Ai ra xứ Huế
Sản phẩm thủ công và ý tưởng về tour du lịch làng nghề ở khu vực Đông Nam thành phố Huế
15:57 | 02/04/2010
BẢO ĐÀN 1. Đặt vấn đề1.1. Như một sự ngẫu nhiên của lịch sử, xứ Huế - từ vùng đất biên viễn quốc gia trong nhiều thế kỷ, trở thành thủ phủ của vùng miền và là kinh đô của một quốc gia thống nhất sau đó. Đây chính là nền tảng thuận lợi để vùng đất này hội tụ, quy tập cho mình một hệ thống làng nghề thủ công, cần thiết cho sự tồn tại và làm tròn vai trò của một vùng trung tâm.
Sản phẩm thủ công và ý tưởng về tour du lịch làng nghề ở khu vực Đông Nam thành phố Huế
Tranh tết làng Chuồn - Ảnh: Cảnh Tăng (tuoitre.com.vn)

Trải qua nhiều biến động lịch sử - xã hội, đa phần trong số hệ thống làng nghề thủ công vốn có đã dần biến mất do không còn nhu cầu, thị trường và truyền nhân; một số ít trong chúng tồn tại một cách khó khăn. Tuy thế, chúng vẫn là những đại diện tiêu biểu cho nghề thủ công của vùng đất và khu vực (xem thêm: Nguyễn Hữu Thông, 1994; Nguyễn Hữu Thông, 2001; Hoàng Bảo, 2001 v.v…).

1.2. Sau khi cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới, nhiều cơ hội mở ra cho vùng đất này cùng với sự tăng đột biến của số lượng du khách. Các làng nghề thủ công truyền thống đã và đang “rục rịch cựa mình” sau một thời gian dài “ngủ quên trong hào quang của quá khứ”. Thế nhưng, ngoài một số làng nghề ít ỏi đã khẳng định được mình như Phường Đúc, Mỹ Xuyên, Kế Môn v.v…, những gì chúng ta nhìn thấy còn lại là sự nhỏ lẻ, đơn độc, thiếu sự nhất quán trong nhiều giác độ.

1.3. Những giá trị của hệ thống làng nghề thủ công ở Huế từng được khẳng định qua rất nhiều công trình nghiên cứu (Nguyễn Hữu Thông, 1994; Nguyễn Hữu Thông, 2001; 2005; Huỳnh Đình Kết, 2005; Bùi Thị Tân, 1999; Bùi Thị Tân - Lê Đình Phúc, 2006 v.v…). Thậm chí, đã có những kiến giải chân xác về nguyên nhân mất - còn, kể cả việc bàn đến chiều hướng phát triển phù hợp trong xu thế hội nhập hiện nay (Nguyễn Hữu Thông, 2001; 2005). Nhưng những gì được đánh động dường như vẫn chưa mấy tác dụng, khi đa phần trong số chúng vẫn chưa thực sự làm nên bước chuyển phù hợp. Tất nhiên, đây là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, mà trong đó, cái nhìn của những nhà chính sách không phải là không quan trọng. Từ những kết quả khảo sát, tuy không hy vọng tìm kiếm một sinh lộ, nhưng chúng tôi thử nêu lên ý tưởng về tour du lịch làng nghề khép kín ở khu vực đông nam thành phố, cùng lúc, phân tích những triển vọng và thách thức của tuyến tour này khi thực hiện. Bởi đây có thể xem như trường hợp điển hình của bài toán “bảo tồn di sản văn hoá truyền thống” và “phát triển”, và cũng là nguồn tư liệu tham khảo cần thiết cho các nhà hoạch định chiến lược phát triển du lịch của tỉnh nhà.

