi về tận Sịa, bố trí lực lượng chiến đấu trên cồn cát ngay sau quận Quảng Điền, gọi loa, rải truyền đơn khẩu hiệu tuyên truyền cho cách mạng. Địch nằm im ro không nhúc nhích. Nhưng sáng hôm sau máy bay trực thăng dò theo dấu chân chúng tôi trên cát, tới tận bãi cây lúp xúp Triều Dương, đổ đạn xuống bắn suốt một ngày.
Với những người lính giải phóng quân chúng tôi thì mỗi thước đất Quảng Điền là một kỷ niệm chiến tranh. Giáp vừa ở Bắc vào hôm trước, hôm sau bị móc hầm ở Sơn Tùng. Tân bị phơi xác trên đường số Một ngay trước làng Đồng Lâm. Cừu hy sinh trên đường về sâu. Chị Ba chiến đấu hết đạn, bị xe tăng đuổi, chị ngã, xích xe tăng đè lên người chị. Rồi 17 người chết trong đêm bị phục kích ở đồi thông... kể sao cho hết.
Nói tới Quảng Điền, tôi nhớ tới bà mẹ anh hùng Lê Thị Lự. Chồng bà, ông Phan Tạo đi tập kết ngoài Bắc. Bà ở nhà nuôi con, đào hầm trong nhà nuôi cán bộ. Con lớn, cho đi tiếp con đường cha. Người con duy nhất của mẹ hy sinh khi bám đất. Ông Tạo vào chiến trường. Nhưng mãi ngày miền
giải phóng, hai ông bà mới gặp và sống thủy chung với nhau cho đến tận bây giờ.
Tôi nhớ Quang. Anh có người yêu ở Quảng Đại, xa nhau, lúc anh về,Quảng Đại đang mùa lụt. Anh lội nước về nhà người yêu. Bà mẹ vừa thấy anh, hai tay sàng lúa bỗng khựng lại, rựng rời. Bà nói: "Quang ơi, con Hoài lấy chồng rồi. Tau biết làm sao bây chừ. Thôi, con cứ ở lại đây. Mẹ sẽ kiếm cho con một đứa vợ đàng hoàng".
Quang ra đi, và đã gửi cho Hoài 4 câu thơ này:
"Những chuyện cũ đã thành kỷ niệm Nhưng làm sao quên được đất An Châu Còn em đó và còn anh đó Thì chúng mình còn mãi nhớ thương nhau".
Nhớ Quảng Điền, tôi chỉ tóm tắt mấy dòng này, suốt 2 cuộc chiến tranh, Quảng Điền có tới 1972 liệt sĩ, 381 thương binh, 485 gia đình có công với cách mạng và 70 bà mẹ anh hùng.
Ngần ấy thôi cũng đủ nhận diện ra gương mặt một Quảng Điền anh hùng. Song nói tới Quảng Điền, điều day dứt nhất trong tôi là sao Quảng Điền cứ nghèo túng mãi. Trong tình hình cách mạng kinh tế mở ra, cơ chế thị trường ập tới, mà Quảng Điền cứ như gà mắc tóc. Tôi hỏi chủ tịch huyện Trần Phước Hinh:
- Có cách gì cởi trói cho kinh tế Quảng Điền không?
Anh đáp:
- Cứ quẩn quanh kinh tế nông nghiệp độc canh thế này thì gay quá. Tỉnh mình đã nghèo. Quảng Điền lại nghèo nhất tỉnh. Nghĩ không ra, anh ạ.
Tôi nhẩm tính; tổng diện tích đất tự nhiên của Quảng Điền là 15.696 héc ta, đất sử dụng nông nghiệp chỉ có 5996 héc-ta. Nếu tính dân số 85.000 người, bình quân một người được 720 mét vuông. Một sào rưỡi đất. Đất Quảng Điền hầu hết là đất cát và bạc màu. Chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn.
Trong vòng 20 năm nay Quảng Điền đã tích cực xoay xở; tìm giống mới cho đồng ruộng để tăng năng suất. Thay cây lạc, cây dưa cho cây khoai, sắn, thuốc truyền thống. Đã một thời trồng ớt xuất khẩu. Đất tốt nhất ở Quảng Vinh cũng đã thu nhập tới 10 tấn một hécta. Song đất cát thu 2 tấn một héc-ta cũng vẫn còn. Thời buổi này làm nông nghiệp trên đất xấu, diện tích chỉ vài sào trên một đầu người chỉ đủ ăn chứ không thể giàu được. Người dân trên Phá Tam Giang đã trải nhiều thử nghiệm, xác định một cách ý thức rằng nuôi tôm hồ rất có lợi. Nhưng chỉ làm được 170 héc-ta là hụt vốn. Ây là chưa kể tới thất bát của thiên tai. Song rõ ràng đây là một mũi nhọn cần được khai phá tiềm năng. Diện tích mặt nước của huyện có tới 4116 héc-ta. Có thể tiếp tục đầu tư, mở mang được.
Bên kia Phá Tam Giang là biển đông. Rừng vàng, biển bạc. Chỉ hiềm nỗi, hải sản gần bờ đã cạn. Mục tiêu phải ra khơi xa. Nhưng năm nay, hết sức cố gắng Quảng Điền mới có được 5 chiếc thuyền đánh cá xa bờ. Như vậy có nghĩa là tiềm năng biển còn đang rất dồi dào. Song tâm bất tòng lực. Nhìn thấy phía trước, mà bàn tay không với tới. Giống như nho treo lủng lẳng trên giàn, con chó ngụ ngôn không nhón người lên được, chẳng lẽ vẫy đuôi quay đi, buông một câu thất vọng bất cần: "Nho xanh quá!".