2. Chúng ta đang sống giữa một tiềm năng…

Có thể hình dung, khi Huế là trung tâm, hệ thống làng nghề thủ công được xem như những vệ tinh quần tụ, có nơi mật tập, nơi thì hiện diện đơn lẻ v.v…, nhưng phải thừa nhận, trong một thời kỳ, chúng thực sự làm nên sức sống cho Huế. Từ vị trí trung tâm, có thể phân định thành ba nhóm: (1). Nhóm phía bắc: gốm Phước Tích, mộc Mỹ Xuyên, đan lát Phò Trạch, kim hoàn Kế Môn v.v…; (2). Nhóm vùng ven thành phố: đúc đồng Phường Đúc, phổ thêu Cẩm Tú, tranh gương Bao Vinh, Địa Linh, Tiên Nộn v.v…; (3). Nhóm phía đông nam: trướng liễn Chuồn (An Truyền), tranh giấy Sình (Lại Ân), hoa giấy Thanh Tiên/ Tân Lạng, làm kim, kéo thép, dây thau Mậu Tài, mộc Thanh Phước, muối Diêm Trường, Phụng Chính, dệt vải Dương Nỗ, Mỹ Lợi v.v… Trong các nhóm này, nhóm (3). có thể xem là mật tập và phong phú nhất.

Thuộc về khu vực đông nam, cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nhiều làng nghề đã mai một do mất đi nhu cầu và thị trường, hoặc bị thay thế bởi vật dụng cùng kỹ thuật hiện đại, nhưng một số khác vẫn tồn tại, chính nhờ vào sản phẩm gắn liền với chức năng tín ngưỡng của cộng đồng cư dân, dẫu cũng rất khó khăn. Đấy là “lợi thế” và cũng là “số phận”(1) của các làng nghề này, mà An Truyền, Thanh Tiên hay Lại Ân v.v… là những dẫn chứng tiêu biểu.

Làng Chuồn có tên chữ là An Truyền, một địa danh lưu dấu sâu đậm trong lòng người dân Huế và khu vực bởi những sản phẩm thủ công đặc thù. Vào khoảng tháng 8 - 11 âm lịch hàng năm, khi công việc đồng áng tạm thời kết thúc, người dân làng lại bắt tay vào bồi giấy, pha màu, soạn bộ bản khắc v.v… bắt đầu sản xuất những bộ trướng liễn vang danh khắp cả miền Trung. Có thể xem như loại tranh thờ, luôn được treo trang trọng ở vách giữa ngôi nhà, ngoài việc là phẩm vật tinh thần dâng cúng tiên tổ, trướng liễn còn là phương tiện giúp người dân làm mới lại mái tranh vách đất vốn rất đơn sơ trong dịp Tết đến (xem thêm: Nguyễn Hữu Thông, 1994; Hoàng Bảo, 2001). Nội dung (đôi câu thơ, cặp đối) với câu chữ đơn giản, dễ hiểu đối với lớp bình dân cũng là hình thức để gợi lại nếp nhà trong những khoảnh khắc “ôn cố tri tân”, và cũng là hình thức giáo dục đối với thế hệ con cháu bằng phương thức trực quan.

Cùng với trướng liễn, nón, bánh tét hay rượu Chuồn - một loại hảo tửu hiếm hoi của Huế cũng là những vật phẩm góp phần làm nên thương hiệu cho ngôi làng trong quá khứ. Có thể là ngẫu nhiên, nhưng hết thảy sản phẩm của ngôi làng này đều là phẩm vật sử dụng trong dịp tết lễ. Tiếng rao hàng của những gánh bánh tét Chuồn, những bộ trướng liễn treo bán ở chợ hay vệ đường, dưới gốc cổ thụ; chiếc nón bài thơ là những hình ảnh từng làm nên một phần ký ức của nguời dân Huế và khu vực.

Tương tự như An Truyền, bộ tranh thờ làng Sình (Lại Ân) cũng được thực hiện vào những lúc nông nhàn, đặc biệt vào dịp giáp Tết. Cũng bằng thủ pháp bồi điệp lên giấy dó, pha màu và in tranh bằng bảng khắc, người làng Sình đã làm nên những bộ tranh thờ khá nổi tiếng, được sử dụng hầu khắp trong hệ thống tín lễ dân gian. Có đến hơn 30 loại tranh thờ gắn liền với đời sống cá nhân và cộng đồng mà hiện nay chúng ta có thể nhìn thấy: tranh bà, tranh lợn, tờ bếp, bộ tranh thế mạng, 12 con giáp v.v… với nhiều mẫu mã khác nhau, phần nào phản ánh sự phong phú trong đời sống tín ngưỡng của người Việt miền Trung. Người ta thường mua tranh Sình cùng với ông Táo để cúng vào dịp Tết, cúng thế mạng vào những năm sao hạn, cúng ông, bà bổn mạng, và cúng cả cho gia súc khi chúng đau ốm, cũng như cầu mong chúng được mạnh khoẻ, chóng lớn (xem thêm: Nguyễn Hữu Thông, 1994; Hoàng Bảo, 2001; Nguyễn Thị Tuyết Nga & n.n.k, 2002; Nguyễn Hữu Thông - Nguyễn Phước Bảo Đàn - Tôn Nữ Khánh Trang, 2000).

Hình ảnh tất bật của người dân làng, sự nhộn nhịp của các bến sông khi những chiếc đò “tấp nập đến ăn tranh” trong những ngày cận Tết hiện nay đã không còn nữa, chúng nhanh chóng nhường chỗ cho sự tiêu điều, khi mà các loại hình tín ngưỡng dân gian được nhìn nhận như một loại mê tín dị doan cần bài trừ, và hình như từ đó, những tinh hoa bí truyền của nghề tranh cũng mai một dần. Hiện nay, ngôi làng đang dần phục hồi nghề làm tranh truyền thống với nguyên vẹn nhu cầu, nhưng quy mô càng lúc càng thu hẹp bởi sự cạnh tranh của thị trường và sự mất đi của những làng nghề bổ trợ.

Bên cạnh những nặng nhọc của nghề nông, hiện trên dưới 30 hộ gia đình ở Lại Ân vẫn còn nặng lòng với nghề tranh truyền thống. Vẫn nguyên vẹn chức năng, sản phẩm của họ hiện được bày bán ở nhiều phố thị - tuy rằng trên chất liệu và màu sắc đơn giản hơn nhiều. Tuy hiện nay, không ít người trong số đó vẫn còn nắm giữ yếu quyết nghề nghiệp, nhưng các bộ tranh Sình truyền thống óng ả chất điệp, hài hoà với hệ màu sắc tự nhiên chẳng còn hiện diện ở đây, nếu không được đặt hàng theo đúng yêu cầu.

Liền kề với nơi sản xuất tranh Sình/Lại Ân là làng Thanh Tiên, còn được gọi là Tân Lãn / Lạn, một tên gọi khá mơ hồ, nhưng lại rất hay trong cổ sử, là nơi sản xuất nhiều loại hoa giấy ngũ sắc. Sản phẩm hoa giấy của ngôi làng này mang tính chất tương tự như An Truyền hay Lại Ân, chúng được làm vào những lúc nông nhàn, dùng trong tín ngưỡng: cắm ở bàn thờ gia tiên vào mỗi dịp Tết; trang thờ Ông, Bà bổn mạng vào dịp vía lễ; hoặc trang thờ ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm. Tuy rằng, đã có sự vinh danh làng hoa này trong một không gian sắp đặt vào dịp Festival 2006, nhưng dường như mọi thứ vẫn muộn mằn và chưa thực sự kiếm tìm được một đầu ra ổn định một cách toàn tâm toàn ý.

Ngoài hình ảnh những cây chông rực rỡ sắc màu hoa giấy mang rao bán khắp phố phường vào dịp Tết - gợi nên sự rộn ràng trong lòng mỗi người, tô điểm cho những chuyến đò ngang, những con đò chằm dọc dòng Hương giang vào khoảng thời gian giao niên; làng Thanh Tiên còn là nơi nắm giữ những thủ thuật bí truyền trong nghề làm bông lùng, bông bụp - một loại hoa đặc trưng trên bàn thờ của Huế xưa (xem thêm: Nguyễn Hữu Thông, 1994; Hoàng Bảo, 2001).

Đấy là những ngôi làng thủ công tiêu biểu hiện còn của khu vực đông nam, bổ sung cho nó là bộ phận chủ nhân của những con tu huýt, tò he, những cái lùng tung, ve ve hay con bột, một thời từng là “thú chơi”, “niềm mong mỏi” của nhiều thế hệ trẻ thơ trong rổ chợ mỗi lúc bà, mẹ hay chị đi chợ về.