Dẫu sao cũng phải nói rằng Quảng Điền đã no. Rét không sợ thiếu quần áo. Nhưng yêu cầu đời sống bây giờ đâu phải chỉ có vậy. Nhu cầu tri thức đang đòi hỏi một cách nghiệt ngã để vươn lên cùng cộng đồng, phải được đầu tư thích đáng, là một trong những yêu cầu chính đáng không thể thờ ơ. Cơm đã no cho thể chất. Nhưng chữ đang còn rất đói cho tinh thần.
Quảng Điền đang ngổn ngang biết bao bộn bề.
Tôi về Quảng Điền lần này, Quảng Điền đang cùng chung 4 cơn bão lũ ở miền Trung. Bí thư huyện ủy Hoàng Tín Ngưỡng ngồi với tôi. Xưa, thời chống Mỹ, anh là một trong những thanh niên bám trụ kiên cường, bây giờ với cương vị bí thư huyện, tóc anh đã bạc gần hết. Tôi đọc trên tóc anh những lo toan.
Tôi hỏi:
- Bão hành ông dữ lắm hả?
Ngưỡng trả lời:
- Nó đập tan cả đê ngăn mặn xây bằng xi măng. Bốn trận bão thì 3 lần nước tràn vào đồng. Ba lần phải gieo lại mạ. Chỉ tính riêng số thóc mạ, Quảng Điền mất trắng 200 tấn giống.
- Tổng thiệt hại của Quảng Điền?
- Chưa tính hết cũng đã tới 12 tỷ đồng. Đó là cái mất trước mắt, đã thấy. Di chứng của nó chắc còn ê ẩm.
- Dẫu sao bão cũng qua rồi.
- Màu cứu đói tháng 3 hầu như mất trắng. Mọi năm vào dịp này, đồng rau đã xanh mướt. Tới tấp chở đi chợ. Năm nay, đến bây giờ Quảng Điền thiếu cả rau ăn. Người thiếu rau, anh xem lợn gà sẽ ra sao? Đấy là tôi chưa nói bao giờ mới ổn định các hồ nuôi tôm.
Chúng tôi đang nói chuyện thì anh Nguyễn Ngọc Dương, giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn về.
Anh Ngưỡng hỏi:
- Tỉnh định đợt này giúp gì cho Quảng Điền?
- 7 tấn lúa giống và 41 triệu đồng giúp cho việc chống úng để kịp cấy vụ đông xuân.
Ngưỡng cười:
- Thêm tí bột ngọt. Thôi tỉnh giúp ngần nào hay ngần ấy.
Tôi quay sang hỏi anh Nguyễn Ngọc Dương:
- Quảng Điền muốn khá lên, làm thế nào bây giờ?
Anh Dương đáp:
- Quảng Điền phải làm thủy lợi. Cái Bàu Niên là một trong những đề án ấy. Chỉ riêng độ thấm cũng làm vùng cát xung quanh ẩm, có thể mở những trang trại trồng mía. Phú Lộc, Phong Điền trồng mía trên cát được thì Quảng Điền có nước cũng sẽ trồng được. Chứ độc canh cây lúa không giầu được đâu. Quảng Điền đang tích cực chuyển đổi cây trồng. Ý thức được điều này không dễ. Tuy nhiên Quảng Điền phải tận dụng mặt nước phá Tam Giang làm hồ nuôi tôm.
Tôi cười:
- Chúng tôi cũng vừa nói tới chuyện ấy.
Anh Dương nói với anh Ngưỡng:
- Còn Quảng Thái, Quảng Lợi sẽ đói vào dịp giáp hạt này đấy. Tỉnh đã bàn sẽ hỗ trợ cho Quảng Điền giống ngô, đặc biệt là cho Quảng Lợi, Quảng Thái, để có ngô non cầm hơi mùa giáp hạt.
Chuyện vội vàng anh Dương lại đi ngay, biết bao chỗ đang cần anh, dù chỉ một ý kiến.
Quả thật Quảng Điền đang lúng túng trong phương thức làm giàu, nhất là trong cơ chế thị trường này. Tuy nhiên tôi nghĩ đất này, con người này sẽ không chịu đầu hàng.
Tôi chợt nhớ câu thơ của Đặng Dung:
"Thù nước chưa xong đầu đã bạc Gươm mài vọng nguyệt bóng trăng soi"
Quảng Điền đang bạc tóc hôm nay với một kẻ thù đã đeo đuổi đất này cả trăm năm: đó là đói nghèo. Nghèo thường hèn. Trước mắt phải vượt lên cái nghèo hèn ấy.
Chiều về. Những bầy chim ríu rít bay trên đầu. Chúng đang kéo nhau ra đập Lác - Phong Lai, ăn và chơi suốt đêm ở đấy, sáng lại tỏa đi các cồn nghỉ ngơi.
Nhìn chim bay, tôi chợt nhớ thành ngữ "Đất lành, chim đậu". Đất Quảng Điền thế nào thì chim trăm nơi mới tụ hội về đấy đông đúc, vui vẻ thế. Có phải chăng đó là tín hiệu của sự phồn vinh. Đập Lác -Phong Lai, nếu được quy hoạch, cho cây cỏ mọc lên rậm rạp, chim đến, sẽ ở lại, dần dần Quảng Điền sẽ có được một vườn chim, hàng trăm loài, không đơn giản chút nào.
Tiếng hò ai vọng từ con thuyền lênh đênh trên phá:
"Lờ đờ bóng ngả trăng chênh Tiếng hò xa vọng, nặng tình nước non".
Trời xẩm tối. Trời phía Đông đang rõ dần, sáng dần một mảnh trăng chênh.
N.Q.H (121/03-99)
|