Những ngôi làng thủ công mang đầy đủ đặc trưng của vùng đất vẫn hiện hữu, vẫn sinh tồn, người dân vẫn cần mẫn tiếp nối vốn quý của cha ông. Và thực sự, chúng đã làm nên những mảng màu sinh động không thể thiếu trong bức tranh toàn cảnh của Thừa Thiên Huế trên nhiều góc nhìn.

3. … nhưng đã làm được những gì? Trong khi sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn luôn là nhu cầu không thể thiếu đối với nhiều đối tượng du khách.

Có thể khẳng định ngay rằng, người Huế và ngành du lịch Huế nói riêng đang có trong tay một tiềm năng phong phú, khi đồ thủ công mỹ nghệ luôn có sức sống bền vững trong lòng của nhiều thành phần du khách. Thế nhưng, trong khoảng thời gian vừa qua, số lượng du khách đến tham quan các làng nghề thủ công rất ít ỏi, đa phần là tự phát và trong những tour chưa được chủ trương tổ chức hợp lý.

Có thể nói rằng, người nước ngoài dần biết đến những sản phẩm thủ công đặc thù trên của Huế trong khoảng thời gian gần đây, mà không ít trong số họ đã đem lòng cảm mến qua những chương trình giao lưu văn hóa qua Hội Người Việt ở nước ngoài thực hiện. Những bức tranh Sình, trướng liễn Chuồn, hoa giấy Thanh Tiên, con bột, tu huýt, tò he v.v… đã hơn một lần hiện diện trên những đại sảnh sang trọng ở Đức, Pháp, Mỹ v.v…, làm nền cho việc giới thiệu văn hoá ẩm thực của Việt Nam, mà ngay người thợ, khi thực hiện những sản phẩm này, bản thân của họ cũng không ngờ tới.

Thế nhưng, trong cuộc trò chuyện gần đây với người dân ở những ngôi làng này, chúng tôi thực sự bất ngờ khi số du khách trong và ngoài nước tìm đến làng nghề quá ít ỏi, nếu như họ không là những nhà nghiên cứu quan tâm. Ông Kỳ Hữu Phước (nghệ nhân làng tranh Sình) nói rằng trong khoảng năm 2005 đến tháng 5/2006, có khoảng 06 lượt khách đến thăm làng của ông, chụp ảnh, xem làm và mua tranh, mà gần phân nửa là do Phân viện của chúng tôi đưa đến, số còn lại là tour du lịch Đường Mòn Đông Dương.

Làng Chuồn và Thanh Tiên cũng trong tình trạng tương tự.

Nhìn lại những tour tuyến du lịch ở Huế hiện nay, ngoài hệ thống di tích cung đình (Đại Nội, lăng tẩm, phủ đệ), chùa chiền, bảo tàng, các thắng cảnh nổi tiếng (Lăng Cô, Bạch Mã v.v…) được tổ chức chặt chẽ, những điểm đến khác, đều có thể nói rằng “không nằm trong quy hoạch”, “là tự túc”, “tự tìm kiếm”, “tự phát”. Đây là kết quả của rất nhiều nguyên nhân, mà mỗi ai trong chúng ta đều có thể nhận chân.

4. Ý tưởng về một tour du lịch làng nghề

Tất nhiên sẽ cần bàn cãi và thảo luận, nhưng một tour du lịch dần hình thành trong chúng tôi qua quá trình tiếp cận nghiên cứu trên địa bàn về nghề thủ công truyền thống. Chỉ riêng một lý do đơn giản: tại sao những trung tâm du lịch, tỉnh thành, vùng miền hay khu vực khác làm được mà chúng ta lại không? Chúng ta đang có trong tay nhiều tiềm năng trên góc nhìn kinh tế - du lịch nhưng lại đang đứng trước một thực trạng như thế, trong lúc những nơi khác, họ đã làm phong phú thêm tiềm năng, thậm chí thi vị hoá những hạn chế để làm thành một sản phẩm du lịch đắt giá, mà Hội An, Mai Châu, hay xa hơn là Chiangmai (Thái Lan) là ví dụ tiêu biểu.

Chúng tôi không quá lạm bàn về lý thuyết, nhưng phải chăng vị trí toạ lạc và sản phẩm thủ công đặc thù của làng Chuồn (nón - trướng liễn, ẩm thực bánh tét, rượu Chuồn), không quá cách xa với làng Sình (tranh tín ngưỡng), liền kế làng hoa giấy Thanh Tiên, tự thân đã là một tour du lịch khép kín với rất nhiều hoạt động bổ trợ.

Thoạt nhìn, có vẻ như tour tuyến du lịch làng nghề này quá đơn giản và kém phần sinh động, nhưng theo chúng tôi, chúng sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng tích cực bằng việc tạo nên “không gian cho chính du khách”, cùng nhiều hoạt động phụ trợ:

(1). Đơn giản nhất, ở đó, dưới sự hướng dẫn cụ thể, họ sẽ cùng thao tác với người thợ, cùng sinh hoạt v.v… và mua về sản phẩm do chính tay họ tự làm, hoặc thưởng thức những món ăn, phẩm vật do họ tự làm ra v.v… Đấy là những dấu ấn không nhỏ tạo nên nhiều cảm xúc trong chuyến tham quan. Điều mà nhiều địa phương khác đang thực hiện trong chiến lược thu hút du khách.

(2). Sản phẩm thủ công nghiêng về chức năng tín ngưỡng sẽ bó hẹp phạm vi sử dụng, nhưng ngược lại, tự thân đã là nền tảng cho việc chuyển đổi mẫu mã sang chuẩn mực trang trí với sự góp sức của nhiều ban ngành chức năng, mà Mỹ thuật Công nghiệp luôn nắm giữ vai trò quan trọng (xem thêm: Nguyễn Hữu thông, 2001; Nguyễn Phước Bảo Đàn, 2004a, b, c). Việc cùng với người dân, giúp họ chuyển đổi hình thức, mẫu mã sản phẩm vốn có thành loại hình trang trí nhưng không đánh mất bản sắc truyền thống vẫn là điều không quá khó. Hoa giấy Thanh Tiên, tranh Sình, trướng liễn Chuồn không những trở thành sản phẩm trang trí nội thất không tạo nên sự tương phản cũ - mới, mà còn đầy ắp sự kế thừa truyền thống sẽ là điều mà chúng ta lẫn nhiều thành phần du khách luôn hướng đến. Đấy cũng chính là sinh lộ cho làng nghề, tương tự như nhiều làng gốm khác ở khu vực phía bắc.

(3). Ngoài ra, tính hấp dẫn của tuyến du lịch này còn nhiều phụ thuộc vào việc hoạch định của bản thân các nhà làm du lịch. Họ sẽ làm tăng hấp lực với việc phân định thời gian, chặng đường, hay kết hợp giao thông thuỷ - bộ trong việc đi - về. Những thao tác để tạo tâm lý thoải mái, cảm nhận được sự thư giãn thực sự và thu hoạch được nhiều trong chuyến đi ở du khách sẽ là những dấu hiệu xác định sự thành công.

(4). Những điều tra về thực trạng, nghiên cứu tâm lý du khách, thị trường du lịch v.v.. hay sự vận động liên kết giữa các làng nghề ở một trung tâm giới thiệu làng nghề trên lộ trình tham quan như vừa thể nghiệm ở Phước Tích trong dịp Festival, hay đầu tư xây dựng hiện nay ở Phường Đúc cũng là thao tác cần thiết, góp phần định hình và phát triển tuyến du lịch này.

v.v…

5. Những triển vọng và thách thức

Tổ chức tour du lịch đến thăm làng nghề thành công luôn hứa hẹn nhiều triển vọng:

(1). Việc tăng thu nhập cho cộng đồng cư dân nhờ vào bán sản phẩm và kinh doanh dịch vụ tại chỗ là điều đầu tiên có thể nhìn thấy.

(2). Đời sống kinh tế được cải thiện và nâng cao sẽ là động lực giúp người dân tăng thêm phần tâm huyết, sự gắn bó với nghề nghiệp, và nghề truyền thống, vì thế, có thể xem được bảo tồn rất tốt. Tất nhiên, quá trình này phải diễn ra theo chiều hướng tích cực, trong tâm lý tỉnh táo của người dân và cả người tư vấn, nhằm tránh xu hướng thương mại hoá đơn thuần.

(3). Từ sự cải thiện đời sống của bộ phận cư dân ở các làng nghề thủ công, những chỉ số của ngành du lịch tỉnh nhà sẽ tăng trưởng đáng kể v.v…

Thế nhưng, bên cạnh nhiều triển vọng, những thách thức vẫn là không nhỏ khi:

(1). Tâm lý giấu nghề, sợ mất nghề của bản thân người thợ khi trực tiếp chỉ dẫn và thao tác cùng du khách như “bản tính thâm căn khó gột bỏ” mà nhiều công trình nghiên cứu từng đề cập (xem thêm: Nguyễn Hữu Thông, 2001).

(2). Nguy cơ mai một nghề truyền thống vì lợi nhuận, tiêu biểu là tình trạng thay đổi dây chuyền sản xuất hiện đại, tiện dụng và bán đi dụng cụ làm nghề truyền thống(2). Bởi suy cho cùng, tiêu điểm để du khách tìm đến tham quan chính là yếu tố truyền thống trong nghề. Gần đây, có ý kiến nêu rằng, một trong những “điểm chết” của làng gốm Bát Tràng chính bởi làng nghề này quá đổi mới công nghệ, trong lúc ấy, gốm thô Phù Lãng lại trở thành điểm thu hút bởi sự mộc mạc, thô tháp đầy chất dân gian.

(3). Tâm lý “ăn xổi ở thì” của người sản xuất hàng thủ công. Trong thời gian dài không có người tìm đến, khi có đơn đặt hàng thì thu giá cao đến mức không ngờ. Đây từng là tình trạng mà bản thân chúng tôi từng đối diện. Tuy không bàn đến nguyên nhân, nhưng có thể xem đây là trở lực đáng kể trong việc làm du lịch và thu hút du khách v.v…

Sẽ còn rất nhiều điều phải bàn. Những điều chúng tôi đề cập chỉ đơn thuần là ý tưởng, có chăng là một vài bước cần thiết trong quá trình thực hiện và một vài phân tích từ thực tế. Những ý tưởng thì luôn là trên giấy, đôi lúc được thảo luận khá sôi nổi trong các cuộc hội thảo, nhưng nếu chúng ta không bắt tay thực hiện thì vẫn mãi là ý tưởng. Mà ý tưởng thì không bao giờ mang lại nguồn sống cho cộng đồng cư dân, không thúc đẩy được sự phát triển kinh tế - xã hội, và tất nhiên, không bao giờ là một sản phẩm du lịch.

B.Đ
(253/03-10)


---------------
(1) Một khi sản phẩm thủ công của một làng nghề gắn liền với nhu cầu tâm linh tín ngưỡng cộng đồng, sản phẩm ấy tất yếu sẽ có sức sống dai dẳng. Nhưng rồi sự tồn tại dai dẳng ấy thực sự không tạo nên sức sống cho làng nghề bởi trong một năm, họ chỉ làm trong vài tháng (thường là giáp tết), tương ứng với lịch lễ hội của cộng đồng. Đây cũng có thể xem là một trong những đặc trưng của làng nghề thủ công ở Thừa Thiên Huế, khi hầu hết là nghề nông nhàn.
(2) Trong những cuộc khảo sát gần đây, chúng tôi nhận thấy “nhiều gương mặt mới” trong bộ dụng cụ làm tranh ở làng Sình, mà việc mua kỳ được một bản khắc gỗ truyền thống làm lưu niệm là tâm ý phổ biến ở nhiều thành phần du khách.
Tất nhiên, người thợ luôn có đủ tài hoa để làm lại nguyên bản bản khắc cũ, nhưng “yếu tố tinh thần” sẽ không bao giờ hiện hữu trên những tấm gỗ vuông thành sắc cạnh và ít bị lấm lem bởi màu sắc. Suy cho cùng là vì lợi nhuận, nhưng đây là một trong những nguyên nhân làm giảm đi hấp lực trong cái nhìn của du khách.



 

Các bài mới
Các bài đã đăng